Triệu chứng

Vàng da là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Vàng da là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả tình trạng da và củng mạc của mắt chuyển sang màu vàng.

Màu của da và lòng trắng của mắt sẽ thay đổi tùy theo mức độ của bilirubin trong máu. Bilirubin là một chất được tìm thấy trong máu. Nồng độ bilirubin vừa phải sẽ làm da và lòng trắng của mắt chuyển sang màu vàng, nếu nồng độ này rất cao sẽ xuất hiện màu nâu.

Khoảng 60% tất cả trẻ sơ sinh sinh ra ở Hoa Kỳ bị vàng da. Vàng da là bệnh rất phổ biến ở trẻ sơ sinh, tuy nhiên bệnh thường tự thuyên giảm và biến mất sau vài ngày. Tuy nhiên, bệnh vàng da cũng có thể xảy ra ở các lứa tuổi khác, nhưng đó thường là triệu chứng của một bệnh khác. Vàng da thường cho thấy có vấn đề với gan hoặc ống mật.

Trong bài viết này sẽ thảo luận về vàng da là gì, tại sao nó xảy ra và cách chẩn đoán và điều trị.

Sự thật về bệnh vàng da

vàng da

  • Vàng da là do sự tích tụ của bilirubin, một chất thải trong máu.
  • Gan bị viêm hoặc ống mật bị tắc nghẽn có thể dẫn đến vàng da, cũng như các tình trạng bệnh lý tiềm ẩn khác.
  • Các triệu chứng bao gồm da và lòng trắng mắt chuyển màu vàng, nước tiểu sẫm màu và cảm giác ngứa.
  • Chẩn đoán vàng da có thể bao gồm một loạt các xét nghiệm.
  • Vàng da được điều trị bằng cách điều trị nguyên nhân cơ bản.

Nguyên nhân gây vàng da

Vàng da là tình trạng vàng da và tròng trắng mắt xảy ra khi cơ thể không xử lý bilirubin đúng cách. Điều này có thể là do một vấn đề ở gan.

Nó còn được gọi là icterus.

Bilirubin là gì? Bilirubin là một sắc tố có màu vàng cam được hình thành trong quá trình phá vỡ hồng cầu bình thường trong máu. Bilirubin đi qua gan và được bài tiết ra khỏi cơ thể thông qua phân và một lượng nhỏ trong nước tiểu.

Khi nồng độ Bilirubin cao, có thể thấy các vết bầm tím có màu vàng hoặc sự đổi màu vàng trong làn da, nước tiểu đậm màu.

Quá trình tổng hợp và chuyển hóa bilirubin có quan hệ mật thiết với gan nên lượng bilirubin cao thường là do bệnh gan gây ra.

Quá trình chuyển hóa của Bilirubin diễn ra theo 3 giai đoạn:

  • Trước khi tới gan Bilirubin chưa được liên hợp, hay gọi là chưa kết hợp.
  • Khi ở trong gan, bilirubin kết hợp với glucuronid nhờ enzym glucuronyl transferase để tạo ra Bilirubin liên hợp có thể hòa tan trong nước.
  • Khi ra khỏi gan tiến đến ruột già, Bilirubin liên hợp lại được chuyển hóa lại thành dạng chưa kết hợp và đào thải ra khỏi cơ thể.

Ước tính 20% bilirubin liên hợp sẽ được tái hấp thu vào máu, trong khi 80% được thải trừ trong đường mật rồi vào ruột. Ở ruột, bilirubin được chuyển hóa thành Urobilinogen, Stercobilin và được thải trừ trong phân.

Chỉ một phần rất nhỏ Urobilinogen có ở đường tiêu hoá sẽ được tái hấp thu vào hệ thống tĩnh mạch cửa để thực hiện tiếp chu trình gan, ruột và có thể được thấy trong nước tiểu.

Đối với trẻ sơ sinh, do gan còn chưa trưởng thành nên thỉnh thoảng bilirubin hình thành nhanh hơn tốc độ xử lý của gan, từ đó dẫn đến tình trạng dư thừa bilirubin. Đối với người trưởng thành, tình trạng dư thừa bilirubin có thể gây ra do gan có đề (bị tổn thương do bị viêm, ung thư…).

Những nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng, nhóm máu của mẹ và bé không tương đồng, và do bú sữa mẹ. Vì thỉnh thoảng, sữa mẹ can thiệp vào khả năng chuyển hóa bilirubin của gan. Loại vàng da này tiến triển chậm hơn những loại khác và có thể kéo dài đến vài tuần.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến vàng da

Vàng da thường xảy ra do một rối loạn tiềm ẩn gây ra việc sản xuất quá nhiều bilirubin hoặc ngăn không cho gan đào thải nó. Cả hai kết quả này đều dẫn đến việc bilirubin được lắng đọng trong các mô.

Các bệnh lý cơ bản có thể gây vàng da bao gồm:

Viêm gan cấp tính

Viêm gan được định nghĩa là tình trạng tổn thương nhu mô gan, đặc trưng bởi sự hiện diện của các tế bào viêm do nhiều nguyên nhân.

Các biểu hiện lâm sàng điển hình gợi ý đến viêm gan bao gồm như vàng da, vàng mắt, đau hạ sườn phải, nước tiểu sậm màu, bụng chướng to… Tuy nhiên, những triệu chứng điển hình này chỉ xảy ra khoảng 25% trường hợp và thường xuất hiện ở giai đoạn muộn.

Ở giai đoạn đầu, viêm gan thường có những triệu chứng không đặc trưng và dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác như mệt mỏi, suy nhược, ăn uống kém, rối loạn tiêu hóa.

Viêm gan có thể làm giảm khả năng liên hợp và tiết ra của bilirubin của gan, dẫn đến tích tụ bilirubin gây vàng da.

Tắc nghẽn ống mật

Vàng da tắc mật là một tình trạng gây ra do tắc nghẽn dòng chảy của mật ra khỏi gan. Điều này dẫn đến lượng mật dư thừa và các sản phẩm phụ của nó chuyển hướng vào máu và việc bài tiết mật ra khỏi cơ thể không đầy đủ. Mật chứa nhiều các sản phẩm phụ, một trong số đó là bilirubin, có sắc tố từ nguồn gốc của các tế bào hồng cầu chết. Bilirubin màu vàng do đó xuất hiện màu vàng đặc trưng của bệnh vàng da ở da, mắt và màng nhầy.

Các triệu chứng phổ biến của vàng da tắc mật là:

  • Vàng da và lòng trắng của mắt
  • Phân nhạt màu và nước tiểu sẫm màu
  • Ngứa cực độ

Thiếu máu huyết tán

Thiếu máu tán huyết là tình trạng các tế bào hồng cầu của người bệnh bị phá hủy nhanh hơn được tạo ra. Hồng cầu là tế bào mang oxy đi khắp cơ thể, nếu lượng hồng cầu thấp hơn mức bình thường, người bệnh bị thiếu máu. Khi đó, máu không cung cấp đủ oxy cho các mô và cơ quan để hoạt động hiệu quả.

Việc sản xuất bilirubin tăng lên khi một lượng lớn tế bào hồng cầu bị phá vỡ.

Hội chứng Gilbert

Đây là một tình trạng di truyền làm suy yếu khả năng của các enzyme để xử lý bài tiết mật. Hầu hết những người mắc hội chứng Gilbert không có bất kỳ triệu chứng nào. Họ có đủ men gan để kiểm soát nồng độ bilirubin. Khi bilirubin tích tụ trong máu, nó làm cho da và củng mạc của mắt chuyển sang màu vàng. Người bệnh nên đi khám  bác sĩ nếu có triệu chứng da và mắt bị vàng do hội chứng Gilbert hay bất kỳ nguyên nhân khác có thể gây ra.

Vàng da là một vấn đề phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nhưng những đứa trẻ sinh ra với hội chứng Gilbert thì các triệu chứng vàng da còn nặng hơn.

Cholestosis

Chứng Cholestasis trong thai kỳ, còn gọi là hội chứng Obstetric Cholestasis hay Intrahepatic Cholestasis là một căn bệnh rất hiếm. Cứ 1/1000 phụ nữ mang thai sẽ mắc chứng bệnh này. Đây là một căn bệnh về gan chỉ xảy ra đối với bà bầu. Một số phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn những phụ nữ khác.

Axit mật được tạo thành trong gan rồi theo các ống gan đi vào túi mật. Túi mật giúp dự trữ axit mật và bẻ gãy các chất béo cần thiết cho quá trình tiêu hóa. Trong thai kỳ, lượng nội tiết tố tăng cao làm ảnh hưởng đến dòng chảy mật khiến mật trong gan tràn vào máu. Thay vì được đưa về ruột, axit mật đọng lại ở dưới da. Cảm giác ngứa da là biểu hiện dễ nhận biết nhất của căn bệnh này.

