Tiểu đường

Đái tháo đường type 2 và sức khỏe răng miệng

Mối liên quan giữa đái tháo đường type 2 và sức khỏe răng miệng

Bệnh đái tháo đường ảnh hưởng tới khả năng sử dụng glucose hay chính là đường trong máu của cơ thể. Bệnh đái tháo đường có thể gây ra nhiều biến chứng, bao gồm biến chứng về thần kinh, bệnh tim, đột quỵ, bệnh thận và thậm chí cả mù lòa. Ngoài ra đái tháo đường cũng ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe răng miệng của bạn.

Theo Hiệp hội đái tháo đường Hoa Kỳ, những người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ cao bị viêm lợi, các bệnh lý về nướu (lợi), viêm nha chu (nhiễm trùng nướu nghiêm trọng đi kèm với tiêu hủy xương răng). Nguyên nhân do bệnh đái tháo đường làm ảnh hưởng tới khả năng chống lại vi khuẩn gây nhiễm trùng nướu và ngược lại các bệnh về răng miệng cũng sẽ làm ảnh hưởng tới khả năng quản lý, kiểm soát đường huyết của cơ thể.

Đái tháo đường cũng là nguyên nhân gây tăng nguy cơ nhiễm nấm âm đạo ở miệng – đây là một loại nấm thường xuất hiện ở âm đạo. Ngoài ra những người mắc bệnh đái tháo đường có thể bị khô miệng, tăng nguy cơ loét miệng, đau nhức, sâu răng và nhiễm trùng răng miệng.

Các nhà nghiên cứu nói gì?

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên tạp chí BMC Oral Health đã nghiên cứu trên 125 người mắc bệnh đái tháo đường type 2. Các nhà nghiên cứu đã thống kê các yếu tố bao gồm mất răng, tỷ lệ mắc bệnh nha chu, và chảy máu chân răng.

Nghiên cứu cho thấy rằng những người mắc bệnh đái tháo đường càng lâu, đường huyết lúc đói càng cao và HbA1c càng cao thì càng có nhiều khả năng bị bệnh nha chu và chảy máu chân răng.
Những người mắc bệnh đái tháo đường mà không quản lý tốt đường huyết thì tỷ lệ bị mất răng tăng cao so với những người kiểm soát tốt đường huyết của mình hơn.

Các yếu tố nguy cơ

Người mắc bệnh đái tháo đường có nguy cơ gặp phải các vấn đề về răng miệng cao hơn những người bình thường khác. Ngoài ra nếu bạn vừa hút thuốc vừa mắc bệnh đái tháo đường thì sức khỏe răng miệng của bạn còn bị đe dọa ở mức báo động hơn so với bình thường.

Khi nhắc tới vấn đề khô miệng ở bệnh nhân đái tháo đường thì hiện nay có tới hơn  400 loại thuốc liên quan tới khô miệng. Chúng bao gồm các loại thuốc thường được sử dụng để điều trị đau dây thần kinh do bệnh đái tháo đường, hoặc bệnh thần kinh đái tháo đường. Bạn nên trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ này của thuốc nếu bạn gặp phải. Nếu cần thiết thì bạn có thể sử dụng các thuốc súc miệng để giảm triệu chứng khô miệng.

Dấu hiệu cảnh báo

Các bệnh về răng miệng liên quan tới đái tháo đường  không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Vì vậy điều quan trọng là bạn phải đi khám răng thường xuyên. Tuy nhiên có một số triệu chứng mà bạn có thể tự nhận thấy bao gồm:

  • Chảy máu chân răng, đặc biệt là khi bạn đánh răng hoặc dùng chỉ nha khoa
  • Bạn cảm thấy các răng không còn khớp với nhau như trước
  • Hơi thở hôi, ngay cả sau khi bạn đã đánh răng
  • Tụt lợi, khiến cho răng của bạn trông có vẻ dài hơn hoặc to hơn bình thường
  • Răng lung lay
  • Lợi đỏ hoặc sưng

Phòng ngừa

Cách tốt nhất để bạn có thể ngăn ngừa các biến chứng liên quan tới bệnh đái tháo đường và sức khỏe răng miệng của bạn chính là duy trì, kiểm soát và tối ưu đường huyết của bạn. Hãy kiểm tra đường huyết thường xuyên và trao đổi với bác sĩ nếu bạn không thể kiểm soát được đường huyết của bạn với chế độ ăn, uống thuốc hoặc thậm chí là insulin.

Bạn cũng nên chăm sóc tốt răng miệng của mình bằng cách đánh răng thường xuyên, dùng chỉ nha khoa và đi khám định kỳ. Nếu bạn thấy có bất kỳ dấu hiệu bất thường gì về răng miệng thì hãy điều trị  nha khoa ngay lập tức.

Hãy kiểm tra răng miệng của bạn hằng ngày, chú ý tới các mảng trắng trong khoang miệng hay các vùng chảy máu nhé.

Trước khi thực hiện bất cứ thủ thuật nào liên quan tới răng miệng, hãy chắc chắn rằng bạn đã kiểm soát tốt đường huyết của mình vì nếu đường huyết bạn quá cao thì bạn dễ có nguy cơ bị nhiễm trùng sau thủ thuật.

Điều trị

Điều trị sức khỏe răng miệng liên quan tới bệnh đái tháo đường phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Ví dụ bệnh viêm nha chu có thể được điều trị bằng cách làm sạch sâu loại bỏ cao răng từ trên xuống dưới đường lợi, kết hợp với dùng thuốc kháng sinh.
Nếu nặng hơn thì có thể bạn sẽ phải phẫu thuật lợi để ngăn ngừa nguy cơ mất răng.

Lời khuyên

Chỉ cần chú ý cẩn thận đến kiểm soát bệnh đái tháo đường và sức khỏe răng miệng của bạn thì bạn hoàn toàn có thể duy trì răng và lợi khỏe mạnh. Hãy đi khám nha thường xuyên và nhớ báo cáo rằng mình mắc bệnh đái tháo đường nhé, bác sĩ sẽ cung cấp các phương pháp điều trị tốt nhất cho bạn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment