Vượt qua giai đoạn 10 tuổi, bây giờ bé yêu của bạn đã chính thức bước vào trường cấp hai. Đi chơi với đứa trẻ 11 tuổi của bạn có thể thực sự thú vị khi chúng bắt đầu hiểu thế giới và trò chuyện như những người lớn thu nhỏ.
Tuy nhiên, cảm xúc và hành vi của trẻ trong độ tuổi dậy thì, đặc biệt là đối với các bé gái có thể gây khó chịu và khó khăn cho các bậc phụ huynh. Ở tuổi 11, trẻ đối mặt một loạt thay đổi cơ thể và hormone quan trọng, chuẩn bị cho tuổi dậy thì. Khả năng nhận thức ngày càng cao và có sự trưởng thành về mặt tình cảm.
Từ các thay đổi phức tạp ở trường đến các thay đổi về thể chất có thể gây nhầm lẫn và bối rối cho một đứa trẻ mười một tuổi. Dậy thì là một khoảng thời gian khó khăn đối với trẻ và gia đình. Hiểu rõ các mốc phát triển cũng như sự thay đổi về cảm xúc, sinh lý và bạn có thể giúp bé vượt qua giai đoạn này dễ dàng hơn.
Xem thêm: 10 lời khuyên nuôi dạy trẻ 10, 11, 12 tuổi dành cho các bậc cha mẹ
Mục lục
Phát triển thể chất của trẻ 11 tuổi
Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp từ ấu thơ sang trưởng thành, trong độ tuổi từ 10 – 19 tuổi. Đây là giai đoạn phát triển đặc biệt mạnh mẽ và phức tạp nhất trong cuộc đời mỗi con người, bao gồm sự phát triển mạnh mẽ về thể chất, sự biến đổi tâm lý và các quan hệ xã hội, bước đầu hình thành nhân cách trưởng thành nên thường phát sinh nhiều rối nhiễu về tâm lý nhất so với các lứa tuổi khác. Tất cả các dấu hiệu đó là dấu hiệu của tuổi dậy thì.
Tuổi 11 thường có những thay đổi lớn về thể chất. Đối với các trẻ gái, tuổi dậy thì có thể đã bắt đầu trong khi các bé trai thường tới muộn hơn (khoảng 12 tuổi), nhưng không có gì lạ khi bé trai bắt đầu dậy thì vào lúc 11 tuổi.
Ở các bé gái 11 tuổi, những thay đổi về thể chất bao gồm tăng mỡ cơ thể, lớp mỡ dưới da phát triển dày lên, mọc lông mu, lông nách, hông mở rộng, da và tóc nhiều dầu hơn, và bắt đầu có kinh nguyệt. Với trẻ gái thì xương chậu to và rộng ra để phục vụ cho việc sinh đẻ sau này, vú to dần, núm vú lồi lên và mỗi ngày một to (để có thể tiết sữa nuôi con sau này).
Những thay đổi về thể chất ở con trai có thể bao gồm cơ bắp phát triển hơn, thay đổi giọng nói (giọng nói trở nên ồm ồm), tóc và da nhiều dầu hơn, bắt đầu mọc lông nách, lông mặt và lông mu, phát triển bộ phận sinh dục.
Các trẻ đang nhận ra sự thay đổi lớn trên cơ thể của mình, vì vậy có thể có một chút lúng túng về thể chất khi lần đầu tiên gặp.
Những dấu mốc quan trọng
- Có dấu hiệu dậy thì
- Chữ viết được cải thiện và khả năng sử dụng nhiều công cụ được cải thiện
- Tăng trưởng bứt phá và kèm theo đau hoặc chuột rút; nhu cầu ngủ và ăn nhiều hơn
Mỗi trẻ sẽ có những sự phát triển không giống nhau về mức độ nhưng nhìn chung tất cả trẻ sẽ phát triển cả bên trong lẫn bên ngoài biểu hiện rõ nét là thông qua chỉ số chiều cao và cân nặng. Bé gái sẽ dậy thì trước bé trai 1-2 năm vì vậy cùng 11 tuổi nhưng nhìn bé nam thường nhỏ con hơn.
Chiều cao cân nặng trung bình của bé trai 11 tuổi là:
- Chiều cao: 136cm-141cm
- Cân nặng: 35-39kg
Chiều cao cân nặng trung bình của bé gái 11 tuổi là:
- Chiều cao: 138cm-143cm
- Cân nặng: 36-40kg
Mẹo nuôi dạy con
Việc trò chuyện với con về những gì con đang trải qua khi bước vào giai đoạn dậy thì là rất quan trọng. Thông thường người cùng giới sẽ dễ trò chuyện, chia sẻ những điều thầm kín với nhau hơn. Do đó, bạn hãy trò chuyện với con về vấn đề này nếu bé yêu của bạn là con gái. Còn ngược lại nếu bé yêu là con trai, bạn hãy nhờ chồng hay một người thân khác giới trong gia đình trò chuyện với con.
Nếu bé trai tỏ ra thích thú với việc cạo râu, bạn hãy hướng dẫn con cách cạo râu, làm vệ sinh dao cạo sạch sẽ sau mỗi lần cạo. Bạn hãy lưu ý bé không dùng chung dao cạo để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Hãy trò chuyện với con về những thay đổi của cơ thể, hướng dẫn con làm vệ sinh cá nhân một cách thoải mái, trên tinh thần chia sẻ bí quyết, tránh áp đặt. Bạn nên giúp bé hình thành thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi tắm, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân… nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các vi khuẩn gây bệnh.
Bạn hãy hướng dẫn bé cách vệ sinh cá nhân đúng, tắm rửa thường xuyên để hạn chế mùi của cơ thể. Với bé gái, hãy hướng dẫn con không thụt rửa âm đạo tránh nhiễm khuẩn, làm vệ sinh vùng kín theo nguyên tắc từ trước ra sau. Hãy cho bé mặc áo con khi đi học hay khi tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể dục thể thao.
Trẻ ở giai đoạn này tuy không còn nhỏ nhưng chưa đủ lớn khôn, bạn nên tập cho con thói quen ăn mặc kín đáo, không thay đồ khi có đông người… nhằm tránh nguy cơ bị lạm dụng.
Phát triển vận động
Các mốc phát triển vận động
Vận động thô
- Tham gia các môn thể thao theo nhóm (bóng đá, bóng chuyền, tennis vv) nhưng vẫn cần phát triển thêm kỹ năng phức tạp cần thiết
- Có thể bơi lội giỏi (nếu được học)
- Sức mạnh cải thiện đáng kể, giúp chạy nhanh hơn, ném bóng xa hơn, nhảy cao hơn và ném bóng chính xác hơn.
- Tự tin tham gia nhiều hoạt động trong lớp học và ngoài sân chơi
- Gia tăng hiểu biết về khả năng thể chất và cách thể hiện trước mặt người khác.
Vận động tinh
- Có thể vẽ được hình phối cảnh theo tuyến tính, luật xa gần, luật đường chân trời….
- Khả năng viết tay nhuần nhuyễn và trôi chảy. Trẻ có thể sử dụng nhiều từ viết tắt, từ lóng theo lứa tuổi của mình.
- Viết tốt, viết thẳng hàng dù không có đường kẻ ô
- Bắt đầu hình thành nét chữ riêng với tốc độ viết nhanh, dễ đọc.
Mẹo nuôi dạy con
Ở lứa tuổi này, trẻ sẽ có những lúc phải ở nhà một mình, hoặc về nhà trước khi cha mẹ đi làm về. Không có quy tắc tuyệt đối về độ tuổi trẻ hoàn toàn tự tin ở nhà một mình, tự chăm lo cho bản thân mình. Bạn chỉ nên cho con ở một mình khi chắc chắn rằng con biết các quy tắc an toàn, cách giải quyết tình huống và biết nên nhờ ai hỗ trợ trong trường hợp khẩn cấp.
Phát triển cảm xúc
Hãy sẵn sàng cho một chuyến đi cảm xúc đầy “bão tố” với đứa trẻ 11 tuổi của bạn. Một khi đứa trẻ bước vào tuổi dậy thì, tâm trạng của trẻ có thể như một tàu lượn siêu tốc vừa đau khổ vừa hạnh phúc.
Mặc dù nhiều đứa trẻ 11 tuổi vẫn nghe theo định hướng của gia đình và luôn coi người lớn là những người có thẩm quyền, nhưng đây cũng là lúc chúng bắt đầu nghi ngờ về người lớn và có thể có những lần đầu tiên thực hiện hành vi nguy hiểm như uống rượu, hút thuốc hoặc tự làm hại bản thân.
Những dấu mốc quan trọng
- Phát triển kỹ năng ra quyết định tốt hơn
- Bắt đầu đặt câu hỏi về sự cho phép của người lớn
- Bắt đầu chống lại hành động tình cảm từ người lớn
- Bắt đầu đặt câu hỏi về các giá trị xã hội, liên tưởng lại các giá trị của riêng mình và các nguyên tắc đạo đức
- Thể hiện sự tự tập trung cao độ. Trẻ lo lắng việc bạn bè nghĩ gì về mình
- Hiểu về sự cần thiết của thái độ chịu trách nhiệm, và hậu quả mà việc làm ấy có thể mang đến cho người nào đó
- Thể hiện nhận thức về cơ thể
- Gia tăng hiểu biết về tính dục, bắt đầu có những cảm nhận về giới tính. Một số trường hợp, trẻ có biểu hiện “cảm nắng” bạn khác phái.
- Xử lý tự tin trong công việc và tổ chức nhóm
- Biết phát triển kế hoạch chi tiết và danh sách việc cần làm để đạt được mục tiêu
- Ánh nhìn tập trung vào người khác khi trò chuyện và khi nghe giảng trên lớp
- Tự xử lý nhiều vấn đề trong lớp học, phản ứng nhanh và tập trung vào công việc đang làm.
- Chịu trách nhiệm tự chọn quần áo, tự sắp xếp đồ đạc cá nhân. Trẻ tự giác làm, thực hiện các công việc có trách nhiệm hơn
Mẹo nuôi dạy con
Mặc dù những đứa trẻ 11 tuổi bắt đầu phát triển tính cách của riêng mình trong một nhóm xã hội, nhưng chúng vẫn chưa phản đối khái niệm gia đình. Hãy cho trẻ tham gia vào các hoạt động gia đình, như đi chơi cuối tuần hoặc ăn tối với ông bà và có trách nhiệm làm việc nhà hàng ngày.
Vào lứa tuổi này, sự gắn kết giữa bố mẹ và con đã trở nên lỏng lẻo hơn. Trẻ cảm thấy lúng túng hoặc xấu hổ khi bố mẹ thể hiện tình cảm với mình như trước đây: ôm hôn, vuốt tóc, bẹo má…. Phản ứng này càng rõ nét khi bố thể hiện tình cảm với con gái, hoặc mẹ với con trai. Trẻ 11 tuổi tự chịu trách nhiệm về bản thân, ít muốn nghe người lớn nhắc nhở về công việc thường ngày như vệ sinh cá nhân hay làm bài tập về nhà. Trẻ 11 tuổi đần có những thay đổi trái tính trái nết của độ tuổi tween. Để trẻ 11 tuổi nghe lời, sự mắng mỏ và quát nạt sẽ phản tác dụng, thay vào đó nên góp ý con bằng những lời nói nhẹ nhàng, hài hước và những cuộc trao đổi bình tĩnh, nghiêm túc.
Tương tác xã hội
Mặc dù tình bạn từ lâu đã rất quan trọng với con bạn, nhưng trong giai đoạn này tình bạn sẽ trở nên quan trọng hơn, có thể tốt hơn hoặc tồi tệ hơn. Trẻ có thể chơi thành nhóm, thích nhóm này và không thích nhóm kia. Áp lực ngang hàng bắt đầu ảnh hưởng đến con bạn khi làm những việc mà chúng có thể không thực sự muốn làm. Con của bạn bắt đầu nhìn nhận, đánh giá qua cách nhìn, trang phục bề ngoài và nhóm bạn cùng trang lứa, cùng tầng lớp.
Những dấu mốc quan trọng
- Hình thành tình bạn mạnh mẽ và phức tạp
- Thể hiện sự quan tâm nhiều hơn đến bạn bè và ít quan tâm đến gia đình hơn
- Tự xây dựng phong cách thông qua kiểu tóc, quần áo, sở thích và bạn bè
- Tìm kiếm tình bạn dựa trên sự gần gũi tâm lý. Vai trò của bạn bè trong độ tuổi này quan trọng không kém gia đình
- Chọn quan điểm của người khác tổng hợp thành quan điểm riêng. Trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi nhóm bạn đồng trang lứa
- Trẻ tự giải quyết vấn đề xã hội bằng cách đánh nhau với bạn bè, giành đồ với anh chị em
- Hiểu được góc nhìn của người khác
- Trẻ cần người bên cạnh lắng nghe và chia sẻ
- Thể hiện sự đồng thuận, tuân thủ theo nguyên tắc ứng xử của nhóm bạn đồng lứa
Về mặt ngôn ngữ trẻ có thể có các mốc sau
- Nắm vững từ vựng với độ khó tăng. Sử dụng được câu dài hơn và phức tạp hơn trong cả văn nói và văn viết
- Dùng từ đi kèm với nét mặt và cử chỉ nhấn mạnh nghĩa của từ. Con thích thể hiện quan niệm cá nhân.
- Sử dụng từ vựng khéo léo, có thể thêu dệt lên câu chuyện phức tạp và mô tả chính xác. Nếu được dạy bài bản, trẻ có thể viết văn, sáng tác truyện với trí tưởng tượng bay bổng.
- Thích được lắng nghe và được người lớn nhìn nhận khả năng.
- Trẻ làm chủ vốn từ và có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn trong từng ngữ cảnh cụ thể. Khi nói chuyện với giáo viên và những bậc cao niên, trẻ có thể dùng từ kính ngữ và lễ phép. Cũng vấn đề đó, khi nói chuyện với cha mẹ hoặc người thân, con dùng văn phong thân mật gần gũi hơn. Khi nói chuyện với bạn, con sử dụng từ lóng hoặc ký hiệu riêng theo độ tuổi.
Mẹo nuôi dạy con
Con bạn sẽ bắt đầu kiểm tra các ranh giới và đẩy lùi các quy tắc (nếu chúng chưa có) do ảnh hưởng của bạn bè. Đây là thời gian để giáo dục trẻ của bạn về các hành vi lành mạnh và không lành mạnh. Dạy trẻ về tác hại của ma túy, rượu và thuốc lá. Hãy để trẻ lựa chọn quần áo và kiểu tóc trẻ thích, miễn là phù hợp với độ tuổi này.
Khi chân thành với người khác, trẻ cũng sẽ nhận lại được sự chân thành từ họ. Bạn nên dạy trẻ những điều cơ bản về sự khoan dung, và đồng cảm, khơi dậy tinh thần sẵn sàng giúp đỡ người khác ở trẻ và giúp trẻ nhận ra rằng giễu cợt người khác là một hành vi xấu. Bạn có thể cùng tham gia với trẻ các hoạt động thiện nguyện, ủng hộ người nghèo, giúp đỡ người già neo đơn…
Phát triển nhận thức
Trẻ nhỏ có xu hướng giữ tập trung vào những gì ảnh hưởng đến chúng ngay tại đây và ngay bây giờ. Khoảng 11 tuổi, trẻ bắt đầu nhận ra rằng những lựa chọn mà trẻ đưa ra bây giờ có thể có tác dụng lâu dài hơn. Trẻ 11 tuổi có khả năng học tập và áp dụng những kỹ năng được dạy dỗ trước đó. Trẻ biết sử dụng tư duy trừu tượng, xem xét yếu tố động cơ hoặc lý luận giả thuyết đưa đến sự việc, nhưng chỉ mới theo tuyến tính thời gian chứ chưa phân tích được toàn diện. Cụ thể, trẻ có thể trả lời các câu hỏi “Ai, cái gì, ở đâu, khi nào” về sự việc, nhưng gặp khó khăn khi phải phân tích “Tại sao” lại có sự việc đó.
Mười một tuổi cũng là lúc trẻ bắt đầu nhận ra rằng có nhiều cách để xem xét một mẩu thông tin, tình huống hoặc vấn đề và bắt đầu hiểu rằng có một khu vực màu xám (Thay vì phân biệt rạch ròi màu đen và trắng như trước đây).
Các mốc phát triển
Phát triển các kỹ năng tư duy mới, ví dụ: Suy nghĩ nhiều hơn về khả năng, suy nghĩ trừu tượng hơn, suy nghĩ nhiều chiều. Lúc này, kỹ năng tư duy, kỹ năng phản biện, kỹ năng sáng tạo và tưởng tượng của con phát triển dựa trên nền kiến thức được học. Cha mẹ, thầy cô trang bị thêm kiến thức, kỹ năng, con sẽ có nền tảng tốt để phát triển thêm các kỹ năng này.
Trẻ bắt đầu biết phản biện, dùng hiểu biết của mình để xem xét kiến thức của người lớn. Thậm chí, con có thể phản biện lại với lý lẽ riêng nếu người lớn không thuyết phục được trẻ.
Phát triển các giải pháp và phản hồi dựa trên logic sự việc. Trẻ có thể xâu kết chuỗi thời gian, không gian, tuyến tính câu chuyện. Trong các cuộc tranh biện, không còn dùng những câu cãi vã thiếu lý lẽ của trẻ con, bạn có thể ngạc nhiên khi thấy lập luận của trẻ chắc chắn và vững vàng.
Việc ghi nhớ cải thiện hơn. Trẻ có thể ghi nhớ rất lâu câu Văn, công thức Toán học, áp dụng được trong nhiều tình huống.
Sử dụng dung lượng bộ nhớ dài hạn để sắp xếp, phân loại thông tin, kiến thức được học. Khối lượng kiến thức ghi nhớ này dùng để giải các vấn đề học thuật. Nền tảng kiến thức càng lớn, khả năng trẻ tiếp thu và phát huy càng nhiều.
Có thể sử dụng từ ngữ hài hước
Mẹo nuôi dạy con
Đây là độ tuổi trẻ bắt đầu học trung học, nhiều trẻ cảm thấy rất háo hức với môi trường mới bận rộn chuyện học hành, sinh hoạt nhóm, bạn bè. Một số khác lại thấy áp lực. Môi trường mới này ít có sự hướng dẫn và dìu dắt hơn cấp tiểu học, nhu cầu học tập tăng lên và áp lực của bạn bè nhiều hơn, mà nguyên nhân là do những thay đổi tâm sinh lý của tuổi dậy thì.
Trẻ có thể bắt đầu mất hứng thú đến trường và lớp học trong độ tuổi này hoặc trong vài năm tới. Tiếp tục thu hút sự tò mò của trẻ và giúp làm cho việc học thú vị. Đồng thời, đừng ép trẻ học khi trẻ không muốn. Trẻ cũng cần thời gian nghỉ ngơi cũng như thời gian để tập trung vào bài tập về nhà. Chọn một vài hoạt động cùng nhau và tập trung vào cam kết với những lựa chọn đó.
Học hỏi không ngừng và chịu khó tìm tòi sẽ giúp trẻ trau dồi thêm kiến thức và trở nên nhanh nhạy, thông minh hơn. Bạn nên khuyến khích con học tập dưới nhiều hình thức, hãy dạy con học một cách cởi mở, đừng bó hẹp kiến thức trong sách mà cần học từ chính những bộ phim con xem, những cuốn truyện tranh con đọc, hay những tình huống ngoài thực tế con gặp phải.
Bạn cũng nên thể hiện sự quan tâm trẻ ở độ tuổi 11 bằng cách sát sao với hoạt động của trẻ, mang lại cho con cảm giác tự hào vì bản thân mình đã nỗ lực bằng câu cổ vũ “Con đã rất cố gắng để vượt qua kỳ thi”, thay vì chỉ khen chung chung là “Tuyệt vời” hay “Hoàn hảo”. Việc này giúp con cảm nhận được trách nhiệm của mình, có lựa chọn tích cực và chủ động khi cha mẹ không kề bên hướng dẫn.
Hoạt động vui chơi của trẻ 11 tuổi
Ở tuổi 11, trẻ em bắt đầu không còn thích các trò đóng vai như trước đây mà thay vào đó trẻ thích chơi thành nhóm và cùng nhau đi xem phim, đi nghe nhạc. Tính cạnh tranh của trẻ vẫn tiếp tục lên cao, đặc biệt là trong thể thao, khi các trẻ bắt đầu dành nhiều thời gian và năng lượng hơn cho các sở thích cụ thể.
Hiếu thắng là đặc tính dễ nhận thấy ở trẻ tuổi tween. Trẻ thích là người dẫn đầu, khó lòng đối mặt với thất bại. Thái độ bình tĩnh của bố mẹ, giúp con phân tích điều sai trái, khuyến khích con học hỏi từ những sai lầm sẽ giúp trẻ có hành vi hợp lý để đối mặt với khó khăn của cá nhân.
Nhiều đứa trẻ 11 tuổi bắt đầu trải qua những thay đổi về não bộ giúp chúng chuyển sang trở nên độc lập hơn. Tuy nhiên, vỏ não phía trước vẫn đang phát triển và thay đổi hormone có thể làm trẻ đôi khi đưa ra quyết định không chính xác trong lúc bốc đồng. Đừng ngạc nhiên nếu đứa trẻ 11 tuổi của bạn đưa ra một số lựa chọn bốc đồng hoặc quyết định không chính xác. Nếu con bạn đưa ra quyết định không lành mạnh, hãy tạo ra các quy tắc tập trung vào sự an toàn. Khuyến khích trẻ suy nghĩ trước khi hành động và nói và hãy giải thích hậu quả tiềm tàng trong hành vi của trẻ.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám:
Mỗi đứa trẻ phát triển ở một tốc độ khác nhau, vì vậy trẻ có thể đạt được cột mốc này mà không đạt được mốc kia. Bạn không cần phải quá lo lắng nếu đứa trẻ 11 tuổi của bạn không thể hiện hành vi quá kích động hay bốc đồng thường xuyên, bạn cũng không phải lo lắng nếu tuổi dậy thì không bắt đầu trong năm nay (nếu vẫn không bắt đầu lúc 14 tuổi thì hãy nói chuyện với bác sĩ).
Từ 10 – 12 tuổi, mỗi năm trẻ sẽ rụng khoảng 4 chiếc răng, răng mới thay thế là răng vĩnh viễn của trẻ và không còn mọc mới nữa. Chăm sóc răng miệng trong giai đoạn này tối quan trọng vì ảnh hưởng đến thẩm mỹ răng miệng cả đời. Cho trẻ đi khám nha sĩ nếu bạn cảm thấy răng miệng của trẻ có vấn đề.
Bạn nên quan tâm nếu bạn nghĩ rằng trẻ có thể chịu ảnh hưởng của một số hành vi nguy hiểm. Chấn thương là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho độ tuổi này. Bạn cũng cần coi chừng hiểm họa đến từ các phương tiện truyền thông xã hội và sử dụng internet không phù hợp. Hãy thực hiện nghiêm túc các quy tắc và thiết lập các giới hạn hợp lý khi trẻ sử dụng internet.
Dinh dưỡng cho trẻ 11 tuổi
11 tuổi được xem là thời điểm bước vào giai đoạn dậy thì của trẻ nhỏ chính vì vậy mà đây được xem như là 1 trong 3 giai đoạn vàng để bé phát triển chiều cao tốt nhất. Sau giai đoạn dậy thì (sau 18 tuổi) chiều cao của bé rất ít hoặc không thể tăng thêm.
Để trẻ phát triển chiều cao tốt nhất thì cần dựa vào các yếu tố ảnh hưởng để điều chỉnh bao gồm dinh dưỡng, vận động thể chất, giấc ngủ.
Mỗi ngày, trẻ cần 2.200-2.600 calo, tương đương người trưởng thành
Nếu không cung cấp đúng và đủ, trẻ sẽ bị thiếu hụt dinh dưỡng dẫn đến chậm hoàn thiện và phát triển các bộ phận cơ thể. Lượng đạm cần cao hơn người trưởng thành, giúp trẻ phát triển cơ bắp nên chiếm 14-15% tổng số năng lượng trong khẩu phần, tương đương 70-80g/ngày, chú ý đạm động vật nhiều sắt giúp phòng chống thiếu máu cũng như cung cấp vật liệu để xây dựng các cấu trúc tế bào và hoàn thiện phát triển các nội tiết tố về giới tính, tham gia hệ miễn dịch nhằm tăng sức đề kháng.
Chất béo (dầu, mỡ) nên chiếm 20-25% năng lượng khẩu phần, là nguồn cung cấp năng lượng, giúp cơ thể hấp thụ vitamin tan trong chất béo như A, D, E, K, nên cho trẻ ăn cả mỡ động vật và dầu thực vật, khoảng 40-50gr mỗi ngày. Chất bột đường cung cấp năng lượng chính cho cơ thể chiếm 60-70% năng lượng, có trong gạo, bột mì, sản phẩm chế biến, khoai, củ… Nên chọn lựa những loại bột đường thô để cung cấp chất xơ tốt cho đường tiêu hóa và phòng chống béo phì.
Canxi
rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, nếu được cung cấp đủ sẽ giúp xương chắc khỏe và độ đậm xương đạt mức tối đa giúp trẻ phát triển tốt về chiều cao và phòng được bệnh loãng xương mai sau. Mỗi ngày trẻ cần 1.000 – 1.200mg canxi. Canxi có nhiều trong sữa, cả sữa bò và sữa đậu nành, các loại thủy sản, xương cá (nên kho nhừ cá để có thể ăn cả xương). Nên uống 400 – 500ml sữa/ngày.
Chất sắt
Bé gái khi bước vào tuổi dậy thì cần lượng sắt nhiều hơn bé trai do mất máu trong chu kỳ kinh nguyệt. Nên bé trai chỉ cần 12 – 18mg sắt/ngày, trong đó, bé gái cần tới 20mg sắt/ngày. Chất sắt có nhiều trong thịt đỏ, phủ tạng động vật: thịt bò, gan, tim…, lòng đỏ trứng, đậu đỗ, rau xanh có nhiều vitamin C giúp hấp thu sắt tốt hơn… Nếu thiếu sắt, trẻ sẽ bị thiếu máu gây ra các triệu chứng mệt mỏi, hay quên, buồn ngủ, da xanh…
Các vitamin và khoáng chất
Đây là những vi chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Nhu cầu vitamin nhóm B, C, A, D, acid folic… cũng cao do tăng chuyển hóa năng lượng. Vì vậy, cần phải ăn đa dạng thực phẩm và những thực phẩm tươi càng ít qua chế biến thì càng ít mất chất dinh dưỡng. Lượng rau cần thiết trong ngày là 300-500g.Thiếu vitamin A có thể gây bệnh ở mắt, nhiễm khuẩn đường hô hấp và đường tiêu hóa; chậm phát triển chiều cao. Khi thiếu vitamin C, quá trình tổng hợp collagen gặp trở ngại, làm giảm quá trình hình thành tế bào ở các thành mạch, mô liên kết, xương, răng, giảm sức đề kháng.
Kẽm
Là một yếu tố vô cùng quan trọng giúp sản sinh, thúc đẩy và điều hòa các hormon tăng trưởng IGF- I và hormon sinh dục, giúp trẻ có thể phát huy hết tiềm năng phát triển của cơ thể một cách toàn diện trong giai đoạn tiền dậy thì và dậy thì, nhu cầu từ 10-20mg/ngày, có nhiều trong thức ăn nguồn gốc động vật. Bổ sung iod cho trẻ qua việc sử dụng muối iod khi nấu ăn và các loại hản sản.
Thể chất
Cho trẻ tham gia nhiều hoạt động thể dục thể thao và cho bé lựa chọn các môn thể dục thúc đẩy chiều cao đặc biết là bơi lội, đạp xe, chạy bộ, bóng rổ,…
Giấc ngủ
Hàm lượng hormone tăng trưởng được tiết ra trong thời gian ngủ chính vì vậy hãy khuyến khích trẻ ngủ sớm, ngủ vào các giờ cố định, ngủ ít nhất 7-9 tiếng/ngày.
Tóm lại
Tất cả trẻ em phát triển với một tốc độ khác nhau. Tuy nhiên, những đứa trẻ thiếu sự trưởng thành về mặt xã hội và cảm xúc có thể trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt hoặc chúng có thể chìm đắm trong sự sự cô đơn và bị cô lập.
Điều quan trọng là giúp con bạn mài giũa các kỹ năng khi bạn nhận thấy sự thiếu hụt. Nếu bạn lo lắng về sự chậm phát triển, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Điều quan trọng là phải giải quyết mọi vấn đề ngay bây giờ, trước khi con bạn bước vào tuổi thanh thiếu niên.
Xem thêm: Trẻ 12 tuổi: Các mốc phát triển quan trọng và cách nuôi dạy trẻ