Chăm sóc trẻ

Trẻ 14 tuổi: Các mốc phát triển quan trọng và cách nuôi dạy

Mười bốn tuổi có thể là một năm bản lề của những năm tháng sau này của con bạn. Trong khi một số trẻ 14 tuổi bắt đầu đi vào con đường trở thành một người trưởng thành có trách nhiệm cao thì những trẻ khác có thể bắt đầu nổi loạn. Đây cũng là độ tuổi nếu không sát sao cạnh con thì con trẻ có thể dễ dàng sa đọa vào những thói hư tật xấu, dễ bị người xấu dụ dỗ nhất. Đây chính là thời điểm quan trọng để đảm bảo bạn nuôi dạy, hướng dẫn con và giúp con bạn đạt được các kỹ năng cần thiết cho một tương lai thành công.

Dưới đây là một số mốc phát triển của thiếu niên 14 tuổi và mẹo nuôi dạy con tốt nhất.

Xem thêm: 10 mẹo nuôi dạy trẻ vị thành niên thời kỳ từ 13 đến 18 tuổi

Phát triển thể chất của trẻ 14 tuổi

trẻ 14 tuoi

Hầu hết các trẻ đều đã bắt đầu dậy thì trước 14 tuổi. Cũng có một số trẻ bây giờ mới bắt đầu bước vào tuổi dậy thì, thường là các trẻ trai. Cả trẻ trai và trẻ gái đều có xu hướng mọc lông vùng dưới cánh tay và vùng sinh dục vào thời điểm này.

Hầu hết trẻ gái đã bắt đầu kinh nguyệt từ trước đó và ngực cũng đã phát triển. Các trẻ trai có thể thấy cân nặng và chiều cao tăng vọt, kích thước tinh hoàn và dương vật tăng nhanh. Mụn trứng cá có thể sẽ khá khó chịu nhưng đây là một phần tự nhiên của giai đoạn dậy thì. Lượng nội tiết tố tăng cao trong cơ thể có thể khiến mụn bùng phát tại các khu vực mà trước đây chưa từng thấy mụn xuất hiện. Một lý do khác đó là vì tuyến dầu trên cơ thể của trẻ sẽ hoạt động mạnh hơn trong độ tuổi dậy thì, khiến trẻtoát nhiều mồ hôi hơn và từ đó làm da dễ nổi mụn hơn. Hầu hết trẻ bắt đầu nổi mụn vào cùng thời điểm của sự xuất hiện lông bên dưới cánh tay.

Tình trạng mộng tinh diễn ra khi trẻ trai bị kích thích và xuất tinh khi ngủ. Tinh dịch là một chất lỏng có độ dính và có chứa tinh trùng. Đôi khi, trẻ bị mộng tinh (vì đã có một giấc mơ khá “nóng bỏng”). Đây cũng là vấn đề sinh lý hoàn toàn bình thường.

Trước khi dậy thì, khuôn mặt của trẻ sẽ tròn hơn và gò má sẽ phúng phính hơn. Trong giai đoạn dậy thì, khuôn mặt của trer sẽ có hình dạng trái xoan và các đường nét sẽ trở nên rõ ràng hơn và sẽ trông giống người trưởng thành hơn. Sẽ khó để trẻ có thể nhận biết được sự thay đổi trên khuôn mặt của mình vì trẻ đã quen với việc nhìn thấy nó hằng ngày. Hãy xem lại các bức ảnh chụp của trẻ cách đây một năm, hoặc một vài tháng và bạn có thể thấy sự khác biệt.

Cơ thể thay đổi của trẻ có thể khiến trẻ tự hào hoặc là nguyên nhân cho phần lớn quan tâm hiện tại của họ. Một số thanh thiếu niên có thể tự hào về cơ thể giống người lớn của họ trong khi những người khác có thể bối rối trước những thay đổi họ đang trải qua.

Những cậu bé bước vào tuổi dậy thì muộn hơn có thể cảm thấy tồi tệ hơn về bản thân. Họ có thể gặp các vấn đề về hình ảnh cơ thể vì nhiều khả năng là họ sẽ so sánh bản thân với các bạn bè cùng trang lứa.

Các cô bé hầu như sẽ có kinh nghiệm dậy thì trước đó. Họ thường quan tâm đến cân nặng và ngoại hình của mình. Ở lứa tuổi này, ngoại hình vô cùng quan trọng với các cô bé, cậu bé.

Những dấu mốc quan trọng

  • Có thể tăng vài inch trong vài tháng, sau đó là giai đoạn tăng trưởng rất chậm
  • Thay đổi ngoại hình xảy ra ở các cô bé/cậu bé khác nhau có thể khiến trẻ bận tâm nhiều
  • Ý thức về giới tính của mình rõ rệt

Mẹo nuôi dạy con

Các cô bé/cậu bé 14 tuổi của bạn có thể đói hầu như mọi lúc. Dự trữ trong nhà với đồ ăn nhẹ lành mạnh và làm cho trẻ các bữa ăn bổ dưỡng. Giảm các vấn đề hình ảnh cơ thể bằng cách nói về sức khỏe, thay vì cân nặng. Các bé gái có thể muốn giảm cân để có được body đẹp như diễn viên hay người mẫu. Gỉai thích cho con về tầm quan trọng của sức khỏe thay vì chú trọng ngoại hình.

Dạy cho trẻ trai cách vệ sinh cơ thể. Đây có thể là thời điểm thích hợp để bé trai bắt đầu sử dụng sản phẩm khử mùi nếu trước đây chưa từng sử dụng chúng. Trẻ cũng cần tắm rửa thường xuyên hơn để giữ cho cơ thể luôn sạch sẽ và thơm tho. Một vài cậu bé bị mụn trứng cá nặng khi bước vào tuổi dậy thì. Nếu mụn là một vấn đề khiến con quá lo lắng, bạn cần đưa con phải đến gặp bác sĩ để cân nhắc về việc sử dụng thuốc để điều trị.

Sự phát triển cảm xúc

Thanh thiếu niên 14 tuổi thường muốn chứng minh với mọi người rằng họ biết tất cả mọi thứ. Vì vậy, đừng ngạc nhiên nếu con bạn muốn tranh luận với bạn về mọi thứ hoặc nếu nó khăng khăng rằng bạn sai và không hiểu gì về con.

Hầu hết thanh thiếu niên trải qua những biến động lớn trong cảm xúc của họ. Một ngày nào đó con có thể cảm thấy bản thân xuất sắc hoặc vô cùng tồi tệ, đó là điều bình thường. Phần bộ não dễ bị căng thẳng nhất vẫn đang trưởng thành, vì vậy các chiến lược đối phó mà trẻ sử dụng ở giai đoạn này có thể ăn sâu vào não chúng để trở thành các hành vi theo chúng suốt đời.

Mặc dù sự thay đổi tâm trạng vẫn có thể phổ biến ở tuổi 14 nhưng mức độ thường ít dữ dội hơn so với trước đây. Nhiều đứa trẻ 14 tuổi trở nên dễ tính hơn khi chúng trưởng thành.

Các trẻ thường phát triển các kỹ năng cần thiết để đối phó với những cảm xúc khó chịu theo những hình thức lành mạnh. Trẻ có thể dựa vào phương pháp của riêng mình, như viết nhật ký hoặc nghe nhạc, hoặc có thể nhờ bạn bè hỗ trợ thông qua mạng xã hội, nhắn tin, gọi điện…

Đây là thời điểm cái tôi của trẻ rất lớn. Trẻ cũng dễ xấu hổ trước tập thể. Lúc này, trẻ có thể không thích cho cha mẹ gặp bạn bè, muốn chứng tỏ trẻ đã lớn và không muốn cha mẹ can thiệp quá sâu vào cuộc sống của mình. Chính vì vậy, việc con cãi lại bất kỳ câu nói nào của bố mẹ là chuyện thường xuyên xảy ra trong gia đình. Những kỹ năng xã hội cần thiết để hiểu điều bố mẹ thật sự đang nói chưa thể đầy đủ khiến độ tuổi này trở nên khó hiểu và có thể là nỗi kinh hoàng của các bậc làm cha mẹ. Vào khoảng thời gian này, những phản ứng của tuổi teen đối với tình trạng căng thẳng có thể gây ra nhiều xáo trộn trong cuộc sống gia đình, kết thúc bằng những tiếng đập mạnh cửa phòng và rất nhiều nước mắt. Tác động của căng thẳng lên đến đỉnh điểm vào giai đoạn này. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, lứa tuổi từ 11 đến 15 trở nên buồn bã và lo lắng khi liên quan đến các áp lực xã hội như bị cô lập khỏi một nhóm bạn bè, điều có ít tác động hơn đối với người đã trưởng thành.

Những dấu mốc quan trọng

  • Đa số có tính cách vui vẻ và dễ gần
  • Nhận ra điểm mạnh và điểm yếu riêng
  • Dễ có phản ứng mạnh mẽ

Mẹo nuôi dạy con

Có khả năng đứa trẻ 14 tuổi của bạn sẽ cho rằng các quy tắc của bạn quá nghiêm ngặt hoặc bạn kỳ vọng quá nhiều vào con. Hãy nói rõ rằng con có một số quyền kiểm soát đối với các đặc quyền của mình. Phân công công việc và cho trẻ một không giai riêng. Giao hẹn đặc quyền của con phụ thuộc vào việc hoàn thành công việc của trẻ.

Sự hỗ trợ của gia đình lúc này có ý nghĩa rất quan trọng. Trong một nghiên cứu năm 2016 tiến hành trên 362 thiếu niên người Israeli của tạp chí Tâm lý Gia đình, những thanh thiếu niên được gia đình quan tâm, hỗ trợ tinh thần, giúp giải quyết các vấn đề xã hội thường ít bị căng thẳng và chán nản hơn.

Các bé gái vị thành niên thường dễ bị cảm giác bi quan khi thất bại, điều này sẽ dẫn đến khả năng rơi vào trầm cảm cao hơn. Bạn nên dạy trẻ cách đối mật với thất bại, dạy con gái cách tự khoan dung với bản thân mình thay vì dằn vặt trách cứ bản thân. Bằng cách này, con có thể tự đứng lên sau những vấp ngã và yêu thương bản thân nhiều hơn.

Các bậc cha mẹ nên dạy con cái mình thể hiện thái độ và những cảm xúc mạnh mẽ của mình. Chúng có thể thực hiện điều đó bằng cách tự hình thành những cảm xúc của mình với việc phát triển từ vựng nhưng buồn, vui, lo lắng, sợ hãi, tức giận…Và khi con biểu hiện cảm xúc thật sự của mình, cha mẹ nên cổ vũ chứ không nên phủ nhận hoặc thử thách chúng.

Tương tác xã hội

Việc những đứa trẻ 14 tuổi ngừng tâm sự với cha mẹ là chuyện bình thường. Thay vào đó, trẻ sẽ muốn chia sẻ với bạn bè của họ và tìm kiếm lời khuyên từ bạn bè/ nhóm chơi cùng. Đối với nhiều gia đình, sự độc lập của trẻ ngày càng nhiều có nghĩa là một sự thay đổi lớn trong mối quan hệ cha mẹ và con cái.

Các thiếu niên tuổi này muốn được chấp nhận bởi các bạn bè của họ. Trẻ muốn khẳng định mình, chứng tỏ mình là người có vai trò quan trọng trong nhóm hay trong lớp học. Nếu trước đây trẻ không quan tâm nhiều đến vẻ ngoài của mình, nhưng bây giờ lại chú ý nhiều hơn đến tóc tai, quần áo, và kiểu dáng tóc cũng như của cơ thể thì có nghĩa là trẻ đang ngày càng trở nên ý thức hơn về bản thân và quan tâm nhiều hơn đến suy nghĩ của người khác giới đối với bạn. Điều này hoàn toàn tự nhiên và là dấu hiệu cho thấy tâm sinh lý của trẻ đang phát triển.

Con của bạn có thể cảm thấy lo lắng nếu con không cảm thấy mình phù hợp với các bạn. Điều đó có thể gây tổn hại cho sự tự tin của trẻ và trẻ có thể có nguy cơ tìm kiếm sự hỗ trợ từ những người không tốt nếu như trẻ không thấy mình thuộc về tập thể. Đây là lúc trẻ dễ sa ngã vào những lời dụ dỗ của người xấu, trở thành phần tử xấu trong xã hội.

Nhiều đứa trẻ 14 tuổi cũng rất chú ý đến những bạn khác giới. Trẻ có thể phải lòng một ai đó hoặc muốn mình có một mối quan hệ lãng mạn với người khác.

Những dấu mốc quan trọng

  • Quan tâm mạnh mẽ đến các mối quan hệ lãng mạn
  • Lo lắng làm sao để được các bạn thích
  • Có một mạng lưới rộng lớn bao gồm bạn bè cả hai giới

Mẹo nuôi dạy con

Thể hiện sự quan tâm đến các hoạt động của con bạn. Đặt câu hỏi thể hiện sự quan tâm thay vì dò xét và cấm đoán trẻ. Thay vì hỏi, ngày hôm nay thế nào, bạn hãy hỏi “Hôm nay con vui nhất vì điều gì” ? Hãy hỏi về ý kiến ​​và sở thích của con bạn. Phân tích cho con về mối quan hệ với bạn bè, về những người xấu bên ngoài có thể dụ dỗ con. Bạn cũng nên dạy cho con các kỹ năng về tình bạn, bao gồm cả cách đọc biểu hiện và ngôn ngữ cơ thể. Khuyến khích con lựa chọn bạn bè dựa trên sở thích chung chứ không phải những người nổi tiếng và biết cách tránh những bạn không tốt. Trẻ cũng cần được dạy cách hàn gắn tình bạn sau một trận cãi cọ bằng nói lời xin lỗi, thay đổi hay thỏa hiệp.

Phát triển nhận thức

Hầu hết những đứa trẻ 14 tuổi thấy công bằng và bình đẳng là vấn đề quan trọng. Con bạn đã sẵn sàng cho những trải nghiệm lâu dài và lợi ích của trẻ cũng được đặt lên trên, trẻ muốn công bằng đối với trẻ cũng như đối với mọi người.

Trẻ thường muốn khám phá thế giới bên ngoài trường lớp. Trẻ quan tâm đến việc học những gì tồn tại ngoài trường học, địa phương và thậm chí cả đất nước của họ.

Đôi khi  trẻ 14 tuổi của bạn có vẻ ít giao tiếp hơn. Nhưng đây có thể là một phần của sự phát triển bình thường khi con bạn bắt đầu tự giải quyết vấn đề và tự mình xử lý cảm xúc.

Con bạn có thể thích giao tiếp với bạn bè quan facebook hay instagram. Nhắn tin và phương tiện truyền thông xã hội thường rất quan trọng ở độ tuổi này.

Hầu hết trẻ 14 tuổi có những sở thích riêng biệt. Họ thường có những cuốn sách yêu thích và tùy thuộc vào số lượng đã đọc mà trẻ có thể có những từ vựng phong phú.

Những dấu mốc quan trọng

  • Tập trung vào phát triển tương lai
  • Bắt đầu đặt mục tiêu cá nhân
  • Có thể phản đối các phương án của người lớn

Mẹo nuôi dạy con

Tôn trọng ý kiến của con bạn ngay cả khi bạn không đồng ý với con. Thể hiện sự quan tâm đến việc tìm hiểu thêm về những gì đã định hình ý tưởng của con và tại sao con lại suy nghĩ như vậy. Thanh thiếu niên thường chỉ muốn biết rằng ai đó đang lắng nghe họ chứ không phải phản đối tất cả những gì họ làm.

Hoạt động vui chơi

Hoạt động vui chơi một đứa trẻ 14 tuổi có thể bao gồm mọi thứ, từ chơi trò chơi điện tử trực tuyến đến xem các sự kiện thể thao với bạn bè. Họ có khả năng thích thực hiện kế hoạch với bạn bè và họ có thể dành thời gian cùng nhau thực hiện các dự án định hướng mục tiêu với bạn bè.

Các mốc quan trọng khác

Nhiều đứa trẻ 14 tuổi thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ đến việc kiếm tiền nhưng chúng thường không thể có được việc làm chính thức. Bạn có thể hỗ trợ con bạn tìm kiếm những công việc nho nhỏ giúp con kiếm được một số tiền chi tiêu, chẳng hạn như bán đồ online hoặc gia sư.

Ở tuổi 14, con bạn sẽ có thể thực hiện tất cả các công việc cơ bản bạn làm xung quanh nhà. Bạn có thể cân nhắc việc trả tiền cho con bạn để làm những công việc bạn có thể trả cho người khác để làm, như cắt cỏ hoặc rửa xe. Trả tiền cho con bạn có thể là một cách tốt để bắt đầu dạy cho con bạn những bài học cuộc sống quý giá về tiền bạc.

Hãy dạy cách trẻ xử lý khi bị lạm dụng, nhất là với trẻ gái. Chẳng cha mẹ nào muốn nghe tin con mình bị làm dụng cả. Giải quyết việc này là một thách thức vì nó bao gồm nhiều yếu tố: giao tiếp, tình bạn, và bản lĩnh cảm xúc của các bậc cha mẹ. Một bé gái bị lạm dụng và không biết xử lý như thế nào. Và một khi đã bị lạm dụng, con gái thường thấy bất lực và khó khăn để đứng lên. Trong những trường hợp này, phải chắc chắn rằng con bạn có sự hỗ trợ từ gia đình và thầy cô. Cần dạy con gái biết tránh xa những điều xấu xa và vô nhân đạo cũng như các kỹ năng tự vệ và đối phó với những người có ý định không tốt.

Khi nào cần đưa trẻ đi khám

Tất cả thanh thiếu niên phát triển với tỷ lệ hơi khác nhau. Vì vậy, trong khi một số trẻ 14 tuổi sẽ trông và hành động giống người lớn những trẻ khác vẫn có thể khá giống trẻ con. Thông thường, không có lý do gì để lo lắng vì tất cả trẻ em sẽ bắt kịp nhau trong tương lai gần.

Tuy nhiên, nếu bạn lo lắng về sự phát triển của con bạn, bạn cần nói chuyện với bác sĩ. Một bác sĩ có thể loại trừ bất kỳ vấn đề sức khỏe thể chất hoặc tinh thần và có thể giới thiệu con bạn đến một chuyên gia nếu cần thiết.

Rối loạn ăn uống có thể gặp trong những năm này. Theo dõi thói quen ăn uống của con bạn. Bỏ bữa, chán ăn và ăn kiêng là những dấu hiệu có thể báo hiệu con bạn cần sự giúp đỡ chuyên nghiệp.

Dinh dưỡng cho trẻ 14 tuổi

Tuổi vị thành viên (10-14 tuổi) là một trong những giai đọan quan trọng nhất quyết định đến sự phát triển cả thể chất và tinh thần về tương lai của mỗi con người. Chế độ can thiệp dinh dưỡng trong giai đọan này hết sức quan trọng, vì lứa tuổi này phát triển với tốc độ rất nhanh cả về chiều cao và cân nặng, các biến đổi về tâm, sinh lý, nội tiết, sinh dục…

Cân nặng trung bình tăng 3-5 kg một năm, chiều cao tăng 4-7 cm một năm; trẻ trai phát triển nhiều hơn trẻ gái. Vì vậy, chế độ dinh dưỡng của trẻ giai đoạn này đòi hỏi cũng rất cao cho sự phát triển cũng như hoạt động, do vậy trẻ thường ăn không biết no.

Để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng cho sự phát triển lứa tuổi này, bạn cần lưu ý một số điều sau:

Năng lượng

2.100-2.200 kcal một ngày với nữ và 2.100-2.900 kcal một ngày với nam tùy theo từng độ tuổi mà nhu cầu khác nhau.

Để đáp ứng được nhu cầu, trẻ cần ăn 3 bữa một ngày, ăn đủ no và đủ chất dinh dưỡng. Trẻ vị thành niên là lứa tuổi đang học tập thi cử, nếu phải thức khuya học nhiều cần cho trẻ ăn thêm bữa phụ như: sữa, hoa quả… Một số bé gái thường ăn ít để giữ thân hình, vóc dáng điều đó làm hạn chế sự phát triển.

Đạm

Đóng vai trò hết sức quan trọng, khoảng 70 g với nam và 60 g với nữ.

Hàng ngày cần đáp ứng chất đạm 70-100 g, tỷ lệ đạm động vật chiếm 35-40%, năng lượng từ chất đạm chiếm 15% năng lượng của khẩu phần. Nhu cầu chất đạm lứa tuổi vị thành niên cần thiết cho tốc độ phát triển, vì chất đạm giúp tạo nên cấu trúc của tế bào, tạo nên các nội tiết tố và đáp ứng khả năng miễn dịch cơ thể.

Nguồn đạm động vật cung cấp cho bữa ăn từ thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua… Nguồn đạm thực vật từ đậu đỗ, vừng, lạc,..

Chất béo

40-50 g, nguồn chất béo từ nguồn gốc động vật và thực vật với tỷ lệ cân đối là 70% và 30%. Năng lượng do lipit cung cấp trong khẩu phần khoảng 20%. Chất béo là nguồn cung cấp năng lượng, giúp hòa tan và hấp thu các loại vitamin tan trong dầu: vitaminA, E, D, K.

Chất sắt

Sắt là thành phần của huyết sắc tố, tham gia vào quá trình vận chuyển oxy và là thành phần quan trọng của hemoglobin. Sắt trong cơ thể cùng với protein tạo thành huyết sắc tố (hemoglobin), vận chuyển oxy, CO2, phòng bệnh thiếu máu và tham gia vào thành phần các men oxy hóa khử. Nhu cầu sắt của trẻ vị thành niên đáp ứng được thông qua chế độ ăn giàu sắt giá trị sinh học cao. Tuy nhiên, ở nước ta khả năng tiếp cận các nguồn thức ăn động vật có lượng sắt gía trị sinh học cao từ khẩu phần là rất thấp.

Vì vậy, ngay từ khi vị thành niên cần uống bổ sung thêm viên sắt hoặc viên đa vi chất hàng tuần. Trẻ trai vị thành niên nhu cầu sắt 12-18 mg một ngày, trẻ nữ cần 20 mg mỗi ngày. Thức ăn giàu sắt có nguồn gốc động vật như thịt bò, tiết bò, trứng gà, trứng vịt, tim lợn, gan gà,..

Vitamin A

Cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường, tăng cường khả năng miễn dịch giảm tỷ lệ nhiễm trùng và tử vong. VitaminA có trong thức ăn động vật như gan, trứng, sữa…; thức ăn thực vật cung cấp nguồn caroten như rau xanh, giấc, qủa màu vàng. Nhu cầu vitamin A lứa tuổi vị thành niên là 600 mcg mỗi ngày.

Canxi: Rất cần thiết cho lứa tuổi dậy thì, vì giai đoạn này tốc độ phát triển chiều cao rất nhanh nhu cầu canxi nhiều. Canxi cùng với phospho để duy trì và hình thành bộ xương, răng vững chắc. Canxi có nhiều trong sữa, các loại thủy, hải sản.

Nhu cầu vitamin D tuổi vị thành niên là 5 mcg một ngày.

Vitamin C

Vitamin C giúp hấp thu và sử dụng sắt, canxi và axit folic. Ngoài ra nó còn có chức năng chống dị ứng, tăng khả năng miễn dịch, kích thích tạo dịch mật, bảo vệ thành mạch. Vitamin C có nhiều trong các loại rau xanh, quả chín. Nhu cầu vitamin này tuổi vị thành niên là 65 mg/ngày.

Tóm lại:

Tuổi 14 là thời điểm tuyệt vời để đảm bảo con bạn có những kỹ năng cần thiết để trở thành người lớn. Hãy chú trọng việc dạy các kỹ năng sống và để con bạn có cơ hội để tự mình thực hành các kỹ năng đó.

Hãy nhớ rằng việc nuôi dạy một đứa trẻ 14 tuổi đôi khi có thể hơi lộn xộn và đôi khi, bạn có thể cảm thấy như mình đã tiến một bước và lùi hai bước ngay sau đó. Nhưng, về tổng thể, sự quan tâm và dành cho trẻ một khoảng riêng tư nho nhỏ sẽ cải thiện mối quan hệ của con và gia đình. Hãy nhớ, không áp đặt và cấm đoán con, thay vào đó, nói chuyện tâm sự cởi mở với trẻ sẽ giúp cả hai hiểu nhau hơn.

Xem thêm: Trẻ 15 tuổi: Các mốc phát triển quan trọng và cách nuôi dạy

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

1 Phản hồi

  • Mình có bé gái 13 tuổi, bé trai 17 tuổi.
    Bé gái nhanh nhưng chưa biết lắng nghe.
    Bé trai ngại tiếp xúc đông người.
    Tư vấn lớp học cho các bé: thời gian học, chương trình học, kinh phí,…
    Cảm ơn

Leave a Comment