Nguyên nhân gây rụng tóc ở nam giới
Bạn nghĩ rằng đường chân tóc của bạn đang lùi dần mỗi khi bạn nhìn vào gương, thực tế thì có nhiều người đang có cùng tình trạng như bạn. Hơn một nửa số đàn ông từ 50 tuổi trở lên có dấu hiệu rụng tóc. Tỷ lệ này ở người đàn ông trên 70 tuổi là 80%.
Tại sao lại có hiện tượng này? Đó có thể là di truyền hoặc có một số lý do khác có thể xảy ra.
Di truyền học
Chứng hói đầu ở nam giới – bạn có thể nghe thấy nó được gọi là androgenetic alopecia – được kích hoạt bởi các gen thừa hưởng từ cha mẹ. Cơ chế chính xác chưa được nghiên cứu rõ nhưng nó có xu hướng di truyền trong các gia đình. Vì vậy, nếu bạn có người thân đang bị hói, bạn cũng có khả năng mắc bệnh này.
Các bác sĩ không hiểu đầy đủ lý do tại sao một số thay đổi nội tiết tố làm cho nang tóc co lại, hoặc tại sao quá trình hói dần xảy ra theo cùng một kiểu đối với hầu hết nam giới. Nhưng tình trạng này thường bắt đầu tạo thành một đường ở phía trước hình chữ M, ở vùng trán thái dương rồi rụng vùng đỉnh hậu quả là để lại một vành tóc ở hai bên và vùng chẩm.
Tùy thuộc vào yếu tố gia đình của bạn, chứng hói đầu ở nam giới có thể bắt đầu sớm nhất là ở tuổi thiếu niên. Không chỉ tóc của bạn sẽ mỏng hơn mà còn có thể trở nên ngắn hơn, rụng sớm hơn.
Bệnh lý
Rụng tóc tạm thời có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý nào đó, như thiếu máu hoặc các vấn đề về tuyến giáp. Một chế độ ăn ít protein và sắt cũng có thể khiến tóc bạn mỏng đi.
Rụng tóc có thể là tác dụng phụ của một số loại thuốc bạn dùng:
- Hóa trị liệu trong ung thư
- Viêm khớp
- Trầm cảm
- Huyết áp cao
- Bệnh tim mạch
Điều trị bằng xạ trị hoặc hóa trị liệu có thể gây rụng tóc trên diện rộng nhưng thường thì tóc của bạn sẽ mọc sau khi các phương pháp điều trị kết thúc.
Căng thẳng hoặc sốc
Giảm cân đột ngột hoặc quá mức, sốc nặng về thể chất hoặc tinh thần, trải qua phẫu thuật lớn hoặc thậm chí sốt và cúm có thể khiến rụng tóc kéo dài vài tháng.
Nhiễm trùng
Nhiễm giun đũa, ký sinh trùng có thể tạo ra các mảng vảy trên da đầu và các vùng hói. Tóc thường mọc trở lại sau khi điều trị.
Bệnh tự miễn
Trong rụng tóc từng mảng, hệ thống miễn dịch tăng lên mà không rõ nguyên nhân và ảnh hưởng đến các nang tóc. Ở hầu hết những người bị rụng tóc, tóc sẽ mọc trở lại, mặc dù nó có thể có thể có màu nhạt hơn trước khi màu bình thường và độ dày trở lại sau một thời gian.
Tóc của bạn có thể mọc lại, nhưng nó cũng có thể rụng trở lại.
Rối loạn tâm lý
Một số người có tình trạng tự nhổ tóc – từ da đầu, lông mày hoặc nơi nào khác – một tình trạng mãn tính được gọi là trichotillomania. Nó có thể ảnh hưởng đến 1-2% người lớn và thanh thiếu niên.
Cách chăm sóc tóc
Một số nam giới nuôi tóc dài và cột tóc chặt thường xuyên, điều này có thể gây rụng tóc. Ngoài ra, nhuộm tóc hay uốn nóng có thể làm hỏng nang tóc của bạn.
Một vài quan niệm sai lầm
Có một vài quan niệm về rụng tóc, hầu hết là sai. Thực tế thì:
- Nhiều người cho rằng đội mũ nhiều làm rụng tóc. Thực tế nó chỉ ảnh hưởng tới kiểu dáng của tóc chứ không dẫn đến rụng tóc.
- Bơi trong bể bơi hoặc biển không làm rụng tóc.
- Kem chống nắng sẽ không làm tóc bạn rụng nhưng nó sẽ bảo vệ những vùng tóc bị rụng.
- Máy sấy tóc có thể khiến tóc bạn dễ gãy hơn nhưng chúng sẽ không dẫn đến rụng tóc vĩnh viễn.
Các phương pháp điều trị rụng tóc ở nam giới
Bạn không thể luôn ngăn tóc rụng khi bạn già đi nhưng có những phương pháp điều trị và biện pháp khắc phục có thể làm chậm quá trình này. Trước khi bạn ra ngoài và mua các chất bổ sung và thuốc bổ đặc biệt, hãy tìm hiểu xem những loại nào có tác dụng ngăn ngừa hoặc điều trị rụng tóc.
Hói đầu kiểu nam, còn được gọi là rụng tóc androgenetic, là một loại rụng tóc di truyền. Nó ảnh hưởng đến hơn một nửa số đàn ông trên 50 tuổi. Các phương pháp sau đây có thể giúp ích cho bạn
Thuốc kê đơn
Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt hai loại thuốc để điều trị chứng hói đầu ở nam giới:
Minoxidil (Rogaine)
Trong một số trường hợp nhất định, chế phẩm từ chất này (sử dụng trên da) có thể làm tóc mọc lại một phần trên các khu vực của da đầu đã bị hói. Rogaine hoạt động trên các nang tóc để đảo ngược quá trình thu nhỏ của chúng để kích thích mọc tóc mới. Nó có thể làm giãn mạch máu ở da đầu, có thể cải thiện chức năng nang lông và kích thích tóc phát triển. Các tác dụng có hiệu quả tốt nhất ở những người trẻ tuổi mới bắt đầu có dấu hiệu hói đầu hoặc những người có các mảng hói nhỏ. Dùng thuốc là một giải pháp được áp dụng cho các vùng bị hói hai lần một ngày và phải được sử dụng kéo dài liên tục bởi rụng tóc sẽ tái phát nếu dừng sử dụng. Hơn 50% người dùng cho rằng nó có thể làm dày tóc và làm chậm rụng tóc, nhưng nó không được coi là hiệu quả ở những người đàn ông đã có hói đầu kiểu nam kéo dài. Tác dụng phụ của thuốc được ghi nhận không đáng kể, nhưng ở một số người dùng, thuốc có thể gây kích ứng da hoặc nhức đầu, lông mọc rậm rạp trên mặt.
Finasteride (Propecia, Proscar)
Ban đầu được sử dụng với liều cao hơn để điều trị các vấn đề về tuyến tiền liệt. Propecia hiện đang được sử dụng cho chứng hói đầu ở nam giới. Propecia hoạt động bằng cách ngăn chặn sự hình thành của nội tiết tố nam trong da có thể gây rụng tóc. Propecia được kê theo toa và uống một lần một ngày ở dạng thuốc viên. Như với hầu hết các loại thuốc, nó cũng có tác dụng phụ. Những tác dụng phụ thường có thể gặp khi sử dụng thuốc gồm: phát ban, khó thở,sưng mặt, môi, lưỡi hoặc họng….Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về Propecia để xem nó có phù hợp với bạn không.
Đối với cả hai loại thuốc này, có thể mất đến một năm để có kết quả và bạn sẽ cần tiếp tục dùng chúng để duy trì lợi ích.
Cấy tóc
Cấy tóc hay còn gọi là chính xác là kỹ thuật cấy tóc tự thân. Hiểu đơn giản, đây là phương pháp sử dụng những nang tóc khỏe mạnh lấy từ chính cơ thể của người đó để cấy vào vị trí thiếu tóc. Với kỹ thuật này, bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị chuyên dụng tiến hành bóc tách, lấy gốc tóc ra khỏi phần da đầu 1 cách chính xác (lấy ở vùng nhiều tóc phía sau gáy). Sau đó, dưới sự hỗ trợ của thiết bị kính hiển vi chuyên dụng, bác sĩ sẽ tách và lựa chọn các nang tóc khỏe mạnh nhất để cấy vào vùng da hói. Phần nang tóc này sau khi được cấy sẽ bám dính và tương thích nhanh với gốc y da đầu, phục hồi và thúc đẩy quá trình phát triển các nang tóc mới, giúp tóc mọc lại khỏe mạnh như những sợi tóc gốc của người đó. Để mang lại kết quả thẩm mỹ tốt nhất, bác sĩ sẽ đặt 1 – 2 đơn vị nang tóc trước chân tóc và 3 – 4 đơn vị nang tóc ở phía sau chân tóc vừa phục hồi nhằm thúc đẩy tối đa sự phát triển của các chân tóc.
Cũng có những rủi ro nhất định, bao gồm nhiễm trùng và sẹo. Bạn cũng có thể cần phải thực hiện nhiều lần phương pháp cấy tóc để có được kết quả như mong muốn.
Điều trị bằng laser
Điều trị bằng laser được cho là làm giảm tình trạng viêm trong nang khiến chúng không bị tái phát. Ánh sáng laser trong máy có tác dụng kích thích lưu lượng máu đến da đầu, ngăn rụng và nuôi dưỡng nang tóc phát triển tự nhiên. Người điều trị sẽ ngồi dưới một máy chụp laser hoặc các chuyên gia sẽ sử dụng một thiết bị laser cầm tay để chiếu tia laser bước sóng yếu vào da đầu. Các công đoạn trong biện pháp điều trị này mô phỏng hiệu ứng của ánh sáng mặt trời lên da dầu, kích thích các nang tóc phát triển, từ đó giúp tóc mọc và duy trì hiệu quả lâu dài
Bỏ thuốc lá
Nếu bạn là người hút thuốc, có lẽ bạn đã nghe về tất cả những tác động tiêu cực của việc hút thuốc đối với sức khỏe. Nhưng bạn có biết rằng hút thuốc cũng có thể gây ra rụng tóc và làm tóc bạc sớm? Nghiên cứu đã xác định rằng có một mối liên hệ giữa hút thuốc và rụng tóc. Nếu bạn muốn tránh bị hói, bạn nên bỏ thuốc càng sớm càng tốt.
Massage da đầu
Hầu hết mọi người đều bỏ qua bước này, vì cho rằng chúng tốn thời gian. Nhưng trên thực tế, thói quen massage da đầu đặc biệt sử dụng kèm tinh dầu này là thói quen cực kì tốt. Điều đó giúp hỗ trợ các dưỡng chất từ bên ngoài dễ hấp thụ sâu hơn. Động tác massage da đầu giúp các mạch máu được thư giãn, kích thích mọc tóc. Các dưỡng chất trao đổi với các sợi tóc tốt hơn. Không những thế, động tác massage còn giúp kích các nang tóc phát triển mạnh mẽ hơn. Bên cạnh đó, khi một da đầu khỏe mạnh, cùng với nang tóc phát triển. Đó chính là tiền đề cho các dưỡng chất bổ sung thấm dễ dàng.Trong một nghiên cứu nhỏ, những người đàn ông Nhật Bản với bốn phút massage da đầu mỗi ngày trong 24 tuần có mái tóc dày hơn vào cuối nghiên cứu.
Tinh dầu
Có một số bằng chứng cho thấy tinh dầu bạc hà có thể giúp mọc tóc. Tinh dầu hương thảo cũng được sử dụng theo truyền thống để tăng lưu thông máu trên da đầu. Một nghiên cứu năm 2013 cho thấy chiết xuất lá hương thảo cải thiện mọc lại lông ở chuột.
Dầu dừa, dầu thầu dầu và dầu ô liu cũng được khuyến khích rộng rãi, nhưng nghiên cứu về lợi ích của chúng đối với sự phát triển của tóc còn hạn chế.
Chế độ ăn uống hợp lý
Một chế độ ăn uống cân bằng có thể giữ cho tóc của bạn trong trạng thái tốt nhất. Hãy chắc chắn rằng bạn đang ăn nhiều loại rau, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, chất béo không bão hòa và protein trong chế độ ăn uống của bạn, và nhớ hạn chế ăn đồ ngọt.
Một số vitamin và khoáng chất có trong thực phẩm có liên quan đến mái tóc khỏe mạnh. Hãy thử thêm các loại thực phẩm này vào chế độ ăn của bạn:
- Thực phẩm giàu chất sắt, bao gồm thịt bò nạc, đậu, rau lá xanh đậm, ngũ cốc tăng cường chất sắt và trứng
- Thực phẩm giàu axit béo omega-3, như cá hồi, cá thu, cá ngừ, hạt lanh, lòng đỏ trứng, hạt gai dầu và quả óc chó
- Thực phẩm giàu protein, như trứng, thịt nạc và hải sản
Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước hàng ngày.
Saw palmetto
Saw palmetto là một loại cây có quả nhỏ thường được sử dụng điều trị cho phì đại lành tính tuyến tiền liệt. Trong khi nghiên cứu còn hạn chế về khả năng điều trị rụng tóc của palmetto, một nghiên cứu cho thấy kết quả khả quan đối với nam giới được điều trị bằng công thức thuốc bôi chiết xuất từ saw palmetto.
Biotin
Biotin là một loại vitamin được tìm thấy trong thực phẩm tự nhiên như:
- Quả hạch
- Khoai lang
- Trứng
- Hành
- Yến mạch
Có một số bằng chứng cho thấy việc bổ sung biotin bằng đường uống có thể làm chậm rụng tóc, nhưng hầu hết các nghiên cứu được thực hiện ở phụ nữ.
Nước ép hành tây
Một nghiên cứu năm 2002 cho thấy rằng việc sử dụng nước ép hành tây như một phương pháp điều trị tại chỗ dẫn đến sự tái sinh nhiều hơn đáng kể so với việc chỉ uống nước ở những người mắc chứng rụng tóc thành mảng.
Bhringraj
Bhringraj (Eclipta alba), còn được gọi là cỏ nhọ nồi, là một loài trong họ hoa hướng dương có tiếng trong y học truyền thống Ấn Độ, là một loại thảo mộc hỗ trợ sự phát triển của tóc. Các nghiên cứu trên chuột đã chỉ ra rằng chất chiết xuất từ thảo mộc cho thấy lông chuột mọc lại tóc tốt hơn so với dùng minoxidil (Rogaine). Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận những tác động này ở người.
Trà xanh
Một phương thuốc thảo dược có tác dụng cho rụng tóc là trà xanh. Một nghiên cứu trên chuột về các hợp chất polyphenolic có trong trà xanh hứa hẹn là phương thuốc tự nhiên trị rụng tóc, nhưng các nghiên cứu ở người chưa được thực hiện để xác nhận những tác dụng này.
Dâm bụt
Hoa dâm bụt được bán rộng rãi ở Ấn Độ để tăng cường sự phát triển của tóc. Một nghiên cứu trên chuột cho thấy tác dụng tích cực đối với nang lông, nhưng chưa có nghiên cứu nào được thực hiện ở người.
Chăm sóc tóc nhẹ nhàng
Cố gắng nhẹ nhàng nhất có thể khi chải hoặc tạo kiểu tóc. Liên tục xoắn vặn hoặc cột tóc chặt có thể dẫn đến rụng tóc. Nếu bạn lo lắng về việc rụng tóc, bạn có thể tránh những điều sau đây:
- Cột tóc chặt
- Uốn tóc, duỗi tóc
- Nhuộm tóc
- Tẩy tóc
Nếu bạn muốn sử dụng hóa chất hoặc thuốc tẩy trên tóc, hãy sử dụng loại thuốc có nhãn hiệu rõ ràng.
Kiểm tra bệnh lý
Ngoài yếu tố di truyền, có một số bệnh lý có thể dẫn đến rụng tóc. Bạn sẽ có thể giải quyết rụng tóc bằng cách điều trị các bệnh lý này. Các bệnh sau đây có thể dẫn đến rụng tóc:
- Bệnh tiểu đường
- Bệnh lupus
- Bệnh sarcoid
- Bệnh vẩy nến da đầu
- Bệnh lý tuyến giáp
- Rối loạn ăn uống (do dinh dưỡng kém)
- Thiếu máu thiếu sắt
- Rối loạn tâm lý được gọi là trichotillomania
- Bệnh celiac
- Giang mai (một bệnh lây truyền qua đường tình dục)
Nếu bạn có bất kỳ tình trạng nào trong số những tình trạng này, hoặc bạn đang gặp phải các triệu chứng khác ngoài rụng tóc, hãy đi khám bác sĩ và điều trị. Tình trạng rụng tóc của bạn sẽ được cải thiện khi các bệnh lý này được điều trị.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng thực sự có thể tác động xấu đến cơ thể, bao gồm cả tóc của bạn. Rụng tóc có thể là kết quả của một tình trạng căng thẳng kéo dài. Các biện pháp để giảm căng thẳng bao gồm:
- Tập thể dục thường xuyên
- Nghe nhạc
- Tập yoga
- Thiền
- Ngủ đủ giấc cũng rất cần thiết.
Ngừng hoặc thay đổi thuốc
Một số loại thuốc có thể dẫn đến rụng tóc. Ví dụ như:
- Hóa trị và xạ trị
- Thuốc chống đông máu
- Thuốc trị trầm cảm
- Thuốc điều trị huyết áp cao
- Thuốc tim mạch
- Thuốc chữa bệnh gout
- Isotretinoin (Accutane) điều trị mụn trứng cá
Tóm lại
Nếu bạn lo lắng về tình trạng rụng tóc, hãy đi khám và trao đổi với bác sĩ. Bạn có thể sẽ phát hiện ra vài bệnh lý trong cơ thể. Trong hầu hết các trường hợp, tóc của bạn sẽ mọc trở lại sau khi điều trị các bệnh lý này.