Con bạn đang phát triển mỗi ngày để trở thành một thiếu niên toàn diện. May mắn thay, tất cả những thay đổi đi cùng với tuổi teen: thể chất, quan hệ xã hội, cảm xúc và nhận thức, diễn ra khá chậm trong một khoảng thời gian, vì vậy bạn có thể chuẩn bị cùng con.
Mười hai tuổi có những khoảnh khắc mà trẻ đôi khi giống người lớn và đôi khi giống hệt đứa trẻ con. Hãy chuẩn bị cho sự phát triển về thể chất, cảm xúc, và nhận thức xảy ra vào thời điểm này.
Xem thêm: 10 lời khuyên nuôi dạy trẻ 10, 11, 12 tuổi dành cho các bậc cha mẹ
Mục lục
Phát triển thể chất của trẻ 12 tuổi
Tuổi 12 là một sự thay đổi giữa những năm mà một bé gái đã dậy thì (hoặc chưa) và là một độ tuổi điển hình để một cậu bé bắt đầu trải qua quá trình dậy thì này. Hầu hết các bé gái khi bước sang tuổi 12 là sẽ bắt đầu dậy thì, một số bé sớm hơn một số là muộn hơn. Còn các bé trai thì dậy thì muộn hơn một chút, độ tuổi trung bình là 13-14 tuổi. Ở các cô gái, bạn sẽ nhận thấy sự phát triển của ngực, mọc lông nhiều ở vùng bộ phận sinh dục và dưới cánh tay và cuối cùng là kinh nguyệt. Ở các bé trai, tuổi dậy thì bắt đầu với dương vật và tinh hoàn ngày càng lớn, sau đó mọc lông ở bộ phận sinh dục và dưới cánh tay, sau đó mọc râu, tăng cơ và giọng nói trầm hơn.
Những dấu mốc quan trọng
- Bắt đầu có dấu hiệu dậy thì, bao gồm kinh nguyệt ở bé gái và phát triển cơ bắp ở bé trai
- Trở nên ngày càng thành thạo hơn trong thể thao
- Có thể trải qua một sự tăng trưởng vượt bậc về thể chất (cân nặng, chiều cao)
Chiều cao cân nặng của trẻ 12 tuổi chưa có sự ổn định so với người lớn. Tất cả các chỉ số đều sẽ gia tăng, song cũng không cân xứng, thường thì chiều cao có tốc độ phát triển nhanh hơn so với cân nặng.
Ở độ tuổi 12 này, các bé gái thường sẽ trông to lớn hơn so với các bé trai. Điểm chung là đều có tốc độ phát triển nhanh, mạnh và không đồng đều.
Chiều cao trung bình của trẻ 12 tuổi là: 144cm-148cm (với nữ) và 142cm-147cm (với nam).
Cân nặng trung bình của trẻ 12 tuổi là: 38-41kg (với nữ) và 37- 40kg (với nam).
Mẹo nuôi dạy con
Đây không phải là lúc để nhắm mắt làm ngơ trước sự thay đổi về thể chất của trẻ, đặc biệt là bộ phận sinh dục. Trẻ sẽ có 1001 thắc mắc về sự thay đổi này. Đừng ngại trao đổi trò chuyện với con. Sẽ dễ dàng hơn nếu những người cùng giới trao đổi với nhau. Bạn có thể giúp bé gái tìm hiểu và chồng bạn có thể giúp đỡ bé trai. Hãy nghiêm túc nhìn nhận vấn đề. Trẻ có thể có thắc mắc về chuyện tình dục. Đây là vấn đề hoàn toàn bình thường, hãy giải thích cho trẻ, về an toàn tình dục. Không bao giờ là quá sớm để nói về vấn đề này. Bạn nên hiểu rằng chia sẻ thẳng thắn về vấn đề tình dục an toàn hoàn toàn có lợi cho trẻ, đừng giấu diếm trẻ và để chúng tự mày mò tìm hiểu. Trẻ có thể lạc đường trong vô vàn thông tin trên internet. Khi có cái nhìn không đầy đủ và sai lệch, nhiều chuyện không mong muốn có thể xảy ra. Vì thế, hãy ngồi xuống và nói chuyện với trẻ.
Nếu bé trai tỏ ra thích thú với việc cạo râu, bạn hãy hướng dẫn con cách cạo râu, làm vệ sinh dao cạo sạch sẽ sau mỗi lần cạo. Bạn hãy lưu ý bé không dùng chung dao cạo để ngăn ngừa nguy cơ lây nhiễm.
Hãy trò chuyện với con về những thay đổi của cơ thể, hướng dẫn con làm vệ sinh cá nhân một cách thoải mái, trên tinh thần chia sẻ bí quyết, tránh áp đặt. Bạn nên giúp bé hình thành thói quen rửa tay sạch sẽ trước khi tắm, rửa mặt, làm vệ sinh cá nhân… nhằm hạn chế sự lây nhiễm của các vi khuẩn gây bệnh.
Bạn hãy hướng dẫn bé cách vệ sinh cá nhân đúng, tắm rửa thường xuyên để hạn chế mùi của cơ thể. Với bé gái, hãy hướng dẫn con không thụt rửa âm đạo tránh nhiễm khuẩn, làm vệ sinh vùng kín theo nguyên tắc từ trước ra sau. Hãy cho bé mặc áo con khi đi học hay khi tham gia các hoạt động ngoài trời, tập thể dục thể thao. Bé gái nên được mẹ hướng dẫn cách dùng băng vệ sinh và giữ cơ thể sạch sẽ trong kỳ kinh nguyệt. Nếu trẻ chưa có kinh, bạn cũng nên nói với con trước các biểu hiện con sẽ gặp khi có kinh, tránh cho trẻ bối rối.
Sự phát triển cảm xúc
Cảm xúc tuổi teen không phải là trò đùa và bạn có thể sẽ thấy cảm xúc của trẻ thay đổi liên tục trong năm tới. Trẻ yêu cha mẹ nhưng bây giờ trẻ sẽ có nhiều mối bận tâm hơn trước.
Trẻ cảm thấy chiến thắng và sau đó cảm thấy như thể trẻ đã thất bại mọi thứ. Sẽ có những giây phút hạnh phúc, những nỗi buồn, và rồi nó sẽ lặp lại trong nhiều lần. Tâm trạng của trẻ có thể thay đổi lên xuống hệt như đồ thị hình sin vậy. Trẻ đối mặt với những khó chịu về thay đổi ngoại hình và hormone trước khi sẵn sàng đối mặt với chuyện tình cảm: ngực nhô lớn làm trẻ tự ti, xấu hổ, ánh mắt người khác phái nhìn vào cơ thể… Vì vậy, trẻ gái thường gặp các vấn đề trầm cảm, lo lắng, rối loạn ăn uống.
Đây cũng là lúc trẻ bắt đầu nhận thấy các kỹ năng lãnh đạo của mình và bắt đầu muốn thể hiện vai trò của mình trong các nhóm, lớp và trường. Khuyến khích điều này bằng cách cho phép trẻ tham gia vào các quyết định ở nhà và hỗ trợ sự tham gia vào các hoạt động cộng đồng hoặc trường học.
Những dấu mốc quan trọng
- Bắt đầu có những dấu hiệu nổi loạn
- Thể hiện sự độc lập của mình với cha mẹ, nhưng thường muốn có sự chấp thuận của người lớn
- Bắt đầu đặt câu hỏi về giá trị gia đình và phát triển đạo đức cá nhân
Mẹo nuôi dạy con
Cân bằng sự độc lập và lãnh đạo với việc duy trì các quy tắc nhà ở và giữ cho trẻ trong độ tuổi nổi loạn của bạn an toàn. Nói chuyện thường xuyên về những điều mà đứa trẻ 12 tuổi của bạn muốn có thể tự làm và đưa ra những thỏa hiệp khi cảm thấy phù hợp.
Trẻ trong tuổi tween này sẽ không dễ dàng cho các bậc cha mẹ, như giai đoạn trước khi trẻ chính thức nổi loạn ở tuổi teen. Quá nhiều nguyên tắc và luật lệ đặt ra trong giai đoạn này giữa cha mẹ và con cái, dễ dẫn đến sự bực bội, đối đầu. Để tránh căng thẳng, cha mẹ chỉ nên thể hiện sức ảnh hưởng của mình vào việc học hành, chuyện tình cảm hoặc thái độ của con, và phớt lờ đi những việc ít quan trọng như trẻ chưa dọn phòng, trẻ chọn trang phục khác kỳ vọng cha mẹ..
Tương tác xã hội
Bạn bè đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết nhưng bây giờ có thể trẻ cũng quan tâm tới bạn khác giới. Trẻ 12 tuổi của bạn nghĩ rằng cần có sự độc lập từ cha mẹ và các thành viên khác trong gia đình. Trẻ đang dần dần muốn thoát khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ để có thể tự quyết định. Trong các nhóm chơi, trẻ cũng muốn mình thu hút và nổi bật.
Trẻ 12 tuổi luôn tự cho rằng mình đã lớn, có thể lo cho bản thân được, đôi lúc trẻ bỏ qua những dấu hiệu nguy hiểm. Đôi khi, dưới áp lực thể kiện với bạn cùng lứa, trẻ sẽ làm những việc liều lĩnh như thử hút thuốc, chơi trò mạo hiểm…
Ở lứa tuổi này, hầu hết trẻ đều thích được có cơ hội để tự quyết định cho bản thân, chịu trách nhiệm về việc là của mình. Trẻ thích thể hiện kỹ năng và tài năng của mình nên tích cực tham gia vào các hoạt động giải trí, văn thể mỹ, hoạt động đội nhóm….
Những dấu mốc quan trọng
- Cho thấy mối quan tâm về việc các bạn yêu quý và thích mình
- Quan tâm đến các hoạt động liên quan đến những người khác giới
- Có thể hiểu quan điểm của người khác
- Muốn cùng bạn bè tham gia các hoạt động, chơi trò chơi mạo hiểm
Mẹo nuôi dạy con
Cố gắng cân bằng giữa quyền riêng tư và việc dạy bảo con về những thay đổi trên cơ thể. Cha mẹ nên khuyến khích con nói ra những lo lắng của con, quan tâm những chuyện “cảm nắng”, thần tượng ai đó, giáo dục giới tính cho con. Chia sẻ cho con hiểu về định kiến xã hội, vấn đề đạo đức của thanh thiếu niên, nhưng vẫn phải cho con cảm thấy con được tôn trọng.
Luôn giữ liên lạc với đứa trẻ của bạn. Con bạn có thể bắt đầu trải qua những tình huống mà chúng chưa sẵn sàng hoặc không biết cách giải quyết, bao gồm tất cả những gì xảy ra cùng với áp lực ngang hàng và thay đổi trên cơ thể. Mặc dù trẻ đang cố gắng muốn sống độc lập, trẻ vẫn cần biết rằng cha mẹ sẵn sàng hỗ trợ bất cứ khi nào cần thiết. Đặt ra quy tắc rõ ràng về hành vi, cách liên lạc và giao tiếp xã hội sẽ giúp con bạn hiểu được những giới hạn và những điều bạn mong chờ. Quy định này cũng sẽ giúp bạn thống nhất trong cách đối xử với con cái. Một khi đã đặt ra các quy định, hãy áp dụng chúng một cách nhất quán. Khi lớn dần lên, trẻ có thể trở thành người xây dựng những quy tắc mới, cũng như tự đặt ra những hậu quả phải gánh chịu nếu phá vỡ quy tắc. Điều này sẽ giúp con hiểu được cha mẹ và có trách nhiệm hơn với bản thân. Đừng đặt giới hạn quá khắt khe, bởi nếu làm vậy, con sẽ không thể phát triển và có được những trải nghiệm mới.
Bạn nên cho trẻ 12 tuổi tham gia các trò chơi mạo hiểm như leo núi, lặn sâu…, trên tinh thần hướng dẫn con tự kiểm soát mối nguy hiểm cho bản thân, tham gia chơi mạo hiểm có sự giám sát, giúp con thêm tự tin và học hỏi được kỹ năng sinh tồn.
Phát triển nhận thức
Bộ não của một đứa trẻ 12 tuổi đã ngừng tăng kích thước nhưng vẫn phát triển chức năng. Tư duy trừu tượng, giải quyết vấn đề và logic đều trở nên dễ dàng hơn, nhưng vùng vỏ não trước trán đóng vai trò kiểm soát xung lực và kỹ năng tổ chức vẫn còn non nớt.
Suy nghĩ của trẻ hợp lý hơn, và trẻ có thể giải quyết các khái niệm mang tính giả thuyết, chẳng hạn như như tưởng tượng ra những kết quả có thể xảy ra trong những hoàn cảnh cụ thể (ví dụ thi đậu sẽ được thưởng xe đạp, được lên lớp, sẽ học thêm ngoại ngữ…). Trẻ 12 tuổi đã biết tóm tắt các suy nghĩ lại, tập trung nhận định một vấn đề trên cơ sở đánh giá các hệ thống niềm tin khác nhau.
12 tuổi, hầu hết trẻ em có khả năng ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp mạnh mẽ. Trẻ có thể nghĩ xa hơn những diễn giải theo nghĩa đen và trẻ sẽ dễ dàng hiểu những câu tục ngữ và thành ngữ. Trẻ có thể kể những câu chuyện hài hước hay nói giọng châm biếm chuyện gì đó.
Những dấu mốc quan trọng
- Ngày càng có khả năng hiểu và áp dụng logic cho các tình huống và vấn đề thực tế
- Nhận thức được các khái niệm về công bằng và bình đẳng
- Bắt đầu hiểu các chuỗi nguyên nhân và kết quả
Mẹo nuôi dạy con
Giữ liên lạc với giáo viên của con bạn để nắm rõ thông tin học tập của con bạn. Đừng đợi cho đến khi trẻ về nhà với những điểm kém hay hành vi xấu mới bắt đầu cuống cuồng lo. Nếu có vấn đề về học tập hãy tìm nguyên nhân gốc rễ thay vì buồn bã, vì đó có thể là bất cứ điều gì từ vấn đề về mắt cho đến chậm phát triển hoặc bị cô lập trên lớp.
Trong mắt nhiều bậc phụ huynh, con cái dù bao nhiêu tuổi cũng không lớn hơn lứa tuổi mẫu giáo là mấy, do đó, họ tự quyết định thay con cái mình. Có thể thông cảm với các bậc cha mẹ rằng, họ lo lắng nếu được tự do quá sớm, con có thể đưa ra những quyết định sai lầm. Tuy nhiên, con cần phải khám phá, mắc sai lầm và có những trải nghiệm mới mẻ, từ đó mới học được những bài học cuộc sống và tự mình giải quyết các vấn đề.
Một đứa trẻ tuổi teen hoàn toàn có thể có lý do hợp lệ để phá vỡ một quy tắc. Cha mẹ nên lắng nghe tại sao trẻ lại có mong muốn đi ngược lại ý cha mẹ; nghe con nói lên suy nghĩ của mình về các nguyên tắc. Đừng tra hỏi con bạn về tất cả mọi thứ bạn muốn biết mà hãy thể hiện rằng mình luôn muốn sẵn sàng nghe con chia sẻ và chia sẻ với con. Kể cho con về chuyện ngày xưa, kinh nghiệm về những tình huống con có thể gặp, sau đó mới khơi gợi để con nói chuyện của mình.
Hoạt động vui chơi
Mười hai tuổi là thời điểm trẻ đang bắt đầu dành thời gian rảnh của mình cho các hoạt động như thể thao có tổ chức, video game và các hoạt động xã hội với bạn bè. Tiếp tục giới hạn thời gian tiếp xúc với TV, máy tính, ipad, điện thoại của con bạn. Trẻ 12 tuổi sử dụng smartphone rành rẽ hơn cả bạn nên có thể bạn không cần dạy con cách dùng. Điều bố mẹ dạy con là cách nói chuyện qua điện thoại lịch sự, thể hiện được cảm xúc. Tập cho con gọi điện về quê cho ông bà, nói chuyện điện thoại với bạn bè.
Bắt đầu với các kỹ năng hướng đạo cổ điển như cách dựng trại, xác định một số loài chim, động thực vật xung quanh. Trẻ cần học nhận biết các loài thực vật có độc. Ngoài ra, kỹ năng đoán thời gian nhờ vị trí mặt trời, sử dụng la bàn cũng cần dạy con. Một đứa trẻ không thể trưởng thành nếu không gắn với cộng đồng. Ở tuổi này, bạn có thể cho con tham gia các hoạt động cộng đồng, hướng đạo sinh, gây quỹ từ thiện.v.v. Đừng giữ con khư khư ở nhà mỗi cuối tuần. Sau một tuần học tập vất vả, hãy để con bạn được ra ngoài, tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi với bạn bè. Nhưng hãy nhớ là, bạn cần phải biết con chơi với ai, ở đâu và dặn con về nhà đúng giờ.
Các mốc quan trọng khác
Nhiều đứa trẻ 12 tuổi bắt đầu khám phá các quy tắc của nhóm bạn, vì vậy đừng ngạc nhiên nếu đứa trẻ 12 tuổi của bạn tuyên bố trẻ muốn áp dụng một lối sống mới để trẻ có thể gần gũi các bạn hơn. Đây là một phần bình thường của quá trình phát triển. Vì vậy điều quan trọng là giải thích đúng sai về lối sống, phong cách ăn mặc phù hợp với trẻ thay vì cấm đoán trẻ không được làm điều này hay không được chơi với bạn kia.
Đừng bao giờ bỏ qua bất kỳ biểu hiện lạ nào của trẻ nếu không có thể bạn sẽ phải giải quyết vô số rắc rối về sau. Hãy để ý những biểu hiện như đi ngủ muộn hay bỏ học của con. Trò chuyện với con một cách ôn hòa và tránh những phản ứng thái quá. Nếu không trẻ sẽ cảm thấy bị xúc phạm và có thái độ thù địch hơn.
Trẻ đã lớn và đây cũng là lúc con phải tự biết đi đến trường bằng xe đạp, xe điện hay thậm chí là đi bộ. Đừng lúc nào cũng chăm chăm đến giờ để đón con, hãy để trẻ phải học cách tự đi trên đôi chân của mình, đôi khi có thể hơi vất vả.
Phần lớn trẻ 12 tuổi đi ngủ trước hoặc sau 9 giờ tối (thường là trong khoảng từ 8,30 đến 10 giờ). Tổng thời gian ngủ khoảng 9-12 giờ. Nhìn chung, lứa tuổi trước dậy thì cần 9h30-10 giờ ngủ để duy trì sự tỉnh táo trong ngày. Chúng cần ngủ đủ để không ngủ gật ban ngày vì hoạt động nhiều làm trẻ mỏi mệt.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám
Sự phát triển về thể chất và tinh thần không phải luôn luôn song hành khi một đứa trẻ bước vào giai đoạn dậy thị. Đừng lo lắng nếu con bạn dường như không sẵn sàng về mặt cảm xúc cho các hoạt động mà những trẻ cùng tuổi đang có hoặc ngược lại.
Luôn để ý tới trạng thái tâm lý của trẻ để nhận ra sớm các vấn đề về sức khỏe tâm thần, chẳng hạn như trầm cảm, có thể xuất hiện tại thời điểm này. Nếu bạn lo lắng về sức khỏe và tinh thần của trẻ, hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ.
Nếu bạn lo lắng về tình hình học tập của trẻ, chẳng hạn như nếu chúng dường như không thể theo kịp bài vở trên lớp, hãy sắp xếp một cuộc hẹn với giáo viên. Giáo viên thường có cái nhìn sâu sắc và có thể hiểu nhiều về trẻ.
Cách phát triển chiều cao cho trẻ 12 tuổi
Nếu như trẻ thấp hơn so với chiều cao trung bình ở tuổi 12 thì bạn không nên quá lo lắng, ở giai đoạn này, việc cải thiện chiều cao cho trẻ là điều hoàn toàn có thể làm được nếu như bạn áp dụng đúng phương pháp.
Bạn cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng trong bữa ăn hàng ngày cho trẻ, bao gồm : tinh bột, chất béo, đạm, vitamin và chất khoáng. Việc bổ sung đầy đủ dưỡng chất cho trẻ rất quan trọng bởi vì trẻ đang trong độ tuổi phát triển nên yếu tố dinh dưỡng đóng vai trò rất quan trọng. Để giúp cho trẻ tăng chiều cao ở tuổi 12, bạn nên bổ sung các loại thực phẩm giàu canxi, đây là dưỡng chất cần thiết giúp thúc đẩy chiều cao hiệu quả.
Bên cạnh canxi thì những dưỡng chất khác cũng đóng vai trò rất quan trọng cho việc phát triển chiều cao của trẻ như Vitamin D, Kẽm, Magiê.. cũng là những dưỡng chất mà bạn cần chú ý bổ sung trong thực đơn ăn uống của trẻ để giúp cải thiện chiều cao hiệu quả.
Khuyến khích trẻ cùng ăn các bữa cơm gia đình. Cùng nhau ăn bữa tối sẽ giúp con bạn biết cách lựa chọn thực phẩm lành mạnh, khỏe mạnh và giúp các thành viên trong gia đình có thời gian trò chuyện với nhau. Hơn nữa, trẻ ăn cơm cùng gia đình thường có thành tích học tập tốt hơn, ít sử dụng các chất ngây nghiện, không đánh nhau và thường không gặp các vấn đề khác.
Bạn cũng cần khuyến khích trẻ vận động:
- Khuyến khích trẻ vận động đều đặn mỗi ngày, bằng cách đơn giản như đi bộ hoặc đạp xe đến trường, chạy bộ buổi sáng,…
- Khuyến khích trẻ tham gia các clb thể thao tại trường, đặc biệt là những môn như : bóng đá, bóng rổ, bơi lội, điền kinh,…
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời và hoạt động nhóm.
Lý do cần phải thường xuyên vận động đó chính là bởi vì khi vận động, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng, từ đó giúp cho bé cao lên nhanh chóng. Duy trì đều đặn việc tập luyện, đặc biệt là trong giai đoạn dậy thì để tăng chiều cao cho trẻ hiệu quả.
Ngoài ra, bạn cần cho trẻ ngủ đúng giờ. Giai đoạn ngủ sâu là giai đoạn mà cơ thể sản sinh ra nhiều hormone tăng trưởng giúp cải thiện chiều cao của cơ thể. Vì vậy cần tập cho trẻ thói quen ngủ sớm trước 10 giờ để có thể giúp trẻ tăng chiều cao tối đa. Một điều mà các mẹ cũng cần chú ý đó chính là tránh mở đèn khi trẻ ngủ bởi việc mở đèn ảnh hưởng đến giấc ngủ cũng như khả năng sản sinh hormone tăng trưởng. Khi trẻ ngủ, bạn cũng cần chú ý điều chỉnh tư thể nằm cho trẻ, hãy để trẻ nằm ngừa, tay chân duỗi thẳng. Tránh các tư thế nằm cong cũng như không nên cho trẻ sử dụng gối cao.
Tóm lại
Đã đến lúc đảm bảo con bạn có những kỹ năng cần thiết để phát triển trong những năm thiếu niên. Nếu trẻ thiếu các kỹ năng xã hội hoặc cảm xúc, cuộc chiến đấu của trẻ có thể trở nên đặc biệt khó khăn khi bước vào giai đoạn dậy thì.
Chủ động tìm kiếm các lớp học hay nhóm, câu lạc bộ mà con bạn có thể cần một số trợ giúp để rèn luyện các kỹ năng của chúng. Cung cấp hỗ trợ thêm bằng cách giảng dạy, hướng dẫn và thực hành cùng nhau. Nếu sự hỗ trợ của bạn không hữu ích, hãy tìm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Ở độ tuổi vị thành niên, con bạn vẫn đang ở trong quá trình tự khám phá bản thân. Tuy nhiên, có lúc con cũng không hiểu được chính bản thân mình. Do đó, bạn và con đều phải học cách cân bằng giữa tự do cá nhân và những hướng dẫn của cha mẹ. Mọi việc không phải lúc nào cũng tốt đẹp, nên đừng vì thế mà bỏ cuộc hay cảm thấy thất vọng, chán nản. Thay vào đó, hãy luôn ở bên con, động viên và định hướng con đúng đi đúng đường.
Xem thêm: Trẻ 13 tuổi: Các mốc phát triển quan trọng và mẹo nuôi dạy con