Tiểu đường

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường

Các dấu hiệu ban đầu

Khi lượng đường trong máu tăng cao một cách bất thường, thì những biểu hiện ban đầu của bệnh đái tháo đường sẽ dần xuất hiện. Các triệu chứng phổ biến nhất gồm có:

  • Tăng cảm giác khát, khát liên tục
  • Đói liên tục, kể cả sau khi ăn
  • Mệt mỏi
  • Tăng tiểu tiện, đặc biệt vào ban đêm
  • Nhìn mờ

Các triệu chứng có thể thay đổi khác nhau ở mỗi người, phụ thuộc vào cơ địa và loại bệnh đái tháo đường mà họ mắc phải.

Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1 thường có xu hướng bắt đầu bất ngờ và đột ngột. Bệnh đái tháo đường type 1 thường thấy nhất ở trẻ em và thanh thiếu niên. Tuy nhiên thì bệnh cũng có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ngoài các triệu chứng được nêu trên thì đái tháo đường type 1 còn có triệu chứng giảm cân nhanh, nhiều trong một thời gian ngắn.

Bệnh đái tháo đường type 2 là loại phổ biến nhất, mặc dù chỉ gặp chủ yếu ở người lớn. Tuy nhiên gần đây tỷ lệ người trẻ tuổi mắc đái tháo đường type 2 đang tăng dần. Bệnh đái tháo đường type 2 có các yếu tố nguy cơ như thừa cân, ít vận động hay có gia đình có người mắc đái tháo đường type 2. Nhiều người mắc bệnh đái tháo đường type 2 mà không nhận thấy bất kỳ triệu chứng gì, hay các triệu chứng xuất hiện rất chậm và lu mờ.

Những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh đái tháo đường

Thông thường thì với các triệu chứng của bệnh đái tháo đường thì người bệnh thường chủ quan, nghĩ rằng nó vô hại. Ví dụ như khát nước dai dẳng hay mệt mỏi thì thường rất mơ hồ, và nếu chỉ xuất hiện một hoặc hai triệu chứng thì dường như đó không phải là vấn đề đáng lo lắng.

Tuy nhiên nếu bạn cảm thấy mình có một hoặc nhiều triệu chứng sau đây, thì bạn nên tới cơ sở y tế để được khám và kiểm tra bệnh đái tháo đường.

Khát thường xuyên

Mặc dù vừa uống một cốc nước nhưng bạn vẫn cảm thấy không đủ? Nguyên nhân là do cơ bắp, các tế bào và mô của bạn bị mất nước vì khi lượng đường trong máu tăng lên, cơ thể bạn sẽ cố lấy chất lỏng từ các mô vào máu để pha loãng đường trong máu. Quá trình này khiến cơ thể bị mất nước, khiến bạn uống nước nhiều hơn

Đi tiểu thường xuyên hơn

Uống quá nhiều nước khiến bạn phải đi tiểu nhiều hơn, cùng với việc cơ thể của bạn cố gắng thải lượng đường dư thừa qua đường nước tiểu, kéo theo nước cũng bị thải ra ngoài nhiều hơn

Đói nhiều

Bạn vẫn có thể cảm thấy đói ngay cả sau khi ăn. Đó là do các mô của bạn không lấy đủ năng lượng từ thức ăn bạn đã nạp vào. Lý do chính là do cơ thể của bạn không sản xuất đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, mà insulin là nhân tố giúp đưa glucose từ máu vào trong tế bào để dùng làm năng lượng. Các mô và cơ thiếu năng lượng sẽ kích thích hệ thần kinh làm tăng cảm giác đói để bạn phải ăn nhiều hơn, bù đắp lượng năng lượng còn thiếu.

Giảm cân không rõ nguyên nhân

Bạn có thể đang ăn uống bình thường và cảm thấy đói liên tục, kèm theo đó cân nặng vẫn giảm. Đây là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh đái tháo đường type 1. Nếu cơ thể bạn không nhận đủ năng lượng từ thức ăn bạn ăn vào, thì cơ thể sẽ sử dụng các nguồn năng lượng khác có sẵn trong cơ thể như chất béo và cơ. Khiến cho bạn bị giảm cân mặc dù chế độ sinh hoạt bình thường.

Mệt mỏi

Đường là một trong những nguồn năng lượng chính của cơ thể. Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường thì cơ thể của bạn không thể chuyển hóa đường thành năng lượng, khiến cơ thể cảm thấy mệt mỏi. Bạn có thể cảm giác mệt mỏi một cách từ từ cho tới khi kiệt sức cực độ

Nhìn mờ

Lượng đường trong máu cao cũng sẽ ảnh hưởng tới thị lực. Nguyên nhân là do các chất lỏng rò rỉ vào trong thủy tinh thể. Hiện tượng này sẽ hết nếu lượng đường trong máu của bạn trở về bình thường. Triệu chứng này không giống như bệnh võng mạc đái tháo đường – bệnh xảy ra ở những người có đường huyết tăng cao kéo dài.

Theo thống kê thì bệnh lý võng mạc đái tháo đường là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa. Những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị đục thủy tinh thể và tăng nhãn áp

Nhiễm trùng hoặc vết thương lâu lành

Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể của bạn sẽ gặp khó khăn trong quá trình chống nhiễm trùng. Nguyên nhân do vi khuẩn sẽ phát triển mạnh khi lượng đường trong máu cao. Phụ nữ có thể gặp nấm âm đạo hoặc nhiễm trùng tiết niệu.

Lượng đường trong máu cao cũng có thể ảnh hưởng tới khả năng liền vết thương của cơ thể. Nguyên nhân do đường huyết cao ảnh hưởng xấu tới bạch cầu, mà bạch cầu có nhiệm vụ chữa lành vết thương.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bệnh đái tháo đường không được chẩn đoán và điều trị

Mặc dù nhiều người mắc bệnh đái tháo đường không có triệu chứng hoặc chỉ có những triệu chứng nhẹ, dường như vô hại thì bệnh đái tháo đường không được điều trị sẽ rất nguy hiểm.

Nếu đường huyết của bạn quá cao thì bạn có thể bị nhiễm toan Ceton. Đây là biến chứng phổ biến ở người đái tháo đường type 1. Ở người đái tháo đường type 2 ít xảy ra biến chứng này vì dù sao cơ thể vẫn đang sản xuất được insulin dù ít hay nhiều. Đây là một biến chứng cấp tính, xảy ra đột ngột, diễn biến nhanh và được coi là một trường hợp cấp cứu y tế.

Nhiễm toan Ceton thường gây các triệu chứng như:

  • Thở nhanh, sâu
  • Buồn nôn, nôn mửa
  • Đau bụng
  • Đỏ mặt
  • Lú lẫn
  • Hơi thở có mùi trái câu
  • Hôn mê

Theo thời gian thì các biến chứng có thể phát triển do đường huyết cao mãn tính, bao gồm:

  • Bệnh thận
  • Bệnh mắt ( bệnh võng mạc đái tháo đường )
  • Tổn thương thần kinh (bệnh thần kinh đái tháo đường)
  • Tổn thương mạch máu
  • Hoại tử chi do tổn thương thần kinh và mạch máu
  • Các vấn đề về răng
  • Các vấn đề về da

Hay nếu bạn đang sử dụng các thuốc làm tăng lượng insulin của cơ thể, thì bạn có nguy cơ gặp biến chứng cấp tính là hạ đường huyết. Khi hạ đường huyết xảy ra bạn sẽ thấy:

  • Ngất xỉu
  • Tim đập nhanh
  • Vã mồ hôi
  • Chóng mặt, run rẩy
  • Lú lẫn
  • Trầm cảm, lo âu
  • Buồn ngủ
  • Mất ý thức

Điều trị hạ đường huyết nhanh chóng là hết sức quan trọng. Vì vậy bạn hãy trao đổi với bác sĩ để biết mình phải làm gì nếu gặp hạ đường huyết nhé.

Khi nào nên tới gặp bác sĩ

Nếu bạn cảm thấy mình có các dấu hiệu, triệu chứng của bệnh đái tháo đường nêu trên, thì bạn nên gặp bác sĩ nhé. Trước khi tới gặp bác sĩ hãy hỏi rõ những việc bạn cần làm trước khi khám, có thể bạn sẽ phải nhịn ăn đấy.

Bệnh đái tháo đường được chẩn đoán như thế nào

Bạn có thể sẽ được làm một hoặc nhiều xét nghiệm để sàng lọc bệnh đái tháo đường. Xét nghiệm phổ biến nhất là xét nghiệm HbA1c, đây là xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết trung bình của bạn trong vòng hai đến ba tháng trước đó. Vì xét nghiệm sẽ đo lượng đường trong máu gắn với Hemoglobin, đường huyết càng cao thì càng nhiều đường bám vào Hemoglobin.

Nếu kết quả xét nghiệm của bạn HbA1c từ 6.5% trở lên với hai xét nghiệm khác nhau thì bạn sẽ được chẩn đoán đái tháo đường. Ngoài ra bạn sẽ được chẩn đoán tiền đái tháo đường nếu mức HbA1c của bạn nằm trong khoảng từ 5,7 đến 6,4%. Ngoài ra các kết quả dưới 5.7% được coi là bình thường.

Các xét nghiệm khác gồm:

  • Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên: Bác sĩ sẽ lấy máu của bạn để xét nghiệm vào một thời điểm bất kỳ. Nếu đường huyết của bạn cao hơn 11,1 mmol/l thì rất có thể bạn đã mắc bệnh đái tháo đường
  • Xét nghiệm đường huyết lúc đói: Sau khi nhịn đói từ 8 đến 12h, bạn sẽ được lấy máu làm xét nghiệm. Nếu đường huyết của bạn cao hơn 7,0 mmol/l thì khả năng cao bạn đã mắc bệnh đái tháo đường

Ngoài ra còn thử nghiệm dung nạp glucose đường uống, thường được sử dụng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ. Khi thực hiện thử nghiệm này bạn sẽ được làm xét nghiệm đường huyết lúc đói, sau đó bạn được uống một dung dịch có đường và làm xét nghiệm lại sau 2h. Nếu đường huyết của bạn lúc đó bằng hoặc cao hơn 11,1 mmol/l thì bạn đã mắc bệnh đái tháo đường.

 

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment