Da là một bộ phận lớn nhất của cơ thể. Nó giống như một tấm luạ mịn màng để bảo vệ các tài sản giá trị đó là các cơ quan bên trong. Bạn hãy tưởng tượng một mảnh lụa, chỉ cần một vết xước nhỏ cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong vẻ ngoài của nó. Và nó cũng giống với da. Bất kỳ vết bỏng, vết thương hoặc chấn thương nào, chẳng hạn như phẫu thuật hay mụn đều có thể gây ra một vết sẹo.
Vết sẹo sẽ không ảnh hưởng gì lớn nếu nó nhỏ hoặc ở một vị trí kín có thể che lại bằng quần áo. Nhưng nếu nó ở một vị trí dễ thấy như trên mặt hay nó to làm ảnh hưởng tới vận động, bạn sẽ muốn nó biến mất hoặc ít nhất là thay đổi vẻ ngoài, kích thước của nó. Vậy làm thế nào để điều trị sẹo?
Sự thật là vết sẹo sẽ không bao giờ biến mất hoàn toàn. Nhưng có một số phương pháp có thể giúp giảm kích thước và thay đổi diện mạo của nó.
Mục lục
Sẹo được hình thành như thế nào?
Sẹo là một phần tự nhiên của quá trình chữa lành sau chấn thương. Sự xuất hiện và điều trị sẹo như thế nào phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
- Độ sâu, kích thước và vị trí của vết thương
- Tuổi
- Yếu tố di truyền
- Giới tính
- Chủng tộc
Các loại sẹo
Sẹo được hình thành khi lớp trung bì hoặc sâu hơn bị phá hủy. Độ lớn và mức độ tổn thương càng nhiều thì tính chất sẹo càng xấu và càng phức tạp. Cơ thể hình thành các sợi collagen mới thay thế vùng tổn thương và kết quả hình thành sẹo.
Hầu hết sẹo có tính chất phẳng, màu nhạt, còn một chút tính chất của tổn thương ban đầu gây ra sẹo.
Tuy nhiên, trong trường hợp có thể sản xuất quá mức collagen, sẹo có thể nổi cao hoặc quá trình hình thành sẹo gây nên mất tổ chức đệm bên dưới mà sản xuất collagen không đáp ứng đầy đủ để tạo thành sẹo lõm.
Nếu không giữ gìn, vệ sinh sạch sẽ thì các vết sẹo sẽ lâu khỏi hoặc lan rộng hơn. Một số yếu tố tác động xấu đến quá trình hình thành sẹo như vết thương quá lớn, nhiễm trùng lan rộng, dị vật trong tổn thương, sẹo ở vị trí chân dưới, vùng cùng cụt, những bệnh mạn tính như suy gan, thận, bệnh lý tuyến giáp, rối loạn nội tiết…
Quá trình hồi phục vết thương da được diễn ra qua ba giai đoạn: Giai đoạn phản ứng viêm, giai đoạn tăng sinh và giai đoạn tái tạo (sửa chữa) tổ chức. Cả ba giai đoạn này thường diễn ra trong khoảng thời gian từ 3-6 tháng (bất kỳ rối loạn nào xảy ra trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình liền sẹo đều ảnh hưởng đến diễn biến bình thường cũng như chất lượng của sẹo).
Đây là một số loại sẹo khác nhau bao gồm:
Sẹo lồi
Những vết sẹo này là kết quả của một quá trình chữa lành quá mức của da đối với vết thương. Sẹo lồi thường sậm màu, có màu hồng hoặc đỏ, bề mặt nhẵn bóng và cứng hơn so với da lành vùng xung quanh sẹo. Không giống như hầu hết các vết sẹo, sẹo lồi không thoái triển theo thời gian mà sẽ ngày một phát triển và lan rộng, tổn thương thường có phần bề mặt phát triển lan rộng hơn so với phần gốc. Sẹo lồi có thể gây khó chịu, căng cứng hoặc thậm chí phạm vi chuyển động hạn chế nếu chúng xảy ra gần khớp, chẳng hạn như đầu gối hoặc mắt cá chân. Sự căng da quá mức có thể gây ngứa, và vì kích thước lớn hơn, sẹo lồi dễ bị cọ xát vào quần áo, gây kích ứng.
Phương pháp điều trị bao gồm phẫu thuật để loại bỏ vết sẹo, tiêm steroid hoặc tấm dán silicon để làm phẳng vết sẹo. Sẹo lồi nhỏ hơn có thể được điều trị bằng phương pháp áp lạnh (liệu pháp đông lạnh sử dụng nitơ lỏng). Bạn cũng có thể ngăn ngừa sự hình thành sẹo lồi bằng cách điều trị bằng áp lực hoặc miếng gel bằng silicone khi bạn bị thương. Sẹo lồi thường phổ biến ở những người có làn da tối màu.
Sẹo co rút
Bạn có thể gặp sẹo co rút do bỏng. Những vết sẹo làm căng da, có thể làm giảm khả năng cử động của bạn. Sẹo co rút cũng có thể đi sâu hơn, ảnh hưởng đến cơ bắp và dây thần kinh.
Sẹo phì đại
Sẹo phì đại là một loại sẹo bệnh lý của da nhưng sẹo phì đại có tiến triển và tiên lượng tốt hơn rất nhiều so với sẹo lồi. Sự hình thành của sẹo cũng do sự mất cân bằng giữa hai quá trình tổng hợp – phân hủy của collagen, nhưng sự mất cân bằng này chỉ là tạm thời và chỉ xảy ra trong giai đoạn thứ hai của của quá trình liền sẹo; sự mất cân bằng này sẽ được sửa chữa trong giai đoạn thứ ba vì vậy sau thời gian đầu phát triển, sẹo sẽ dần thoái lui để có xu hướng trở lại thành một sẹo bình thường. Trong giai đoạn đầu, sẹo phì đại cũng phát triển to lên thành khối cứng, màu đỏ, cũng gây ngứa, đau khó chịu cho người bệnh vì vậy ở giai đoạn này trong nhiều trường hợp rất khó phân biệt được giữa một sẹo phì đại với một sẹo lồi thực sự. Tuy vậy, sẹo phì đại có một số đặc điểm bệnh lý riêng như sau:
- Sẹo thường chỉ phát triển trong một thời gian nhất định và khối sẹo phát triển không vượt ra ngoài phạm vi của vết thương ban đầu (khối sẹo có thể to lên về kích thước nhưng không theo kiểu xâm lấn mà là đẩy da lành ra xung quanh).
- Sẹo có xu hướng tự thoái lui theo thời gian, tuy nhiên không thể nói chính xác khoảng thời gian để một sẹo phì đại cụ thể dừng phát triển và thoái lui (thường kéo dài từ 12-18 tháng).
- Có thể gặp sẹo phì đại ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của cơ thể; không có yếu tố thể địa, yếu tố gia đình và không có sự khác biệt về tỷ lệ bị sẹo giữa nam giới và nữ giới.
- Ngược lại với sẹo lồi, các phẫu thuật sửa sẹo (đúng cách) với sẹo phì đại thực sự, thường có kết quả tốt về mặt thẩm mỹ.
Phương pháp điều trị bao gồm tiêm steroid để giảm viêm hoặc tấm silicon, làm phẳng vết sẹo.
Sẹo mụn
Nếu bạn bị mụn trứng cá nghiêm trọng, có lẽ những vết sẹo mụn có thể nói lên tất cả. Có nhiều loại sẹo mụn, từ loại lõm sâu cho tới loại có góc cạnh hoặc lượn sóng. Sẹo mụn là do sự mất mô tế bào, sự hủy hoại collagen trên da tạo ra những vết lõm. Vậy nguyên tắc đúng đắn của điều trị sẹo rỗ là làm thế nào kích thích phục hồi mô tế bào đã mất đi, chứ không phải là làm làn da phẳng phiu bằng cách bào mòn lớp tế bào bình thường của da (như cách của thợ mộc bào gỗ).
Các phương pháp điều trị sẹo
Các loại kem, thuốc dạng mỡ hoặc gel trị sẹo
Những sản phẩm này có thể được sử dụng để điều trị sẹo do vết cắt hoặc vết thương hoặc chấn thương khác. Thông thường, phương pháp điều trị có thể bao gồm steroid hoặc một số thuốc kháng histamine đường uống đối với sẹo gây ngứa và rất nhạy cảm. Tương tự như vậy, nếu bạn bị sẹo do mụn trứng cá nghiêm trọng, hãy hỏi bác sĩ da liễu để được tư vấn. Bác sĩ cũng có thể đề nghị hoặc sử dụng điều trị áp lực hoặc tấm silicon gel để giúp điều trị sẹo hoặc chăm sóc ngăn ngừa sẹo.
Phẫu thuật
Có nhiều lựa chọn để điều trị sẹo sâu hơn tùy thuộc vào trường hợp cụ thể của bạn. Chúng bao gồm phẫu thuật ghép da, cắt bỏ, mài mòn da (dermabrasion) hoặc laser. Trong một ca ghép da, bác sĩ phẫu thuật sử dụng da từ một khu vực khác trên cơ thể bạn. Điều này thường được sử dụng với những người bị bỏng. Nếu bạn bị sẹo làm suy yếu chức năng, phẫu thuật có thể giúp giải quyết các vấn đề về chức năng. Nếu gần đây bạn đã trải qua phẫu thuật gây ra sẹo, tốt nhất là đợi ít nhất một năm trước khi đưa ra quyết định về điều trị sẹo. Nhiều vết sẹo mờ dần và trở nên ít chú ý hơn theo thời gian.
Tiêm
Trong trường hợp các vết sẹo nhô lên như sẹo lồi hoặc sẹo phì đại, bác sĩ sẽ sử dụng các mũi tiêm steroid để làm phẳng các vết sẹo. Phương pháp tiêm có thể được sử dụng như một cách điều trị độc lập hoặc kết hợp với các phương pháp điều trị khác
Các loại tiêm khác, chẳng hạn như collagen hoặc filler, có thể hữu ích cho một số loại sẹo rỗ, mặc dù đây thường không phải là giải pháp lâu dài.