Một số nguyên nhân ít gặp có thể gây vàng da

Hội chứng Crigler-Najjar

Đây là một rối loạn chuyển hóa bilirubin rất nghiêm trọng. Hội chứng Crigler-Najjar được chia thành hai loại:

Type 1: Trong cơ thể gần như thiếu hụt hoàn toàn enzyme UGT, dẫn đến nồng độ bilirubin trong máu rất caovà bệnh nhân sẽ có biểu hiện vàng da kéo dài ngay từ sau khi sinh. Nếu bệnh nhân không được điều trị, đặc biệt trong những ngày đầu sau sinh, có thể xảy ra vàng da nhân, một dạng tổn thương não gây ra bởi sự tích tụ độc tố.

Type 2: Hội chứng Arias, có đặc trưng bởi tình trạng hoạt động suy yếu của enzym UGT trong gan, có thể tiến hành điều trị nhằm thúc đẩy sự hoạt động của enzym UGT.

Hội chứng Dubin-Johnson

Hội chứng Dubin-Johnson là bệnh mãn tính di truyền biểu hiện bằng vàng da không ổn định với sự gia tăng mức bilirubin liên hợp và bilirubin niệu. Người mắc hội chứng Dubin-Johnson có xu hướng tiến triển vàng da không ngứa trong thời niên thiếu.

Pseudojaundice

Đây là một dạng vàng da vô hại. Màu vàng của da là kết quả của sự dư thừa beta-carotene ,chứ không phải từ sự dư thừa của bilirubin. Pseudojaundice thường phát sinh từ việc ăn một lượng lớn cà rốt, bí ngô hoặc dưa vàng.

Triệu chứng của vàng da

Các triệu chứng phổ biến của vàng da bao gồm :

Triệu chứng thông thường nhất là hiện tượng da và tròng trắng của mắt bị ngả vàng. Nếu bệnh nặng hơn, các khu vực này có thể chuyển thành màu nâu.

Một số triệu chứng khác có thể xuất hiện khi nồng độ bilirubin quá cao là:

  • Bên trong miệng có màu vàng
  • Nước tiểu sẫm màu
  • Phân nhạt màu hoặc có màu đất sét

Lưu ý: nếu chỉ có da bạn ngả vàng trong khi lòng trắng của mắt thì không thì bạn có thể không bị vàng da. Làn da của bạn có thể biến một màu vàng hoặc cam nếu bạn tiêu thụ nhiều beta carotene, một sắc tố màu da cam trong cà rốt.

Các triệu chứng khác phụ thuộc vào các rối loạn dẫn đến chứng vàng da:

  • Ung thư có thể gây mệt mỏi, sụt cân…
  • Viêm gan có khả năng làm bạn buồn nôn, nôn mửa…

Các triệu chứng kèm theo của vàng da do nồng độ bilirubin thấp bao gồm:

  • Mệt mỏi
  • Đau bụng
  • Giảm cân
  • Nôn
  • Sốt
  • Phân nhạt màu
  • Nước tiểu đậm

Biến chứng

Cơn ngứa kèm theo vàng da đôi khi có thể dữ dội đến mức làm cho người bệnh gãi tróc da, bị mất ngủ hoặc trong những trường hợp cực đoan, thậm chí có ý nghĩ tự tử .

Khi các biến chứng xảy ra, điều này thường là do vấn đề tiềm ẩn, chứ không phải do vàng da.

Ví dụ, nếu một ống mật bị tắc nghẽn dẫn đến vàng da, có thể dẫn đến chảy máu không kiểm soát. Điều này là do tắc nghẽn dẫn đến thiếu hụt vitamin cần thiết cho quá trình đông máu.

Các loại vàng da

Có ba loại vàng da chính:

  • Vàng da do tổn thương tế bào gan xảy ra do bệnh gan hoặc chấn thương.
  • Vàng da tan máu xảy ra do tan máu, hoặc sự phá vỡ nhanh chóng của các tế bào hồng cầu, dẫn đến sự gia tăng sản xuất của bilirubin.
  • Vàng da tắc nghẽn xảy ra là kết quả của sự tắc nghẽn trong ống mật. Điều này ngăn ngừa bilirubin rời khỏi gan.

Vàng da ở trẻ sơ sinh

Vàng da là một vấn đề sức khỏe phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khoảng 60% trẻ sơ sinh bị vàng da, và tăng lên 80% ở trẻ sinh non trước 37 tuần mang thai. Trẻ thường sẽ có dấu hiệu trong vòng 72 giờ sau khi sinh. Các tế bào hồng cầu trong cơ thể của trẻ sơ sinh thường xuyên bị phá vỡ và thay thế. Điều này gây ra việc sản xuất nhiều bilirubin. Ngoài ra, gan của trẻ sơ sinh kém phát triển và do đó, kém hiệu quả trong việc lọc bilirubin khỏi cơ thể.

  • Vàng da sinh lý có thể ở mức độ nhẹ, với trẻ đủ tháng, bình thường vàng da được coi là sinh lý khi vàng da xuất hiện sau 24 giờ tuổi, và thường sẽ biến mất trong vòng 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần với trẻ non tháng.

Mức độ vàng da nhẹ là chỉ vàng da đơn thuần (chỉ vàng da vùng mặt, cổ, ngực và vùng bụng phía trên rốn) không kèm theo các triệu chứng bất thường khác ( thiếu máu, gan lách to, bỏ bú, lừ đừ…). Nồng độ Bilirubin/máu không quá 12mg% ở trẻ đủ tháng và không quá 14mg% ở trẻ thiếu tháng… Tốc độ tăng Bilirubin/máu không quá 5mg% trong 24 giờ. Ngoài ra, nước tiểu của trẻ sơ sinh có màu tối hoặc màu vàng ( nước tiểu của trẻ sơ sinh thường không màu) và phân nhạt màu.

Trong một số trường hợp, vàng da là biểu hiện của một căn bệnh tiềm tàng nào đó và ở những trường hợp này vàng da sẽ xuất hiện sớm, trong vòng 24 giờ sau sinh.

  • Biểu hiện của vàng da sơ sinh bệnh lý là vàng da đậm xuất hiện sớm, không hết vàng sau 1 tuần với trẻ đủ tháng và 2 tuần đối với trẻ thiếu tháng, mức độ vàng toàn thân, lòng bàn tay, bàn chân và cả kết mạc mắt. Đồng thời với vàng da, có sự xuất hiện của các triệu chứng bất thường khác như: trẻ lừ đừ, bỏ bú, co giật… Xét nghiệm Bilirubin trong máu tăng hơn bình thường.

Nếu không phát hiện và điều trị vàng da sơ sinh bệnh lý kịp thời có thể xảy ra biến chứng nhiễm độc thần kinh do Bilirubin gián tiếp thấp vào não làm cho trẻ tử vong hoặc bị hại não suốt đời.

Một số nguyên nhân gây vàng da sơ sinh bệnh lý như: bất đồng nhóm máu mẹ con (ABO, Rh), bệnh lý tan máu ( thiếu men G6PD, hồng cầu hình liềm, nhiễm trùng), xuất huyết dưới da, chậm đi phân su, nhiễm virus bào thai, bệnh lý gan mật bẩm sinh (teo đường mật, giãn đường mật).

Các triệu chứng thường sẽ hết mà không cần điều trị trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh có nồng độ bilirubin cực cao sẽ cần điều trị bằng truyền máu hoặc chiếu đèn.

Trong những trường hợp này, điều trị rất quan trọng vì vàng da ở trẻ sơ sinh có thể dẫn đến kernicterus, một loại tổn thương não vĩnh viễn rất hiếm gặp.

Có rất nhiều yếu tố có thể làm tăng nguy cơ vàng da, bao gồm:

  • Sinh non: bé sinh trước 38 tuần không xử lý bilirubin nhanh như bé đủ tháng. Ngoài ra, bé có thể bú kém hơn và giảm nhu động ruột nên ít thải được bilirubin qua phân.
  • Vết bầm lớn khi sinh: phá vỡ nhiều hồng cầu hơn làm nồng độ bilirubin cao hơn.
  • Nhóm máu: nếu nhóm máu của mẹ khác của bé, bé có thể nhận được kháng thể truyền qua nhau thai, làm cho các tế bào máu phá vỡ nhanh hơn.
  • Bú mẹ: vì sữa mẹ có thể can thiệp vào khả năng chuyển hóa bilirubin của gan. Tuy nhiên do lợi ích lớn của sữa mẹ, các chuyên gia vẫn khuyên nên cho bé bú mẹ.

Nếu trẻ sơ sinh có triệu chứng vàng da sau khi về nhà, hoặc bệnh trở nặng, cần gặp bác sĩ nhi khoa ngay lập tức.

Khi trẻ có một trong số các dấu hiệu sau thì bạn nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và tìm nguyên nhân điều trị vàng da kịp thời

  • Vàng da xuất hiện sớm trước 48 giờ sau sinh.
  • Vàng toàn thân, vàng cả lòng bàn tay và lòng bàn chân.
  • Vàng da kéo dài trên 1 tuần đối với trẻ đủ tháng, trên 2 tuần với trẻ thiếu tháng.
  • Trẻ bị vàng da kèm các dấu hiệu bất thường khác như bú ít, co giật, sốt, phân bạc màu…

Hiện tượng vàng da rất dễ nhận biết bằng mắt thường ở nơi có đủ ánh sáng. Vì vậy, hàng ngày các bà mẹ cần quan sát màu da toàn thân của trẻ ở nơi sáng. Trong trường hợp khó nhận biết (da trẻ đỏ hồng hoặc đen), nên ấn nhẹ ngón tay cái lên da trẻ trong vài giây, sau đó buông ra, nếu trẻ bị vàng da nơi ấn ngón tay sẽ có màu vàng rõ rệt. Khi trẻ có biểu hiện nghi là vàng da, cha mẹ cần đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra.

Các mức độ vàng da

Mức độ vàng da được xác định dựa vào nồng độ của bilirubin được xác định trong máu gọi là xét nghiệm bilirubin. Có thể xác định nồng độ bilirubin toàn phần và bilirubin trực tiếp.

Nồng độ bilirubin được đo bằng miligam trên decilitre (mg / dL). Người lớn và trẻ lớn có mức bilirubin bình thường từ 0,3 đến 0,6 mg / dL . Khoảng 97 % trẻ sơ sinh được sinh ra sau 9 tháng mang thai có mức thấp hơn 13 mg / dL . Nếu trẻ có nồng độ bilirubin hơn mức này, các bác sĩ thường đề nghị làm thêm xét nghiệm để kiểm tra.

Chẩn đoán

Các bác sĩ rất có thể sẽ sử hỏi về tiền sử, bệnh sử của bệnh nhân và khám thực thể để chẩn đoán vàng da và làm xét nghiệm xác định nồng độ bilirubin. Bác sĩ sẽ khám kỹ bụng, xem có khối u và gan có bất thường không.

Gan cứng chắc cho thấy có thể có xơ gan. Gan cứng như đá gợi ý ung thư .

Một số xét nghiệm có thể xác nhận vàng da. Đầu tiên là xét nghiệm chức năng gan để tìm hiểu xem gan có hoạt động tốt hay không.

Nếu bác sĩ không thể tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ bilirubin và thành phần của máu. Bao gồm các xét nghiệm sau:

  • Xét nghiệm bilirubin: bao gồm bilirubin trực tiếp, bilirubin toàn phần.
  • Công thức máu toàn phần: Phương pháp này xác định số lượng hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.
  • Xét nghiệm viêm gan A, B và C: Xét nghiệm này xác định bệnh nhân có bệnh nhiễm trùng gan không.
  • Bác sĩ sẽ kiểm tra cấu trúc của gan nếu họ nghi ngờ. Trong những trường hợp này, họ sẽ sử dụng các xét nghiệm hình ảnh, bao gồm MRI , CT và siêu âm .
  • Bác sĩ cũng có thể tiến hành nội soi chụp mật tụy ngược dòng (ERCP).
  • Sinh thiết gan có thể kiểm tra tình trạng viêm, xơ gan, ung thư và gan nhiễm mỡ. Xét nghiệm này sẽ đưa kim vào gan để lấy mẫu mô. Mẫu sau đó được kiểm tra dưới kính hiển vi.

Điều trị

Việc điều trị phụ thuộc vào độ tuổi của người bệnh:

Đối với người trưởng thành

Bệnh vàng da thường chỉ là triệu chứng của một bệnh khác, nên việc điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra bệnh.

Đối với trẻ sơ sinh

Thông thường trẻ sẽ không cần điều trị và bệnh sẽ tự khỏi sau 2 đến 3 tuần.

Nếu các triệu chứng chuyển nặng hoặc không tự khỏi, trẻ sẽ cần được điều trị bằng các phương pháp sau:

Phương pháp quang trị liệu

Bilirubin trong máu là tinh thể có màu vàng, có khả năng hấp thu ánh sáng (loại ánh sáng phổ lạnh, chiếu qua da). Dưới tác động của ánh sáng bilirubin sẽ được chuyển thành một hợp chất dễ hoà tan trong nước và nhanh chóng được đào thải ra khỏi cơ thể qua phân và nước tiểu. Chiếu đèn rất an toàn (nếu được bảo vệ che kín mắt), dễ thực hiện, trẻ vẫn được bú mẹ khi phải chiếu đèn. Có nhiều loại đèn chiếu phù hợp cho từng đối tượng vàng da cần chiếu đèn: đèn dạng nôi (trẻ nằm trực tiếp lên trên, dạng đèn kép chiếu trên dưới (dùng trong các trường hợp cần chiếu dèn tích cực), đèn dạng chăn, túi quấn quanh người trẻ (rất thuận tiện cho mẹ khi chăm sóc bé: vừa bế lên được để cho bú, vừa chiếu đèn)

Phương pháp Immunoglobulin truyền tĩnh mạch

Phương pháp này được sử dụng nếu bệnh vàng da gây ra do nhóm máu của mẹ và bé khác nhau. Ở trường hợp này, máu của bé sẽ mang theo các kháng thể của mẹ. Các kháng thể này sẽ góp phần phá vỡ các tế bào máu. Immunoglobulin là một protein trong máu có thể hạn chế các kháng thể này, do đó tiêm immunoglobulin vào cơ thể sẽ giúp làm giảm tình trạng vàng da của bé.

Phương pháp truyền trả máu

Nếu các phương pháp khác không có hiệu quả, bé có thể phải cần tiến hành phương pháp truyền trả máu. Phương pháp này tiến hành bằng cách lấy nhiều lần một lượng nhỏ máu của bé, sau đó làm loãng bilirubin và kháng thể từ cơ thể mẹ, sau đó truyền trả lại vào cơ thể bé.

Thuốc

Thuốc hoặc chất bổ sung có thể giúp cải thiện tình trạng vàng da tùy thuộc vào nguyên nhân.

Điều trị sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản. Điều trị vàng da nhắm vào nguyên nhân chứ không phải là triệu chứng vàng da.

Các phương pháp điều trị sau đây được sử dụng:

  • Vàng da do thiếu máu có thể được điều trị bằng cách tăng lượng sắt trong máu bằng cách bổ sung sắt hoặc ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm thịt bò, hải sản, các loại rau màu xanh đậm…
  • Vàng da do viêm gan cần dùng thuốc kháng virus hoặc steroid.
  • Các bác sĩ có thể điều trị vàng da do tắc nghẽn bằng cách phẫu thuật loại bỏ tắc nghẽn.
  • Nếu vàng da được gây ra bởi việc sử dụng thuốc, điều trị liên quan đến việc thay đổi sang một loại thuốc thay thế khác.

Phòng ngừa vàng da

Vàng da có liên quan đến chức năng gan. Điều cần thiết là mọi người duy trì sức khỏe của cơ quan quan trọng này bằng cách ăn một chế độ ăn uống cân bằng, tập thể dục thường xuyên và không tiêu thụ nhiều hơn lượng rượu được khuyến nghị.

Tránh bệnh viêm gan

Nhiễm virus viêm gan là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh vàng da ở người lớn. Cố gắng tránh tối đa khả năng tiếp xúc với loại virus này sẽ giúp bạn giảm rủi ro mắc bệnh viêm gan và cả vàng da.

Bạn có thể phòng ngừa viêm gan siêu vi A bằng cách tiêm chủng. Đây là loại vaccin phổ biến nên ai cũng có cơ hội tiếp cận.

Viêm gan siêu vi A lây lan khi người ta ăn phải lượng nhỏ chất bài tiết thường có trong thực phẩm bẩn. Bạn nên thận trọng khi ra ngoài ăn vì có thể những thực phẩm đó không được chế biến và nấu đúng cách.

Viêm gan siêu vi B được phòng ngừa bằng cách tiêm chủng. Bất kì ai từ trẻ sơ sinh đến người lớn cũng đều có thể tiêm loại vaccine này.

Không có vaccin phòng ngừa viêm gan siêu vi C. Viêm gan siêu vi B và C lây lan qua đường máu và dịch tiết cơ thể của người bệnh, nhưng không lây qua tiếp xúc thông thường. Tránh sử dụng lại bất kì loại kim tiêm nào từ kim xăm cho đến kim tiêm ma túy để ngăn ngừa virus lây truyền.

Giới hạn tiêu thụ rượu bia ở mức cho phép

Vì gan có nhiệm vụ xử lý rượu bia và là nơi khởi nguồn của bệnh vàng da nên bạn cần giới hạn tiêu thụ rượu bia ở mức khuyến cáo. Việc này không chỉ loại trừ triệu chứng vàng da mà còn giúp bạn phòng ngừa các bệnh về gan liên quan đến rượu bia như xơ gan.

Giới hạn khuyến cáo hằng ngày đối với phụ nữ là 20-30 ml cồn nguyên chất, với đàn ông là 30-40 ml.

Để tham chiếu thực tế thì một chai rượu chứa khoảng 90-100 ml cồn nguyên chất.

Duy trì cân nặng lành mạnh

Việc giữ ổn định cân nặng trong phạm vi lành mạnh có thể cải thiện sức khỏe nói chung, đồng thời duy trì sức khỏe gan và do đó đề phòng được bệnh vàng da.

Duy trì cân nặng là việc dễ dàng nếu bạn có chế độ ăn lành mạnh, cân đối và ổn định. Những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, chứa lượng chất béo vừa phải và cacbohydrat phức tạp là tốt nhất để nâng cao sức khỏe tổng quát.

Tùy vào mức độ vận động mà lượng calo tiêu thụ mỗi ngày vào khoảng 1.800-2.200. Bạn nên cung cấp năng lượng cho cơ thể từ các thực phẩm toàn phần giàu dinh dưỡng như ngũ cốc nguyên hạt, hoa quả và rau, thực phẩm từ sữa và protein gầy.

Tập thể dục đóng vai trò quan trọng với cân nặng và sức khỏe tổng quát.

Hằng ngày tham gia vào các hoạt động cải thiện sức khỏe tim mạch ít va chạm và có cường độ trung bình. Mục tiêu đặt ra là tập ít nhất 30 phút mỗi ngày và hầu hết mọi ngày trong tuần.

Kiểm soát lượng cholesterol

Việc kiểm soát mức cholesterol trong giới hạn cho phép không chỉ giúp ngăn ngừa vàng da mà còn duy trì sức khỏe tổng quát. Cholesterol được kiểm soát thông qua chế độ ăn lành mạnh và tập thể dục, hoặc phải dùng thuốc kê toa trong một số trường hợp khác.

Ăn nhiều chất xơ hòa tan, chất béo có lợi và thực phẩm giàu axit béo omega-3 để khống chế lượng cholesterol. Những thực phẩm như thịt nạc, sản phẩm sữa ít béo, dầu ô-liu, cá hồi, hạnh nhân, yến mạch, đậu lăng và rau chứa ba loại chất dinh dưỡng này.

Giảm hoặc loại trừ chất béo chuyển hóa khỏi chế độ ăn. Chất béo chuyển hóa làm tăng lượng cholesterol xấu, hay còn gọi là LDL cholesterol. Hạn chế hoặc ngừng tiêu thụ những thực phẩm như thức ăn chiên và sản phẩm thương mại, bao gồm thực phẩm nướng và các loại bánh quy có thể kiểm soát lượng cholesterol.

Tập thể dục 30 phút mỗi ngày giúp tăng lượng cholesterol tốt hay còn gọi là HDL cholesterol.

Có một số bằng chứng cho thấy cai thuốc lá sẽ khiến mức HDL cholesterol tăng.[

Đảm bảo cho trẻ sơ sinh ăn đầy đủ

Trẻ sơ sinh cần được cho ăn đầy đủ xuyên suốt ngày vì đây là cách phòng bệnh vàng da tốt nhất ở trẻ.

  • Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì bạn nên cho bé bú 8-12 lần mỗi ngày trong tuần đầu sau khi sinh.
  • Nếu bé đang uống sữa công thức, lượng sữa cần cho bé bú là 30-60 ml mỗi 2-3 giờ trong tuần đầu tiên sau khi chào đời.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment