Tắm trẻ sơ sinh đúng cách giảm các bệnh liên quan đến da, theo dõi tình trạng sức khỏe của bé hằng ngày, giúp bé cảm thấy sạch sẽ và có được giấc ngủ sâu.
Tuy nhiên, với những chị em lần đầu làm mẹ thì việc tắm cho trẻ sơ sinh quả là một công việc đầy mới mẻ và thách thức. Làm thế nào để giữ bé trên tay, làm thế nào để tắm cho bé sạch sẽ mà không làm tổn hại đến làn da mỏng manh? Tắm cho bé bao lâu một lần là đủ? Nước tắm như thế nào là đủ ấm? Cách tắm ra sao?
Rất mong bài viết dưới đây có thể giúp được bạn.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi các bà mẹ nên biết
Mục lục
Lợi ích của việc tắm cho bé
Tắm cho bé ngoài việc vệ sinh cho em bé sạch sẽ, nó còn có nhiều tác dụng có thể bạn không ngờ tới:
Tăng cường tình cảm giữa, sự liên kết cha mẹ và em bé
Có một lý do tại sao việc tắm cho bé là một việc quan trọng trong ngày. Đó là thời gian bạn và em bé dành cho nhau. Tắm cho bé có thể giúp em bé cảm nhận sự quan tâm của bạn. Hãy nhìn vào mắt bé, nhẹ nhàng hôn vào bụng, đếm những ngón chân nhỏ xíu, nói những lời yêu thương ngọt ngào hay hát những bài hát đơn giản, thậm chí là bạn cảm thấy ngớ ngẩn mà bình thường bạn sẽ chẳng bao giờ hát. Cảm nhận những động chạm nhẹ nhàng và nghe giọng nói của bạn sẽ cho em bé biết bạn yêu em bé đến nhường nào.
Giúp bé bắt đầu học tập những kinh nghiệm
Bạn có tin rằng, em bé sẽ học được rất nhiều điều từ bồn tắm? Đánh thức các giác quan của bé bằng cách nhỏ giọt nước nhẹ nhàng lên bụng – em bé của bạn có thể sẽ cười khúc khích vì sung sướng. Hay đổ một ít nước gần đó, ánh mắt mở to của em bé sẽ cho bạn biết em bé bị quyến rũ đến nhường nào, hoặc dạy em bé một bài học đơn giản như nếu đá chân vào nước sẽ làm nước bắn tung tóe. Luôn luôn theo dõi để chắc chắn rằng em bé có hứng thú đối với những gì bạn làm. Một trong những cách tắm cho trẻ sơ sinh khiến bé cảm thấy thoải mái là bạn hãy chơi đùa với bé khi bạn tắm rửa cho bé – đặt tên những bộ phận của cơ thể nhỏ bé này (và tất nhiên sau đó bạn hãy hôn chúng một cách trìu mến). Bé sẽ được học một kho từ vựng mới trước khi bạn biết điều đó!
Dỗ em bé nín khóc
Bạn có thể trải nghiệm điều này từ chính bạn. Không có gì thoải mái và dễ chịu hơn là được ngâm mình vào bồn tắm sau một ngày dài và mệt mỏi. Bạn có thể giúp bé chìm đắm trong sự thư giãn nhiều hơn bằng cách cố gắng massage cho bé sau khi tắm. Trong khi hầu hết những đứa trẻ thích được cọ xát đúng cách, nếu em bé của bạn tỏ ra không thích (bé từ chối hoặc quay đầu đi) thì bạn cũng đừng ép bé mà thay vào đó hãy ôm bé để bé cảm thấy an toàn hơn. Chỉ trong một thời gian ngắn, bạn sẽ tìm ra những gì là tốt nhất.
Giấc ngủ ngon
Có lẽ bạn đang thắc mắc trẻ sơ sinh ngủ bao nhiêu tiếng là đủ? Câu trả lời là chúng thường ngủ từ 10-18 tiếng mỗi ngày. Và có một lý do khác để bạn yêu thích công việc tắm cho trẻ sơ sinh. Đó là bé sẽ dễ chìm vào giấc ngủ hơn, đặc biệt là nếu bạn điều đó trở thành thói quen ngủ của bé. Tắm bằng nước ấm, giữ nhiệt độ phòng ở mức thích hợp, bật nhạc cho trẻ sơ sinh và những cái ôm ấm áp của bạn sẽ tạo cảm giác an toàn và yêu thương, khiến em bé của bạn dễ rơi vào giấc ngủ.
Bao lâu thì trẻ sơ sinh cần tắm một lần?
Mặc dù một số bậc phụ huynh rất thích tắm bé hằng ngày để đảm bảo sạch sẽ tuyệt đối nhưng đối với trẻ sơ sinh, việc này lại không hoàn toàn nhất thiết. Với bé sơ sinh, bé chỉ cần tắm hai đến ba lần một tuần là đủ, miễn bạn chú ý giữ cho vùng quấn tã của bé sạch sẽ và lau mặt mũi, tay chân bé cho thật sạch nhiều lần trong ngày. Trừ khi bé ị đùn hay tè dầm dính ra xung quanh còn nếu không thì nhìn chung cơ thể bé sơ sinh thường không bẩn.
Khi bé lớn hơn một chút, bạn có thể tắm cho bé thường xuyên hơn, đặc biệt sau khi bé bắt đầu bò và ăn dặm. Và khi đã bắt đầu đi chập chững thì bé cần tắm mỗi ngày. Tắm rửa giờ đây trở thành một thói quen trước khi đi ngủ, việc này sẽ giúp bé thư giãn và đem lại cho bé giấc ngủ ngon hơn.
Tuy nhiên, vào mùa hè, khi nhiệt độ và độ ẩm trong không khí tăng cao thì tắm nước ấm hằng ngày lại có tác dụng làm mát cơ thể và giúp bé thoải mái.
Mẹo tắm cho trẻ sơ sinh
Dưới đây là một vài lời khuyên cơ bản khi tắm cho bé.
Thiết lập một thói quen
Cho dù bạn tắm cho bé mỗi tối hay xen kẽ giữa tắm và lau người, thói quen vệ sinh này sẽ giúp cài đặt đồng hồ sinh học cho bé. Tốt nhất, mẹ có thể rèn cho bé một thói quen theo trình tự: tắm – bé bú mẹ – ngủ. Vì thông thường, sau khi tắm xong, bé sẽ đói, ăn sẽ ngon miệng và ngủ sâu hơn. Ví dụ như bé sẽ biết bố hoặc mẹ đang tắm cho mình, sau đó là tới thời gian đi ngủ. Tăng cường thông tin về thời gian đi ngủ đang tới gần bằng cách làm ánh sáng tối hơn, giảm tiếng ồn và hoạt động sau khi tắm xong.
Tuy nhiên, bạn nên hoãn tắm nếu bé đói, gắt gỏng hoặc rối loạn tiêu hóa – điều đó sẽ không hề tốt cho cả bé và cả chính bạn.
Chuẩn bị mọi thứ trước khi bắt đầu
Bạn hãy nhớ để hết mọi thứ bạn cần để tắm bé trong tầm tay trước khi bắt đầu nếu bạn không muốn cảnh tượng em bé thì đang trần truồng còn bạn thì vẫn loay hoay tìm đồ để tắm. Các đồ dùng cần thiết bao gồm:
- Khăn tắm cho bé: mẹ nên chuẩn bị 1 khăn nhỏ và 1 khăn lớn (một khăn nhỏ để tắm, một khăn lớn để lau khô)
- Chuẩn bị chậu tắm cho bé: 2 cái (một cái để tắm, một cái để xả sạch sau khi tắm)
- Dầu tắm cho trẻ sơ sinh: chỉ dành riêng cho trẻ sơ sinh, tốt nhất nên dùng dầu tắm hữu cơ – organic, không chất hóa học, không chất tạo màu và tạo mùi.
- Dầu gội đầu: tốt nhất dung loại dầu gội trẻ em không làm cay mắt hoặc có thể dùng loại dầu gội đầu kết hợp dầu tắm.
- Tăm bông và bông gòn vô trùng
- Quần áo hoặc tã sạch
- Tinh dầu, kem dưỡng da hoặc kem hăm để bôi cho bé sau tắm
Đảm bảo phòng và nước đủ ấm
Vì em bé sẽ bị mất nhiệt rất nhanh đặc biệt là khi không mặc quần áo, do vậy hãy bật đèn sưởi trong nhà tắm lên trước khi tắm cho em bé. Nhiệt độ trong phòng khoảng 24 độ C. Đổ một lượng nước vào bồn vừa đủ để che phần dưới cơ thể của bé. Không bao giờ đặt bé vào trong nước khi vòi nước vẫn đang chảy. Da bé nhạy cảm hơn da người lớn rất nhiều. Vì vậy nước tắm cần được pha ở nhiệt độ vừa phải, không quá nóng với bé khoảng 37-38 độ. Làm sao để biết nhiệt độ nước có phù hợp với bé hay không? Ngoài dùng nhiệt kế, bạn có thể kiểm tra nước bằng khuỷu tay hoặc phần da bên trong cổ tay bạn, vì da ở những khi vực đó nhạy cảm hơn đầu ngón tay.
Cách tắm cho trẻ sơ sinh
- Đặt bé lên một mặt phẳng, cởi hết quần áo, tã giấy
- Nhẹ nhàng bế bé đến vị trí đặt thau tắm
- Bạn ngồi xổm, đặt bé lên đùi. 1 tay đỡ gáy bé. Nhúng một góc của khăn lau hoặc bông gòn vào nước ấm và lau nhẹ một mắt từ góc trong ra ngoài. Sử dụng một góc khác của miếng vải hoặc miếng bông khác để lau sạch mắt kia. Làm ướt khăn hoàn toàn và rửa mặt cho bé, đặc biệt là quanh miệng và dưới cằm, nơi sữa và nước dãi có thể chảy ra, bên trong và sau tai. (Không bao giờ sử dụng tăm bông để lau bên trong tai của bé.) Sử dụng một ít xà phòng lau mặt bé nếu cần thiết.
- Tay trái đỡ gáy bé, tay phải nhúng ướt khăn xô xoa lên đầu làm ướt tóc con, xoa dầu gội. Sau đó, dùng khăn rửa sạch dầu gội trên đầu con
- Nhẹ nhàng đặt em bé vào bồn tắm hoặc chậu tắm, cho chân xuống trước, đỡ sau gáy và vai bé bằng bàn tay và cánh tay của bạn và dùng tay còn lại để hớt nước nhẹ nhàng lên người bé, xoa sữa tắm khắp người, tránh chạm vào vùng rốn.
- Nhấc bé lên và chuyển vào thau tắm 2 chứa nước sạch. Rửa sơ qua các bộ phận một lần nữa. Tránh để em bé trong nước quá lâu, điều này có thể gây kích ứng da và làm em bé bị lạnh.
- Sau vào phút nhẹ nhàng nhấc bé ra khỏi nước, cẩn thận bế bé cho chắc vì da bé có thể rất trơn! Dùng một khăn bông quấn cho bé rồi đặt bé lên một khăn bông ấm khác hoặc lên chiếu thay tã. Thấm khô cho bé, chú ý tới những chố ngấn và các kẽ trên cổ, cánh tay và chân.
Chăm sóc rốn cho bé
Dùng cồn để sát trùng rốn. Nếu rốn chưa rụng, sát trùng rốn từ chân rốn ra ngoài bằng tăm bông. Để rốn thoáng, không băng rốn. Nếu rốn chưa rụng, nên mặc tã dưới rốn.
- Chú ý lau nơi bộ phận sinh dục, cần lau từ trước ra sau rồi mặc quần áo hoặc tã vào cho bé.
- Đưa chiếc tã sạch vào dưới người bé, bôi kem chống hăm nếu cần, rồi quấn tã cho bé, tránh tã cọ sát vào rốn.
- Mặc quần áo, xoa chút dầu tràm vào 2 tay bạn rồi chà lại vào người bé ở lồng ngực và lưng, lòng bàn tay, bàn chân. Mang bao tay, bao chân vào cho con. Ôm con vào lòng để con được ấm áp.
Lưu ý khi tắm bé
Nếu cuống rốn của em bé vẫn còn nguyên hãy tránh tắm bồn hoàn toàn và chỉ dùng tay hoặc khăn lau để lau người cho bé.
Nếu em bé của bạn không thích tắm trong chậu hoặc trong bồn, hãy quay lại lau người cho em bé trong vài ngày, sau đó thử lại. Cuối cùng em bé sẽ quen dần.
Trong quá trình tắm cho bé, mẹ tuyệt đối không để bé ở lại một mình trong phòng tắm, dù chỉ là vài giây. Trẻ sơ sinh có thể bị chết đuối chỉ với mực nước 3cm. Do đó, hãy chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần sử dụng khi tắm để không phải “chạy đi chạy lại”. Nếu có người bấm chuông hoặc gọi điện thoại mà mẹ bắt buộc phải trả lời thì hãy quấn bé thật ấm vào khăn và bế bé theo cùng nhé.
Không sử dụng phấn rôm vì nó có thể bay vào đường thở của em bé gây khó chịu.
Mẹ nên chọn tắm cho con vào lúc có ánh nắng mặt trời và thuận tiện cho bố mẹ. Vào khoảng 10 – 11 giờ sáng, hoặc 3 – 4 giờ chiều là thời điểm thích hợp.
Mẹ chỉ nên cho bé tắm từ 4 – 5 phút/lần tắm. Khi bé được ngoài 3 tháng tuổi, mẹ có thể cho bé tắm đến 10 phút, để bé thỏa sức chơi đùa với nước.
Độ sâu của nước trong chậu phải đảm bảo không để bé cảm thấy lạnh và hở từ phần cổ trở lên. Đối với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên để mực nước trong chậu cao khoảng 13cm, đủ để toàn thân bé được ngâm vào nước và từ phần vai thì hở. Còn những bé trên 6 tháng tuổi, mẹ hãy giữ mực nước cao tới eo khi bé ngồi trong chậu tắm. Mẹ nên nhớ chỉ xem xét độ sâu khi đã tắt vòi nước và kiểm tra nhiệt độ nhé.
Không nên tắm cho trẻ sơ sinh khi nào?
Bạn không nên tắm cho trẻ sơ sinh trong các trường hợp sau:
- Khi trẻ sơ sinh vừa ăn no xong
- Khi trẻ sơ sinh cảm lạnh, hâm hâm sốt
- Khi da trẻ sơ sinh đang chịu tổn thương
- Khi trẻ sơ sinh vừa nôn, trớ
- Sau khi trẻ sơ sinh đi tiêm phòng
- Trước giờ ngủ của trẻ sơ sinh vào ban đêm
- Tắm khi trẻ vừa tỉnh ngủ
- Không nên tắm lúc trẻ đang buồn ngủ
- Không nên tắm lúc trẻ đang đói bụng