Bạn muốn mua bình sữa cho bé nhà bạn? Nhưng hiện tại bạn có khá nhiều thắc mắc cần được giải đáp, chẳng hạn:
- Có những loại bình sữa cho bé nào?
- Mỗi loại có những đặc điểm gì nổi bật?
- Trẻ sơ sinh thì chọn bình như nào? Trẻ lớn hơn thì chọn bình như nào?
- Chọn núm vú như thế nào để phù hợp với bé?
- Nên mua bình của hãng nào tốt: Pigeon, Comotomo, Avent Philips, Dr Brown, Medela hay Playtext?
- Ngoài bình sữa ra thì còn cần mua thêm những gì nữa?
- Cách vệ sinh, bảo quản bình sữa ra sao?
Ôi nói chung là bạn có rất nhiều thứ cần biết! Trong bài viết này hãy cùng mình tìm hiểu để trả lời cho các câu hỏi trên.
Mục lục
- Có những loại bình sữa cho bé nào?
- Bình sữa chống sặc hay bình sữa có van là gì?
- Chọn bình sữa có dung tích bao nhiêu? Cần bao nhiêu bình sữa?
- Núm vú có quan trọng không? Chọn loại nào?
- Mua bình sữa của hãng nào tốt?
- Một số bình sữa cho bé bán chạy hiện nay
- Một số lưu ý khi mua bình sữa cho bé
- Vệ sinh bình sữa và núm vú
Có những loại bình sữa cho bé nào?
Có rất nhiều loại bình sữa, dựa theo những tiêu chí khác nhau chúng ta sẽ có những cách phân loại khác nhau. Sau đây là những cách phân loại phổ biến mà mình tổng hợp được:
Dựa theo kiểu dáng bình sữa
Bình sữa tiêu chuẩn
Chúng là những bình sữa có thiết kế theo phong cách truyền thống đã có từ khi bình sữa được sinh ra. Loại này được sử dụng phổ biến nhất, nó được hầu hết các bà mẹ sử dụng hàng ngày cho các bé. Bình sữa tiêu chuẩn thường được làm từ nhựa, thủy tinh hay thép không gỉ.
Bình sữa cổ rộng
Chúng đơn giản chỉ là những bình sữa có phần cổ được làm phình to ra hơn so với loại tiêu chuẩn.
Loại bình này có 2 ưu điểm rất lớn, đó là:
- Vệ sinh dễ dàng, nhanh chóng mà không cần đến dụng cụ cọ rửa chuyên dụng. Nếu bạn phải cọ rửa bình sữa 3-5 lần/ngày bạn sẽ thấy sự ưu việt của loại bình cổ rộng này
- Cho sữa bột vào bình dễ dàng, hạn chế bị đổ ra ngoài từ đó tránh lãng phí
Bình sữa cổ hẹp
Loại này có phần cổ được thiết kế thon, gọn lại hơn khá nhiều so với bình tiêu chuẩn.
Ưu điểm của nó là giúp bé cầm nắm dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hạn chế của nó là gây khó khăn khi vệ sinh, bạn phải cần sử dụng cụ cọ rửa mới có thể làm sạch đáy bình được. Khi cho sữa vào cũng dễ bị làm đổ ra ngoài hơn!
Bình sữa cổ nghiêng
Loại bình này có phần cổ được làm nghiêng so với thân bình. Tùy độ rộng của phần cổ chúng ta cũng có thể phân thành cổ nghiêng rộng và cổ nghiêng hẹp.
Mục đích của bình cổ nghiêng là ngăn chặn hiện tượng khí tràn vào núm vú, từ đó giúp bé ăn dễ dàng hơn và không bị trớ vì khí vào dạ dày ít.
Do có hình dáng khá góc cạnh nên việc vệ sinh loại bình nãy cũng sẽ gặp đôi chút khó khăn.
Dựa theo chất liệu
Bình sữa cho bé thường được làm từ: Nhựa, thủy tinh, thép không gỉ, silicone. Mỗi loại đều có những đặc điểm riêng, sau đây chúng ta sẽ cùng tìm hiểu kỹ hơn.
Bình nhựa
- Mức giá rẻ
- Trọng lượng nhẹ nên bé có thể cầm dễ dàng
- Kém bền hơn so với bình bằng thủy tinh và thép không gỉ
- Cần được vệ sinh cẩn thận để tránh làm xước
- Cần thay thế sau vài tháng sử dụng
Lưu ý:
- Chọn những bình không chứa BPA vì chất này gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của bé
- Không cho bình nhựa vào lò vi sóng hay máy rửa chén vì có thể sinh ra chất độc hại
Bình sữa thủy tinh
Nó không bằng thủy tinh đơn thuần như bạn nghĩ! Bình sữa thủy tinh thường được làm từ thủy tinh có khả năng chịu nhiệt, chống va đập và đôi khi có thêm lớp silicone để bảo vệ.
Tuy nhiên, loại bình này thường nặng nên khi cho bé cầm bé thường làm rơi, vỡ. Vì vậy, khi dùng loại bình này bạn không bao giờ được để bé tự cầm ngay cả khi tay bé đã có thể cầm nắm tốt.
Bình thủy tinh thường có tuổi thọ khá tốt, bạn chỉ phải thay thế khi nó bị sứt, mẻ.
Bình bằng thép không gỉ
- Chắc chắn
- Kiểu dáng đẹp
- Có khả năng giữ nhiệt
- Độ bền cao
- Mức giá cao hơn so với bình nhựa và thủy tinh
Bình sữa silicone
Đây là loại chất liệu tốt nhất tính đến thời điểm hiện tại. Nó hội tụ rất nhiều ưu điểm, chẳng hạn:
- Không chứa chất độc hại
- Chịu được nhiệt độ cao
- Không bị vỡ, xước hay méo mó
- Dễ vệ sinh
- Trọng lượng nhẹ giúp bé cầm nắm tốt hơn
- Độ bền cao
Bình silicone khá mềm nên nó được trang bị van an toàn, van này giúp kiểm soát lượng sữa để không làm cho bé bị sặc.
Hạn chế duy nhất của bình sữa silicon là nó có giá đắt hơn so với những loại khác!
Bình sữa chống sặc hay bình sữa có van là gì?
Chắc hẳn bạn đã nghe đến loại bình này rồi. Vậy cụ thể nó cấu tạo ra sao, cách nó hoạt động thế nào?
Bình sữa chống sặc hay gọi chính xác là bình sữa có van thông khí là loại bình sữa được trang thêm một van có chức năng thông khí. Nhiệm vụ chính của van này là bảo vệ bé khỏi hiện tượng sặc và đầy hơi.
Cơ chế cụ thể: Khi bé bú bình, van thông khí sẽ giúp đưa không khí vào bình từ đó làm tăng áp lực giúp việc bú của bé sẽ dễ hơn. Nếu không có van, bé sẽ cần dùng nhiều sức hơn để bú sữa vào miệng làm cho núm vú xẹp lại. Lúc này bé phải há miệng cho núm vú căng trở lại, đồng thời hít cả không khí vào trong dạ dày. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng sặc, đầy hơi và nôn trớ.
Chọn bình sữa có dung tích bao nhiêu? Cần bao nhiêu bình sữa?
Chọn dung tích
Thông thường nhất bạn hãy lựa chọn theo nguyên tắc sau:
- Bình loại nhỏ: Có dung tích từ 100ml-150ml, loại này phù hợp với bé từ 1 đến dưới 6 tháng tuổi
- Bình loại lớn: Có dung tích từ 225ml-255ml, loại này phù hợp với bé từ 6 tháng tuổi trở lên
Với bình bằng nhựa, silicone sẽ chọn như sau:
- Trẻ sơ sinh: Chọn bình có dung tích 110ml
- Trẻ từ 4 tháng tuổi trở lên: Chọn bình có dung tích 225ml hoặc 255ml
Dung tích bình thủy tinh, thép không gỉ theo tuổi của bé:
- Dưới 3 tháng tuổi: 50-120ml
- Dưới 1 tuổi: 120-180ml
- Từ 1 tuổi trở lên: 180-250ml
Nhìn chung, bạn nên mua bình có dung tích nhỏ trước, vì những bình nhỏ thường có chia vạch nhỏ nhất là 10ml, sẽ giúp bạn tính toàn lượng sữa cho bé dễ hơn. Bình lớn thường có mức chia nhỏ nhất khoảng 20-50ml. Một lý do nữa là bình to quá thì sẽ gây khó khăn cho bé khi cầm.
Cần bao nhiêu bình sữa?
Có thể nhiều bạn sẽ nghĩ: Chỉ cần một cái là đủ rồi, cần gì nhiều! Tuy nhiên mình khuyến nghị bạn nên mua tầm 3-6 bình sữa. Vì thực sự bạn sẽ có rất nhiều việc phải làm:
- Trẻ sơ sinh thường ăn rất thường xuyên, 2-3 tiếng/lần
- Mỗi lần ăn xong bạn lại phải vệ sinh bình, phơi khô trước khi dùng tiếp
- Bé ăn xong lại muốn ngủ cùng bạn
Vậy bạn nghĩ bạn cần bao nhiêu bình? Câu trả lời phụ thuộc vào bạn! Nếu bạn chỉ cho bé ăn sữa công thức thì số lượng bình cần có sẽ nhiều hơn so với cho bé bú mẹ kết hơn ăn sữa công thức.
Núm vú có quan trọng không? Chọn loại nào?
Rất quan trọng! Bởi vì việc trẻ có chịu bú bình hay không liên quan mật thiết đến núm vú. Những núm vú cứng, có mùi khó chịu đều gây khó khăn khi cho bé bú. Có rất nhiều tiêu chí khác nhau để phân loại núm vú. Phổ biến nhất là dựa vào: Hình dạng, tốc độ chảy, chất liệu.
Dựa theo hình dạng
- Núm vú truyền thống: Núm vú truyền thống có hình dạng giống như một cái chuông hoặc vòm giống như bầu vú mẹ. Nếu bình sữa cổ rộng thì núm vú sẽ có bầu được thiết kế to hơn bình cổ hẹp. Thiết kế này nhằm đánh lừa thị giác của bé, tạo cho bé cảm giác như đang được bú mẹ.
- Núm vú nha khoa (hay núm vú chỉnh nha): Được thiết kế để chứa vòm miệng và nướu của trẻ nhằm định hình răng và bảo vệ vòm miệng của bé. Những núm vú này có phần trên và phần dưới phẳng hơn núm vú truyền thống
- Núm vú có đầu phẳng: Những núm vú này có đáy phình to và đỉnh phẳng hơn
- Núm vú có van: Được thiết kế để ngăn ngừa khí vào khi bé bú bình.
- Núm vú có nhiều lỗ thoát sữa: Được thiết kế đặc biệt để có thể cung cấp nhiều chỗ cho sữa chảy ra trong cùng một núm vú. Khi điều chỉnh vị trí của núm vú sẽ giúp kiểm soát dòng chảy.
Dựa theo tốc độ chảy
Tốc độ chảy của sữa sẽ phụ thuộc phần lớn vào kích thước của núm vú. Kích thước của núm vú thường được ghi trên vành của núm vú. Có 2 cách phân loại kích thước của núm vú, đó là dựa theo size S, M, L hoặc số 1, 2, 3.
Cách chọn tốc độ chảy hay kích thước núm vú phụ thuộc vào tuổi của em bé. Dưới đây là những gợi ý cho bạn:
- Size S (hay số 1): Kích thước nhỏ nhất, phù hợp với trẻ từ 0 đến 3 tháng tuổi
- Size M (hay số 2): Phù hợp với trẻ từ 4 đến 6 tháng tuổi
- Size L (hay số 3): Phù hợp với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên
Dựa theo chất liệu
Núm vú cho trẻ thường được làm từ cao su hoặc silicone.
Núm vú cao su
Núm vú cao su có ưu điểm là mềm, tạo cảm giác giống ti mẹ. Tuy nhiên, núm vú cao su mới thường có mùi. Bạn phải luộc kỹ qua nước sôi nhiều lần trước khi cho bé sử dụng để loại bỏ hết mùi khó chịu của cao su. Ngoài ra, một số bé có thể bị dị ứng với núm cao su.
Silicone
Núm vú bằng Silicon thường cứng hơn núm vú bằng cao su nhưng nó rất dễ làm sạch, chịu được nhiệt độ cao. Nhất là đối với những bé trong giai đoạn mọc răng, lợi của bé bị ngứa dẫn đến việc bé có thể cắn rách núm ti. Lúc này thì núm silicon sẽ ít bị rách và nứt hơn so với núm cao su.
Lưu ý:
- Khi chọn mua núm vú hãy chú ý đến hướng dẫn của nhà sản xuất vì mỗi hãng lại có thể có những quy ước riêng
- Khi cho bé bú hãy chú ý xem lượng sữa mà bé nhận có quá chậm hoặc quá nhanh không. Biểu hiện là bé bị nghẹn hoặc nhổ ra. Nếu có hãy điều chỉnh lại núm vú
- Nếu núm vú có dấu hiệu hao mòn, đã đến lúc thay núm vú mới
Xem thêm: Top 5 bình sữa cho trẻ sơ sinh tốt nhất 2019
Mua bình sữa của hãng nào tốt?
Hiện tại trên thị trường có rất nhiều thương hiệu nổi tiếng về sản xuất bình sữa cho bé. Việc chọn thương hiệu nào chủ yếu phụ thuộc vào tài chính của bạn, sự đảm bảo về chất lượng ở nơi bán, tính sẵn có của sản phẩm và sở thích của bé!
Sau đây là những thương hiệu bình sữa uy tín nhất, đáng mua nhất hiện nay:
Pigeon
Thương hiệu được thành lập từ năm 1957 tại Nhật Bản. Đây là thương hiệu chuyên sản xuất các sản phẩm về mảng chăm sóc mẹ và bé. Nó rất được ưa chuộng tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Bình sữa của hãng này chủ yếu làm từ nhựa, một số bằng thủy tinh.
Xem thêm: Bình sữa Pigeon có tốt không? Đánh giá bình sữa Pigeon cổ rộng 160ml
Comotomo
Thương hiệu đền từ Mỹ. Bình sữa và núm vú của họ đều được làm từ silicone. Tất cả các model của Comotomo đều có chung một lối thiết kế. Nó có thân bằng silicone, cổ rộng, van thông khí kép.
Xem thêm: Bình sữa silicone Comotomo có tốt không? Mua hàng chính hãng ở đâu?
Dr. Brown
Thương hiệu của Mỹ, sản xuất tại Mỹ. Sản phẩm được các bác sĩ Mỹ khuyến cáo sử dụng. Bình sữa của hãng này chủ yếu được làm từ nhựa. Có 2 loại cổ rộng và cổ hẹp. Cấu tạo van thông khí rất đặc biệt giúp lưu giữ hàm lượng Vitamin A, C, E ở mức tốt nhất
Xem thêm: Bình sữa Dr. Brown’s có tốt không? Có nên mua không? Mua ở đâu?
Avent Philips
Một thương hiệu con đến từ tập đoàn Philips của Châu Âu. Các sản phẩm của hãng chủ yếu được làm từ nhựa PP. Với 2 loại cổ là cổ hẹp (hay cổ điển) và cổ rộng. Một điểm nổi bật của bình sữa Avent chính là van thông khí. Van thông của Avent có khả năng giữ sữa đầy trong núm vú kể cả bé đặt bình nằm ngang.
Xem thêm: Bình sữa Avent Philips có tốt không? Có những loại nào? Mua ở đâu?
Nuk
Thương hiệu của Mỹ. Sản phẩm của hãng chủ yếu được làm từ nhựa, cấu tạo thân bình theo kiểu loại cổ rộng hoặc cổ hẹp truyền thống. Điểm đặc biệt nhất của bình sữa Nuk chính cấu tạo núm vú bằng silicon được thiết kế rất giống với núm ty của mẹ. Van thông khí được đặt trực tiếp trên núm vú chứ không phải thân hay cổ bình như đại đa số các loại bình sữa khác.
Xem thêm: Bình sữa NUK có tốt không? Đánh giá bình sữa thủy tinh NUK 120ml
Medela
Thương hiệu chuyên về các sản phẩm cho con bú được thành lập vào năm 1961 tại Thụy Sỹ. Hiện tại, sản phẩm của hãng đã có mặt hơn 170 quốc giá trên thế giới. Sản phẩm của hãng này khá đa dạng với nhiều kiểu dáng, kích thước khác nhau. Trong đó nổi bật nhất chính là loại bình SoftCup chuyên dùng cho trẻ sơ sinh khó khăn khi bú và bình chuyên dụng dành cho các bé bị dị tật hở hàm ếch, Down, sinh non.
Xem thêm: Bình sữa Medela có tốt không? Có những loại nào? Mua ở đâu?
Playtex
Thương hiệu Mỹ, được thành lập từ năm 1947. Các bình sữa của họ được làm từ nhựa. Điểm nổi bật nhất của Playtex chính là thiết kế cổ nghiêng độc quyền cùng van thông khí đặt phía dưới đáy bình. Những điểm này giúp chống sặc tốt hơn. Đại đa số các bình sữa Playtex đều có cổ rộng.
Xem thêm: Bình sữa Playtex có tốt không? Mua hàng chính hãng ở đâu?
Một số bình sữa cho bé bán chạy hiện nay
Bình sữa Comotomo 250ml
- Chất liệu silicon
- Bình mềm tạo cảm giác cầm rất tốt
- Núm silicon mềm, cấu tạo tương tự núm vú mẹ
- Hệ thống van thông khí kép
- Dung tích 250ml
- Sản xuất tại Hàn Quốc
Giá và địa chỉ bán:
Bình sữa cổ rộng Pigeon 240ml
- Dung tích 240ml
- Loại cổ rộng
- Chất liệu thân bình bằng nhựa cao cấp PPSU
- Núm vú silicone siêu mềm, không mùi
- Van thông khí đặt trên núm vú giúp chống sặc
- Sản xuất tại Thái Lan
Giá và địa chỉ bán:
Bình sữa Playtex cổ nghiêng 266ml
- Thiết kế cổ nghiêng và rộng
- Van thông khí dưới đáy bình
- Núm ti mềm, thân thiện với trẻ
- Tại Việt Nam chủ yếu là hàng xách tay Mỹ
Giá và địa chỉ bán:
Bình sữa Dr. Brown cổ thường 250ml
- Chất liệu thân bằng nhựa PP cao cấp
- Núm bằng silicone mềm mại, không mùi
- Hệ thống van thông khí độc quyền giúp giữ lại tối đa hàm lượng Vitamin A, C, E
- Sản xuất tại Mỹ
Giá và địa chỉ bán:
Một số lưu ý khi mua bình sữa cho bé
Có rất nhiều bình sữa trên thị trường, có thể chúng sẽ khiến bạn phân vân rất nhiều. Hãy đọc các ý kiến đánh giá của người dùng trước, tham khảo bạn bè, chọn lựa dung tích bình và núm vú đúng với lứa tuổi của bé. Sau đó mua thử một bình, nếu thấy hợp với bé thì hãy tính đến chuyện mua thêm!
Dưới đây là một số gợi ý mà mình nghĩ nó có thể hữu ích với bạn:
- Nếu bạn đang cho con bú, ưu tiên chọn bình cổ rộng, ngắn hơn và rộng hơn so với bình sữa tiêu chuẩn. Chọn núm vú rộng ở đáy và đầu nhỏ hơn bắt chước hình dạng tự nhiên của ti mẹ.
- Nếu bạn đang cho bé ăn sữa bột hoặc đồng thời cả sữa mẹ và sữa công thức, bình sữa cổ rộng cũng có thể phù hợp với bạn, vì bình cổ rộng giúp cho việc pha sữa và làm sạch trở nên dễ dàng.
- Hãy bắt đầu với bình sữa nhỏ và núm vú truyền thống rồi hãy cân nhắc tới việc sử dụng những loại khác
- Chỉ có cách cho bé dùng thử mới biết được sở thích của con bạn thế nào
- Hãy bắt đầu với núm vú có tốc độ chậm
- Không cần phải mua nhiều núm vú ngay, ban đầu chỉ 1 núm trên mỗi bình là đủ rồi!
Vệ sinh bình sữa và núm vú
Dưới đây là những điều lưu ý khi vệ sinh và bảo quản bình sữa:
Khử trùng bình sữa
- Khử trùng bình trước khi dùng lần đầu tiên
- Khi sử dụng hàng ngày bạn hãy làm sạch bình bằng xà phòng nhẹ, nước nóng hoặc máy rửa chén. Bạn có thể sử dụng một chiếc bàn chải nhỏ để đảm bảo làm sạch những ngóc ngách trong bình
- Để bình khô tự nhiên hoặc lau khô bằng khăn sạch trước khi sử dụng
Thường xuyên kiểm tra
Ngay cả khi bạn cảm thấy chiếc bình hay núm vú vẫn có thể sử dụng tốt thì cũng hãy thường xuyên kiểm tra xem nó có bị hao mòn, nứt, vỡ hay móp méo gì không? Nếu núm vú có dấu hiệu mòn, rách, giãn thì cũng nên thay thế.
Làm ấm sữa đúng cách
Thực tế việc làm ấm sữa là không thực sự cần thiết. Tuy nhiên, một số bé lại thích sữa ấm. Nếu muốn làm ấm sữa hãy làm ấm nó bằng cách sử dụng một bát nước nóng. Tuyệt đối không dùng lò vi sóng để làm nóng sữa hoặc bình sữa vì lò vi sóng làm nóng không đều và có thể sẽ gây bỏng bé.
Bỏ sữa thừa
Sau 1h kể từ khi cho bé ngậm vào bú, tất cả sữa còn sót lại kể cả công thức hay sữa mẹ đều phải được bỏ đi. Bình sữa cũng cần phải được làm sạch trước khi sử dụng vào lần tiếp theo.
Dụng cụ làm sạch
Các dụng cụ làm sạch cơ bản:
- Nước rửa bình sữa: Chọn loại có chiết xuất thiên nhiên, không chứa chất tẩy rửa công nghiệp, tránh những loại có chứa cồn vì sẽ gây ảnh hưởng đến mùi vị sữa
- Bàn chải mềm: Để làm sạch những vị trí ngóc ngách trên bình
Nếu bạn thấy cần thiết thì hãy sắm thêm một cái giá phơi bình sữa. Hoặc tận dụng một thứ gì đó để phơi khô bình sau khi rửa.
Nếu bạn không có nhiều thời gian thì có thể sắm thêm những thứ như: Máy tiệt trùng bình sữa, máy hâm sữa bằng điện, thậm chí là cả máy pha sữa tự động. Tuy nhiên, chỉ với những dụng cụ cơ bản như trên bạn hoàn toàn có thể chăm sóc bé một cách tốt nhất.
Hãy nhớ: Bình và núm vú là 2 thứ quan trọng nhất!
Trên đây là những chia sẻ của mình về cách chọn mua bình sữa cho bé, mong rằng những thông tin trong bài viết này có ích với bạn. Chúc bạn tìm mua được một sản phẩm ưng ý, phù hợp với bé!
Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!