Mục lục
Đái tháo đường và biến chứng mờ mắt
Đái tháo đường là một bệnh chuyển hóa phức tạp trong đó cơ thể của bạn không thể sản xuất, sản xuất không đủ insulin hoặc đơn giản là các tế bào của cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Các tế bào của cơ thể cần sử dụng đường (glucose) để tạo ra năng lượng. Insulin giúp phá vỡ cấu trúc và cung cấp đường tới các tế bào của cơ thể.
Nồng độ đường trong máu của bạn sẽ tăng cao nếu lượng insulin không đủ để đưa đường vào trong các tế bào. Khi đó đường huyết tăng cao sẽ ảnh hưởng xấu tới mọi bộ phận của cơ thể bạn, trong đó có mắt.
Nhìn mờ thường là một trong những dấu hiệu đầu tiên của bệnh đái tháo đường. Thị lực của bạn có thể bị mờ đi vì chất lỏng bị rò rỉ vào thủy tinh thể của bạn. Khiến cho thủy tinh thể bị sưng lên và thay đổi hình dạng. Những thay đổi này khiến mắt của bạn khó điều tiết, vì vậy mọi thứ bạn nhìn bắt đầu mờ đi.
Bạn cũng có thể bị mờ mắt khi bắt đầu điều trị bằng insulin. Nguyên nhân do quá trình di chuyển của chất lỏng, nhưng thường sẽ hết sau một vài tuần. Đối với nhiều người thì khi lượng đường trong máu ổn định thì thị lực của họ cũng dần ổn định.
Đái tháo đường gây biến chứng mờ mắt như thế nào?
Bệnh võng mạc đái tháo đường là một thuật ngữ nói về các rối loạn tại võng mạc do bệnh đái tháo đường gây ra. Một số các rối loại này bao gồm phù điểm vàng và tăng sinh võng mạc.
Phù điểm vàng xảy ra khi điểm vàng bị phồng lên do rò rỉ chất lỏng. Điểm vàng là một phần của võng mạc có nhiệm vụ thu nhận hình ảnh, giúp bạn có được thị lực rõ nét. Các triệu chứng của phù điểm vàng bao gồm thị lực lượn sóng và thay đổi màu sắc.
Bệnh võng mạc tăng sinh là bệnh lý mà trong đó các mạch máu tăng sinh vào trung tâm của mắt. Thị lực giảm, nhìn mờ là những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Bạn có thể nhìn thấy các đốm hoặc vòng tròn hay rối loạn thị lực vào ban đêm.
Thị lực giảm, nhìn mờ cũng có thể là một triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp, là một bệnh trong đó áp lực trong mắt của bạn tăng làm tổn thương dây thần kinh thị giác. Nếu bạn bị mắc bệnh đái tháo đường thì nguy cơ tăng nhãn áp của bạn gấp đôi so với những người khác. Các triệu chứng của bệnh tăng nhãn áp bao gồm:
- Mất tầm nhìn ngoại vi hay còn gọi là “tầm nhìn đường hầm”
- Thấy hào quang xung quanh đèn
- Đỏ mắt
- Đau mắt
- Buồn nôn hoặc nôn
Bạn cũng thế thấy nhìn mờ nếu bạn đang trong quá trình phát triển của đục thủy tinh thể. Đục thủy tinh thể có xu hướng tăng và tiến triển ở độ tuổi trẻ hơn đối với người bệnh đái tháo đường. Các triệu chứng của đục thủy tinh thể gồm có:
- Màu sắc bạn nhận được bị nhạt đi
- Nhìn mờ
- Nhìn đôi
- Nhạy cảm với ánh sáng
- Bị chói hoặc thấy hào quang xung quanh đèn
- Thị lực không cải thiện khi thay kính
Các nguyên nhân khác của giảm thị lực
Mặc dù giảm thị lực, nhìn mờ có thể là hậu quả của bệnh đái tháo đường, nhưng có nhiều lý do khác khiến bạn có thể bị giảm thị lực. Một số nguyên nhân phổ biến khác bao gồm
- Mắt khô
- Cận thị
- Huyết áp thấp
- Chấn thương mắt, viêm hoặc nhiễm trùng
- Tác dụng phụ của thuốc
Nếu bạn dành nhiều thời gian nhìn vào màn hình máy tính hoặc thiết bị điện tử, thì thị lực của bạn cũng sẽ bị nhòe đi. Hiện tượng này gọi là chứng mỏi mắt kỹ thuật số. Mắt của bạn sẽ bị mỏi do ánh sáng kém hoặc độ chói của màn hình kỹ thuật số. Nếu bạn không ngồi ở khoảng cách phù hợp thì hậu quả sẽ càng nghiêm trọng hơn. Các dấu hiệu khác của chứng này gồm có nhức đầu, khô mắt, đau cổ hoặc vai. Bạn nên khắc phục những dấu hiệu này bằng cách thay đổi tư thế, nơi làm việc, và nghỉ ngơi giữa những khoảng thời gian sử dụng máy tính.
Mờ mắt cũng là triệu chứng của một số rối loạn hệ miễn dịch, ví dụ như bệnh đa xơ cứng hoặc lupus. Những bệnh này khi được điều trị thì triệu chứng về thị lực cũng giảm.
Khi nào bạn cần đi gặp bác sĩ
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường thì bạn có rất nhiều nguy cơ gặp các bệnh về mắt. Vì vậy bạn phải kiểm tra thường xuyên và khám mắt.
Hãy cho bác sĩ biết tất cả các triệu chứng của bạn, cũng như tất cả các loại thuốc mà bạn dùng.
Mờ mắt có thể chỉ là một vấn đề nhỏ, có thể điều trị đơn giản như sử dụng thuốc nhỏ mắt hoặc đeo kính. Tuy nhiên đó cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh nghiêm trọng về mắt hoặc các biến chứng tiềm ẩn của đái tháo đường. Vì vậy bạn nên đi khám ngay khi có những thay đổi về thị lực.
Trong nhiều trường hợp việc điều trị sớm có thể khắc phục được nhiều vấn đề và ngăn ngừa các biến chứng nặng hơn.