Khi bước vào tuổi thứ 9, trẻ đã sẵn sàng cho sự chuyển đổi lớn trong phát triển trí tuệ, thể chất, cảm xúc. Tất nhiên, chúng vẫn có thể được coi là trẻ em nhưng đang trở nên độc lập hơn nhiều và có thể xử lý một số công việc nhất định với sự giám sát ngày càng ít đi của người lớn. Trẻ bắt đầu sử dụng những mật mã với bạn, tiếng lóng hoặc những từ ngữ mà chỉ trẻ mới hiểu, trẻ bắt đầu có những quy ước riêng với bạn bè và ít chia sẻ với gia đình và cha mẹ. Để hiểu được sự phát triển của trẻ 9 tuổi cha mẹ cần chuẩn bị đầy đủ sự kiên nhẫn bởi vì trẻ trong độ tuổi này thường nghĩ rằng mình đã lớn, khỏi cần tới bố mẹ chăm bẵm giám sát nữa.
Hiểu được các mốc phát triển cũng như tâm lý của trẻ sắp bước vào tuổi dậy thì rất quan trọng. Đây là nền tảng để trẻ có thể phát triển một cách đúng đắn cả về thể chất, tâm lý cũng như hành vi.
Xem thêm: Mẹo duôi dạy trẻ bắt đầu đi học, lứa tuổi từ 6, 7, 8 đến 9 tuổi
Mục lục
Phát triển thể chất của trẻ 9 tuổi
Chiều cao:
- Bé trai: 128– 135,9cm; trung bình: 132,6 cm
- Bé gái: 126,2 – 132,8cm; trung bình: 131,5 cm
Cân nặng:
- Bé trai: 24,3– 30,2kg; trung bình: 28,1 kg
- Bé gái: 23,6– 29,8kg, trung bình: 28,1 kg
Lên 9 tuổi, sự tăng trưởng thể chất bắt đầu phân tách rõ ràng giữa nam và nữ giới, đây là sự kích thích đầu tiên của tuổi dậy thì. Trẻ em cả hai giới vẫn tiếp tục tăng đều đặn về chiều cao và cân nặng. Đây là thời điểm trẻ có thể dễ bị tổn thương về ngoại hình bản thân và bắt đầu rối loạn ăn uống.
Trẻ 9 tuổi sẽ bắt đầu đối mặt với nhiều thử thách về thể chất và tinh thần khi chúng chuẩn bị tới tuổi dậy thì. Nó có thể là một thời gian khó khăn đối với một số trẻ khi các bạn cùng lớp bắt đầu phát triển ở mức độ khác nhau hoàn toàn.
Tuổi dậy thì có thể bắt đầu bất cứ thời gian nào trong khoảng 8 đến 12 tuổi đối với bé gái và 9 đến 14 đối với bé trai. Là cha mẹ, điều quan trọng là phải thảo luận điều này với con của bạn, đặc biệt nếu những thay đổi đang gây ra khó khăn cho con bạn. Trẻ 9 tuổi sẽ bắt đầu kiểm soát cơ bắp tốt và tinh tế hơn, cho phép chúng mở rộng sở thích và các hoạt động. Trẻ cũng sẽ độc lập và đặc biệt hơn trong cách vệ sinh cá nhân và chải chuốt, quan tâm tới ngoại hình nhiều hơn.
Những dấu mốc quan trọng
Trẻ có thể bắt đầu trải qua những dấu hiệu dậy thì sớm. Thông thường, các bé gái có thể sẽ tới tuổi dậy thì sớm hơn các bé trai. Đây là một giai đoạn bứt phá tăng trưởng. Con bạn có thể cao hơn đáng kể và tăng cân nhiều.
Đây chính là giai đoạn quan trọng trong sự phát triển của bé. Có thể kiên trì hoạt động thể chất để đạt được mục tiêu, chẳng hạn như khi chơi trò chơi hoặc hoàn thành thử thách thể lực.
Mẹo nuôi dạy con
Đây là thời điểm tốt để bắt đầu nói về tuổi dậy thì, bất kể con bạn chưa tới quá trình này. Nói chuyện cởi mở về những thay đổi mà con bạn có thể gặp có thể giúp việc đối diện với giai đoạn này dễ dàng hơn.
Mặc dù tình bạn thân thiết rất quan trọng đối với sự phát triển lành mạnh của trẻ, nhưng áp lực của bạn bè có thể có ảnh hưởng lớn đến trẻ ở tuổi này. Điều quan trọng là phụ huynh phải nhận thức được, chẳng hạn con chơi với bạn đua đòi, hoặc bạn xấu. Bạn cần thảo luận các nguy cơ tiềm ẩn cho con và có kế hoạch tốt nhất để giúp con tự bảo vệ khi hòa nhập vào cuộc sống tiền dậy thì này.
Phát triển vận động
Các mốc phát triển vận động trong giai đoạn này trẻ có thể đạt được là:
- Sử dụng các công cụ như búa hoặc các dụng cụ làm vườn tương đối thành thạo
- Điều khiển tốt cử động của bàn tay và các ngón tay
- Có thể vẽ các bức tranh có nhiều chi tiết
- Có thể theo đuổi các hoạt động cho đến khi kiệt sức
Mẹo nuôi dạy trẻ
Dù bằng cách nào, điều quan trọng đối với cha mẹ là khuyến khích hoạt động thể chất đối với trẻ. Ngay cả khi con bạn không phải là vận động viên, trẻ vẫn có thể thích chạy bộ, bơi lội, đi xe đạp và nhiều loại hình vui chơi thể thao khác.
Bạn cần cho trẻ lời khuyên và nhắc nhở thường xuyên về vấn đề an toàn: tuân thủ đèn đường khi tham gia giao thông, cách vượt qua đường an toàn, cẩn thận khi đến gần sông suối ao hồ, tránh người lạ tiếp cận, cách nào gọi người lớn tới giúp đỡ… Luôn luôn giám sát khi con đi bơi lội, chơi gần vùng nước.
Sự phát triển cảm xúc
Chín tuổi, trẻ có khả năng xử lý xung đột tốt hơn. Sự độc lập ngày càng tăng của trẻ sẽ dẫn đến việc tìm kiếm các mối quan hệ độc lập với gia đình, bao gồm cả ngủ qua đêm tại nhà của bạn bè. Nhiều đứa trẻ 9 tuổi sẽ có một mong muốn mạnh mẽ, giỏi giang và thiết lập vị trí của chúng trong trật tự xã hội của trường học và có thể chịu áp lực điểm số. Kết quả là, nhiều trẻ sẽ trở nên dễ bị áp lực bởi vì trẻ muốn gây ấn tượng với nhóm bạn của trẻ, khẳng định vai trò của bản thân bằng sự chân thành và nhận xét của bạn bè. Trẻ bắt đầu biết đến “nghĩa khí”, trẻ có thể cảm thấy bất bình khi bạn mình bị cha mẹ hoặc thầy cô đối xử bất công. Trẻ cũng biết giúp đỡ bạn khi bạn gặp khó khăn. Chính vì bạn bè là trung tâm cuộc sống của trẻ nên những bạn bè đồng trang lứa, nhất là những nhóm nhỏ mà trẻ là thành viên có ảnh hưởng rất lớn đến trẻ.
Lúc chín tuổi, trẻ có khả năng đảm nhận một loạt các công việc và trách nhiệm xung quanh nhà và sẽ muốn bắt đầu tham gia vào các quyết định ảnh hưởng đến gia đình.
Trẻ 9 tuổi đôi khi có những mâu thuẫn trong chính bản thân trẻ. Trong khi hầu hết sẽ muốn mở rộng mạng xã hội xung quanh, trẻ vẫn sẽ tìm đến gia đình nếu trẻ cảm thấy không an toàn. Chín tuổi, trẻ vẫn chịu ảnh hưởng rất lớn từ cha mẹ.
Trẻ lên 9 tuổi bắt đầu chọn cho mình hình mẫu thần tượng, đó có thể là thầy giáo, huấn luyện viên thể thao. Việc chọn thần tượng này chịu ảnh hưởng của giới trẻ, bạn bè đồng trang lứa
Hầu hết trẻ 9 tuổi sẽ được mở rộng sự tự do để thực hiện các công việc một cách độc lập ngày càng tăng nhưng vẫn tìm kiếm sự trấn an về mặt cảm xúc từ cha mẹ. Trẻ chín tuổi cũng có thể ủ rũ và buồn bã một chút, sau đó trẻ sẽ ổn.
Trẻ 9 tuổi cũng đang nhận thức rõ hơn về những mối nguy hiểm xung quanh mình. Nỗi sợ hãi về các vụ bắt cóc, cướp của hoặc lo lắng về việc cha mẹ sẽ qua đời vào một ngày nào đó có thể thay thế nỗi sợ hãi mà trẻ có thể có khi còn nhỏ như sợ quái vật.
Những dấu mốc quan trọng
- Có thể khăng khăng làm theo cách riêng nhưng có thể lắng nghe bạn bè
- Có thể hành động vô lý hoặc thô lỗ khi mọi thứ không diễn ra theo ý mình, nhưng có thể nhận ra hành vi và xin lỗi
- Tìm kiếm bạn bè để chia sẻ những cảm xúc không thoải mái hoặc có thể tự mình vượt qua
- Có thể có tâm trạng thất thường
- Có thể biết đánh giá bản thân và người khác
- Biết cách phàn nàn để tránh phải làm những việc không mong muốn
- Trở nên có trách nhiệm và đáng tin cậy hơn
- Coi trọng sự công bằng với bản thân và với những người khác
- Thích trò chuyện và chia sẻ ý tưởng
Mẹo nuôi dạy con
Trải qua giai đoạn này, trẻ bắt đầu đi vào công cuộc hình thành cá tính và những giá trị riêng cho bản thân, dựa vào việc quan sát hành vi, quan điểm của ba mẹ, bạn bè và thần tượng. Do đó, để đồng hành cùng con trong giai đoạn phát triển và hình thành nhân cách này, ba mẹ hãy luôn đồng hành cùng con thảo luận, lắng nghe ý kiến và các mong muốn của con. Ba mẹ có thể cung cấp định hướng quan trọng cho con, bằng cách cung cấp hướng dẫn và mô hình hành vi thích hợp.
Con bạn có thể có câu hỏi về những câu chuyện mà trẻ nghe được trong tin tức hoặc của trẻ. Tập trung vào tất cả mọi thứ đang được thực hiện để giữ an toàn cho mọi người và xem xét đưa trẻ tham gia vào một coog việc đơn giản, như viết thư cảm ơn cho những người giúp đỡ mình hoặc tặng quần áo cho các nạn nhân của thảm họa thiên nhiên.
Bạn nên truyền đạt cho trẻ 9 tuổi ý thức về giá trị bản thân, giá trị và trách nhiệm để nâng cao khả năng chịu đựng áp lực của bạn bè. Trang bị cho con về mặt ý thức và trách nhiệm giúp con hành xử đúng đắn hơn khi bước vào đội tuổi dậy thì đầy nổi loạn.
Tương tác xã hội
Kỹ năng xã hội đặc biệt quan trọng trong năm nay vì các mối quan hệ ngang hàng có vai trò quan trọng hơn. Bạn nên giải thích với con rằng rằng tình bạn có nhiều cấp độ khác nhau. Trẻ cũng có thể bắt đầu hiểu làm thế nào áp lực ngang hàng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến cảm xúc của trẻ.
Thế giới xã hội của trẻ 9 tuổi đang mở ra theo những cách mà trước đây trẻ không thể tưởng tượng được. Nhiều trẻ được bố mẹ sắm điện thoại di động và sẽ có mức độ nhạy bén cao trong phương tiện truyền thông xã hội. Điều này (cùng với sự tò mò cố hữu) khiến trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi những thứ mà bạn có thể khó kiểm soát hơn, bao gồm bắt nạt trực tuyến và truy cập vào những nội dung web không phù hợp.
Hầu hết trẻ 9 tuổi đều có một người bạn thân nhất. Trẻ có thể trải nghiệm sự cô đơn khi người bạn thân nhất của họ đi vắng và có một tình bạn thân thiết có thể tốt cho sự phát triển của họ.
Những dấu mốc quan trọng
- Truyền đạt nhu cầu và mong muốn theo cách phù hợp với xã hội
- Hoạt động hợp tác hướng tới mục tiêu chung
- Kiên định công nhận quan điểm của người khác
- Coi trọng sự công bằng với bản thân và với những người khác
- Thích trò chuyện và chia sẻ ý tưởng
Về mặt ngôn ngữ, trẻ có thể đạt các mốc sau
- Hiểu và sử dụng từ vựng và cấu trúc câu phức tạp, bài phát biểu của trẻ 9 tuổi hầu như đạt được trình độ gần bằng người lớn.
- Bước vào giai đoạn đọc để học, chứ không còn là học để biết đọc
- Có thể sử dụng từ điển.
Mẹo nuôi dạy con
Đây là một độ tuổi tuyệt vời để tận dụng nhận thức xã hội ngày càng tăng của con bạn. Các công việc thiện nguyện giúp đỡ người khác hoặc hỗ trợ môi trường có thể là những cách tuyệt vời để giúp trẻ cảm thấy như chúng có thể đóng góp cho xã hội. Đồng thời, đây cũng là cách để dạy trẻ về tình yêu thương giữa người và người, hướng thiện cho trẻ.
Khuyến khích trẻ tham gia và các câu lạc bộ có tổ chức, đặc biệt là các câu lạc bộ khuyến khích sự phát triển kỹ năng qua việc hoàn thành các nhiệm vụ và hoạt động, và trẻ có thể tiếp tục nghiên cứu, mày mò và hoàn thiện ở nhà.
Dùng smartphone vào thời điểm này có thể không phải là một ý tưởng tốt. Trẻ có thể xao nhãng học hành, truy cập vào các trang web xấu hoặc đam mê chơi game. Bạn cũng nên giới hạn thời gian tiếp xúc với máy tính hoặc TV. Thay vào đó, khuyến khích trẻ đọc sách, báo và chơi các trò chơi ngoài trời.
Hoạt động học tập và vui chơi
Cho dù đó là đọc những cuốn sách hồi hộp, chơi bóng chày hay tìm hiểu tất cả những gì về thế giới Chiến tranh giữa các vì sao, con bạn sẽ theo đuổi sở thích của mình bằng sự kiên trì và tập trung. Vì vậy, trong khi những đứa trẻ 9 tuổi có thời gian tập trung lâu hơn chúng cũng thay đổi sở thích khá nhanh.
Ở trường, trẻ 9 tuổi thường sẽ làm việc tốt trong các nhóm và sẽ hợp tác để làm việc trong một dự án hoặc hoạt động. Trẻ sẽ muốn làm việc về một chủ đề hoặc một phần cụ thể của chương trình giảng dạy cho đến khi trẻ trở nên thành thạo nó.
Chín tuổi phải đối mặt với những thách thức học tập lớn hơn ở trường. Những trẻ làm tốt có thể bắt đầu phát triển mạnh trong khi những đứa trẻ khác có thể phải vật lộn với chương trình học. Toán học trở nên phức tạp hơn nhiều trong lớp bốn . Trẻ 9 tuổi sẽ giải quyết phép nhân và chia nhiều chữ số và bắt đầu học về phân số và hình học. Trẻ sẽ học cách tạo ra các biểu đồ bằng dữ liệu và sẽ làm việc với các vấn đề từ ngữ đòi hỏi tư duy phân tích và logic.
Đến cuối năm lớp bốn, trẻ sẽ biết cách cộng và trừ các phân số, biết về các góc khác nhau và cách đo chúng và có thể thu thập, sắp xếp và chia sẻ dữ liệu trong các báo cáo và thuyết trình.
Các mốc trẻ có thể đạt được
- Có thể ghi nhớ và thuộc lòng các thông tin, dù có thể chưa hiểu sâu về chúng
- Đọc để hiểu
- Quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ
- Có thể giữ được mạch tư duy và có thể tiếp tục suy nghĩ ngay cả khi bị gián đoạn
- Có thể sử dụng từ điển
- Có hứng thú với kỹ năng lãnh đạo
- Đã bắt đầu biết tư duy phản biện
- Bắt đầu có ý thức về những cái đúng và sai (bên cạnh những cái tốt và những cái xấu).
Đây là độ tuổi thần tiên của các trẻ, nhiều sở thích, niềm đam mê đã bắt đầu lộ diện và cùng lúc. Và trong giai đoạn phát triển này, trẻ đã có trong tay những công cụ đang dần phát triển – khả năng ngôn ngữ, sức mạnh, khả năng tư duy và tập trung – tất cả những điều cơ bản cần thiết để chuyển suy nghĩ thành hành động. Hầu hết trẻ 9 tuổi thích chơi với bạn cùng giới. Trẻ có thể tham gia ít hơn các trò chơi đóng giả và quan tâm nhiều hoạt động liên quan đến thể thao hơn hoặc các trò chơi trên bàn cờ.
Những dấu mốc quan trọng
- Tăng sự tập trung trong trò chơi
- Chấp nhận mọi thứ không phải là đúng hay sai hoàn toàn
- Có ý muốn tạo một bộ sưu tầm gì đó.
Mẹo nuôi dạy con cái
Trẻ 9 tuổi đã có khả năng lập kế hoạch và muốn được độc lập hơn. Tuy nhiên, năng lực lập kế hoạch này của trẻ dĩ nhiên chưa đủ, để con có thể một mình tổ chức được, mà không cần sự giúp đỡ của cha mẹ. Do đó, các bậc cha mẹ có thể cùng con sắp xếp thời gian biểu hợp lý cho tất cả các hoạt động bé muốn tham gia và cha mẹ hãy khuyến khích con yêu nói ra kế hoạch, dự định của trẻ. Đó là cách hiệu quả để bạn có thể biết được mong muốn của trẻ, đồng thời đây cũng là cơ hội để bạn bầu bạn với con trong giai đoạn này.
Đây là thời điểm tuyệt vời để giới thiệu cho trẻ một công cụ nghiên cứu như các trang web thân thiện với trẻ em và tạp chí tin tức. Thư viện cũng là một nơi tuyệt vời để chỉ cho trẻ cách tìm thông tin về những điều trẻ quan tâm.
Bạn hãy tạo điều kiện để trẻ phát triển những mối quan tâm vừa chớm nở. Nếu con thích đá bóng chẳng hạn, hãy đưa bé đến nhà thiếu nhi hay trung tâm thể thao ở địa phương để tập luyện và gặp gỡ những cầu thủ thật sự. Nếu con thích đóng kịch, bé có thể sẽ thích được ngồi ở hàng ghế đầu tiên trước sân khấu. Điều quan trọng là, cha mẹ hãy quan tâm để nhận ra và khích lệ trẻ, ngay cả khi thấy rằng con không phải một nghệ sĩ thiên tài – điều đó sẽ giúp con xây dựng giá trị bản thân, nhận thức về chính mình.
Các mốc quan trọng khác
Trẻ em ở độ tuổi này cũng có xu hướng khao khát có sự tổ chức nhất định trong cuộc sống của chúng và thường sẽ theo dõi các hoạt động và lịch trình hàng ngày của chúng.Trẻ vẫn sẽ cần ngủ 10 đến 11 giờ mỗi đêm nhưng có thể khó thực hiện giờ đi ngủ sớm hơn.
Nhiều đứa trẻ 9 tuổi thích tham dự các nhóm. Các nhóm trên lớp, câu lạc bộ và các hoạt động có tổ chức có thể là một sức hút lớn đối với trẻ em trong độ tuổi này vì nó mang lại cho chúng cơ hội để thực hiện mục tiêu chung, đồng thời giúp chúng hòa nhập với các bạn mới.
Khi nào cần đưa trẻ đi khám
Tất cả trẻ em phát triển với tốc độ hơi khác nhau. Nếu con bạn chậm một chút rất có thể bé sẽ sớm bắt kịp.
Nhưng, nếu con bạn dường như đang thiếu các mốc phát triển quan trọng, bạn hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp. Can thiệp sớm là chìa khóa để giải quyết sự chậm phát triển và vấn đề học tập.
Một số trẻ em có thế mạnh ở một số lĩnh vực học thuật so với những người khác. Nếu con bạn đang gặp khó khăn trong một môn học cụ thể, có thể trao đổi với giao viên về dạy kèm hoặc bạn giúp trẻ học. Nếu con bạn thực sự gặp khó khăn lớn, có thể trẻ có vấn đề trí tuệ khiến cho việc học tập ở cấp độ cao trở nên khó khăn hơn. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ để kiểm tra và có giải pháp tốt hơn.
Nếu con bạn đang vật lộn để kết bạn hoặc gặp khó khăn trong việc quản lý cảm xúc, hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa. Thiếu hụt kỹ năng xã hội và các vấn đề sức khỏe tâm thần có thể phát triển tồi tệ hơn theo thời gian nếu không được giải quyết.
Dinh dưỡng cho trẻ 9 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ cần nhiều loại thực phẩm tốt cho sức khoẻ ở cả 5 nhóm dinh dưỡng. Lượng thực phẩm tiêu thụ sẽ tuỳ thuộc vào thể trạng và mức độ hoạt động của mỗi người. Trong thực đơn dinh dưỡng mỗi ngày, trẻ nên có hai phần trái cây, năm phần rau củ, hai đến ba phần sữa, bốn đến năm phần bánh mì, ngũ cốc hoặc cơm và hai đến ba phần thịt, cá.
- Tinh bột, ngũ cốc: từ cơm, bánh mì, phở, nui, mì, ngũ cốc hay một chiếc bánh bông lan cỡ vừa…
- Rau củ quả: Trong độ tuổi đang phát triển này thì hàng ngày trẻ nên ăn đầy đủ rau xanh và trái cây các loại như: táo, nho, mận, khoai tây, khoai lang, cà rốt, bí đỏ,… và các loại rau xanh khác nữa nhé
- Chất đạm và canxi: Chất đạm và canxi có trong thịt, cá, trứng, các loại đậu, sữa, phô mai, đậu hũ và các loại hạt cung cấp nhiều dưỡng chất.
- Nguồn dinh dưỡng từ vitamin và chất khoáng có các loại hoa quả và một số thực phẩm khác.
Trẻ cần uống nhiều nước lọc để đảm bảo sức khoẻ và giải khát tốt nhất, đặc biệt vào những ngày nóng nực hay khi hoạt động ra nhiều mồ hôi. Tránh các loại nước ngọt, nước trái cây, nước và sữa pha hương liệu, nước uống thể thao và nước tăng lực.
Những điều cần nhớ khi trẻ 9 tuổi
Hầu hết trẻ 9 tuổi muốn có trách nhiệm hơn là bị ép buộc. Vì vậy, bạn hãy nói với con về việc dọn dẹp nhà cửa và trách nhiệm của bé. Đây là lúc chỉ bảo cho bé những công việc đơn giản.
Theo dõi sự phát triển của trẻ, đừng quên quan tâm tới việc trẻ chơi với ai, sử dụng internet làm gì. Nếu bạn có thắc mắc hoặc quan tâm, sắp xếp một cuộc hẹn với bác sĩ .
Giai đoạn phát triển tâm lý trẻ 9 tuổi là thời kì trẻ muốn trở thành như “người lớn”. Trẻ luôn đặt kế hoạch cho các hoạt động, trẻ biết mình thích gì và muốn gì, trẻ biết mở rộng mối quan hệ với nhiều bạn hơn. Lúc này, trẻ đã hạn chế bám dính cha mẹ như trước kia. Bạn đừng nên vì vậy mà buông lỏng con, hãy quan tâm và đồng hành với con như những người bạn thân thiết. Hãy nhớ rằng, bạn có vai trò rất quan trọng để định hướng cho sự phát triển trẻ trong giai đoạn sắp chuyển sang dậy thì này.
Xem thêm: Trẻ 10 tuổi: Sự phát triển thể chất, tinh thần và cách chăm sóc