Tăng huyết áp

Thuốc lợi tiểu trong điều trị tăng huyết áp

Thuốc lợi tiểu là một loại thuốc dùng trong y học có tác dụng thải muối, nước ra khỏi cơ thể qua đường nước tiểu, và được sử dụng rộng rãi trong điều trị tăng huyết áp. Trong điều trị, thuốc lợi tiểu đã được chứng minh hiệu quả của mình trong việc giảm nguy cơ suy tim và đột quỵ ở nhiều cá thể. Một số loại thực phẩm và thảo dược cũng có tác dụng lợi tiểu, giúp bạn đi tiểu nhiều hơn để bài tiết nước và muối dư thừa.

Các loại thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu đang được sử dụng hiện nay được chia thành 3 nhóm chính:

Thiazide

Thuốc lợi tiểu Thiazide giúp điều trị tăng huyết áp bằng cách làm cho các mạch máu mở rộng và cơ thể sẽ loại bỏ đi phần chất lỏng dư thừa. Ví dụ về Thiazide bao gồm metolazone (Zaroxolyn), indapamide (Lozol) và hydrochlorothiazide (Microzide).

Thuốc lợi tiểu quai

Thuốc lợi tiểu quai loại bỏ chất lỏng dư thừa bằng cách giúp thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn. Chúng bao gồm furosemide (Lasix), axit ethacrynic (Edecrin), và torsemide (Demadex).

Thuốc lợi tiểu giữ kali

Thuốc lợi tiểu giữ kali giúp cơ thể thải nước và natri nhưng lại giữ lại được kali vì đây là một nguyên tố quan trọng. Ví dụ về thuốc lợi tiểu giữ kali có triamterene (Dyrenium), eplerenone (Inspra), và spironolactone (Aldactone).

Cả 3 loại thuốc lợi tiểu trên đều làm tăng lượng nước và natri bài tiết qua nước tiểu, nhưng chúng ảnh hưởng tới các vùng khác nhau của thận. Thận của bạn gồm rất nhiều bộ lọc mà thông qua đó chất độc, chất lỏng dư thừa được đưa ra khỏi cơ thể của bạn. Khi bạn sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc sẽ làm thận của bạn thải nhiều natri hơn. Nước liên kết với natri và sẽ được thải cùng natri khi đi tiểu để giảm khối lượng tuần hoàn xuống. Lượng máu giảm xuống sẽ làm giảm áp lực tác động lên mạch máu và hạ huyết áp

Thuốc lợi tiểu Thiazide và lợi tiểu quai có thể gây mất kali cùng với nước và natri. Kali là một khoáng chất cực kỳ quan trọng, giúp duy trì lượng dịch trong cơ thể ổn định và điều hòa hoạt động của cơ và tim. Bạn nên sử dụng thực phẩm giàu kali hoặc bổ sung kali để phòng hạ kali máu. Có nhiều thực phẩm giàu kali gồm có:

  • Chuối
  • Nho khô
  • Đậu
  • Rau cải
  • Bí đao
  • Nấm
  • Khoai tây
  • Sữa chua

Thuốc lợi tiểu giữ kali không gây ảnh hưởng tới nồng độ kali trong máu của bạn, tuy nhiên lại không hiệu quả trong việc điều trị tăng huyết áp như những thuốc khác. Vì thế loại thuốc này thường được dùng chung với các loại thuốc lợi tiểu khác.

Thuốc lợi tiểu thiazide là phương pháp điều trị chính cho những người mắc bệnh tim liên quan tới tăng huyết áp. Tuy nhiên chế độ thuốc của bạn sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe cụ thể của bạn, bạn có thể sẽ phải sử dụng nhiều hơn là chỉ một loại thuốc lợi tiểu.

Nguy cơ và tác dụng phụ

Thuốc lợi tiểu nói chung là an toàn cho hầu hết mọi người nếu sử dụng đúng theo chỉ dẫn

Tác dụng phụ thường gặp nhất của thuốc lợi tiểu là tăng tiểu tiện. Nồng độ kali, glucose trong máu của bạn sẽ thay đổi, dao động theo thuốc lợi tiểu bạn đang dùng. Vì thế bác sĩ sẽ làm các xét nghiệm máu để theo dõi điều chỉnh cho bạn trong suốt quá trình điều trị.
Các tác dụng phụ khác có thể có:

  • Nhức đầu
  • Chóng mặt
  • Khó ngủ
  • Yếu cơ, chuột rút
  • Tăng cảm giác khát
  • Kinh nguyệt không đều
  • Rối loạn cương dương
  • Gout, hoặc sưng đau các khớp cân

Theo thời gian các tác dụng phụ sẽ giảm dần. Nếu có bất kỳ tác dụng phụ nào gây khó chịu thì bạn nên báo ngay cho bác sĩ điều trị để được thay đổi thuốc hoặc liều lượng phù hợp

Các loại thuốc lợi tiểu tự nhiên

Một số thực phẩm và thảo dược có thể có tác dụng lợi tiểu, tăng lượng nước tiểu của bạn. Ví dụ gồm có:

Rễ gừng

Khi pha vào trà hoặc dùng làm gia vị trong các món ăn, rễ gừng sẽ kích thích cơ thể loại bỏ muối và nước dư thừa. Gừng cũng rất tốt trong các bệnh lý đường tiêu hóa

Cần tây

Với hàm lượng nước cao, cần tây có thể giúp cơ thể tăng sản xuất nước tiểu, hỗ trợ trong việc loại bỏ natri và dịch dư thừa.

Rễ bồ công anh

Rễ bồ công anh thúc đẩy thận tăng thải natri và các độc tố, từ đó kéo theo tăng nước tiểu

Các loại thuốc lợi tiểu tự nhiên có thể có ích trong việc kiểm soát huyết áp của bạn nhưng bạn phải thận trọng khi sử dụng. Sử dụng các thảo dược lợi tiểu thông qua chế độ ăn uống với một loại thuốc lợi tiểu khác có thể dẫn tới mất nước và các tương tác có hại khác. Bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ kỹ trước khi sử dụng các loại thuốc lợi tiểu.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment