Bạn mới làm mẹ lần đầu? Bạn thắc mắc cho bé bú bình như thế nào? Liệu cho bé bú bình có tốt không?
Cho dù bạn sẽ nuôi con hoàn toàn bằng sữa công thức, kết hợp nó với việc cho con bú hoặc sử dụng bình sữa đựng sữa mẹ vắt ra, đây là tất cả mọi thứ bạn cần để bắt đầu cho bé bú bình.
Mục lục
- Khi nào bạn nên cho trẻ bú bình?
- Dấu hiệu khi bé đói bụng
- Các vấn đề thường gặp khi cho bé bú bình
- Mẹo rót sữa vào bình
- Những điều không nên làm khi cho bé bú bình
- Nguyên tắc vệ sinh khi cho trẻ bú bình
- Cho bé ăn bao nhiêu là đủ?
- Loại bình sữa nào phù hợp với bé?
- Giao tiếp với em bé trong thời gian bú bình
- Cách tập cho bé bú bình
Khi nào bạn nên cho trẻ bú bình?
Hầu hết trẻ sơ sinh đều không gặp khó khăn gì trong việc tìm ra cách mút từ núm vú bình sữa, đó là tin tốt nếu bạn sử dụng bình sữa ngay từ đầu. Núm vú bình sữa khá là giống núm vú của mẹ nên bé có thể mút một cách tự nhiên.
Tuy nhiên, nếu bạn đang cho con bú, bạn nên đợi hai hoặc ba tuần để dùng bình sữa cho bé. Cho con bú bình sớm hơn có thể có khả năng can thiệp vào việc bú sữa mẹ, không phải vì cái gọi là “nhầm lẫn núm vú” mà bởi vì ngực của bạn có thể không được kích thích đủ để tăng sản xuất sữa đáp ứng nhu cầu của bé sau này. Nếu bạn để bé bú bình muộn, rất có thể sau này bé sẽ từ chối vì cảm thấy bình sữa xa lạ, bé đã quá quen với việc bú mẹ.
Dấu hiệu khi bé đói bụng
Tốt nhất, bạn nên cho bé ăn khi bé mới có dấu hiệu đói. Đừng chờ đợi đến khi bé khóc. Lúc đó, em bé của bạn có thể đã rất đói, đặc biệt là khi bé khóc lâu hơn.Thiên thần của bạn tuy bé nhỏ nhưng bé sẽ biết biểu lộ đói bụng bằng nhiều cách, chỉ cần bạn để ít chút xíu thôi. Chẳng hạn như:
- Rúc vào ngực bạn
- Mút mạnh ngón tay của bé (hoặc áo hay cánh tay của bạn)
- Mở miệng
- Phản xạ bú (bé mở miệng và quay đầu sang một bên để tìm nguồn thức ăn, thường là sau khi bé được vuốt ve má)
- Mút môi hoặc lưỡi (có thể trông giống như em bé lè lưỡi)
- Tạo ra âm thanh chóp chép
- Bé nằm lăn lộn, cựa quậy.
Các vấn đề thường gặp khi cho bé bú bình
Một trong những lợi ích của việc bú bình là ngoài mẹ thì bố, ông bà và thậm chí là anh trai/ chị gái của bé có thể cho bé ăn. Chia sẻ công việc cho mọi người và bà mẹ sẽ không thấy “quá tải” sau sinh.
Hãy nhớ rằng khi bạn cho em bé sử dụng bình sữa, một số bé có thể bú dễ dàng trong khi những đứa trẻ khác cần thực hành thêm một chút (và dỗ dành) để có thể bú hiệu quả. Những tips sau đây sẽ hỗ trợ bạn và em bé phần nào:
Hãy cho bé biết rằng sữa sắp tới bằng cách dùng ngón tay hoặc đầu vú vuốt ve má bé
Điều đó sẽ khuyến khích bé có phản xạ bú – hoặc xoay mặt theo hướng được vuôt ve. Sau đó nhẹ nhàng đặt núm vú trên bình giữa hai môi bé và hy vọng bé sẽ bắt đầu mút. Nếu em bé vẫn không mút, hãy nhỏ một giọt sữa trên môi bé để kích thích bé.
Nên nghiêng chai lên để sữa luôn lấp đầy núm vú
Nếu bạn không nghiêng trai, không khí sẽ lấp đầy một phần của nó, em bé sẽ bú sữa kèm với không khí, hoàn toàn không có lợi cho em bé một tý nào. Sử dụng lót chai dùng một lần (tự động xì hơi và loại bỏ túi khí) hoặc chai có góc cạnh giữ cho sữa được đặt gần núm vú của bình là những cách hữu ích khác để giảm thiểu khí vào miệng em bé. Giữ em bé tựa vào vòng tay của bạn thay vì nằm ngang cũng có thể làm bé nuốt ít khí hơn.
Hãy theo dõi các dấu hiệu cho thấy em bé của bạn đã ăn đủ để bạn không cho bé ăn dư
Trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh, không thể nào bú cạn một bình đầy. Nếu em bé của bạn ngủ thiếp đi sau khi uống vài ounce, có lẽ bé đã ăn đủ rồi. Nếu em bé quay lưng lại với cái chai một cách khó chịu chỉ sau vài phút mút, có thể bé đang bú cả không khí. Nếu trường hợp đó xảy ra, bạn cần chờ cho em bé ợ rồi cho bú bình lại. Nếu em bé vẫn ngoảnh mặt đi, hãy coi đó là dấu hiệu cho thấy bữa ăn đã kết thúc.
Hãy chắc chắn rằng núm vú bạn đang sử dụng phù hợp với em bé của bạn
Nếu em bé phát ra tiếng kêu và tiếng rít trong khi bú, sữa có xu hướng chảy ra từ khóe miệng, dòng chảy có thể quá nhanh. Nếu em bé dường như làm việc rất chăm chỉ trong việc mút và hành động bực bội, có thể dòng chảy quá chậm. Nếu dòng chảy quá chậm, bạn hãy nới lỏng nắp một chút (nếu nắp quá chặt nó có thể tạo ra áp lực chân không), hoặc thử đổi cho em bé một núm vú mới.
Tận hưởng thời gian tiếp xúc tương tác với em bé
Cho bé bú bình là một cơ hội tuyệt vời để gần gũi với bé. Vì vậy, hãy dành thời gian để âu yếm em bé, nhìn vào mắt em bé và nói chuyện hoặc hát nho nhỏ với em bé. Bạn thậm chí có thể mở áo sơ mi của bạn để tiếp xúc da kề da nếu bạn muốn cho thêm sự gắn bó.
Mẹo rót sữa vào bình
- Trộn sữa hoặc sữa bột vào 1 cái bát hay cái cốc riêng. Bạn nên cẩn thận khi pha sữa bột vào bình sữa vì lúc này, các bọt khí sẽ dễ dàng hình thành. Khuấy nhẹ sữa trong lúc pha để tránh bong bong khí.
- Tránh rót sữa quá cao so với bình sữa. Thay vào đó, mẹ có thể đặt bát hoặc cốc càng gần mép chai càng tốt và từ từ đổ sữa vào chai. Nếu đổ sữa công thức ra chén hoặc bình sữa quá cao, sữa sẽ rơi xuống đáy bình và dễ hình thành bọt khí. Đổ sữa từ từ giúp chắc chắn việc không hình thành bọt khí khi pha sữa.
- Tránh lắc chai. Nếu pha sữa công thức, mẹ nên khuấy sữa chứ không phải lắc chai. Việc lắc mạnh chai có thể khiến bong bong khí xuất hiện. Khuấy sữa bằng đũa gỗ hoặc bằng dao giúp sữa hòa tan tốt hơn.
- Để bình sữa một lúc trước khi cho bé bú. Bạn nên pha sữa trước 5-10 phút thời gian cho bé bú sữa. Để bình sữa đứng lúc pha sữa giúp tăng thời gian phân hủy và tan các bọt khí. Ngoài ra, chuẩn bị sữa cho bé trước thời gian cho bé bú để tránh việc vội vã khi pha sữa. Khi vội, bạn có khả năng khuấy sữa nhanh hơn, điều này dẫn đến hình thành các bong bóng.
Những điều không nên làm khi cho bé bú bình
KHÔNG làm ấm bình sữa trong lò vi sóng
Sử dụng lò vi sóng làm nóng đồ ăn rất tiện lợi nhưng lò vi sóng có thể làm nóng chai không đều, tạo ra những điểm nóng có thể làm bỏng miệng bé. Thay vào đó, hãy để bình sữa dưới nước nóng trong vài phút, đặt nó vào một cái bát có nước nóng hoặc sử dụng máy hâm sữa. Bạn cũng có thể bỏ qua việc hâm nóng hoàn toàn nếu bé hài lòng với đồ uống mát. Trước khi bạn bắt đầu cho bé ăn, hãy khuấy đều sữa, sau đó kiểm tra nhiệt độ bằng cách nhỏ một vài giọt ở bên trong cổ tay sẽ cho bạn biết nếu nó quá nóng. Nếu nó quá nóng, bạn có thể làm mát bình sữa bằng cách để dưới vòi nước mát đang chảy hoặc ngâm trong trong một cái chậu nhỏ chứa nước mát. Nhớ kiểm tra lại độ nóng trên cổ tay của bạn trước khi cho bé uống. Nếu bạn cảm thấy ấm, sữa có thể dùng rồi.
KHÔNG cho bé đi ngủ với bình sữa
Điều này không chỉ gây ra nguy cơ nghẹt thở, mà còn có thể dẫn đến nhiễm trùng tai và sâu răng (tất nhiên khi em bé đã có một số răng).
KHÔNG thêm ngũ cốc vào sữa công thức hoặc sữa mẹ
Bất chấp có nhiều quảng cáo cho rằng làm như vậy sẽ giúp em bé của bạn ngủ qua đêm, đây là một điều chắc chắn không nên làm. Ngũ cốc rất khó cho trẻ nuốt. Nếu bạn nghĩ rằng em bé cần được ăn nhiều hơn khuyến cáo, nên tìm gặp người có chuyên môn để được tư vấn.
KHÔNG pha sữa sai chỉ dẫn
Có rất nhiều nghiên cứu về dinh dưỡng trong sữa bột trẻ em, vì vậy hãy đọc kỹ hướng dẫn chuẩn bị và tuân thủ chúng. Các công thức khác nhau có thể yêu cầu tỷ lệ khác nhau của bột / chất lỏng với nước. Thêm quá nhiều nước và em bé của bạn sẽ không nhận được dinh dưỡng cần thiết. Thêm quá ít nước, và bạn có nguy cơ mất nước và thận hoạt động quá tải.
KHÔNG bao giờ dùng lại sữa thừa
Bạn nên ghi nhớ, dùng 1 bình sữa hoàn toàn mới cho mỗi lần bú và vứt bỏ lượng sữa thừa khi bé bú không hết. Không bao giờ tích trữ lượng sữa thừa trong bình để dùng lại lần sau, điều này sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ của bé vì lượng sữa này có thể đã nhiễm khuẩn.
Nguyên tắc vệ sinh khi cho trẻ bú bình
Để phòng tránh việc vô tình đưa những tác nhân có hại vào cơ thể bé, bạn nên chú ý vấn đề vệ sinh khi pha sữa.
- Trước hết, bạn hãy rửa tay thật kỹ và đảm bảo khu vực chuẩn bị pha sữa phải sạch sẽ.
- Tiếp đến, bạn cần kiểm tra chắc chắn hạn sử dụng của sữa công thức. Chỉ nên sử dụng sữa trong vòng một tháng sau khi mở hộp.
- Khi pha sữa, bạn nên làm theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Các chỉ số chính xác rất quan trọng để đảm bảo em bé của bạn nhận được đầy đủ dinh dưỡng.
- Đun sôi nước sạch và dùng nước mới và không để nước nguội lâu hơn 30 phút trước khi dùng để khuấy sữa công thức. Nước nóng giúp diệt vi khuẩn có thể có trong bột sữa.
- Đổ đúng lượng nước sôi quy định vào bình sữa. Tiếp đến, dùng thìa đong đi kèm trong hộp sữa công thức để đo chính xác đúng và đủ lượng bột mỗi lần dùng. Thìa đong của từng loại sữa công thức có thể lớn hơn hoặc nhỏ hơn những sản phẩm của hãng khác nhưng mẹ không bao giờ sử dụng một nửa thìa hay một thìa vun, một thìa nén chặt. Bạn chỉ cần múc 1 thìa sữa đầy, gạt ngang là được. Sau đó, đổ bột sữa vào bình sữa đã chứa sẵn nước lúc nãy, vặn nắp vặn, đậy nắp ngoài rồi lắc nhẹ để hoà tan hỗn hợp.
- Vi trùng rất dễ sinh sôi trong sữa pha sẵn, nên bạn chỉ nên chuẩn bị sữa ngay trước khi cho bé uống. Không nên pha 2-3 bình để sẵn. Nếu bạn đi ra ngoài trong ngày, cách an toàn nhất là bạn nên trữ nước sôi để nguội và chia lượng sữa bột cần thiết trong dụng cụ chia sữa. Khi cần uống mới pha thành hỗn hợp sữa mới.
Khi hộp sữa đã dùng hết, bạn phải bỏ đi cùng với cả thìa đong đi kèm trong hộp sữa.
Cho bé ăn bao nhiêu là đủ?
Lượng sữa công thức thích hợp dành cho bé tùy thuộc vào độ tuổi và cân nặng của bé:
- Từ 5 ngày – 3 tháng tuổi, mỗi ngày một em bé khỏe mạnh và sinh đủ tháng sẽ cần khoảng 150ml sữa công thức trên mỗi kg trọng lượng cơ thể. Ví dụ, bé nặng 3 kg sẽ cần 450ml sữa công thức mỗi ngày.
- Từ 3 – 6 tháng tuổi, mỗi ngày, bé cần khoảng 120ml sữa công thức cho mỗi kg trọng lượng cơ thể.
- Từ 6 – 12 tháng tuổi, mỗi ngày bé cần khoảng 90 -120ml sữa/mỗi kg trọng lượng cơ thể.
Trẻ sinh non cần được uống nhiều sữa hơn. Ban đầu, mỗi ngày, bé thường cần khoảng 160-180ml sữa/mỗi kg trọng lượng cơ thể. Tuy nhiên, bạn cần có sự hướng dẫn của người có chuyên môn trước khi quyết định mình sẽ làm gì. Nếu bạn lo lắng về sức ăn và mức độ tăng trưởng của bé, những lời khuyên từ bác sĩ là rất cần thiết.
Loại bình sữa nào phù hợp với bé?
- Sử dụng bình sữa có góc cạnh: Bình sữa có góc hoặc nghiêng giúp giữ sữa luôn ở trên cùng của chai, nơi có núm vú ngay cả khi miệng bé di chuyển xung quanh bình sữa. Điều này giúp bé ngậm hết núm vú ở tất cả các lần bú sữa.
- Thử sử dụng bình sữa có van một chiều: Những bình sữa được thiết kế đặc biệt để không khí không lọt vào được. Lấy núm vú ra khỏi bình bằng cách xoay van một chiều. Sử dụng bình sữa có van ở đầu. Van này cho phép chỉ đủ lượng không khí vào chai để em bé có thể bú một cách dễ dàng, mà không làm xuất hiện nhiều bong bóng khí.
- Thử chai có ống hút như lỗ thông hơi: Trong trường hợp này,ống hút không thực sự dùng để uống. Thay vào đó, ống hút hoạt động như một lỗ thông hơi, điều này giúp bé bú sữa dễ dàng mà không nuốt phải bất cứ bong bóng khí nào
- Hãy thử chọn các bình có hoạt tiết sặc sỡ, những bình sữa màu mè thường thu hút sự thích thú của trẻ.
Giao tiếp với em bé trong thời gian bú bình
Nếu bạn lo lắng rằng bạn sẽ không gắn kết với bé nhiều nếu như bạn cho bé bú bình hơn so với cho bé bú trực tiếp đừng quá lo lắng. Bữa ăn là thời gian mọi người ở và giao tiếp cùng nhau. Cũng như người lớn, trẻ em và cả các bé sơ sinh đều thích nói chuyện khi chúng đang được “ăn”. Khi mẹ cho bé dùng sữa công thức, ẵm sát bé vào người, để bé nhìn thấy mặt bạn và thì thầm to nhỏ cùng bé. Điều này sẽ là một trải ngiệm rất thú vị cho cả 2 mẹ con.
Cách tập cho bé bú bình
Bạn có gặp khó khăn thì chuyển đối cho em bé từ bú sữa mẹ trực tiếp chuyển sang bú bình? Nếu bạn may mắn, em bé của bạn sẽ coi nó như một người bạn cũ, háo hức mút và không khóc quấy gì cả. Hoặc em bé có thể mất một ít thời gian để làm quen với nguồn thực phẩm mới và lạ lẫm này.
Duy trì cho trẻ bú mẹ khi chuyển sang bú bình:
- Trẻ đang bú bình không có nghĩa là không cho trẻ bú mẹ giữa, trước và sau khi bú bình.
- Áp bé vào ngực bạn khi cho bé bú bình.
- Trẻ vẫn thích bú ngay cả khi lượng sữa sản sinh ra không nhiều. Việc cho trẻ bú sẽ giúp kích thích sản sinh sữa và cung cấp đủ lượng sữa cần thiết cho trẻ.
- Nếu bạn vắt sữa, hãy vắt đồng thời cả hai bên. Điều này giúp tăng kích thích sản sinh sữa.
- Khi mẹ “xuống sữa” và sữa đang chảy, việc vắt sữa trở nên đơn giản hơn. Hãy nghĩ về bé, ôm bé, ôm bé gần với bạn, tập trung vào thư giãn và ngửi mùi da bé trước khi vắt sữa sẽ giúp bạn tạo phản xạ xuống sữa.
- Máy hút sữa khá phổ biến, bạn có thể mua, thuê hoặc mượn. Chi phí ban đầu có thể cao nhưng so sánh với chi phí mua sữa bột, bạn sẽ thấy sữa mẹ vẫn là sự lựa chọn rẻ hơn về lâu dài.
- Nếu bạn ít sữa, bạn có thể cho bé bú sữa mẹ trước, sau đó dùng sữa vắt và/hoặc sữa bột. Chuẩn bị sẵn sàng trước khi cho bé bú để không bị gián đoạn giữa bú mẹ và bú bình bổ sung. Cho bé bú lâu hơn 1 giờ sẽ ảnh hưởng đến việc cho bú và bé sẽ bị mệt.
Bạn có thể sắp xếp thời gian cho bé bú bình.Ví dụ, nếu lịch trình công việc của bạn sẽ yêu cầu bạn thường xuyên bỏ lỡ hai lần cho ăn trong ngày, hãy chuyển sang bú bình một lần, bắt đầu khoảng hai tuần trước khi bạn có kế hoạch đi làm trở lại. Cho bé bú bình dần dần trong khi vẫn bú mẹ để làm quen với việc bú bình. Điều này không chỉ giúp bé điều chỉnh dần dần mà cả việc tiết sữa của bạn cũng sẽ không bị ảnh hưởng.
Khi cho bé bú bình, mỗi bé có xu hướng phản ứng và thích nghi khác nhau. Nhưng rồi bé yêu của bạn sẽ thích nghi và trở nên thích thú với chiếc bình sữa đáng yêu đó.