Cơ-Xương-Khớp

Viêm khớp vai (Thoái hóa khớp vai): Tất cả những điều bạn cần biết

Năm 2011, hơn 50 triệu người ở Hoa Kỳ cho biết họ đã được chẩn đoán mắc một số dạng viêm khớp, theo Khảo sát phỏng vấn sức khỏe quốc gia (National Health Interview Survey). Nói một cách đơn giản, viêm khớp là viêm một hoặc nhiều khớp. Viêm ở khớp vai gọi là viêm khớp vai hay thoái hóa khớp vai gây đau và cứng khớp.

Mặc dù không có cách chữa viêm khớp vai, nhưng có nhiều lựa chọn điều trị có sẵn giúp kiểm soát đau và duy trì hoạt động.

Bạn đã biết những gì về viêm khớp vai? Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và các cách điều trị viêm khớp vai nhé!

Giải phẫu học

viêm khớp vai

Vai của bạn được tạo thành từ ba xương: đầu trên xương cánh tay (humerus), xương bả vai (scapula) và xương đòn (xương quai xanh – clavicle).

Đầu xương cánh tay trên có một chỏm gọi là chỏm xương cánh tay, nó cắm vừa với một ổ tròn trong xương bả vai. Ổ tròn này được gọi là ổ chảo. Chỏm xương cánh tay được giữ trong ổ chảo nhờ hệ thống cơ bắp và dây chằng.

Có hai khớp ở vai, và cả hai có thể bị ảnh hưởng bởi viêm khớp. Một khớp ở vị trí xương đòn tiếp xúc với đầu xương bả vai (acromion). Đây gọi là khớp cùng vai – đòn (acromioclavicular  – AC).

Vị trí chỏm xương cánh tay nối với ổ chảo xương bả vai gọi là khớp vai- cánh tay hay khớp cánh tay hay khớp vai (glenohumeral).

Để cung cấp cho bạn phương pháp điều trị hiệu quả, bác sĩ sẽ cần xác định khớp nào bị ảnh hưởng và loại viêm khớp nào bạn mắc phải.

Chức năng của khớp vai

Khớp vai là một khớp quan trọng và tham gia nhiều vào các hoạt động của cơ thể. Vì hầu hết các cử động đều có liên quan đến vùng vai, dù ít hay nhiều. Dưới đây là chức năng của khớp vai bạn nên biết:

  • Chức năng chính: giúp cơ thể thực hiện các động tác rất lớn như đưa ra trước, ra sau, lên trên, dang tay, xoay trong, xoay ngoài.
  • Chức năng phụ: nâng đỡ cánh tay.

Viêm khớp vai

Năm loại viêm khớp chính thường ảnh hưởng đến vai.

Viêm xương khớp

Viêm xương khớp, còn được gọi là viêm khớp thoái hóa hoặc “hao mòn”, là một vấn đề phổ biến đối với nhiều người sau khi họ đến tuổi trung niên, nhưng nó cũng có thể xảy ra ở những người trẻ tuổi.

Trong viêm xương khớp, sụn ở các khớp dần bị bào mòn theo thời gian. Khi sụn mòn đi, nó trở nên thô ráp và sần sùi, mất tác dụng bảo vệ hai đầu xương. Điều này có thể dẫn đến xương cọ xát vào xương khi di chuyển. Để bù đắp cho sụn bị mất, xương bị tổn thương có thể bắt đầu phát triển ra bên ngoài và hình thành các gai xương.

Viêm xương khớp phát triển chậm, gây đau và cứng khớp tăng dần theo thời gian

Viêm xương khớp thường ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi và thường gặp ở khớp cùng vai- đòn hơn là khớp vai cánh tay

Viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh mãn tính tấn công nhiều khớp trên khắp cơ thể. Nó có tính chất đối xứng, có nghĩa là nó thường ảnh hưởng đến cùng một khớp ở cả hai bên của cơ thể.

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Điều này có nghĩa là hệ thống miễn dịch tấn công các mô của chính nó. Trong viêm khớp dạng thấp, các tế bào miễn dịch tấn công synovium bao phủ khớp, khiến nó sưng lên. Theo thời gian, synovium xâm lấn và làm hỏng xương và sụn, cũng như dây chằng và gân, và có thể gây biến dạng khớp nghiêm trọng và gây ra tàn tật.

Nguyên nhân chính xác của viêm khớp dạng thấp chưa được biết đến. Mặc dù nó không phải là một bệnh di truyền, các nhà nghiên cứu tin rằng một số người có gen khiến họ dễ mắc bệnh hơn. Thường có một “tác nhân”, chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc yếu tố môi trường, kích hoạt các gen này. Khi cơ thể tiếp xúc với tác nhân này, hệ thống miễn dịch bắt đầu sản xuất các chất tấn công khớp.

Viêm khớp dạng thấp là phổ biến như nhau ở cả hai khớp vai.

Viêm khớp sau chấn thương

Viêm khớp sau chấn thương là một dạng viêm xương khớp phát triển sau một chấn thương, chẳng hạn như gãy xương hoặc trật khớp vai.

Tổn thương cơ rotator cuff (“ống xoay”) vai

Hội chứng Rotator cuff là chấn thương vai rất phổ biến. Khớp vai được điều khiển bởi một nhóm nhỏ gồm bốn cơ được gọi là cơ rotator cuff (“ống xoay”)

Các cơ này chịu trách nhiệm xoay vai và tạo thành một vòng bao quanh đầu trên xương cánh tay (chóp vai).

Các cơ và dây chằng của ống xoay rất dễ bị rách, làm cho chỏm xương cánh tay không còn được giữ cố dịnh trong ổ chảo nữa, di chuyển lên trên và cọ xát với xương bả vai làm hỏng bề mặt của xương, gây ra viêm khớp, đau và yếu, bệnh nhân không thể nhấc cánh tay.

Hoại tử vô mạch

Hoại tử vô mạch (Avascular NecrosisAVN) là một tình trạng gây đau đớn do thiếu nguồn máu cung cấp cho đầu xương cánh tay. Các tế bào xương bị chết do không được cung cấp máu, cuối cùng dẫn tới phá hủy khớp vai và viêm khớp.

Hoại tử vô mạch phát triển theo từng giai đoạn. Khi tiến triển, xương chết dần dần sụp xuống, làm hỏng sụn khớp bao phủ xương và dẫn đến viêm khớp. Lúc đầu, AVN chỉ ảnh hưởng đến phần đầu của xương cánh tay, nhưng khi AVN phát triển, phần đầu của xương cánh tay có thể bị gãy làm hỏng ổ khớp.

Nguyên nhân của AVN bao gồm sử dụng steroid liều cao, uống nhiều rượu, bệnh hồng cầu hình liềm và chấn thương, chẳng hạn như gãy xương vai. Trong một số trường hợp, không xác định được nguyên nhân gây ra; điều này được gọi là AVN vô căn.

Triệu chứng

Đau đớn

Triệu chứng phổ biến nhất của viêm khớp vai là đau, đau tăng lên khi cử động và ngày càng xấu đi.

Nếu khớp cánh tay bị ảnh hưởng, cơn đau tập trung ở phía sau vai và có thể tăng lên theo sự thay đổi của thời tiết. Bệnh nhân phàn nàn về cảm giác đau sâu trong khớp.

Cơn đau do viêm khớp ở khớp cùng vai – đòn, đau tập trung ở đỉnh vai. Đau đôi khi có thể lan ra cổ.

Một số người bị viêm khớp dạng thấp có thể bị đau khắp vai nếu cả khớp vai – cánh tay và khớp cùng vai – đòn bị ảnh hưởng.

Phạm vi chuyển động hạn chế

Chuyển động hạn chế là một triệu chứng phổ biến khác. Nó làm hạn chế các công việc hàng ngày như nâng cánh tay để chải tóc hay lấy đồ ở cao. Bạn cũng có thể nghe thấy tiếng lục khục khi khớp cử động.

Khi bệnh tiến triển, bất kỳ chuyển động nào của vai đều gây đau. Đau vào ban đêm là phổ biến và gây rối loạn giấc ngủ.

Xem thêm: Triệu chứng viêm khớp: Những dấu hiệu bạn cần biết

Chẩn đoán

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi bạn về các triệu chứng và tiền sử mắc bệnh của bạn. Sau đó tiến hành khám lâm sàng và có thể yêu cầu các xét nghiệm máu, dịch khớp và chẩn đoán hình ảnh.

Tiền sử và khám lâm sàng

Sau khi hỏi về các triệu chứng và tiền sử mắc bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra vai của bạn.

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm các dấu hiệu:

  • Yếu cơ hoặc teo cơ
  • Đau khi chạm vào
  • Phạm vi của chuyển động thụ động và chủ động của khớp vai
  • Các dấu hiệu tổn thương gân, cơ, dây chằng bao quanh khớp vai
  • Dấu hiệu chấn thương trước đó
  • Có viêm khớp nào khác hay không (một dấu hiệu của viêm khớp dạng thấp)
  • Tiếng lạo xạo hay lục khục trong khớp khi chuyển động
  • Đau khi ấn một lực vào khớp.

Chụp X quang

Phương pháp này không thu được hình ảnh của sụn khớp nhưng mất sụn được thấy thông qua thu hẹp khoảng cách giữa 2 đầu xương trong khớp. X-quang cũng có thể cho thấy sự thay đổi của xương,  các gai xương xung quanh khớp. X – quang có thể giúp phân biệt giữa các dạng viêm khớp khác nhau.

Để xác nhận chẩn đoán, bác sĩ có thể tiêm thuốc gây tê vào khớp. Nếu nó tạm thời giảm đau, chẩn đoán viêm khớp được xác minh.

Xét nghiệm

Phân tích máu hoặc dịch khớp của bạn có thể giúp xác nhận chẩn đoán.

Xét nghiệm máu

Mặc dù không có xét nghiệm máu đặc hiệu cho cho viêm khớp vai, nhưng một số xét nghiệm có thể giúp loại trừ các nguyên nhân gây đau khớp khác, chẳng hạn như viêm khớp dạng thấp.

Phân tích dịch khớp

Bác sĩ có thể sử dụng kim để hút chất lỏng ra khỏi khớp bị ảnh hưởng. Kiểm tra và kiểm tra chất lỏng từ khớp của bạn có thể xác định xem có bị viêm hay nhiễm trùng hay không.

Điều trị

Điều trị bảo tồn

Cũng như các tình trạng viêm khớp khác, điều trị ban đầu cho viêm khớp vai là điều trị bảo tồn tức là điều trị không cần phẫu thuật. Bác sĩ có thể đưa ra một loạt các biện pháp điều trị khác nhau như:

Thay đổi lối sống

Một số thay đổi trong cuộc sống hàng ngày của bạn có thể giúp giảm đau do viêm khớp và làm chậm sự tiến triển của bệnh. Nghỉ ngơi hoặc thay đổi trong các hoạt động để tránh gây ra đau đớn. Bạn có thể cần thay đổi cách bạn di chuyển cánh tay khi làm việc.

Vật lý trị liệu

Các bài tập cụ thể có thể giúp tăng phạm vi chuyển động và tính linh hoạt, cũng như tăng cường cơ bắp ở khớp vai và giảm đau.  Bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý có thể giúp bạn tạo ra một chương trình luyện tập cá nhân đáp ứng nhu cầu và lối sống của bạn.

Thuốc

Nếu cơn đau của bạn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, hoặc không thuyên giảm bằng các phương pháp không phẫu thuật khác, bác sĩ có thể kê thuốc vào phác đồ điều trị của bạn.

  • Acetaminophen (Tylenol, Paracetamol, Efferalgan) là một loại thuốc giảm đau không cần kê đơn có thể có hiệu quả trong việc giảm đau viêm khớp từ nhẹ đến trung bình. Tuy nhiên, giống như tất cả các loại thuốc, thuốc giảm đau không kê đơn có thể gây ra tác dụng phụ và tương tác với các loại thuốc khác mà bạn đang dùng. Mỗi lần dùng thuốc cách nhau 4-6 tiếng. Dùng nhiều hơn liều lượng khuyến cáo của acetaminophen có thể gây tổn thương gan.
  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) có thể giảm đau và giảm viêm. Một số hoạt chất trong nhóm thuốc NSAIDs được sử dụng phổ biến nhất có thể kể đến như aspirin, ibuprofen hay meloxicam. NSAID có thể gây khó chịu cho dạ dày, các vấn đề về tim mạch, chảy máu và tổn thương gan và thận. NSAID tại chỗ có ít tác dụng phụ hơn và cũng có thể giảm đau. Tham khảo ý kiến ​​bác sĩ trước khi dùng NSAID không kê đơn nếu bạn có tiền sử loét hoặc đang dùng thuốc làm loãng máu. Nên uống thuốc sau khi ăn.
  • Corticosteroid (còn được gọi là cortisone) là những chất chống viêm mạnh mẽ có thể uống hoặc tiêm vào khớp bị đau, có thể giảm đau và viêm nhưng tác dụng chỉ là tạm thời.
  • Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, bác sĩ có thể kê toa methotrexate.

Nhiệt ẩm

Chườm đá trong 20 đến 30 phút, 2 hoặc 3 lần một ngày để giảm viêm và giảm đau.

Glucosamine và chondroitin

Các nghiên cứu có kết quả khác nhau về bổ sung thực phẩm chức năng. Một số ít đã tìm thấy lợi ích cho những người bị viêm xương khớp, trong khi hầu hết chỉ ra rằng những chất bổ sung này hoạt động không tốt hơn giả dược.

Đừng sử dụng glucosamine nếu bạn bị dị ứng với động vật có vỏ. Glucosamine và chondroitin có thể tương tác với các chất làm loãng máu như warfarin và gây ra vấn đề chảy máu.

Xem thêm: Viêm khớp tay: Nguyên nhân, triệu chứng, chẩn đoán và cách điều trị

Điều trị phẫu thuật

Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu đau gây ra tàn tật và không thuyên giảm khi điều trị bảo tồn.

Nội soi khớp

Các trường hợp viêm khớp vai – cánh tay nhẹ có thể được điều trị bằng nội soi khớp.

Trong quá trình nội soi khớp, bác sĩ phẫu thuật của bạn sẽ đặt một camera nhỏ, được gọi là máy nội soi khớp vào khớp vai – cánh tay. Hình ảnh bên trong khớp sẽ được hiển thị lên một màn hình và bác sĩ sẽ nhìn lên màn hình đó để điều khiển các dụng cụ phẫu thuật. Vết mổ nội soi sẽ nhỏ hơn vét mổ mở kiểu truyền thống.

Phẫu thuật này giúp làm sạch khớp, loại bỏ mô sụn, mô hoạt dịch bị viêm và gai xương xung quanh khớp. Mặc dù phẫu thuật giúp làm giảm đau, nhưng nó sẽ không loại bỏ viêm khớp. Nếu viêm khớp tiến triển, có thể cần phẫu thuật thêm trong tương lai.

Thay khớp vai (arthroplasty)

Viêm khớp vai – cánh tay tiến triển có thể được điều trị bằng phẫu thuật thay thế khớp vai, trong đó các bộ phận bị tổn thương của khớp vai-cánh tay được loại bỏ và thay thế bằng các thành phần nhân tạo.

Phẫu thuật thay khớp vai bao gồm:

Thay khớp bán phần: chỉ thay phần đầu xương cánh tay bằng thành phần nhân tạo.

Thay khớp vai toàn bộ. Cả hai thành phần là đầu xương cánh tay và ổ chảo xương bả vai đều được thay thế.

Thay khớp vai đảo ngược. Phần ổ chảo sẽ có cấu trúc dạng chỏm cầu còn phần chỏm xương cánh tay sẽ được thay thế bởi cấu trúc dạng “đĩa” nhưng sâu và ôm khít lấy chỏm cầu. Thiết kế này giúp cho khớp nhân tạo vững hơn và có thể vận động nâng tay lên cao không cần có gân cơ chóp xoay. Việc làm vững khớp nhân tạo là do cấu trúc “đĩa” được làm sâu và ôm khít lấy cấu trúc chỏm cầu do đó làm cho chỏm cầu không trượt mà xoay khi thực hiện động tác nâng tay.

Cắt bỏ khớp. Đây là phương pháp phẫu thuật phổ biến nhất được sử dụng để điều trị viêm khớp ccùng vai – đòn. Bác sĩ phẫu thuật có thể chọn để làm điều này bằng nội soi khớp.

Trong phẫu thuật này, một lượng nhỏ xương từ phần cuối của xương đòn được loại bỏ, để lại một khoảng trống dần dần lấp đầy bằng mô sẹo.

Phục hồi

Phẫu thuật điều trị viêm khớp vai nói chung rất hiệu quả trong việc giảm đau và phục hồi chuyển động. Thời gian phục hồi và khả năng phục hồi phụ thuộc vào loại phẫu thuật được thực hiện.

Quản lý đau

Sau phẫu thuật, bạn sẽ cảm thấy đau. Đây là điều tất yếu của của quá trình chữa bệnh. Bác sĩ sẽ đưa ra một số phương pháp để giảm đau, điều này có thể giúp bạn phục hồi sau phẫu thuật nhanh hơn.

Thuốc thường được kê đơn để giảm đau ngắn hạn sau phẫu thuật. Nhiều loại thuốc có sẵn để giúp kiểm soát cơn đau, bao gồm opioid, thuốc chống viêm không steroid (NSAID) và thuốc gây tê tại chỗ. Bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các loại thuốc này để cải thiện giảm đau, cũng như giảm thiểu nhu cầu về opioids.

Xin lưu ý rằng mặc dù opioids giúp giảm đau sau phẫu thuật, nhưng chúng là một chất gây nghiện và có thể gây nghiện. Sự phụ thuộc và quá liều opioid đã trở thành một vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng ở Mỹ. Điều quan trọng là chỉ sử dụng opioid theo chỉ dẫn của bác sĩ. Ngay khi cơn đau của bạn bắt đầu cải thiện, hãy ngừng dùng thuốc phiện. Nói chuyện với bác sĩ nếu đau không cải thiện trong vòng một vài ngày sau phẫu thuật.

Biến chứng

Giống như các loại phẫu thuật khác, luôn luôn có một số rủi ro và biến chứng có thể xảy ra. Các vấn đề tiềm ẩn sau phẫu thuật vai bao gồm nhiễm trùng, chảy máu quá nhiều, cục máu đông và tổn thương mạch máu hoặc dây thần kinh.

Bác sĩ phẫu thuật sẽ thảo luận về các biến chứng có thể xảy ra với bạn trước khi phẫu thuật.

Triển vọng

Các nghiên cứu đang được tiến hành về viêm khớp vai và cách điều trị

Trong nhiều trường hợp, không biết tại sao một số người bị viêm khớp và những người khác thì không. Nghiên cứu đang được thực hiện để khám phá một số nguyên nhân gây viêm khớp vai.

Chất bôi trơn khớp, hiện đang được sử dụng để điều trị viêm khớp gối, đang được nghiên cứu ở vai.

Các loại thuốc mới để điều trị viêm khớp dạng thấp đang được nghiên cứu.

Nhiều nghiên cứu đang được thực hiện về phẫu thuật thay thế khớp vai, bao gồm cả việc phát triển các thiết kế khớp thay thế khác nhau.

Việc sử dụng các vật liệu sinh học để tái tạo bề mặt khớp vai cũng đang được nghiên cứu. Vật liệu sinh học là những mảnh ghép mô thúc đẩy sự phát triển của mô mới trong cơ thể và thúc đẩy quá trình chữa lành.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment