Tiểu đường

Những xét nghiệm dành cho bệnh đái tháo đường

Đái tháo đường là gì

Bệnh đái tháo đường là một tình trạng ảnh hưởng tới khả năng sản xuất và sử dụng insulin của cơ thể. Insulin giúp cơ thể sử dụng lượng đường (glucose) trong máu làm năng lượng. Bệnh đái tháo đường khiến cho lượng đường trong máu tăng cao một cách bất thường.

Theo thời gian, bệnh đái tháo đường dẫn tới tổn thương các mạch máu và thần kinh, gây ra nhiều biến chứng khác nhau, bao gồm:

  • Suy giảm thị lực
  • Ngứa, tê ở bàn tay, bàn chân
  • Tăng nguy cơ mắc bệnh tim, đột quỵ

Chẩn đoán sớm bệnh đái tháo đường giúp bạn có cơ hội điều trị, thực hiện các biện pháp, lối sống lành mạnh hơn để hạn chế các biến chứng của bệnh đái tháo đường.

Khi nào cần làm xét nghiệm đái tháo đường

Trong giai đoạn đầu của bệnh, đái tháo đường có thể có hoặc không có triệu chứng gì cả. Bạn nên đi khám và làm xét nghiệm đái tháo đường nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào xảy ra như:

  • Khát cực kỳ
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi
  • Luôn cảm thấy đói, ngay cả sau khi ăn
  • Suy giảm thị lực
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Vết thương, vết loét lâu lành

Có một số người nên được xét nghiệm đái tháo đường ngay cả khi không có triệu chứng gì. Hiệp hội đái tháo đường Hoa kỳ (ADA) khuyến cáo nên đi xét nghiệm đái tháo đường nếu bạn thừa cân hoặc rơi và các trường hợp sau:

  • Thuộc dân tộc có nguy cơ cao (người Mỹ gốc Phi, người La tinh, người Mỹ bản địa, người Thái Bình Dương, người Mỹ gốc Á)
  • Bạn bị tăng huyết áp, tăng triglycerid, bệnh tim
  • Có tiền sử gia đình có người mắc bệnh đái tháo đường
  • Có tiền sử đường huyết bất thường hoặc có dấu hiệu kháng insulin
  • Bạn ít hoạt động thể chất
  • Phụ nữ có tiền sử mắc hội chứng buồng trứng đa nang hoặc đái tháo đường thai kỳ

ADA cũng khuyến cáo bạn nên đi xét nghiệm đường huyết nếu bạn trên 45 tuổi. Bởi vì nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường tăng theo tuổi, xét nghiệm đường huyết thường xuyên giúp bạn theo dõi và phát hiện bệnh sớm.

Xét nghiệm máu dành cho bệnh đái tháo đường

Xét nghiệm HbA1c

Xét nghiệm máu giúp bác sĩ xác định được mức đường huyết của bạn. Xét nghiệm HbA1c là một trong những xét nghiệm phổ biến nhất bởi vì nó cho phép bạn biết được lượng đường huyết trung bình của bạn trong một khoảng thời gian và bạn không cần phải nhịn đói.

Xét nghiệm này còn được gọi là xét nghiệm Glycated Hemoglobin. Xét nghiệm sẽ đo được xem bao nhiêu glucose đã gắn với hồng cầu trong cơ thể của bạn trong vòng từ 2 đến 3 tháng qua.

Vì các tế bào hồng cầu có tuổi thọ khoảng 3 tháng, vì vậy xét nghiệm HbA1c sẽ tính được đường huyết trung bình trong vòng 3 tháng. Xét nghiệm chỉ cần lấy một chút máu, kết quả trả về dưới dạng phần trăm:

  • Dưới 5,7%: bình thường
  • Từ 5.7% đến 6,4%: tiền đái tháo đường
  • Từ 6,5% trở lên: bệnh đái tháo đường

Ở một số trường hợp như phụ nữ mang thai và người có biến thể hemoglobin đặc biệt thì kết quả xét nghiệm sẽ không chính xác, khi đó bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm đái tháo đường khác thay thế.

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên

Xét nghiệm đường huyết ngẫu nhiên tức là bạn sẽ được lấy máu xét nghiệm bất cứ lúc nào. Nếu kết quả trả về bằng hoặc cao hơn 11.1 mmol/l thì rất có thể bạn đã mắc bệnh đái tháo đường.

Xét nghiệm đường huyết lúc đói

Xét nghiệm đường huyết lúc đói là lấy máu của bạn để xét nghiệm sau khi bạn đã nhịn ăn qua đêm, hay bạn không ăn trong vòng từ 8 – 12 giờ.

  • Kết kết quả dưới 5,5 mmol/l là bình thường
  • Từ 5,5 đến 6,9 mmol/l là tiền đái tháo đường
  • Kết quả cao hơn 7,0 mmol/l sau hai lần kiểm tra thì rất có thể bạn đã mắc bệnh đái tháo đường

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống

Xét nghiệm dung nạp glucose đường uống thường được thực hiện trong vòng 2h. Đầu tiên bạn sẽ được làm xét nghiệm kiểm tra đường huyết ban đầu, sau đó bạn được uống một cốc nước đường. Sau hai giờ thì kiểm tra lại đường huyết của bạn

  • Kết quả dưới 7,7 mmol/l là bình thường
  • Kết quả từ 7,7 mmol/l đến 11 mmol/l là tiền đái tháo đường
  • Kết quả bằng hoặc lớn hơn 11,1 mmol/l thì khả năng rất cao bạn đã mắc bệnh đái tháo đường

Xét nghiệm nước tiểu bệnh đái tháo đường

Xét nghiệm nước tiểu không phải lúc nào cũng được sử dụng để chẩn đoán bệnh đái tháo đường. Các bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm này nếu họ đang nghi ngờ bạn mắc bệnh đái tháo đường type 1. Cơ thể tạo ra các keton khi mô mỡ được sử dụng để tạo năng lượng thay vì glucose trong máu. Các phòng thí nghiệm có thể xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem bạn có ketone niệu hay không.

Nếu Ketone xuất hiện trong nước tiểu ở mức độ trung bình hoặc cao chứng tỏ cơ thể bạn không tạo ra đủ insulin, hoặc cơ thể bạn không sử dụng được insulin hiệu quả

Xét nghiệm đái tháo đường thai nghén

Bệnh đái tháo đường thai nghén xảy ra ở phụ nữ có thai. ADA khuyến cáo những phụ nữ mang thai có yếu tố nguy cơ nên làm xét nghiệm đái tháo đường ở lần khám thai định kỳ đầu tiên. Đái tháo đường thai kỳ thường xảy ra ở quý thứ hai hoặc ba của thai kỳ.

Có hai loại xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ:

  • Phương pháp 2 bước:
    Bước 1: là nghiệm pháp glucose đường uống. Bạn sẽ được uống một cốc nước glucose. Và xét nghiệm máu sau một giờ. Nếu kết quả từ 7,2 đến 7,7 mmol/l hoặc thấp hơn được coi là bình thường. Nếu cao hơn thì cần phải kiểm tra thêm.
    Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose. Ban đầu bạn phải nhịn đói qua đêm. Xét nghiệm mức đường huyết ban đầu. Sau đó bạn sẽ được uống một dung dịch nước đường nồng độ cao. Tiếp theo là quá trình kiểm tra đường huyết mỗi giờ trong vòng ba giờ. Nếu kết quả có ít nhất 2 giá trị vượt ngưỡng  thì được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ
  • Phương pháp 1 bước:
    Đối với phương pháp này bạn sẽ được thực hiện nghiệm pháp glucose 2h tương tự xét nghiệm ở trên. Nhưng chỉ cần một giá trị vượt ngưỡng là đã có thể chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment