Nôn ra máu, hay xuất huyết, là nôn ra thức ăn lẫn máu hoặc chỉ nôn ra máu. Nôn ra máu có thể liên quan tới nuốt máu do chấn thương miệng hoặc chảy máu mũi. Những trường hợp nhỏ này có thể sẽ không gây ra tác hại lâu dài. Tuy nhiên, ôn ra máu cũng có thể gây ra bởi các tình trạng nghiêm trọng hơn như chấn thương bên trong, chảy máu nội tạng hoặc vỡ nội tạng.
Máu nôn ra có thể có màu nâu, đỏ sẫm hoặc đỏ tươi. Máu có màu nâu thường giống với bã cà phê. Màu của máu nôn ra thường có thể cho bác sĩ biết vị trí chảy máu và mức độ nghiêm trọng của xuất huyết.
Ví dụ, máu sẫm màu thường chỉ ra rằng chảy máu đến từ đoạn tiêu hóa trên, chẳng hạn như dạ dày. Máu sẫm hơn thường đặc trưng cho vị trí chảy máu ở trên cao, rỉ rả, số lượng không nhiều.
Mặt khác, máu đỏ tươi thường chỉ ra một đợt chảy máu cấp tính đến từ thực quản hoặc dạ dày. Tình trạng này có thể chỉ ra đang có sự chảy máu nhanh, nhiều.
Màu của máu trong chất nôn có thể không phải lúc nào cũng chỉ ra vị trí và mức độ nghiêm trọng của chảy máu, nên các bác sĩ cần hỏi bệnh kết hợp với các cận lâm sàng để chẩn đoán chính xác.
Nếu bạn nôn ra một lượng máu lớn, thường là 500 cc hoặc kích thước của một cốc nhỏ hoặc nếu bạn nôn ra máu kết hợp với chóng mặt hoặc thay đổi nhịp thở, bạn nên gọi 115 ngay lập tức.
Mục lục
Nguyên nhân nào gây nôn ra máu?
Nôn ra máu là triệu chứng thường do bệnh lý ở đường tiêu hóa trên, bao gồm: Thực quản, dạ dày, và đoạn đầu ruột non (hành tá tràng). Rất nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra chảy máu và sẽ được nhắc đến dưới đây.
Nôn ra máu là một cấp cứu nội khoa. Mặc dù trong nhiều trường hợp, máu chảy sẽ nhanh chóng được cầm, nhưng bạn vẫn không thể chắc chắn nó sẽ ngừng chảy khi bạn nôn ra máu lần đầu. Trong một số trường hợp, chảy máu có thể trở nên nguy hiểm và đe dọa đến tính mạng.
Có nhiều nguyên nhân gây nôn ra máu. Các nguyên nhân có mức độ nghiêm trọng từ ít tới nhiều và thường là kết quả của chấn thương, bệnh tật hoặc sử dụng thuốc.
Nôn ra máu có thể được gây ra bởi các nguyên nhân nhỏ
- Nuốt máu: Đôi khi bạn sẽ vô tình nuốt phải máu từ việc chảy máu mũi nghiêm trọng hoặc thậm chí nhận thấy phân xuất hiện có máu đen.
- Rách thực quản do ho mãn tính hoặc nôn: Khi nôn quá nhiều, niêm mạc trong thực quản có thể bị tổn thương, rách và gây chảy máu.
- Kích thích thực quản-Hội chứng Mallory-Weiss: Đây là loại chảy máu gây ra bởi một vết rách ở thành thực quản hay dạ dày. Vết rách này có thể gây ra bởi bất kỳ nguyên nhân gì mà dẫn tới tăng đột ngột áp lực trong dạ dày hay thực quản. Ví dụ như, nôn ọe nhiều lần do bất kỳ nguyên nhân gì, quá căng thẳng mệt mỏi, ho hay nấc mạnh.
- Nuốt một vật lạ
Các nguyên nhân phổ biến gây nôn ra máu
Viêm loét dạ dày
Nếu nôn ra máu đồng thời kèm theo cảm giác nóng rát hay cồn cào ở bụng, nhất là vùng bụng trên rốn, bạn có thể bị viêm loét dạ dày nghiêm trọng. Chảy máu xảy ra khi vết loét hay hiện tượng viêm gây tổn thương mạch máu nằm dưới.
Giãn tĩnh mạch thực quản
Giãn tĩnh mạch là mạch máu bị giãn rộng ra, thường ở trong thành thực quản và dạ dày. Đây là một trong những biến chứng có thể gặp của xơ gan. Trong xơ gan, mô gan xơ làm cản trở dòng máu qua gan, gây tăng áp lực tĩnh mạch đem máu từ đường tiêu hóa đến gan. Tĩnh mạch mang máu chứa các chất dinh dưỡng đã được tiêu hóa được gọi là tĩnh mạch cửa. Áp lực tăng lên đẩy máu trở về đường tiêu hóa và làm cho tĩnh mạch này giãn ra trong thành thực quản. Tĩnh mạch giãn ra trở nên khá dễ vỡ và có thể chảy máu dữ dội vào trong lòng thực quản.
Viêm thực quản
Thường là do acid trào ngược từ dạ dày (bệnh trào ngược dạ dày-thực quản). Thực quản bị viêm đôi khi xảy ra chảy máu.
Loét hành tá tràng
Ổ loét có thể gây chảy máu, đôi khi rất dữ dội. Giống như loét dạ dày, loét hành tá tràng thường do nhiễm một loại vi khuẩn có tên là Helicobacter Pylori (HP). Trường hợp này thường có thể được chữa trị khá dễ dàng. Thuốc kháng viêm và aspirin, là nguyên nhân thường gặp gây loét dạ dày, nhưng không phải là nguyên nhân thường gặp gây loét hành tá tràng.
- Tác dụng phụ của aspirin
- Tác dụng phụ của thuốc chống viêm không steroid
- Viêm tụy
Nguyên nhân nghiêm trọng gây nôn ra máu
- Xơ gan
- Ung thư thực quản: Đôi khi gây chảy máu vào trong lòng thực quản.
- Ung thư dạ dày: Đôi khi gây chảy máu vào trong dạ dày.
- Ung thư tuyến tụy
Nguyên nhân hiếm gặp từ bất cứ đoạn nào của đường tiêu hóa trên, bao gồm:
- Nhiễm xạ.
- Nhiễm trùng đường tiêu hóa không phổ biến.
- Chấn thương.
- Vô căn: Trong một số trường hợp, thậm chí sau khi xét nghiệm vẫn không thể tìm thấy nguyên nhân.
Khi nào nôn ra máu nên đến gặp bác sĩ ngay?
Tất cả các trường hợp nôn ra máu sau nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.
- Máu đen: Thường được mô tả như là màu bã cà phê, gợi ý máu chảy tương đối chậm. Máu chảy ra tiếp xúc với acid dạ dày đủ lâu để acid chuyển máu thành màu nâu đen. Chảy máu trong trường hợp này có thể vẫn chưa nhiều lắm nhưng có thể nhiều hơn ở lần chảy máu sau đó.
- Chảy máu đỏ tươi số lượng lớn gợi ý máu chảy nhanh và nhiều.
- Nôn ra máu kèm đi cầu phân đen: Đi cầu phân đen có nghĩa là phân có màu rất đen và thường đặc sánh như nhựa đường. Nôn ra máu và đi cầu phân đen là 2 triệu chứng thường đi cùng nhau. Chúng đồng thời xuất hiện chứng tỏ chảy nhiều máu trong đường tiêu hóa.
Triệu chứng đi kèm với nôn ra máu
Một số triệu chứng có thể xuất hiện cùng với nôn ra máu. Những triệu chứng này bao gồm:
- Buồn nôn
- Khó chịu ở bụng
- Đau bụng
- Ho nhiều
- Mệt mỏi
Nôn ra máu có thể chỉ ra một cấp cứu y tế nghiêm trọng. Gọi 115 nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Chóng mặt
- Mờ mắt
- Tim đập loạn nhịp
- Thay đổi nhịp thở
- Da lạnh hoặc dính
- Nhầm lẫn
- Choáng váng
- Đau bụng nhiều
- Nôn ra máu sau chấn thương
Chẩn đoán nôn ra máu
Có nhiều vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể khiến bạn nôn ra máu. Để chẩn đoán, bác sĩ sẽ bắt đầu bằng cách đặt câu hỏi về các triệu chứng của bạn và liệu gần đây bạn có bị thương hay không.
Bác sĩ có thể sẽ hỏi nhiều câu hỏi về nguồn gốc chảy máu, về các triệu chứng khác và thăm khám. Một trong những điều đầu tiên bác sĩ sẽ cố gắng tìm ra là “liệu máu chảy ra này có thật sự là từ đường tiêu hóa trên không?”. Đôi khi khó có thể chắc chắn điều này, và có thể khó kết luận nếu máu chảy ra là:
- Ho ra máu, chứ không phải nôn ra máu.
- Máu từ chỗ nào đó ở trong miệng hoặc mũi mà chảy ngược lại cổ họng, sau đó nuốt và nôn ra. Ví dụ, máu chảy từ mũi.
Nếu rõ ràng là máu chảy từ đường tiêu hóa trên, các xét nghiệm thường làm là để tìm nguyên nhân. Xét nghiệm hay được làm nhất là nội soi.
Bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm hình ảnh để nhìn vào bên trong cơ thể bạn. Các hình ảnh cho thấy những bất thường trong cơ thể như các cơ quan nội tạng bị vỡ hoặc có khối bất thường trong cơ thể. Các xét nghiệm hình ảnh phổ biến được sử dụng cho các mục đích này là:
- Chụp CT
- Nội soi, một thiết bị cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong dạ dày
- Siêu âm
- Chụp X-quang
- MRI
Bác sĩ có thể yêu cầu nội soi trên để tìm máu trong dạ dày. Phương pháp này có thể gây mê hoặc không. Nội soi dạ dày (nội soi tiêu hóa) là thủ thuật đưa ống nội soi mềm vào trong đường tiêu hóa, tiến hành thăm khám trực tiếp niêm mạc dạ dày để kiểm tra tình trạng, phát hiện những tổn thương và tiến hành điều trị. Trước khi nội soi dạ dày cần nhịn ăn để đảm bảo an toàn và tăng hiệu quả quan sát.
Trước khi nội soi dạ dày cần nhịn ăn ít nhất 6 giờ để có thể quan sát rõ lớp niêm mạc dạ dày và tránh bị trào ngược, sặc thức ăn. Ngoài ra, người bệnh không được uống các loại sữa, nước có màu như nước hoa quả, nước ngọt, cà phê… trước khi nội soi vì sẽ ảnh hưởng đến khả năng quan sát.
Để đảm bảo kết quả tốt nhất và an toàn cho chính bản thân mình, người bệnh nên nội soi dạ dày vào buổi sáng, thời gian ngủ qua đêm sẽ giúp thức ăn tiêu hóa hết. Trường hợp nội soi khi bị hẹp môn vị, người bệnh cần nhịn ăn từ 12 – 24 tiếng hoặc phải đặt ống bơm rửa dạ dày trước khi nội soi.
Nếu nội soi gây mê, người bệnh cần tuyệt đối nhịn ăn uống từ 6 – 8 tiếng, bao gồm cả nước lọc để tránh trào ngược vào phổi.
Nhiều loại xét nghiệm máu và xét nghiệm khác có thể được làm để đánh giá tình trạng toàn thân. Ví dụ, lượng máu mất là bao nhiêu, có cần phải truyền dịch hay truyền máu để bù lượng máu đã mất hay không. Xét nghiệm máu cũng có thể giúp đánh giá những yếu tố cụ thể như là chức năng gan nếu có xơ gan, hay để giúp chẩn đoán hay nhận định các nguyên nhân khác gây chảy máu.
Sinh thiết cũng có thể được thực hiện để xác định xem nguồn chảy máu có phải là nguồn gây viêm, nhiễm trùng hoặc ung thư hay không. Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm bổ sung dựa trên kết quả công thức máu của bạn.
Biến chứng nôn ra máu
Nghẹt thở, hoặc sặc, là một trong những biến chứng chính của nôn ra máu. Điều này có thể dẫn đến việc trào máu vào trong phổi, làm suy giảm khả năng thở, có thể đe dọa tính mạng nếu không được điều trị ngay lập tức.
Những người có nguy cơ bị biến chứng này bao gồm:
- Người cao tuổi
- Người có tiền sử lạm dụng rượu
- Người có tiền sử đột quỵ
- Những người có tiền sử rối loạn ảnh hưởng đến khả năng nuốt
Tùy thuộc vào nguyên nhân, nôn ra máu có thể gây ra các biến chứng sức khỏe khác.
Thiếu máu là một biến chứng khác của chảy máu quá nhiều. Đó là sự thiếu hụt các tế bào hồng cầu khỏe mạnh. Nó xảy ra đặc biệt khi mất máu nhanh và đột ngột.
Tuy nhiên, những người có tình trạng tiến triển chậm, chẳng hạn như viêm dạ dày hoặc những người sử dụng NSAID mãn tính có thể bị thiếu máu trong vài tuần đến vài tháng. Trong trường hợp này, thiếu máu có thể vẫn không có triệu chứng cho đến khi huyết sắc tố của họ trong công thức máu rất thấp.
Nôn ra máu do chảy máu quá nhiều cũng có thể dẫn đến sốc. Các triệu chứng sau đây biểu hiện có sốc:
- Chóng mặt khi đứng
- Thở nhanh, nông
- Ít nước tiểu
- Da lạnh, nhợt nhạt
Nếu không được điều trị ngay lập tức, sốc có thể dẫn đến tụt huyết áp sau đó là hôn mê và tử vong. Nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng sốc, hãy nhờ ai đó đưa bạn đến phòng cấp cứu hoặc gọi 115.
Nôn ra máu được điều trị như thế nào?
Tùy thuộc vào lượng máu bị mất, bạn có thể cần truyền máu. Truyền máu thay thế máu đã mất của bạn bằng máu của người hiến. Máu được đưa vào tĩnh mạch của bạn thông qua đường truyền tĩnh mạch.
Bạn cũng có thể được truyền dịch để bù nước cho cơ thể. Bác sĩ có thể kê đơn thuốc để ngừng nôn hoặc giảm axit dạ dày. Nếu dạ dày bị loét, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc để điều trị.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng hơn của chảy máu, bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến bác sĩ tiêu hóa. Bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa có thể thực hiện nội soi để không chỉ chẩn đoán mà còn điều trị vị trí chảy máu. Trong trường hợp nghiêm trọng, chẳng hạn như thủng dạ dày hoặc ruột , phẫu thuật có thể cần thiết. Các trường hợp nghiêm trọng cũng có thể bao gồm loét chảy máu hoặc chấn thương bên trong.
Một số thực phẩm và đồ uống làm tăng khả năng nôn ra máu. Chúng bao gồm các thực phẩm có tính axit cao và đồ uống có cồn. Nếu bạn thường xuyên tiêu thụ những thực phẩm hoặc đồ uống này, bác sĩ có thể giúp bạn thiết lập một chế độ ăn uống đặc biệt để giảm nguy cơ này.