Mục lục
Đái tháo đường type 2 là gì?
Các vấn đề về da liễu thường là những dấu hiện đầu tiên nhận thấy được ở bệnh đái tháo đường. Đái tháo đường type 2 cũng có thể làm ảnh hưởng tới các bệnh da liễu đang có sẵn, khiến những bệnh này trở nên nặng hơn và gây thêm những bệnh mới.
Đái tháo đường là một hội chứng chuyển hóa mãn tính ảnh hưởng tới lượng đường trong máu của bạn. Bệnh xảy ra khi cơ thể của bạn xảy ra hiện tượng kháng insulin hoặc không sản xuất đủ lượng insulin cần thiết cho cơ thể.
Đái tháo đường type 2 phổ biến nhất ở người lớn, tuy nhiên thì hiện nay cũng có một phần trẻ em và thanh thiếu niên được chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ ảnh hưởng tới tỷ lệ mắc bệnh như thừa cân, lười vận động cũng như yếu tố gia đình.
Đái tháo đường type 2 không thể chữa khỏi, người bệnh phải quản lý, kìm hãm bệnh bằng cách ăn uống lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và sử dụng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ nếu cần thiết. Đo đường huyết thường xuyên cũng là một trong những việc rất quan trọng. Nhiều khi việc duy trì một cân nặng khỏe mạnh vẫn không đủ để kiểm soát đường huyết của bạn, khi đó bác sĩ sẽ quyết định sử dụng thêm các loại thuốc khác can thiệp vào nếu cần thiết.
Các phương pháp điều trị đái tháo đường type 2 chính hiện nay:
- Liệu pháp insulin: Dùng các liều insulin dưới dạng tiêm, dành cho những người không đáp ứng với thuốc uống
- Sulfonylureas: Thuốc sẽ giúp kích thích cơ thể bạn sản xuất nhiều insulin hơn.
- Metformin: Thuốc được chỉ định rộng rãi giúp tăng độ nhạy cảm của cơ thể với insulin
- Thuốc ức chế DPP-4: Thuốc giúp giảm chỉ số đường huyết.
Nguyên nhân các vấn đề về da liên quan tới bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường type 2 với tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài có xu hướng giảm lượng máu tới các mô, tế bào da cũng như gây tổn thương tới mạch máu và thần kinh. Tuần hoàn giảm sút dẫn tới sự thay đổi cấu trúc collagen của da. Những ảnh hưởng này làm thay đổi cấu trúc, bề mặt và khả năng tự làm sạch, tự lành tổn thương của da.
Các tế bào da bị tổn thương cũng sẽ gây cản trở khả năng tiết mồ hôi, làm cho da của bạn phải chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi nhiệt độ và các tác động lực. Ngoài ra một số thuốc hạ đường huyết cũng có tác dụng phụ làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về da.
Khoảng 1/3 những người bệnh đái tháo đường có các vấn đề về da. Chính vì vậy những người bệnh đái tháo đường nên để ý tới các thay đổi, dấu hiệu như:
- Những sự thay đổi ở da
- Tổn thương hoặc kích ứng ở những vùng da xung quanh nơi bạn tiêm insulin
- Những vết cắt hoặc tổn thương lâu lành hoặc nhiễm trùng.
Đái tháo đường và sức khỏe da
Vi khuẩn, nấm cũng là các yếu tố góp phần gây ra những vấn đề về da do bệnh đái tháo đường.
Nhiễm khuẩn
Nhiễm khuẩn thì rất là thường gặp ở tất cả mọi người. Tuy nhiên thì các loại nhiễm khuẩn nói chung lại là một vấn đề đặc biệt đối với những người bệnh đái tháo đường type 2. Ở người bệnh đái tháo đường thì khi nhiễm khuẩn da thường rất đau, sờ vào thấy ấm nóng, sưng và đỏ. Những vết này có thể ngày một lan rộng, tăng dần về số lượng và tần suất nếu đường huyết của bạn cao mãn tính.
Loại vi khuẩn phổ biến nhất gây ra các bệnh lý về da đó là Staphylococcus và Streptococcus.
Các trường hợp nhiễm khuẩn nặng sẽ gây tổn thương, nhiễm khuẩn các mô gọi là nhọt và cần được chích rạch bởi bác sĩ. Nếu bạn đang nghi ngờ mình bị nhiễm khuẩn thì nên tới khám bác sĩ ngay lập tức để được điều trị bằng kháng sinh. Các trường hợp nhiễm khuẩn phổ biến khác còn có:
- Nhọt
- Viêm bờ mi
- Viêm nang lông
- Nhiễm trùng ở vùng xung quanh móng tay và móng chân
Nhiễm nấm
Nhiễm nấm, hay còn được hiểu là sự lan rộng, phát triển quá mức của nấm hoặc nấm men là những biến chứng thường gặp ở người bệnh đái tháo đường. Và đặc biệt đúng đối với những người không kiểm soát tốt đường huyết của mình. Khi nhiễm trùng nấm men thì trên cơ thể của bạn sẽ xuất hiện những vùng da đỏ, ngứa, sưng tấy, xung quanh phồng rộp hoặc có vảy khô, một vài trường hợp những vùng đó được bao phủ bởi một lớp màu trắng như phô mai. Nấm men thường phát triển mạnh ở các nếp gấp ẩm, ấm của da như dưới ngực, ở háng, nách, các góc miệng và dưới da bao quy đầu. Nấm men sẽ kích thích da gây ngứa, nếu không được điều trị đúng và kịp thời thì nấm sẽ lan rộng và nặng thêm.
Các vấn đề về da liên quan tới bệnh đái tháo đường
Các dấu hiệu dưới đây là những dấu hiệu riêng cho bệnh đái tháo đường type 2. Đa số đều là những tổn thương gây ra do sự thay đổi ở những mạch máu nhỏ, khi mà dinh dưỡng tới các mô của da bị hạn chế. Khi bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt thì sẽ xuất hiện các vấn đề nghiêm trọng hơn.
Bệnh teo da đái tháo đường
Dấu hiệu của biến chứng này gồm có các mảng da màu nâu nhạt, hình bầu dục hoặc hình tròn, có vảy, thường xuất hiện ở cẳng chân. Những mảng tối trên da này do tổn thương các mạch máu nhỏ cung cấp chất dinh dưỡng và oxy tới mô của da. Những mảng thay đổi màu sắc da này thường vô hại và không cần điều trị gì, tuy nhiên thì nó cũng sẽ không biến mất ngay cả khi bạn kiểm soát được đường huyết sau đó. Ngoài ra thì những tổn thương trên da tương tự như vậy cũng sẽ xuất hiện ở những bệnh nhân có bệnh lý thần kinh hoặc bệnh thận.
Hoại tử da dạng mỡ đái tháo đường
Các dấu hiệu của hoại tử da dạng mỡ do đái tháo đường thường là các mảng da sáng màu nâu, hình bầu dục, hình tròn. Tình trạng này thường hiếm gặp hơn là bệnh teo da do đái tháo đường và tổn thương thường lớn và ít hơn. Theo thời gian thì các mảng da bị hoại tử dạng mỡ sẽ xuất hiện các nốt sáng bóng với viền màu đỏ hoặc tím. Những tổn thương này thường gây ngứa và đau. Nếu không xuất hiện các vết loét thì không cần điều trị. Biến chứng này xảy ra ợ phụ nữ nhiều hơn đàn ông và có xu hướng xuất hiện nhiều ở chi dưới.
Xơ cứng da đái tháo đường
Ở trường hợp này thì da ở vùng tay, ngón tay và ngón chân trở nên dày, chặt, sáp lại và có khả năng cứng các khớp. Đường huyết tăng cao sẽ làm tăng nguy cơ phát triển chứng bệnh này. Khi gặp phải bệnh xơ cứng da do đái tháo đường thì bạn cần phải kiểm soát tốt đường huyết kèm theo sử dụng kem dưỡng ẩm để điều trị và ngăn ngừa bệnh.
Bệnh u hạt vòng
Xuất hiện dưới dạng các nốt da đỏ trông giống như phát ban và thường xuất hiện ở bàn tay hoặc bàn chân. Tổn thương dạng này có thể gây ngứa, nhìn chung là vô hại và trên thị trường có nhiều loại thuốc để điều trị.
Bệnh gai đen
Đây là một tình trạng tổn thương da trong đó có các vùng da màu nâu, hoặc xám nổi lên ở trên cổ, háng, nách, khuỷu tay và đầu gối. Thường xuất hiện ở những người béo phì. Có trường hợp những vùng da này sẽ mất đi sau khi giảm cân.
Phồng rộp do đái tháo đường
Mặc dù hiếm gặp nhưng những bệnh nhân đái tháo đường type 2 với tổn thương dây thần kinh có thể bị phồng rộp giống như bỏng. Tổn thương thường lành trong vài tuần và không đau. Các mụn nước loại này thường chỉ xuất hiện khi đường huyết không được kiểm soát.
Điều trị
Hiện nay không có cách nào chữa khỏi một cách triệt để bệnh đái tháo đường, tuy nhiên thì có rất nhiều phương pháp điều trị bao gồm thay đổi lối sống, điều trị kê đơn và không kê đơn, các biện pháp thay thế để giúp người bệnh kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường
Các biện pháp không kê đơn
Các biện pháp điều trị không kê đơn có sẵn cho một số loại rối loạn về da liên quan tới bệnh đái tháo đường. Những biện pháp này gồm có:
- Hydrocortisone
- Thuốc chống nấm không kê đơn, như clotrimazole
- Thuốc steroid tại chỗ
Các loại thuốc dùng theo đơn
Một số tổn thương về da đủ nghiêm trọng tới mức cần sự chăm sóc về mặt y tế, và sử dụng thuốc theo đơn. Phương pháp sử dụng thuốc kê đơn gồm có:
- Thuốc kháng sinh (bôi hoặc uống) để điều trị nhiễm trùng da
- Thuốc chống nấm mạnh
- Liệu pháp insulin để điều chỉnh nguyên nhân gây ra tổn thương trên da
Các biện pháp thay thế
Dành cho những người không thích hoặc không cần thiết phải sử dụng thuốc, thì những biện pháp thay thế sau sẽ phù hợp với những tổn thương da liên quan tới bệnh đái tháo đường type 2:
- Dùng bột talc để xoa vào những vùng da nhạy cảm như nách, sau đầu gối
- Kem dưỡng da để làm dịu những vùng da bị khô sẽ giúp giảm ngứa
- Bôi cây lô hội tại chỗ
Trước khi sử dụng bất kỳ một biện pháp thay thế tự nhiên nào, thì bạn nên trao đổi với bác sĩ trước. Vì bất kỳ thảo dược tự nhiên nào đều có thể gây giảm tác dụng các loại thuốc mà bạn đang sử dụng.
Thay đổi lối sống
Mặc dù các yếu tố như di truyền và một số yếu tố khác góp phần vào căn bệnh đái tháo đường, thì thừa cân và ít vận động luôn là yếu tố song hành cùng bệnh đái tháo đường.
Các biện pháp thay đổi lối sống giúp quản lý bệnh đái tháo đường gồm có:
- Thực hiện một chế độ ăn lành mạnh, ăn nhiều hoa quả, rau và ngũ cốc nguyên hạt
- Duy trì tập thể dục, 30 phút mỗi ngày, 5 ngày mỗi tuần
- Kiểm tra đường huyết thường xuyên
Bằng cách học và cảm nhận cách mà cơ thể bạn đáp ứng lại với thức ăn và thuốc thì bạn có thể duy trì một cách tốt hơn đường huyết của mình.
Đối với các tổn thương da do bệnh đái tháo đường type 2 thì cần có những lưu ý đặc biệt sau:
- Tránh để da bị khô
- Tránh làm trầy xước da bị khô, vì có thể gây nhiễm trùng
- Điều trị các vết cắt, vết thương một cách triệt để
- Giữ độ ẩm trong nhà đạt tiêu chuẩn khi thời tiết hanh khô
- Tránh tắm nước nóng, vì nước nóng sẽ làm khô da
Trên đây là một số chia sẻ về các vấn đề, biến chứng về da liên quan tới bệnh đái tháo đường. Có một số bệnh, biến chứng khá nghiêm trọng và ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống hằng ngày của bệnh nhân. Và cũng cố một số tình trạng trên da là vô hại và không cần điều trị, tự nó sẽ biến mất. Vì vậy đừng quá lo lắng khi xuất hiện các dấu hiệu lạ trên da mà bạn nên tới bác sĩ để được thăm khám chính xác nhé.