Một số bé chuyển sang bú bình rất đơn giản, một số thì không. Cho dù bạn đang cho con bú, trong tương lai bạn vẫn cần cho bé bú bình. Đương nhiên em bé của bạn sẽ cần bình sữa và núm vú thích hợp. Ngoài bình sữa, bạn cũng có thể mua máy hâm sữa, dụng cụ tiệt trùng bình sữa… Đối với những người mới làm cha mẹ, đây có thể là một mớ bòng bong mà bạn không biết nên bắt đầu từ đâu. Bài viết dưới đây cung cấp vài thông tin hữu ích khi lựa chọn bình sữa cho bé yêu và tất tần tật những gì liên quan.
Một vài mẹo nhỏ bạn cần nhớ:
- Bình sữa cổ rộng, góc cạnh, có lỗ thông hơi, bằng silicon hoặc thủy tinh hiện có rất nhiều loại hữu ích. Một số kiểu bình sữa và núm vú mới thậm chí bắt chước hình dạng và độ mềm mại của vú mẹ để em bé có thể làm quen bú bình dễ dang hơn
- Các bữa ăn của trẻ sơ sinh cách nhau từ 2-3 giờ, điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần nhiều hơn một bình sữa. Có rất nhiều loại bình sữa với kiểu dáng hoạt tiết khác nhau, và các em bé thường thích những thứ đầy màu sắc.
- Các dụng cụ hỗ trợ khác: núm vú phụ, máy tiệt trùng, máy hâm sữa, giá phơi bình sữa, túi giữ nhiệt và bàn chải cọ bình sữa.
Xem thêm: Tập cho bé bú bình: Tất cả những gì bạn cần biết
Mục lục
Bình sữa cho bé loại nào tốt?
Để em bé có thể bắt đầu bú bình, đương nhiên cơ bản nhất bạn cần có một bình sữa. Nhưng hiện nay trên thị trường có hàng trăm mẫu mã kiểu dáng bình khác nhau, làm thế nào để bạn có thể chọn bình sữa tốt cho bé?
Nhiều loại bình được thiết kế đặc biệt để cho các bé vẫn bú mẹ. Hình dáng, cấu tạo của các bình khác nhau, một số có van đặc biệt để ngăn ngừa khí tràn vào bình.
Kiểu dáng bình sữa
Dưới đây là một số kiểu bình sữa và các đặc điểm của chúng:
- Bình sữa tiêu chuẩn: Đơn giản và dễ dùng, những bình sữa được thiết kế truyền thống này được các bà mẹ sử dụng cho hầu hết các bé. Nó có thể làm từ nhựa, thủy tinh, hoặc thậm chí bằng thép không gỉ.
- Bình sữa cổ nghiêng: Bình sữa được thiết kế với cổ nghiêng để ngăn không khí tràn vào núm vú, điều này có thể giúp cho việc cho bé ăn dễ dàng hơn và bé không bị trớ vì khí vào dạ dày ít. Hình dạng góc cạnh có thể làm cho loại bình sữa này khó làm sạch hơn.
- Bình sữa cổ rộng: Ưu điểm của bình sữa cổ rộng là dễ dàng vệ sinh, bạn có thể cho dụng cụ rửa vào sâu dưới đáy của bình mà không cần đến dụng cụ chuyên dụng. Việc cho sữa bột vào bình cổ rộng cũng dễ dàng hơn, tránh sữa bị đổ ra ngoài gây lãng phí. Nếu mỗi ngày bạn phải đi rửa bình sữa 3-5 lần thì bạn sẽ thấy loại bình cổ rộng này “ưu việt” hơn rất nhiều so với loại bình cổ hẹp.
- Bình cổ hẹp: Ưu điểm của bình cổ hẹp là nhỏ, nhẹ, bé có thể cầm nắm bình dễ dàng. Tuy nhiên, bình cổ hẹp thường vệ sinh khó hơn bình cổ rộng, bạn nên dùng dụng cụ chuyên cọ rửa bình sữa để có thể vệ sinh đươc tận dưới đáy bình. Và bạn cũng phải thật cẩn thận khi cho sữa vào bình để tránh gây lãng phí.
