Nghẹt mũi là một thuật ngữ khác cho tắc mũi. Đây thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như viêm xoang hay nhiễm khuẩn đường hô hấp. Nó cũng có thể gây ra bởi cảm lạnh thông thường.
Nghẹt mũi thường biểu hiện bởi:
- Nghẹt hoặc chảy nước mũi
- Đau các xoang mũi
- Mũi tiết nhiều dịch nhầy
- Viêm mô
Các biện pháp khắc phục tại nhà có thể đủ để giảm bớt nghẹt mũi, đặc biệt nếu tình trạng này gây ra bởi cảm lạnh thông thường. Tuy nhiên, nếu bạn trải qua nghẹt mũi kéo dài không đỡ, bạn nên đi khám bác sĩ.
Mục lục
Nguyên nhân gây nghẹt mũi
Nghẹt mũi có thể là nghẹt một bên hoặc cả 2 bên thay nhau. Nghẹt mũi là tình trạng niêm mạc ở một bên của mũi bị ứ đầy máu trong khi niêm mạc ở bên đối diện các mạch máu lại ít máu hơn hoặc không có máu. Theo nghiên cứu y học, hệ thần kinh điều khiển mũi theo chu kỳ tác động vào từng bên mũi và diễn ra vài lần trong ngày.
Khi bị ốm, tại một thời điểm nào đó, lượng không khí vào và ra ở lỗ mũi này sẽ nhiều hơn so với mũi còn lại, lượng máu chảy dồn vào một bên mũi sẽ gây tắc nghẽn trong khoảng thời gian từ 3-6 tiếng. Hiện tượng này sẽ càng tăng nếu bạn nằm nghiêng đầu về phía bên nghẹt mũi.
Nếu bạn đang ở trạng thái sinh lý bình thường thì có thể sẽ không thể cảm nhận được hơi thở mất cân bằng giữa 2 mũi nhưng nếu trong tình trạng bị cảm lạnh, bạn sẽ thấy rõ điều này và trong trường hợp bệnh nặng, bạn có thể sẽ bị ngạt cả 2 bên mũi.
Lý do chu kỳ nghẹt mũi xảy ra:
Giúp hoàn thiện về mùi
Chu kỳ mũi có thể làm cho cảm giác về mùi ngày càng hoàn chỉnh chơn bạn có thể ngửi thấy mùi và cảm nhận được rõ hơn các loại mùi trong không khí.
Giúp quá trình thở thuận lợi hơn
Chu kỳ mũi đảm bảo hốc mũi luôn được làm ấm, làm ẩm, hoạt động giống như một bộ lọc không khí và độ ẩm. Từ đó, mũi sẽ khuếch tán hơi nước từ lớp thảm nhầy này hỗ trợ cho độ ẩm khí thở ổn định không bị phụ thuộc vào độ ẩm tương đối của không khí xung quanh.
Tiếp đó, việc không khí được làm ấm nhờ các sung động – tĩnh mạch ở sâu sẽ thường xuyên lưu thông máu nóng với mao mạch và hồ huyết giúp cho không khí luồn qua mũi ổn định ở nhiệt độ từ 31-34 độ mà không bị phụ thuộc vào nhiệt độ bên ngoài từ đó giúp cho phổi của chúng ta hoạt động bình thường.
Các bệnh thông thường về hô hấp là nguyên nhân phổ biến nhất của nghẹt mũi. Ví dụ, cảm lạnh, cúm và viêm xoang đều có thể gây nghẹt mũi. Sự tắc nghẽn liên quan đến các tình trạng này thường được cải thiện trong vòng một tuần.
Sự tắc nghẽn kéo dài hơn một tuần thường là triệu chứng của một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn. Một số nguyên nhân gây ra nghẹt mũi kéo dài có thể là:
- Dị ứng
- Sốt virus
- Polyp mũi hoặc khối u lành tính trong đường mũi
- Phơi nhiễm hóa chất
- Tiếp xúc với các chất kích thích từ môi trường
- Nhiễm trùng xoang kéo dài, còn được gọi là viêm xoang mạn tính
- Lệch vách ngăn mũi
Nghẹt mũi cũng có thể xảy ra trong thai kỳ, thường là vào cuối tam cá nguyệt đầu tiên. Sự thay đổi nội tiết tố và tăng cung cấp máu xảy ra trong thai kỳ có thể gây ra nghẹt mũi này.
Những thay đổi này có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi, khiến chúng bị viêm, khô hoặc chảy máu.
Các biện pháp khắc phục tại nhà cho nghẹt mũi
Có một số biện pháp khắc phục tại nhà có thể giúp ích khi bạn đang bị nghẹt mũi. Đừng gắng sức xì mũi. Nếu bị nghẹt mũi nhưng không chảy nước mũi hoặc chất nhầy không dễ chảy ra khi xì mũi thì bạn đừng nên gắng sức. Có thể bạn muốn xì mũi thật mạnh đến khi đẩy được một chút chất nhầy ra ngoài, tuy nhiên sẽ tốt hơn nếu để tự nhiên và chỉ xì mũi khi bị chảy nước mũi.
Xì mũi quá mạnh và nhiều lần có thể khiến các màng nhầy mỏng manh bên trong lỗ mũi bị viêm và khiến bạn nghẹt mũi hơn. Mặc dù nghe có vẻ phản trực quan nhưng bạn sẽ thấy tốt hơn nếu bớt xì mũi.
Một số phương pháp bạn có thể tự làm ở nhà để giảm bớt sự khó chịu khi nghẹt mũi:
Dùng nước muối sinh lý xịt mũi
Sản phẩm này đơn giản là nước muối được đựng trong chai xịt tiện lợi và không chứa thuốc. Nước muối giúp giảm viêm trong mũi và đẩy dịch nhầy cũng như vi khuẩn ra ngoài.
Mua chai xịt hoặc tự pha nước muối xịt mũi ở nhà. Bạn có thể mua nước muối sinh lý xịt mũi ở hầu hết các hiệu thuốc. Hoặc nếu có bình xịt muối hoặc bơm tiêm đầu tròn, bạn có thể tự pha nước muối.
Đứng trước bồn rửa sao cho đầu mũi hướng xuống dưới bồn. Tư thế này giúp nước chảy ra khỏi mũi dễ hơn.
Từ từ xịt nước muối vào một bên lỗ mũi. Nếu dùng bơm tiêm đầu tròn, bạn có thể bóp một chút để đẩy không khí ra, sau đó nhúng bơm tiêm vào dung dịch muối rồi thả phần đầu tròn ra. Bóp bơm tiêm một lần nữa để nhỏ dung dịch vào lỗ mũi.
Để nước muối chảy hết ra khỏi mũi trước khi xịt một lần nữa.
Dùng nước muối sinh lý 2-3 lần mỗi ngày.
Dùng hơi nước để xoa dịu chứng nghẹt mũi
Hơi ẩm và hơi nóng từ hơi nước sẽ giúp giảm viêm cho bạn dễ thở hơn. Với phương pháp này, bạn có thể áp dụng bao lâu tùy thích, bao gồm việc bật máy tạo độ ẩm liên tục cho đến khi thấy tốt hơn.
Máy tạo độ ẩm bổ sung độ ẩm cho không khí có thể giúp làm giảm chất nhầy và làm dịu đường mũi bị viêm. Tuy nhiên, nếu bạn bị hen suyễn, hãy hỏi bác sĩ trước khi sử dụng máy tạo độ ẩm.
Tắm nước nóng. Đóng cửa phòng tắm để hơi nước không thể thoát ra ngoài. Sau đó, vặn vòi nước nóng lên. Nếu không thích tắm bồn, bạn có thể tắm vòi hoa sen và hít lấy hơi nước tỏa ra trong phòng tắm.
Hít hơi nóng từ nồi nước sôi. Đun sôi nước rồi cẩn thận hứng lấy hơi nước bốc lên. Phải thật cẩn thận để tránh bị bỏng.
Bật máy tạo độ ẩm hoặc máy tạo hơi nước. Cách này đặc biệt hữu ích khi bạn đang ngủ. Luôn tuân thủ theo hướng dẫn vệ sinh máy vì nấm mốc có thể dễ dàng sinh sôi trong máy và khiến triệu chứng nghẹt mũi trở nặng.
Cung cấp đủ nước
Uống nhiều nước giúp làm loãng dịch nhầy trong mũi (nếu có) và khiến dịch nhầy dễ chảy ra ngoài hơn. Độ ẩm được tăng cường cũng giúp xoa dịu hốc mũi đang kích ứng và ngăn ngừa nghẹt mũi.
Một số trường hợp sẽ thấy hiệu quả nếu uống nước ấm khi bị nghẹt mũi. Bạn có thể thử uống trà thảo mộc, nước hầm hoặc súp.
Chườm gạc ấm lên mũi
Ngâm khăn trong nước đủ nóng. Sau đó, nằm xuống và chườm khăn lên sống mũi sao cho che phủ xoang nhưng vẫn để hở lỗ mũi. Khi khăn lạnh, bạn nên nhúng khăn lại vào nước nóng.
Có thể sẽ phải nhúng khăn vào nước nóng nhiều lần thì mới thấy hiệu quả nên bạn cần kiên nhẫn. Nên thử chườm ấm khi đang thư giãn, ví dụ như khi đang nghe nhạc hoặc xem tivi.
Dùng dầu bôi ấm ngực
Hầu hết sản phẩm dầu bôi ấm ngực đều chứa tinh dầu bạc hà, khuynh diệp và/hoặc tinh dầu long não – những loại tinh dầu được cho rằng sẽ giúp giảm nghẹt mũi khi hít lấy hơi tinh dầu.
Thành phần của dầu có thể giúp giảm cảm giác nghẹt mũi ở một số trường hợp nhưng vẫn chưa đủ bằng chứng cho thấy dầu thoa giúp điều trị triệu chứng cảm lạnh hiệu quả. Bạn có thể sử dụng dầu theo các cách sau để giảm nghẹt mũi:
- Thoa dầu lên cổ họng hoặc ngực trước khi đi ngủ. Vị trí này đủ gần mũi để bạn có thể hít dầu vào khi ngủ và đủ xa để không gây kích ứng mắt.
- Cho dầu vào khăn giấy, sau đó giữ cho khăn giấy gần mũi và hít vào thật sâu.
- Nếu không có sẵn dầu thoa ấm ngực, bạn có thể chấm 1-2 giọt tinh dầu bạc hà dưới mũi. Cách này mang lại hiệu quả tương tự.
Nghỉ ngơi với tư thế dựng đứng người
Nếu cảm thấy chứng nghẹt mũi trở nặng khi nằm, bạn nên tìm cách nâng cao đầu lên một chút. Đặt thêm gối dưới đầu hoặc ngủ trên ghế dựa.
Đối với trẻ sơ sinh:
- Cảnh giác với tình trạng nghẹt mũi ở trẻ sơ sinh. Vì trẻ sơ sinh chưa thể thở bằng miệng nên tình trạng nghẹt mũi có thể gây nguy hiểm, đặc biệt là trong khi được cho bú. Nếu không thể xì mũi cho trẻ, bạn sẽ phải vệ sinh chất nhầy trong mũi bằng các cách khác.
- Dùng nước muối nhỏ mũi để làm lỏng dịch nhầy. Đặt trẻ trên mặt phẳng, dưới vai trẻ đặt khăn mềm đã cuộn lại để ngửa đầu trẻ ra. Nhỏ vài giọt nước muối sinh lý vào mỗi bên lỗ mũi và chờ 30-60 giây.
- Dẫn lưu dịch nhầy. Lật cho trẻ nằm úp để giúp chất nhầy chảy ra ngoài. Có hai cách lưu dẫn dịch nhầy cho bạn lựa chọn:
Cuộn khăn giấy thành hình chóp nhỏ để lau quanh lỗ mũi. Nên nhớ không được đưa tăm bông vào lỗ mũi của trẻ.
Dùng bơm tiêm đầu tròn hoặc dụng cụ hút mũi để loại bỏ chất nhầy. Bóp nhẹ để đẩy bớt không khí ra ngoài, sau đó đưa dụng cụ vào đầu mũi và nhẹ nhàng thả phần bóng tròn ra. Bóp dịch nhầy đã rút ra vào khăn giấy.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ?
Đôi khi, các biện pháp khắc phục tại nhà là không đủ để làm giảm sự tắc nghẽn, đặc biệt nếu các triệu chứng của bạn là do một tình trạng sức khỏe khác. Trong trường hợp này, điều trị y tế có thể cần thiết, đặc biệt nếu tình trạng này gây khó chịu nhiệu và can thiệp vào các hoạt động hàng ngày của bạn.
Nếu bạn đã trải qua bất kỳ điều sau đây, hãy gặp bác sĩ của bạn ngay lập tức:
- Sưng quanh trán, mắt, má có thể là dấu hiệu nhiễm trùng xoang
- Mờ mắt
- Đốm trắng hoặc vàng ở sau cổ họng
- Ho ra đờm có màu xanh vàng hoặc xám
- Tắc nghẽn kéo dài hơn 10 ngày
- Xung huyết kèm theo sốt cao kéo dài hơn ba ngày
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, hen suyễn hoặc khí phế thũng
Bạn cũng nên đi khám bác sĩ ngay nếu gần đây bạn bị chấn thương đầu và hiện đang chảy máu mũi hoặc chảy nước mũi liên tục
Đối với trẻ sơ sinh và trẻ em, nghẹt mũi có thể đe dọa ở trẻ sơ sinh nhiều hơn ở trẻ lớn và người lớn. Các triệu chứng ở mũi có thể can thiệp vào việc cho trẻ ăn và thậm chí có thể dẫn đến các vấn đề về hô hấp gây tử vong.
