Ai bị đau lưng?
Đau lưng đôi khi không phải là một tình trạng bệnh lý nặng nề. Đó có thể là một triệu chứng của một số loại tình trạng bệnh lý khác nhau.
Đó thường là kết quả của một vấn đề với một hoặc nhiều phần liên quan tới vùng thắt lưng, chẳng hạn như:
- Dây chằng
- Cơ
- Dây thần kinh
- Các cấu trúc xương tạo nên cột sống, được gọi là thân đốt sống hoặc đốt sống
Đó cũng có thể là do một vấn đề với các cơ quan lân cận, chẳng hạn như thận.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Thần kinh Hoa Kỳ, 75 đến 85% người Mỹ sẽ trải qua cơn đau thắt lưng trong cuộc đời. Trong số đó, 50% sẽ có nhiều hơn một cơn đau thắt lưng trong vòng một năm.
Trong 90% tất cả các trường hợp, cơn đau trở nên dễ chịu hơn mà không cần phẫu thuật. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn đang bị đau lưng.
Sơ đồ các cơ ở vùng lưng
Sơ đồ này cho thấy cơ bắp nào ở vùng lưng có thể khiến bạn đau.
Mục lục
Điều trị đau lưng
Nhiều người sẽ không cần đến bác sĩ để điều trị đau lưng. Thuốc giảm đau không kê đơn có thể giải quyết nếu chỉ là đau lưng thông thường.
Trong trường hợp nghiêm trọng hơn, các phương pháp điều trị mạnh hơn có thể sẽ cần thiết, nhưng chúng thường được sử dụng dưới sự giám sát chặt chẽ từ bác sĩ.
Thuốc
Phần lớn các cơn đau lưng được giảm bớt bằng cách điều trị bằng thuốc chống viêm không steroid (NSAID), như: ibuprofen (Motrin), naproxen (Aleve)
Thuốc giảm đau, chẳng hạn như acetaminophen (Tylenol), cũng là một lựa chọn, mặc dù chúng không có đặc tính chống viêm.
Cẩn thận với các loại thuốc như ibuprofen nếu bạn có vấn đề về thận hoặc loét dạ dày.
Không bao giờ dùng nhiều hơn liều khuyến cáo của các loại thuốc không kê đơn mà không nói chuyện với bác sĩ, vì ngay cả những loại thuốc này cũng có thể có tác dụng phụ nghiêm trọng nếu bạn dùng không đúng cách.
Các lựa chọn thuốc khác bao gồm:
Thuốc bôi và thuốc mỡ
Các sản phẩm bôi có thể có hiệu quả cao trong việc giảm đau lưng. Có nhiều sản phẩm trong số này có chứa các thành phần như ibuprofen và lidocaine, được tìm thấy có tác dụng tốt hơn so với giả dược khi điều trị giảm đau.
Opioids
Opioids là thuốc giảm đau mạnh hơn có thể được kê toa cho cơn đau nặng hơn. Những loại thuốc này, chẳng hạn như oxycodone (OxyContin) và sự kết hợp của acetaminophen và hydrocodone ( Vicodin ), tác động lên hệ thần kinh trung ương để giảm đau
Opioids cần được sử dụng thận trọng bởi nó có nguy cơ gây nghiện.
Thuốc giãn cơ
Thuốc giãn cơ cũng có thể được sử dụng cho đau thắt lưng, đặc biệt là co thắt cơ xảy ra cùng với cơn đau. Những loại thuốc này hoạt động trên hệ thống thần kinh trung ương để giảm đau.
Thuốc chống trầm cảm
Thuốc chống trầm cảm và các loại thuốc khác đôi khi có thể được sử dụng để điều trị đau lưng.
Nếu đau lưng của bạn nghiêm trọng, bác sĩ có thể kê toa amitriptyline, thuốc chống trầm cảm ba vòng, vì nó tập trung vào các phần khác nhau của phản ứng đau. Thuốc chống trầm cảm này cũng có thể hoạt động tốt hơn cho các cơn đau liên quan đến thần kinh.
Tiêm steroid
Bác sĩ cũng có thể khuyên bạn nên tiêm steroid cortisone khi đau lưng nghiêm trọng. Tuy nhiên, giảm đau do tiêm steroid thường có tác dụng trong khoảng ba tháng.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị cuối cùng và hiếm khi cần thiết cho đau lưng. Phương pháp này thường dành cho những bất thường về cấu trúc chưa đáp ứng với điều trị bảo tồn bằng thuốc và liệu pháp vật lý trị liệu.
Cần phẫu thuật khi:
- Đau dữ dội, không ngớt
- Chèn ép dây thần kinh khiến cơ bắp trở nên yếu
Thủ thuật nối đốt sống là một tiến trình phẫu thuật nối các đốt sống trong đó các đốt sống đau được hợp nhất thành một đốt duy nhất, rắn chắc hơn. Do đó, chúng không thể dịch chuyển khỏi nhau, giúp loại bỏ chuyển động gây ra đau cột sống.
Phẫu thuật để loại bỏ một phần và thay thế đĩa đệm đốt sống có thể được thực hiện để giảm đau do bệnh thoái hóa xương.
Các phương pháp thay thế thuốc
Các liệu pháp thay thế có thể giúp giảm đau lưng bao gồm:
Châm cứu
Để châm cứu cho bệnh nhân, bác sĩ sẽ sử dụng một cây kim mỏng, nhỏ châm vào các huyệt vị trên cơ thể. Châm cứu được áp dụng để điều trị rất nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm các chứng đau lưng, đau đầu, các bệnh về xương khớp.
Theo triết lý học của Trung Hoa, trong cơ thể con người luôn có những dòng khí chạy khắp để cân bằng âm dương. Nếu dòng chảy bị tắc nghẽn, cơ thể sẽ xuất hiện các cơn đau cùng những triệu chứng rối loạn chức năng. Dựa trên nguyên lý hoạt động của khí, châm cứu sẽ khai thông khí huyết, khôi phục sự cân bằng của khí, từ đó giúp giảm đau và hồi phục chức năng của các cơ quan.
Không nhắc đến sự lưu thông của khí trong cơ thể, nhưng các chuyên gia cũng chỉ ra những tác dụng trị liệu của việc châm cứu. Theo đó, khi châm kim vào các huyệt đạo sẽ kích thích cơ thể sản sinh hormone endorphin, một loại chất giúp giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, châm cứu cũng giúp kích thích dòng chảy của máu cũng như thay đổi hoạt động não bộ. Tùy thuộc vào triệu chứng cũng như chẩn đoán, bác sĩ sẽ tiến hành châm kim trên bề mặt da tương ứng với các huyệt đạo khác nhau từ 20 phút đến 40 phút mỗi vị trí.
Xoa bóp
Xoa bóp có thể làm giảm đau lưng mãn tính, đặc biệt khi kết hợp với tập thể dục và kéo giãn cơ. Các nhà nghiên cứu lưu ý rằng những bệnh nhân đã làm cả 3 thứ trên có thể di chuyển dễ dàng hơn và có ít gặp những cơn đau ngắn hạn hay dài hạn.
Phương pháp chiropractic
Chiropractic là một phương pháp điều trị không phẫu thuật. Trong kĩ thuật chiropractic, bác sĩ sử dụng bàn tay của mình hoặc các thiết bị nhỏ để điều chỉnh các khớp ở cột sống, kéo cột sống của bạn về đúng vị trí. Người ta cho rằng vị trí cột sống đúng có thể giúp cột sống có thể tự lành mà không cần dùng thuốc hoặc phẫu thuật.
Phương pháp chiropractic giúp bạn:
- Giảm đau ở vùng bị ảnh hưởng ở các khớp, cơ, xương, dây chằng và gân ở cột sống
- Tăng biên độ vận động của lưng hoặc cổ
- Phục hồi các chức năng bị mất do thoát vị đĩa đệm
- Phòng ngừa những tổn thương về sau do đĩa đệm bị hư.
Chiropractic chỉ được áp dụng sau khi các bác sĩ đã đánh giá tiền căn y khoa, tiền căn xã hội, tiền căn gia đình của bạn, khám sức khỏe và xét nghiệm hình ảnh như MRI, CT scan hoặc X-quang.
Liệu pháp nhận thức hành vi
Phương pháp này dựa trên những nguyên tắc thiền được thiết kế giúp bạn nhận thức và chấp nhận những trải nghiệm cuộc sống hơn, từ đó làm giảm bớt những khó chịu về cảm xúc và thể xác.
Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Journal of the American Medical Association, người ta cho nhóm người thực liệu pháp nhận thức hành vi để giảm đau lưng trong tám tuần, mỗi tuần thực hành hai giờ rồi theo dõi họ trong một năm.
Ở tuần thứ 26, khoảng 60% người tham gia báo cáo giảm đau lưng rõ và cải thiện vận động
Kỹ thuật thư giãn
Hãy chắc chắn nói chuyện với bác sĩ của bạn trước khi trải qua bất kỳ điều trị thay thế hoặc bổ sung. Nếu bạn đang bị đau lưng, những lựa chọn điều trị đau lưng dưới đây có thể hữu ích .
Phương pháp hỗ trợ giảm đau lưng tại nhà
Nhiều biện pháp khắc phục tại nhà có thể được sử dụng với phương pháp điều trị đau lưng truyền thống. Nếu bạn có thắc mắc về những điều này, hãy nói chuyện với bác sĩ của bạn.
Liệu pháp nóng/lạnh
Túi nước đá có thể làm giảm sự khó chịu và giúp giảm viêm trong các giai đoạn cấp tính của đau lưng. Lưu ý: Đừng chườm đá trực tiếp lên da. Bọc nó trong một chiếc khăn mỏng hoặc gạc để tránh làm bỏng lạnh da của bạn.
Chườm ấm cũng có thể giảm đau khi viêm đã giảm. Cân nhắc xen kẽ giữa chườm nóng và lạnh.
Bài tập
Các bài tập để cải thiện tư thế và tăng cường cơ bắp của cơ lưng và cơ bụng – được gọi là cơ bắp cốt lõi (cơ nằm ở trung tâm cơ thể) – là một lựa chọn điều trị nên được cân nhắc sử dụng tại nhà.
Điều trị này thường bao gồm:
- Cải thiện tư thế
- Sử dụng các bài tập tạ thích hợp
- Tăng cường cơ bắp cốt lõi
- Kéo giãn cơ bắp để cải thiện tính linh hoạt
Hai loại động tác tập luyện sức mạnh có thể mang lại lợi ích cho phần lưng dưới là bài tập uốn cong và kéo dài lưng. Trong bài tập uốn cong, bạn uốn cong về phía trước để căng cơ bắp và hông. Trong các bài tập mở rộng, bạn uốn cong ngược lại để phát triển các cơ hỗ trợ cột sống. Một cách để bạn thực hiện bài tập này là nâng chân trong khi nằm yên. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra đau lưng mà sẽ có một số bài tập bạn không nên làm. Nếu bạn bị đau lưng, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ về những bài tập nào là an toàn cho bạn.
Bài tập giãn cơ lưng đơn giản và hiệu quả
- Chuẩn bị: Nằm sáp trên thảm tập, 2 tay ép sát và duỗi trước người. 2 chân duỗi thẳng đặt hẹp hơn hông.
- Bắt đầu nâng 2 tay, 2 chân và ngực lên khỏi thảm căng cứng trong 2s. Thở ra khi thực hiện động tác.
- Từ từ hạ tay, chân và ngực xuống đồng thời hít vào.
- Lặp lại động tác nhiều lần.
- Một nhà trị liệu vật lý có thể dạy bạn cách thực hiện các loại bài tập này ở nhà.
Tinh dầu
Nghiên cứu cho thấy tinh dầu oải hương hoặc thuốc mỡ làm bằng capsaicin có thể giúp giảm đau.
Capsaicin là thành phần trong ớt làm cho chúng nóng. Những thành phần này có thể làm giảm nhạy cảm các dây thần kinh ở khu vực bị ảnh hưởng và giảm đau lưng.
Tắm muối
Tắm nước nóng có thể giảm đau đáng kể cho cơ bắp đau nhức, nhưng trong khi bạn ngâm mình, hãy tăng cường hiệu quả cho phương pháp này bằng cách thêm muối Epsom. Cơ thể bạn có thể hấp thụ các khoáng chất từ tắm muối và chúng có thể giúp giảm đau cơ.
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể có hiệu quả cao trong việc giảm đau lưng.
Nguyên nhân đau lưng
Các nguyên nhân phổ biến nhất của đau lưng là căng thẳng và các vấn đề với cấu trúc lưng.
Sự căng thẳng, quá tải
Cơ bắp căng cứng thường gây đau lưng. Bị căng cơ lưng do co hoặc duỗi người đột ngột. Căng cơ thường xảy ra nhất ở vùng thắt lưng. Các cơ bị tổn thương do bị kéo căng quá mức chính là lý do dẫn đến những cơn đau này.
- Do chấn thương, va đập ở vùng lưng hay cột sống khiến tổn thương dây chằng vùng lưng. (gồm các mô liên kết dạng sợi, dẻo dai, gắn kết cơ với xương và khớp). Khiến dây chằng bị căng quá mức hoặc rách dẫn đến đau cơ lưng.
- Khi bạn làm việc quá tải, mang vác nặng không đúng tư thế cũng là nguyên nhân gây đau nhức cơ lưng.
- Các tư thế vận động sai lệch hay tập luyện thể dục thể thao quá sức chịu đựng của cơ thể. Hoặc người mới tập luyện thể thao trong thời gian đầu cũng có thể bị co cứng cơ lưng.
- Ảnh hưởng từ công việc: Những người có nghề nghiệp đòi hỏi phải ngồi, đứng nhiều như nhân viên văn phòng, nhân viên y tế, lái xe, thợ may… cũng dễ mắc bệnh đau cơ thắt lưng do ít vận động hay ngồi, đứng sai tư thế.
Vấn đề cấu trúc
Các đốt sống là các xương lồng vào nhau xếp chồng lên nhau tạo nên cột sống. Đĩa đệm là khu vực mô đệm giữa hai đốt sống. Tổn thương đĩa đệm cột sống là một nguyên nhân khá phổ biến của đau lưng.
Đôi khi những đĩa đệm này có thể phình ra, thoát vị hoặc vỡ. Các dây thần kinh có thể bị chèn ép khi điều này xảy ra.
Thoát vị đĩa đệm có thể rất đau đớn. Một đĩa đệm phồng chèn vào dây thần kinh từ lưng xuống chân có thể gây đau thần kinh tọa hoặc kích thích dây thần kinh tọa. Đau thần kinh toạ có thể gây ra các triệu chứng như:
- Cảm giác đau, nóng rát, tê cứng, cơ mỏi hoặc yếu và ngứa râm ran từ thắt lưng xuống mông và dọc xuống mặt sau cẳng chân. Thông thường chỉ có một chân (bao gồm cả chân hoặc một phần bàn chân) bị ảnh hưởng.
- Các triệu chứng tệ hơn khi bạn đi lại, cúi người, ngồi lâu, ho hoặc hắt hơi nhưng đỡ hơn khi bạn nằm.
- Cơn đau có thể nhẹ hoặc nhức, buốt, nóng rát hoặc đau cực độ.
Đau thần kinh tọa nghiêm trọng có thể khiến việc đi lại khó khăn hoặc thậm chí không thể đi lại.
Viêm xương khớp
Viêm xương khớp cột sống cũng là một nguyên nhân tiềm ẩn gây đau lưng. Nó gây ra bởi sự phá hủy và suy giảm của sụn khớp ở cột sống phía dưới.
Theo thời gian, tình trạng này có thể dẫn đến hẹp cột sống hoặc hẹp ống sống .
Loãng xương
Mật độ xương giảm được gọi là loãng xương, có thể dẫn đến gãy xương nhỏ ở đốt sống của bạn. Những gãy xương này có thể gây đau nghiêm trọng vùng lưng phía dưới
Các nguyên nhân khác của đau lưng
Có nhiều nguyên nhân tiềm ẩn khác gây đau lưng, nhưng hầu hết trong số này hiếm khi xảy ra. Hãy chắc chắn gặp bác sĩ nếu bạn bị đau lưng thường xuyên mà cơn đau không hề đỡ hoặc biến mất.
Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây đau lưng phổ biến hơn, bác sĩ sẽ thực hiện các xét nghiệm để xác định xem bạn có nguyên nhân hiếm gặp hơn không. Các bệnh lý có thể gặp bao gồm:
- Sự dịch chuyển của một đốt sống trên một đốt sống khác, được gọi là trượt đốt sống thắt lưng.
- Mất chức năng thần kinh ở tủy sống phía dưới, được gọi là hội chứng Cauda Equina- hội chứng đuôi ngựa (một cấp cứu y tế)
- Nhiễm nấm hoặc vi khuẩn ở cột sống, chẳng hạn như Staphylococcus , E. coli hoặc bệnh lao
- Ung thư hoặc khối u di căn tới cột sống
- Nhiễm trùng thận hoặc sỏi thận
Triệu chứng đau lưng
Đau lưng có thể có nhiều triệu chứng, bao gồm:
- Cảm giác đau âm ỉ ở lưng dưới
- Cơn đau dữ dội có thể lan xuống hông và chân
- Đứng thẳng có cảm giác đau
- Giảm phạm vi vận động và giảm khả năng uốn cong lưng
Các triệu chứng đau lưng, nếu do căng thẳng hoặc sai tư thế, thường không kéo dài nhưng vẫn có thể kéo dài trong vài ngày hoặc vài tuần.
Đau lưng mãn tính là khi các triệu chứng đã xuất hiện kéo dài trên ba tháng.
Các triệu chứng đau lưng có thể chỉ ra một vấn đề nghiêm trọng
Gặp bác sĩ nếu tình trạng đau lưng không cải thiện trong vòng hai tuần sau khi bắt đầu. Có những lúc đau lưng có thể là triệu chứng của một vấn đề y tế nghiêm trọng.
Các triệu chứng có thể chỉ ra một vấn đề y tế nghiêm trọng hơn là:
- Mất kiểm soát ruột hoặc bàng quang
- Tê, ngứa ran hoặc yếu ở một hoặc cả hai chân
- Khởi phát sau chấn thương, chẳng hạn như ngã hoặc một cú đánh vào lưng
- Cơn đau dữ dội, liên tục trở nên tồi tệ hơn vào ban đêm
- Đột ngột giảm cân không lý do
- Đau liên quan đến cảm giác đau nhói ở bụng
- Xuất hiện sốt
Hãy cho bác sĩ của bạn biết nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên.
Chẩn đoán đau lưng
Một cuộc kiểm tra tổng quát thường là tất cả những gì cần thiết để chẩn đoán đau lưng. Trong khi kiểm tra, bác sĩ có thể thực hiện:
- Kiểm tra khả năng đứng và đi lại
- Giới hạn chuyển động của cột sống
- Các phản xạ
- Sức cơ 2 bên chân
- Cảm giác của 2 chân
Nếu nghi ngờ một tình trạng nghiêm trọng, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm khác, bao gồm:
- Xét nghiệm máu và nước tiểu để kiểm tra các bệnh lý cơ bản
- X-quang cột sống để kiểm tra một số vấn đề của xương
- Chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc chụp cộng hưởng từ (MRI) để đánh giá đĩa đệm, cơ, dây chằng, thần kinh và mạch máu của bạn
- Điện cơ (EMG) để kiểm tra dẫn truyền thần kinh
Cách phòng chống đau lưng
Những lời khuyên này có thể giúp giảm đau lưng khi nó xảy ra. Các phương pháp này cũng có thể giúp bạn ngăn ngừa đau lưng ngay từ đầu.
Hạn chế mang vác nặng
Những chiếc cặp nặng, túi đựng laptop, vali và ví có thể gây thêm căng thẳng và đè ép không cần thiết cho cổ và cột sống của bạn.
Cố gắng giảm những gì bạn cần mang theo và sử dụng túi phân phối trọng lượng đồng đều hơn, chẳng hạn như ba lô. Nếu bạn có thể, hãy sử dụng một vali kéo để giữ trọng lượng hoàn toàn khỏi lưng khi đi du lịch hoặc đi công tác xa.
Tập luyện các bài tập vào cơ cốt lõi
Các cơ trong và xung quanh bụng và lưng giúp bạn đứng thẳng và giúp bạn thực hiện các hoạt động thể chất. Tăng cường các cơ này cũng có thể làm giảm nguy cơ đau, căng hoặc tổn thương cho lưng của bạn.
Đưa các bài tập luyện các cơ này vào thói quen tập thể dục thường xuyên của bạn ít nhất hai lần một tuần.
Cải thiện tư thế của bạn
Tư thế xấu có thể gây áp lực không cần thiết và căng thẳng cho cột sống của bạn. Theo thời gian, điều này có thể dẫn đến đau đớn và tổn hại cột sống.
Thường xuyên nhắc nhở bản thân ngồi đúng tư thế, nếu có thể, để một chiếc gương trước mặt để tự điều chỉnh tư thế cho đúng.
Thay giày
Giày cao gót có khả năng gây tổn thương cho lưng của bạn nếu bạn mang chúng thường xuyên. Chọn giày thoải mái, gót thấp khi bạn có thể. Một inch là một gợi ý chiều cao gót tối đa.
Giãn cơ
Ngồi một vị trí quá lâu hoặc đứng quá lâu có thể khiến cơ luôn bị căng. Tập ài động tác giãn cơ thường xuyên để giúp cải thiện lưu thông trong các cơ và giảm nguy cơ đau lưng và tổn thương cơ.
Nếu bạn nghĩ rằng năm lời khuyên này hữu ích để ngăn ngừa đau lưng, hãy đọc thêm năm cách để giúp giảm nguy cơ bị đau lưng.
Các yếu tố nguy cơ gây đau lưng
Theo Mayo Clinic, bạn có nguy cơ bị đau lưng nếu bạn:
- Làm việc trong môi trường ít vận động
- Không tập thể dục
- Thực hiện các bài tập nặng mà không khởi động làm nóng cơ thể
- Tuổi cao
- Béo phì
- Hút thuốc lá
- Đã được chẩn đoán với một tình trạng cụ thể như viêm khớp
Cảm xúc của bạn cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ đau lưng. Bạn có thể có nguy cơ bị đau lưng cao hơn nếu bạn có một công việc căng thẳng hoặc bị trầm cảm và lo lắng thường xuyên.
Đau lưng và mang thai
Đau lưng trong các giai đoạn thai kỳ có thể khá phổ biến. Tuy nhiên, bạn nên chắc chắn nói chuyện với bác sĩ về những gì bạn đang trải qua, trong trường hợp cơn đau có thể là một phần của một vấn đề lớn hơn.
Dưới đây là một vài lý do khiến bạn có thể bị đau lưng khi mang thai:
Dịch chuyển trọng tâm
Khi em bé của bạn lớn lên, trọng tâm của cơ thể bạn sẽ di chuyển ra ngoài. Cột sống và lưng của bạn sẽ cong để bù đắp cho sự thay đổi trong sự cân bằng mới. Điều này gây thêm căng thẳng cho cột sống thắt lưng dưới.
Tăng cân
Tăng cân là một phần của thai kỳ, và tăng cân trong 9 tháng đó có thể gây căng thẳng nhiều hơn cho cơ lưng và cơ bắp cốt lõi của bạn.
Hormone
Khi cơ thể bạn chuẩn bị sinh em bé, nó sẽ tiết ra các hormone làm lỏng dây chằng giúp ổn định xương chậu và cột sống thắt lưng của bạn. Những hormone tương tự cũng có thể làm cho xương trong cột sống của bạn thay đổi, điều này có thể dẫn đến sự khó chịu và đau đớn.
Các bài tập giúp giảm đau lưng
Giãn cơ nhẹ nhàng và các bài tập dễ dàng có thể giúp giảm đau lưng và ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.
Đây là vài bài tập bạn có thể thử. Những động tác này không yêu cầu thiết bị đặc biệt và có thể được thực hiện ở bất cứ đâu. Một tấm thảm yoga được khuyến khích nhưng có thể không dùng cũng được.
Yoga có thể được coi là một cách để giảm căng thẳng nhưng nó cũng có thể là một cách tuyệt vời để giảm đau cơ. Một số tư thế yoga có thể giúp giãn cơ và tăng cường cơ bắp ở bụng và lưng của bạn. Điều đó có thể làm giảm đau và ngăn ngừa các vấn đề trở lại trong tương lai.
Thực hành những tư thế yoga này trong vài phút mỗi ngày. Chúng tuyệt vời cho người mới bắt đầu. Bạn có thể thêm những bài tập mới khi đã thành thục.
Tư thế cây cầu
Tư thế cây cầu trong Yoga là tư thế rất quan trọng và cực kỳ hữu ích trong điều trị các bệnh liên quan đến tuyến giáp, đau lưng, đau cổ, các vấn đề về thần kinh và nhiều hơn nữa. Trong tiếng Phạn, tư thế cây cầu là Setu Bandhasana, có nghĩa là nơi chỉ về phía cầu. Setu là cầu, Bandha là khóa lại. Tư thế này tác động lên cột sống và các dây thần kinh nên rất tốt cho cơ thể và tâm trí, giúp tăng cường sự linh hoạt của lưng.
Cách thực hiện tư thế cây cầu
Bạn có thể thực hiện tư thế này theo các bước đơn giản dưới đây
- Đầu tiên, nằm xuống trong tư thế nằm ngửa
- 2 tay bạn đặt xuôi cạnh hông-đùi
- Gập đầu gối và dùng tay nắm lấy cổ chân bạn/ bạn cũng có thể không cần nắm cổ chân mà đan tay vào nhau đặt thẳng tay xuống thảm.
- Khoảng cách giữa 2 bàn chân nên rộng bằng vai
- Hít sâu nâng lưng của bạn lên. Cảm nhận sự căng của lưng và cổ
- Giữ tư thế tầm 30s hoặc lâu hơn, thở đều và chậm
- Từ từ nằm xuống, thở chậm và sâu, thư giãn
- Lặp lại động tác 3-5 lần.
Những ai không nên thực hiện tư thế cây cầu
- Những người đang gặp vấn đề nghiêm trọng về cổ
- Nếu bạn bị chấn thương ở lưng, cũng không nên tập tư thế này
- Nếu bạn đang bị đau đầu gối, hãy bỏ qua tư thế này
- Nếu bạn đang gặp chấn thương vai
- Trong quá trình thực hiện tư thế này, tuyệt đối không được quay đầu qua trái hoặc qua phải mà chỉ nhìn thẳng lên.
Tư thế đẩy hông
- Nằm ngửa trên sàn nhà, lưng thẳng và 2 cẳng chân để sát vào nhau và gần vuông góc.
- Ấn tay xuống đất ở vị trí hai bên hông để giữ thăng bằng. Đẩy hông lên, dồn lực vào bàn chân phải, co chân trái lên để tạo thành góc vuông với hông.
- Giữ cho xương chậu cố định và thư giãn.
- Hạ chân trái về vị trí ban đầu. Đổi chân bên còn lại.
- Tập khoảng 20 lần xen kẽ hai chân.
Tư thế cuộn người
- Nằm sấp xuống sàn, hai chân dang rộng bằng vai.
- Co hai chân lên và dùng tay nắm lấy hai chân.
- Hít thật sâu và dùng lực cơ bụng để vươn người lên càng cao càng tốt.
- Thở nhẹ ra và từ từ hạ thấp phần thân trên và thân dưới vẫn còn nâng cao.
- Trở lại vị trí ban đầu, thả lỏng.
- Lặp lại 4 – 5 lần.
Tư thế con mèo
- Quỳ gối và đặt hai tay chống vuông góc với sàn.
- Hít vào sâu, ép cong lưng xuống và mắt nhìn về phía trước.
- Thở ra, từ từ cong lưng lên, mắt hướng về phía ngực.
- Lặp lại động tác 5 – 10 lần với mỗi nhịp hít thở đều.
Lưu ý: Tay chống cố định và làm điểm tựa, lực sẽ dồn lên phần lưng và chân
Tư thế rắn hổ mang
- Động tác cong lưng này giúp gia tăng độ dẻo của xương cột sống khi mở rộng ngực, vai và bụng.
- Nằm úp trên thảm, hai chân khép lại. Duỗi thẳng hai tay ở trước người.
- Hít vào, giữ hông và đùi trên sàn, chỉ cong nhẹ lưng dưới. Đặt hai tay trước ngực, giữ hai cùi chỏ hơi gập.
- Duỗi hai vai khỏi hai tai. Mắt nhìn về phía trước hay hạ đầu về phía sau, giữa hai xương vai.
- Giữ trong 5 nhịp hít thở, sau đó thở ra khi hạ bụng xuống thảm lại.
Tư thế vặn xương cột sống
- Ôm hai gối về phía ngực.
- Duỗi thẳng, hai tay duỗi thẳng hai bên, ngang vai, lòng bàn tay ngửa lên.
- Từ từ hạ hai gối sang bên trái. Tựa lên sàn và xoay đầu sang phải.
- Giữ yên trong ít nhất 5 nhịp hít thở, duỗi thẳng xương cột sống và vặn người. Bạn sẽ vài tiếng ‘rắc, rắc’
- Dùng lực cơ bụng để nâng hai gối về vị trí ban đầu. Từ từ hạ hai gối sang phải, mắt nhìn về phía vai trái.
- Sau 5 nhịp hít thở, nâng hai gối ngược lại vị trí ban đầu và gồi dậy.
Đau lưng do nhiễm trùng tiết niệu
Một nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) là một bệnh nhiễm trùng trong các bộ phận của cơ thể của bạn có trách nhiệm quá trình bài tiết nước tiểu. Có thể là thận, niệu quản, niệu đạo hoặc bàng quang.
Nhiễm trùng tiểu thường được gây ra bởi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu và nhân lên trong đó.
Nếu bạn bị nhiễm trùng tiểu, bạn có thể bị đau vùng thắt lưng hoặc đau bụng. Ngoài ra, bạn có thể gặp các triệu chứng sau:
- Đi tiểu thường xuyên
- Nóng rát khi đi tiểu
- Nước tiểu có máu
- Nước tiểu đục
- Luôn cảm thấy mót tiểu
- Đi tiểu không hết
UTI có thể được điều trị bằng kháng sinh. Khi điều trị bắt đầu, các triệu chứng bao gồm đau lưng sẽ được giải quyết nhanh chóng.
Đi tiểu thường xuyên và đau lưng có thể được gây ra bởi các điều kiện khác.
Kết luận
Đau lưng là một căn bệnh phổ biến, và bạn càng lớn tuổi, bạn càng có nhiều khả năng gặp tình trạng này. Trên thực tế, phần lớn người Mỹ sẽ gặp cơn đau lưng tại một số thời điểm trong cuộc sống của họ. Có một tỷ lệ nhỏ đau lưng có thể trở thành mãn tính.
Với điều trị, hầu hết các cơn đau lưng sẽ tự khỏi. Thỉnh thoảng, bạn sẽ cần sự giúp đỡ của bác sĩ với thuốc theo toa hoặc thuốc tiêm. Phẫu thuật có thể là một lựa chọn tuy nhiên ít gặp.
Tin vui cho những người từng trải qua cơn đau lưng và muốn tránh cơn đau khác là bạn có thể thực hiện các bước nêu trên để ngăn ngừa đau lưng. Giãn cơ hàng ngày, yoga và tập luyện các cơ cốt lõi có thể giúp làm cho cơ lưng và cơ bắp của bạn mạnh mẽ và dẻo dai hơn.