Chắc chắn khi bắt đầu điều trị căn bệnh đái tháo đường của mình bằng insulin thì ai cũng sẽ có một chút bối rối và lo âu trong suy nghĩ. Việc giữ cho đường huyết ở trong khoảng mục tiêu cần một chút nỗ lực, bao gồm có một chế độ ăn cân bằng, tập thể dục và sử dụng thuốc, insulin được kê theo đơn của bác sĩ.
Khi tình trạng đường huyết của bạn gặp một chút rối loạn và khó khăn để kiểm soát hơn trước thì insulin như một chiếc phao giúp bạn nâng cao khả năng quản lý đường huyết, quản lý căn bệnh đái tháo đường của mình và giúp ngăn ngừa, làm chậm lại các biến chứng như bệnh thận và bệnh về mắt.
Dưới đây là 10 lời khuyên dành cho bạn để bắt đầu làm quen với liệu pháp insulin một cách dễ dàng hơn.
Mục lục
1. Gặp gỡ, trao đổi với bác sĩ của bạn
Làm việc cùng với bác sĩ là bước đầu tiên để bắt đầu sử dụng insulin. Các bác sĩ sẽ thảo luận và trao đổi với bạn cách sử dụng insulin một cách chính xác theo đơn thuốc, giải quyết các vấn đề bạn còn lo ngại và giải đáp các thắc mắc. Bạn cần giữ liên lạc với bác sĩ một cách thường xuyên, bao gồm tất cả các khía cạnh khác nhau của việc quản lý bệnh đái tháo đường và chăm sóc sức khỏe tổng thể của bạn.
2. Giữ tâm lý của bạn thoải mái
Việc sử dụng insulin không hề là một việc quá khó khăn như nhiều người vẫn nghĩ. Phương pháp tiêm insulin chỉ gồm có đó là bút, kim tiêm và bơm tiêm. Các bác sĩ sẽ hỗ trợ bạn tối đa xem loại thiết bị nào là tốt nhất cho bạn.
Có thể bạn ban đầu bạn sẽ sử dụng insulin tác dụng dài. Các bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên về thời điểm của các bữa ăn, thời điểm tiêm insulin để có tác dụng kiểm soát đường huyết. Có nhiều cách để dùng insulin mà bạn có thể thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình như bút insulin hoặc bơm tiêm insulin.
Khi nói đến việc sử dụng insulin thì không hề có một công thức chung dùng cho tất cả mọi người. Vì vậy nếu liệu pháp insulin hiện tại của bạn không đạt hiệu quả tốt thì bạn nên trao đổi với bác sĩ của mình nhé.
3. Tìm hiểu về insulin
Bác sĩ của bạn có thể giải đáp cho bạn các khía cạnh khác nhau của việc tự chăm sóc, quản lý bệnh đái tháo đường. Họ sẽ dạy cho bạn về cơ chế tác động của insulin, làm thế nào để quản lý nó và những dấu hiệu nhận biết được của tác dụng phụ
4. Kiểm tra đường huyết của bạn
Bạn nên trao đổi với bác sĩ của bạn về lịch kiểm tra đường huyết, bao gồm bạn cần làm những gì khi ở nhà, ở trường và trong khi đi du lịch. Ban đầu có thể bạn sẽ được yêu cầu test đường huyết thường xuyên hơn khi mới bắt đầu dùng insulin để chắc chắn đường huyết của bạn trong giới hạn mục tiêu.
Các bác sĩ sẽ điều chỉnh liều insulin của bạn theo thời gian dựa vào chỉ số đường huyết và các yếu tố như:
- Nhu cầu
- Cân nặng
- Tuổi
- Mức độ hoạt động thể lực
5. Đặt câu hỏi
Các bác sĩ sẽ có trách nhiệm giải đáp các thắc mắc của bạn về insulin và quản lý bệnh đái tháo đường. Hãy cố gắng cập nhật kiến thức thường xuyên, viết lại các câu hỏi của bạn vào tờ giấy hoặc điện thoại để hỏi vào những buổi khám lần sau.
Một điều cũng rất quan trọng là bạn nên ghi lại nhật ký đường huyết của mình, từ lúc đói, trước bữa ăn đến sau khi ăn.
6. Biết về các triệu chứng
Hạ đường huyết là một biến chứng xảy ra khi có quá nhiều insulin trong máu và không đủ glucose để cung cấp năng lượng cho não, cơ và các tế bào. Các triệu chứng xảy ra rất đột ngột và bạn cần biết để xử trí kịp thời, bao gồm:
- Cảm thấy lạnh
- Run rẩy
- Chóng mặt
- Tim đập nhanh
- Đói
- Cáu gắt
- Buồn nôn
- Lú lẫn
Bạn cần phải luôn mang theo bên mình nguồn carbohydrates nhanh nếu bạn đã từng bị hạ đường huyết. Đó có thể là viên glucose, kẹo ngọt hoặc hoa quả. Và bạn cần phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để có một kế hoạch hành động kịp thời trong trường hợp biến chứng xấu xảy ra.
Tăng đường huyết cũng có thể xảy ra. Tình trạng này xảy ra và phát triển một cách từ từ ngày qua ngày khi mà cơ thể bạn không có đủ lượng insulin. Các triệu chứng gồm có:
- Tăng cảm giác khát và đi tiều nhiều hơn
- Cảm giác yếu, mệt mỏi
- Khó thở
- Buồn nôn
- Nôn
Nếu đường huyết của bạn cao hơn giới hạn bình thường, hãy tới gặp bác sĩ nhé.
Các bác sĩ, y tá hoặc chuyên gia đái tháo đường sẽ dạy bạn, gia đình bạn về các triệu chứng của tăng hoặc hạ đường huyết, và điều gì cần làm khi các trường hợp đó xảy ra. Hãy chuẩn bị một cách cẩn thận và đầy đủ sẽ giúp bạn dễ dàng kiểm soát bệnh đái tháo đường hơn và tận hưởng cuộc sống.
7. Cố gắng giữ một lối sống lành mạnh
Có một chế độ ăn lành mạnh, cân bằng và tập thể dục đều đặn là cực kỳ quan trọng khi bạn sử dụng insulin. Chế độ ăn dinh dưỡng kết hợp với tập thể dục thường xuyên giúp giữ cho đường huyết của bạn luôn ở trong giới hạn. Bạn có thể cần kiểm tra đường huyết thường xuyên hơn và điều chỉnh các bữa ăn chính, bữa ăn phụ về thời gian, lượng thức ăn nếu các bài tập thê dục của bạn tăng dần về khối lượng.
8. Tự tin tiêm insulin
Hãy học tiêm insulin một cách đúng và chuẩn. Bạn nên tiêm insulin vào lớp mỡ dưới da, không phải vào cơ. Điều đó sẽ giúp tránh được sự hấp thu khác nhau ở mỗi lần tiêm. Những vị trí hay được lựa chọn để tiêm insulin gồm có:
- Bụng
- Đùi
- Mông
- Cánh tay
9. Bảo quản insulin đúng cách
Thông thường thì bạn có thể bảo quản insulin ở nhiệt độ phòng, kể cả khi lọ thuốc còn nguyên hoặc được mở từ 10 đến 28 ngày hoặc hơn. Điều đó phụ thuộc vào loại thuốc, cách đóng gói, loại insulin và cách bạn sử dụng. Bạn cũng có thể bảo quản insulin trong tủ lạnh từ 2-8ºC.
Dưới đây là một vài lời khuyên để bảo quản đúng cách:
- Luôn luôn đọc nhãn thuốc và sử dụng lọ thuốc đã mở trong thời gian khuyến cáo của nhà sản xuất
- Không bao giờ được để insulin trực tiếp dưới ánh sáng mặt trời, trong tủ đông hoặc gần nguồn nhiệt cao
- Không để insulin lại trong ô tô vì nhiệt độ trong ô tô thường dao động rất lớn
- Nếu bạn cần phải di chuyển đi xa thì nên để insulin trong túi cách nhiệt để tránh việc thay đổi nhiệt độ
10. Hãy chuẩn bị sẵn sàng
Luôn chuẩn bị, sẵn sàng để kiểm tra đường huyết của bạn. Kiểm tra xem que thử máu của bạn có còn hạn sử dụng hay không và bạn có bảo quản đúng cách hay không. Hãy mang theo vật nhận dạng bệnh đái tháo đường ví dụ như vòng đeo tay cảnh báo y tế hoặc để một tờ giấy trong ví với các thông tin liên lạc khẩn cấp.
Mục tiêu của kiểm soát bệnh đái tháo đường type 2 chính là quản lý đường huyết để ngăn ngừa các biến chứng có thể xảy ra. Sử dụng insulin không có nghĩa là bạn đã thất bại, sử dụng insulin chỉ là một biện pháp thông thường để bạn kiểm soát căn bệnh đái tháo đường một cách hiệu quả hơn mà thôi. Hãy cố gắng học hỏi tất cả các khía cạnh về liệu pháp insulin và bạn sẽ bước thêm một bước nữa trong công tác kiểm soát bệnh đái tháo đường rồi đấy.