Nghẹt mũi kéo dài có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh. Đưa trẻ đi khám bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
- Nghẹt mũi làm ảnh hưởng đến khả năng bú sữa của trẻ.
- Trẻ bị sốt.
- Trẻ thở khó và thở gấp.
Điều trị tắc nghẽn mũi
Sau khi bác sĩ đã xác định nguyên nhân gây nghẹt mũi mãn tính, bác sĩ có thể đề xuất một kế hoạch điều trị. Các kế hoạch điều trị thường bao gồm thuốc không kê đơn hoặc thuốc theo toa để giải quyết hoặc giảm bớt các triệu chứng.
Các loại thuốc dùng để điều trị nghẹt mũi bao gồm:
- Thuốc kháng histamine đường uống để điều trị dị ứng, như loratadine (Claritin) và cetirizine (Zyrtec). Thuốc kháng histamine có thể giúp vừa giảm nghẹt mũi, vừa giảm các triệu chứng khác như hắt hơi. Nên nhớ rằng một số thuốc kháng histamine có thể gây buồn ngủ. Vì vậy, bạn nên tìm mua loại thuốc không gây buồn ngủ để uống ban ngày và không nên lái xe hay vận hành máy móc cho đến khi quan sát hiệu quả của thuốc kháng histamine với cơ thể.
- Thuốc xịt mũi có chứa chất kháng histamine, như azelastine (Astelin, Astepro)
- Corticoid, chẳng hạn như mometasone (Asmanex Twisthaler) hoặc fluticasone (Flovent Diskus, Flovent HFA)
- Kháng sinh
- Thuốc giảm đau không kê đơn hoặc thuốc kê đơn, chẳng hạn như Sudafed
Nếu bạn có khối u hoặc polyp mũi hoặc xoang đang giữ cho chất nhầy không chảy ra, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật để loại bỏ các khối u.
Lời khuyên dành cho tình trạng nghẹt mũi
Nghẹt mũi hiếm khi gây ra các vấn đề sức khỏe lớn. Các triệu chứng thường cải thiện ngay lập tức với điều trị thích hợp. Có một số biện pháp có thể hỗ trợ bạn là:
- Bạn cần đảm bảo ngủ đủ giấc vì thiếu ngủ có thể khiến chứng nghẹt mũi và cơn cảm lạnh trở nặng.
- Thoa dầu dừa dưới mũi khi sẽ giúp dưỡng ẩm cho phần da khô và kích ứng do xì mũi, đồng thời giúp khử trùng và kháng khuẩn.
- Nếu dùng dầu thoa ấm ngực, bạn có thể đặt một miếng gạc ấm lên ngực. Cách này giúp hơi dầu nóng tỏa đến mũi.
- Dùng hơi nước nóng để chữa nghẹt mũi. Không dùng khăn tay để lau mũi mà nên dùng khăn giấy mềm.
- Chuẩn bị gối và phải đảm bảo gối đủ mềm để giúp bạn ngủ/nghỉ thoải mái.
- Kẹo ngậm chữa ho có thể giúp đẩy dịch nhầy trong mũi ra ngoài. Tốt nhất nên dùng kẹo ngậm hương bạc hà hoặc khuynh diệp.
- Nếu chỉ nghẹt một bên mũi, bạn nên nằm nghiêng qua bên mũi còn lại để giúp lưu dẫn dịch nhầy.
- Bật máy tạo độ ẩm trước khi đi ngủ. Nếu có thể, bạn nên cho thêm vài giọt tinh dầu oải hương hoặc tinh dầu hoa quả họ Cam vào máy tạo độ ẩm.
- Bạn có thể làm sạch mũi bằng cách tăng nhiệt độ cơ thể. Đi bộ cũng giúp phá vỡ chất nhầy và khiến chất nhầy chảy ra cho bạn dễ xì mũi hơn.
- Chuẩn bị miếng gạc nóng và chườm lên sống mũi khoảng 15 phút có thể giúp giảm nghẹt mũi.
- Xoa mũi có thể giúp bạn dễ xì chất nhầy ra ngoài.