Tắc tia sữa khiến việc cho con bú trở thành nỗi kinh hoàng của các bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
Mặc dù có nhiều cách để chữa trị ngay tại nhà nhưng vẫn có nhiều chị em chưa biết cách xử lí kịp thời dẫn tới áp xe vú và viêm tuyến vú lâu dần sẽ trở thành u xơ tuyến vú.
Bạn đang là một bà mẹ đang cho con bú hay là một bà mẹ trong tương lai. Mình tin chắc bài viết này sẽ hữu ích với bạn.
Bài viết sẽ cung cấp cho bạn thông tin để trả lời các câu hỏi:
- Tắc tia sữa là gì?
- Triệu chứng và nguyên nhân của tắc tia sữa
- Các cách điều trị tại nhà và khi nào cần phải đi khám bác sĩ?
- Làm thế nào để ngăn ngừa tắc tia sữa?
Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các mẹ PHẢI biết!
Mục lục
1. Tắc tia sữa là gì?
Sữa mẹ được sản xuất ra từ các nang sữa, theo các ống dẫn đổ về xoang chứa sữa nằm ở phía sau quầng vú, dưới tác dụng kích thích của động tác bú mút của trẻ, sữa sẽ chảy ra ngoài. Tuy nhiên, vì một lý do nào đó, lòng ống dẫn bị hẹp bít lại làm sữa không thể thoát ra ngoài được. Tại chỗ tắc sẽ dần tạo thành hòn cục do hiện tượng sữa đông kết. Trong lúc đó, sữa vẫn tiếp tục được tạo ra, làm cho các ống dẫn trước chỗ tắc ngày càng bị căng giãn. Hiện tượng này gây chèn ép các ống dẫn sữa khác, tạo ra một vòng tròn bệnh lý, làm tình trạng tắc sữa ngày càng nặng thêm.
Nếu bị tắc tia sữa không điều trị kịp thời và đúng phương pháp, người mẹ có thể bị viêm tuyến vú, áp-xe tuyến vú, lâu dần trở thành các dải xơ hóa hay u xơ tuyến vú. Ngoài ra, tắc tia sữa còn làm cho quá trình tạo sữa bị ảnh hưởng, lâu dần người mẹ ít sữa hoặc sẽ mất sữa.
2. Các triệu chứng của tắc tia sữa
Tắc tia sữa có thể gặp trong bất cứ thời điểm nào trong giai đoạn nào cho con bú. Tuy nhiên hay gặp nhất là trong tuần lễ đầu tiên. Khoảng 15% phụ nữ cho con bú bị cương vú.
Một ống dẫn sữa bị tắc cũng có thể gây đau vú.
Các triệu chứng nổi bật của tắc tia sữa là:
- Đau tại một vị trí cụ thể ở vú
- Xuất hiện một khối sưng, mềm ở vú
- Sữa chảy chậm ở một bên
- Các nốt sẩn nhỏ nổi trên ngực
- Nốt mụn sữa (milk bleb) dưới da đầu vú.
- Đôi khi cũng có thể xuất hiện sốt nhẹ. Sốt có thể xảy ra do áp xe vú, do vậy chị em nào bị sốt kèm theo đau vú nên đi khám bác sĩ.
3. Nguyên nhân tắc tia sữa
Có nhiều nguyên nhân gây tắc tia sữa, chủ yếu là:
- Mới sinh con: Sau khi sinh mẹ không day đều bầu vú để sữa lưu thông, hay trong dân gian vẫn thường gọi là xuống sữa. Thêm vào đó sữa mẹ tiết ra trong những ngày đầu tiên là sữa non, nhiều chất dinh dưỡng nên thường rất đặc. Nếu mẹ không cho bé bú sớm, lượng sữa non này sẽ bị ứ đọng lại, gây rắc nghẽn ống dẫn sữa.
- Sữa mẹ quá nhiều: Sữa mẹ quá nhiều khiến em bé không bú được hết, nếu mẹ không hút phần sữa dư thừa ra ngoài sau khi em bé đã bú no, sữa sẽ ứ đọng lại gây ra tắc nghẽn. Do vậy mẹ có thể hút sữa ra, bảo quản trong tủ lạnh để cho bé sử dụng sau.
- Khó khăn trong việc cho con bú: Đầu ti của mẹ bị tụt vào trong hoặc bằng phẳng, quá to, biến dạng khiến bé ngậm bắt núm vú không tốt, bé bú không tốt khiến sữa tích tụ lại trong các ống dẫn. Hơn nữa khi bé có phản xạ cắn mút đầu ti sẽ tạo nên những vết thương, vết loét. Tiếp tục cho con bú sẽ làm cho đầu ti của mẹ nứt rộng hơn, việc cho con bú trở nên khó khăn và đau đớn. Lúc này, nếu mẹ không cho bé bú đều hoặc không cho bé bú nữa sẽ dẫn đến tình trạng sữa ứ đọng nhiều gây viêm tắc tuyến vú. Em bé bú yếu cũng là một nguyên nhân.
- Không vệ sinh đầu vú sạch sẽ sau khi cho bé bú, làm cho vi khuẩn xâm nhập từ bên ngoài vào hệ thống ống dẫn sữa gây nhiễm khuẩn. Khi đó ống dẫn sữa sẽ bị hẹp làm cản trở việc sữa chảy ra ngoài.
- Căng thẳng thần kinh cũng là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tắc tia sữa. Sự căng thẳng sẽ làm chậm quá trình sản sinh hormone oxytocin, giúp vú bạn giải phóng sữa. Vì vậy, hãy để bản thân được thư giãn.
- Mặc áo ngực quá chật hay nằm sấp khi ngủ hay mang địu em bé trước ngực đều làm tăng áp lực lên ngực, cũng có thể khiến ống dẫn sữa bị tắc.
- Ngoài ra còn có một số nguyên nhân như: mẹ đã từng phẫu thuật ngực, mẹ không thường xuyên massage ngực, chế độ ăn uống thất thường.
Đôi khi, phụ nữ cũng bị tắc tia sữa mà không hề liên quan đến việc cho con bú.
4. Các cách điều trị tắc tia sữa tại nhà
Chữa tắc tia sữa ở nhà là hoàn toàn có thể. Thông thường các ống dẫn sữa bị tắc có thể được giải quyết trong vòng 1 đến 2 ngày có điều trị hoặc không cần điều trị gì.
Cho trẻ bú mẹ thường xuyên sẽ giúp tình trạng này giảm đi rất nhiều hoặc bạn cũng có thể sử dụng máy hút sữa sau mỗi lần bú nếu em bé không thể bú được hết sữa trong bầu ngực.
Một số biện pháp khác có thể làm thông ống dẫn sữa bị tắc và giảm đau bao gồm:
- Chườm nóng kết hợp massage: Chườm nóng bằng túi chườm 20 phút một lần hoặc để nước nóng chảy vào ngực khi tắm cũng có thể giúp ích. Massage ngực nhẹ nhàng, vuốt nhẹ từ bầu ngực đến đầu vú, day nhẹ theo vòng tròn ở khu vực thấy có các cục tắc sữa. Tuyệt đối, các mẹ đừng dùng sức để bóp nặn thật mạnh với mục đích thông tia sữa. Việc tác dụng lực lớn lên bầu ngực của mẹ có thể gây nát các ống dẫn sữa kéo theo nguy cơ bị áp xe. Sau khi chườm ấm và massage nhẹ nhàng, mẹ có thể làm trống tuyến sữa bằng cách sử dụng máy hút sữa hoặc cho em bé bú.
- Ngâm bộ mình trong bồn tắm muối Epsom ấm trong 10 đến 20 phút. Tắm nước ấm pha muối Epsom giúp giảm đau do viêm.
- Thay đổi tư thế bú của em bé sao cho cằm hoặc mũi của bé hướng về vị trí ống dẫn bị tắc, lúc này em bé sẽ bú bằng lực mạnh nhất để hút sữa mẹ, nhờ đó giúp khai thông các tia sữa bị tắc.
- Mặc quần áo rộng và không mặc áo lót có dây buộc.
- Thay đổi tư thế cho con bú: Nếu thường xuyên bế con khi cho bé bú, bạn có thể chuyển sang tư thế ôm banh hoặc nằm xuống. Điều này sẽ giúp sữa trong các tia được hút hết ra ngoài.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Mẹ cần tăng lượng nước uống lên gấp đôi trong giai đoạn này. Các bài thuốc dân gian như sử dụng đinh lăng hay bồ công anh cũng hỗ trợ mẹ trong việc thông tia sữa. Bồ công anh giã lấy nước uống, bã để đắp cục tắc có tác dụng chữa tắc tia sữa rất tốt. Ngoài ra, mẹ đừng quên bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cũng như ăn nhiều hoa quả để tăng lượng chất xơ và vitamin cho cơ thể. Mẹ nên hạn chế sử dụng các món ăn làm từ gạo nếp hay món cháo chân giò quen thuộc vì những món ăn này chỉ làm cho việc tắc tia sữa của mẹ thêm trầm trọng.
- Vệ sinh ngực: Việc đảm bảo vệ sinh vùng ngực, nhất là đầu ti giúp mẹ hạn chế được tối đa việc vi khuẩn, virus xâm nhập vào cơ thể mẹ khi mẹ bị nứt đầu ti. Mẹ nên lau sạch ngực trước và sau khi cho con bú.
Mẹo trị tắc tia sữa theo dân gian
- Dùng lá mít: Dùng lá mít tươi hơ nóng, sau đó đặt lên phần sờ thấy cứng nhất trên bầu ngực rồi mát-xa nhẹ nhàng, từ từ dùng tay ấn mạnh theo chiều từ trên xuống dưới.
- Đắp hành tím: Lấy vài củ hành tím, bỏ vỏ, cắt lát mỏng rồi đắp lên hai bầu ngực. Dùng khăn mềm bọc lại rồi dán băng dính cố định để hành không bị rơi ra ngoài.
- Đắp lá bắp cải: Tách riêng từng lá bắp cải, cắt bỏ phần sống lá rồi rửa sạch, lau khô. Hơ lá bắp cải trên lửa cho nóng rồi dùng khăn mỏng bọc lại, đắp lên bầu ngực và mát-xa đến khi tia sữa được thông hoàn toàn.
- Uống nước lá đinh lăng: Dùng khoảng 150g lá đinh lăng tươi rửa sạch, vẩy ráo, cho vào ấm nấu với khoảng 250ml nước, nấu sôi khoảng 7 phút, chắt lấy nước, để uống. Đổ tiếp khoảng 250ml nước vào ấm, nấu như ban đầu để lấy nước thứ hai uống. Bạn không nên chỉ uống nước lá đinh lăng, nên uống xen kẽ với nước lọc. Uống trong khoảng 3 ngày, tình trạng tắc tia sữa sẽ được cải thiện.
- Đắp lá đinh lăng:Bạn lấy khoảng 100g lá đinh lăng tươi cùng 50g lá dấp cá, rửa sạch, vẩy ráo cho vào cối giã nát, đắp lên ngực. Loại thuốc đắp này sẽ giúp bạn cảm thấy dễ chịu, bầu ngực bớt căng nhức.
- Nước xơ mướp khô: Uống nước xơ mướp khô, cùng gai bồ kết và củ hành tươi hoặc khô, mỗi ngày một lần trong 2-3 ngày, tình trạng tắc tia sữa được cải thiện thấy rõ. Sau khi uống, dùng lược thưa chải từ bầu ngực theo chiều từ trên xuống nhiều lần, sau đó nhờ anh xã mút mạnh đầu vú, sữa sẽ lưu thông bình thường.
- Cách chữa tắc tia sữa bằng lá bồ công anh: Dùng 1 nắm nhỏ lá bồ công anh khô (khoảng 10g), rửa sạch, cho vào ấm đun sôi cùng 500ml nước để uống giúp thông tia sữa. Nếu có sẵn lá tươi, dùng khoảng 50g cho mỗi lần. Bạn rửa sạch lá bồ công anh, ngâm nước muối loãng, vẩy ráo, cho vào máy xay cùng 250ml nước lọc xay nhuyễn, lọc lấy nước uống, bã dùng để đắp lên bầu vú bị đau. Mỗi ngày chỉ nên uống 2 lần, uống khoảng 3 ngày. Ngoài ra, bạn có thể dùng lá bồ công anh khô hoặc tươi để nấu cháo cùng gạo tẻ. Ăn cháo này ngày 2 lần sẽ giúp thông tắc tia sữa.
- Men rượu: Giã nhỏ viên men rượu, cho thêm chút rượu vàng, thoa lên hai bầu ngực, ủ khăn kết hợp massage nhẹ nhàng. Mấy tiếng sau dùng phương pháp chườm nóng, kiên trì khoảng 2 ngày sẽ có hiệu quả.
Đôi khi tắc tia sữa cực kỳ đau đớn hoặc không biến mất với các biện pháp khắc phục tại nhà. Tắc tia sữa mà không giải quyết được có thể dẫn đến viêm vú, áp xe vú và cần đến ngay bệnh viên để yêu cầu thăm khám và nên siêu âm ngực để biết chính xác mình đã bị giai đoạn nào. Khi có sốt bác sỹ sẽ kê kháng sinh dùng được cho phụ nữ đang cho con bú trong vòng 5-7 ngày, và vật lý trị liệu chiếu đèn hồng ngoại + sóng ngắn. Trong thời gian này, hoàn toàn vẫn có thể cho con bú/ hút và sử dụng sữa đã hút bình thường.
Mọi người không nên cố gắng điều trị viêm vú, áp xe vú hoặc nghi ngờ viêm vú, áp xe vú tại nhà. Gặp bác sĩ càng sớm càng tốt để điều trị sẽ giảm nguy cơ biến chứng.
5. Cách ngăn ngừa tắc tia sữa
- Cho con bú càng sớm càng tốt
- Cho con bú/ hút sữa thường xuyên, đúng cữ. Từ 10 – 12 lần/ngày. Nếu con không bú thì PHẢI HÚT.
- Tránh để cữ bú quá lâu (6 giờ đồng hồ trở lên) khiến sữa dễ đọng và bít tắc.
- CẦN vệ sinh núm vú trước và sau khi cho con bú/ hút sữa (dùng khăn xô thấm nước mát lau sạch núm vú, loại bỏ cặn sữa bám trên núm vú).
- Massage ngực thường xuyên nếu có thể.
- Uống nhiều nước. Mặc áo lót đúng cỡ ngực.
- Hạn chế lượng mỡ trong đồ ăn hàng ngày.
- Nghỉ ngơi đầy đủ, nếu được hãy áp dụng một số bài tập thiền hoặc luyện tập thể thao.
- Cố gắng giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan nhất.
- Không nên ăn quá nhiều gia vị cay, uống thức uống có cồn, caffein làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
- Cho con bú hết vú bên này rồi mới chuyển sang bên kia. đảm bảo con ngậm đúng khớp ngậm.