Chất liệu bình sữa
Hầu hết các bình sữa cho bé đều được làm từ nhựa, thủy tinh, thép không gỉ hoặc silicon và mỗi loại đều có ưu và nhược điểm riêng. Loại chai nào là tốt nhất sẽ phụ thuộc vào em bé, lối sống của gia đình bạn và kế hoạch sử dụng chúng.
Nhựa
Có giá thành tương đối rẻ. Bình nhựa tương đối nhẹ nên em bé có thể cầm được. Tuy nhiên, khi mua bạn nên lưu ý về nguyên liệu phải tuyệt đối không có chứa chất BPA bởi đây là hóa chất nhân tạo, có thể ngấm vào sữa gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và sự phát triển của bé như: có khả năng làm cho não và hệ sinh dục của bé phát triển bất thường. Ngoài ra, nhựa kém bền hơn thép không gỉ hoặc thủy tinh và cần được làm sạch cẩn thận để tránh trầy xước. Thay thế những bình nhựa sau vài tháng.
Tuyệt đối không hâm sữa bằng bình nhựa vì nhiệt độ cao có thể sinh ra chất độc. Không để bình sữa nhựa vào lò vi sóng hoặc máy rửa chén vì BPA và các chất hóa học khác sẽ được phát tán khi bị hâm nóng.
Kích cỡ của bình nhựa phù hợp với từng độ tuổi:
- Với trẻ sơ sinh: chọn loại 110ml để bắt đầu cho bé bú.
- Với bé từ 4 tháng trở lên: chọn loại 225ml hoặc 255ml.
Thép không gỉ
Kiểu dáng đẹp, chắc chắn và có tác dụng giữ nhiệt để giữ sữa ở nhiệt độ phù hợp với bé. Do đó, bình sữa bằng thép không gỉ được ưa chuộng bởi các bậc cha mẹ muốn sử dụng bình sữa lâu dài hơn. Chúng có thể đắt hơn chai nhựa hoặc thủy tinh nhưng hiếm khi cần thay thế.
Thủy tinh
Không phải bằng chất liệu thủy tinh đơn giản như bạn nghĩ. Chai thủy tinh ngày nay có khả năng chịu nhiệt và chống sốc và thường đi kèm với vỏ bằng silicon để có thêm một lớp bảo vệ. Tuy nhiên, vì bình thủy tinh thường nặng hơn so với lực cầm của tay bé nên có khả năng rơi vỡ và gây tai nạn. Do đó, khi dùng loại bình này, bạn không bao giờ để bé tự cầm bú ngay cả khi tay bé đã có thể cầm nắm đồ vật chắc chắn. Bình thủy tinh không cần phải được thay thế trừ khi chúng bị sứt mẻ hoặc vỡ.
Kích cỡ của bình sữa thủy tinh phù hợp với từng độ tuổi:
- Bé dưới 3 tháng tuổi: 50 – 120ml
- Bé dưới 1 tuổi: 120 – 180ml
- Bé từ 1 tuổi trở lên: 180 – 250ml
Silicone
Đây là chất liệu tốt nhất trong 3 loại chất liệu phổ biến được sử dụng để làm bình sữa. Silicon có những ưu điểm vượt trội như không chứa chất gây độc hại, chịu được nhiệt độ cao, không vỡ, xước hay bị méo mó. Bình silicon cũng rất dễ dàng vệ sinh, khử trùng bằng cách đun sôi trong nước. Đặt biệt là bình rất nhẹ, bé có thể tự cầm bình ăn rất dễ dàng.
Bình silicon tuy rất mềm nhưng bạn yên tâm là bé sẽ không bị sặc khi sử dụng vì phần nắp bình thường có van an toàn. Van này có vai trò quan trọng đảm bảo sữa sẽ không chảy nhiều hơn mức cần thiết trong quá trình bé bú sữa. Nhược điểm duy nhất của bình silicon là giá thường cao hơn bình nhựa và thuỷ tinh.
Các loại núm vú
Đây là bộ phận rất quan trọng liên quan đến việc bé có chịu bú bình hay không. Những núm vú cứng hay có mùi khó chịu đều có thể khiến bạn gặp trở ngại khi cho bé ăn. Bạn có thể dựa theo các tiêu chí chất liệu núm vú, kích cỡ, hình dạng, và tốc độ dòng chảy để lựa chọn núm vú. Hãy thử một vài kích cỡ và kiểu núm vú khác nhau để xem loại nào phù hợp nhất với bé.
- Núm vú truyền thống: Núm vú truyền thống có hình dạng giống như một cái chuông hoặc vòm mô phỏng giống hình bầu vú của mẹ. Nếu bình sữa cổ rộng thì núm vú sẽ có bầu được thiết kế to hơn bình cổ hẹp. Thiết kế như vậy nhằm đánh lừa thị giác của bé, tạo cho bé cảm giác như đang được bú mẹ..
- Núm vú nha khoa: Núm vú nha khoa, được thiết kế để chứa vòm miệng và nướu của trẻ có tác dụng định hình răng của bé, bảo vệ vòm miệng của bé. Những núm vú này có phần trên và phần dưới phẳng hơn.
- Núm vú có đầu phẳng: Có hình dạng giống như vú, những núm vú này có đáy phình to và đỉnh phẳng hơn
- Núm vú có van: Được thiết kế để ngăn ngừa khí vào khi bé bú bình.
- Núm vú có nhiều lỗ thoát sữa: Được thiết kế đặc biệt để có thể cung cấp nhiều chỗ cho sữa chảy ra trong cùng một núm vú. Điều chỉnh vị trí của núm vú để kiểm soát dòng chảy.
- Núm vú dùng một lần: Núm vú vô trùng, có bọc riêng và dùng một lần duy nhất.
Tốc độ dòng chảy của núm vú
Sẽ phụ thuộc lớn vào kích thước của núm vú. Trẻ sơ sinh (từ 0 đến 3 tháng) thường cần kích thước nhỏ nhất. Size S có lưu lượng chảy sữa chậm nhất, tương ứng với trên đầu núm vú sẽ có 1 lỗ nhỏ. Trẻ từ 4-6 tháng, phù hợp với size M, tốc độ dòng chảy của sữa sẽ lớn hơn. Còn trẻ trên 6 tháng, lực hút sẽ mạnh hơn, lúc này bé có thể dùng đến size L. Đây là cách phân chia phổ biển. Tuy nhiên đối với các nhà sản xuất khác nhau, tùy theo từng thiết kế mà phân loại theo các tiêu chí khác nhau.
Núm vú thường sẽ được đánh dấu bằng giai đoạn hoặc size ngay trên vành, cùng với kích thước và độ tuổi được đề nghị của bé cho từng giai đoạn. Đọc kỹ hướng dẫn của nhà sản xuất và theo dõi em bé của bạn để kiểm tra khi đến lúc cần điều chỉnh.
- Núm vú giai đoạn một: Trẻ sơ sinh thường bắt đầu với núm vú chảy chậm giai đoạn một, có nghĩa là dòng sữa sẽ chảy chậm khi bé mút.
- Núm vú giai đoạn hai: Sau một vài tháng, trẻ sơ sinh thường chuyển sang giai đoạn hai (hoặc cao hơn) vì em bé có thể xử lý một dòng sữa nhanh hơn và lớn hơn.
- Núm vú giai đoạn ba: Một số em bé có thể chỉ làm tốt với núm vú giai đoạn 2, nhưng đến khoảng 6 tháng, nếu em bé của bạn có lực hút mạnh hơn, bạn nên chuyển sang núm vú giai đoạn 3.
Lưu lượng núm vú xác định tốc độ và lượng sữa của trẻ nuốt trong một ngụm, vì vậy hãy chú ý xem em bé của bạn có nhận sữa quá chậm hay quá nhanh không (có thể khiến bé bị nghẹn hoặc nhổ ra).
Sữa mẹ hoặc sữa công thức nên chảy ra khỏi núm vú với tốc độ chậm, đều đặn. Khi sữa bắt đầu chảy ra ngoài núm vú, hoặc nếu núm vú có dấu hiệu hao mòn nhiều thì đã đến lúc bạn cần phải thay núm vú.
Chất liệu núm vú
Thông thường, có hai loại vật liệu được sử dụng cho núm vú là cao su và silicone.
- Núm vú cao su: Núm vú cao su có ưu điểm là mềm, tạo cảm giác giống ti mẹ. Tuy nhiên, núm vú cao su mới thường có mùi. Bạn phải luộc kỹ qua nước sôi nhiều lần trước khi cho bé sử dụng để loại bỏ hết mùi khó chịu của cao su. Ngoài ra, một số bé bị dị ứng núm cao su.
- Silicone: Núm vú bằng Silicon thường cứng hơn núm vú bằng cao su nhưng núm bằng silicon rất dễ làm sạch, chịu được nhiệt độ cao. Nhất là đối với những bé trong giai đoạn mọc răng, lợi của bé bị ngứa dẫn đến việc bé có thể cắn rách núm ti. Lúc này thì núm silicon sẽ ít bị rách và nứt hơn so với núm cao su.
Van thông khí
Chức năng thông khí: Tác dụng chính của bộ phận này là bảo vệ bé khỏi tình trạng sặc sữa và đầy hơi. Các loại bình sữa tốt sẽ được thiết kế với một van thông khí. Nó đóng vai trò như đường đi vào bình của không khí bên ngoài để sinh ra áp lực. Khi đó, sữa được đưa từ từ xuống miệng bình, giúp bé bú dễ dàng hơn.
Bản chất của cơ chế này là khi bé bú liên tục thì không khí sẽ được hút vào trong bình thông qua van thông khí, giúp việc ti của bé dễ dàng hơn. Nếu không có van thông khí, bé sẽ cần dùng nhiều sức bú sữa vào miệng, làm cho núm ti xẹp lại. Như vậy, bé phải há miệng cho núm căng trở lại, đồng thời nuốt phải không khí. Đây là nguyên nhân tạo ra bọt khí trong dạ dày, khiến bé bị đầy bụng và khó chịu. Nếu bé không ợ hơi được sau khi ăn thì rất dễ dẫn đến việc bị nôn trớ.
Bạn cần bình sữa dung tích bao nhiêu?
Thông thường, ban đầu bạn nên chọn chai có dung tích nhỏ. Bình loại nhỏ thường có dung tích từ 100ml đến 150ml. Loại bình này phù hợp với những bé từ 1 đến 6 tháng. Bình loại lớn thường có dung tích từ 225-250ml, phù hợp với bé từ 6 tháng trở lên.
Bạn nên chọn mua bình nhỏ cho bé dùng trước vì bình nhỏ có vạch chia dung tích nhỏ nhất từ 10ml trở lên nên, tiện cho bạn đo lượng ăn khi bé ăn khi bé chưa ăn nhiều. Bình lớn thường có vạch chia dung tích từ 20-50ml. Một lý do khác nữa là khi còn nhỏ, bé sẽ không thể tự cầm loại bình sữa quá to. Chính vì vậy, chọn bình phù hợp độ tuổi là rất quan trọng.
Khi dùng bình nhỏ, bạn nên chỉnh núm vú giai đoạn 1 để phù hợp. Khi bé lớn hơn, dùng bình lớn hơn thì bạn có thể tăng núm vú lên giai đoạn 2 hoặc 3 để đáp ứng nhu cầu của bé.
Bạn cần bao nhiêu bình sữa?
Trẻ sơ sinh ăn thường xuyên, cứ hai đến ba giờ một lần trong những tháng đầu. Và đương nhiên sau khi cho bé ăn xong bạn sẽ cần vệ sinh bình, tiệt trùng và phơi khô trước khi dùng tiếp. Trong giai đoạn này, bạn sẽ có vô vàn việc không tên, bé yêu sau khi ăn lại muốn ngủ cùng bạn. Vậy bạn nên mua bao nhiêu chai? Điều đó phụ thuộc vào cách bạn dự định sử dụng chúng.
- Nếu bạn vẫn đang cho bé bú mẹ: Bạn cần ít nhất là 4 bình sữa, cho dù bạn dùng bình để đựng sữa mẹ vắt ra hay pha sữa công thức bổ sung.
