Chăm sóc trẻ

Cách nuôi con bằng sữa mẹ: Tất cả những gì các bà mẹ cần biết!

Nếu bạn là người mới làm mẹ, chắc hẳn bạn sẽ có nhiều thắc mắc. Làm thế nào để bắt đầu cho em bé bú sữa mẹ? Làm thế nào để biết em bé đã ăn đủ? Làm thế nào để mẹ và con cùng thoải mái?

Bạn đã từng thấy nhiều bà mẹ khác cho con bú khá dễ dàng. Họ trò chuyện với em bé, cho em bé bú như thể cho con bú là quá trình tự nhiên nhất trên thế giới. Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tự nhiên tốt nhất cho trẻ sơ sinh và bản năng làm mẹ sẽ mách bảo bạn đôi chút. Nhưng thông thường thì đối với các bà mẹ có em bé lần đầu, sẽ mất một khoảng thời gian để mọi việc diễn ra suôn sẻ. Những bà mẹ khác mà bạn nhìn thấy cũng vậy thôi, ai cũng sẽ có khoảng thời gian ban đầu bỡ ngỡ.

Cho dù lần đầu tiên của bạn dễ dàng hay khó khăn, có rất nhiều điều để tìm hiểu. Vì vậy, bạn càng biết nhiều về kỹ thuật (cách bế bé, cách cho bé bú), thông tin (làm thế nào để biết bé bú đủ sữa) và nhu cầu của bé (khi nào bữa ăn của bé kết thúc và khi nào cần ăn tiếp), bạn sẽ càng cảm thấy tự tin và chăm sóc bé tốt nhất có thể.

Khi bạn vượt qua những ngày đầu bỡ ngỡ và vài sai sót ban đầu để tìm ra cách tốt nhất cho mình, bạn sẽ cho con bú thành thạo, đó cũng chính là một trong những trách nhiệm lớn nhất của người mẹ. Và nuôi con bằng sữa mẹ mang lại rất nhiều lợi ích cho cả bạn và em bé – mang lại cho cả hai sự khởi đầu cho một tương lai khỏe mạnh.

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi các bà mẹ nên biết

Các thông tin về nuôi con bằng sữa mẹ mà bạn cần biết

nuôi con bằng sữa mẹ

Để sẵn sàng trước khi bạn bắt đầu cho con bú, hãy đọc vài thông tin nho nhỏ này về những điều cơ bản của nuôi con bằng sữa mẹ để trở thành bà mẹ tuyệt vời nhé:

Các giai của của sữa mẹ

Sữa mẹ đến trong ba giai đoạn. Tạo hóa đã thiết kế riêng cho từng lứa tuổi của bé, khiến sữa mẹ trở thành thực phẩm hoàn hảo từ ngày đầu tiên đến ngày thứ mười và hơn thế nữa:

Sữa non

Khi sữa của bạn đến lần đầu, đó là sữa non. Sữa non hay sữa đầu, còn được gọi là thức ăn đầu tiên của sự sống (tên khoa học gọi là colostrum) là một loại sữa mẹ đặc biệt, một dạng vật chất có màu vàng, đặc dính, xuất hiện vào cuối thời kỳ mang thai và lưu thông qua tuyến vú của người mẹ trong vòng 72 giờ đầu sau khi sinh con và xuất hiện ở hai ngày đầu sau khi sinh con. Sữa non chứa nhiều protein, vitamin và khoáng chất có thể giúp bảo vệ chống lại vi khuẩn và vi rút có hại, thậm chí có thể kích thích bé sản xuất kháng thể. Khi ở bên trong ruột của em bé, sữa non sẽ bảo vệ hệ thống miễn dịch chưa hoàn thiện của bé và bảo vệ chống dị ứng và rối loạn tiêu hóa. Thêm vào đó, nó kích thích nhu động ruột đầu tiên của bé và giảm nguy cơ bị vàng da. Bạn có thể có ít sữa non nhưng có lẽ bé sẽ không cần nhiều hơn một vài muỗng cà phê chất vàng lỏng này mỗi lần cho ăn trong những ngày đầu. Thường xuyên bú từ đầu sẽ giúp kích thích cơ thể bạn sản xuất giai đoạn sữa tiếp theo trong vòng vài ngày.

Sữa chuyển tiếp

Sữa chuyển tiếp là loại sữa được tiết ra trong giai đoạn ngay sau khi bà mẹ có sữa non kéo dài trong khoảng hai tuần trước khi đến với sữa trưởng thành. Loại sữa này có chứa chất béo, vitamin tan trong nước, đường lactose và hàm lượng calo cao hơn so với sữa non. Nó giống như sữa trộn với nước cam (nhưng may mắn là ngon hơn rất nhiều). Đây là loại sữa có chứa globulin miễn dịch và protein thấp hơn sữa non nhưng có nhiều đường lactose, chất béo và calo. Do lượng sữa chuyển tiếp nhiều hơn so với sữa non nên trong giai đoạn này, ngực của bạn sẽ trở nên căng tức và săn chắc hơn. Ban đầu, những thay đổi này sẽ khiến bạn cảm thấy khó chịu và bạn sẽ cảm thấy khó cho bé ngậm vào đúng vị trí trên núm vú. Tuy nhiên, nếu nhờ cậy vào sự giúp đỡ của các bác sĩ và chuyên gia nhi khoa, bạn sẽ có thể dễ dàng giúp bé bám và ngậm vú đúng cách. Đôi khi, bạn nên hút bớt một ít sữa để làm mềm quầng vú, giúp bé dễ dàng nút sữa hơn.

Sữa trưởng thành

Đến khoảng giữa ngày 10 và hai tuần sau khi sinh, cơ thể bạn sẽ bắt đầu sản xuất ra sữa trưởng thành. Sữa trưởng thành có 2 loại: sữa đầu và sữa cuối. Sữa đầu được tiết ra trước, chứa nhiều nước giúp trẻ không bị khát. Sữa cuối được tiết ra sau, có màu hơi đục và chứa nhiều chất béo hơn (nhiều calories hơn) và giúp trẻ không bị đói. Việc cho trẻ bú cả sữa đầu và sữa cuối là cực kỳ quan trọng để đảm bảo trẻ nhận được đầy đủ dưỡng chất cần thiết và cũng giúp trẻ no lâu hơn. Mặc dù trông giống như sữa tách béo nhưng nó chứa đầy chất béo và các chất dinh dưỡng khác mà trẻ đang phát triển cần.

Cách bế em bé để bú mẹ tốt nhất

Ban đầu, có thể mất một vài lần cố gắng để đưa bé vào đúng tư thế nhưng hãy tiếp tục cố gắng để tạo thành thói quen cho cả mẹ và bé. Có thể sẽ mất một thời gian để mẹ và bé làm quen, hãy kiên nhẫn và đừng nản lòng. Cho bé bú đúng cách là cả một kỹ năng, nên hãy cho bé và cả bạn thời gian để tập luyện nhé!

Đầu tiên, điều cần thiết là phải tạo ra một tư thế đúng, vì tư thế không đúng là nguyên nhân phổ biến nhất gây khó chịu cho vú. Miệng của bé nên trùm cả núm vú và quầng vú, để miệng, lưỡi và môi của bé tiếp xúc với sữa khi sữa đi ra khỏi tuyến sữa của bạn. (Chỉ mút núm vú sẽ không chỉ khiến trẻ sơ sinh đói vì các tuyến tiết ra sữa không bị ép để tiết sữa, nó cũng sẽ làm cho núm vú của bạn bị đau và nứt.) Đây là phương pháp để bé yêu có thể bú đúng cách:

  • Giữ em bé của bạn đối diện với bộ ngực của bạn, người em bé đối diện với người bạn, bụng em bé đối diện với bụng bạn. Ngực bé chạm vào ngực mẹ, cằm chạm tới đầu ti.
  • Bạn có thể để con dùng bản năng tự tìm đến đầu ti, hay ôm mẹ đòi bú. Kỹ năng này đòi hỏi cả mẹ và bé đều phải ở trong tư thế thoải mái, bạn chỉ cần đỡ con trong khi bé bú.
  • Bạn có thể giúp con thoải mái hơn bằng cách nói chuyện, khuyến khích bé mở miệng rồi sau đó đưa đầu ti vào miệng bé để bé bú. Để miệng của bé trùm cả núm vú và quầng vú. Hãy chú ý đừng để lưỡi bé cuốn vào trong mà phải nằm trên hàm dưới. Lúc này, đầu ti của bạn sẽ nằm trên lưỡi của bé, từ đó bé có thể bú sữa thoải mái hơn. Nếu em bé của bạn không mở miệng, hãy cố gắng vắt một ít sữa non (hoặc sữa trưởng thành tùy vào giai đoạn) lên môi em bé.
  • Nếu em bé của bạn quay mặt đi, nhẹ nhàng vuốt má ở phía gần bạn nhất. Em bé sẽ có phản xạ quay đầu về phía bạn ngay.
  • Đưa bé về phía trước về phía vú của bạn một khi miệng bé đã mở to. Đừng cúi xuống và đẩy vú của bạn vào miệng bé – hãy để bé chủ động. Giữ vú của bạn cho đến khi bé nắm chắc và bú tốt. Hãy khuyến khích bé đừng chỉ ngậm mỗi đầu ti mà hãy ngậm cả núm vú, cách này sẽ giúp bé bú mẹ được nhiều hơn.
  • Bạn sẽ biết khi nào có tư thế thích hợp, khi cằm của bé và chóp mũi của bé chạm vào vú của bạn. Môi của bé sẽ ló ra ngoài, trề ra giống như môi cá chứ không phải là gập vào. Hãy kiểm tra xem bé có bị mút môi dưới hay lưỡi của bé không (trẻ sơ sinh sẽ mút bất cứ thứ gì) bằng cách kéo môi dưới xuống trong khi bú.
  • Theo dõi trẻ bú xem có ra sữa không, không chỉ là mút núm vú của bạn. Nếu bé đang bú, bạn sẽ thấy một kiểu thở mạnh và đều đặn. Bạn cũng sẽ nhận thấy một chuyển động nhịp nhàng ở má, hàm và tai của bé. Khi sữa chảy ra, hãy lắng nghe tiếng nuốt của bé. Có vài bé sẽ chóp chép miệng khi không được bú thoải mái, nhưng không phải bé nào cũng thế.

Nếu em bé bú chưa đúng cách? Hãy gỡ em bé ra cẩn thận bằng cách nhẹ nhàng đưa một ngón tay sạch vào khóe miệng hoặc ấn vào vú của bạn và tách ra. Sau đó bắt đầu chạm vào khóe miệng em bé một lần nữa và để bé ngậm lại đúng cách (với núm vú và quầng vú trong miệng).

Thời gian cho con bú

Mặc dù bạn có thể đã nghe nói rằng cho bé bú trong thời tian ngắn ngăn ngừa đau nhức và nứt nẻ vú, nhưng điều đó thường không đến từ việc cho bú quá lâu mà là cho bé bú không đúng cách. Vì vậy, thay vì đặt giới hạn thời gian cho mỗi lần cho bú, hãy để em bé của bạn quyết định thời gian bú, với một tư thế đúng sẽ tốt cho cả mẹ và bé.

  • Các lần bú thường kéo dài 20 đến 30 phút. Nhưng hãy nhớ, đó là trung bình. Em bé của bạn có thể mất nhiều thời gian hơn hoặc ít hơn các bé khác. Em bé cũng cần cho ăn lâu hơn trong thời gian đầu và trong giai đoạn tăng trưởng.
  • Bú hết một bên vú: Hãy đảm bảo rằng bé bú hết một bên vú trước khi chuyển sang vú bên kia (điều đó quan trọng hơn việc đảm bảo em bé bú từ cả hai vú), vì sữa cuối  của sữa trưởng thành giàu chất béo và calo hơn sẽ ở cuối cùng. Vì vậy, đừng chuyển bé sang vú bên kia khi bé chưa bú hết. Thay vào đó, hãy đợi cho đến khi em bé của bạn bú hết rồi chuyển, nếu em bé bú hết một vú và dừng lại, không cần bắt em bé bú tiếp bên kia. Sau đó, hãy bắt đầu với bên còn lại ở lần bú tiếp theo.
  • Đợi em bé ra hiệu khi bé thấy đủ: Kết thúc việc cho bé ăn bằng cách đợi bé tự buông núm vú ra. Nếu em bé của bạn không buông, bạn sẽ biết kết thúc việc cho ăn khi kiểu nuốt chậm lại, khoảng bốn lần hút mỗi lần nuốt. Thông thường, em bé của bạn sẽ ngủ sau khi bú xong vú đầu tiên và thức dậy bú tiếp vú còn lại.

Bao lâu thì cho bé bú?

Hãy cho bé ăn khi chúng đói (theo yêu cầu) thay vì đặt đồng hồ báo (theo lịch trình) là cách tốt nhất cho cả mẹ và bé. Nhưng vì trẻ sơ sinh thường không đói (thường không thèm ăn vào ngày thứ ba), nên ban đầu trẻ sẽ không có nhiều nhu cầu bú. Điều đó có nghĩa là bạn có thể phải bắt đầu chủ động cho bé bú trong thời gian ban đầu.

Bạn nên cho em bé sơ sinh ăn ít nhất 8 đến 12 lần mỗi ngày, ngay cả khi nhu cầu của bé chưa đến mức đó trong vài tuần đầu tiên. Thời gian sau đó bạn có thể giãn thời gian ăn ra, cứ sau hai đến ba giờ cho bé ăn một lần.

Tuy nhiên, khoảng cách giữa các bữa rất khác nhau giữa các bé, vì vậy bạn có thể cần phải cho ăn thường xuyên hơn hoặc ít hơn bình thường. Nếu em bé của bạn hay đói bụng và thường xuyên đòi ăn, bạn có thể cho ăn nhiều lần hơn, và ngược lại, có thể giãn khoảng cách giữa các bữa từ 3,5-4 tiếng một lần. Nếu bạn cảm thấy như bạn đang cho bú liên tục và nghĩ rằng quá nhiều, đừng lo lắng. Khi nguồn sữa của bạn tăng lên và em bé của bạn lớn hơn, thời gian nghỉ giữa các lần cho ăn sẽ lâu hơn.

Đừng lo lắng hay ngạc nhiên nếu bạn bè cho ăn sữa công thức hoặc ăn sữa bổ sung và nói rằng em bé của họ ăn ít bữa hơn. Sữa mẹ dễ tiêu hóa hơn sữa bột, làm bé nhanh đói hơn và cần bú nhiều hơn. Trong giai đoạn này, sữa mẹ luôn là nguồn tốt nhất cho trẻ nhỏ, don’t worry!

Dấu hiệu khi bé đói bụng

Một phương pháp cho con bú đúng là hãy cho con bú khi bé có vẻ hơi đói. Đừng chờ đợi đến khi bé khóc. Lúc đó, con nhỏ của bạn có thể đói một cách khó chịu, đặc biệt là khi bé khóc lâu hơn. Thiên thần của bạn tuy bé nhỏ nhưng bé sẽ biết biểu lộ đói bụng bằng nhiều cách, chỉ cần bạn để ít chút xíu thôi. Chẳng hạn như:

  • Rúc vào ngực bạn
  • Mút mạnh ngón tay của bé (hoặc áo hay cánh tay của bạn)
  • Mở miệng
  • Phản xạ bú (bé mở miệng và quay đầu sang một bên để tìm nguồn thức ăn, thường là sau khi bé được vuốt ve má)
  • Mút môi hoặc lưỡi (có thể trông giống như em bé lè lưỡi)
  • Tạo ra âm thanh chóp chép
  • Bé nằm lăn lộn, cựa quậy

Tư thế cho con bú

Nguyên tắc đơn giản nhất khi cho con bú mà bạn cần nhớ là giữ đầu và lưng của bé thẳng hàng, mặt của bé hướng thuận vào bầu vú; như thế sẽ tạo ra tư thế bú đúng và bé sẽ bú dễ dàng, thoải mái nhất. Bạn có thể tham khảo một vài tư thế cho con bú dưới đây. Nếu bạn tìm thấy một tư thế cho con bú tốt nhất thì hãy gắn bó với nó. Tuy nhiên theo thời gian khi bé lớn hơn, bạn có thể muốn thay đổi sang tư thế khác. Nếu bạn bị viêm vú hay tắc tia sữa, bác sĩ có thể tư vấn cho bạn một tư thế cho con bú hợp lý.

Tư thế cơ bản

Đặt bé nằm sao cho đầu bé tựa vào khuỷu tay của bạn ở bên vú bạn cho bú, cánh tay đó sẽ đỡ phần còn lại của cơ thể bé. Giữ vú của bạn bằng tay đối diện và để núm vú hướng về phía mũi bé.

Để chéo

Giữ đầu em bé bằng tay đối diện với vú mà bạn sẽ cho con bú (nghĩa là nếu bú từ vú phải, hãy giữ đầu bằng tay trái), đặt em bé trên đùi mẹ. Sử dụng bàn tay còn lại của bạn để điều chỉnh vú như tư thế cơ bản.

Tư thế nằm nghiêng

Một tư thế tốt nếu bạn và bé đang ngủ vào ban đêm. Nằm nghiêng với một cái gối dưới đầu. Bé nên đối mặt với bạn, đầu thẳng với núm vú của bạn. Sử dụng bàn tay của bạn ở bên mà bạn không nằm đè lên để điều chỉnh vú. Bạn có thể đặt một chiếc gối nhỏ phía sau lưng em bé để cố định bé.

Vị trí Laid-back

Ở vị trí này, bạn thoải mái dựa lưng vào một chiếc ghế dài hoặc trên giường với gối hỗ trợ lưng, cổ và đầu. Đặt em bé lên bụng, nằm sấp trên ngực của bạn theo bất kỳ hướng nào thoải mái, với má của em bé áp trên ngực của bạn. Đây là một vị trí cho con bú tuyệt vời đối với trẻ sơ sinh, trẻ khó cho ăn và trẻ có dạ dày cực kỳ nhạy cảm. Tư thế này cũng để tay bạn tự do hơn để âu yếm và vuốt ve em bé đáng yêu của bạn.

Làm thế nào để biết em bé có nhận được đủ sữa không?

Nhiều bà mẹ mới cho con bú sẽ không tránh khỏi lo lắng rằng một lúc nào đó bé không ăn đủ. Rốt cuộc, ngực của bạn và nhu cầu của em bé không hề tương ứng với nhau, vì vậy bạn không biết liệu bạn có đang cho bé bú đủ không. Nếu bạn lo lắng, một vài dấu hiệu dưới đây có thể giúp bạn kiểm tra xem em bé của bạn có ăn đủ không:

Vẻ mặt thỏa mãn

Nếu em bé của bạn có vẻ hạnh phúc và hài lòng sau hầu hết các lần cho ăn thì rất có thể em bé đã hoàn toàn thỏa mãn và nhận được đủ sữa. Nếu em bé khóc và quấy khóc hoặc mút ngón tay điên cuồng sau khi cho bú, em bé vẫn có thể bị đói (mặc dù đây cũng có thể là dấu hiệu của chướng khí hoặc  đau bụng ở trẻ sơ sinh).

Tã bẩn

Bạn hãy đếm số lượng tã bẩn hàng ngày của bé. Trẻ sơ sinh thường thải ra từ 8 đến 12 cái tã với nước tiểu màu vàng nhạt đến rất nhạt và ít nhất năm lần đi ngoài phân mềm, màu vàng trong khoảng thời gian 24 giờ đầu. Trong vài tuần đầu tiên, bạn nên ghi lại tần suất cho con bú và số lượng tã mà bạn có thể mang theo tờ giấy theo dõi đến bác sĩ nhi khoa mỗi lần khám.

Cân nặng

Trẻ sơ sinh cần tăng cân đều đặn mỗi tuần, tăng 1 đến 2 lạng mỗi tuần là điển hình ở trẻ sơ sinh, mặc dù tăng cân thay đổi tùy theo tuổi và các yếu tố khác. Bác sĩ nhi khoa sẽ cho bạn biết nếu sự phát triển của em bé chưa đạt mức bình thường.

Mẹo cho trẻ bú

Bạn lo lắng về việc bé không chịu bú hay không hợp tác với mẹ? Bạn mới làm mẹ lần đầu? Đừng lo, dưới đây là một số mẹo để bạn và em bé có thể chung sống hòa bình:

Trước khi sinh em bé

  • Tìm hiểu tất cả thông tin về cho bé ăn và sự phát triển của bé. Nếu có vấn đề thắc mắc, đừng ngần ngại hỏi chuyên gia hoặc bác sĩ Nhi khoa. Bạn cũng có thể tham gia vào các lớp học cho bà mẹ mang thai, nơi có thể dạy cho bạn mọi thứ từ cách cho bé bú đúng và tăng nguồn sữa cho đến cách khắc phục sự cố và liên quan đến chuyện cho bú, chẳng hạn như viêm tuyến sữa.
  • Trong tam cá nguyệt thứ 2 bạn đã nên đi tìm hiểu về bệnh viện hay trung tâm sinh sản mà bạn định sinh em bé. Gần đến lúc sinh hãy chọn phòng mà bạn định ở sau khi sinh. Bạn và bé càng dành nhiều thời gian cho nhau trong bệnh viện, việc cho ăn càng dễ dàng hơn, vì bé có thể làm quen với bạn ngay từ ban đầu. Bé nên ngủ với bạn hoàn toàn trong thời gian này.

Tại bệnh viện

Hãy bắt đầu cho bé ăn sớm

Em bé được sinh ra đã sẵn sàng để bú và thể hiện sự háo hức hơn khi bú trong hai giờ đầu sau khi sinh; phản xạ mút mạnh nhất vào khoảng 30 đến 60 phút sau khi sinh. Vì vậy, hãy lên kế hoạch cho con bú ngay khi bạn có thể, ngay lúc bạn có sữa về. Nhưng đừng căng thẳng nếu điều đó không xảy ra ngay lập tức, chỉ cần cho bé bú ngay khi sữa về bất kỳ lúc nào.

Cho bé bú và không sử dụng bình sữa

Bệnh viện luôn là những nơi bận rộn, vì vậy không có gì đáng ngạc nhiên khi nhân viên có thể nhanh chóng làm dịu một đứa bé quấy khóc bằng một bình sữa. Nhưng bạn đừng cho bé ngậm ti giả hay bú bình cho đến khi bé hoàn toàn quen với việc bú mẹ. Việc này có thể kéo dài từ 4 đến 6 tuần sau khi bé chào đời. Đừng cho bé uống nước hay sữa ngoài mà hãy cho bé bú mẹ hoàn toàn vì bé bú mẹ càng thường xuyên thì bạn sẽ càng có nhiều sữa hơn.

Nói chuyện với bác sĩ về việc cho con bú

Trước khi bạn rời bệnh viện hoặc trung tâm sinh sản, bạn có thể sắp xếp một buổi tham vấn ý kiến của bác sĩ về việc cho con bú. Đừng ngại đặt các câu hỏi, điều này tốt cho cả bạn và em bé.

Khi bạn về đến nhà

Chọn nơi yên tĩnh trong nhà

Cho đến khi cho con bú trở thói quen, bạn sẽ cần phải tập trung trong thời gian cho ăn ban đầu. Vì vậy, bạn nên chọn những nơi thoải mái và yên tĩnh trong nhà. Khi bạn cảm thấy thoải mái hơn khi cho con bú, bạn có thể để một tạp chí, điện thoại hoặc máy tính bảng gần đó để đỡ buồn chán. Thỉnh thoảng đừng quên đặt điện thoại xuống để tương tác với em bé, điều đó tốt cho cả hai. Cố gắng tránh xem TV hoặc nói chuyện điện thoại trong vài tuần đầu tiên, cho đến khi bạn cho bé bú quen.

Tạo vị trí thoải mái

Nằm ở một vị trí thoải mái cho bạn và em bé: trên ghế dài, trên giường hoặc bất cứ nơi nào trong nhà bạn thích. Nếu bạn cho bé bú ngồi, bạn sẽ cần một chiếc gối trên đùi giúp nâng em bé lên trên(và ngăn em bé gây áp lực lên vị trí vết mổ nếu bạn đã sinh mổ). Bạn cũng cần chọn vị trí ngồi thoải mái để tránh bị mỏi tay và đau lưng.

Uống nhiều nước

Sữa mẹ chứa khoảng 90% nước. Khi cho con bú, cơ thể bạn sẽ mất một lượng nước đáng kể để sản xuất sữa mẹ. Do đó, bạn sẽ cảm thấy khát hơn bình thường. Nhiều người cho rằng uống nhiều nước sẽ làm loãng sữa mẹ. Tuy nhiên, đây là lời đồn thổi thiếu căn cứ. Theo các chuyên gia, việc uống nhiều nước sẽ không làm ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ. Bạn có thể uống nước, sữa, nước ép trái cây hoặc sinh tố để bổ sung đủ lượng nước bạn cần. Bạn cũng có thể uống sữa dành cho bà bầu nhiều dinh dưỡng.

Hãy cho bé bú sớm

Thông thường bạn sẽ mất vài ngày để đợi “sữa về”. Nhưng đừng lo vì hãy cứ cho con bú mẹ vì ngực bạn sẽ sản sinh ra một lượng sữa non, rất tốt cho trẻ sơ sinh. Sữa non giàu năng lượng, dễ tiêu hóa và chứa nhiều chất đề kháng. Vì vậy cho bé bú càng sớm càng tốt. Cho bé bú thường xuyên cũng là cách để kích thích sữa về nhiều hơn.

Đổi bên

Hãy cho bé bú cạn một bên vú trước khi đổi bên để không bỏ lỡ sữa cuối nhiều chất béo. Nếu bạn để trẻ bú hết sạch một bên ngực rồi mới chuyển sang bên kia, những lần sau, sữa sẽ sản xuất nhiều hơn. Còn chỉ cho con bú một nửa rồi chuyển sang ngực kia cho cân bằng, những lần sau cơ thể sẽ chỉ sản sinh ra lượng sữa theo nhu cầu ấy. Nó làm sữa không về nhiều như cách bú trước. Bạn có thể nhét miếng khăn giấy hoặc khăn mềm vào áo ngực ở bên mà bạn đã không cho bú lần trước, để đánh dấu bên bé đã bú và để sữa không rỉ vào áo.

Nếu bé ăn không hết, bạn có thể vắt nốt sữa và để dành trong tủ lạnh

Như vậy sẽ tận dụng những dòng sữa béo nhiều dưỡng chất, đồng thời duy trì sữa nhiều và đều cho cơ thể. Khi trẻ bú cạn cả hai bầu ngực, nguồn sữa mẹ sẽ nhanh chóng được “tái sản xuất” và về nhiều hơn.

Cho bé bú nhiều lần

Bạn có thể muốn kéo dài thời gian giữa các lần cho ăn, nhưng trong vài tuần đầu tiên điều này là khó bởi tiết sữa bị ảnh hưởng bởi tần suất, cường độ và thời gian bé bú, đặc biệt là trong vài tuần đầu tiên. Cắt giảm tần suất cho bé bú, cắt giảm thời gian bú hoặc để bé ngủ quá lâu giữa các lần cho ăn (đặc biệt là trong ngày) có thể ảnh hưởng tới tiết sữa.

Hãy để em bé và bạn làm quen với bú mẹ

Hãy nhớ rằng cả em bé và bạn đều là tân binh trong việc này (nếu đây là lần đầu tiên của bạn hoặc ngay cả khi bạn đã sinh vì tất cả trẻ sơ sinh đều khác nhau). Cả hai đều có nhiều điều để học trước khi có thể hợp tác ăn ý với nhau, ngay cả khi bạn đã nuôi dưỡng thành công một em bé khác trước đó. Nếu bạn không thuận lợi lắm trong việc cho bé bú, đừng vội nản chí hay từ bỏ. Hãy thử lập lại từng bước một và cố gắng tìm ra cách thoải mái nhất cho cả mẹ và bé.

Giữ bình tĩnh

Cảm thấy hơi choáng ngợp? Điều đó là tự nhiên. Nhưng căng thẳng có thể ức chế sự xuống sữa. Vì vậy, nếu bạn cảm thấy khó chịu ngay trước khi cho bé bú, hãy thử thư giãn với một vài bài tập thư giãn (có thể giống như những bài bạn đã tập trước khi sinh) – hít thở sâu, nhắm mắt lại, nghe nhạc. Em bé cũng có thể sẽ được thư giãn cùng bạn.

Bạn hãy nhớ, mỗi em bé đều khác nhau, nên cách thích hợp với bé này chưa chắc có thể áp dụng với bé khác. Một điều nữa, bạn cũng đừng nên đánh giá thấp khả năng của các em bé nhé. Đôi khi chính bé là người có thể giúp quá trình bú mẹ trở nên thuận lợi hơn. Cho trẻ bú mẹ là một loại bản năng xuất phát từ cả mẹ và bé, vì vậy, hãy hợp tác tốt với bé yêu của mình, hướng dẫn con để con có thể tìm đầu ti và bắt đầu bú mẹ.

Nếu bé yêu của bạn không có đủ sữa, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc bổ sung bằng sữa công thức hoặc thay đổi phương pháp cho con bú. Hãy nhớ rằng những gì bé thực sự cần là tình yêu và sự chú ý từ bạn và điều đó không đến từ vú hoặc bình sữa.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment