Mục lục
Buồn nôn và nôn là gì?
Nôn là một phản xạ không thể kiểm soát nhằm tống thức ăn trong dạ dày qua miệng. Buồn nôn là một thuật ngữ mô tả cảm giác bạn muốn nôn nhưng không thể nôn.
Cả buồn nôn và nôn là những triệu chứng rất phổ biến và có thể được gây ra bởi một loạt các yếu tố, tình trạng bệnh lý. Chúng xảy ra ở cả trẻ em và người lớn, mặc dù có lẽ phổ biến nhất ở phụ nữ mang thai và những người đang điều trị ung thư.
Điều gì gây ra buồn nôn và nôn?
Buồn nôn và nôn có thể xảy ra cùng nhau hoặc riêng biệt. Chúng có thể được gây ra bởi một số điều kiện thể chất và tâm lý.
Buồn nôn
Các nguyên nhân phổ biến nhất của buồn nôn là đau dữ dội – thường là do chấn thương hoặc bệnh tật và giai đoạn ba tháng đầu của thai kỳ . Ngoài ra còn có một số nguyên nhân tương đối phổ biến khác, bao gồm:
- Say tàu xe
- Cảm xúc căng thẳng
- Khó tiêu
- Ngộ độc thực phẩm
- Do virus
- Tiếp xúc với độc tố hóa học
Nếu bạn bị sỏi mật, bạn cũng có thể cảm thấy buồn nôn.
Bạn có thể thấy rằng một số mùi nhất định mang lại cảm giác buồn nôn. Đây là một triệu chứng rất phổ biến trong ba tháng đầu của thai kỳ, mặc dù nó cũng có thể xảy ra ở những người không mang thai. Buồn nôn do mang thai thường biến mất trong tam cá nguyệt thứ hai hoặc thứ ba.
Nôn ở trẻ em
Các nguyên nhân phổ biến nhất gây nôn ở trẻ em là nhiễm virus và ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên, nôn cũng có thể được gây ra bởi:
- Say tàu xe
- Ho
- Sốt cao
- Ăn quá nhiều
Ở trẻ nhỏ, ruột bị tắc nghẽn cũng có thể gây nôn kéo dài. Ruột có thể bị tắc nghẽn do dày bất thường cơ, thoát vị , sỏi mật hoặc khối u. Các nguyên nhân này không phổ biến, nhưng nên được kiểm tra nếu nôn mửa không rõ nguyên nhân xảy ra ở trẻ sơ sinh.
Nôn ở người lớn
Hầu hết người lớn hiếm khi nôn mửa. Khi tình trạng xảy ra, nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus hoặc một loại ngộ độc thực phẩm thường gây nôn. Trong một số trường hợp, nôn cũng có thể là kết quả của các bệnh khác, đặc biệt là nếu bệnh dẫn đến đau đầu hoặc sốt cao.
Bệnh dạ dày mãn tính
Bệnh dạ dày mãn tính thường có thể gây buồn nôn và ói mửa. Những tình trạng này có thể đi kèm với các triệu chứng khác, chẳng hạn như tiêu chảy, táo bón và đau dạ dày. Những tình trạng mãn tính này bao gồm không dung nạp thực phẩm, chẳng hạn như bệnh celiac và không dung nạp protein sữa và lactose.
Hội chứng ruột kích thích (tên tiếng Anh là irritable bowel syndrome-IBS)
Là hiện tượng ruột bị rối loạn chức năng, tái đi tái lại nhiều lần mà khi người bệnh đi khám, làm các xét nghiệm đều không tìm thấy các tổn thương về giải phẫu cũng như tổ chức sinh hoá ở ruột. Ở Việt Nam, hội chứng ruột kích thích còn được biết đến với tên gọi viêm đại tràng co thắt, viêm đại tràng chức năng hoặc viêm đại tràng mãn tính. Các triệu chứng chính của bệnh là đầy hơi, buồn nôn, nôn, ợ nóng, mệt mỏi và đau bụng.
Đau không có đặc điểm gì cụ thể, không có vị trí nhất định, có thể đau dọc khung đại tràng, đau nhiều hơn sau khi ăn hoặc đôi khi chưa ăn xong đã có cảm giác đau, khi ăn thức ăn lạ, thức ăn để lâu. Nhiều trường hợp cũng có thể đau do lạnh bụng. Cảm giác đau có thể chỉ diễn biến 1-2 ngày nhưng cũng có thể kéo dài nhiều ngày triền miên, một tháng có thể đau vài lần nhưng cũng có người bệnh nhiều tháng mới đau một lần.
Bệnh Crohn
Là một bệnh viêm ruột thường ảnh hưởng đến ruột, mặc dù nó có thể xảy ra ở bất cứ đâu trong đường tiêu hóa. Bệnh Crohn là một tình trạng tự miễn dịch trong đó cơ thể tấn công các mô ruột khỏe mạnh, gây viêm, buồn nôn, nôn và đau.
Để chẩn đoán bệnh Crohn, bác sĩ có thể thực hiện nội soi đại tràng. Xét nghiệm này cho phép bác sĩ xem toàn bộ đại tràng và phần cuối của hồi tràng (hồi tràng cuối) bằng một ống mỏng, linh hoạt, có đèn chiếu sáng và camera gắn ở đầu ống. Trong quá trình nội soi, bác sĩ cũng có thể lấy các mẫu mô nhỏ để sinh thiết. Nếu có các cụm tế bào viêm được gọi là u hạt, giúp xác nhận chẩn đoán của Crohn.
Do thói quen ăn uống
Một số thói quen có thể làm tăng khả năng bạn bị buồn nôn và nôn.
Tiêu thụ một lượng lớn rượu có thể gây tổn thương niêm mạc ruột. Rượu cũng có thể phản ứng với acid dạ dày. Cả hai điều này sẽ gây buồn nôn và ói mửa. Trong một số trường hợp, tiêu thụ rượu quá mức cũng có thể gây chảy máu trong đường tiêu hóa.
Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống là khi một người điều chỉnh thói quen và hành vi ăn uống của họ để phục vụ một mục đích nào đó. Nó có thể gây buồn nôn và ói mửa.
Bulimia là một rối loạn ăn uống, trong đó người mắc bệnh này cố tình gây nôn sau khi tiêu thụ bất kỳ thực phẩm nào. Những người mắc chứng chán ăn cũng có thể cảm thấy buồn nôn do đói và dư thừa acid dạ dày.
Do bệnh lý nghiêm trọng
Mặc dù hiếm gặp, nôn đôi khi có thể xảy ra như một triệu chứng của một tình trạng nghiêm trọng hơn, bao gồm:
- Viêm màng não
- Viêm ruột thừa
- Chấn động não
- U não
- Chứng đau nửa đầu
Nếu bạn liên tục nôn mửa, hãy đi khám bác sĩ.
Khi nào cần nhập viện khẩn cấp?
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế nếu bạn bị buồn nôn hoặc nôn trong hơn một tuần. Hầu hết các trường hợp nôn mửa sẽ cho thấy diễn biến rõ ràng trong vòng 6 đến 24 giờ sau lần đầu tiên.
Với trẻ dưới 6 tuổi
Tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp cho bất kỳ trẻ em dưới 6 tuổi nào có một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Bị nôn mửa và tiêu chảy
- Nôn hết tất cả mọi thứ ăn vào
- Đang xuất hiện các triệu chứng mất nước: như da nhăn nheo, quấy khóc, mạch yếu hoặc giảm ý thức
- Đã bị nôn hơn hai hoặc ba giờ
- Bị sốt trên 100 ° F (38 ° C)
- Không đi tiểu trong hơn sáu giờ
Với trẻ trên 6 tuổi
Tìm kiếm sự chăm sóc khẩn cấp cho bất kỳ trẻ em trên 6 tuổi nào có một trong các dấu hiệu dưới đây:
- Nôn đã kéo dài hơn 24 giờ
- Có triệu chứng mất nước
- Không đi tiểu trong hơn sáu giờ
- Quấy khóc nhiều hoặc thờ ơ
- Sốt cao hơn 102 ° F (39 ° C)
Với người lớn
Tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:
- Đau đầu dữ dội
- Cổ gáy cứng
- Thờ ơ, mệt mỏi nhiều
- Có sự nhầm lẫn
- Có máu trong chất nôn
- Mạch nhanh
- Thở nhanh
- Sốt trên 102 ° F (39 ° C)
- Giảm khả năng đáp ứng kích thích
- Đau bụng dữ dội hoặc kéo dài
Điều trị buồn nôn và nôn
Bạn có thể sử dụng một số phương pháp để giảm buồn nôn và nôn, bao gồm các biện pháp khắc phục tại nhà và thuốc.
Tự điều trị buồn nôn
Để điều trị buồn nôn tại nhà:
Phản ứng nhanh
Ngồi ở một nơi yên tĩnh. Việc di chuyển có thể kích thích hoặc khiến cảm giác buồn nôn nặng hơn. Thử nghỉ ngơi ở một không gian yên tĩnh, hoặc trên giường hay thảm trong phòng. Nếu vẫn buồn nôn, bạn hãy nhẹ nhàng xoa dịu mình bằng cách nằm xuống, đầu để cao, tốt nhất là dùng gối kê đầu (như vậy bạn sẽ dễ buồn ngủ hơn và sẽ dễ chịu hơn nhiều). Nếu bạn có thể thả lỏng, việc chợp mắt một lúc sẽ giúp bạn hết buồn nôn và bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn khi thức dậy.
Thở sâu. Hít thở không khí trong lành có thể làm sạch phổi, giảm sự hồi hộp và giúp dạ dày dễ chịu hơn.
Ngồi ở một nơi yên tĩnh và nhắm mắt lại, cố gắng nghĩ về một điều gì đó ngoài cảm giác buồn nôn (để đưa tâm trí ra khỏi cảm giác đó).
Tắt hết các thiết bị điện tử. Dùng quá nhiều thiết bị điện tử có thể gây đau đầu, và chắc hẳn bạn không muốn vừa buồn nôn vừa đau đầu.
Hít sâu vào bằng mũi và giữ hơi lại. Sau đó từ từ thở ra bằng miệng. Lặp lại nhiều lần.
Đặt một miếng gạc mát lên gáy. Cảm giác buồn nôn có thể do sốt gây ra, nhưng ngay cả khi không phải như vậy, thân nhiệt vẫn có thể tăng do chứng buồn nôn vừa hoặc nặng, và nhiệt độ mát có thể giúp ổn định thân nhiệt.
Lấy một chiếc khăn sạch và nhúng vào nước lạnh. Nếu nằm ngửa, bạn hãy đặt miếng gạc dưới gáy. Nếu đang ngồi, bạn quàng miếng gạc này quanh gáy.
Đánh lừa tâm trí khỏi cảm giác buồn nôn. Xem phim, gọi cho một người bạn hoặc làm bất cứ hoạt động nhẹ nào có thể ngăn bạn khỏi nghĩ đến cơn buồn nôn.
Đôi khi sự hồi hộp kích thích buồn nôn hoặc làm nặng thêm cảm giác buồn nôn. Gạt những lo âu ra khỏi tâm trí có thể giúp cơn buồn nôn biến mất.
Tránh những hoạt động đòi hỏi sự tập trung cao. Ví dụ như việc đọc hoặc viết đòi hỏi mắt phải tập trung trong một thời gian dài có thể gây ra tình trạng căng mắt. Việc mắt bị căng có thể không ảnh hưởng đến bạn ở điều kiện bình thường, nhưng khi đang buồn nôn, bất cứ áp lực hoặc sự căng thẳng nào cũng sẽ làm triệu chứng đó nặng thêm.
Dừng các hoạt động thể chất mạnh. Những cử động nhẹ nhàng có thể giúp bạn bớt buồn nôn. Ngược lại, hoạt động thể chất sẽ tăng áp lực lên dạ dày và có thể làm tăng cảm giác buồn nôn.
Tránh các mùi nồng nặc. Khứu giác có liên hệ với hệ tiêu hóa, vì vậy một mùi hương nồng có thể khiến dạ dày đảo lộn và tăng cảm giác buồn nôn (tránh mùi sơn bằng mọi giá).
Không nấu ăn, hút thuốc hay xức nước hoa. Nếu có thể, bạn nên tránh khu vực có người đang nấu ăn, hút thuốc hoặc xức nước hoa quá nồng.
Ăn uống
Ăn từng ít một suốt cả ngày. Khi dạ dày bị rối loạn vì buồn nôn, bạn cần ăn và uống từng chút một để khỏi làm đầy dạ dày.
Điều quan trọng là phải ăn và uống, ngay cả khi bạn đang cảm thấy buồn nôn. Thực ra bụng đói và thiếu nước có thể gây buồn nôn hoặc làm tăng cảm giác buồn nôn.
Ăn các thức ăn nhạt và chứa nước. Dù bạn không muốn ăn chút nào, việc để dạ dày trống rỗng sẽ càng làm tăng cảm giác buồn nôn. Để tránh bị rối loạn dạ dày thêm nữa, bạn hãy thử ăn các loại thực phẩm dễ tiêu hóa.
Các loại thức ăn nhạt trong trường hợp này có thể là bánh quy, bánh mì nướng, khoai tây, mì sợi, cơm và bánh xốp kiểu Anh. Nếu chỉ buồn nôn nhẹ, bạn cũng thể thử ăn món cá hay gà luộc hoặc nướng.
Thức ăn ướt có thể kể đến là kem, súp nước thịt và thạch hoa quả.
Tránh các loại thức ăn nhiều dầu mỡ, muối hoặc nhiều gia vị. Ví dụ như xúc xích, thức ăn nhanh, thức ăn chiên xào và khoai tây chiên là kẻ thù của bạn khi buồn nôn. Những thức ăn này quá nặng cho dạ dày nhạy cảm trong lúc này.
Không ăn thức ăn nóng và lạnh chung với nhau. Nhiệt độ khác nhau có thể làm rối loạn dạ dày, mà chắc bạn chẳng muốn như thế chút nào khi đang chống chọi với cơn buồn nôn.
Nói chung, thức ăn lạnh thường nhẹ cho dạ dày hơn và tỏ ra có hiệu quả hơn trong việc làm dịu chứng buồn nôn hơn thức ăn nóng. Thức ăn nóng có thể nặng mùi và khiến bạn buồn nôn hơn.
Uống các loại nước mát và tinh khiết trong ngày. Giữ nước là điều cực kỳ quan trọng khi chống lại cảm giác buồn nôn. Uống nước hoặc nước ép hoa quả từng ít một trong cả ngày có thể giúp bạn hết buồn nôn. Dùng ống hút để uống nước hơn là uống nhiều một lúc.
Nước là lựa chọn tốt nhất, nhưng các loại nước hoa quả như nước táo cũng có tác dụng. Nước soda không gas, nhất là bia gừng không gas cũng có thể giúp ổn định dạ dày đang đảo lộn.
Nếu bị nôn, bạn hãy uống một loại nước thể thao có chứa glucose, muối và potassium để bù vào các chất khoáng có thể đã mất đi.
Tránh các thức uống có caffeine và cồn.
Không nằm ngay sau khi ăn. Việc này có thể làm chậm quá trình tiêu hóa và dẫn đến đau dạ dày, nguyên nhân số một gây buồn nôn. Bạn nên đợi ít nhất nửa tiếng đến một tiếng sau khi ăn rồi hãy nằm để dạ dày của bạn có thời gian tiêu hóa.
Trị liệu tự nhiên
Ăn gừng. Trà gừng, gừng tươi và kẹo gừng có thể giúp làm dịu cơn buồn nôn. Củ gừng giúp kích thích các dịch tiêu hóa và enzyme tiết ra để trung hòa acid trong dạ dày. Chất phenols trong gừng cũng giúp thư giãn các cơ trong dạ dày, do vậy nó cũng giảm các hoạt động trong dạ dày, đồng thời giúp ruột tống các chất độc ra khỏi cơ thể nhanh hơn.
Làm trà gừng với một củ gừng dài khoảng 5 cm. Rửa và bóc vỏ củ gừng. Cắt thành nhiều lát nhỏ hoặc nghiền bằng cách bọc lại bằng giấy sáp và dùng thìa nghiền nát.
Đun khoảng 2-3 cốc nước cho nóng già. Bỏ gừng vào và đun sôi khoảng 3-5 phút.
Nhấc nước trà ra khỏi bếp và lọc lại nếu bạn không muốn những mẩu gừng nhỏ ở trong trà. Sau đó rót vào ca và cho thêm chút mật ong nếu muốn. Uống từ từ.
Dùng bạc hà cay. Trà bạc hà cay và kẹo bạc hà có chứa các thành phần làm giảm buồn nôn tương tự như gừng.
Hương thơm của bạc hà cay cũng rất hiệu quả trong việc giảm buồn nôn. Nhỏ vài giọt dầu bạc hà thực phẩm trực tiếp lên mặt trong cổ tay hoặc vào kẹo cao su.
Làm bánh mì sữa. Thức ăn nhạt có thể giúp làm nhẹ bụng, trong đó có sữa và bánh mì. Bánh mì thấm hút a-xít thừa trong khi sữa làm thành lớp lót trong dạ dày và giúp ổn định dạ dày. Tuy nhiên bạn không nên uống sữa trực tiếp, vì dạ dày sẽ khó chịu nếu chỉ có sữa không. Vì vậy bạn hãy làm món bánh mì nướng và sữa để có sự trung hòa.
Đun nóng một cốc sữa, nhưng không để sôi. Rót sữa vào bát.
Nướng một lát bánh mì và phết một ít bơ nhạt lên bánh.
Bẻ vụn bánh mì nướng vào sữa và khuấy lên. Ăn từ từ.
Mút một miếng chanh. Chanh lạnh hoặc đông lạnh có công hiệu nhất. Mùi vị đậm đà của loại quả có múi này có thể giúp bạn giảm buồn nôn.
Cắt đôi quả chanh và giữ ở khoảng cách vừa đủ để ngửi mùi thơm mà không cảm thấy gay gắt quá.
Nếu mùi thơm của chanh không có hiệu quả, bạn hãy cắt chanh ra từng miếng và bỏ vào ngăn đá khoảng 30 phút. Khi chanh đã lạnh hoặc đông lại, mút lát chanh để giảm nhanh cảm giác buồn nôn.
Tự điều trị nôn ở nhà
Nâng cao đầu
Đầu có thể di chuyển không ngớt khi bạn nôn ọe. Cố gắng đỡ lấy đầu ở tư thế thoải mái nhất có thể.
Bạn nên vuốt hết tóc ra phía sau nếu tóc dài. Việc này sẽ giúp chúng không rơi lưa thưa trước mặt khi bạn ói mửa thêm một lần nữa.
Ngồi xuống, hoặc nằm tựa lưng
Gối ôm trên ghế sofa có thể dùng để tựa và nâng cơ thể. Di chuyển xung quanh hay nằm dưới sàn nhà có thể làm bạn cảm thấy khó chịu hơn.
Nếu bạn đang trong trường hợp nằm liệt giường, cố gắng nằm nghiêng một bên để không bị nghẹt thở khi ói mửa.
Bạn cũng có thể bị nghẹn khi nôn nếu nằm thẳng người.
Không nên nằm xuống sau khi ăn xong vì hành động này có thể kích thích tình trạng buồn nôn bùng phát.
Uống nước
Nôn ọe nhiều có thể dẫn đến việc cơ thể bị mất nước rất nhanh. Tuy nhiên, uống nhiều nước liên tục và vội vã có thể khiến bạn muốn nôn mửa trở lại. Bạn nên uống chầm chậm và từng hớp nước một. Đặt mục tiêu uống khoảng 30 ml nước hoặc ½ cốc nước một lần sau mỗi 20 phút hoặc hơn.
Ngậm một vài cục đá hay que kem lạnh cũng có thể giúp ngăn ngừa tình trạng mất nước. Bởi hỗn hợp này thường tan rất chậm, nên chúng có thể giúp bạn mất đi cảm giác buồn nôn.
Uống nước chanh, trà gừng hoặc trà bạc hà.
Chế độ ăn chỉ có chất lỏng, như nước xuýt, nước ép táo, và nước uống thể thao, cũng rất hữu hiệu.
Nếu thỉnh thoảng bạn bị ói mửa, có thể cơ thể bạn bị mất cân bằng điện giải. Tốt hơn hết là bạn nên bổ sung dung dịch bù nước hay nước uống thể thao với công thức chứa nhiều điện giải.
Tránh xa sữa, rượu bia, caffein, đồ uống có ga, và hầu hết nước ép trái cây khác. Sữa có thể làm tăng cảm giác buồn nôn. Trong khi đó, rượu bia và caffeine có thể làm cơ thể bị mất nước. Đồ uống có ga thường khiến bạn muốn nôn nhiều hơn. Nước ép trái cây, như nước ép bưởi hay nước ép cam, có chứa quá nhiều axit, và cũng là nguyên nhân làm tình trạng buồn nôn thêm trầm trọng hơn.
Hấp thụ thực phẩm có chứa nhiều nước, như dưa hấu. Chúng có thể giúp cơ thể không bị mất nước
Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ
Quá nhiều thức ăn trong dạ dày sẽ châm ngòi cho tình trạng buồn nôn và ói mửa. Bạn chỉ nên nhấm nháp món ăn từng chút một trong suốt một ngày, thay vì dùng bữa ăn nhiều món.
Thưởng thức đồ ăn nhạt, như bánh quy giòn, bánh mì nướng, khoai tây, và cơm. Chuối và nước sốt táo cũng là sự lựa chọn hoàn hảo. Chúng không hề làm dạ dày bạn khó chịu chút nào. Gà hoặc cá nướng cũng là nguồn thực phẩm giàu protein. Tuy nhiên, không nên ướp gia vị quá nhiều khi chế biến chúng.
Hạn chế tối đa thức ăn dầu mỡ và nhiều gia vị, ví dụ xúc xích, đồ ăn nhanh, và khoai tây chiên. Đồ ăn chiên nhiều dầu và đồ ăn quá nhiều đường thường không phải là sự lựa chọn đúng đắn.
Tạm biệt sản phẩm sữa. Tình trạng nôn ọe có thể khiến cơ thể tạm thời không thể dung nạp được chất lactose có trong sữa, ngay cả khi bạn không gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc uống sữa.
Ăn từ từ chậm rãi. Không nên ép bản thân ăn quá nhiều trong một lần. Bao tử giãn nở có thể làm tình trạng buồn nôn và ói mửa trở nên nghiêm trọng hơn.
Cố gắng thở sâu
Thở sâu có thể mang lại cho cơ thể nhiều oxy cần thiết. Ngoài việc hít thở không khí trong lành, bác sĩ cũng khuyên bạn nên thực hành thở sâu bằng bụng để giúp kiểm soát tình trạng buồn nôn.
- Đặt một tay lên giữa bụng trong khi tay kia đặt lên ngực.
- Hít vào bằng mũi với nhịp độ bình thường. Bàn tay đặt ở bụng nên di chuyển hướng ra ngoài hơn so với bàn tay đặt trên ngực. Lúc này, ngực và bụng nên được làm đầy không khí.
- Từ từ thở ra bằng miệng.
- Hít một hơi dài và chậm rãi bằng mũi. Cố gắng hít lâu hết mức có thể.
- Từ từ thở ra bằng miệng lại lần nữa.
- Lặp lại chu kỳ ít nhất hơn 4 lần.
Tránh một số loại thuốc
Tránh sử dụng các loại thuốc có thể gây khó chịu cho dạ dày, chẳng hạn như thuốc chống viêm không steroid hoặc corticosteroid.
Với trẻ em
Nhận biết dấu hiệu “nôn trớ”
Nôn trớ ở trẻ em không giống như triệu chứng ói mửa. Trẻ em thường nôn trớ ra ngoài một ít sữa và thức ăn dặm. Thường thì thức ăn hoặc sữa sẽ tràn ra khỏi miệng sau khi bạn cho bé ăn xong. Đây là hiện tượng bình thường và bạn không nên lo lắng quá.
Nôn trớ ở trẻ em có thể là triệu chứng của vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, như bị tắc ruột. Hãy đến gặp bác sĩ khoa nhi ngay lập tức nếu trẻ nôn mửa nhiều lần.
Luôn để trẻ đủ nước
Tình trạng mất nước đặc biệt rất nguy hiểm với trẻ nhỏ. Cơ thể trẻ em thường xử lý điện giải nhanh hơn so với người lớn. Cung cấp cho con bạn dung dịch bù nước qua đường miệng để chúng không bị mất nước.
Sử dụng chai bù nước, như Pedialyte. Hoặc bạn cũng có thể tự làm dung dịch bù điện giải của riêng bạn. Tuy nhiên, vì lý do nguy cơ phạm sai lầm cao nên bác sĩ thường khuyến khích bạn mua tại hiệu thuốc
Để cho trẻ uống nước từ từ và chậm rãi. Hãy đút cho bé khoảng từ 1 đến 2 thìa cà phê dung dịch bù nước (5-10 ml) cứ sau 5 đến 10 phút.
Tránh xa nước ép trái cây, soda, và nước lọc. Loại nước trên thường không cung cấp đủ nước và không giúp phục hồi cân bằng điện giải trong cơ thể trẻ.
Chuẩn bị cho trẻ một lượng nhỏ thức ăn
Không nên cho trẻ ăn thức ăn cứng trong vòng 24 tiếng đầu tiên sau khi bị nôn trớ. Khi trẻ ngừng nôn, hãy cho trẻ hấp thụ thức ăn mềm và ít gia vị. Không nên ép trẻ ăn nếu chúng thực sự không muốn.
Nói không với thức ăn giàu chất xơ và nhiều đường.
Cho con bú bằng sữa mẹ sẽ cung cấp đủ nước và chất dinh dưỡng cần thiết cho trẻ.
Giữ cho trẻ nằm nghiêng một bên
Trẻ em có thể hít hay nghẹt thở do nôn trớ nếu nằm ngửa. Do đó, tốt hơn hết là bạn nên đặt chúng nằm nghiêng sang một bên.
Đối với trẻ lớn hơn, bạn nên để chúng tựa vào gối.
Không nên sử dụng thuốc
Trẻ nhỏ nên tránh xa loại thuốc mua tự do ngoài quầy, như Pepto-Bismol hay thuốc kháng histamines. Lý do ở đây là chúng có thể khiến tình trạng bệnh thêm trầm trọng hơn nếu uống sai liều.
Tham khảo ý kiến bác sĩ khoa nhi để biết xem liệu có thuốc nào an toàn cho trẻ sử dụng hay không.
Khi trẻ có các dấu hiệu nguy hiểm ở phần trên bài viết, hãy cho trẻ đi gặp bác sĩ ngay.
Điều trị bằng thuốc
Trước khi kê đơn thuốc, bác sĩ sẽ hỏi bạn những câu hỏi về thời điểm buồn nôn và nôn bắt đầu và khi nào nó tồi tệ nhất. Họ cũng có thể hỏi bạn về thói quen ăn uống của bạn và liệu có bất cứ điều gì làm cho tình trạng nôn mửa và buồn nôn tốt hơn hay tồi tệ hơn.
Một số loại thuốc theo toa có thể kiểm soát buồn nôn và nôn, bao gồm cả các loại thuốc bạn có thể sử dụng trong thai kỳ. Chúng bao gồm promethazine (Phenergan), diphenhydramine (Benadryl), trimethobenzamide (Tigan) và ondansetron (Zofran).
Biến chứng tiềm ẩn của nôn mửa kéo dài
Hầu hết buồn nôn và ói mửa sẽ tự hết, trừ khi bạn có một bệnh lý mãn tính tiềm ẩn.
Tuy nhiên, nôn mửa kéo dài có thể gây mất nước và suy dinh dưỡng. Bạn cũng có thể thấy rằng tóc và móng tay của bạn trở nên yếu và dễ gãy và nôn mửa liên tục làm suy giảm men răng của bạn.
Phòng tránh buồn nôn
Bạn có thể tránh buồn nôn bằng cách ăn các bữa ăn nhỏ hơn trong suốt cả ngày, ăn chậm và nghỉ ngơi sau khi ăn. Một số người thấy rằng tránh một số nhóm thực phẩm và thực phẩm cay ngăn ngừa buồn nôn. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy buồn nôn, hãy ăn bánh quy giòn trước khi thức dậy và cố gắng tiêu thụ một loại thực phẩm giàu protein, chẳng hạn như phô mai, thịt nạc hoặc các loại hạt, trước khi đi ngủ.
Nếu bạn bị nôn, hãy cố gắng uống một lượng nhỏ chất lỏng có đường, chẳng hạn như soda hoặc nước ép trái cây. Uống rượu gừng hoặc ăn gừng có thể giúp giải quyết vấn đề của dạ dày. Tránh các loại nước ép có tính acid, chẳng hạn như nước cam, có thể làm đau dạ dày của bạn hơn nữa.
Thử dùng một vài loại trà. Trà chứa thảo dược có thể làm dịu dạ dày, đường ruột, và giảm buồn nôn. Khi uống nên nhâm nhi từng chút một. Tuy nhiên, không phải loại trà nào cũng có tác dụng. Hãy thử các loại trà sau như một biện pháp tạm thời khi bạn cảm thấy cơn buồn nôn đang đến:
Hoa cúc La Mã. Pha với một chút mật ong hữu cơ, loại trà này vừa giúp ngủ ngon vừa giúp làm dịu dạ dày. Thư thái, nhẹ nhàng và thoải mái.
Rễ cam thảo. Với tác dụng nhuận tràng, rễ cam thảo giúp giảm táo bón, một trong các nguyên nhân gây buồn nôn. Nó cũng chứa một loại enzyme gọi là glycyrrhizin chữa được rất nhiều bệnh, nhưng cũng làm cho trà có vị ngọt.
Nằm gối đầu cao hơn chân. Nếu bạn bắt đầu cảm thấy buồn nôn, cố gắng nằm xuống ngay lập tức. Kê đầu lên gối để đầu cao hơn so với bàn chân. Điều này giúp cơ thể duy trì cảm giác cân bằng tốt hơn, giúp giảm buồn nôn.
Các loại thuốc không kê đơn, chẳng hạn như meclizine (Bonine) và dimenhydrinate (Dramamine), có thể làm giảm tác dụng của chứng say tàu xe. Thử miếng dán scopolamine. Scopolamine là loại thuốc chống say tàu xe mạnh. Mặc dù thường được sử dụng như một loại thuốc mạnh trong điều trị chuyên biệt, một liều nhỏ scopolamine có thể được sử dụng để chống say tàu xe và đau bụng. Hạn chế ăn vặt trong khi lái xe và nhìn thẳng ra ngoài cửa sổ phía trước nếu bạn dễ bị say tàu xe.