- Nếu bạn chỉ cho bé bú bình: Đầu tư ít nhất 12 bình để bạn luôn có nhiều chai sạch tiện sử dụng.
Xem thêm: Kinh nghiệm cho bé không chịu bú bình các bà mẹ cần biết
Vệ sinh bình sữa và núm vú
Khi nói đến việc cho bé ăn, sự an toàn và vệ sinh là ưu tiên đặt lên hàng đầu. Dưới đây là những điều an toàn cơ bản cần lưu ý khi mua và sử dụng bình sữa và núm vú.
Khử trùng bình sữa
Đừng quên khử trùng chai trước khi sử dụng lần đầu tiên. Sau khi sử dụng hàng ngày, bạn có thể rửa kỹ bằng xà phòng nhẹ và nước nóng hoặc trong máy rửa chén (kiểm tra hướng dẫn sử dụng để đảm bảo bình sữa của bạn an toàn với máy rửa chén). Một bàn chải mềm cho phép bạn cọ tất cả các ngóc ngách nhỏ, đảm bảo không có sữa bị bỏ lại. Để chai khô tự nhiên hoặc lau sạch chúng bằng khăn sạch trước khi sử dụng lần tiếp theo. Và khi nghi ngờ, có thể khử trùng chúng một lần nữa.
Thường xuyên kiểm tra chất lượng bình
Ngay cả khi những bình sữa bạn chọn mua có vẻ như chúng có hình dạng tốt, hãy kiểm tra thường xuyên xem có bị hao mòn hay nứt (và nóng, nếu chúng thường xuyên được làm ấm). Không nên sử dụng các chai bị nứt, trầy xước, đổi màu hoặc có mùi của nhựa rõ rệt. Cũng không cho bé sử dụng núm vú có vết rách, đổi màu hoặc có dấu hiệu bị giãn hoặc mòn. Tuyệt đối không dùng bình sữa có chứa BPA.
Kiểm tra lớp vỏ silicon
Nhiều phụ huynh chọn chai thủy tinh có lớp vỏ silicon bên ngoài. Điều quan trọng là phải cẩn thận với thủy tinh, có thể được coi là chịu nhiệt và chống sốc nhưng vẫn có thể bị nứt hoặc sứt mẻ. Sử dụng lớp vỏ silicon để có thêm một lớp bảo vệ khỏi bị sứt mẻ.
Làm ấm bình sữa một cách cẩn thận
Thực tế thì hâm nóng sữa cho bé là điều không cần thiết nhưng một số bé lại thích dùng sữa ấm. Nếu em bé của bạn cũng như vậy, hãy làm ấm bình sữa trong một bát đựng nước nóng. Không bao giờ cho sữa hoặc bình sữa vào lò vi sóng. Lò vi sóng làm nóng không đều, có nghĩa là sữa có thể có những điểm nóng có thể làm bỏng em bé.
Giảm khí
Trong khi các chai có nhiều bộ phận hoặc nhiều yếu tố có thể khó làm sạch hơn, nhiều cha mẹ thích bình sữa có cổ nghiêng, van, lỗ thông hơi hoặc công nghệ tích hợp khác có thể làm giảm lượng không khí khi bé ăn. Một cách đơn giản khác để giảm khí: đảm bảo rằng đầu của bé cao hơn bụng khi bú bình và đảm bảo núm vú luôn đầy sữa (để bé không bị nuốt không khí).
Bỏ sữa thừa sau khi bé ăn
Vi khuẩn từ miệng em bé có thể nán lại trên bình sữa đã sử dụng và nhân lên nhanh chóng, cho dù bình được bảo quản ở nhiệt độ phòng hay trong tủ lạnh. Sau một giờ, bất kỳ sữa mẹ hoặc sữa công thức còn sót lại sẽ cần vứt đi và bình sữa phải được làm sạch trước khi sử dụng lại.
Những điều cần lưu ý khi mua bình sữa cho bé
Lựa chọn bình sữa và núm vú tốt nhất cho bé có thể khiến bạn đau đầu với một loạt sản phẩm trên thị trường hiện nay. Hãy tham khảo ý kiến bạn bè về các nhãn hiệu, đọc các nhận xét về sản phẩm và mua thử một bình để xem em bé của bạn có thích không. Cuối cùng, chọn lựa núm vú phù hợp với độ tuổi của trẻ.
Bạn đang cho con bú, cho con bú sữa công thức, hay cả hai?
Nếu bạn đang cho con bú, hãy xem xét các bình cổ rộng, ngắn hơn và rộng hơn so với bình sữa tiêu chuẩn và được sử dụng với núm vú rộng ở đáy và đầu nhỏ hơn bắt chước hình dạng tự nhiên của ti mẹ.
Nếu bạn đang cho bé ăn sữa bột, hoặc đồng thời cả sữa mẹ và sữa công thức, bình sữa cổ rộng cũng có thể phù hợp với bạn, vì bình cổ rộng giúp cho việc trộn và làm sạch trở nên dễ dàng. Cũng xem xét các chai có lỗ thông hơi hoặc góc cạnh để giúp giảm bớt khí trong khi bé ăn.
Bạn cần bao nhiêu chai?
Bốn đến sáu chai 250ml là đủ nếu bạn kết hợp cho bé bú bình với bú mẹ; nếu bạn đang chỉ cho con bú, bạn có thể sẽ cần ít chai hơn. Nếu em bé được nuôi bằng sữa công thức, bốn chai 125ml và mười đến mười hai chai 250ml là phù hợp.
Bạn muốn chọn bình thân thiện với môi trường?
Nếu bạn lo lắng về hóa chất và quan tâm bảo vệ môi trường, bạn có thể muốn bỏ qua bình nhựa và chọn thép không gỉ hoặc chai thủy tinh được bọc bảo vệ trong silicone -cả hai loại này tồn tại lâu hơn và cần thay thế ít thường xuyên hơn.
Nếu bạn gửi trẻ ở ngoài bạn sẽ cần chuẩn bị gì?
Nếu bạn gửi trẻ ở ngoài ban ngày, bạn có thể sẽ cần thêm bình sữa từ 4 đến 12 chai 250ml tùy thuộc vào tần suất bạn định rửa và vệ sinh chúng. Một số nhà trẻ có thể cung cấp chai, nhưng nhiều nơi yêu cầu phụ huynh mang theo chai sạch mỗi ngày. Hỏi cô trông trẻ về nơi bảo quản những chai sữa này và xem vệ sinh nơi bạn gửi trẻ có đảm bảo không,
Những vật dụng làm sạch chai mà bạn cần
Chai và núm vú nên được làm sạch và làm khô hoàn toàn sau mỗi lần sử dụng (và khử trùng trước khi sử dụng). Hãy chuẩn bị những đồ liên quan: Tùy thuộc vào loại, vật liệu và số lượng các bộ phận liên quan, rửa chai có thể gây tốn thời gian hơn bạn tưởng.
Sử dụng nước rửa bình sữa và bàn chải mềm là những đồ làm sạch cơ bản, nhưng nếu bình sữa của em bé có cấu tạo phức tạp thì cần đồ làm sạch chuyên dụng. Do trong sữa mẹ có chứa nhiều protein, chất béo nên sẽ rất khó để làm sạch bình sữa nếu chỉ sử dụng nước. Nếu những chất dư lại này không được loại bỏ hết sẽ rất dễ trở thành nơi trú ẩn của nhiều loại vi khuẩn. Tuy nhiên, không phải chất tẩy rửa nào cũng có thể dùng để rửa bình sữa. Bởi vì các thành phần trong chất tẩy rửa có thể trở nên rất độc hại với bé. Vì vậy, bạn nên mua các sản phẩm nước rửa bình sữa chuyên dụng. Trước hết, nước rửa bình sữa an toàn phải không chứa chất tẩy rửa công nghiệp. Sản phẩm tẩy rửa phải từ các hợp chất thiên nhiên, ví dụ như chiết xuất dầu dừa. Thêm nữa, bạn nên tránh những loại chứa cồn vì chúng có thể đọng lại trong bình. Những chất này sẽ làm thay đổi mùi vị sữa, làm bé chán ăn.
Hãy chắc chắn đọc hướng dẫn làm sạch trên tờ hướng dẫn sử dụng: Một số chai và núm vú có thể được rửa bằng máy rửa chén, trong khi những loại khác cần phải rửa bằng tay. Đối với những bình sữa cổ hẹp, bạn nên mua thêm dụng cụ cọ rửa bình sữa để rửa sạch hết được dưới đáy bình và sâu trong các kẽ của núm vú. Một số bình thậm chí đi kèm với bàn chải đặc biệt để làm sạch lỗ thông hơi, ống và các bộ phận khác. Sau khi rửa bình sửa bạn cũng nên tráng qua nước sôi hoặc luộc nước sôi để khử trùng.
Bạn có cần một giá phơi chai?
Điều quan trọng là phải làm khô chai thật kỹ sau khi rửa đểvi khuẩn không có cơ hội phát triển. Bạn có thể lau khô kỹ càng bằng khăn sạch nhưng nếu bạn không có nhiều thời gian, hãy xem xét mua giá phơi chai. Những phụ kiện đơn giản này giữ cho bình sữa của bé được nâng cao, thông thoáng và sẵn sàng sử dụng, giảm nguy cơ nhiễm bẩn. Và một số thiết kế độc đáo có sẵn khá gọn gàng và tiện lợi khi để trong nhà bếp của bạn.
Sự tiện lợi quan trọng như thế nào?
Cha mẹ liên tục bận rộn tìm kiếm các sản phẩm hỗ trợ cuộc sống dễ dàng hơn và ngày nay có rất nhiều thiết bị cho bé ăn sáng tạo được thiết kế để làm việc đó: máy làm ấm sữa, máy rửa bình sữa công nghệ cao, máy tiệt trùng bằng điện, và thậm chí máy pha sữa công nghệ cao có dùng wifi để điều khiển.
Nếu bạn không có nhiều không gian hoặc không có nhiều tài chính, những sản phẩm này có vẻ không cần thiết. Bạn vẫn có thể sử dụng những đồ dùng cơ bản. Chỉ cần nhớ chọn bình và núm phù hợp, đảm bảo yếu tố vệ sinh khi sử dụng.
Cân nhắc sản phẩm cho bé bú bình
Sự thực là khi bạn định cho bé bú bình, bạn sẽ cảm thấy rối bòng bong, không biết bắt đầu từ đâu. Không biết bình sữa nào phù hợp cho con bạn. Có một số vấn đề thường gặp dưới mình nghĩ rằng bạn cũng sẽ có thắc mắc chung và câu trả lời cho các vấn đề đó là:
Bắt đầu đơn giản
Không nên quá lo lắng về chọn bao nhiêu chai, chọn loại bạn thích hay bé thích. Bắt đầu với bình sữa nhỏ và núm vú truyền thống, sau đó cân nhắc tới các loại bình và núm vú khác.
Đừng mua trước khi bạn cho bé thử
Mình nghĩ đó là sở thích của em bé và không có cách nào để biết cho đến khi bạn thử cho em bé dùng! Chỉ cần đừng mua quá nhiều loại cho đến khi bạn chắc chắn con bạn sẽ sử dụng nó.
Bắt đầu với núm vú có tốc độ chảy chậm
Hãy bắt đầu với núm có dòng chảy chậm và nếu em bé có vẻ bực bội hãy tăng tốc độ dòng chảy trên núm và xem điều đó có giúp ích gì không. Mỗi em bé có một nhu cầu khác nhau, điều đó bạn sẽ phải tự đánh giá. Nhưng không cần phải lo lắng hay buồn bã về những chai mà bạn đã mua, chúng ta cần thử cho đến khi biết loại nào phù hợp với bé.
Chọn núm vú
Bạn không cần phải dự trữ núm vú ngay từ đầu. Bạn sẽ ổn chỉ với một núm vú trên mỗi chai, ít nhất là 2 núm vú để bạn có thể thay khi cái kia bị hỏng.
Cho bé bú bình là cả một quá trình. Hãy là những người tiêu dùng thông thái, chọn lựa sản phẩm phù hợp với bé yêu.
Chúc bạn và bé luôn khỏe mạnh!