Hầu hết các trẻ 7 tuổi thể hiện sự khao khát học hỏi không ngừng và sẽ có một sự tò mò, hứng thú bất tận về mọi thứ trên thế giới. Hiện tại, các bé đang là những nhà thám hiểm, nhà khoa học nhí, và thường đặt một vạn câu hỏi về mọi thứ từ lý do tại sao bầu trời có màu xanh cho đến em bé đến từ đâu.
Ở tuổi này, các bé cũng rất tự hào khi chia sẻ kiến thức về mọi thứ và thường thích thể hiện những kỹ năng mà các bé đã thành thạo.
Đối với một đứa trẻ 7 tuổi, sẽ có một cảm giác tự tin ở trường xuất phát từ việc đã quen với các bạn trong lớp. Trẻ sẽ không còn cảm giác bỡ ngỡ như ngày đầu mới vào lớp một. Các trẻ thường sẽ cảm thấy tự hào về việc đạt được các kỹ năng đọc và làm toán cơ bản. Đôi khi, các trẻ có thể muốn thảo luận về những gì chúng đã học được ở trường với cha mẹ, ông bà và người thân.
Hiểu rõ các mốc phát triển mà bé có thể đạt được và cách chăm sóc để nuôi dạy bé một cách tốt nhất.
Xem thêm: Mẹo duôi dạy trẻ bắt đầu đi học, lứa tuổi từ 6, 7, 8 đến 9 tuổi
Mục lục
1. Phát triển thể chất
Đối với trẻ 7 tuổi, sự phát triển thể chất sẽ thiên về sự tinh tế hơn là những thay đổi lớn. Con của bạn sẽ tiếp tục phát triển chiều cao với tay chân rắn chắc hơn lúc bé còn đi học mẫu giáo trước đây đồng thời các vận động, thao tác của trẻ trở nên chính xác hơn.
Chiều cao:
- Bé trai: 118– 124,8cm; trung bình: 121,7cm
- Bé gái: 118,3 – 123,4cm; trung bình: 120,8cm
Cân nặng:
- Bé trai: 19,2– 25,3kg; trung bình: 22,5kg
- Bé gái: 18,8 – 24,3kg, trung bình: 22,4 kg
2. Phát triển vận động của trẻ 7 tuổi
Ở tuổi này, trẻ sẽ phát triển khả năng phối hợp và cân bằng tốt hơn và có thể học cách thực hiện nhiều kết hợp hơn với các kỹ năng vận động của mình, chẳng hạn như di chuyển xung quanh trong khi nhảy múa. Càng hoạt động nhiều về thể chất, các kỹ năng này càng phát triển nhanh.
Trẻ 7 tuổi đã có sự phối hợp phát triển tốt và luôn đầy tràn năng lượng, luôn muốn thể hiện khả năng thể chất của mình. Trẻ có thể ném, bắt hoặc đá quả bóng, lái xe đạp 2 bánh và thực hiện các thao tác tay thuần thục. Bé nhiệt tình tham gia các hoạt động thể chất như bơi lội, nhảy múa, chơi thể thao, chơi patin, trượt ván… Khả năng vận động tinh của trẻ 7 tuổi cũng phát triển nhanh chóng. Hầu hết trẻ đều tự ăn và tự thay trang phục dễ dàng, viết câu cú rõ ràng và sử dụng dụng cụ học tập khéo léo như kéo, kim… Trẻ thích làm mô hình, vẽ tranh, tô màu, làm thủ công…
Trong khi cha mẹ của trẻ em ở độ tuổi đi học ít có khả năng nhìn thấy những thay đổi nhanh chóng và mạnh mẽ trong sự phát triển thể chất của trẻ trong những năm đầu thì trẻ 7 tuổi lại trải qua giai đoạn phát triển vận động mạnh mẽ.
Những dấu mốc quan trọng
Kỹ năng vận động thô
- Chạy xe đạp 2 bánh
- Phối hợp vận động kỹ thuật, như chơi nhảy lò cò chẳng hạn
- Bắt được quả banh tennis bằng 1 tay
- Chạy lên xuống cầu thang
- Đạt được nhiều điểm nhấn quan trọng về thể chất
- Các động tác ném, đá, đấm gãy gọn và sắc nét
- Tự tin tham gia các hoạt động tập thể trên lớp và ngoài sân chơi
- Nhảy qua dây cao cách mặt đất khoảng 30cm
Kỹ năng vận động tinh
- Cầm nắm và dùng viết chì dễ dàng, di chuyển ngón tay để viết, vẽ tốt thay vì phải di chuyển cả cánh tay và cổ tay như trước đây.
- Viết chữ cái alphabet và số từ 1-20
- Dần dần viết chữ nhỏ hơn, với kích thước và khoảng cách chữ đều nhau hơn
- Cắt được các mảnh không xác định hình dáng, dùng keo dán chính xác
- Ý thức được bên trái – bên phải
- Thiết lập ánh nhìn khi giao tiếp với người khác
- Sao chép nhiều hình dạng phức tạp hơn bằng cách sử dụng các đường cong
- Sử dụng thành thục nhiều công cụ và chất liệu, tự tay làm thủ công tay
- Vẽ người với đầy đủ các bộ phận, thêm các phụ kiện như quần áo, đồ trang sức, nón mũ…
Trí não
- Hiểu được từ đồng nghĩa – trái nghĩa
- Hiểu và làm theo được các hướng dẫn từng bước (khoảng 5 bước)
- Hiểu các khái niệm trong lớp học
- Hiểu được cuộc trao đổi của những đứa trẻ khác
- Hiểu và làm theo các quy tắc về ngữ pháp trong hội thoại và văn bản]
- Hiểu được ngày trong tuần
- Hiểu được thời gian và cách báo giờ
- Hiểu về các tháng và mùa trong năm
- Tự đọc sách
- Bắt tay vào việc được phân cho tới khi hoàn tất
- Hiểu các khái niệm về không gian và thời gian theo những cách hợp lý và thực tế, ví dụ: Một năm là một thời gian dài, 100 km là xa
- Học cách sử dụng quy định chung và kiến thức để xử lý thông tin. Ví dụ trẻ hiểu được “Đọc đoạn giới thiệu để biết cách chơi trò này”. Đọc xong, trẻ tìm được cách giải trò chơi
- Hiểu được một từ có cách đọc riêng và được thể hiện bằng con chữ
- Bắt đầu nắm bắt các khái niệm về bảo tồn ví dụ: Hình dạng của một thùng chứa không nhất thiết phản ánh số lượng nó có thể trữ
- Đoán được từ bỏ trống bằng cách sử dụng kiến thức ngữ pháp, ví dụ Người thợ sơn…. cầu thang, điền vào từ “ngã”
- Sử dụng logic phức tạp để cố gắng tìm hiểu sự việc, ví dụ tìm đồ chơi thất lạc, trẻ sẽ cố nhớ món đồ chơi cầm sang nhà bạn, rồi xem tivi để quên trên ghế…
- Khả năng đặt giả thuyết và giải quyết vấn đề, dù các vấn đề này không phải đang diễn ra ngay trước mặt trẻ
- Cộng và trừ số nhiều chữ số; Học phép nhân và chia
- Đọc được số có 3 chữ số, ví dụ hiểu 437 là bốn trăm ba mươi bảy
- Đếm ngược từ 20 tới 1
- Học được cách lọc thông tin dài và xác định ý nào quan trọng
- Làm theo các chỉ dẫn khá phức tạp và ít lặp lại
Mẹo nuôi dạy con
Bạn hãy tổ chức các hoạt động thể chất vui vẻ để bé cùng tham gia cùng cả nhà hoặc bạn bè. Chơi thể thao, đi đến các sự kiện cộng đồng và chơi ngoài trời. Trẻ em hoạt động thể chất sẽ phát triển các kỹ năng thể chất tốt hơn so với những trẻ ít vận động.
Bạn cần cho trẻ lời khuyên và nhắc nhở thường xuyên về vấn đề an toàn: tuân thủ đèn đường khi tham gia giao thông, cách vượt qua đường an toàn, cẩn thận khi đến gần sông suối ao hồ, tránh người lạ tiếp cận, cách nào gọi người lớn tới giúp đỡ… Luôn luôn giám sát khi con đi bơi lội, chơi gần vùng nước.
3. Sự phát triển cảm xúc
Cảm xúc của trẻ 7 tuổi khác xa so với những gì khi bé học mầm non hoặc mẫu giáo lớn. Hầu hết trẻ 7 tuổi có khả năng xử lý cảm xúc của mình tốt hơn và biết quan tâm tới cảm xúc của người xung quanh. Mặc dù chúng có thể chưa thể tự kiểm soát bản thân như ở tuổi 10 hoặc 12, nhưng chúng thường có thể chịu đựng được khi gặp tình huống bất ngờ.
Tuy nhiên, trẻ 7 tuổi vẫn cần có được sự thoải mái từ các thói quen. Khi thế giới của một đứa trẻ ngày càng mở ra và sự chú ý của chúng tập trung nhiều hơn vào những thứ và những người bên ngoài gia đình, chúng sẽ dựa nhiều hơn vào những thứ chúng có thể mong đợi, như thời gian trong gia đình, thói quen đi ngủ và bữa ăn gia đình.
Ngược lại, nhiều đứa trẻ 7 tuổi cũng sẽ cảm thấy không an toàn về bản thân và có thể tự đổi lỗi cho chính bản thân trẻ. Đối với một đứa trẻ 7 tuổi, không nhận được một cái gì đó nhìn chính xác theo cách chúng muốn hoặc thua một trò chơi có thể làm tổn thương lòng tự trọng của chúng. Cha mẹ, giáo viên và những người lớn khác có thể giúp đỡ bằng cách khuyến khích thường xuyên và giúp trẻ tập trung vào những gì chúng có thể học được từ một hoạt động thay vì những gì không đúng.
Những dấu mốc quan trọng
- Thể hiện sự độc lập trong việc chăm sóc bản thân
- Tự dùng dao để cắt, phết bơ
- Biểu hiện khiêm tốn, nhận thức và phát triển cảm giác riêng tư
- Có trách nhiệm trong công việc hàng ngày, như dọn bàn, dọn giày dép
- Tự lựa chọn trang phục phù hợp
- Hiểu và làm theo lịch trình hàng ngày: dậy đi học, về nhà tắm rửa, học bài
- Nhận thức về cơ thể, sự tăng trưởng của bản thân, so sánh mình với bạn bè
- Hình thành quan điểm riêng về giá trị đạo đức và thái độ
- Nhìn chăm chú vào người khác khi trò chuyện và khi nghe giảng trên lớp
- Tự xử lý nhiều vấn đề trong lớp học, phản ứng nhanh và tập trung vào công việc đang làm.
- Tự cột dây giày một mình
- Thích tham gia câu lạc bộ đội nhóm
- Mô tả cảm xúc, chẳng hạn như nói “Con rất thích đến công viên”
- Quản lý cảm xúc tốt hơn, đặc biệt là trong các tình huống ở nơi công cộng.
Mẹo nuôi dạy con
Sử dụng kỷ luật để hướng dẫn con bạn và giữ chúng an toàn, thay vì trừng phạt chúng và khiến chúng cảm thấy tồi tệ về bản thân. Hãy nói con có hành vi chưa đúng chứ đừng nói rằng con là một đứa trẻ hư đốn.
Bước qua giai đoạn lớp 1, con trẻ đã quen với nếp sinh hoạt kỷ luật theo trường lớp. Môi trường học đường, ý thức kỷ luật tác động vào tâm lý trẻ 7 tuổi. Con tự nhiên hình thành tính thích lập kỷ luật. Trẻ có thể lên kế hoạch cho mỗi ngày, và cố gắng thực hiện chúng. Trẻ 7 tuổi đặc biệt chú trọng tới việc hoàn tất nhiệm vụ, hoàn thành thật tốt các “nhiệm vụ” đặt ra, và không muốn bị mắng.
Quá trình đang tập tành với kỷ luật, đôi lúc trẻ sẽ stress vì không đạt được kế hoạch. Bạn có thể giúp con lập vài thời khóa biểu sơ đẳng:
- Đến trường đúng giờ
- Soạn tập vở, dụng cụ đầy đủ
- Tổ chức họp gia đình hàng tuần, phân trách nhiệm cho trẻ phụ giúp việc nhà, lên kế hoạch nghỉ ngơi.
Trẻ 7 tuổi phát triển nhiều tính cách tuyệt vời. Bạn sẽ thấy con phát triển khả năng tự kiểm soát bản thân và có tinh thần ổn định hơn. Trẻ cũng thể hiện cách hành xử lịch sự, yêu mến gia đình, bạn bè. Trẻ rất thích nghe bố mẹ kể về giai đoạn khi mình mới sinh ra, quá trình con lớn và nhiều mẫu chuyện vui về mình. Trẻ rất tự hào về gia đình, bố mẹ.
Trẻ 7 tuổi thường tranh cãi và tranh luận với các bạn. Trẻ dễ giận nhưng cũng dễ làm lành, nên người lớn tốt nhất đừng can thiệp vào việc này. Những khi con đánh nhau, tốt nhất tách hai đứa trẻ ra, cho con có thời gian suy nghĩ, sau đó chúng sẽ tự làm lành với nhau.
Trẻ 7 tuổi chuyển sở thích chơi các trò nhập vai sang chơi theo luật định. Con bắt đầu học cách phân công, làm theo trật tự. Điều này dẫn đến xung đột nảy sinh, việc này lý giải chuyện hay cãi nhau, giận hờn của con. Bố mẹ không can thiệp nhưng không phải là bỏ mặc con. Bạn nên quan sát và dạy con cách ứng xử phù hợp khi trẻ hết giận và bình tĩnh hơn.
Bạn nên cho con tham gia các lớp hướng đạo, các lớp học kỹ năng sống có người lớn dẫn dắt, hoặc tham gia các câu lạc bộ thể thao. Điều này giúp con nhận định được vai trò và cách hành xử của người lãnh đạo, từ đó thay đổi ý thức của mình.
4. Tương tác xã hội
Nhiều đứa trẻ 7 tuổi vẫn sẽ thích chơi với bạn bè nhưng có thể bắt đầu thích dành nhiều thời gian hơn một mình, chơi một mình hoặc đọc sách. Trên thực tế, thời gian một mình thể là một phần quan trọng trong sự phát triển của trẻ về ý thức về bản thân và các mối quan hệ của chúng với người khác.
Trẻ sẽ bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến ý kiến và suy nghĩ của người khác. Nhược điểm của giai đoạn phát triển tự nhiên này của trẻ là tăng tính nhạy cảm với áp lực bên ngoài. Trẻ cũng sẽ tiếp tục phát triển sự đồng cảm và ý thức mạnh mẽ về đạo đức và sự công bằng.
Khi những đứa trẻ 7 tuổi lớn lên và mở rộng tầm nhìn về xã hội, chúng thường trở nên gắn bó tự nhiên với những người lớn khác bên cạnh cha mẹ, như giáo viên, cô chú hay thậm chí là cha mẹ của một người bạn.
Hầu hết trẻ 7 tuổi có nhiều khả năng đặt mình vào vị trí của người khác và vượt qua xung đột, mặc dù những vụ xô xát và cảm giác tổn thương vẫn có thể bùng phát ở tuổi này.
Những dấu mốc quan trọng
- Chia sẻ kiến thức với người khác
- Thể hiện năng lực để hiểu hành động và cảm xúc của người khác
- Đối xử với các bạn với sự tôn trọng khi chơi trò chơi cùng nhau
- Tham gia những trò chơi tuân thủ luật lệ
- Tự giải quyết mâu thuẫn không cần sự can thiệp của người lớn
- Hiểu được sở thích và sức mạnh của bạn bè
- Mong muốn được có góc không gian riêng: góc học tập, tủ quần áo riêng
- Tham gia các hoạt động và môn thể thao đồng đội
- Học cách trò chuyện với bạn: thương lượng, tranh luận, lắng nghe, cách bắt đầu và kết thúc cuộc trò chuyện
- Có bạn học đồng giới
Về mặt ngôn ngữ, trẻ có các dấu mốc sau:
- Có thể nói và hiểu hơn 15.000 từ
- Giao tiếp hiệu quả trong lớp học và ngoài sân chơi công cộng
- Sử dụng điệu bộ để miêu tả khi giao tiếp
- Biết sử dụng điện thoại để giao tiếp
- Nói lưu loát và miêu tả được sự vật phức tạp
- Đọc to rõ
- Hiểu được ngữ pháp và các thì
- Mô tả về nhân vật và địa điểm sử dụng ngôn ngữ chính xác và phức tạp hơn
- Sử dụng cử chỉ để minh họa các cuộc hội thoại
- Viết thư cho bạn bè và gia đình bao gồm nhiều miêu tả có tính sáng tạo và chi tiết
- Sử dụng các ngôn ngữ bí mật hoặc ngôn ngữ mật mã với bạn bè
- Dùng câu phức và câu ghép thành thục
Mẹo nuôi dạy con
Đây có thể là một độ tuổi tuyệt vời để dạy con bạn về ý nghĩa của việc trở thành một công dân tốt của xã hội. Bạn có thể nói về cách làm từ thiện hoặc những cách trẻ có thể giúp bảo vệ môi trường.
Ở tuổi lên 7, trẻ có xu hướng nội tâm và suy nghĩ nhiều hơn những năm trước đó. Đây là một tiến trình phát triển dẫn tới sự cảm nhận của nội tâm ở tám tuổi. Trẻ sẽ lo sợ về khả năng thành công khi làm những thứ mới mẻ ở trường và về liệu trẻ có được chấp nhận bởi các đứa trẻ khác.
Từ suy nghĩ mình là cái rốn của vũ trụ, trẻ bắt đầu ý thức được việc trở thành thành viên của tập thể. Trẻ chấp nhận sự thua cuộc tốt hơn là năm sáu tuổi. Trong giai đoạn này, trẻ có thể phạm phải những lỗi lầm do bắt chước người khác: Nói dối, ăn cắp vặt, đánh nhau…
Bố mẹ nên theo dõi và thể hiện thái độ rõ ràng cho con biết đâu là hành xử sai khó chấp nhận, nên chỉ rõ cho trẻ trước khi con phạm lỗi. Khi con phạm lỗi, bạn nên phân tích con đã phạm những lỗi nào, tác hại của hành xử đó, và cho con thời gian suy ngẫm về bản thân. Tuyệt đối không đánh mắng con, thay vào đó nên dùng kỷ luật không nước mắt sẽ hiệu quả hơn.
5. Hoạt động vui chơi và học tập
Trẻ 7 tuổi thích chơi bên ngoài trời với các trẻ khác. Bảy tuổi là lúc để trẻ làm quen với các môn thể thao, nhảy múa, tập võ và các môn vận động, trẻ sử dụng khả năng thể chất mới của mình và xây dựng kỹ năng của trẻ trong lĩnh vực này.
Đồng thời, trẻ vẫn giữ thói quen chơi trong nhà một mình. Con sẽ dành thời gian ngồi một mình để lắp ráp các mô hình ô tô, siêu nhân, Lego hoặc chơi búp bê. Bạn sẽ nhận thấy con bắt đầu thích sưu tập và sắp xếp đồ chơi của mình, xem đó như tài sản riêng và niềm tự hào của con.
Kỹ năng học tập và trí nhớ được cải thiện giúp trẻ trở nên sáng tạo hơn. Đây là thời gian tuyệt vời để khuyến khích con bạn tham gia vào các hoạt động nghệ thuật.
Hầu hết trẻ 7 tuổi sẽ tham gia các trò chơi ở sân chơi với các bạn cùng trang lứa. Trẻ có xu hướng chơi các môn thể thao tốt hơn ở độ tuổi này.
Những dấu mốc quan trọng
- Đặt tên cho các nhân vật, vấn đề và giải pháp trong sách hoặc chương trình
- Giải các bài toán đố
- Sử dụng các chiến lược ngày càng phức tạp và sáng tạo để giải quyết vấn đề
Mẹo nuôi dạy con
Kết hợp các kỹ năng toán học mới của một đứa trẻ 7 tuổi vào cuộc sống hàng ngày và làm cho dễ hiểu hơn bằng cách chơi các trò chơi toán học trong nhà bếp, trên các chuyến đi đường và thậm chí trong cửa hàng tạp hóa. Và vì trẻ em thích chơi trên máy tính, một số trò chơi toán học trực tuyến có thể là một cách tuyệt vời để khiến trẻ rèn luyện các kỹ năng toán học trong khi vui chơi.
Trẻ 7 tuổi vẫn thích gắn bó với bố mẹ, đôi lúc cuối tuần vẫn muốn ngủ cùng phòng bố mẹ. Bạn nên dành nhiều thời gian cho con, cùng con chơi cờ, nấu ăn hoặc đi công viên…
Đến 7 tuổi, ảnh hưởng của máy tính và trò chơi điện tử bắt đầu gia tăng trong cuộc sống của con trẻ. Nếu bạn cho phép truy cập vào máy tính hoặc máy tính bảng ở nhà, bạn đặt chế độ kiểm soát vào tivi, máy vi tính, youtube và nhiều kênh khác, đảm bảo trẻ không truy cập được vào những nội dung không phù hợp.
Nếu cho phép con sử dụng điện thoại, tốt nhất bạn chỉ mua cho con điện thoại thông thường không truy cập Internet. Trẻ ở tuổi này hiểu biết công nghệ và khá… ranh ma, con có thể lách được sự kiểm soát của bố mẹ. Sử dụng nhiều thiết bị điện tử quá là điều không nên. Trẻ sẽ hạn chế các hoạt động vận động ngoài trời, tăng nguy cơ tăng cân và ảnh hưởng trí óc.
Con trẻ ngày càng chủ động và độc lập. Bạn cần cho trẻ lời khuyên và nhắc nhở thường xuyên về vấn đề an toàn: tuân thủ đèn đường khi tham gia giao thông, cách vượt qua đường an toàn, cẩn thận khi đến gần sông suối ao hồ, tránh người lạ tiếp cận, cách nào gọi người lớn tới giúp đỡ… Luôn luôn giám sát khi con đi bơi lội, chơi gần vùng nước.
Các mốc quan trọng khác
Mặc dù nhắc nhở về việc rửa tay và đánh răng vẫn sẽ cần thiết, cha mẹ của những trẻ 7 tuổi có thể cho phép chúng tự làm vệ sinh cá nhân hàng ngày.
Giờ đây, khi trẻ 7 tuổi có sự phối hợp vận động tinh để có thể sử dụng chỉ nha khoa, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ biến việc sử dụng chỉ nha khoa thành một phần trong thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày. Nhiều đứa trẻ 7 tuổi sẽ thay răng sữa và có răng vĩnh viễn, điều này có thể mang lại cho chúng vẻ ngoài dễ thương nhưng khá buồn cười vì miệng và khuôn mặt của chúng vẫn chưa phát triển hoàn chỉnh.
Nhiều đứa trẻ 7 tuổi cũng có thể muốn tự tắm một mình mà không có cha mẹ. Phụ huynh có thể vẫn cần giám sát để xem liệu trẻ đã xả sạch dầu gội chưa. Đây là giai đoạn trẻ thích tự mình làm tất cả mọi việc
Khi nào cần đưa trẻ đi khám
Trong khi nhiều trẻ em tiếp thu rất nhanh các kỹ năng viết và làm toán, những đứa trẻ khác có thể sẽ gặp khó khăn. Có rất nhiều nguyên nhân, từ việc không thích học tập đến các vấn đề tập trung hay không thích lớp học.
Trong nhiều trường hợp, các vấn đề học tập có thể được xử lý ngay khi chỉ cần thêm một chút hướng dẫn từ giáo viên hoặc phụ huynh. Trong các trường hợp khác, trẻ em có thể cần sự hỗ trợ đặc biệt hoặc sự giúp đỡ trong môi trường lớp học. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển của con bạn hoặc bạn nhận thấy bất cứ điều gì làm bạn lo lắng, hãy nói chuyện với bác sĩ. Điều quan trọng là đảm bảo con bạn đi đúng hướng để mọi vấn đề có thể được giải quyết càng sớm càng tốt.
6. Dinh dưỡng cho trẻ 7 tuổi
Giờ đây, khi trẻ đã được 7 tuổi, thì trẻ đã biết mình thích ăn gì và đã tự ăn rồi. Tuy nhiên, đối với những trẻ lười ăn hay biếng ăn thì việc có một thực đơn dinh dưỡng ngay cả khi trẻ đã được 7 tuổi vẫn là điều hết sức cần thiết.
Trong giai đoạn này trẻ cần rất nhiều nguồn năng lượng để có thể hỗ trợ cho các hoạt động của mình. Vậy nên việc cung cấp nguồn dinh dưỡng cho trẻ khi trẻ đã được 7 tuổi là việc mà tất cả các bậc phụ huynh đều phải lưu ý, hơn thế nữa, nếu trẻ không được cung cấp đầy đủ nguồn dinh dưỡng thiếu yếu thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của các bé.
Tinh bột, ngũ cốc các mẹ có thể cung cấp cho trẻ từ cơm, bánh mì, phở, nui, mì, ngũ cốc… Lượng tinh bột trẻ 7 tuổi cần cho mỗi bữa ăn có thể như sau: 1 chén cơm hoặc bánh mì, nui, hoặc 2/3 chén ngũ cốc lúa mì, 1 bánh bông lan vừa…
Đối với trẻ 7 tuổi thì hàng ngày trẻ nên ăn đầy đủ rau xanh và trái cây các loại. Thực đơn tham khảo cho mỗi bữa ăn là: 1 trái chuối hoặc táo, lê, hoặc 2 trái mận hoặc 1 ít quả nho. Về rau củ, ba mẹ có thể cho trẻ dùng ½ củ khoai tây hoặc khoai lang, cà rốt, bí đỏ, nửa chén rau bông cải xanh, bó xôi, rau dền, mồng tơi…
Đây là giai đoạn trẻ đang phát triển mạnh, do vậy mà mỗi phần ăn cho trẻ có thể là 1 ly sữa 250ml hoặc 2 lát phô mai, 1 hũ sữa chua. Đối với chất đạm, mỗi lần ăn, ba mẹ nên cho trẻ dùng thịt, cá, trứng, đậu hạt như 65g thịt bò, heo nạc, cừu, bê, heo đã qua chế biến, một tuần chỉ nên ăn tối đa 455g hoặc 80g thịt gà nạc đã qua chế biến hoặc 100g phi lê cá hoặc 170g đậu hũ hoặc 2 cái trứng hoặc 30g đậu phộng, hạnh nhân, hạt hướng dương. … để bổ sung nguồn dinh dưỡng thiết yếu cho trẻ.
Những điều cần nhớ khi trẻ 7 tuổi
Tâm lý trẻ 7 tuổi nằm trong giai đoạn chuyển tiếp các mối quan hệ song song. Trẻ sẽ tìm được sự cân bằng giữa cá tính cá nhân với tập thể, thông qua các trò chơi có tổ chức. Giai đoạn này con tự lập nhưng vẫn rất ngây thơ, dễ thương. Bạn đừng bỏ qua giai đoạn thiên thần này của con, dành thời gian bên con nhiều hơn nhé. Ba mẹ cũng có thể giúp đỡ con trong các bài tập khó để con cảm thấy mình được quan tâm, giảm căng thẳng cho con.
Thầy cô giáo lúc này có vai trò cực kỳ quan trọng – đó là giúp trẻ hình thành các thói quen và kỹ năng. Do đó, việc chọn cho con một môi trường học tập thích hợp là nền tảng, giúp con hình thành đặc tính tốt trong giai đoạn đầu cấp một.
Bạn hãy để trẻ tham gia lên kế hoạch cho chuyến du lịch, nghỉ ngơi thư giãn cuối tuần. Con sẽ cảm nhận được sự tôn trọng và tin tưởng mà người lớn dành cho mình.
Xem thêm: Trẻ 8 tuổi: Các mốc phát triển, cách chăm sóc và nuôi dạy trẻ