Một ngày nào đó sau tuổi 50, rất có thể bạn sẽ nghe bác sĩ nói “Bạn bị đục thủy tinh thể”. Hầu hết các loại đục thủy tinh thể có liên quan đến quá trình lão hóa và phổ biến ở những người lớn tuổi. Theo Viện Mắt Quốc gia Hoa Kỳ (NEI), 68,3% người từ 80 tuổi trở lên bị đục thủy tinh thể vào năm 2010.
Đục thủy tinh thể là một bệnh gây giảm thị lực không thể điều chỉnh bằng kính, kính áp tròng hoặc phẫu thuật khúc xạ giác mạc như LASIK.
Rất may thay, phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện đại là một trong những phương pháp phẫu thuật an toàn và hiệu quả nhất được thực hiện hiện nay.
Hơn 3 triệu ca phẫu thuật đục thủy tinh thể được thực hiện tại Hoa Kỳ mỗi năm và đem lại kết quả rất tuyệt vời.
Khi cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể, chắc chắn bạn đọc sẽ có rất nhiều thắc mắc như phẫu thuật đục thủy tinh thể như thế nào? Cần chuẩn bị gì cho cuộc phẫu thuật? Phẫu thuật có lâu không? Chăm sóc sau phẫu thuật và khả năng hồi phục ra sao? Bài viết dưới đây sẽ phần nào giải đáp được những băn khoăn cho các bạn.
Mục lục
- Khái niệm cơ bản về phẫu thuật đục thủy tinh thể
- Mổ đục thủy tinh thể bằng Laser
- Chuẩn bị cho mổ đục thủy tinh thể và chọn IOL
- Phục hồi sau mổ đục thủy tinh thể
- Kính mắt sau khi phẫu thuật đục thể thủy tinh
- Các nhà khoa học đang nghiên cứu về thuốc nhỏ mắt có thể làm tan đục thủy tinh thể
- Một số người có thể cần mổ đục thủy tinh thể sớm hơn sau phẫu thuật LASIK
Khái niệm cơ bản về phẫu thuật đục thủy tinh thể
Trong phẫu thuật đục thủy tinh thể, thủy tinh thể bị đục bên trong mắt sẽ được loại bỏ và thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo (gọi là thấu kính nội nhãn, hoặc IOL – Intra Ocular Lens được làm bằng chất liệu plastic, acrylic hoặc silicon) để khôi phục thị lực rõ ràng.
Phẫu thuật này nhanh gọn, có thể thực hiện ở cơ sở ngoại trú và không cần ở lại qua đêm.
Hầu hết các phẫu thuật đục thủy tinh thể hiện nay sử dụng thiết bị siêu âm tần số cao, phá vỡ thủy tinh thể bị đục thành những mảnh nhỏ, sau đó hút ra một cách nhẹ nhàng. Một trong các phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể là phẫu thuật Phaco, với vết mổ nhỏ hơn, thúc đẩy quá trình lành vết thương nhanh hơn và giảm nguy cơ biến chứng phẫu thuật đục thủy tinh thể, như bong võng mạc.
Sau khi thủy tinh thể cũ được loại bỏ, bác sĩ sẽ chèn một thấu kính nội nhãn mới, đặt nó an toàn ở phía sau mống mắt và đồng tử, tại đúng vị trí của thủy tinh thể cũ. (Trong trường hợp đặc biệt, IOL có thể được đặt trước mống mắt và đồng tử, nhưng điều này ít phổ biến hơn)
Sau đó, bác sĩ phẫu thuật sẽ hoàn thành phẫu thuật bằng cách khâu một vài mũi hoặc có thể không cần thiết, đặt một tấm chắn bảo vệ để giữ an toàn trong giai đoạn đầu để phục hồi tốt hơn.
Mổ đục thủy tinh thể bằng Laser
Gần đây, phương pháp phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser với công nghệ Femtosecond (là phương pháp phẫu thuật khúc xạ không sử dụng dao) – tương tự như các laser được sử dụng để tạo vạt giác mạc trong phẫu thuật LASIK điều trị các tật khúc xạ như cận thị, viễn thị và loạn thị.
Những tia laser này đã được sử dụng trong các bước phẫu thuật sau đây nhằm tăng tính chính xác, giảm thời gian phẫu thuật, cải thiện đáng kể thị lực và giảm nhu cầu sử dụng lưỡi phẫu thuật và các dụng cụ cầm tay khác. Có 4 bước căn bản trong phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser:
- Tạo các vết mổ trên giác mạc để cho phép bác sĩ phẫu thuật tiếp cận với thủy tinh thể, thường ở ngoại vi của giác mạc
- Loại bỏ bao trước của thủy tinh thể bằng laser với độ định vị chính xác cao
- Cắt nhân và lấy nhân: Thông thường thì lấy lấy nhân trong phương pháp PHACO được sử dụng bằng sóng siêu âm, còn trong phẫu thuật bằng laser thì bước này được thực hiện bằng cách chia cắt nhân thành những mảnh nhỏ bằng laser và được lấy ra ngoài qua vết mổ ở rìa giác mạc
- Đặt IOL: Trong phẫu thuật này thường sử dụng IOL đa tiêu cự nhằm giúp bệnh nhân có thể nhìn gần và đọc sách một cách thuận lợi. Và, nếu bệnh nhân có loạn thị trước phẫu thuật thì trong quá trình phẫu thuật, phẫu thuật viên sẽ thực hiện đường mổ rìa ( Limbal Relaxing Incisions ) trên giác mạc bằng laser để điều chỉnh loạn thị giác mạc.
Xem video này để tìm hiểu về cách phẫu thuật đục thủy tinh thể.
Phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser (hay chính xác hơn là phẫu thuật đục thủy tinh thể có hỗ trợ bằng laser) khá mới và làm tăng đáng kể chi phí phẫu thuật, chủ yếu là vì laser đắt tiền và có những chi phí đáng kể khác liên quan đến việc sử dụng và bảo trì công nghệ này.
Mặc dù các nghiên cứu đã chỉ ra rằng laser làm tăng độ chính xác trong phẫu thuật, nhưng không phải lúc nào nó cũng làm tăng độ an toàn, giảm thời gian phục hồi và kết quả tốt hơn.
Để biết thông tin mới nhất về phẫu thuật đục thủy tinh thể bằng laser, hãy hỏi bác sĩ mắt trong quá trình khám mắt và tư vấn trước phẫu thuật.
Chuẩn bị cho mổ đục thủy tinh thể và chọn IOL
Trước khi phẫu thuật thay thủy tinh thể, bác sĩ nhãn khoa sẽ kiểm tra mắt toàn diện, đánh giá xem có lý do nào khiến bạn không nên phẫu thuật và xác định bất kỳ yếu tố nguy cơ nào bạn có thể có.
Một máy đo khúc xạ cũng sẽ được sử dụng để xác định chính xác mức độ cận thị, viễn thị và/hoặc loạn thị mắc phải trước khi phẫu thuật. Ngoài ra bạn cũng có thể được đo độ dài của mắt và độ cong của giác mạc.
Các phép đo này rất cần thiết để giúp bác sĩ phẫu thuật chọn công suất kính nội nhãn phù hợp giúp bạn có được tầm nhìn tốt nhất có thể sau phẫu thuật.
Có nhiều loại IOL để lựa chọn cho phẫu thuật đục thủy tinh thể, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn. Ngoài các IOL điều trị cận thị và viễn thị, giờ đây còn có các IOL điều chỉnh loạn thị.
Thấu kính nội nhãn đơn tiêu cự (IOL monofocal)
Khi lựa chọn ống kính nội nhãn đơn tiêu cự, chất Chromophore sẽ được phù trên bề mặt thấu kính nhằm hấp thụ bớt tia tử ngoại từ ánh nắng mặt trời, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng. Loại kính này sẽ giúp cải thiện thị lực khi nhìn gần hoặc xa, nhất là vào ban đêm khi nó có thể làm giảm cảm giác lóa sáng của ánh đèn xe ngược chiều.
Tuy nhiên, loại kính đơn tiêu cự chỉ cho phép nhìn rõ ở một cự ly nhất định, hoặc gần hoặc xa. Do đó, khi muốn mắt có thể nhìn tốt các khoảng cách còn lại thì bạn vẫn phải sử dụng một loại kính gọng khác để điều chỉnh thị lực được nhìn rõ nét hơn.
Monovision giúp cải thiện thị lực cho người bệnh chọn kính đơn tiêu cự
Theo phương pháp này, bác sĩ sẽ tiến hành cấy một thấu kính nội nhãn đơn tiêu cự cho một mắt để cải thiện tầm nhìn xa, và mắt còn lại là tầm nhìn gần. Kỹ thuật này được gọi là monovision (một hình thức sửa chữa thấu kính bằng phẫu thuật Lasik), nó có thể cung cấp tầm nhìn rõ ràng cả gần và xa cho người bệnh sau khi phẫu thuật đục thủy tinh thể, hoặc cho những người bị tật cận thị, viễn thị và lão thị để sửa chữa một số tật khúc xạ về mắt.
Khi lựa chọn theo phương pháp này, mức độ điều tiết ánh sáng ở hai mắt sẽ khác nhau đối với từng người bệnh. Do vậy để thực sự phù hợp bạn nên đeo thử kính áp tròng trước khi chọn phương pháp phẫu thuật theo phương pháp monovision.
Thấu kính nội nhãn đa tiêu cự (IOL multifocal)
Từ “đa” có nghĩa là “nhiều hơn một”, khi dùng loại kính này người bệnh sẽ được cải thiện thị lực một cách tốt nhất, song nó vẫn chiếm ưu thế hơn loại kính đơn tiêu cự vì nó có thể điều chỉnh được thị lực cả ở gần và ở xa mà không cần phải sử dụng thêm một loại kính gọng nào khác. Chính vì vậy loại thấu kính nhân tạo đa tiêu cự thường được nhiều người bệnh đục thủy tinh thể lựa chọn. Tuy nhiên, chi phí để có một thấu kính này cũng khá cao (khoảng 10 – 20 triệu/1 chiếc) bởi loại này không được bảo hiểm y tế hỗ trợ.
Theo các chuyên gia Nhãn khoa tại American Academy of Ophthalmology cho biết, với những người làm nghề phi công, hay lái xe ban đêm hoặc những người thường xuyên làm việc nhiều trước máy tính, bị tật loạn thị, mắc bệnh võng mạc… sẽ không phải là “ứng cử viên” phù hợp với loại kính đa tiêu cự này.
Thấu kính nội nhãn giúp điều chỉnh loạn thị (Thấu kính toric hoặc Astigmatic)
Đối với những người bị đục thủy tinh thể khi thay loại thấu kính nội nhãn đơn tiêu cự hoặc đa tiêu cự là có thể cải thiện được tầm nhìn, nhưng nó lại chưa thực sự phù hợp cho những người bị tật loạn thị và trước đây, người bệnh buộc phải dùng thêm kính gọng để khắc phục tình trạng này.
Tuy nhiên hiện nay đã có các loại thấu kính có khả năng điều chỉnh tật loạn thị. Tùy tình trạng, bạn có thể chọn cho mình một trong hai loại kính phù hợp nhất giúp cải thiện được đồng thời bệnh đục thủy tinh thể và tật loạn thị đó là: thấu kính nội nhãn đơn tiêu cự có thể điều chỉnh tật loạn thị; thấu kính nội nhãn đa tiêu cự có thể điều chỉnh tật loạn thị.
Chi phí cho loại kính điều chỉnh tật loạn thị này sẽ cao hơn và không được bảo hiểm y tế hỗ trợ. Bởi vậy, bạn cần cân nhắc kỹ nhu cầu và tài chính, đồng thời cần tới các cơ sở chuyên khoa Nhãn khoa uy tín để thực hiện phẫu thuật dùng loại kính này.
Phục hồi sau mổ đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể không biến chứng thường chỉ kéo dài khoảng 15 phút. Tuy nhiên bạn cần thời gian nhiều hơn để chuẩn bị cho phẫu thuật (làm giãn đồng tử; điều trị thuốc trước phẫu thuật) và đánh giá sau phẫu thuật và hướng dẫn phục hồi trước khi ra viện.
Bạn không nên cố lái xe cho tới khi đến hẹn khám lại và được xác nhận rằng thị lực đủ an toàn để lái xe.
Bạn sẽ được kê toa thuốc nhỏ mắt để sử dụng nhiều lần mỗi ngày trong vài tuần sau phẫu thuật. Bạn cũng phải đeo tấm chắn bảo vệ mắt trong khi ngủ (kể cả ngủ trưa) khoảng một tuần sau khi phẫu thuật. Để bảo vệ mắt bạn khỏi ánh sáng mặt trời và ánh sáng rực rỡ khi mắt hồi phục, bạn sẽ được tặng một cặp kính râm sau phẫu thuật.
Nếu phẫu thuật cần phải gây mê, bạn sẽ không được rời khỏi viện sớm. Bạn nên hỏi bác sĩ trước điều này để chuẩn bị cho ngày phẫu thuật.
Trong khi mắt lành lại, bạn có thể bị đỏ mắt và mờ mắt trong vài ngày đầu hoặc thậm chí vài tuần sau phẫu thuật.
Trong ít nhất tuần đầu tiên của giai đoạn phục hồi, bạn cần tránh:
Hoạt động mạnh và nâng vật nặng (không quá 11kg)
Tập thể dục và các hoạt động tương tự có thể làm căng mắt trong khi nó đang lành.
Nước có thể bắn vào mắt và gây nhiễm trùng do vậy bạn nên nhắm mắt trong khi tắm, tránh bơi hay tắm bồn nước nóng ít nhất 2 tuần.
Tránh bụi hoặc các chất ô nhiễm gây nhiễm trùng khác.
Bác sĩ phẫu thuật có thể cung cấp cho bạn các hướng dẫn và khuyến nghị khác để phục hồi sau phẫu thuật, tùy thuộc vào nhu cầu cụ thể của bạn và kết quả của cuộc phẫu thuật. Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi bất cứ lúc nào sau phẫu thuật, hãy gọi bác sĩ nhãn khoa để được tư vấn.
Nếu bạn cần phẫu thuật đục thủy tinh thể ở cả hai mắt, bác sĩ phẫu thuật thường khuyên bạn nên phẫu thuật cách nhau 1 đến 3 tuần để mắt đầu tiên đã lành đủ và bạn có thị lực tốt ở mắt đó trước khi phẫu thuật mắt còn lại.
Kính mắt sau khi phẫu thuật đục thể thủy tinh
Nếu bạn không chọn sử dụng IOL điều chỉnh viễn thị, có thể bạn sẽ cần kính đọc sách (reading glasses) để nhìn rõ các vật thể ở gần. Ngay cả những người chọn các IOL cao cấp cũng nhận thấy rằng kính đọc sách rất hữu ích khi đọc và nhìn gần.
Trong trường hợp có một số tật khúc xạ nhẹ xuất hiện sau phẫu thuật (điều này là phổ biến), bạn có thể cần đeo progressive lenses toàn thời gian sau phẫu thuật để đạt được tầm nhìn tốt nhất có thể ở mọi khoảng cách.
Ngay cả những người có kết quả phẫu thuật tốt và có thể nhìn rõ mà không cần đeo kính sau phẫu thuật nhưng họ vẫn chọn đeo kính toàn thời gian để bảo vệ mắt và họ cảm thấy như vậy sẽ giống họ hơn vì họ đã đeo kính quá lâu.
Bạn nên chọn mắt kính có khả năng chống phản xạ, kính photochromic tự động tối trong ánh sáng mặt trời được khuyên dùng để có tầm nhìn, sự thoải mái và vẻ ngoài tốt nhất.
Các nhà khoa học đang nghiên cứu về thuốc nhỏ mắt có thể làm tan đục thủy tinh thể
Phẫu thuật đục thủy tinh thể được chứng minh là an toàn và hiệu quả, ít nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Nhưng sẽ còn tuyệt vời hơn nếu thuốc nhỏ mắt có thể làm tan đục thủy tinh thể mà không cần phẫu thuật tốn kém?
Trong một nghiên cứu gần đây về đục thủy tinh thể bẩm sinh, các nhà nghiên cứu của Đại học California San Diego đã phát hiện ra một phân tử có tên là lanosterol ngăn các protein gây đục thủy tinh thể dính vào nhau, giữ cho thủy tinh thể của con người trong suốt. Nhưng nếu phân tử không bình thường do đột biến gen, các protein sẽ bám dính và làm cho thủy tinh thể bị đục.
Các nhà nghiên cứu đã tạo ra thuốc nhỏ mắt có chứa lanosterol, thử nghiệm chúng trong thủy tinh thể của mắt thỏ và thấy thủy tinh thể trong hơn sau vài ngày. Ngoài ra thuốc nhỏ mắt này còn có tác dụng ở thử nghiệm trên chó.
Thuốc nhỏ mắt không có tác dụng nhiều như phẫu thuật, bởi vì chúng không loại bỏ được đục trong thủy tinh thể mà chỉ giảm được nó. Các thử nghiệm tiếp theo có thể tạo ra một công thức hiệu quả hơn, nhưng điều đó sẽ mất thời gian.
Một số người có thể cần mổ đục thủy tinh thể sớm hơn sau phẫu thuật LASIK
Các nhà nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát hiện ra một điều thú vị về những người phẫu thuật đục thủy tinh thể sau khi đã phẫu thuật LASIK: họ có thể cần phẫu thuật đục thủy tinh thể sớm hơn.
Trong nghiên cứu hồi cứu, ba nhóm bệnh nhân đã được đánh giá:
- Nhóm LASIK: Gồm 40 bệnh nhân được lên kế hoạch phẫu thuật đục thủy tinh thể trước đây đã trải qua phẫu thuật LASIK.
- Nhóm đối chứng 1: Một nhóm gồm 60 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể nhưng không phẫu thuật LASIK trước đây, nhưng có mắt khớp với nhóm LASIK về độ dài trục (chiều dài từ trước ra sau của nhãn cầu, một yếu tố về mức độ cận thị) .
- Nhóm đối chứng 2: Một nhóm 3.642 bệnh nhân được phẫu thuật đục thủy tinh thể có mắt không khớp với nhóm của LASIK về chiều dài trục.
Tuổi trung bình khi phẫu thuật đục thủy tinh thể cho bệnh nhân trước đây đã điều trị bằng LASIK là 54,6 tuổi – trẻ hơn khoảng 10 tuổi so với nhóm đối chứng 1 (khớp với chiều dài trục) và trẻ hơn khoảng 15 tuổi so với nhóm đối chứng 2 (không khớp với chiều dài trục).
Ngoài ra, 70% bệnh nhân trong nhóm LASIK là nam giới, tỷ lệ cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng. Và tỷ lệ quang sai bậc cao của giác mạc ở nhóm LASIK cao hơn đáng kể so với nhóm đối chứng.
Các tác giả nghiên cứu đã kết luận rằng những bệnh nhân có chiều dài nhãn cầu dài hơn trung bình (có khả năng cận thị cao hơn) và tăng quang sai bậc cao của giác mạc có thể cần phải phẫu thuật đục thủy tinh thể sớm hơn đó nếu họ đã trải qua phẫu thuật LASIK.