Những năm từ 15 đến 18 tuổi chính là giai đoạn mà con bạn trưởng thành và đạt được những kỹ năng cần thiết để trở thành một người lớn có trách nhiệm. Đây là một cơ hội tốt, tuy nhiên, đứa trẻ 15 tuổi của bạn sẽ nghĩ rằng trẻ đã sẵn sàng tham gia vào thế giới người lớn ngay bây giờ. Và trẻ có thể khẳng định rằng mình đã biết tất cả mọi thứ. Có thể có chút nổi loạn, tất nhiên, lúc này sẽ không dữ dội và ‘hoang dại” như giai đoạn trước đó nữa. Bước vào trường trung học phổ thông, sẽ có rất nhiều thay đổi đối với con bạn.
Hiểu được sự phát triển của con cũng như tâm lý để bạn có thể nuôi dạy con thành công, để trẻ có thể trưởng thành và có trách nhiệm.
Xem thêm: 10 mẹo nuôi dạy trẻ vị thành niên thời kỳ từ 13 đến 18 tuổi
Mục lục
Phát triển thể chất của trẻ 15 tuổi
Vào thời gian này, hầu hết trẻ gái sẽ hoàn thiện về mặt thể chất và dậy thì hoàn toàn. Trong khi đó trẻ trai thì vẫn trong thời kì phát triển thể chất. Hầu hết các cô gái đã đạt được chiều cao đầy đủ của họ ở tuổi 15. Sau giai đoạn này, con vẫn có thể tăng chiều cao nhưng tốc độ không còn nhanh như giai đoạn trước đây. Nhiều thiếu niên sẽ có cảm giác lo lắng về ngoại hình, đặc biệt là về cân nặng của họ. Rất nhiều nữ sinh trung học ăn kiêng để giảm cân. (Cũng là điều dễ hiểu khi gần đây một loạt các xu hướng thời trang hay phim ảnh Hàn Quốc đều lấy hình tượng là các cô gái mảnh mai).
Những cậu bé mười lăm tuổi có thể tiếp tục phát triển thêm một hoặc hai năm nữa. Thông thường, ở độ tuổi này, giọng nói của họ trở nên ồm ồm, trầm hơn và tiếp tục mọc lông ở vùng dưới cánh tay, bộ phận sinh dục và mọc râu. Tinh hoàn và dương vật cũng đạt được kích thước gần bằng người trưởng thành. Cơ bắp của các cậu bé cũng nhanh chóng phát triển trong giai đoạn này. Các chàng trai dậy thì muộn hơn các cô gái, và đây chính là giai đoạn phát triển tăng vọt của các cậu bé.
Những dấu mốc quan trọng
- Giọng của các chàng trai ngày càng trầm
- Phát triển cơ bắp
- Các cô gái đã đạt đến chiều cao đầy đủ của họ
Mẹo nuôi dạy con
Sự thay đổi tâm sinh lý ở lứa tuổi này có thể khiến trẻ bị stress. Điều nên làm khi trẻ rơi vào trạng thái stress là khuyên trẻ nên chia sẻ với ba mẹ, thầy cô và những người thân, hoặc tìm gặp bác sĩ tâm lý… Tuy nhiên, trẻ lại không tự chủ động điều này mà thường thu mình lại, với những thắc mắc, khó chịu giấu kín trong đầu. Hãy giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này bằng những cuộc trò chuyện nhẹ nhàng, nhưng thẳng thắn, trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu của cha mẹ dành cho mình. Bạn cần mang đến cho con những lời khuyên, những lý giải kịp thời về điều mà con muốn biết.
Đây là thời kỳ chấm dứt giai đoạn khủng hoảng của thời kỳ dậy thì để chuyển sang thời kỳ ổn định hơn, cân bằng hơn. Quá trình dậy thì ở các trẻ có thể không giống nhau. Làm quen với các dấu hiệu và triệu chứng của rối loạn ăn uống và các vấn đề sức khỏe tâm thần khác. Nếu bạn nghi ngờ con bạn bị rối loạn ăn uống, các vấn đề về hình ảnh cơ thể hoặc bệnh tâm thần, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp.
Sự phát triển cảm xúc
Ở tuổi 15, nhiều thanh thiếu niên bắt đầu suy nghĩ về việc sống độc lập sẽ như thế nào. Trong khi một số thanh thiếu niên có thể đang tưởng tượng cuộc sống ở trường trung học xa nhà, những người khác có thể nghĩ về việc sống tách ra khỏi gia đình.
Thiếu niên 15 tuổi của bạn có thể cảm thấy căng thẳng về điểm số, mối quan hệ và các vấn đề khác. Và con cũng có thể rất quan tâm đến ngoại hình của mình cũng như sự đánh giá của các bạn cùng trang lứa.
Hầu hết thanh thiếu niên ở độ tuổi 15 đã bớt đi sự xung đột với cha mẹ so với giai đoạn trước đó. Họ thể hiện sự độc lập hơn với cha mẹ trong khi cũng thể hiện sự tôn trọng hơn đối với các quy tắc khi các đặc quyền phụ thuộc vào hành vi của họ. Lứa tuổi này có nhiều quyền lợi và trách nhiệm của người lớn, cha mẹ bắt đầu trao đổi với con về một số vấn đề trong gia đình, con trẻ quan tâm đến nhiều mặt trong sinh hoạt gia đình. Trẻ cảm thấy trách nhiệm của mình lớn hơn, đồng thời nếp sống của gia đình, sự giáo dục của cha mẹ cũng ảnh hưởng tới bộ mặt tâm lý của lứa tuổi này.
Nhiều đứa trẻ 15 tuổi đang phải đối phó với một sự căng thẳng khá lớn. Một số đang vật lộn trong học tập trong khi những người khác đang giải quyết các vấn đề tình cảm và thậm chí có thể là trải nghiệm mối quan hệ khác giới đầu tiên của họ.
Những dấu mốc quan trọng
- Trải qua ít xung đột với cha mẹ
- Thể hiện sự độc lập với cha mẹ
- Thể hiện kỹ năng điều tiết cảm xúc tốt hơn
Mẹo nuôi dạy con
Làm cho đặc quyền của con bạn phụ thuộc vào khả năng chịu trách nhiệm của con. Nói với con rằng con có thể tự do và độc lập hơn nếu con chứng minh được cho bố mẹ thấy các hành vi có trách nhiệm của mình.
Những áp lực bài vở, thay đổi môi trường học tập từ cấp 2 lên cấp 3, quan hệ bạn bè khiến con dễ rơi vào trạng thái stress, bướng bỉnh, cáu gắt… vì con cảm thấy những người thân xung quanh không hiểu những tâm tư, suy nghĩ, tình cảm của mình. Giai đoạn này, nếu áp đặt con cái sẽ khiến trẻ trở thành những người ích kỉ, cáu gắt và bướng bỉnh. Thay vì áp đặt bắt trẻ phải làm những điều mà chúng không muốn, bạn nên chia sẻ, dành nhiều thời gian tâm sự với các em để tìm hiểu xem trẻ thích gì, muốn gì?
15 tuổi nhiều đứa trẻ phát triển nhanh vì thoát khỏi sự chăm sóc của bố mẹ; tự làm bài và đối mặt với các vấn đề cần giải quyết; nhiều đứa trẻ trở thành vận động viên bơi hay đá bóng với tố chất chuyên nghiệp khi tập trung vào các môn này thay vì ngồi trong lớp học; nhiều đứa trẻ tập (chứ không phải học) chế ngự được những nỗi sợ vô hình. Ở tuổi vị thành niên, trẻ có thể học được nhiều từ bạn bè hơn nhà trường hay bố mẹ. Hãy dành cho trẻ không gian riêng, để trẻ tự làm, hãy để trẻ tự lập và trưởng thành.
Tương tác xã hội
Bạn bè rất quan trọng đối với những đứa trẻ 15 tuổi. Và điều quan trọng là phải biết bạn bè trẻ là ai. Ai là người mà con bạn dành thời gian cho các hoạt động trên lớp và ngoài trường học.
Đến năm 15 tuổi, nhiều thanh thiếu niên có hứng thú mạnh mẽ với các mối quan hệ lãng mạn. Trong khi một số mối quan hệ chủ yếu có thể phát triển qua phương tiện truyền thông xã hội hoặc tin nhắn điện thoải, những thiếu niên khác sẽ muốn dành nhiều thời gian với sở thích lãng mạn của họ.
Hầu hết những người 15 tuổi nhận thức được về tình dục và thể hiện sự quan tâm vừa chớm nở trong hoạt động tình dục.
Đừng hoảng hốt nếu con bạn muốn dành nhiều thời gian trong phòng của mình. Trừ khi bạn thấy các dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe tâm thần, mong muốn riêng tư nhiều hơn của trẻ có thể là bình thường.
Những dấu mốc quan trọng
- Có hứng thú với các mối quan hệ lãng mạn
- Có khả năng quan tâm sâu sắc hơn để chăm sóc và phát triển các mối quan hệ thân thiết hơn
- Có thể gặp áp lực ngang hàng từ bạn bè.
- Dành nhiều thời gian với bạn bè hơn thay vì với cha mẹ
- Dễ cảm thấy buồn và suy sụp hơn, điều này có thể dẫn đến kết quả kém ở trường, sử dụng thuốc và đồ uống có cồn, quan hệ tình dục không an toàn và vô số những vấn đề khác
Mẹo nuôi dạy con
Ở tuổi này, hầu hết thanh thiếu niên vẫn phải vật lộn một chút với việc duy trì các mối quan hệ lành mạnh, với bạn bè đồng trang lứa và trong những sở thích lãng mạn vừa chớm nở. Hãy chắc chắn rằng con bạn đang đi chơi với những người tốt và thiết lập các quy tắc hẹn hò rõ ràng.
Trò chuyện và giúp con bạn đưa ra những kế hoạch trước mắt khi gặp những tình huống khó khăn. Bạn cũng nên bàn luận về những điều con nên làm nếu chơi chung với nhóm bạn, trong đó có người sử dụng thuốc, bị trầm cảm hoặc áp lực tình dục, hay đi quá giang người đang say xỉn,…;
Hãy dạy cách trẻ xử lý khi bị lạm dụng, nhất là với trẻ gái. Một bé gái bị lạm dụng và không biết xử lý như thế nào. Và một khi đã bị lạm dụng, con gái thường thấy bất lực và khó khăn để đứng lên. Trong những trường hợp này, phải chắc chắn rằng con bạn có sự hỗ trợ từ gia đình và thầy cô. Cần dạy con gái biết tránh xa những điều xấu xa và vô nhân đạo cũng như các kỹ năng tự vệ và đối phó với những người có ý định không tốt.
Không bao giờ là quá sớm để nói với con về an toàn tình dục. Trao đổi thẳng thắn với trẻ về tình dục và các biện pháp tránh thai an toàn. Nhiều cha mẹ cảm thấy ngại ngùng khi nói với con về chủ để này, kết quả là trẻ tò mò tự tìm hiểu và có thể có những thông tin sai lệch. Thay vì để “hươu chạy lạc đường”, hãy “vẽ đúng đường trước khi hươu chạy”.
Phát triển nhận thức
Khá là bình thường khi các thanh thiếu niên thích tranh luận ở giai đoạn này. Bất kể bạn nói gì, con bạn có thể muốn tranh luận về quan điểm ngược lại. Đó là cách tuổi teen khẳng định sự độc lập của mình và thể hiện sự thật rằng chàng trai/ cô gái của bạn có thể nhìn thấy quan điểm từ một góc độ khác. Khả năng tư duy lý luận, tư duy trừu tượng một cách độc lập sáng tạo, tính phê phán của tư duy cũng được phát triển. Tuy nhiên hoạt động tư duy của trẻ còn thiếu tính độc lập, chưa chú ý phát huy hết năng lực độc lập suy nghĩ, vội vàng kết luận theo cảm tính.
Nhiều thanh thiếu niên bắt đầu suy nghĩ nhiều hơn về tương lai của họ trong thời gian này. Họ thường có thể bắt đầu xác định nguyện vọng nghề nghiệp sau này hoặc kế hoạch học đại học. Ở lứa tuổi này đã có kế hoạch cuộc đời nhưng còn mơ hồ và thường lẫn với ước mơ. Sự lựa chọn nghề nghiệp là vấn đề quan trọng trong vấn đề tương lai của con. Trẻ nêu ra được lý do chọn nghề và hiểu biết về yêu cầu của nghề nhưng còn phiến diện chưa đầy đủ. Hầu hết những người 15 tuổi có thể đưa ra lý do cho sự lựa chọn của chính họ, bao gồm cả những gì đúng hay sai.
Một số thanh thiếu niên ở độ tuổi này có thể nói chuyện với bạn bè của họ cả buổi tối, mặc dù cả hai vẫn gặp nhau cả ngày ở trường. Lúc này, các chàng trai/cô gái của bạn sẽ thích tâm sự với bạn bè hơn là tâm sự với gia đình.
Hầu hết những người 15 tuổi thường thích giao tiếp qua tin nhắn và phương tiện truyền thông xã hội. Trẻ có thể thấy viết blog hoặc viết trên mạng xã hội là một cách hữu ích để thể hiện bản thân.
Hầu hết những người 15 tuổi có thể giao tiếp theo kiểu người lớn và có thể tổ chức các cuộc trò chuyện thích hợp. Họ kể nhiều câu chuyện liên quan hơn và có thể sử dụng các kỹ năng giao tiếp tinh vi hơn.
Những dấu mốc quan trọng
- Thể hiện sự quan tâm nhiều hơn về tương lai của họ
- Các thói quen học tập và vui chơi rõ ràng hơn
- Bảo vệ quan điểm của mình
Mẹo nuôi dạy con
Thể hiện sự quan tâm đến các hoạt động của con bạn. Bước vào thế giới tuổi teen để tìm hiểu về các trò chơi video yêu thích của con hoặc nói về các môn thể thao mà con thích. Con bạn sẽ đánh giá cao sự quan tâm của bạn trong việc tìm hiểu về những điều con thích.
Khi trẻ làm một việc gì đó có lỗi, thường cha mẹ sẽ chỉ trích cá nhân hoặc chỉ trích kết quả và áp đặt quan điểm của mình vào. Điều này là không nên. Thay vào đó, bạn nên nói với con “Có lẽ con nên tìm một cách làm khác, chúng ta nên trao đổi để tìm ra cách ứng xử tốt nhất”. Hẳn nhiên, kết quả sau đó sẽ có sự khác biệt rõ ràng hơn nhiều.
Hoạt động vui chơi
Hầu hết những người 15 tuổi có sở thích cụ thể cho môn học và trò chơi. Cho dù con bạn thích trò chơi trực tuyến, thể thao, âm nhạc hoặc phim ảnh, trẻ có thể xác định các hoạt động mang lại cho họ niềm vui.
Trong khi một số khác lại thích dành thời gian với bạn bè, từ chơi game cho đến đi xem phim cùng nhau.
Nếu con bạn mải mê với game, phòng chat, tin nhắn, bạn hãy khuyến khích trẻ đưa ra những quyết định đúng đắn về việc sử dụng hợp lí thời gian trên mạng cũng như chọn lọc nội dung những gì mình đăng trên mạng xã hội. Tự bảo vệ bản thân trên mạng xã hội cũng là kỹ năng vô cùng cần thiết.
Các mốc quan trọng khác
Hoạt động xã hội từ thiện sẽ giúp con biết cách yêu thương và chia sẻ, và biết trân trọng cuộc sống may mắn của chính mình. Qua những chuyến đi thiện nguyện, con sẽ trưởng thành chín chắn hơn. Đề ra những kế hoạch, chương trình tình nguyện và động viên con cái cùng tham gia. Những hoạt động tình nguyện cũng đồng thời là những hoạt động ngoại khóa rất bổ ích nuôi dưỡng tâm hồn con trẻ.
Đây cũng là giai đoạn con thường bị ảnh hưởng rất nhiều từ tính cách của người lớn, hoặc những người gần gũi, thân thiết với chúng. Nếu thấy cha mẹ hay vội vã, cáu gắt cộc cằn và thiếu bình tĩnh trước mọi việc, con cũng sẽ bị ảnh hưởng. Tính khí của một số trẻ có thể luôn thích làm trái ý cha mẹ, đặc biệt khi bạn càng cấm thì trẻ lại càng hứng thú với việc đó. Hãy phân tích cho con hiểu, không vội vàng cấm đoán áp đặt con sẽ gây phản tác dụng.
Bước sang môi trường học tập mới, nhiều trẻ sẽ thấy bỡ ngỡ, bất ngờ và không kịp thích nghi. Các bài tập trên lớp và lớp học thêm dày đặc khiến trẻ quay cuồng. Tuy nhiên, hãy đảm bảo rằng trẻ vẫn có thời gian hoạt động ngoài trời cần thiết. Đừng bắt ép việc học hành quá mức và tạo áp lực khổng lồ lên trẻ. Trẻ có thể yêu thích môn toán, không thích học văn và ngược lại. Mỗi trẻ đều có điểm mạnh và yếu của riêng mình. Đừng để học tập trở thành gánh nặng và con sẽ ghét bỏ việc học hành. Nếu trẻ thích toán, khuyến khích con tham gia các cuộc thi toán học, đọc tạp chí về toán. Nếu con yêu văn, hãy mua sách truyện thơ cho con đọc. Khuyến khích trẻ làm những điều khiến trẻ hứng thú trong học tập.
Khi nào cần đưa con đi khám
Hãy chú ý đến bất kỳ thay đổi trong tâm trạng hoặc hành vi của con bạn. Khó ngủ, không chịu đến trường, thay đổi khẩu vị hoặc mất hứng thú với các hoạt động có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe tâm thần.
Nói chuyện với con bạn về tâm trạng của con. Hỏi xem con đã từng trải qua những suy nghĩ muốn tự tử chưa, đặc biệt nếu con có vẻ buồn hay chán nản. Hãy cho con biết bạn quan tâm đến con và sẵn sàng chia sẻ cùng con mọi chuyện. Nếu bạn lo lắng về sự phát triển cũng như sức khỏe tâm thần của con bạn, hãy nói chuyện với bác sĩ.
Dinh dưỡng cho trẻ 15 tuổi
Những thức ăn cung cấp năng lượng cho não bộ và cơ bắp của trẻ giai đoạn này là bánh mì, gạo và ngũ cốc. Bên cạnh đó, trái cây và rau xanh có nhiều vitamin và khoáng chất giúp tái tạo hệ miễn dịch và giúp con ngừa bệnh. Chúng còn có vai trò quan trọng, giúp trẻ có một làn da khỏe mạnh và đôi mắt sáng.
Các thực phẩm như thịt, gà, cá, trứng, các loại hạt và đậu xanh, đậu lăng là nguồn cung cấp sắt và protein. Sắt cần cho việc tạo máu và mang oxy đi khắp cơ thể của trẻ. Từ khi dậy thì, con gái bạn bắt đầu có hành kinh mỗi tháng, dẫn đến việc thiếu hụt sắt. Nếu trẻ không được cung cấp đủ sắt, trẻ có thể bị thiếu máu. Tình trạng này gây nên hiện tượng mệt mỏi, đau nhẹ đầu và thiếu sức lực ở tuổi dậy thì.
Protein cần cho sự phát triển cơ và xương khỏe mạnh. Nếu cơ thể con bạn không được cung cấp đủ lượng protein cần thiết trong tuổi dậy thì, con có thể bị chậm tăng chiều cao và tăng cân. Bạn có thể cung cấp protein cho trẻ qua các món từ thịt, gà, cá, trứng ít nhất là 2 lần 1 ngày. Cá là nguồn dinh dưỡng quan trọng cho não, mắt và tốt cho cả da của con bạn. Vì vậy, mỗi tuần bạn nên cho con ăn từ 2 đến 3 bữa ăn có cá.
Nếu gia đình ăn chay, bạn nên bổ sung các thực phẩm như đậu và các loại hạt là nguồn protein thay thế cho thịt, cá, trứng. Thực phẩm được làm từ sữa như sữa tươi, phô mai, sữa chua không những giúp phát triển xương, răng mà còn giúp cho tim, cơ, thần kinh của trẻ làm việc hiệu quả.
Dầu mỡ và chất béo là nguyên nhân khiến con bạn tăng cân, vì vậy bạn nên giảm lượng dầu trong bữa ăn hằng ngày của gia đình. Ngoài ra, bạn cũng nên cắt giảm các thực phẩm như socola, khoai tây chiên, bánh và thực phẩm chiên xào vì chúng cung cấp rất ít năng lượng cho trẻ mà còn làm tăng cân.
Một điều quan trọng là bạn nhớ dặn con uống đủ nước. Nước là thành phần không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của tuổi dậy thì. Uống nước là cách tốt nhất giúp trẻ xua tan cảm thấy mệt và khát. Ngoài ra nước còn giúp ngăn ngừa táo bón.
Một vấn đề được nhiều trẻ quan tâm đến khi bước vào tuổi dậy thì là mụn. Không có bất kì loại thức ăn nào gây nên mụn, nhưng những thứ mà trẻ ăn vào lại tác động đến sự phát triển của mụn. Ở một vài trẻ dậy thì, những loại thức ăn như socola hoặc đồ chiên rán có thể ảnh hưởng đến làn da của trẻ. Như một quy luật chung, trẻ nên ăn ít những loại thực phẩm chế biến sẵn và nên ăn uống một cách khỏe mạnh để ngăn ngừa mụn.
Một lưu ý khá quan trọng mà bạn nên chú ý để giúp con phát triển tốt là bữa ăn sáng. Bữa sáng là một bữa ăn quan trọng nhất trong ngày. Bữa sáng giúp con bạn tập trung trí tuệ và ghi nhớ ở trường, cung cấp năng lượng cho con bạn học tập tốt và vui chơi hết mình. Ăn sáng thường xuyên còn giúp trẻ tăng cân đều đặn và khỏe mạnh hơn những trẻ bỏ bữa sáng.
Ngoài ra, bạn nên khuyến khích con tập thể dục thể thao vì thường xuyên luyện tập sẽ giúp trẻ nhanh nhẹn, khỏe mạnh, tăng cường sản sinh các hormone tăng trưởng trong cơ thể, giúp phát triển chiều cao tối đa. Có thể cho trẻ tập luyện các môn như bơi lội, bóng rổ, đu xà đơn, cầu lông, đạp xe đạp…
Tóm lại
Tuổi 15 có thể là một năm lớn cho thanh thiếu niên. Bạn có thể thấy một sự khác biệt lớn giữa sinh nhật thứ 15 của con bạn và sinh nhật thứ 16 của con bạn.
Trong khi bạn có thể nghĩ rằng con bạn chưa sẵn sàng đối diện với sự khắc nghiệt của thế giới thực, hãy nhớ rằng bạn sẽ còn hai năm để chuẩn bị cho con trước khi con bước sang một trang mới. Hãy chú ý đến những thiếu sót về kỹ năng mà bạn nhìn thấy và chủ động dạy cho con những kỹ năng mà con rất cần trong cuộc sống sau này. Bạn hãy luôn nhớ điều đầu tiên và quan trọng nhất trong cách nuôi dạy là bảo đảm an toàn cho con bạn, sau đó là một sức khỏe tốt.
Xem thêm: Trẻ 16 tuổi: Các mốc phát triển quan trọng và cách nuôi dạy
Chào bác sĩ, bài viết rất có ý nghĩa, muốn xin số đt gặp bác sĩ tư vấn. Cảm ơn bác sĩ. Đt 0982785585