Mắt

Đục thủy tinh thể là gì? Nguyên nhân, chẩn đoán và điều trị

Đục thủy tinh thể trong tiếng Latin là Cataract có nghĩa là thác nước để chỉ màu trắng của thể thuỷ tinh trong những trường hợp đục chín trắng, đây là danh từ chính thống dùng trong y văn quốc tế. Dân gian còn gọi là bệnh cườm khô,cườm đá, cườm hạt hay đục nhân mắt.

Vậy nguyên nhân dẫn gây đục thủy tinh thể là gì? Bạn cần nhận biết những triệu chứng nào của bệnh của bệnh để hạn chế tối đa những phiền toái do đục thủy tinh thể mang lại? Các phương pháp điều trị bệnh ra sao? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu!

Đục thủy tinh thể là gì?

đục thể thủy tinh

Thủy tinh thể là một cấu trúc có dạng thấu kính trong suốt lồi 2 mặt giúp ảnh được tạo rõ nét trên võng mạc. Khi tình trạng trong suốt này mất đi, thể thuỷ tinh sẽ chuyển màu mờ đục và ánh sáng rất khó đi qua, mọi vật như được nhìn qua lớp sương mù hay ô cửa kính mờ. Bệnh nhân bị suy giảm thị lực, tầm nhìn mờ có thể khiến việc đọc, lái xe (đặc biệt là vào ban đêm), nhận biết biểu cảm trên khuôn mặt người khác trở nên khó khăn hơn và thậm chí có thể gây mù loà.

Đục thủy tinh thể thường phát triển ở cả hai mắt, nhưng không đều gây ra sự khác biệt về thị lực giữa 2 mắt.

Các loại đục thủy tinh thể

Các loại đục thủy tinh thể bao gồm:

Đục nhân

Sự xơ cứng và chuyển màu vàng quá mức ở vùng trung tâm gây ra tình trạng đục nhân thể thuỷ tinh. Ở giai đoạn đầu, sự xơ cứng và chuyển màu của nhân thủy tinh thể gây một số tật khúc xạ của mắt (như cận thị) dẫn đến những triệu chứng như nhìn xa mờ. Đục nhân có thể xảy ra ở một mắt.

Đục vỏ

Thường bắt đầu từ phần vỏ của thủy tinh thể dưới dạng các vệt hay hình nêm màu trắng đục. Sau đó các vệt từ từ mở rộng hơn lan đến trung tâm và cản trở ánh sáng đi qua thủy tinh thể. Khi toàn bộ vỏ từ bao tới nhân trở thành đục trắng gọi là đục thể thuỷ tinh chín. Đục vỏ thể thuỷ tinh luôn luôn ở hai mắt và thường không cân xứng.

Đục bao sau

Thường ảnh hưởng đến mặt sau của thủy tinh thể. Bao sau thường cản trở tầm nhìn đọc, làm giảm tầm nhìn dưới ánh sáng mạnh và gây ra lóa mắt hoặc quầng sáng quanh đèn vào ban đêm. Đục thủy tinh thể loại này có xu hướng tiến triển nhanh hơn các loại khác.

Đục thủy tinh bẩm sinh

Một số người bị đục thủy tinh thể từ khi mới sinh hoặc phát triển bệnh trong thời thơ ấu. Thể bệnh này có thể là do di truyền, hoặc liên quan đến nhiễm trùng hoặc chấn thương trong tử cung.

Đục thủy tinh thể bẩm sinh cũng có thể do một số điều kiện, chẳng hạn như galactosemia, loạn trương lực cơ, u xơ thần kinh type 2 hoặc rubella. Đục thủy tinh thể bẩm sinh không phải lúc nào cũng ảnh hưởng đến thị lực, nhưng cần được điều trị ngay sau khi phát hiện.

Triệu chứng

Các dấu hiệu và triệu chứng của đục thủy tinh thể bao gồm:

Mắt nhìn mờ hơn như nhìn trong trời mây mù hoặc như có màn che trước mắt

  • Khó nhìn vào ban đêm
  • Tăng nhạy cảm với ánh sáng hay lóa mắt
  • Cần ánh sáng mạnh hơn để có thể đọc sách báo và các hoạt động khác
  • Nhìn thấy vầng hào quang xung quanh đèn
  • Thay đổi số đo kính mắt thường xuyên hơn
  • Nhìn màu phai hoặc ố vàng
  • Nhìn đôi, nhìn một vật thành nhiều vật

Bệnh phát triển một cách từ từ. Lúc đầu, thủy tinh thể chỉ bị đục một phần do đó bạn có thể không nhận thấy có bất kì sự mờ đục nào trong tầm nhìn. Khi thủy tinh thể bị đục nhiều hơn, nó chặn ánh sáng đi qua, ngăn cản tạo hình ảnh trên võng mạc và dẫn tới các triệu chứng đáng chú ý hơn.

Khi nào bạn cần đi khám bác sĩ?

Đi khám mắt nếu bạn nhận thấy bất kỳ thay đổi nào về tầm nhìn. Nếu bạn có những dấu hiệu như thay đổi thị lực đột ngột, chẳng hạn như nhìn đôi hoặc lóa mắt, đau mắt đột ngột hoặc đau đầu đột ngột, hãy đi khám bác sĩ ngay.

Nguyên nhân

Hầu hết nguyên nhân của đục thủy tinh thể là do quá trình lão hóa tự nhiên (chiếm khoảng 99%) hoặc chấn thương làm thay đổi mô tạo nên thủy tinh thể, làm cho thủy tinh thể trở nên kém linh hoạt, kém trong suốt và dày hơn, các mô trong thủy tinh thể có thể bị phá vỡ, kết tụ lại bới nhau, làm mờ từng phần nhỏ trong thủy tinh thể.

Mắc các bệnh khác tại mắt tái đi tái lại nhiều lần như viêm giác mạc, viêm kết mạc, khô mắt

Một số rối loạn gây ra các vấn đề sức khỏe khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể như tăng huyết áp, đái tháo đường, béo phì

Phẫu thuật mắt trước đây

Sử dụng lâu dài các loại thuốc chống viêm chứa steroid

Do bẩm sinh liên quan tới các rối loạn yếu tố di truyền

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể bao gồm:

  • Tuổi cao hơn
  • Bệnh tiểu đường
  • Thường xuyên tiếp xúc với tia tử ngoại, tia X, ánh sáng tia chớp, tia hàn…
  • Hút thuốc
  • Béo phì
  • Huyết áp cao
  • Chấn thương mắt hoặc viêm mắt
  • Phẫu thuật mắt trước đây
  • Sử dụng thuốc corticosteroid kéo dài
  • Uống quá nhiều rượu

Các biện pháp phòng ngừa

Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào chứng minh làm thế nào để ngăn ngừa đục thủy tinh thể hoặc làm chậm sự tiến triển của đục thủy tinh thể. Nhưng các bác sĩ cho rằng một số biện pháp sau có thể hữu ích, bao gồm:

Đi khám mắt thường xuyên

Kiểm tra mắt có thể giúp phát hiện đục thủy tinh thể và các vấn đề về mắt khác ở giai đoạn sớm nhất. Hỏi bác sĩ về việc bao lâu bạn cần đi khám mắt một lần.

Bỏ hút thuốc lá

Nếu bạn đã làm nhiều cách để cai thuốc lá nhưng không thành công, hãy hỏi ý kiến bác sĩ. Thuốc và các chiến lược khác có thể giúp bạn.

Quản lý các vấn đề sức khỏe khác

Tuân thủ điều trị và tái khám định kì nếu bạn đang bị bệnh tiểu đường hoặc các điều kiện y tế khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể.

Chọn một chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây và rau quả

Thêm nhiều loại trái cây và rau quả nhiều màu sắc vào chế độ ăn uống của bạn để đảm bảo rằng bạn nhận được nhiều vitamin và chất dinh dưỡng. Trái cây và rau quả có nhiều chất chống oxy hóa, giúp duy trì sức khỏe của đôi mắt.

Các nghiên cứu chưa chứng minh được rằng chất chống oxy hóa ở dạng thuốc viên có thể ngăn ngừa đục thủy tinh thể. Nhưng, một nghiên cứu dân số lớn gần đây đã chỉ ra rằng chế độ ăn uống lành mạnh giàu vitamin và khoáng chất có liên quan đến việc giảm nguy cơ phát triển đục thủy tinh thể. Trái cây và rau quả có nhiều lợi ích sức khỏe đã được chứng minh và là một cách an toàn để tăng lượng khoáng chất và vitamin trong chế độ ăn uống của bạn.

Đeo kính râm

Tia cực tím từ mặt trời có thể góp phần vào sự phát triển của đục thủy tinh thể. Đeo kính râm ngăn chặn tia cực tím B (UVB) khi ở ngoài trời.

Giảm sử dụng rượu

Sử dụng rượu quá mức có thể làm tăng nguy cơ đục thủy tinh thể.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment