Mục lục
Huyết áp là gì
Huyết áp cung cấp thông tin về quá trình bơm máu của tim vào trong các động mạch. Đây là một trong bốn dấu hiệu sinh tồn rất quan trọng của cơ thể gồm có
- Thân nhiệt
- Huyết áp
- Nhịp tim
- Nhịp thở
Các dấu hiệu này thể hiện rằng cơ thể của bạn có đang hoạt động tốt hay không. Nếu một dấu hiệu nào đó quá cao hoặc quá thấp thì chứng tỏ cơ thể bạn đang gặp vấn đề.
Chỉ số huyết áp được đo và cho ra kết quả là 2 chỉ số khác nhau. Chỉ số đầu tiên được gọi là huyết áp tâm thu, là chỉ số đầu tiên hoặc phía trên của kết quả. Chỉ số thứ 2 là huyết áp tâm trương, được thể hiện bằng số thứ hai hoặc bên dưới của kết quả.
Ví dụ kết quả huyết áp của bạn được viết là 117/80 mmHg (milimet thủy ngân). Thì trong trường hợp đó, huyết áp tâm thu là 117 và huyết áp tâm trương là 80
Huyết áp tâm thu là áp lực được đo bên trong động mạch khi tim co bóp để bơm máu. Huyết áp tâm trương là áp lực bên trong động mạch khi tim đang nghỉ ngơi giữa các nhịp đập.
Khi một trong hai hoặc cả hai chỉ số huyết áp tăng cao đồng nghĩa với việc quả tim của bạn đang gặp khó khăn trong quá trình bơm máu. Nguyên nhân có thể là từ bên ngoài ví dụ như bạn đang sợ hãi, hoặc căng thẳng làm cho lòng mạch bị hẹp lại. Hoặc do những nguyên nhân từ bên trong các mảng xơ vữa bên trong lòng mạch làm cho mạch máu bị hẹp.
Nếu bạn muốn tự kiểm tra huyết áp của mình tại nhà, thì trước tiên bạn nên tới bác sĩ để có lời khuyên về cách theo dõi huyết áp và ghi lại. Ví dụ bác sĩ sẽ chỉ cho bạn cách theo dõi như sau:
Trước hoặc sau khi sử dụng một loại thuốc nhất định và những thời điểm nhất định trong ngày, hoặc khi bạn bị căng thẳng hay thấy chóng mặt
Cách sử dụng máy đo huyết áp tự động
Cách đơn giản để đo huyết áp của bạn là sử dụng máy đo huyết áp tự động. Chúng rất dễ sử dụng và lại hữu ích nếu bạn bị khiếm thích. Những loại máy đo huyết áp tự động sẽ có một màn hình digital hiển thị kết quả huyết áp của bạn trên màn hình.
Ngoài ra bạn cũng nên ghi chép lại chỉ số huyết áp của mình vào một cuốn sổ, điều này sẽ rất có ích trong quá trình theo dõi
Mặc dù là đồ điện tử với tỷ lệ chính xác cao, tuy nhiên cũng có trường hợp chiếc máy cho ra kết quả khác so với bạn đo huyết áp bằng tay. Vì vậy khi đi khám hãy mang theo chiếc máy của bạn để so sánh với kết quả đo của bác sĩ. Từ đó bạn có thể hiệu chỉnh được máy của mình cho chính xác
Khi chọn mua máy đo huyết áp, hãy ưu tiên những chiếc máy có chất lượng tốt nhé.
Cách đo huyết áp thủ công bằng tay
Để đo huyết áp bằng tay, thì bạn cần một chiếc huyết áp kế và ống nghe y khoa. Một chiếc huyết áp kế sẽ có một dải băng quấn, một quả bóng bơm và một đồng hồ kim chỉ huyết áp. Nếu có thể thì hãy nhờ người thân đo giúp bạn vì bạn sẽ gặp khó khăn nếu đo một mình.
Các bước đo huyết áp tại nhà:
- Trước khi đo huyết áp, bạn phải thật thư giãn. Cánh tay duỗi thẳng, lòng bàn tay hướng lên và đặt trên một bề mặt phẳng như bàn hoặc giường.
- Quấn băng quấn theo hình tròn và luồn vào bắp tay của bạn sao cho mép dưới của băng quấn cách khuỷu tay 2-3 cm.
- Băng quấn phải đặt chính xác sao cho vạch dấu của băng cùng hướng với mạch máu. Siết chặt băng quấn với lực vừa phải
- Vặn van bơm khí theo chiều kim đồng hồ, vặn vừa đủ để khi mở van dễ dàng.
- Mắc ống nghe vào tai để tai ống nghe hướng về phía trước.
- Đặt loa ống nghe lên trên động mạch cánh tay. Dùng đầu ngón tay cái và ngón trỏ để giữ loa ống nghe, để cho toàn bộ bề mặt của loa ống nghe luôn luôn tiếp xúc với da bệnh nhân.
- Bóp bóng bơm khí vào túi hơi cho đến khi không nghe thấy tiếng đập rồi bơm tiếp thêm 30mmHg nữa.
- Mở van từ từ để xả hơi sao cho áp lực hạ dần với tốc độ 2 – 3mmHg/giây; đồng thời chú ý nghe tiếng đập của mạch và quan sát số đo trên mặt đồng hồ hoặc cột thủy ngân.
- Ghi trị số HA tâm thu khi nghe thấy tiếng đập đầu tiên sau khoảng thời gian im lặng. Các tiếng đập sau to dần và rõ hơn trong khi vẫn tiếp tục xả hơi.
- Ghi trị số HA tâm trương khi nghe thấy tiếng đập cuối cùng.
Các chỉ số huyết áp của bạn có ý nghĩa gì?
Huyết áp là một trong những chỉ số sinh tồn rất quan trọng, và nó đặc trưng cho từng người. Có nghĩa là có những người huyết áp thấp tự nhiên hoặc cao tự nhiên, không phải ai cũng giống ai.
Nhìn chung huyết áp bình thường là vào khoảng 120/80 mmHg, huyết áp mỗi người sẽ thay đổi phụ thuộc với giới tính, tuổi tác, cân nặng và tình trạng sức khỏe hiện tại. Vì thế nếu bạn đo huyết áp cao hơn chỉ số bình thường, hãy đợi vài phút và đo lại để có kết quả chính xác.
Nếu sau đó kết quả vẫn cao thì bạn nên đi khám bệnh ở các cơ sở y tế. Nếu huyết áp của bạn quá cao lên tới 180 đối với huyết áp tâm thu và 120 với huyết áp tâm trương thì đây là tình trạng cấp cứu, bạn cần tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Phân độ tăng huyết áp
Theo tổ chức AHA (Hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ), tăng huyết áp được phân độ như sau:
Phân loại | Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) |
---|---|---|
Hạ huyết áp | <=90 | <=60 |
Bình thường | 91-119 | 61-79 |
Huyết áp cao | 120-129 | <80 |
Tăng huyết áp độ 1 | 130-139 | 80-89 |
Tăng huyết áp độ 2 | >140 | >=90 |
Cơn tăng huyết áp | >180 | >120 |
Khi so sánh huyết áp của bạn với bảng trên sẽ xác định được tình trạng tăng huyết áp của bạn đang ở độ mấy, từ đó sẽ có thái độ xử trí phù hợp
Việc theo dõi huyết áp tại nhà có cần thiết hay không?
Việc theo dõi huyết áp của bạn sẽ giúp bạn và bác sĩ phát hiện và xử trí kịp thời nếu có bất kỳ vấn đề nào xảy ra. Và nên điều trị tăng huyết áp càng sớm càng tốt để tránh các tổn thương mạch máu cũng như biến chứng nguy hiểm.
Điều trị tăng huyết áp bao gồm thay đổi về lối sống như chế độ ăn giảm muối, giảm đồ chế biến, tập thể dục. Ngoài ra tùy từng trường hợp sẽ phải dùng thêm các thuốc hạ áp như:
- Thuốc lợi tiểu
- Thuốc chẹn kênh calci
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
- Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II
Với sự kết hợp giữa phác đồ điều trị của bác sĩ và thay đổi lối sống của chính bạn, bạn sẽ có thể kiểm soát được huyết áp của mình một cách tối ưu.