Đau xương sườn hay đau lồng ngực có thể là cảm giác đau nhói, âm ỉ, hoặc đau như dao đâm, có thể cảm thấy ở hoặc ngực phía dưới hoặc trên rốn hai bên. Điều này có thể xảy ra sau một chấn thương hoặc không thể giải thích nguyên nhân.
Đau xương sườn có thể do nhiều nguyên nhân, từ co kéo cơ cho đến gãy xương sườn.
Cơn đau có thể xảy ra ngay khi bị thương hoặc tiến triển chậm theo thời gian. Nó cũng có thể là một dấu hiệu của một bệnh lý tiềm ẩn. Bạn nên thông báo bất kỳ trường hợp đau lồng ngực không thể giải thích cho bác sĩ của bạn ngay lập tức.
Mục lục
Nguyên nhân gây đau xương sườn?
Các nguyên nhân phổ biến nhất của đau vùng xương sườn là một cơ co kéo hoặc xương bầm tím. Các nguyên nhân gây đau khác ở khu vực lồng ngực có thể bao gồm:
- Rạn xương sườn
- Gãy xương sườn
- Chấn thương ở ngực
- Các bệnh ảnh hưởng đến xương, chẳng hạn như loãng xương
- Viêm màng phổi
- Co thắt cơ ngực
- Viêm sụn sườn
- Đau dây thần kinh liên sườn
Gãy/ rạn xương sườn
Gãy hay rạn xương sườn xảy ra khi bị va đập trực tiếp vào lồng ngực hay phần thân trên, như trong tai nạn xe ô-tô, té mạnh hoặc va chạm nặng khi chơi thể thao. Tuy nhiên, một số bệnh như loãng xương và ung thư xương có thể làm khung xương sườn suy yếu đáng kể (kể cả các xương khác), và khiến xương sườn gãy một cách dễ dàng như khi ho mạnh, xoay người hay nâng vật nặng. Dù xương sườn gãy có thể tự lành trong một hoặc hai tháng nếu bạn là người tương đối khỏe mạnh, nhưng nếu bạn biết cách điều trị tại nhà thì có thể giảm đáng kể sự khó chịu. Trong một số trường hợp, xương sườn gãy đâm vào phổi hay các cơ quan nội tạng khác nên có thể gây tử vong, do đó cần được can thiệp y khoa khẩn cấp.
Các triệu chứng phổ biến của gãy xương sườn là những cơn đau xảy ra liên quan tới xương sườn bị gãy hoặc cơn đau tồi tệ hơn khi bạn:
- Hít thở sâu
- Ấn vào vùng bị thương
- Bẻ cong hoặc xoắn cơ thể.
Nếu không thể thở bình thường vì chấn thương, bạn có thể:
- Có cảm giác thiếu hơi
- Cảm thấy lo lắng, hồi hộp hay sợ hãi
- Đau đầu
- Cảm thấy chóng mặt, mệt mỏi hay buồn ngủ.
Bác sĩ sẽ chụp X-quang để thấy được xương. Tuy nhiên, phương pháp này thường không hiệu quả khi chẩn đoán các xương sườn bị gãy gần đây, đặc biệt là nếu các xương chỉ bị nứt. X-quang cũng rất hữu ích trong việc chẩn đoán tình trạng xẹp phổi.
Chụp cắt lớp vi tính. Phương pháp này thường có thể phát hiện ra xương sườn bị gãy mà X-quang bỏ lỡ. Chấn thương các mô mềm và mạch máu cũng dễ thấy trên hình ảnh chụp cắt lớp vi tính. Công nghệ này chụp X-quang từ nhiều góc độ và kết hợp lại để mô tả các lát cắt ngang của cấu trúc bên trong cơ thể;
Chụp cộng hưởng từ. Phương pháp này được sử dụng để xem xét các mô mềm và các cơ quan xung quanh xương sườn để xác định có tổn thương không. Phương pháp này cũng có thể giúp phát hiện dấu vết gãy xương sườn khó thấy.
Viêm màng phổi
Viêm màng phổi là tình trạng viêm xuất hiện ở màng phổi. Bệnh viêm màng phổi gây đau ngực và cơn đau sẽ tăng lên khi bạn hít thở.
Màng phổi là hai lớp mô mỏng bảo vệ phổi, nằm giữa phổi và thành ngực. Giữa hai lớp màng là dịch màng phổi có tác dụng bôi trơn hai lớp màng, để chúng có thể trượt dễ dàng lên nhau. Khi màng phổi bị viêm, chúng không thể trượt lên nhau dễ dàng được, do đó dẫn đến đau đặc biệt là khi bạn ho hoặc hắt hơi.
Viêm màng phổi có thể do nhiễm trùng hoặc có thể do các thủ thuật y tế tác động lên màng phổi. Nguyên nhân của viêm màng phổi bao gồm:
- Nhiễm virus, chẳng hạn như cúm
- Nhiễm trùng do vi khuẩn như viêm phổi.
- Nhiễm nấm.
- Viêm khớp dạng thấp
- Một số loại thuốc.
- Ung thư phổi
Các triệu chứng phổ biến của bệnh viêm màng phổi là:
- Đau ngực nặng hơn khi bạn thở, ho hoặc hắt hơi.
- Khó thở.
- Ho, sốt – chỉ trong một số trường hợp.
- Đau ngực – cơn đau thường xuất hiện ở phía trước hoặc phía sau của lồng ngực, đôi khi bạn có thể có đau lưng hay đau vai.
Để xác định xem bạn có viêm màng phổi bác sĩ có thể khuyên bạn nên:
- Xét nghiệm máu. Xét nghiệm máu sẽ cho biết bạn có bị nhiễm trùng hay không.
- Chụp X-quang. Chụp X-quang có thể cho biết lớp dịch giữa hai khoang màng phổi có tăng lên hay không.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT scan). Đây là xét nghiệm hiển thị hình ảnh phổi của bạn dưới dạng nhiều lát cắt khác nhau, từ đó cho hình ảnh chi tiết hơn so với chụp X-quang.
- Siêu âm. Phương pháp này sử dụng sóng âm thanh tần số cao để tạo ra hình ảnh chính xác của cấu trúc bên trong cơ thể của bạn. Bác sĩ có thể sử dụng siêu âm để xác định xem có tràn dịch màng phổi không.
- Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG). Bác sĩ có thể kiểm tra theo dõi nhịp tim để loại trừ các vấn đề về tim mạch nào đó có thể gây ra đau ngực.
Bạn nên liên hệ với bác sĩ của bạn nếu bạn nằm trong những trường hợp sau đây:
- Nếu bạn bị ho, ớn lạnh và sốt cao đồng thời ho có đàm màu vàng hoặc màu xanh lá cây, có khả năng bạn bị viêm phổi.
- Nếu tay hoặc chân của bạn bị phù, có thể bạn bị huyết khối tĩnh mạch phổi và huyết khối tĩnh mạch sâu.
Viêm sụn sườn
Viêm sụn sườn hay còn gọi là viêm khớp sụn sườn. Đây là tình trạng đau và căng tức ngực do khớp sụn sườn bị sưng viêm. Khớp sụn sườn là đoạn mô xốp dày và đàn hồi nối giữa xương sườn và xương ức. Viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày.
Viêm sụn sườn thường xảy ra ở trẻ em và thanh thiếu niên. Hầu hết, các ca mắc phải viêm sụn sườn đều trong độ tuổi từ 10 đến 21. Viêm sụn sườn cũng có thể xảy ra ở người lớn với tỷ lệ nữ mắc bệnh là 70%. Bạn có thể hạn chế khả năng mắc bệnh bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ.
Bạn sẽ có nguy cơ mắc viêm sụn sườn nếu bạn:
- Hút thuốc lá.
- Béo phì.
- Có sức đề kháng yếu.
- Mắc các bệnh rối loạn tự miễn hoặc các bệnh về khớp.
- Bị ung thư phổi, ung thư vú hoặc u tuyến giáp.
- Đã từng mắc hội chứng Tietze.
Các triệu chứng của viêm khớp sụn sườn rất giống với đau thắt ngực do bệnh tim gây ra như:
- Đau và khó chịu ở một hoặc hai bên ngực.
- Cơn đau có thể kéo dài trong vài ngày hoặc lâu hơn.
- Đau dữ dội hơn khi hắt hơi, ho hoặc hít thở sâu.
- Thở gấp, thở ngắn, khó thở.
Bác sĩ sẽ chẩn đoán viêm sụn sườn dựa trên tình trạng bệnh lý và khám lâm sàng. Ngoài ra, bạn có thể cần thực hiện chụp X-quang nếu tình trạng bệnh không cải thiện sau một thời gian. Thông thường, chẩn đoán viêm sụn sườn không yêu cầu xét nghiệm máu nhưng bác sĩ vẫn có thể đề nghị kiểm tra để chắc chắn rằng bạn không mắc phải các bệnh lý nào khác.
Đau dây thần kinh liên sườn
Đau dây thần kinh liên sườn là hội chứng bệnh lý phổ biến hiện nay. Đau dây thần kinh liên sườn do nhiều nguyên nhân gây ra nhưng cũng có khi không có nguyên nhân, gọi là đau thần kinh liên sườn tiên phát.
Sau khi tách khỏi rễ chung, dây thần kinh liên sườn cùng với mạch máu tạo thành bó mạch – thần kinh gian sườn nằm ở bờ dưới của mỗi xương sườn. Vì mối liên quan như vậy nên các bệnh lý của tủy sống, cột sống, xương sườn và thành ngực đều có thể ảnh hưởng trực tiếp tới dây thần kinh liên sườn. Hơn nữa các dây thần kinh liên sườn cũng là các dây thần kinh nằm ở vị trí nông nên dễ bị tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Dấu hiệu của đau dây thần kinh liên sườn là chỉ đau ở một bên (trái hoặc phải) đau từ trước ngực (xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Bạn có thể cảm thấy đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi ấn sờ.
Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy).
Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế.
Nhiều trường hợp đau do zona liên sườn (virus tấn công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.
Bác sĩ sẽ xem qua bệnh sử và tiến hành khám kỹ lưỡng. Bác sĩ sẽ phát hiện loại trừ các bệnh tim, phổi và bệnh nhiễm khuẩn. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể chỉ định bạn thực hiện:
Chụp X-quang thường quy: đánh giá hình thái cột sống, đốt sống để tìm ra nguyên nhân gây bệnh như thoái hóa cột sống, lao cột sống;
Chụp cộng hưởng từ: chẩn đoán chính xác nguyên nhân gây bệnh như các bệnh lý cột sống, đĩa đệm và tủy sống như thoái hóa, lồi và thoát vị đĩa đệm, u tủy sống và các bệnh lý tủy sống, chấn thương cột sống, viêm nhiễm như viêm cột sống, đĩa đệm nhiễm trùng, lao cột sống;
Xét nghiệm cơ bản: xét nghiệm tế bào máu ngoại vi, tốc độ máu lắng, xét nghiệm nước tiểu toàn phần.
Xét nghiệm sinh hóa máu: ure, creatinin, AST, ALT.
Chẩn đoán đau xương sườn
Khi nói chuyện với bác sĩ, hãy mô tả loại đau bạn gặp phải và các cử động làm cho cơn đau tồi tệ hơn. Loại đau, mức độ đau bạn đang trải qua cũng như vùng đau có thể giúp bác sĩ xác định xét nghiệm nào sẽ giúp ích cho chẩn đoán.
Nếu cơn đau của bạn bắt đầu sau một chấn thương, bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh như chụp X-quang . X-quang ngực có thể cho thấy bằng chứng của gãy xương hoặc bất thường ở xương hay ở sụn.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào, chẳng hạn như sự tăng trưởng bất thường xuất hiện trên phim X-quang hoặc trong khi kiểm tra thể chất, bác sĩ sẽ yêu cầu các xét nghiệm hình ảnh khác chẳng hạn như MRI. MRI cung cấp cho các bác sĩ một cái nhìn chi tiết về lồng ngực và cơ xung quanh, các cơ quan và mô.
Nếu bạn đang bị đau mãn tính, bác sĩ có thể yêu cầu xạ hình xương. Bác sĩ sẽ yêu cầu xạ hình xương nếu họ cho rằng có khả năng ung thư xương có thể gây đau. Đối với xét nghiệm này, họ sẽ tiêm cho bạn một lượng nhỏ thuốc nhuộm phóng xạ gọi là chất đánh dấu. Sau đó, bác sĩ sẽ sử dụng một camera đặc biệt để quét cơ thể bạn để theo dõi. Hình ảnh từ máy này sẽ làm nổi bật bất kỳ cấu trúc xương bất thường nào.
Các phương pháp điều trị cho đau vùng xương sườn là gì?
Các điều trị được đề nghị cho đau vùng xương sườn phụ thuộc vào nguyên nhân của cơn đau.
Nếu đau lồng ngực là do một chấn thương nhỏ, chẳng hạn như cơ co kéo hoặc vết bầm tím, bạn có thể sử dụng một miếng chườm lạnh trên khu vực để giảm sưng. Nếu bạn đang bị đau đáng kể, bạn cũng có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen (Tylenol).
Nếu thuốc không kê đơn không làm giảm đau do chấn thương, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc khác, cũng như có thể dùng băng cuốn ngực. Băng cuốn ngực là một băng lớn, có tính đàn hồi quấn quanh ngực của bạn.
Băng cuốn ngực giữ chặt khu vực để tránh tổn thương thêm và không gây đau đớn thêm. Tuy nhiên, băng cuốn ngực chỉ cần thiết trong những trường hợp hiếm hoi vì độ kín của băng cuốn ngực có thể gây khó thở. Điều này có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi của bạn .
Nếu ung thư xương gây đau, bác sĩ sẽ thảo luận về các lựa chọn điều trị với bạn dựa trên loại ung thư và nguồn gốc của ung thư. Xác định nguồn gốc của bệnh ung thư xem ung thư bắt đầu từ xương sườn hay do lây lan từ một khu vực khác của cơ thể. Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ hoặc sinh thiết để xác định loại ung thư phục vụ cho điều trị và tiên lượng bệnh. Trong một số trường hợp, phẫu thuật cắt bỏ là không thể hoặc có thể quá nguy hiểm. Trong những trường hợp này, bác sĩ có thể chọn thu nhỏ khối u bằng hóa trị hoặc xạ trị . Một khi khối u đủ nhỏ, bác sĩ có thể loại bỏ nó bằng phẫu thuật.
Nếu bị viêm màng phổi, phương pháp điều trị viêm màng phổi tập trung chủ yếu vào nguyên nhân. Ví dụ như nếu nguyên nhân viêm do vi khuẩn, bác sĩ sẽ sử dụng kháng sinh để tiêu diệt vi khuẩn. Nếu nguyên nhân là nhiễm virus, bác sĩ sẽ điều trị chủ yếu là triệu chứng. Cơn đau ngực do viêm màng phổi có thể được điều trị bằng một loại thuốc giảm đau được gọi là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID). Thông thường, bác sĩ thường chỉ định thuốc ibuprofen. Nếu NSAID không hiệu quả hoặc không phù hợp, bạn có thể được kê thuốc giảm đau khác như paracetamol hoặc codeine.
Thông thường, viêm sụn sườn sẽ tự khỏi sau vài ngày hoặc vài tuần mà không cần điều trị. Tuy nhiên, trong vài trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định cho bạn dùng thuốc giảm đau như ibuprofen hoặc naproxen để giảm sưng viêm. Trước khi dùng thuốc, hãy báo với bác sĩ nếu bạn bị bệnh tim, cao huyết áp, bệnh thận, bệnh gan, loét dạ dày hoặc có tiền sử xuất huyết. Ngoài ra, bạn cũng có thể sử dụng biện pháp chườm nóng. Tuy nhiên, hãy lưu ý không nên chườm quá nóng hoặc trong thời gian quá dài. Nếu những phương pháp điều trị trên không có tác dụng, bác sĩ có thể chỉ định tiêm cortisone nếu cần.
Nếu cơn đau do dây thần kinh liên sườn tiên phát, bác sĩ có thể chỉ định bạn điều trị bằng các thuốc sau: Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac; thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin; thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm- thuốc chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, có cảm giác co rút vùng sườn tổn thương. Bệnh nhân có bệnh nhược cơ không dùng thuốc này; Vitamin nhóm B như B1, B6, B12 là các vitamin có vai trò quan trọng trong chuyển hóa của tế bào nói chung, nhất là tế bào thần kinh và bao myelin. Tuy nhiên bạn cũng chỉ nên dùng các loại vitamin này theo chỉ định của bác sĩ, không nên lạm dụng.
Khi nào cần đi khám bác sĩ
Đau vùng xương sườn có thể rõ ràng hoặc không có triệu chứng rõ ràng mọi lúc. Bạn cũng có thể cảm thấy đau nhói khi hít vào hoặc khi làm một động tác nào đó.
Liên hệ với bác sĩ của bạn ngay lập tức nếu bạn cảm thấy đau dữ dội khi hít vào hoặc nếu bạn cảm thấy khó thở, đau nhói khi ấn vào ngực.
Nếu bạn cảm thấy tức nặng hoặc đau nhiều ở ngực, cơn đau kéo dài hơn một vài phút hoặc lan từ ngực ra vai và cánh tay hãy gọi 115. Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của một cơn đau tim sắp xảy ra .
Nếu gần đây bạn bị ngã và bạn gặp khó khăn và đau khi thở, cùng với vết bầm tím đáng kể ở vùng ngực, hãy gọi 115 ngay lập tức.
Làm thế nào có thể ngăn ngừa đau vùng xương sườn?
Bạn có thể ngăn ngừa đau lồng ngực do căng cơ hoặc bong gân bằng cách giãn cơ, khởi động đầy đủ trước khi tập thể dục, sử dụng thiết bị tập thể dục đúng cách.
Nếu một căn bệnh gây đau lồng ngực của bạn, hãy nghỉ ngơi nhiều thực hiện kế hoạch điều trị của bác sĩ. Các phương pháp điều trị tự chăm sóc, chẳng hạn như chườm đá vào vết thương hoặc tắm nước nóng để thư giãn, cũng có thể giúp ngăn ngừa đau.
Leave a Comment