Sau khi sinh em bé, có lẽ các bạn đều mong muốn giảm được cân, lấy lại vóc dáng như ban đầu. Không những vậy, bạn còn mong muốn có mái tóc dày bóng và chắc khỏe. Thế nhưng, hơn 90% phụ nữ sau khi sinh gặp phải tình trạng rụng tóc. Tóc yếu dần, từ đó dẫn đến rụng nhiều, khô, gãy, chẻ ngọn, kéo dài từ 5 đến 6 tháng sau sinh.
Mục lục
Rụng tóc sau sinh là gì?
Rụng tóc xảy ra sau sinh được gọi là “telogen effluvium” (hoặc TE – rụng tóc sau sinh, sau khi bị nhiễm trùng, sau phẫu thuật hoặc bị căng thẳng nghiêm trọng). TE bắt đầu từ tuần thứ 3 tới tháng thứ sáu kể từ khi em bé được sinh ra. Một số người mẹ thấy mình bị mất cả nắm tóc tại một thời điểm trong giai đoạn này.
Trong vài tuần sau khi sinh, các bà mẹ (cho con bú và không cho con bú) đều bị rụng tóc và điều này hoàn toàn bình thường. Lượng tóc rụng đi ở mỗi người là khác nhau. Thường tóc rụng nhiều vào những ngày đầu sau khi sinh và giảm dần sau 1 tháng.
Tuy nhiên, hiện tượng rụng tóc có thể kéo dài hơn nếu các bà mẹ không quan tâm tới việc chăm sóc tóc, lượng tóc mất đi có thể tới 20 – 30%.
Tóc rụng nhiều nhất là tóc ở phẩn đỉnh đầu nhưng nói chung toàn bộ mái tóc của bạn rất yếu và nhờn trong thời gian sau sinh. Hiện tượng phổ biến là tóc mỏng đi, khó chải tóc và rất nhiều tóc bám vào lược khi bạn chải đầu mà tóc đang ướt.
Xem thêm: Rụng tóc là gì? Nguyên nhân, dấu hiệu và cách trị rụng tóc
Nguyên nhân rụng tóc sau sinh
Rụng tóc sau khi sinh do nhiều nguyên nhân:
- Thứ nhất, do rối loạn nội tiết tố: Sau khi sinh, lượng estrogen giảm xuống quá thấp, khiến tóc phát triển chậm và bị rụng nhiều.
- Thứ hai, do rối loạn tâm lý: Sau sinh bà mẹ thường bị stress, trầm cảm, khiến cho quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể bị rối loạn, máu lưu thông kém, tóc không được cung cấp đủ dưỡng chất, yếu dần và rụng.
- Thứ ba, do thiếu hụt chất dinh dưỡng: Trong thời kỳ mang thai, dưỡng chất được dành để cung cấp cho thai nhi. Sau khi sinh con, lại tiếp tục tập trung dưỡng chất cho bầu sữa nên dẫn đến tình trạng cơ thể thiếu hụt dinh dưỡng, khiến tóc không nhận được đầy đủ dưỡng chất từ máu nên tóc dễ hư tổn và nhanh rụng…
Thay đổi nội tiết tố trong khi mang thai và sau khi sinh ảnh hưởng như thế nào?
Khi mang thai, hormone (nội tiết tố) của bạn thay đổi đáng kể.
Một trong những hormone đầu tiên tăng đột biến là human chorionic gonadotropin, hay hCG. Đó là hormone mà khi xét nghiệm trong thai kỳ của bạn đo được và nồng độ hCG tăng cho thấy bạn đã mang thai. Mang thai cũng khiến một số nồng độ hormone khác tăng lên, bao gồm estrogen, progesterone, oxytocin và prolactin. Lượng máu của bạn cũng tăng trong thời kỳ mang thai, thậm chí thể tích máu của người mẹ tăng 50% để tăng lượng máu nuôi dưỡng đến thai nh vào cuối thai kỳ.
Ngay sau khi em bé được sinh ra, một lượng hormone của bạn lại sụt giảm nhanh chóng, bao gồm estrogen và progesterone. Những hormone này sẽ gần như trở lại mức bình thường trong vòng 24 giờ sau khi sinh, mặc dù prolactin sẽ duy trì ở mức cao trong khi bạn đang cho con bú.
Lượng máu của bạn cũng giảm nhưng sẽ giảm dần và trở lại bình thường sau một vài tuần.
Hormone ảnh hưởng đến mái tóc của bạn như thế nào?
Hormone là lý do lớn nhất cho sự thay đổi tóc khi mang thai và rụng tóc sau sinh của bạn.
Khi mang thai, nồng độ estrogen cao đã ngăn chặn tình trạng rụng tóc thông thường của bạn. Bình thường, tóc của bạn rụng một lượng nhỏ mỗi ngày, có thể từ 50-100 sợi. Khi mang thai, tình trạng rụng tóc giảm xuống. Một phần là do sự kết hợp của tăng thể tích và lưu thông máu trong cơ thể, điều này cũng khiến tóc bạn rụng ít hơn bình thường. Sự gia tăng nồng độ hormone estrogen cùng lưu lượng máu tăng cao khiến mái tóc bạn trở nên khỏe mạnh, dài và dày. Lúc này, lượng tóc ở giai đoạn “nghỉ ngơi” sẽ ít đi và do đó tình trạng rụng tóc giảm hẳn.
Vì vậy, sau khi sinh em bé và mức độ hormone của bạn giảm xuống ngoại trừ prolactin, điều này vô tình khiến số lượng tóc ở giai đoạn “nghỉ ngơi” tăng lên dẫn đến hiện tượng rụng tóc sau sinh. Tóc sẽ rụng nhiều mỗi khi bạn gội đầu hay chải tóc, có thể rụng rất nhiều. Tuy nhiên, tổng lượng tóc rụng này không nhiều hơn tổng lượng tóc đáng lẽ sẽ rụng trong suốt 9 tháng. Thông thường tình trạng rụng tóc tạm thời này không liên quan đến sự thiếu hụt về dinh dưỡng hoặc vitamin hay bệnh lý nào khác.
Rụng tóc sau sinh có thể xảy ra vào bất kỳ lúc nào sau khi sinh em bé, và đôi khi tình trạng này vẫn tiếp tục kéo dài một năm. Không phải tất cả phụ nữ đều bị rụng tóc sau sinh một cách trầm trọng. Thông thường, người có mái tóc dài sẽ rụng nhiều hơn so với người có mái tóc ngắn. Bạn đừng quá lo lắng vì khoảng một năm sau khi sinh, hiện tượng này sẽ hoàn toàn biến mất. Nó thường đạt mức cực đại quanh mốc 4 tháng, vì vậy nếu em bé của bạn được vài tháng tuổi và bạn vẫn bị rụng tóc, điều đó không có nghĩa là đã đến lúc phải hoảng sợ!
Điều trị rụng tóc sau sinh
Thường thì rụng tóc sau sinh là hiện tượng hoàn toàn bình thường. Nếu điều đó không làm bạn lo lắng, bạn không cần phải làm gì để điều trị. Và thật không may, không có gì được chứng minh là ngăn ngừa hoặc làm chậm rụng tóc sau sinh. Nhưng nếu chứng rụng tóc làm ảnh hưởng tới bạn, có những phương pháp bạn có thể cố gắng để làm cho mái tóc của mình trông đầy đặn và khỏe mạnh hơn.
Tránh dùng hóa chất hay tạo kiểu tóc
Sau sinh, tóc sẽ trở nên cực kỳ nhạy cảm, bạn cần phải nhẹ nhàng hơn trong khi chải tóc hay gội đầu. Ngoài ra, bạn nên chọn loại dầu gội với thành phần dịu nhẹ và sử dụng thêm dầu xả, cũng như không gội đầu thường xuyên mà chỉ 2 lần/tuần là đủ. Nếu có thể hãy hong khô tóc một cách tự nhiên thay vì dùng máy sấy.
Nếu có điều kiện, bạn cũng có thể tìm mua các sản phẩm tạo kiểu tóc tại các tiệm làm tóc hoặc nhà thuốc để làm cho mái tóc trông dày hơn khi đi ra ngoài. Bên cạnh đó, hãy tránh việc thường xuyên sử dụng máy sấy, máy uốn, duỗi cũng như sử dụng hóa chất vì sẽ khiến tình trạng rụng tóc trở nên tồi tệ thêm. Ngoài ra, bạn hãy thay đổi vị trí rẽ ngôi để mái tóc trông bớt mỏng hơn.
Chải quá mạnh cũng có thể khiến tóc bạn rụng thành từng lọn lớn hơn, vì vậy hãy nhẹ nhàng khi chải và đừng chải nhiều hơn một lần mỗi ngày. Khi chải, bạn nên sử dụng những chiếc lược răng thưa vì điều này giúp làm giảm áp lực lên tóc.
Chế độ ăn giàu dinh dưỡng
Nếu để ý, bạn sẽ thấy trong thời gian mang thai, việc thực hiện chế độ ăn giàu dinh dưỡng đã giúp da và tóc của bạn phát triển khỏe mạnh. Rau và các loại hạt không chỉ có lợi cho sức khỏe mà còn chứa nhiều chất chống oxy hóa và flavonoid giúp bảo vệ nang lông. Bên cạnh đó, những thực phẩm này còn giúp tăng cường sự phát triển của tóc. Do đó, sau sinh, bạn cần duy trì chế độ ăn giàu dinh dưỡng để cơ thể có đầy đủ các dưỡng chất thiết yếu giúp da và tóc khỏe mạnh.
Bạn có biết việc ăn nhiều loại trái cây và rau quả nhất có thể là cách tốt nhất để cơ thể bạn có được tất cả các dưỡng chất cần thiết? Những thực phẩm có thể làm tăng sức khỏe tóc bao gồm các loại rau màu xanh đậm (cung cấp sắt, vitamin C), khoai lang và cà rốt (cung cấp beta caroten), trứng (cung cấp vitamin D) và cá (cung cấp omega-3 và magiê)…
Bổ sung vitamin
Đôi khi những thực phẩm mà bạn ăn không cung cấp đầy đủ tất cả khoáng chất và vitamin cần thiết mà cơ thể cần. Vitamin không nên thay thế hoàn toàn cho một chế độ ăn uống đa dạng, đặc biệt đối với một bà mẹ mới sinh con. Nhưng chúng có thể giúp bổ sung nếu chế độ ăn uống của bạn không cân bằng. Do đó, bạn hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung thêm một số vitamin và khoáng chất như vitamin B, E, C, kẽm và biotin. Điều này sẽ thúc đẩy sự phát triển của tóc và ngăn ngừa tóc rụng quá nhiều.
Giảm căng thẳng lo lắng
Rụng tóc sau sinh còn được biết đến với một tên gọi khác là rụng tóc kiểu TE (Telogen Effluvium). Đây là một triệu chứng hết sức bình thường và sẽ không khiến bạn bị hói. Bên cạnh đó, những người căng thẳng cũng thường hay bị rụng tóc nhiều. Chính vì vậy, nếu bạn cứ tiếp tục lo nghĩ về mái tóc của mình thì không những không giúp ích được gì mà còn là khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Chăm sóc tóc đúng cách
Nếu bạn búi hoặc buộc tóc đuôi ngựa, tết tóc quá nhiều bằng các loại dây thun sẽ khiến tóc dễ bị rụng. Buộc tóc quá chặt trong thời gian dài sẽ khiến những sợi tóc bị kéo căng ra, làm cho các nang tóc bị kéo liên tục. Điều này vô tình khiến các nang tóc bị suy yếu dần, tóc mới mọc ra dần nhỏ hơn và mịn hơn, làm cho tóc dễ bị rụng.
En bé còn quá nhỏ, do đó phần lớn thời gian bạn phải chăm sóc bé. Chính vì vậy, thời gian để bạn dành cho việc chăm sóc tóc dường như là không có. Ngoài ra, nếu đã quá ngán ngẩm khi nhìn thấy tóc rụng trên sàn sau khi gội đầu hay chải tóc, hãy nghĩ đến việc thử một kiểu tóc ngắn, mới. Với kiểu tóc ngắn, tình trạng rụng tóc sau khi sinh sẽ giảm đi đáng kể. Bạn có thể chọn kiểu cắt bob (ngắn ở giữa và dài hai bên) hoặc cắt tóc tầng để khiến tóc trông dày hơn.
Ngoài ra, sử dụng băng đô, kẹp tóc, hoa cài tóc… cũng giúp che đi mái tóc mỏng hậu quả của quá trình rụng tóc sau khi sinh. Đây là lựa chọn thích hợp cho những bạn ít có thời gian làm đẹp mỗi khi phải đi ra ngoài.
Rụng tóc sau sinh có bình thường không? Bao lâu thì hết?
Tóc rụng nhiều sau sinh là điều rất bình thường, bạn không cần quá lo lắng. Việc duy trì chế độ ăn uống thích hợp kết hợp uống bổ sung vitamin đầy đủ cùng với việc tập thể dục sau sinh, mái tóc của bạn sẽ trở lại bình thường chỉ sau một năm.
Nếu sau khoảng thời gian trên mà tình trạng rụng tóc sau sinh vẫn không cải thiện thì tình trạng này xảy ra có thể là do một nguyên nhân khác. Trong trường hợp đó, bạn cần phải gặp bác sĩ để được thăm khám và chẩn đoán chính xác. Từ đó sẽ đưa ra cách điều trị phù hợp và hiệu quả. Đôi khi tóc rụng quá mức có thể là dấu hiệu của viêm tuyến giáp sau sinh.
Qua những chia sẻ trên, hy vọng đã giúp bạn hiểu thêm về tình trạng rụng tóc sau sinh. Đừng lo lắng quá nhiều và bạn sẽ thấy vấn đề này sẽ sớm biến mất thôi. Quan trọng là bạn hãy kiên nhẫn và làm theo những lời khuyên trên đây nhé!