Triệu chứng

Ho khan: Nguyên nhân, triệu chứng, điều trị và cách phòng ngừa

Ho là triệu chứng của nhiều tình trạng và bệnh tật khác nhau. Đó là cách cơ thể bạn phản ứng khi gặp chất kích thích trong hệ hô hấp.

Khi các chất kích thích như bụi, chất gây dị ứng, ô nhiễm hoặc khói  xâm nhập vào đường thở của bạn, các thụ cảm sẽ gửi một thông điệp đến não của bạn và não của bạn được cảnh báo về sự hiện diện của chúng.

Não của bạn sau đó gửi tín hiệu qua tủy sống đến các cơ ở ngực và bụng của bạn. Khi các cơ này nhanh chóng co lại, nó sẽ đẩy một luồng không khí ra ngoài qua hệ hô hấp của bạn. Luồng không khí này giúp đẩy ra các chất kích thích có hại.

Mặc dù tình trạng ho khan hiếm khi liên quan tới các bệnh lý nặng, ho dai dẳng có thể chỉ ra một tình trạng y tế tiềm ẩn có thể nghiêm trọng hơn.

Ho khan là ho không tiết ra đờm hoặc chất nhầy. Ho khan có thể gây ra cảm giác ngứa, vướng họng và thường là do kích thích trong cổ họng.

Bác sĩ có thể phân chia thành ho khan và ho có đờm. Các bác sĩ cũng phân loại ho là cấp tính hoặc mãn tính. Ho mãn tính nếu tình trạng kéo dài hơn 8 tuần .

Trong bài viết này sẽ mô tả một số nguyên nhân có thể gây ra ho khan và các lựa chọn điều trị. Bài viết cũng thảo luận về chẩn đoán, phương pháp điều trị chung, mẹo phòng ngừa và khi nào cần đi khám bác sĩ.

Ho khan do những nguyên nhân nào gây ra?

ho khan

Hen suyễn

Các triệu chứng hen suyễn có thể bao gồm thở khò khè và khó thở.

Đây là một bệnh viêm mạn tính của đường hô hấp. Khi đường thở bị viêm, nó trở nên sưng phù và dễ bị co thắt khi gặp chất kích thích (dị nguyên-chất gây ra tình trạng dị ứng) làm cho người bệnh xuất hiện các triệu chứng như ho, nặng ngực, khò khè và khó thở.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của bệnh hen suyễn là ho, thường nặng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm khi một người mới thức dậy.

Ho trong hen thường là ho có đờm. Tuy nhiên, trong một loại hen suyễn biến thể, triệu chứng chính mà mọi người gặp phải là ho khan.

Các triệu chứng khác của hen suyễn có thể bao gồm:

Điều trị

Hiện tại không có cách chữa trị hen suyễn, vì vậy điều trị tập trung vào việc làm giảm các triệu chứng và ngăn ngừa các đợt hen cấp trong tương lai.

Thông thường, các bác sĩ kê toa các phương pháp điều trị sau đây cho những người mắc bệnh hen suyễn:

  • Một loại thuốc giảm cắt cơn nhanh, chẳng hạn như thuốc kích thích beta-2 tác dụng ngắn, để điều trị các triệu chứng khi đợt hen bùng phát.
  • Một loại thuốc tác dụng kéo dài, chẳng hạn như thuốc hít corticosteroid liều thấp, để giảm viêm và ngăn ngừa các đợt hen cấp trong tương lai.

Xơ hóa phổi tự phát

Xơ phổi vô căn (IPF) là tình trạng mô sẹo phát triển bên trong phổi của một người. Khi mô sẹo dày lên, nó làm cho việc hít thở ngày càng khó khăn. Thuật ngữ vô căn có nghĩa là các bác sĩ không biết chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Một trong những triệu chứng phổ biến nhất của IPF là ho khan kéo dài. Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Khó thở
  • Chán ăn và giảm cân từ từ
  • Mệt mỏi
  • Đau ngực
  • Ngón tay dùi trống.

Điều trị

Hiện tại không có cách chữa trị cho IPF, vì vậy mục đích của điều trị là làm giảm các triệu chứng và làm chậm tiến triển bệnh.

Các lựa chọn điều trị cho IPF bao gồm:

  • Các loại thuốc như pirfenidone và nintedanib
  • Liệu pháp oxy
  • Phục hồi chức năng phổi, là một chương trình tập thể dục, đào tạo và hỗ trợ cho những người mắc bệnh phổi lâu dài
  • Ghép phổi.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản

Trào ngược dạ dày thực quản xảy ra khi acid và thức ăn trong dạ dày trào ngược trở lại vào thực quản. Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là trào ngược xảy ra nhiều hơn hai lần/tuần trong một vài tuần. Nó thường gây ợ nóng và các triệu chứng khác. GERD có thể gây ra các vấn đề sức khỏe khác theo thời gian nếu không được điều trị.

Theo báo cáo năm 2015 , GERD gây ra ho khan mãn tính ở 40% số người mắc bệnh này.

GERD thường gây ra một số triệu chứng tiêu hóa, có thể bao gồm:

  • Vị đắng hoặc chua trong miệng
  • Ho khan
  • Khó nuốt hoặc nuốt đau
  • Khàn giọng hoặc đau họng
  • Thường xuyên bị ợ hoặc nấc cụt
  • Cảm thấy ăn nhanh no
  • Hôi miệng

Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy rằng có tới 75% những người bị ho liên quan đến GERD có thể không gặp phải các triệu chứng tiêu hóa này. Điều này có thể gây khó khăn cho các bác sĩ chẩn đoán GERD ở những người chỉ bị ho khan mãn tính.

Điều trị

Nhiều người có thể kiểm soát các triệu chứng của GERD thông qua thay đổi lối sống, chẳng hạn như:

  • Ăn nhiều bữa nhỏ mỗi ngày thay vì ba bữa lớn, không nằm trong vòng 2-3 giờ sau khi ăn.
  • Hạn chế hoặc tránh các thực phẩm gây ra hoặc làm nặng thêm các triệu chứng, chẳng hạn như thức ăn béo hoặc cay
  • Duy trì cân nặng hơp lý
  • Bỏ thuốc lá
  • Giảm hoặc tránh uống rượu

Một số loại thuốc không kê đơn có sẵn để điều trị GERD và giảm các triệu chứng của nó. Những loại thuốc này gồm từ loại kháng acid (giúp giảm đau nhanh chóng nhưng nhẹ, tác dụng ngắn) cho đến các chất ức chế bơm proton,  thuốc chẹn H2, có hiệu quả ngăn chặn acid dạ dày và giúp chữa lành thực quản.

Nếu các triệu chứng không cải thiện sau khi dùng thuốc, bác sĩ có thể kê toa các loại thuốc mạnh hơn hoặc đổi một loại thuốc khác.

Nếu thay đổi lối sống và thuốc không đủ để điều chỉnh GERD, bạn có thể cần điều trị phẫu thuật.

Chảy dịch mũi sau

Là tình trạng tích tụ chất nhờn ở mặt sau của mũi và cổ họng, dẫn đến chất nhầy chảy xuống phía sau mũi và xuống cổ họng, có thể dẫn đến viêm họng mạn tính hoặc ho mạn tính. Viêm xoang mạn tính hoặc bất kỳ nguyên nhân nào gây tiết dịch mũi quá mức đều có thể dẫn đến rối loạn này.

Khi chất nhầy chảy vào cổ họng, điều này có thể gây ra ho. Mặc dù ho thường có đờm, đôi khi có thể gặp triệu chứng ho khan.

Các triệu chứng khác của chảy dịch mũi sau có thể bao gồm:

  • Sổ mũi
  • Cảm giác vướng cổ họng
  • Viêm họng
  • Nghẹt mũi
  • Đau họng

Điều trị

Tránh những chất gây dị ứng và các chất kích thích mũi có thể giúp giảm triệu chứng. Dùng thuốc, bao gồm: thuốc xịt mũi Corticosteroid (Triamcinolone/Nasacort OTC, Beclomethasone/Beconase, Flunisolide/Nasarel, Budesonide/Rhinocort), thuốc kháng Histamin, thuốc thông mũi và/hoặc thuốc xịt thông mũi, nước muối nhỏ mũi.

Nhiễm trùng đường hô hấp trên

Nhiễm trùng đường hô hấp trên như cảm lạnh hoặc cúm có thể gây ho cấp tính. Thường bắt đầu ho có đờm nhưng có thể trở thành ho khan khi một người hồi phục sau khi bị nhiễm trùng.

Các triệu chứng khác của nhiễm trùng đường hô hấp trên có thể bao gồm:

  • Sốt
  • Đau cơ
  • Sổ mũi
  • Viêm họng

Điều trị

Thông thường có thể điều trị nhiễm trùng đường hô hấp trên do virus ở nhà bằng cách thư giãn nghỉ ngơi, bổ sung nước đầy đủ và uống thuốc OTC để giảm đau và sốt. Một số bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng vi-rút cho những người bị cúm.

Ung thư phổi

Ho khan kéo dài đôi khi có thể là triệu chứng của ung thư phổi. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khác có thể gây ra ho khan kéo dài.

Các triệu chứng của ung thư phổi có thể bao gồm:

  • Ho ra máu hoặc đờm có chứa máu
  • Đau ngực có thể trở nên tồi tệ hơn khi thở hoặc ho
  • Giảm cân
  • Khó thở
  • Mệt mỏi
  • Cảm thấy mệt mỏi.

Điều trị

Điều trị phụ thuộc vào loại ung thư và giai đoạn của ung thư phổi. Chẩn đoán và điều trị sớm có thể cải thiện đáng kể thời gian và chất lượng sống của người bệnh.

Các lựa chọn điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, hóa trị và xạ trị.

Nguyên nhân khác

Các nguyên nhân khác gây ho khan có thể bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Tiếp xúc lâu dài với ô nhiễm, bụi và hóa chất gây kích ứng
  • Dị ứng
  • Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ức chế men chuyển điều trị huyết áp cao

Chẩn đoán

Một bác sĩ có thể yêu cầu chụp CT để chẩn đoán nguyên nhân gây ho khan.

Để chẩn đoán nguyên nhân gây ho khan, bác sĩ thường sẽ bắt đầu hỏi về các triệu chứng của một người và tiền sử bệnh của họ. Sau đó bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra thể chất.

Bác sĩ cũng có thể cần phải thực hiện một số xét nghiệm để giúp chẩn đoán. Chúng có thể bao gồm:

  • Chẩn đoán hình ảnh: Chụp X-quang hoặc CT ngực cho phép bác sĩ kiểm tra các vấn đề liên quan tới phổi.
  • Đo phế dung: Liên quan đến việc thở vào một thiết bị nhựa để kiểm tra chức năng phổi của một người. Các bác sĩ sử dụng phép đo phế dung để giúp chẩn đoán các tình trạng như hen suyễn hoặc IPF.
  • Nội soi: Nội soi là sử dụng một ống dài, mỏng có camera và có đèn ở đầu. Với nội soi đường tiêu hóa trên, các bác sĩ có thể đưa ống qua miệng và xuống cổ họng để kiểm tra các vấn đề bên trong thực quản, dạ dày và phần đầu của ruột non. Đối với nội soi phế quản, ống được đưa vào qua miệng, bác sĩ nhìn vào khí quản và xem có vấn đề gì với đường thở.

Điều trị chung

Điều trị nguyên nhân gây ra ho khan thường là cách tốt nhất để giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất ho khan. Tuy nhiên, các phương pháp điều trị chung có thể cải thiện các triệu chứng ho khan bao gồm:

  • Sử dụng viên ngậm. Viên ngậm trị viêm họng có chứa các thành phần như mật ong, tinh dầu bạc hà và khuynh diệp, có thể làm giảm kích ứng và giảm ho.
  • Dùng thuốc giảm ho. Thuốc giảm ho OTC, thường chứa dextromethorphan, có thể làm giảm phản xạ ho của một người.
  • Nâng cao giường. Ngủ với phần giường phía trên cao từ 6 đến 8 inch có thể giúp giảm các triệu chứng chảy dịch mũi sau và GERD. Một người có thể nâng giường bằng cách đặt các khối hoặc chèn dưới các trụ giường.
  • Tắm nước nóng. Nước ấm và hơi nước từ vòi hoa sen có thể làm giảm khô họng và kích ứng.

Mẹo phòng ngừa ho khan

Không phải lúc nào cũng có thể ngăn ngừa ho khan. Tuy nhiên một số mẹo sau thể giúp ích bao gồm:

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá
  • Uống nhiều nước
  • Sử dụng máy tạo độ ẩm để làm ẩm không khí
  • Loại bỏ các tác nhân có thể gây dị ứng trong phòng ngủ để giảm kích ứng

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Những người bị ho khan có thể gặp cơn ho tồi tệ hơn, không biến mất hoặc bắt đầu ho ra máu hoặc ra đờm màu xanh lá cây nên đi khám bác sĩ.

Một người cũng nên đi khám bác sĩ nếu ho khan xảy ra cùng với bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Khò khè
  • Cảm giác có gì đó bị mắc kẹt trong cổ họng
  • Khó thở hoặc khó nhanh nông
  • Khó nuốt

Tóm lại

Ho khan là một loại ho không tạo ra đờm hoặc chất nhầy (Tìm hiểu thêm về ho có đờm). Ho khan thường là tình trang tạm thời và hiếm khi là một nguyên nhân gây lo ngại. Tuy nhiên, ho khan mãn tính có thể là triệu chứng của một tình trạng tiềm ẩn, chẳng hạn như hen suyễn hoặc GERD.

Điều trị nguyên nhân gây ra ho là cách tốt nhất để giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của ho mãn tính nhưng các biện pháp điều trị không dùng thuốc cũng có thể giúp giảm triệu chứng.

Mọi người nên đi khám bác sĩ khi ho khan không đỡ trong một tuần hoặc bắt đầu ho ra máu hoặc kèm các triệu chứng đề cập bên trên.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment