Giống như nhiều giai đoạn phát triển của trẻ, giai đoạn 6 tuổi đặc trưng bởi những mâu thuẫn trong hành vi và tâm lý. Một đứa trẻ 6 tuổi sẽ có những bước đi vững chắc hơn so với khi bé còn là một học sinh mẫu giáo. Đồng thời, giai đoạn 6 tuổi chính là mở ra một cánh cửa mới hoàn toàn mới lạ và thú vị đối với cả bé và cha mẹ khi bé bước chân vào lớp 1. Bé sẽ gặp trường lớp mới, thầy cô mới, những người bạn mới và rất nhiều điều hấp dẫn đang sắp đến. Sự phát triển của trẻ 6 tuổi về vận động và thể chất cần sự can thiệp của cha mẹ, giúp con phát triển toàn diện hơn.
Dưới đây là thông tin về sự phát triển của trẻ cũng như cách chăm sóc trẻ 6 tuổi.
Xem thêm: Mẹo duôi dạy trẻ bắt đầu đi học, lứa tuổi từ 6, 7, 8 đến 9 tuổi
Mục lục
Phát triển thể chất của trẻ 6 tuổi
Dường như chỉ sau một đêm, con bạn đã biến hình từ một đứa trẻ mũm mĩm thành một học sinh mới với thân hình rắn chắc hơn.
Chiều cao:
- Bé trai: 111,2– 121cm; trung bình: 116cm
- Bé gái: 109,7 – 119,6cm; trung bình: 115,1cm
Cân nặng:
- Bé trai: 18,4 – 24,6kg; trung bình: 20,5kg
- Bé gái: 17,3 – 22,9kg, trung bình: 20,2 kg
Tỷ lệ mỡ trong cơ thể thấp nhất so với các lứa tuổi nên nhìn trẻ có vẻ gầy ốm. Mỗi tháng cân nặng của trẻ tăng từ 100g – 150g. Chiều cao mỗi tháng tăng khoảng 0.5cm/tháng.
Phát triển vận động
Khi được 6 tuổi, trẻ sẽ thể hiện một loạt các kỹ năng thể chất mới. Một số có thể thể hiện tinh thần yêu thể thao trong khi một số trẻ khác thích những trò chơi đơn giản. Cũng sẽ có một sự thay đổi tự nhiên về tốc độ tăng trưởng, với một số trẻ bắt đầu tăng vọt lên trong khi những trẻ khác tăng trưởng với tốc độ chậm hơn.
Hầu hết trẻ 6 tuổi sẽ có nhiều năng lượng và sẽ cần thời gian ở ngoài trời để đốt cháy năng lượng. Hoạt động thể chất sẽ rất quan trọng vì hầu hết trẻ em ở độ tuổi này dành rất nhiều thời gian trong lớp học. Trên thực tế, các nghiên cứu cho rằng tập thể dục có lợi cho chức năng nhận thức của trẻ.
Phối hợp vận động tinh cũng sẽ tiếp tục phát triển ở độ tuổi này. Nhiều đứa trẻ 6 tuổi sẽ trở nên lão luyện hơn trong việc vẽ, viết chữ, hình ảnh và câu chuyện của chúng sẽ trông dễ nhận biết và dễ đọc hơn nhiều. Các bé cũng sẽ trở nên thành thạo hơn trong việc sử dụng các công cụ như kéo và sẽ có thể thực hiện các động tác tốt hơn như buộc dây giày hoặc thắt nút với độ chính xác cao và ít vụng về hơn.
Trẻ 6 tuổi có có tầm nhìn như sắc nét gần như người lớn, tăng nhận thức về cơ thể, khả năng cân bằng tốt hơn. Khả năng phối hợp chuyển động, tức kỹ năng vận động cùng lúc nhiều nhóm cơ thể hiện sắc nét hơn. Theo lứa tuổi này, trẻ 6 tuổi có thể nhảy, nhảy chân sáo, nhảy cò cò, kết hợp đi bộ cân bằng trên những bậc thềm thấp.
Những dấu mốc quan trọng
Kỹ năng vận động thô
- Nhảy chân sáo
- Ném và chụp quả bóng nhỏ chính xác
- Khả năng đá bóng tốt hơn vào khung thành
- Nhảy suốt được 15m
- Cầm vợt vụt khi chơi cầu lông
- Chạy được xe đạp 2 bánh mà không cần bánh phụ
- Kiểm soát được thăng bằng khi chơi đùa, chạy nhảy
- Mang vác được vật cồng kềnh
- Tự tin tham gia các hoạt động phong trào trong lớp học và sân chơi
Kỹ năng vận động tinh
- Sử dụng bút chì thuần thục để viết, vẽ và tô màu bằng cách di chuyển ngón tay
- Vẽ hình người đầy đủ các tính năng cơ thể, có chú ý đến hình dạng và chi tiết
- Sử dụng kéo khéo léo để cắt nhiều hình dạng
- Gấp và cắt giấy thành hình
- Cầm bút chì giữa ngón cái và ngón trỏ
- Vẽ được nhiều hình học, như 3 đường thẳng song song, đường chéo
- Viết được tên và nhiều từ khác
- Sử dụng thành thục nhiều công cụ và chất liệu bằng tay, như làm thủ công, như nặn đất sét
- Có thể tự cột dây giày
Trí não
- Biết về màu sắc, kích thước và phân biệt được to nhỏ
- Bắt đầu hiểu khái niệm tương đương, ví dụ bình chứa ngắn và rộng, hoặc cao và hẹp đều chứa được cùng một lượng nước bằng nhau
- Phân biệt được cao-thấp, lớn-bé, toàn phần -một phần
- Hiểu được khác niệm thời gian: hôm nay, ngày mai, hôm qua
- Nhận biết các mùa trong năm và những ngày lễ lớn
- Sắp xếp các vật thể từ nhỏ nhất đến lớn nhất, bé nhất tới cao nhất, nhẹ nhất tới nặng nhất.
- Hiểu được rằng lượng của một vật vẫn giữ nguyên dù thay đổi hình dáng, ví dụ: một nắm đất sét là cùng một lượng khi được làm phẳng, hoặc khi nước được đổ vào bình cao bình rộng đều có lượng nước như nhau
- Gọi đúng tay trái-tay phải
- Hiểu đơn vị cơ bản nhất của tiền tệ: Đồng
Mẹo nuôi dạy con
Chơi các trò chơi thể chất với con của bạn. Ném bóng, nhảy dây hoặc trèo qua chướng ngại vật. Đây là thời gian tuyệt vời để trẻ rèn luyện các kỹ năng phối hợp, điều này có thể giúp chúng cảm thấy tự tin hơn vào bản thân.
Vừa chia tay môi trường mầm non và bước vào con đường học tập, trẻ 6 tuổi hiếu động và tò mò đưa đến việc gia tăng nguy cơ tai nạn. Bạn nên duy trì việc giám sát và cảnh giác con về nguy cơ gây thương tích cho con, chẳng hạn khi con tham gia giao thông, đi dã ngoại, leo núi…
Phát triển cảm xúc của bé 6 tuổi
Khi được 6 tuổi, con bạn sẽ nhận thức rõ hơn về cảm xúc của chính mình và của những người khác. Bé có thể hiểu các khái niệm tinh vi, như không làm tổn thương cảm xúc của ai đó bằng cách nói gay gắt, cáu kỉnh hay chỉ trích.
Trẻ em ở độ tuổi này cũng có thể ngày càng thể hiện mong muốn tự chọn quần áo, tự giặt đồ và chải tóc. Cha mẹ có thể khuyến khích sự độc lập này và hướng dẫn bé cách làm. Chẳng hạn, bạn có thể để trẻ tự tắm, nhưng cuối cùng hãy giúp đỡ bé tắm sạch, hoặc gợi ý một chiếc áo len và quần bó nếu trời quá lạnh để đến trường thay vì một chiếc váy mà bé thích.
Tình bạn và các mối quan hệ xã hội khác với các bạn học và người lớn trở nên phức tạp hơn và có ý nghĩa hơn ở độ tuổi này, khi bé nhận thức rõ hơn về thế giới xung quanh và vai trò của bé trong đó.
Những dấu mốc quan trọng
- Thích thể hiện tài năng
- Phát triển kỹ năng tự kiểm soát được cải thiện
- Cho thấy khả năng duy trì sự ổn định cảm xúc
- Tự chải tóc
- Tự biết xì mũi
- Gấp quần áo
- Cột dây giày với sự giúp đỡ của người lớn
- Nhìn chăm chú vào người khác khi trò chuyện và khi nghe giảng trên lớp
- Tự xử lý nhiều vấn đề trong lớp học, phản ứng nhanh và tập trung vào công việc đang làm.
Mẹo nuôi dạy con
Khi trẻ 6 tuổi, tâm lý dễ pha trộn, thay đổi nhanh, vừa khó đó nhưng cũng cười ngay đó, đôi khi vừa khóc vừa cườ,…Trẻ rất nhạy cảm, dễ tủi thân nếu ba mẹ không chú ý, buồn nếu bị mắng và thường cảm thấy rất có lỗi nếu làm sai việc gì. Trẻ cũng hiếu thắng, luôn mong muốn mình phải làm tốt, làm đúng mọi việc.
Thành công là một nguồn hứng thú của trẻ. Trẻ lúc này cũng đã biết thắng thua, được mất. Có trẻ đã xuất hiện bản tính ganh đua từ rất sớm. Thêm vào đó, trẻ rất thích thú với các hình tượng cụ thể từ các bộ phim, truyện tranh trẻ xem nên trẻ dễ đặt hình tượng lý tưởng cho bản thân mình.
Giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 6 tuổi này có thể là một cơ hội tốt để giáo dục nhân cách của trẻ, cơ hội này đòi hỏi ba mẹ phải nghiêm khắc nhưng dịu dàng và hòa nhã với các hành vi ứng xử của trẻ. Bạn hãy hạn chế cho trẻ 6 tuổi tham gia những trò chơi mang tính cạnh tranh cao. Bạn hãy chọn cho trẻ những trò chơi và hoạt động ngoài trời lạnh mạnh, mang tính liên kết với các thành viên khác để dạy bé biết yêu thương, chan hòa và chấp nhận mọi người xung quanh mình.
Mỗi một đứa trẻ đều như tờ giấy trắng, rất trong sáng và hồn nhiên. Tuy vậy, trong quá trình phát triển, về mặt tâm lý sẽ dần hình thành nên trạng thái xung đột hai chiều. Điều này được minh chứng ở một số hành vi, ví dụ như có lúc trẻ sẽ có lòng vị tha, trắc ẩn nhưng cũng có lúc trẻ trở nên ích kỷ, chỉ biết đến lợi ích của mình.
Đây là lúc bạn cần cố gắng kiềm chế, không nổi giận và trách mắng hay ra lệnh cho trẻ. Nên hướng dẫn trẻ học cách chia sẻ, giải quyết hợp lý các tình huống cũng như thể hiện cảm xúc một cách đúng đắn. Cha mẹ nên khuyến khích và khen ngợi khi trẻ bắt đầu có những hành vi ứng xử tốt.
Lòng nhân ái, vị tha là hành trang quý giá, là nền móng của những mối quan hệ tốt đẹp sau này. Vì thế, nhất thiết phải trang bị cho trẻ, nhất là khi trẻ đang ở trong giai đoạn phát triển nhân cách hết sức quan trọng này.
Tương tác xã hội
Gia đình có tầm quan trọng nhất đối với con trẻ. Nhưng ở tuổi lên sáu, bắt đầu làm quen với trường lớp, tình bạn ngày càng trở nên quan trọng với trẻ. Khả năng giao tiếp và tương tác với trẻ đồng trang lứa và với những người khác ngoài gia đình là một phần quan trọng trong quá trình trưởng thành của trẻ. Trẻ 6 tuổi của bạn cũng sẽ trở nên thành thục hơn trong việc điều hướng các mối quan hệ với bạn bè và gia đình và sẽ cảm thấy an toàn và thoải mái từ mối quan hệ của họ với những người gần gũi với họ.
Trẻ thường xuyên thích chia sẻ đồ ăn, đồ chơi và những thứ khác với bạn bè ở trường và ở nhà. Điều đó không có nghĩa là không xảy ra sự cạnh tranh và xô xát với đồ chơi yêu thích giữa các bé, nhưng xung đột sẽ qua đi và các bé sẽ ngày càng đạt được các kỹ năng xã hội để một ngày nào đó tự mình tìm ra cách giải quyết mà không cần sự can thiệp của người lớn.
Những dấu mốc quan trọng
- Chơi với bạn cùng giới và đồ chơi theo giới tính
- Hiểu quan điểm của người khác và hoà nhập vào cộng đồng bằng cách thiết lập hành vi phù hợp với việc kết bạn mới
- Quan tâm nhiều hơn đến tình bạn và tinh thần đồng đội
- Muốn được yêu thích và chấp nhận bởi các bạn
- Biết chia sẻ với người khác
- Bắt chước thế giới người lớn bằng trò chơi đóng vai
- Hiểu về lòng tự trọng, lòng biết ơn, xấu hổ, lo lắng, ganh tị
- Tự nói với bản thân để bình tĩnh hơn trước sự việc gì đó
- Tuân theo luật lệ
- Có nhiều nỗi sợ: sợ chó, sợ ma, sợ sấm sét…
Về mặt ngôn ngữ, trẻ có các dấu mốc sau:
- Nói và hiểu hơn 8000 từ
- Nói được những phụ âm r, v, th…
- Nói năng dần lưu loát với ngữ pháp đúng, thứ tự rõ ràng và câu tuân theo cấu trúc
- Nhớ nhiều bài hát và giai điêu trên tivi
- Sử dụng số nhiều, các thì thích hợp và câu hỏi
- Bắt chước tiếng lóng và từ chửi thề. Thích nói chuyện hay hát trong phòng tắm.
- Thể hiện cảm xúc cá nhân trong từng ngữ cảnh giao tiếp cụ thể, chẳng hạn bực và to tiếng khi bị giành đồ chơi, hào hứng khi có chuyện vui.
- Nhận ra được chữ cái và âm thanh
Mẹo nuôi dạy con
Trẻ 6 tuổi của bạn sẽ có thể hiểu cảm xúc của người khác tốt hơn nhưng có thể cần một vài lời nhắc nhở từ bạn. Đặt những câu hỏi như, “Con nghĩ bạn sẽ thấy thế nào khi con không cho bạn chơi?” Con trẻ vẫn muốn chơi một mình với đồ chơi của mình mặc dù bé cũng muốn chơi cùng bạn bè. Trẻ có thể chia sẻ và hợp tác trong các trò chơi vận động, trò chơi nhập vai. Trẻ bắt đầu học cách tuân theo quy định, mặc dù vẫn còn đó tính cách trẻ con: giận dỗi, mè nheo và ganh tị với anh chị hoặc trẻ em khác
Dạy dỗ một đứa trẻ khi chúng bắt đầu bước chân vào tiểu học là một việc không dễ dàng. Bạn cần cân bằng giữa việc học kiến thức với việc chuẩn bị kỹ năng cần thiết để trẻ bước vào cuộc sống ngoài xã hội. Đó là khả năng điều chỉnh cảm xúc, kiềm chế bốc đồng, khả năng tập trung, đồng cảm với người khác, đạo đức, sự hiếu học…
Trẻ em, độ tuổi này có nhận thức đúng và sai rất lớn, và có thể nói những người xung quanh về ý kiến của trẻ. Đặc biệt, đây là độ tuổi trẻ dễ học những thói quen xấu từ người xung quanh. Cũng không ít các bậc cha mẹ, do thói quen hay vô ý, thường xuyên nói tục bên cạnh trẻ, đã khiến cho không ít bé bị “nhiễm độc” vì những lời lẽ tệ hại đó, đến khi phát hiện ra thì đã trở thành một thói quen khó bỏ. Vì thế trong lời ăn tiếng nói đối với trẻ, bạn cần phải thận trọng, một mặt quan tâm đến việc giúp cho trẻ phát triển được năng lực làm chủ ngôn ngữ, nhưng cũng cẩn thận không nói tục trước mặt trẻ.
Hầu hết trẻ 6 tuổi đang tiếp tục phát triển các kỹ năng xã hội và sẽ có thể xử lý các tình huống phức tạp hơn ở trường và ở nhà. Khả năng có những suy nghĩ phức tạp thực sự bắt đầu phát triển ở độ tuổi này, và sự tò mò của một đứa trẻ 6 tuổi về thế giới xung quanh sẽ bắt đầu tăng theo cấp số nhân.
Hoạt động vui chơi và học tập
Hầu hết trẻ 6 tuổi sẽ ngày càng hiểu được sự khác biệt giữa “cuộc sống thực” và “tưởng tượng”. Các bé có thể trở nên thích thú hơn khi làm những việc “thực tế” như chụp ảnh thật bằng máy ảnh hoặc làm đồ ăn thật thay vì giả vờ nấu ăn trong bếp chơi. Các bé có thể thích đọc truyện đơn giản và sẽ có thể tự hào kể lại câu truyện cơ bản và thảo luận về các yếu tố mà bé thích hoặc không thích về câu chuyện hoặc nhân vật.
Những dấu mốc quan trọng
- Tham gia vào các hoạt động nhóm đơn giản hoặc trò chơi trên bàn
- Xem đồng hồ
- Sao chép các hình dạng phức tạp, chẳng hạn như hình viên kim cương
Mẹo nuôi dạy con
Mặc dù con bạn có thể tự đọc, hãy tiếp tục đọc cùng nhau. Nghe bạn đọc sẽ mở rộng vốn từ vựng của bé hơn nữa. Điều quan trọng là đôi khi để bé đọc to cho bạn nghe.
Nhiều đứa trẻ 6 tuổi có thể muốn làm mọi thứ một cách hoàn hảo, điều này có thể gây khó khăn cho bản thân nếu thành tích của chúng không tốt như chúng muốn (nếu chúng thua trong một trò chơi hoặc không được điểm cao như chúng mong muốn).
Ở tuổi này, trẻ thường xem mọi thứ rõ ràng như đen trắng và sẽ bày tỏ ý kiến mạnh mẽ về mọi thứ. Bé có thể thấy một cái gì đó tốt và một cái gì đó khác là xấu, và sẽ gặp khó khăn khi nhìn thấy cái gì đó ở giữa 2 thái cực này.
Vẫn còn mơ màng giữa tuổi mẫu giáo và tuổi tiểu học, trẻ 6 tuổi vẫn còn ý nghĩ mình là cái rốn vũ trụ. Trẻ luôn cho rằng mình đúng. Nội tâm của trẻ rất mong manh khi lần đầu tiên nhận ra sự tồn tại của các quan điểm từ bạn bè khác với quan điểm của mình. Trẻ 6 tuổi không thể bình tĩnh chấp nhận sự thua cuộc hay bị chỉ trích, đổ lỗi. Thay vào đó, trẻ sẽ cãi lại, có thể nói dối hay làm mọi cách để có thể chiến thắng. Cột mốc 6 tuổi ở trẻ là giai đoạn nhạy cảm, bạn nên chủ động khuyến khích và có phương pháp khen ngợi trẻ đúng thời điểm. Bạn hãy cho trẻ nhận thấy rằng, sai lầm hay thất bại là điều bình thường và trẻ có thể cố gắng hơn sau những sai lầm trẻ mắc phải. Điều bạn nên tránh là so sánh trẻ với bạn của chúng, điều này vô tình làm tăng tính cạnh tranh khốc liệt ở trẻ. Bạn nên chú ý tới trẻ thật nhiều đồng thời giúp trẻ cảm thấy hài lòng về bản thân mình ở độ tuổi này.
Giai đoạn này, trẻ bắt đầu học về các quy tắc, nội quy của lớp học, nhà trường và xã hội. Trẻ sẽ bắt đầu khủng hoảng vì áp lực từ những quy tắc đó. Tâm lý trẻ 6 tuổi xuất hiện sự phản kháng và chống đối những lời giáo huấn của cha mẹ, bởi vì trẻ không dám chống đối thầy cô – những người lạ trẻ mới gặp. Trẻ có thể giả bộ như không nghe thấy yêu cầu từ ba mẹ hoặc câu giờ trước khi làm theo. Nếu ba mẹ không nghiêm khắc theo sát, trẻ sẽ lợi dụng sự thiếu sâu sát của ba mẹ và trốn tránh việc thực thi.
Trẻ 6 tuổi của bạn có thể bắt đầu thể hiện mong muốn riêng tư khi mặc quần áo hoặc cởi quần áo (mặc dù nhiều bé vẫn tắm với cha mẹ và yêu cầu mẹ hoặc bố gội đầu).
Khi nào cần đưa trẻ đi khám
Lên 6 tuổi, các bé sẽ bước vào lớp một. Đây có thể là lần đầu tiên bé tới lớp, tuân theo các quy tắc nghiêm ngặt của trường hoặc tập trung vào việc học trong thời gian dài. Bé có thể tiếp thu nhanh hoặc chậm. Bạn nên đưa bé đến gặp bác sĩ nhi khoa nếu bạn thấy bất kỳ vấn đề nào sau đây:
- Buồn bã, lo lắng, hoặc chán nản
- Rất quấn mẹ, không chịu rời mẹ
- Không tương tác với mọi người
- Gặp khó khăn khi làm theo chỉ dẫn hai phần như “Đặt túi xuống và sau đó mang cho mẹ quả bóng”.
- Không có hứng thú trong học tập, thường xuyên xao nhãng
- Có nhiều hành vi thách thức hoặc chống đối.
Các mốc quan trọng khác
Nếu răng sữa mọc sớm thì thường chúng cũng sẽ rụng sớm. Ngược lại mọc răng muộn thì bé có thể giữ răng sữa lâu hơn. Quá trình thay răng sữa bắt đầu từ răng cửa đến răng hàm, răng sữa rụng đến đâu thì răng vĩnh viễn mọc lên ngay đến đấy. Đa số trẻ em rụng chiếc răng sữa đầu tiên vào khoảng 6 tuổi (có khi sớm hơn thì 4 tuổi, hoặc muộn hơn có khi đến 7 tuổi).
Điều quan trọng là cần dạy bảo trẻ về sâu răng sữa ngay từ khi còn bé, như thế khi đến 6 tuổi các bé đã có thể tự chăm sóc tốt răng sữa của mình và răng vĩnh viễn khi mới bắt đầu mọc. Càng hiểu biết nhiều về cách giữ răng chắc khỏe, các bé sẽ càng sớm hình thành thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách và duy trì suốt đời.
Trong cuộc sống hàng ngày, trẻ có thể thấy rất nhiều tình huống về sự gian dối ở trường, ở nhà, từ bạn bè của chúng, và từ những người xung quanh. Khi đó chúng ta cần chỉ cho trẻ thấy những hậu quả của việc không trung thực. Chúng ta đều biết rằng trẻ học bằng cách bắt chước, vì thế khi nhìn thấy cha mẹ không thành thật chúng cũng sẽ làm theo. Ví dụ, nếu bạn nói với một người bạn không thể ra ngoài vào buổi tối nhưng sau đó lại đi với người khác, con bạn sẽ học theo vì nghĩ đó là điều bình thường và chẳng có hại gì cả.
Vậy nên, cha mẹ hãy trở thành tấm gương để con noi theo, hãy hành động và cư xử để trẻ hiểu rằng trung thực luôn là quyết định tốt nhất
Dinh dưỡng cho trẻ 6 tuổi
Một trong những cách quan trọng nhất để giúp trẻ có thói quen ăn lành mạnh là cho trẻ thấy những tấm gương có thói quen ăn tốt. Bạn sẽ chẳng bao giờ khuyến khích con mình ăn uống lành mạnh nếu chính bạn không ăn thức ăn lành mạnh. Nói cách khác, khi chúng ta có những lựa chọn thông minh hơn, ví dụ như lúc đói thì ăn trái cây thay vì bánh quy nhiều chất béo, từ đó trẻ sẽ biết cách tốt hơn để nạp thêm năng lượng cho cơ thể.
Bên cạnh đó, hãy cho bé có cơ hội cùng bạn chuẩn bị và chế biến thức ăn, chúng sẽ hiểu được cách làm nên những món ăn lành mạnh như thế nào. Trẻ con rất thích đồ ngọt, vì thế hãy chia sẻ cho con bạn biết về mối nguy hại của sâu răng hay béo phì với những tấm gương cụ thể khi thấy chúng ăn quá nhiều đồ ngọt. Quan trọng là bạn không tận tay đưa cho chúng những loại đồ ăn nhiều đường.
Chính thức bước vào lớp 1, nếu học bán trú, bé chỉ còn bữa sáng và bữa tối là ăn tại nhà thôi. Thực đơn cho bé cũng bắt đầu phong phú hơn theo “yêu cầu” của bé. Độ tuổi này trẻ sẽ cần khoảng 1600kcal mỗi ngày. Trẻ đang tuổi lớn nên cần nhiều năng lượng. Tuy nhiên, bạn cũng đừng sốt ruột mà ép con ăn liên tục, bồi bổ thật nhiều. Nếu quá dư thừa năng lượng, bé rất dễ thừa cân, béo phì và cảm thấy mặc cảm khi đi học do bị bạn bè trêu chọc. Cần cho bé ăn đủ lượng cần thiết chứ không dư thừa. Ngoài ra, bạn nên cho con vận động ngoài trời, tập chạy bộ, làm quen với những môn năng khiếu như bơi lội, bóng rổ, thể dục nhịp điệu… Ở tuổi này, bé đã có thể học được tất cả những môn đó.
Hãy tập cho bé uống sữa và ăn sữa chua tối thiểu 1 lần/ngày. Bé cần tối thiểu 1 hộp sữa chua và 1-2 ly sữa nưóc. Nếu bạn cung cấp không đủ, bé sẽ rất dễ thiếu canxi, khó phát triển chiều cao hoàn hảo. Nếu bạn thấy bé thừa cân cũng không nên cắt giảm sữa và sữa chua. Trường hợp đó, có thể chuyển sang sữa chua không đường hoặc sữa tươi không đường cho trẻ uống.
Những điều cần nhớ khi trẻ 6 tuổi
Mặc dù điều quan trọng là đảm bảo con bạn đạt được các mốc phát triển nhưng tránh so sánh con bạn với tất cả những đứa trẻ khác cùng tuổi. Đến 6 tuổi, một số sẽ giỏi âm nhạc, một số giỏi toán hoặc một số giỏi kể chuyện. Chỉ vì con bạn không có kỹ năng trong một lĩnh vực nhất định không có nghĩa là chúng đứng sau bạn bè. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển của con bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa hoặc gặp gỡ với giáo viên của con bạn.
Đi học lớp một là một bước tiến lớn đối với trẻ em và phụ huynh, vì vậy thật dễ hiểu nếu bạn lo lắng về việc liệu con bạn đã sẵn sàng để bắt đầu đi học. Vào những buổi đầu cho bé đi học, bạn nên trao đổi với thầy cô về đặc điểm của bé, những sở thích và những bước tiến mà bé đã đạt được.
Xem thêm: Sự phát triển của trẻ 7 tuổi, cách chăm sóc và mẹo nuôi dạy trẻ