Sẹo lõm là tổn thương vĩnh viễn của da, đặc biệt sẹo lõm nhiều trên mặt do thủy đậu hay mụn trứng cá làm mất đi cảm giác tự tin và là nỗi lo của không ít chị em cũng như anh em. Bạn có biết sẹo lõm gồm những loại nào và cách điều trị tốt nhất cho từng loại sẹo đó là gì chưa? Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu!
Xem thêm: Tổng qua về các loại sẹo
Mục lục
Sẹo lõm là gì?
Sẹo lõm hay sẹo rỗ là vết sẹo có bề mặt thấp hơn bề mặt da bình thường với những hình dạng, kích thước không giống nhau. Sẹo lõm hình thành khi da không thể tái tạo mô, thực chất là do phần hạ bì tổn thương nặng, các sợi collagen và eslatin bị đứt gãy, không thể phục hồi ở vị trí của sẹo, dẫn đến da bị dính vào cấu trúc sâu.
Sẹo lõm thường là kết quả của mụn trứng cá hoặc thủy đậu nặng. Chúng cũng có thể hình thành sau khi tẩy nốt ruồi. Sẹo lõm được chia làm 3 loại:
Sẹo chân đá nhọn (Ice Pick Scar)
Sẹo chân đá nhọn, hay còn gọi là sẹo Ice Pick, là loại sẹo khá phổ biến. Sẹo có dạng lỗ sâu và hẹp, giống như có vật nhọn đâm mạnh vào da, để lại những lỗ sâu với đường kính không quá 2mm, sâu hơn 0.5mm. Tuy nhiên, cũng có những loại sẹo chân đá nhọn khá nông và bị lầm tưởng với lỗ chân lông to. Sẹo chân đá nhọn thường hình thành do những tổn thương sâu của hệ thống collagen ở vùng trung bì, do mụn bọc hoặc y nang lây nhiễm, làm phá hủy lỗ chân lông.
Sẹo chân đá nhọn có màu đen, bị rạn nứt và cũng có thể xảy ra khi bạn nặn mụn đầu đen và đầu trắng. Chúng có thể mềm hoặc cứng, và thường xuất hiện tại khu vực má.
Sẹo đáy hộp (Boxcar Scar)
Sẹo đấy hộp là dạng sẹo hố lõm, có chân vuông, đáy hố tương đối bằng và nông, có đường viền rõ ràng. Sẹo thường có góc cạnh thẳng đứng, đường kính từ 2 đến 4mm và sâu khoảng 1.5mm. Sẹo thường được tìm thấy hai bên má và thái dương.
Sẹo Boxcar thường hình thành sau quá trình thiếu hụt collagen liên kết da khi da tổn thương. Dễ gặp nhất ở những vùng da từng xuất hiện nốt thủy đậu hoặc do tác động bên ngoài.
Sẹo chân tròn (Rolling Scar)
Sẹo chân tròn là loại sẹo có miệng rộng hơn sẹo Ice Pick. Sẹo lõm xuống theo dạng hố tròn và tương đối sâu. So với sẹo chân đá nhọn và sẹo đáy hộp, sẹo chân tròn thường rộng và nông hơn một chút. Nhìn tổng thể, sẹo thường làm cho làn da trông giống như có những vết lượn sóng.
Thông thường, các tế bào tại vị trí mụn viêm bị hoại tử (do thời gian điều trị mụn kéo dài) và không có tế bào thay thế, dẫn đến da lõm xuống và tạo thành mô sẹo chân tròn. Nếu sẹo đáy hộp thường xuất hiện do những tác động bên ngoài thì sẹo chân tròn lại ngược lại, được tạo ra từ những tổn thương bên dưới bề mặt da. Tình trạng sẹo có thể nặng hơn do tuổi tác.
5 phương pháp điều trị sẹo lõm
Sẹo lõm là loại sẹo mụn phổ biến nhất. Chúng được chia thành ba loại như đã đề cập tới ở trên. Điều trị tùy thuộc vào loại sẹo mà bạn có. Do mỗi người thường có từ 2- 3 loại sẹo trên da và mức độ sẹo cũng khác nhau nên phương pháp điều trị sẹo rỗ cho mỗi trường hợp cũng có sự khác biệt. Để biết phương pháp nào sẽ mang lại hiệu quả nhất với bạn, cách tốt nhất, bạn nên gặp trực tiếp bác sĩ Da liễu để khám, soi da và nghe tư vấn trực tiếp từ bác sĩ. Sẹo lõm có thể khó điều trị và cần điều trị lâu dài mới có kết quả, hiệu quả sẽ cộng dồn qua các lần điều trị. Không có phương pháp nào có thể điều trị sẹo lõm chỉ trong 1 lần duy nhất.
1. Lột da hóa học (Peeling)
Lột da hóa học là phương pháp điều trị chủ yếu. Cơ sở khoa học của phương pháp này dựa trên việc sử dụng các hoạt chất thay da hóa học có bản chất là các acid hữu cơ như alpha hydroxy acid (AHA) gồm acid citric, acid glycolic, acid lactic… hay beta hydroxy acid (BHA) như acid salicylic hoặc alpha keto acid như acid pyruvic nhằm kích thích quá trình bong vảy của lớp biểu bì, thúc đẩy nhanh quá trình thay mới và tái tạo của làn da. Đồng thời tạo một tín hiệu thương tổn lành tính nhằm khởi phát một phản ứng viêm có kiểm soát để kích thích việc tăng sinh collagen, elastin, tăng cường tái cấu trúc biểu bì và trung bì.
Sự tái sinh này làm giảm sự xuất hiện của các vết sẹo lõm. Phương pháp này có thể mất vài ngày đến vài tuần để nhận thấy kết quả. Trong một số trường hợp, làn da của bạn đòi hỏi một thời gian đáng kể để chữa lành.
Bên cạnh khả năng gây bong da và tróc vảy, mỗi một acid hữu cơ còn có một số tác dụng sinh học đi kèm, và thường được lựa chọn phù hợp với loại da, vấn đề da của mỗi người như acid lactic có khả năng làm trắng và giữ ẩm; acid glycolic có khả năng kích thích nguyên bào sợi tăng cường sản sinh collagen và elastin, tăng cường hàm lượng acid hyaluronic ở mạng lưới ngoại bào; acid salicylic có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, điều chỉnh dầu nhờn và làm thông thoáng lỗ chân lông…
Lột bằng hóa chất ít ảnh hưởng đến vùng da lành và cấu trúc phần phụ xung quanh nên giảm nguy cơ tạo sẹo và giảm sắc tố da.
Ngoài ra, giữa những đợt điều trị và 4 tuần sau đợt điều trị cuối nên chống nắng để phòng ngừa tăng sắc tố.
Chống chỉ định của phương pháp này là viêm da hay nhiễm trùng vùng điều trị, dùng isotretinoin trong vòng 6 tháng trước đó, viêm da tiếp xúc dị ứng và phản ứng dị ứng với các hóa chất lột.
2. Filler
Tiêm filler trị sẹo lõm là cách đưa chất làm đầy hay còn gọi là filler vào trung bì hoặc biểu bì bên dưới sẹo lõm nhằm mục đích nâng cao bề mặt da, nâng đỡ mô dưới da và lấp đầy sẹo lõm. Chủ yếu dùng trong điều trị loại sẹo lõm chân tròn do mụn để lại.
Chất làm đầy được dùng để bơm vào sẹo lõm có dạng lỏng hoặc gel, thông thường là collagen, mỡ tự thân, retylane có thành phần chính là hyaluronic acid HA, tương tự như chất tự nhiên có trong cơ thể.
3. Lăn kim
Lăn kim hay vi kim liệu pháp là phương pháp sử dụng một dụng cụ gọi là kim lăn, gồm 150 – 500 đầu kim rất nhỏ và bén, không gỉ, dùng trong y khoa. Những kim lăn tác động lên bề mặt da, tạo những tổn thương giả nhằm kích thích tế bào sản sinh collagen và elastin, từ đó các sẹo lõm sẽ dần đầy lên, lỗ chân lông được thu nhỏ lại. Tùy theo cơ địa của mỗi người mà phương pháp điều trị này đem lại hiệu quả điều trị sẹo lõm (nhẹ) lên đến 80%.
Tuy nhiên lăn kim gây chảy máu, đau rát trong vài giờ sau điều trị và có nguy cơ nhiễm trùng cao nếu tự thực hiện tại nhà không đúng cách.
4. Cắt bỏ sẹo cũ
Đây là biện pháp thường được sử dụng để điều trị và loại bỏ sẹo mụn đặc biệt là loại sẹo chân đá nhọn. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ dùng những kim có kích thước bằng kích thước vết sẹo để cắt bỏ nó, sau đó khâu lại bằng những mũi khâu nhỏ xíu, tạo nên những vết sẹo mới nhỏ và đẹp hơn vết sẹo cũ. Nếu vết sẹo của bạn nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ lấy một mảnh ghép da nhỏ từ sau tai để lấp đầy vết thương.
Phương pháp ghép cắt bỏ và ghép da có thể dẫn đến một sắc tố da không đồng đều và các vết từ vết khâu. Hãy chắc chắn để thảo luận về những rủi ro với bác sĩ trước khi bắt đầu.
5. Subcision
Subcision còn được gọi là phẫu thuật cắt rạch dưới da, đây là phẫu thuật không đắt đỏ được sử dụng tốt nhất để điều trị sẹo lõm chân tròn. Mặc dù nó có hiệu quả khi sử dụng một mình, nhưng nó thường được kết hợp với các biện pháp khác như lột da hóa học và lăn kim.
Phương pháp này làm mất đi khu vực xung quanh vết sẹo lõm và tạo ra một vết thương mới có thể chữa lành đúng cách và phù hợp với lớp da bình thường của bạn.
Trong thủ tục này, bác sĩ sẽ đâm kim thật nhanh dưới da nhiều lần theo nhiều hướng khác nhau xung quanh mô sẹo. Sau thủ thuật, vùng da bị ảnh hưởng sẽ được áp lạnh để ngăn ngừa chảy máu. Thủ thuật này có thể được lặp đi lặp lại nếu vết sẹo của bạn nghiêm trọng hơn.
Những điều bạn nên nhớ sau bài viết này
Điều trị sẹo lõm có thể làm giảm sự xuất hiện của vết lõm trên da của bạn và loại bỏ cảm giác tự ti, xấu hổ, đặc biệt là sẹo lõm trên mặt. Điều quan trọng là phải hiểu rằng không có phương pháp nào nhanh chóng để điều trị sẹo lõm.
Mỗi phương pháp điều trị đi kèm với rủi ro riêng của nó. Một số có thể để lại cho bạn vết sẹo mới hoặc có thể không loại bỏ hoàn toàn vết sẹo ban đầu. Các phương pháp điều trị khác có thể cần phải được lặp đi lặp lại để mang lại kết quả tốt nhất. Trước khi chọn bất kỳ phương pháp điều trị, thảo luận về các lựa chọn của bạn với bác sĩ chuyên khoa da liễu.