Chăm sóc trẻ

Chế độ ăn cho con bú: Ăn gì khi cho con bú? Ăn như thế nào?

Chế độ ăn khi cho con bú rất quan trọng. Đây là cách cung cấp dinh dưỡng cho cả mẹ và duy trì nguồn sữa dồi dào cho bé. Trong giai đoạn nuôi con bú, chế độ dinh dưỡng tốt của bà mẹ chính là để bảo đảm bà mẹ có đủ sữa nuôi con. Như vậy, bà mẹ đang nuôi con bú cần có một chế độ dinh dưỡng hợp lý. Đồng thời, có chế độ lao động, nghỉ ngơi phù hợp với một trạng thái tinh thần tâm lý thoải mái cũng là một yếu tố quan trọng để bảo đảm có đủ sữa nuôi con.

Thành phần sữa mẹ nói chung là tương đối hằng định ở tất cả các bà mẹ và nguồn năng lượng dự trữ của bà mẹ luôn được huy động để sản xuất sữa khi cần. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khẳng định: dinh dưỡng của bà mẹ có ảnh hưởng nhất định đến một số vi chất cũng như lượng sữa tiết ra của bà mẹ.

Nếu chế độ ăn của bà mẹ thiếu vitamin (đặc biệt là B1, A và D…) thì các vitamin này cũng sẽ thiếu trong sữa của những người mẹ đó. Hơn thế nữa, trong 6 tháng đầu, lượng kháng thể của con là do người mẹ cung cấp trực tiếp qua sữa mẹ, vì thế bảo đảm đủ năng lượng và chất dinh dưỡng cho mẹ cũng chính là cách phòng bệnh tốt nhất cho con. Trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ hoàn toàn bằng nguồn sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời trẻ sẽ phát triển toàn diện cả về thể lực và trí tuệ, trẻ có sức đề kháng tốt, ít mắc các bệnh nhiễm trùng, khi lớn lên ít mắc các bệnh mạn tính không lây.

Điều đó nói rằng, bạn cần nhắm đến nhiều loại thực phẩm dồi dào chất dinh dưỡng và tránh xa những thực phẩm kém lành mạnh. Bài viết dưới đây cung cấp cho bạn thông tin về dinh dưỡng cho mẹ trong giai đoạn cho con bú.

Xem thêm: Nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các bà mẹ PHẢI biết!

Bạn cần bao nhiêu calo trong giai đoạn cho con bú?

chế độ ăn cho con bú

Bạn cần biết rằng sau khi sinh con, mặc dù nguồn dinh dưỡng dự trữ trong thời gian mang thai vẫn chưa phải tiêu thụ hết nhưng trước khi sinh con cũng như trong quá trình sinh nở, bà mẹ đã mất khá nhiều năng lượng và các chất dinh dưỡng do mất máu khi sinh đẻ. Do đó, nhu cầu năng lượng và các chất dinh dưỡng của bà mẹ đang nuôi con bú là khá cao, thậm chí còn cao hơn so với thời kỳ thai nghén.

Nhu cầu về năng lượng: Nếu so sánh ở cùng một nhóm tuổi và cùng một mức độ hoạt động thể lực thì nhu cầu năng lượng của bà mẹ đang nuôi con bú sẽ cao hơn khoảng 500 calo so với phụ nữ lúc bình thường (tức là khi chưa mang thai và khi không phải đang nuôi con bú). Năng lượng này tương đương với khoảng 3 bát con cơm cùng với thức ăn hợp lý, vì thế các bà mẹ đang nuôi con bú cần ăn thêm 1 bát cơm cùng với thức ăn hợp lý vào mỗi bữa trong ngày hoặc ăn bổ sung thực phẩm khác có năng lượng tương đương.

Nhu cầu năng lượng của bà mẹ trong thời kỳ nuôi con bú còn phụ thuộc vào tình trạng hoạt động thể lực và mức tăng cân trong thời kỳ mang thai, cụ thể:

  • Người mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng tốt, đạt mức tăng cân từ 10 – 12kg: Cần ăn nhiều hơn để đảm bảo nhu cầu năng đạt mức 2.260 calo/ ngày đối với người lao động nhẹ và 2.550 calo/ngày đối với người lao động trung bình.
  • Người mẹ trước và trong thai kỳ có chế độ dinh dưỡng chưa tốt, có mức tăng cân ít hơn 10kg: Cần phải cố gắng ăn nhiều và đa dạng hơn các loại thực phẩm khác nhau, để đảm bảo đủ nhu cầu năng lượng khi đang nuôi con bú.

Ăn gì khi cho con bú?

Chế độ ăn uống hợp lý khi cho con bú có nghĩa là nhận được nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng hàng ngày. Và vì chế độ ăn uống đa dạng làm thay đổi mùi vị và mùi sữa của bạn, điều đó sẽ khiến bé tiếp xúc với nhiều hương vị khác nhau (vì vậy cà rốt, su hào, bắp cải, hành… bạn đang ăn hôm nay có thể cho bé dễ dàng đón nhận với những thực phẩm đó trong tương lai). Trên thực tế, việc đa dạng hóa chế độ ăn này giúp cho bé yêu của bạn giảm kén chọn thức ăn trong tương lai, tức là sau này bé có thể ăn hầu hết loại thực phẩm.

Dưới đây là mục tiêu để tiêu thụ thực phẩm mỗi ngày để đảm bảo bạn nhận được các chất dinh dưỡng cần thiết và cung cấp cho bé nguồn sữa dồi dào và đầy hương vị:

  • Protein (đạm): 3 khẩu phần
  • Canxi: 5 khẩu phần (hoặc 100 mg – đặc biệt quan trọng vì việc cho con bú lấy đi nguồn dự trữ canxi của bạn)
  • Thực phẩm giàu chất sắt: 1 hoặc nhiều khẩu phần
  • Vitamin C: 2 khẩu phần
  • Rau/ quả xanh và vàng: 3 đến 4 khẩu phần
  • Các loại trái cây và rau khác: 1 hoặc nhiều khẩu phần
  • Ngũ cốc nguyên hạt và carbohydrate phức tạp: 3 khẩu phần trở lên
  • Thực phẩm giàu chất béo: Một lượng nhỏ (bạn không cần nhiều như bạn đã ăn trong khi mang thai)
  • Omega-3: 2 đến 3 khẩu phần mỗi tuần, để thúc đẩy sự phát triển não bộ của bé (đó là 8 đến 12 ounce cá có hàm lượng thủy ngân thấp như cá hồi hoang dã và cá mòi; bạn cũng có thể nhận được omega-3 trong trứng giàu DHA)
  • Vitamin bổ sung: Hàng ngày

Protein

Chất đạm giúp cung cấp, bổ sung và duy trì các mô cơ thể, nhất là khi bạn đang cho con bú. Các bà mẹ cho con bú cần bổ sung protein nhiều hơn so với phụ nữ không cho con bú và lượng protein cần thiết là khoảng 71g mỗi ngày. Thịt nạc, thịt gia cầm, thịt lợn, cá, trứng, các sản phẩm từ sữa, các loại hạt và đậu cung cấp nhiều protein nhất cho chế độ ăn uống của bạn. Ngoài ra, các sản phẩm làm từ bơ sữa ngoài việc cung cấp protein cũng giúp đáp ứng nhu cầu canxi ngày càng tăng lên của bạn.

Ngoài các loại thịt, trứng, mẹ hãy bổ sung cá giàu chất béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu vào khẩu phần ăn hàng ngày. Những loại cá này cũng là những nguồn giàu DHA (axit docosahexaenoic). Đây là một loại axit béo omega-3 được tìm thấy trong sữa mẹ, góp phần tăng trưởng và phát triển mắt và não bộ của trẻ sơ sinh.

Các bà mẹ cho con bú nên lưu ý đậu phộng là một trong những loại thực phẩm có khả năng gây ra phản ứng dị ứng ở trẻ em và người lớn. Do đó, mẹ nên lưu ý theo dõi phản ứng của bé khi mẹ ăn thức ăn có chứa đậu phộng, đặc biệt là nếu có tiền sử gia đình bị dị ứng.

Nếu là người ăn chay, bạn cần kiểm tra xem trong chế độ ăn hàng ngày có thiếu vitamin B12 không, vì đây là vi chất chỉ có nhiều trong thịt.Thiếu vitamin B12 có thể gây suy nhược, ăn mất ngon, nôn mửa hoặc phát triển chậm lại ở trẻ em. Các mẹ nên tham vấn bác sĩ về việc bổ sung vitamin B12.

Canxi

Canxi là một trong những khoáng chất quan trọng nhất trong chế độ ăn uống. Để đáp ứng nhu cầu canxi nhằm phát triển xương của bé, sữa mẹ cũng phải có nhiều chất này. Các nghiên cứu chỉ ra rằng phụ nữ mất 3–5% lượng canxi trong xương khi đang cho con bú. Sau khi cho con bú xong, cơ thể bạn phải bổ sung lại lượng canxi đã tiêu hao.

Lượng canxi cần được cung cấp là 1.000 mg mỗi ngày cho tất cả phụ nữ tuổi từ 18 đến 50 và 1.300 mg cho các bà mẹ tuổi vị thành niên. Việc cung cấp đủ lượng canxi giúp đảm bảo xương của bạn sẽ khỏe mạnh sau khi cai sữa. Việc tiêu thụ 3 ly sữa mỗi ngày sẽ giúp bạn đảm bảo được lượng canxi cần thiết.

Nếu không thích sữa, bạn có thể chọn phô mai hay sữa chua. Trong trường hợp dị ứng với các sản phẩm từ sữa, bạn hãy dùng nước ép có bổ sung canxi, đậu hũ, rau lá xanh đậm như rau cải bó xôi và cải xoăn, bông cải xanh, đậu hoặc thực phẩm bổ sung như ngũ cốc ăn sáng.

Nếu bạn không biết cách cung cấp đủ lượng canxi trong chế độ ăn của mình, hãy hỏi ý kiến bác sĩ về việc bổ sung nó. Việc cung cấp đủ canxi trong chế độ ăn hàng ngày không chỉ có lợi cho bạn trong thời kỳ cho con bú mà cả giai đoạn mãn kinh và cũng sẽ làm giảm nguy cơ bị loãng xương sau này.

Sắt

Sắt là một thành phần quan trọng giúp tạo máu. Các nguồn cung cấp sắt bao gồm: thịt, rau xanh, cá, ngũ cốc. Bạn cũng nên quan tâm đến cách phối hợp các loại thực phẩm sao cho cơ thể có thể hấp thụ tối đa chất sắt có trong thức ăn. Sắt từ động vật thường được hấp thụ tốt hơn sắt từ nguồn thực vật. Trà xanh có thể gây trở ngại cho sự hấp thu sắt, do đó bạn nên tránh uống trà sau bữa ăn mà thay vào đó là một ly nước cam giàu vitamin C.

Rau củ và trái cây

Rau củ cũng chứa carbohydrate lành mạnh giúp cung cấp năng lượng cho cơ thể mẹ sau sinh. Các loại vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé. Trái cây và rau quả cũng cung cấp chất xơ, giúp ngăn ngừa táo bón, một vấn đề phổ biến ngay sau khi sinh, đặc biệt là nếu bạn sinh mổ và đang sử dụng thuốc giảm đau. Bạn nên đa dạng các loại củ quả, đa dạng màu sắc xanh, đỏ, vàng… để nhận được đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất nhé.

Ngũ cốc nguyên hạt

Bạn cần năng lượng để đủ sức khỏe chăm sóc cho bé yêu của mình cũng như duy trì nguồn sữa để cho con bú đủ. Carbohydrate cung cấp cho bạn nguồn năng lượng nhanh nhất. Tuy nhiên, bạn không nên nạp nhiều đường đơn vào cơ thể, vì sẽ làm gia tăng lượng đường huyết một cách nhanh chóng, nhưng chúng cũng có thể giảm đi nhanh chóng. Việc giảm lượng đường trong máu có thể khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc chán nản.

Thay vào đó, bạn nên chọn các thực phẩm có chứa carbohydrate dạng phức như: khoai tây, đậu hạt, ngô, ngũ cốc và các sản phẩm từ ngũ cốc… Chúng sẽ hấp thụ từ từ và làm ổn định lượng đường trong máu của bạn, cung cấp cho bạn năng lượng mà không có lượng calorie thừa được tìm thấy trong các loại đường đơn. Bạn có thể dùng 9 − 11 khẩu phần ngũ cốc nguyên hạt trong chế độ ăn hàng ngày.

Chất béo

Bạn và bé cần bổ sung chất béo trong chế độ ăn uống, nhưng phải chọn lọc các loại chất béo có lợi cho sức khỏe. Axit béo omega-3 có trong cá giúp bé phát triển trí não và mắt. Các bà mẹ cho con bú nên không nên ăn nhiều hơn 2 khẩu phần cá mỗi tuần do nguy cơ nhiễm độc tố thủy ngân. Cá ngừ hộp đóng hộp, cá da trơn, cá minh thái và cá hồi chứa lượng thủy ngân thấp.

Bạn cần tránh các loại cá mập, cá thu, cá nàng đào và cá kiếm. Nếu bạn không ăn cá, hạt lanh cũng cung cấp axit béo omega-3. Song axit béo chứa trong hạt lanh không chuyển đổi dễ dàng sang axit eicosapentaenoic và docosahexaenoic, 2 dạng axit béo omega-3 thiết yếu có trong cá. Sử dụng dầu ô liu hoặc dầu thực vật thay vì chất béo bão hòa như mỡ, dầu cọ, bơ hoặc dầu dừa để nấu ăn. Những loại dầu này chứa chất béo chưa bão hòa làm giảm mức cholesterol của bạn hơn là tăng lên. Sáu thìa dầu mỗi ngày sẽ đáp ứng được nhu cầu của bạn, nhưng hiện nay rất nhiều thực phẩm chế biến sẵn đã có chứa một lượng dầu trong đó nên bạn cần cân nhắc việc này.

Ngoài ra, trong thời gian này, bạn không cần kiêng khem quá mức. Do nhiều nơi còn có những phong tục, tập quán khác nhau mà bắt bà mẹ phải kiêng khem nhiều thứ trong thời kỳ đang cho con bú. Ví dụ: sau đẻ chỉ cho bà mẹ ăn cơm với muối trắng, kiêng thịt, cá vì sợ “tanh” làm con bị ỉa chảy, điều này là không cần thiết và không có cơ sở khoa học. Các bà mẹ cho con bú sẽ giảm cân tốt hơn so với các bà mẹ không nuôi con bằng sữa mẹ do mỡ tích lũy trong thời gian mang thai sẽ được chuyển hóa thành sữa cho con bú.

Do đó, các bà mẹ không chủ động ăn kiêng trong giai đoạn này vì người mẹ sẽ cần có bữa ăn đa dạng, nhiều năng lượng hơn bình thường để đáp ứng nhu cầu năng lượng của mình và tạo đủ sữa cho con. Vào giai đoạn này, muốn giảm cân, bà mẹ chỉ cần có chế độ dinh dưỡng cân bằng và tập thể dục đều đặn mỗi ngày, đồng thời, giảm bớt lượng đường trong khẩu phần.

Bạn cần uống bao nhiêu nước mỗi ngày?

Đặt mục tiêu cho 8 cốc mỗi ngày – đặc biệt là trong những tuần sau khi sinh, vì nó sẽ giúp cơ thể bạn phục hồi nhanh chóng. Để đảm bảo bạn đã uống đủ, một nguyên tắc nhỏ là uống một cốc nước vào sau mỗi lần cho bé bú (một ngày bé có thể bú 8-12 lần)

Hãy nhớ rằng nguồn cung cấp sữa của bạn sẽ không bị ảnh hưởng trừ khi bạn bị mất nước nghiêm trọng. Bạn có thể kiểm tra nước tiểu của bạn, nếu nước tiểu ít và sẫm màu, điều đó có nghĩa là bạn đang uống không đủ nước. Không uống đủ nước có thể khiến bạn gặp các vấn đề về sức khỏe bao gồm nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI), táo bón và mệt mỏi.

Tốt nhất là bạn nên để sẵn nước bên cạnh khi cho con bú. Nước, sữa hoặc nước ép trái cây loại không ngọt là tốt nhất (Nếu bạn đang có ý định giữ cân hoặc giảm cân sau sinh). Uống nhiều nước sẽ hỗ trợ các chất xơ hoạt động hiệu quả hơn trong việc ngăn ngừa chứng táo bón.

Những thực phẩm cần tránh khi cho con bú

Khi bạn đang cho con bú, có rất nhiều thực phẩm mà bạn nên loại chúng khỏi thực đơn hàng ngày:

  • Caffein quá nhiều: Một hoặc hai tách cà phê, trà hoặc soda mỗi ngày sẽ không ảnh hưởng đến em bé của bạn (và trong những tháng đầu, có thể bạn cần chúng để có thể giải quyết mọi việc). Tuy nhiên, nhiều hơn mức đó có thể dẫn đến cả bạn và bé cảm thấy bồn chồn, cáu kỉnh và mất ngủ.
  • Cá có hàm lượng thủy ngân cao: Các hướng dẫn tương tự của EPA về cá an toàn sử dụng cho phụ nữ mang thai cũng áp dụng cho phụ nữ cho con bú: Tránh tất cả các loại cá có hàm lượng thủy ngân cao bao gồm cá mập, cá ngói và cá thu. Giới hạn cá ngừ ở mức 8-12 ounce một tuần hoặc không quá 4 ounce một tuần cá ngừ white albacore.
  • Sữa và thịt nhiều chất béo: Thuốc trừ sâu và các hóa chất khác có thể lưu trữ trong mỡ động vật, do đó, tốt nhất là nên sử dụng ít chất béo loại này. Bất cứ khi nào bạn thấy sữa, thịt gia cầm và thịt có chất béo cao hơn, hãy cân nhắc lựa chọn loại có hàm lượng chất béo thấp hơn.
  • Thực phẩm chế biến sẵn: Theo nguyên tắc chung, kiểm tra nhãn và cố gắng tránh thực phẩm chế biến sẵ có chứa hàng loạt chất phụ gia. Hơn nữa thực phẩn đó chứa khá nhiều muối, về lâu dài không có lợi cho bạn.

Những thực phẩm yêu thích nào mà bạn kiêng trong thời gian mang thai có thể quay trở lại thực đơn? Đó là sushi, hàu, phô mai mềm không tiệt trùng; thịt bò bít tết …

Đồ uống có cồn

Bạn có thể thắc mắc, trong thời gian này bạn có được sử dụng các loại đồ uống có cồn không? Mặc dù một số loại rượu có thể đi vào sữa mẹ nhưng nó ít hơn đáng kể so với những gì bạn uống. Rượu và bia đều an toàn để uống trong khi bạn đang cho con bú (tất nhiên là có chừng mực, và hãy chọn loại rượu có xuất xứ rõ ràng). Một vài lưu ý nho nhỏ khi uống đồ có cồn là:

  • Cho bé bú trước khi bạn dùng đồ có cồn: Cố gắng nhấm nháp đồ có cồn ngay sau khi bạn đã cho bé bú xong để cho phép rượu chuyển hóa trong vài giờ sau đó, trước khi bạn cho bé bú cữ tiếp theo.
  • Uống có giới hạn: Uống nhiều rượu có thể gây buồn ngủ, suy nhược cơ thể và tăng cân quá mức ở trẻ sơ sinh, có thể thay đổi khẩu vị sữa và giảm sữa mẹ, có thể làm giảm chức năng cơ thể của chính bạn, do đó bạn không thể chăm sóc em bé và ảnh hưởng tới cả hai.
  • Chọn đố uống có nồng độ cồn thấp: Rượu có thể ảnh hưởng đến việc sản sinh oxytocin với phụ nữ cho con bú, làm giảm tiết sữa mẹ. Một vấn đề khác liên quan đến uống rượu bao gồm cả việc người mẹ không có khả năng kiểm soát và có nguy cơ trầm cảm. Rượu có tác động lên hệ thống thần kinh của mẹ. Do đó, nên chọn đồ có nồng độ cồn thấp và lượng vừa phải.

Thực phẩm bổ sung

Có một vài loại thực phẩm bổ sung bạn nên tiêu thụ cẩn thận khi bạn cho con bú:

Một số thảo dược

Một số ít nghiên cứu đã được thực hiện về sự an toàn của các chất bổ sung thảo dược, vì vậy có rất ít thông tin về cách chúng ảnh hưởng đến em bé bú – cộng với những chất bổ sung này không được quy định bởi FDA. Để giữ an toàn, hãy hỏi bác sĩ trước khi dùng bất kỳ phương thuốc thảo dược nào và suy nghĩ kỹ trước khi uống trà thảo dược hoặc pha với sữa cho con bú. Cho đến nay, hãy lựa chọn các loại thảo dược đáng tin cậy được dùng từ xa xưa, được coi là an toàn trong thời kỳ cho con bú (cam quế, bạc hà, mâm xôi, tía tô, tầm xuân).

Thực phẩm Non-organic

Chọn trái cây hữu cơ, rau, sữa, thịt gia cầm, thịt, trứng và ngũ cốc sạch, nguồn gốc rõ ràng sẽ giảm thiểu các hóa chất mà con bạn tiếp xúc qua sữa mẹ, tuy rằng giá cả của chúng thường cao hơn. Nhưng không cần quá cẩn trọng, một lượng nhỏ hóa chất cũng không quá ảnh hưởng tới sữa mẹ. Nhưng dù sao, bạn cũng nên chọn thực phẩm sạch, có nguồn gốc và chứng nhận an toàn

Theo dõi phản ứng của em bé

Trong khi hầu hết trẻ sơ sinh bú sữa mẹ bất kể hương vị gì, một số ít có khẩu vị kén chọn ngay từ đầu – phát hiện và từ chối ngay cả khi mẹ ăn một ít tỏi hoặc gia vị mạnh. Bạn sẽ nhanh chóng cho biết loại nào không phù hợp với em bé của bạn và có thể sửa đổi chế độ ăn uống của bạn cho phù hợp.

Một điều khác cần theo dõi: Nó không phổ biến (và chưa được xác minh bởi nghiên cứu khoa học), nhưng một số bà mẹ nói rằng một số loại thực phẩm họ ăn (đặc biệt là những loại tạo khí như bắp cải, bông cải xanh, hành tây, súp lơ, đậu hoặc mầm Brussels ) làm mẹ có cảm giác đầy hơi và cả bé cũng vậy (thậm chí gây đau bụng). Và chế độ ăn uống của mẹ có nhiều dưa, đào và các loại trái cây khác có thể gây tiêu chảy ở một số bé nhạy cảm, trong khi ớt đỏ có thể gây phát ban ở những bé khác. Mặc dù vậy, đừng cho rằng em bé của bạn sẽ có phản ứng với tất cả những gì bạn ăn. Hãy nhớ rằng những gì có vẻ như là một phản ứng (quấy khóc, ngọ nguậy) có nhiều khả năng là bé hoạt động như các trẻ khác mà thôi.

Phải mất từ ​​hai đến sáu giờ kể từ khi bạn ăn một loại thực phẩm nhất định cho đến khi nó ảnh hưởng đến hương vị và mùi thơm của sữa mẹ. Vì vậy, nếu em bé của bạn có có nhiều khí, nhổ nhiều hơn, từ chối ti mẹ hoặc quấy khóc vài giờ sau khi bạn ăn một loại thực phẩm nào đó, hãy thử loại bỏ thức ăn đó trong vài ngày để đánh giá lại phản ứng.

Dị ứng ở trẻ bú mẹ

Chúng ta đều biết rằng nuôi con bằng sữa mẹ sẽ cung cấp cho bé một số kháng thể chống lại dị ứng. Trẻ sơ sinh bú sữa mẹ ít khi bị dị ứng. Ví dụ, nuôi con bằng sữa mẹ rất tốt đặc biệt là khi trong gia đình có tiền sử bị dị ứng, như bệnh hen suyễn, viêm xoang mũi, thở khò khè và bệnh chàm. Nghiên cứu cho thấy các kháng thể trong sữa mẹ (đặc biệt là IgA) có thể liên kết với đạm trong thực phẩm để tạo thành một hợp chất làm giảm khả năng truyền đạm vào máu của bé. Rất ít em bé (2-3%) thực sự bị dị ứng với thực phẩm trong chế độ ăn của mẹ. “Thủ phạm” thường gặp nhất là sữa bò; sau đó tới đậu nành, các loại hạt, lúa mì và đậu phộng. Ngoài việc quấy khóc và tỏ ra khó chịu, những em bé bị dị ứng thực phẩm thực sự sẽ biểu hiện các triệu chứng khác, bao gồm:

  • Nôn thường xuyên
  • Phân lỏng, chảy nước (hoặc nhầy) (có thể nhuốm máu)
  • Tăng cân chậm
  • Chàm, nổi mề đay, khò khè và / hoặc chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi

Nếu nghĩ rằng con bạn có thể bị dị ứng thực phẩm, đặc biệt là nếu bạn có tiền sử gia đình bị dị ứng, hãy nói chuyện với bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên loại bỏ một số thực phẩm có nhiều khả năng gây dị ứng trong hai đến ba tuần để kiểm tra xem đó có thực sự là thủ phạm hay không.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment