Bạn đã bao giờ bị ngất xỉu hay gặp một người bị ngất xỉu chưa? Bạn đã biết mình cần làm gì trong tình huống này? Ngất xỉu có nguy hiểm không? Những nguyên nhân nào dẫn tới ngất xỉu? Điều trị ngất xỉu như thế nào? Chắc hẳn bạn còn nhiều điều chưa biết về vấn đề này, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!
Mục lục
Ngất xỉu là gì?
Ngất xỉu (ngất) là một tình trạng mất ý thức đột ngột, khi đó người bệnh chân tay bất động, ngã xuống sàn, chân tay lạnh, mạch yếu và thở nông sau đó tự hồi phục trong thời gian ngắn. Trong đa số các trường hợp, ngất xỉu xảy ra do huyết áp thấp làm máu không lên tới não, hoặc do tim không bơm đủ máu có oxy lên não.
Một số người cảm thấy nhẹ đầu hoặc chóng mặt trước khi ngất đi. Những người khác có thể bị buồn nôn, đổ mồ hôi, mờ mắt hoặc tầm nhìn hình ống (tunnel vision), ngứa ran ở môi hoặc đầu ngón tay, đau ngực hoặc đánh trống ngực. Ít thường xuyên hơn, người bệnh ngất xỉu đột ngột, không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo.
Co giật, gây rối loạn hoạt động điện của não và ngừng tim, trong đó tim hoàn toàn ngừng đập, có thể gây mất ý thức nhưng không được coi là ngất. Tuy nhiên, ở một số người bị ngất, cơ bắp giật giật một cách bất đắc dĩ, giống như một cơn co giật.
Ngất xỉu có thể xảy ra ở mọi người ở mọi lứa tuổi, nhưng nguyên nhân nguy hiểm gây ngất phổ biến hơn ở những người lớn tuổi.
Nguyên nhân gây ngất xỉu
Một người không thể mất ý thức trừ khi chức năng não nói chung bị xáo trộn. Rối loạn này thường xảy ra do lưu lượng máu đến não bị giảm. Tuy nhiên, đôi khi, lưu lượng máu đễn não đủ nhưng máu không chứa đủ oxy hoặc glucose (đường trong máu), mà não cần để hoạt động bình thường.
Lưu lượng máu đến não có thể bị giảm do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân thông thường là do cản trở lưu lượng máu đi ra và đi về tim. Nguyên nhân ít gặp hơn là rối loạn chức năng tim. Đột quỵ cũng làm giảm lượng máu đến não nhưng chỉ giảm lượng máu đến một phần của não nên đột quỵ hiếm khi gây ngất xỉu, trừ khi giảm lượng máu đến phần não duy trì ý thức.
Những nguyên nhân phổ biến nhất
- Cảm xúc mạnh mẽ (như sợ hãi, đau đớn hoặc nhìn thấy máu)
- Ho hoặc căng thẳng để đại, tiểu tiện
- Đứng quá lâu
- Đứng dậy đột ngột
- Mang thai
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Vô căn (có nghĩa là nguyên nhân không thể xác định được)
Những nguyên nhân phổ biến này hầu như luôn gây ngất chỉ khi bạn đứng lên. Khi bạn ngã xuống, lưu lượng máu lên não được tăng lên, ý thức nhanh chóng khôi phục, nhưng bạn có thể không cảm thấy hoàn toàn bình thường trong vài phút đến vài giờ. Một số người cảm thấy mệt mỏi hoặc kiệt sức trong vài giờ. Những nguyên nhân này có xu hướng không nghiêm trọng trừ khi mọi người bị thương khi họ ngã.
Hầu hết các nguyên nhân này liên quan đến việc giảm lượng máu trở về tim. Cảm xúc mạnh (đặc biệt là khi nhìn thấy máu) hoặc đau có thể kích thích dây thần kinh phế vị. Kích thích dây thần kinh phế vị làm giãn rộng các mạch máu, làm giảm sự quay trở lại của máu đến tim và làm chậm nhịp tim. Cả hai yếu tố này đều gây ra choáng váng và đôi khi ngất xỉu (được gọi là ngất xỉu phế vị-mạch hoặc ngất do thần kinh tim).
Gắng sức trong khi đi tiêu hoặc đi tiểu hoặc ho làm tăng áp lực lồng ngực. Huyết áp tăng có thể kích thích dây thần kinh phế vị và cũng làm giảm lượng máu trở về tim. Hai yếu tố này đều có thể gây ngất.
Những người khỏe mạnh có thể bị ngất khi đứng yên trong một thời gian dài (thường gặp nhất ở những người lính), bởi vì các cơ chân phải hoạt động để giúp đưa máu về tim.
Đứng lên hoặc ngồi xuống quá nhanh có thể gây ngất xỉu, vì sự thay đổi vị trí khiến máu dồn xuống chân, dẫn đến tụt huyết áp. Thông thường, cơ thể nhanh chóng tăng nhịp tim và co các mạch máu để duy trì huyết áp. Nếu cơ thể không bù đắp theo những cách này, tình trạng choáng váng và ngất xỉu có thể xảy ra trong đó choáng váng phổ biến hơn ngất xỉu. Một số rối loạn ở não và tủy sống, nằm lâu trên giường và một số loại thuốc (đặc biệt là những loại được sử dụng để điều trị huyết áp cao) có thể tác động vào sự bù trừ này và dẫn đến ngất xỉu khi đứng dậy.
Thay đổi nội tiết tố sớm trong thai kỳ đôi khi dẫn đến ngất xỉu.
Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) ban đầu gây lẫn lộn, chóng mặt, run và các triệu chứng khác, nhưng nếu hạ đường huyết nặng hoặc kéo dài có thể gây mất ý thức. Bởi vì những triệu chứng khác thường xảy ra trước khi ngất xỉu, những người bị hạ đường huyết thường có một số dấu hiệu cảnh báo trước khi ngất xỉu. Thông thường, nguyên nhân gây hạ đường huyết là sử dụng thuốc điều trị tiểu đường, đặc biệt là insulin. Hiếm khi cuất hiện một khối u tiết ra insulin.
Các nguyên nhân ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hơn bao gồm
- Rối loạn van tim (phổ biến nhất là van động mạch chủ)
- Nhịp tim quá nhanh hoặc quá chậm
- Tắc nghẽn động mạch phổi do cục máu đông (thuyên tắc phổi)
- Đau tim hoặc rối loạn cơ tim khác
Rối loạn van tim có thể ngăn dòng máu đi ra khỏi tim. Nhịp tim rất nhanh làm cho tim không đủ thời gian để đổ đầy máu, do đó lượng máu ra khỏi tim ít hơn. Nhịp tim rất chậm làm tim không bơm đủ máu. Các cục máu đông trong phổi có thể làm cho tim không bơm đủ máu. Những người bị đau tim hiếm khi bị ngất khi cơn đau tim xảy ra (phổ biến hơn ở người lớn tuổi). Các rối loạn cơ tim không phổ biến khác được gọi là bệnh cơ tim có thể gây ngất, đặc biệt là trong khi tập thể dục, điển hình là do nhịp tim bất thường.
Mặc dù hầu hết các cơn đột quỵ không gây ngất, nhưng đột quỵ hoặc cơn thiếu máu não thoáng qua (TIA) liên quan đến động mạch não sau có thể gây ngất. Tương tự, chứng đau nửa đầu liên quan đến các mạch máu này đôi khi gây ngất xỉu.
Đánh giá
Người bị ngất có thể không nhớ về hoàn cảnh bị ngất, do vậy, tốt nhất là có một người chứng kiến (nếu có) cung cấp các thông tin cho bác sĩ.
Dấu hiệu cảnh báo
Một số triệu chứng và đặc điểm đáng lo ngại ở những người bị ngất bao gồm:
Ngất xỉu khi tập thể dục
Ngất vài lần trong thời gian ngắn
Ngất xỉu đột ngột mà không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo hoặc bất kỳ kích thích nào
Ngất trước hoặc sau khi xuát hiện các triệu chứng của bệnh tim như đau ngực, đánh trống ngực hoặc khó thở.
Tuổi cao
Chấn thương do ngất xỉu
Tiền sử gia đình có người đột tử, ngất xỉu trong khi tập thể dục, hoặc lặp đi lặp lại nhiều lần ngất xỉu hoặc co giật mà không tìm thấy nguyên nhân
Khi nào bạn nên đi khám?
Mặc dù hầu hết các nguyên nhân gây ngất đều không nghiêm trọng, đi khám bác sĩ là cần thiết để phân biệt các nguyên nhân nghiêm trọng với các nguyên nhân ít hoặc không nghiêm trọng. Những người bị ngất nên đi khám bác sĩ ngay, đặc biệt nếu họ có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào.
Đầu tiên bác sĩ sẽ yêu cầu bạn mô tả về các triệu chứng. Hỏi bạn về hoàn cảnh xảy ra như đang tập thể dục, tranh luận hay xúc cảm, lúc đó bạn đang nằm, đang đứng, đứng trong bao lâu. Bạn có gặp các triệu chứng báo trước như choáng váng, chóng mặt, buồn nôn, đổ mồ hôi, mờ mắt, tầm nhìn hình ống, ngứa ra ở môi hoặc đầu ngón tay, đau ngực hoặc đánh trống ngực. Tiền sử mắc bệnh và sử dụng thuốc của bạn. Sau đó bác sĩ sẽ tiến hành khám lâm sàng và làm các xét nghiệm để tìm nguyên nhân gây ngất.
Nếu đột ngột ngất xỉu mà không có bất kì triệu chứng cảnh báo hay kích thích rõ ràng nào, nguyên nhân có thể do rối loạn ở tim. Nếu trước khi ngất một thời gian ngắn có các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, ngáp, mờ mắt hoặc đổ mồ hôi và xảy ra trong một tình huống đau đớn hoặc khó chịu, đó có thể là ngất xỉu phế vị- mạch, không nguy hiểm.
Các bác sĩ hỏi về các cơn chóng mặt hoặc ngất xỉu trước đó và về các rối loạn, thuốc hoặc triệu chứng khác có thể liên quan đến ngất xỉu. Ngoài ra bác sĩ sẽ kiếm tra các chấn thương do ngất.
Sau đó, các bác sĩ đo các dấu hiệu sinh tồn của người đó như nhịp tim, huyết áp. Nghe tim có thể phát hiện được các bất thường của van tim, nhịp tim bất thường. Chụp MRI hoặc CT hoặc chụp mạch não để tìm dấu hiệu của đột quỵ.
Cận lâm sàng
Nếu ngất không do xúc cảm rõ ràng và vô hại, nác sĩ sẽ yêu cầu làm một số kiểm tra dựa trên nguyên nhân nghi ngờ.
- Điện tâm đồ (ECG)
- Đo điện tâm đồ liên tục (Bệnh nhân sẽ được đeo máy Holter điện tim)
- Đo nồng độ oxy trong máu
- Đo đường huyết trong máu mao mạch ở ngón tay
- Siêu âm tim
- Xét nghiệm máu
- Chụp CT hoặc MRI
- Nghiệm pháp bàn nghiêng
Nói chung, nếu ngất xỉu dẫn đến chấn thương hoặc đã xảy ra nhiều lần (đặc biệt trong một khoảng thời gian ngắn), các kiểm tra sâu hơn sẽ được thực hiện. Các phương pháp đánh giá hình ảnh của não và tim sẽ không được thực hiện thường xuyên trừ khi bác sĩ nghi ngờ có vấn đề ở tim hoặc não.
Những người bị nghi ngờ rối loạn ở tim, bao gồm đau tim, nhịp tim bất thường hoặc bất thường van tim thường được đưa vào bệnh viện để đánh giá.
ECG
Làm điện tâm đồ có thể cho thấy rối loạn nhịp tim hoặc vấn đề về tim khác nhưng đôi khi ECG bình thường nếu nhịp tim bất thường đã được giải quyết. Đôi khi bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân đeo máy để đo điện tim liên tục trong 24 giờ. Hiếm hơn là bác sĩ sẽ cấy ghép một thiết bị ghi điện tim dưới da.
Đo nồng độ oxy trong máu
Nếu nồng độ oxy trong máu thấp có thể gợi ý tới cục máu đông cần chụp cắt lớp vi tính hoặc chụp phổi để phát hiện.
Xét nghiệm máu
Được thực hiện để kiểm tra nồng độ một số chất trong máu, định hướng nguyên nhân. Tất cả phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ xuất hiện ngất xỉu đều nên thử thai.
Siêu âm tim
Được chỉ định thực hiện ở những người bị ngất do tập thể dục, có tiếng thổi tim hoặc ngất xảy ra khi ngồi hoặc đứng.
Nghiệm pháp bàn nghiêng
Đôi khi được thực ở người bị ngất khi đứng lên. Nó cũng được sử dụng để đánh giá ngất xỉu do tập thể dục nếu siêu âm tim hoặc kiểm tra gắng sức trong tập thể dục không tiết lộ nguyên nhân.
Stress testing
Được thực hiện khi các bác sĩ nghi ngờ có rối loạn nhịp tim do tập thể dục. Nó thường được thực hiện cho bệnh nhân có triệu chứng do tập thể dục.
Thăm dò điện sinh lý tim (EPS)
Là thử nghiệm được sử dụng để nghiên cứu và lập bản đồ hoạt động điện của tim. Thử nghiệm này liên quan đến việc đặt catheter chẩn đoán trong tim và làm các xét nghiệm chuyên biệt để lập bản đồ điện tim. EPS đôi khi được thực hiện nếu các phương pháp khác không xác định rối loạn nhịp tim ở người bị ngất tái phát không rõ nguyên nhân, ở những người có dấu hiệu cảnh báo không giải thích được và ở những người có tiền sử suy tim do đau tim.
Điện não đồ
Có thể được thực hiện khi các bác sĩ nghi ngờ có cơn động kinh.
CT và hình ảnh cộng hưởng từ
Chụp phần đầu và não có thể được thực hiện khi các bác sĩ nghi ngờ có rối loạn hệ thần kinh trung ương.
Xem thêm: Bị chóng mặt khi đứng lên là bị bệnh gì? Chẩn đoán, điều trị ra sao?
Điều trị
Điều trị cụ thể phụ thuộc vào nguyên nhân. Ví dụ, những người bị ngất do nhịp tim bất thường có thể cần phải cấy máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim.
Nếu bắt gặp người nào đó bị ngất xỉu, đầu tiên nên kiểm tra xem người đó có thở không. Nếu người bệnh không thở, người ngoài cuộc nên gọi trợ giúp y tế ngay lập tức
Nếu người bị ngất vẫn đang thở, nên đặt người đó nằm xuống, nếu ngồi dậy quá nhanh, ngất có thể tái phát.
Những điều cần thiết cho người cao tuổi
Người già đặc biệt dễ bị ngất vì lưu lượng máu đến não giảm khi tuổi cao hơn. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ngất ở người lớn tuổi là do huyết áp không thể điều chỉnh nhanh khi người đứng. Lưu lượng máu giảm vì các động mạch trở nên cứng hơn và không thể điều chỉnh nhanh chóng, giảm hoạt động thể lực làm giảm hoạt động cơ bắp, giảm đẩy máu qua tĩnh mạch và trở lại tim, và bệnh tim cũng làm giảm hiệu quả của việc bơm máu.
Ở người già, ngất thường do nhiều hơn một nguyên nhân. Ví dụ, sự kết hợp của tác dụng phụ của một số loại thuốc điều trị rối loạn nhịp tim hoặc huyết áp, xúc cảm hay đứng quá lâu, mặc dù không một yếu tố nào đủ mạnh để gây ngất.
Những điều bạn cần ghi nhớ qua bài viết này
Ngất xỉu thường do lưu lượng máu đến não không đủ.
Hầu hết các nguyên nhân gây ngất đều không nghiêm trọng.
Một số nguyên nhân ít phổ biến hơn nhưng nghiêm trọng hoặc có khả năng gây tử vong.
Nếu ngất có một tác nhân rõ ràng (như cảm xúc mạnh), có các triệu chứng cảnh báo (như chóng mặt, buồn nôn hoặc đổ mồ hôi), và cần vài phút để hồi phục, có lẽ đó là ngất do ngất xỉu phế vị-mạch và không nghiêm trọng.
Ngất xỉu do rối loạn nhịp tim thường xảy ra đột ngột và hồi phục nhanh.
Các bác sĩ có thể yêu cầu một người bị ngất hạn chế lái xe và vận hành máy móc cho đến khi nguyên nhân gây ngất được xác định và điều trị vì nếu nguyên nhân là một rối loạn tim nào đó không được phát hiện có thể gây tử vong.
Nếu ngất là do nhịp tim chậm, có thể cần dùng máy trợ tim.
Leave a Comment