Triệu chứng

Đau vai: Nguyên nhân, chẩn đoán và cách điều trị

Cấu tạo của vai bao gồm một số khớp kết hợp với gân và cơ để cho phép cơ thể thực hiện một loạt các chuyển động cánh tay. Vai là khớp linh hoạt nhất trong cơ thể người, và liên quan đến nhiều hoạt động hàng ngày, từ việc bạn chải tóc hay đến việc cầm một cốc nước. Vì vậy, thật dễ hiểu tại sao bạn muốn “đá bay” cơn đau vai ngay lập tức.

Đau vai là một triệu chứng thường gặp. Nguyên nhân gây ra đau vai cũng có rất nhiều. Đau vai có thể do thoái hóa khớp, rách cơ, viêm gân và một số nguyên nhân khác. Bạn có thể cảm thấy đau chỉ khi bạn di chuyển vai hoặc bạn có thể cảm thấy đau vai liên tục. Cơn đau có thể là tạm thời hoặc kéo dài gây ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày, cần chẩn đoán và điều trị y tế.

Bài viết này giải thích một số nguyên nhân phổ biến của đau vai cũng như một số lựa chọn điều trị chung. Bác sĩ có thể cung cấp cho bạn thông tin chi tiết hơn về trường hợp của bạn.

Xem thêm: Đau lưng: Nguyên nhân, chẩn đoán và những phương pháp trị đau lưng

Giải phẫu vai

đau vai

Rất nhiều cấu trúc giải phức tạp làm cho vai có khả năng hoạt động linh hoạt. Vai bao gồm ba xương – xương cánh tay (humerus), xương bả vai (scapular) và xương đòn (clavivle). Phần đầu trên của xương cánh tay (có hình dạng giống như quả bóng) khớp vào một hốc nông (ổ chảo) trên xương bả vai. Trong khi các dây chằng giữ cho “quả bóng” nằm trong hốc, thì các cơ chóp xoay (cũng bao phủ phần xương cánh tay) cho phép bạn nâng và xoay cánh tay. Nếu có vấn đề nào với bất kỳ phần nào của nhóm cấu trúc này có thể khiến bạn bị đau vai.

Nguyên nhân gây đau vai

Hầu hết các vấn đề về vai rơi vào bốn loại chính:

  • Viêm gân hoặc rách gân
  • Viêm khớp
  • Gãy xương
  • Sự mất vững

Các nguyên nhân khác ít phổ biến hơn của đau vai là khối u, nhiễm trùng và các vấn đề liên quan đến thần kinh.

Đau bên ngoài vai

Nguyên nhân thường thấy nhất của cơn đau ngoài vai là do gặp vấn đề về các cơ chóp xoay.

Vấn đề về các cơ chóp xoay

Có 4 cơ chóp xoay quan trọng giúp di chuyển vai. Đây không phải là những cơ bắp lớn giúp nâng vật nặng, nhưng chúng rất quan trọng để di chuyển vai bình thường. Chóp xoay được hình thành từ bốn gân cơ tại vùng vai của bạn (gồm gân của các cơ trên gai, dưới gai, dưới vai và cơ tròn bé), có nhiệm vụ giữ cánh tay bạn cố định vào đầu xương bả vai và đồng thời thực hiện các chức năng vận động. Va chạm hoặc rách chóp xoay là những loại tổn thương thông thường có thể xảy ra với chóp xoay của bạn.

Có ba vấn đề chính của cơ chóp xoay: viêm gân, viêm bao hoạt dịch và rách chóp xoay. Viêm bao hoạt dịch và viên gân chóp xoay xảy ra khi túi hoạt dịch (một khoang chứa đầy chất lỏng) và gân (kết nối các cơ vai của bạn với xương cánh tay của bạn) bị viêm. Rách chóp xoay xảy ra khi các gân cơ chóp xoay tách rời khỏi xương.

Về mặt triệu chứng, vấn đề về các cơ chóp xoay thường gây đau đớn khi thực hiện các hoạt động như với, chạm hoặc ném. Ngoài ra, đau nhức sâu trong vai do gặp vấn đề về cơ chóp xoay có xu hướng trở nên tồi tệ hơn hoặc bùng phát vào ban đêm. Nó có thể làm cho bệnh nhân bị thức giấc hoặc khó ngủ.

Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khá đơn giản và dễ nhận biết. Chúng bao gồm: Cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp, sưng và tấy đỏ, cơn đau thường năng hơn khi bạn di chuyển hoặc ấn vào.

Xét về vận động, biên độ vận động bị giới hạn là triệu chứng điển hình khi gặp vấn đề về các cơ chóp xoay. Khi cơ bị tổn thương hoặc bị viêm, bạn sẽ khó có thể làm công việc một cách bình thường, vai thường cảm thấy cứng. Tuy nhiên, nếu ai đó giúp bạn nhấc cánh tay lên, vai có thể vận động bình thường.

Đông cứng vai

Còn được gọi là “viêm dính bao khớp vai”, đông cứng vai là một tình trạng thường gặp, trong đó khớp bị cứng và đau dai dẳng hoặc không thoải mái khi đưa tay về phía sau lưng hay qua đầu. Bất kỳ cơn đau vai nào cuối cùng cũng dẫn tới đông cứng vai. Nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tình trạng này là viêm gân cơ chóp xoay.

Cuối cùng, bệnh nhân bị đông cứng vai sẽ giảm biên độ vận động thụ động (phạm vi vận động bác sĩ có thể làm khi vận động vai của bạn), cũng như giảm biên độ vận động chủ động (phạm vi vận động mà bạn có thể tự làm một mình).

Hội chứng chèn ép

Hội chứng chèn ép xảy ra khi mỏm cùng vai chèn lên mô mềm bên dưới lúc bạn dạng vai. Khi bạn dạng vai, mỏm cùng vai chà xát lên túi hoạt dịch và gân cơ chóp xoay bên dưới, có thể dẫn đến viêm túi hoạt dịch, viêm gân và rách gân cơ chóp xoay, gây ra đau và giới hạn vận động vai.

Viêm gân vôi hóa

Viêm gân vôi hóa được mô tả là một tình trạng mà các tinh thể canxi lắng đọng trong gân, phổ biến nhất là trong các gân cơ chóp xoay. Sự hao mòn và tổn thương do lão hóa là nguyên nhân chính gây ra sự vôi hóa thoái hóa. Khi chúng ta già đi, lưu lượng máu đến các gân chỏm xoay vai giảm đi, điều này làm cho gân yếu hơn. Do sự hao mòn và tổn thương khi chúng ta sử dụng vai, các sợi dây chằng bắt đầu bị rạn và rách, giống như một sợi dây bị mòn. Canxi lắng đọng hình thành trong các dây chằng bị tổn thương là một phần của quá trình làm lành vết thương.

Nguyên nhân gây ra phản ứng vôi hóa chưa được biết rõ. Nó dường như không liên quan đến thoái hóa, mặc dù có nhiều khả năng gây đau vai hơn vôi hóa thoái hóa. Các bác sĩ cho rằng phản ứng vôi hóa có ba giai đoạn. Trong giai đoạn tiền canxi, dây chằng thay đổi theo cách làm cho canxi tích tụ dễ hình thành hơn. Trong giai đoạn canxi hóa, tinh thể canxi lắng đọng trong gân. Sau đó, chúng bắt đầu biến mất. Cơ thể chỉ đơn giản là hấp thụ các canxi tích tụ này. Trong giai đoạn này, cơn đau có nhiều khả năng xảy ra nhất. Trong giai đoạn hậu vôi hóa, cơ thể chữa lành gân và gân được phục hồi với mô mới.

Tình trạng này thường gây ra đau vai từ từ tăng lên, tồi tệ hơn vào ban đêm và khi chuyển động đưa tay qua đầu, như mặc áo sơ mi. Bạn có thể có đợt đau dữ dội khi canxi phóng thích ra mô xung quanh. Một số người sẽ phát triển đau vai thành mãn tính, nhiều người có các triệu chứng tự biến mất sau hơn 3–6 tháng.

Đau phần trước vai

Đau ở phía trước vai thường liên quan đến gân cơ nhị đầu, gắn sâu bên trong vai. Vấn đề của cơ nhị đầu bao gồm viêm gân, tổn thương SLAP và rách cơ nhị đầu.

Viêm gân cơ nhị đầu

Những người bị viêm gân nhị đầu thường bị đau dần dần ở phía trước vai, vùng rãnh cơ nhị đầu. Cơn đau thường tồi tệ hơn khi bạn nâng tay lên xuống, xách túi nặng hoặc các hoạt động đưa tay qua đầu. Đau của viêm gân cơ nhị đầu thì liên tục và dữ dội, nó khu trú ở phía trước vai bên trên rãnh nhị đầu. Cảm giác mắc kẹt có thể đi kèm với cơn đau.. Các vấn đề với gân cơ nhị đầu cũng có thể gây ra tiếng click khi vai quay vòng cung. Giống như các vấn đề về cơ chóp xoay, cơn đau có thể tồi tệ hơn vào ban đêm. Bệnh nhân hay bị rối loạn giấc ngủ

Đứt gân nhị đầu

Tình trạng nghiêm trọng hơn, đau vai do đứt gân nhị đầu, nghĩa là cơ nhị đầu bị đứt gần khớp. Các triệu chứng của đứt gân nhị đầu bao gồm một tiếng “pop” đột ngột cùng với một cơn đau cấp tính trầm trọng, cũng như bầm tím, sưng và thường là sự hình thành của khối tụ ngay trên mặt trước khuỷu tay.

Tổn thương SLAP

Rách sụn viền phía trên từ trước ra sau, thường được gọi là tổn thương SLAP, là một dạng đặc biệt của rách sụn viền ổ chảo. Nguyên nhân phổ biến nhất là bạn chống tay khi té. Tổn thương này cũng là một chấn thương phổ biến trong các vận động viên phải ném cao qua đầu (ví dụ như người ném banh trong bóng chày) hoặc công nhân thực hiện các động tác tay qua đầu lặp đi lặp lại. Các triệu chứng có thể bao gồm một cơn đau vai sâu, cảm giác vướng khi vận động và vai tạo âm thanh khi chuyển động (tiếng răng rắc).

Thoái hóa khớp vai

Quá trình thoái hóa khớp vai thường diễn tiến nhanh hơn khi con người bước qua tuổi 40. Tuy nhiên, bệnh lý này đang có xu hướng trẻ hóa dần do thói quen ăn uống và tính chất công việc của người hiện đại.

Đây là căn bệnh thường tiến triển từ từ với những triệu chứng mờ nhạt và không rõ ràng, dễ nhầm lẫn với cơn đau cơ học. Để phát hiện sớm, bạn nên chú ý một số dấu hiệu sau:

  • Khớp bị sưng đỏ: Khi bị thoái hóa khớp vai sẽ khiến vị trí các khớp có cảm giác nóng ấm, sưng nề, đôi lúc ảnh hưởng đến cả cánh tay, cổ và gáy, khi dùng tay ấn mạnh có cảm giác đau.
  • Đau nhức tại khớp vai: Cơn đau khớp vai xuất hiện nhiều khi người bệnh vận động mạnh, đêm ngủ hoặc buổi sáng thức dậy. Càng về sau, triệu chứng bệnh thoái hóa khớp vai này sẽ càng nặng thêm, đôi khi không rõ nguyên nhân.
  • Cứng khớp vai: Cảm giác cứng khớp vai thường đi kèm với biểu hiện đau khớp. Phần khớp cảm giác cứng nhắc, khó cử động, xem trên hình ảnh X-quang thấy xương bả vai và cánh tay thưa nhau hơn so với bình thường.
  • Hạn chế vận động: Triệu chứng thoái hóa khớp vai thể hiện rõ ràng nhất là hạn chế các vận động, những động tác như xoay cánh tay, đưa tay lên cao hoặc với cánh tay… gặp nhiều khó khăn do triệu chứng cứng và đau ở khớp bả vai.

Nói chung bệnh nhân bị thoái hóa khớp vai sẽ bị giảm phạm vi chuyển động chủ động và thụ động. Thoái hóa khớp vai tương đối không phổ biến và thường do một chấn thương ở cánh tay, cổ hoặc vai xảy ra nhiều năm trước đó.

Đau ở phần trên vai

Nguyên nhân phổ biến nhất gây đau ở phần trên vai là bất thường của khớp cùng đòn. Các vấn đề của khớp cùng đòn bao gồm viêm khớp cùng đòn, trật khớp cùng đòn và thoái hóa đầu ngoài xương đòn.

Viêm khớp cùng đòn

Viêm khớp vai ít gặp hơn viêm khớp gối và hông, nhưng khi tình trạng trở nặng, bạn có thể cần phẫu thuật thay khớp. Viêm khớp cùng đòn có thể gây ra gai xương và xương sụn trở nên sần sùi, làm giảm sự trơn láng. Xương tiếp xúc và bề mặt sụn không đồng đều có thể gây ra cảm giác kẹt rít, đặc biệt là khi đưa tay qua đầu hoặc chéo ngang ngực.

Trật khớp cùng đòn

Những người bị trật khớp cùng đòn thường do té ngã đập vai, gây ra tổn thương các dây chằng của khớp cùng đòn. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tổn thương các dây chằng, đầu ngoài xương đòn có thể nhô lên do sự tách rời của nó khỏi mỏm cùng của xương bả vai.

Các triệu chứng trật khớp xương cùng đòn gồm:

  • Sưng
  • Đau
  • Bầm tím
  • Vùng vai nhô cao hơn so với bình thường.

Hoại tử hủy đầu ngoài xương đòn

Hoại tử hủy đầu ngoài xương đòn là một tình trạng không phổ biến gây đau nhức khớp vai ở đầu ngoài xương đòn. Tình trạng này thường gặp nhất ở những vận động viên cử tạ hoặc ở những người phải liên tục nhấc hoặc mang vật nặng.

Đau cả vai

Vai của bạn phụ thuộc vào độ chắc của gân, dây chằng và cơ bắp để giữ cho nó ổn định. Nếu các mô trở nên lỏng lẻo hoặc bị rách, bạn có thể bị mất vững khớp vai hoặc trật khớp.

Mất vững khớp vai

Mất vững khớp vai là do sự liên kết của khớp lỏng lẻo. Sự mất vững có thể từ một chấn thương (trật khớp) hoặc do sử dụng khớp vai quá mức. Những người cảm thấy mất vững có thể cảm thấy vai họ sẽ rời ra.

Một số người sẽ bị mất vững đa chiều có (tình trạng dây chằng lỏng lẻo dẫn đến vai mất vững mãn tính). Mất vững đa chiều thường gặp ở những vận động viên nữ trẻ. Họ sẽ cảm thấy vai không được giữ chặt vị trí (bán trật khớp vai). Tình trạng này thường được mô tả là một “cánh tay chết” và có chuyển động vai quá mức.

Trật khớp vai

Trật khớp vai là một chấn thương xảy ra khi đầu trên xương cánh tay rời khỏi ổ chảo xương bả vai. Nếu bạn đã bị trật khớp vai 1 lần thì dây chằng bình thường giữ vai đúng vị trí có thể bị tổn thương và vai có xu hướng bị trật lại.

Các triệu chứng phổ biến của vai trật khớp bao gồm:

  • Biến dạng có thể nhìn thấy rõ bằng mắt thường
  • Sưng hoặc bầm tím vùng vai – cánh tay
  • Đau dữ dội
  • Không có khả năng di chuyển khớp
  • Tê, co giật hoặc yếu ở cánh tay, bàn tay, ngón tay.

Vai trật khớp cũng gây tê, yếu hoặc ngứa ran ở gần vùng chấn thương, chẳng hạn như ở cổ hoặc dưới cánh tay. Các cơ bắp ở vai có thể bị co thắt và làm tăng cường độ đau.

Các khớp vai là khớp thường xuyên bị trật khớp nhất của cơ thể vì nó di chuyển trong nhiều hướng khác nhau, vai có thể trật ra trước, sau hoặc đi xuống dưới. Bạn có thể trật vai hoàn toàn hoặc một phần, mặc dù hầu hết các trường hợp xảy ra ở mặt trước của vai. Ngoài ra, mô sợi nối xương vai có thể bị kéo dài hoặc rách, làm tình trạng phức tạp hơn.

Phải mất một lực rất mạnh, chẳng hạn như một va chạm bất ngờ vào vai, để kéo xương ra khỏi vị trí ban đầu. Nếu bạn xoay cực khớp vai quá mức cũng có thể làm bật đầu trên xương cánh tay khỏi hõm vai. Ben cạnh đó, trật khớp một phần cũng có thể xảy ra.

Một số nguyên nhân gây ra trật khớp vai, bao gồm:

  • Chấn thương khi chơi thể thao: Vai trật khớp là tình trạng thường gặp trong các môn thể thao như bóng đá, khúc côn cầu và các môn thể thao dễ té ngã, chẳng hạn như trượt tuyết đổ đèo, thể dục và bóng chuyền.
  • Chấn thương không liên quan đến thể thao: tai nạn xe cộ là nguyên nhân phổ biến gây ra trật khớp.
  • Té ngã: bạn có thể trật vai do ngã, chẳng hạn như ngã từ thang hoặc sàn nhà trơn trượt.

Gãy xương

Ngoài ra, có thể gặp nguyên nhân đau vai do gãy xương. Gãy xương vai thường liên quan đến xương đòn, xương bả vai hoặc đầu trên xương cánh tay.

Các triệu chứng phổ biến của gãy xương đòn bao gồm:

  • Sưng, đau và xuất hiện vết bầm dọc theo xương đòn
  • Cơn đau tăng mạnh và cảm nhận được tiếng “rắc” khi cố cử động vai hay cánh tay
  • Biến dạng ở xương gãy
  • Vai bị sụp hoặc chùng xuống về phía trước hay phía dưới;
  • Trẻ sơ sinh thường không thể cử động cánh tay.

Gãy vai ở bệnh nhân lớn tuổi thường là kết quả của việc ngã từ độ cao lớn. Ở những bệnh nhân trẻ tuổi, gãy xương vai thường do chấn thương nặng, chẳng hạn như tai nạn xe cơ giới hoặc chấn thương thể thao.

Gãy xương thường gây đau dữ dội, sưng và bầm tím ở vai.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Trong trường hợp chấn thương cấp tính gây đau dữ dội, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế càng sớm càng tốt. Nếu cơn đau ít nghiêm trọng hơn, có thể an toàn khi nghỉ ngơi một vài ngày để xem liệu thời gian có giải quyết vấn đề được hay không. Nếu triệu chứng vẫn còn, đi khám bác sĩ.

Bác sĩ sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân đau vai và cung cấp cho bạn các lựa chọn điều trị.

Gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất khi:

  • Đau vai đi kèm với khó thở hoặc có cảm giác thắt chặt trong lồng ngực là dấu hiệu của cơn đau tim, cần được cấp cứu ngay.

Nhờ ai đó đưa bạn đến phòng cấp cứu nếu đau vai gây ra do chấn thương và đi kèm với:

  • Biến dạng khớp
  • Không thể xoay vai hoặc nhấc cánh tay
  • Đau dữ dội
  • Sưng đột ngột.

Các bước đánh giá vấn đề về vai

Tiền sử bệnh

Bước đầu tiên trong đánh giá là bác sĩ sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật cá nhân và gia đình trước đó. Bác sĩ của bạn có thể hỏi làm thế nào và khi nào cơn đau bắt đầu, liệu nó đã xảy ra trước đó, đã điều trị chưa, và các câu hỏi khác để giúp xác định cả sức khỏe chung của bạn và nguyên nhân có thể của vấn đề ở vai. Bởi vì hầu hết các tình trạng ở vai có thể nặng hơn hoặc giảm bớt do một số hoạt động nhất định, tiền sử và bệnh sử có thể là một công cụ có giá trị trong việc tìm ra nguồn gốc của cơn đau trên vai bạn.

Kiểm tra thể chất

Kiểm tra toàn diện sẽ được yêu cầu để tìm ra nguyên nhân đau vai của bạn. Bác sĩ sẽ tìm kiếm các bất thường về thể chất, sưng, biến dạng hoặc yếu cơ và kiểm tra các khu vực quanh đó. Bác sĩ sẽ quan sát phạm vi chuyển động và lực của cơ hai bên tay bạn.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm cụ thể để giúp xác định nguyên nhân cơn đau của bạn và bất kỳ vấn đề nào khác.

X-quang

Những hình ảnh này sẽ cho thấy một số tổn thương trên xương hoặc khớp của vùng vai cũng như tìm kiếm manh mối như gai xương, điều đó có thể gợi ý chẩn đoán thoái hóa khớp.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm

Những phương pháp tạo ra hình ảnh tốt hơn của các mô mềm. MRI có thể giúp bác sĩ xác định chấn thương dây chằng và gân xung quanh khớp vai của bạn. Phương pháp này có thể cung cấp hình ảnh chi tiết về gân, dây chằng và các cơ xung quanh khớp vai. Ví dụ như MRI có thể cung cấp thông tin về vị trí, kích thước của rách gân cơ chóp xoay.

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Công cụ này kết hợp tia X với công nghệ máy tính để tạo ra một cái nhìn rất chi tiết về xương ở vùng vai.

Điện cơ

Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm, chẳng hạn như EMG (điện cơ đồ), để đánh giá chức năng thần kinh và có thể loại trừ nguyên nhân do bệnh lý rễ cổ.

Chụp có tiêm thuốc cản quang

Trong phương pháp này, thuốc cản quang được tiêm vào vai để thể hiện rõ hơn các khớp và các cơ và gân xung quanh. Có thể được kết hợp với MRI.

Nội soi khớp

Trong thủ thuật này, bác sĩ có thể quan sát khớp của bạn bằng camera để nhìn thấy tổn thương mô mềm mà không phát hiện ra khi khám lâm sàng, X-quang và các nghiệm pháp khác. Ngoài giúp tìm nguyên nhân gây ra đau vai, nội soi có thể điều trị luôn nguyên nhân gây đau.

Điều trị đau vai

Việc điều trị đau ở vai phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên nhân gây đau. Mặc dù một phương pháp có thể hữu ích điều trị nguyên nhân này, nhưng nó có thể gây hại (hoặc không hoàn toàn hữu ích) khi điều trị nguyên nhân khác. Điều quan trọng nhất là bạn nên tìm tư vấn bác sĩ để biết mình đang điều trị vấn đề gì và cần làm gì trước khi bắt tay vào một quá trình điều trị.

Thay đổi hoạt động

Điều trị thường bao gồm nghỉ ngơi, thay đổi các hoạt động của bạn và vật lý trị liệu để giúp bạn cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt của vai. Các giải pháp thông thường như tránh hoạt động quá sức hoặc làm quá sức mà bạn thường không tham gia có thể giúp ngăn ngừa đau vai.

Việc điều trị đầu tiên cho các tình trạng đau vai phổ biến là nghỉ ngơi khớp và làm giảm viêm cấp tính. Tuy nhiên, điều quan trọng là bạn sử dụng khớp thận trọng khi nghỉ ngơi, vì cố định khớp kéo dài có thể gây ra đông cứng vai.

Chườm lạnh và chườm nóng

Túi đá thường được sử dụng để giảm sưng và đau do chấn thương vai cấp tính, nhưng chúng cũng có thể được sử dụng để điều trị chấn thương vai do hoạt động quá mức (ví dụ như viêm gân chóp xoay hoặc viêm bao hoạt dịch). Trong những trường hợp này, chườm đá được áp dụng ngay sau hoạt động tay liên tục trên đầu để làm giảm sự khởi phát của bất kỳ tình trạng viêm nào.

Miếng đệm nhiệt cũng được sử dụng để điều trị các tình trạng vai mãn tính, nhưng thường trước khi thực hiện những hoạt động đưa tay qua đầu. Nhiệt có thể làm giãn cơ, giảm cứng và giảm đau.

Trước khi chườm lạnh hoặc nóng, bạn hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia vật lý trị liệu. Xây dựng một kế hoạch cụ thể về thời gian thực hiện mỗi lần điều trị và thời gian điều trị kéo dài bao lâu là điều quan trọng để tối ưu hóa việc chữa khỏi vai của bạn.

Hoạt động thể chất

Vật lý trị liệu là một khía cạnh quan trọng trong điều trị hầu hết các vấn đề trong chấn thương chỉnh hình. Các nhà trị liệu vật lý sử dụng các phương thức khác nhau để tăng cường sức mạnh, khôi phục vận động và giúp đưa bệnh nhân trở lại mức độ hoạt động trước chấn thương của họ.

Thuốc

Bác sĩ có thể kê toa thuốc để giảm viêm và đau. Nếu thuốc được kê đơn để giảm đau, chỉ nên dùng theo chỉ dẫn.

Hai loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để giảm đau vai và sưng là thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs) và tiêm steroid.

Thuốc kháng viêm không steroid NSAIDs

Một số thuốc NSAIDs có thể mua không kê toa (ví dụ như ibuprofen) và những loại khác phải được kê toa, như Voltaren (diclofenac). Các thuốc này thường được sử dụng để điều trị các vấn đề về vai như viêm khớp, viêm bao hoạt dịch và viêm gân.

Điều quan trọng là bạn chỉ sử dụng chúng trong một thời gian ngắn và dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. NSAIDs có liên quan đến một số rủi ro, vì vậy bạn hãy chắc chắn thông báo cho bác sĩ nếu bạn đang mang thai hoặc có bất kỳ vấn đề sức khỏe như huyết áp cao, hen suyễn, tiền sử bệnh thận, bệnh gan hoặc viêm loét dạ dày.

Tiêm steroid

Khi tiêm steroid, bác sĩ sẽ tiêm cortisone – một loại thuốc steroid mạnh để điều trị viêm – vào vùng vai của bạn, nơi bạn đang bị đau. Thuốc tiêm không chỉ làm giảm đau, mà còn giúp bạn trị liệu vật lý dễ dàng hơn.

Phẫu thuật

Phẫu thuật có thể được yêu cầu để giải quyết một số vấn đề về vai. Tuy nhiên, phần lớn bệnh nhân bị đau vai sẽ đáp ứng với các phương pháp điều trị đơn giản như thay đổi hoạt động, nghỉ ngơi, tập thể dục và dùng thuốc.

Một số loại vấn đề về vai, chẳng hạn như trật khớp tái đi tái lại và một số vết rách chóp xoay, có thể không được hưởng lợi từ việc tập thể dục. Trong những trường hợp này, phẫu thuật có thể được đề nghị khá sớm.

Phẫu thuật có thể liên quan đến nội soi khớp để loại bỏ mô sẹo hoặc sửa chữa các mô bị rách, hoặc các phẫu thuật mở truyền thống để tái tạo lớn hơn.

Để giảm bớt triệu chứng đau vai thông thường, bạn có thể thử:

  • Thuốc giảm đau. Thuốc giảm đau không kê toa chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen, naproxen sodium có thể có tác dụng.
  • Nghỉ ngơi. Tránh hoạt động khiến chỗ đau nghiêm trọng hơn.
  • Chườm lạnh hoặc chườm nóng tùy trường hợp.
  • Thông thường, nghỉ ngơi và các biện pháp tự chăm sóc là đủ để giảm bớt các triệu chứng đau vai.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment