Mẹ-Bé

Làm thế nào khi trẻ sơ sinh quấy khóc? 12 mẹo hay cho các mẹ

Khóc là hành động vô cùng bình thường của trẻ em đặc biệt là trẻ sơ sinh. Nhưng bạn là những ống bố, bà mẹ trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm!

  • Em bé khóc làm bạn bối rối, lo lắng
  • Bạn đã thay bỉm, cho ăn, hay vỗ về mà bé vẫn chưa nín khóc

Nếu bạn đang vật vã tìm cách dỗ dành trẻ sơ sinh quấy khóc, hãy thử những mẹo nhỏ dưới đây.

Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi các bà mẹ nên biết

1. Quấn em bé chặt hơn

trẻ sơ sinh quấy khóc

Quấn em bé của bạn trong một chiếc chăn nhỏ hay một chiếc ỏm có thể khiến bé cảm thấy ấm áp và an toàn. Các chuyên gia cho rằng quấn chặt hơn có thể làm em bé có cảm giác như đang ở trong dạ con của mẹ. Có nhiều ông bố bà mẹ cũng công nhận rằng quấn chặt làm em bé bình tĩnh hơn và ngủ lâu hơn. Một số em bé thích bỏ cánh tay của mình ra ngoài vì chúng thích tự làm dịu bằng cách mút ngón tay hay đơn giản là vì em bé của bạn yêu sự tự do. Tất nhiên, bạn không được quấn trùm cả đầu và mặt bé sẽ khiến bé không thở được. Ngoài ra, cần đảm bảo bé không bị nóng quá.

2. Cho em bé mút

Trẻ sơ sinh có bản năng bú mút. Em bé thích tự trấn an bản thân bằng cách mút chay, tuy không làm no bụng nhưng có thể làm dịu tâm lí. Nếu em bé khóc, hãy để e bé tự mút ngón tay cái của bé. Hay thử đưa cho bé một cái gì mềm mại có thể mút được, nhưng không phải bình sữa hoặc ti mẹ. Đó có thể là núm vú giả hoặc thậm chí là… ngón tay mẹ.

Xem thêm: Trẻ sơ bị đau bụng: Dầu hiệu, nguyên nhân và lời khuyên cho bà mẹ

3. Địu con

Địu em bé và đi lại xung quanh là một cách tuyệt vời để làm dịu bé. Các bé thích thú với cảm giác gần gũi và nhịp điệu của những bước chân. Khi địu em bé, tay bạn cũng được giải phóng và có thể làm được mọi việc như bình thường. Bạn có thể địu em bé ở phía trước, vừa đi vừa xoa lưng cho bé hoặc địu ở phía sau khi em bé đã lớn hơn. Nếu bạn đầu em bé không thích, đừng từ bỏ, hầu hết các em bé đều thích được địu và đi xung quanh như thế này. Cách này vừa khiến bé gần gũi với bố mẹ hơn, vừa có thể dỗ con, ru con ngủ trong lúc mẹ di chuyển bình thường, hơn nữa hơi ấm của bố mẹ sẽ giúp tạo cảm giác an toàn cho bé.

4. Để bé nằm trong nôi hoặc ghế rung, ghế bập bênh

Những chuyển động đều đều khiến bé phân tâm và quên khóc. Do vậy, khi bé quấy khóc, hãy cân nhắc đặt bé vào một chiếc ghế rung, ghế bập bênh hoặc nôi tự động. Hãy chắc chắn làm theo hướng dẫn an toàn của nhà sản xuất về các giới hạn về tuổi và cân nặng cho các thiết bị này.

Thông thường những chiếc ghế rung chính hãng có kết cấu khung rất chắc chắn, có độ chịu lực tốt cũng như đai thắt an toàn nên bạn hoàn toàn có thể cho con nằm chơi hay ngủ trên ghế 1 mình mà không lo con bị té ngã kể cả khi con đã lớn hơn.

Về độ nghiêng của ghế sẽ có nhiều mức từ 1 chiếc ghế ngồi ăn bột đến 1 chiếc giường để bé ngủ nên sẽ không ảnh hưởng đến cột sống của bé. Tuy nhiên bạn cũng không nên cho bé nằm quá lâu trên ghế, khi bé đã ngủ sâu bạn nên bế bé đặt lên giường để bé ngủ được thoải mái nhất.

Xem thêm: Cách thay tã cho trẻ sơ sinh: 5 bước cơ bản

5. Sử dụng tiếng ồn trắng

Tiếng ồn trắng là những âm thanh có thể che lấp những âm thanh khác thường được phát ra từ môi trường quanh.

Những âm thanh như tiếng rè rè khi TV hoặc radio mất sóng, tiếng máy hút bụi đang hoạt động, âm thanh từ máy rửa chén là một số ví dụ cho dạng âm thanh này. Nghe có vẻ kỳ quặc, nhưng chính những âm thanh tẻ nhạt này dễ làm cho bé thư giãn vì đây là âm thanh gợi nhớ đến môi trường ở trong tử cung mẹ khi bé còn là bào thai, và nếu bạn gặp may, bé sẽ buồn ngủ và nín khóc. Nhớ không để các đồ vật ấy quá gần tai trẻ. Nếu xung quanh bạn không có loại máy móc nào có thể tạo ra tiếng ồn trắng, bạn hãy tạo ra tiếng suỵt hay âm thanh kiểu Shhhhhh…shhhh…shhhh…

Tiếng suỵt kết hợp với việc đung đưa bé nhẹ nhàng đã được áp dụng hàng trăm năm nay để dỗ trẻ sơ sinh vào giấc ngủ.

6. Hát một bài hát

Hát cho em bé nghe một bài hát ru hoặc bài hát bé yêu thích hay bất kì một bài hát nào xuất hiện trong tâm trí bạn. em bé sẽ được an ủi bằng âm thanh giọng nói của bạn. Nếu bạn có một bài hát ngộ nghĩnh hoặc nhẹ nhàng thường xuyên hát cho con nghe, đây như một câu thần chú dỗ con nín khóc đó bạn. Bởi các bé sẽ liên tưởng nó tới khoảnh khắc và cảm giác hạnh phúc mỗi khi bài hát xuất hiện, nhờ vậy nhiều khả năng con sẽ dịu xuống và thôi khóc rất nhanh. Nếu như bạn bật nhạc quen thuộc bé không nín thì hãy thử sang một loại mới.

7. “Tắm trôi nước mắt”

Nếu em bé của bạn có xu hướng trở nên “hiền dịu” hơn khi tắm, hãy đổ đầy nước vào bồn và biến nó trở thành một thói quen thư giãn thường xuyên. Nếu có điều kiện, bạn nên vào trong bồn tắm cùng bé để thực hiện phương pháp da-tiếp-da: đặt bé lên ngực bạn để cơ thể bé ở dưới nước nhưng đầu bé vẫn phải an toàn trên mặt nước.

Sự kết hợp hoàn hảo giữa việc tắm dưới nước và phương pháp da-tiếp-da sẽ khiến bé khoan khoái vô cùng. Bạn thậm chí có thể thử cho thêm một vài giọt tinh dầu thiên nhiên như tinh dầu oải hương hoặc cúc. Nó không những có thể làm dịu em bé của bạn mà còn khiến bạn cảm thấy thoải mái. Một số em bé cảm thấy phấn khích khi tắm. Nếu điều này đúng với em bé của bạn, hãy đảm bảo sắp xếp thời gian tắm cho bé trước giờ chơi.

Xem thêm: Cách tắm cho trẻ sơ sinh: Những điều bạn PHẢI biết

8. Massage

Massage là một phương pháp tuyệt vời để dỗ em bé nín khóc. Bạn có thể thử nghiệm với kem dưỡng da hoặc dầu massage đặc biệt cho bé, mặc dù chúng cũng không cần thiết lắm. Hầu hết trẻ con đều thích được chạm vào. Do đó, đừng lo lắng khi con khóc. Nhẹ nhàng xoa bóp tay chân cho bé. Sự chuyển động hoàn hảo của bàn tay mẹ sẽ mang lại sự thoải mái cho đứa trẻ. Trong quá trình massage, các mẹ phải luôn quan sát dấu hiệu của trẻ chẳng hạn như khó chịu hay thoải mái để có phản ứng điều chỉnh phù hợp

Một số cách massage ở từng vị trí:

Ngực: Sử dụng các ngón tay vuốt nhẹ từ giữa ngực ra hai bên nách và vai bé.

Bụng: Khép các ngón tay nhẹ nhàng xoa quanh bụng theo vòng quay theo chiều kim đồng hồ. Tránh tạo áp lực lên bàng quang của trẻ

Chân:

  •  Một tay mẹ giữ chân trẻ, dùng tay kia vuốt nhẹ từ đùi xuống mắt cá chân.
  • Nâng bàn chân trẻ lên, dùng đầu các ngón cái ấn nhẹ vào giữa lòng bàn chân, tiếp đến vuốt ngược từ gót chân lên các ngón chân bé.
  • Xoay tròn nhẹ nhàng từ đùi xuống mắt cá chân.
  • Nâng cẳng chân bé lên bằng cả hai tay.

Tay:

  • Một tay mẹ giữ cánh tay bé, tay kia vuốt nhẹ từ vai xuống cổ tay. Đổi tay và lặp lại liên tục như hành động “vắt sữa”.
  • Dùng các ngón tay xoa nhẹ quanh cánh tay từ vai xuống cổ tay bé.
  • Mở ra nắm đấm của bé ra và chà xát lòng bàn tay và ngón tay

Lưng:

Nếu có thể, đặt em bé nằm sấp, mẹ thay phiên dùng hai tay vuốt dọc sống lưng bé, bắt đầu từ đỉnh đầu xuống tới các ngón chân.

9. Bế bé theo kiểu “Colic Carry”

Thỉnh thoảng khi em bé của bạn khóc một cách khó chịu và những gì bé cần là một áp lực lên bụng, để giúp giảm khí và đau bụng.

“Colic Carry” chính là kiểu bế giúp làm xoa dịu những cơn khóc dai dẳng do đau bụng không rõ nguyên nhân. Vị trí này sẽ tạo ra một áp lực nhẹ nhàng lên dạ dày bé, làm dịu cơn đau bụng khó chịu của bé.

Đặt em bé nằm sấp trên cẳng tay của bạn, ôm đầu em bé bằng bàn tay. Sử dụng tay kia của bạn để trấn an và xoa lưng em bé. Hay bạn có thể để mặt em bé áp dọc cánh tay của bạn, má của bé ở cùi chỏ của bạn.

Hoặc giữ em bé ở tư thế đứng thẳng, áp bụng của em bé vào vai bạn.

Hoặc đặt em bé nằm ngửa và đẩy đầu gối lên đến bụng trong 10 giây, sau đó thả ra và lặp lại, để giúp giảm khí.

10. Đưa bé ra ngoài

Sự di chuyển có thể là tất cả những gì em bé cần để bình tĩnh lại. Đôi khi chỉ đơn giản là mở cửa cho bé ra ngoài trời cũng khiến bé ngừng khóc. Nếu mãi bé vẫn không nín, mẹ nhìn xung quanh, nhìn lên bầu trời và nói chuyện với trăng sao, hoặc mọi thứ bận rộn xung quanh. Bé sẽ bị mẹ “gài bẫy” và nín ngay. Sự thay đổi về ánh sáng, không khí, nhiệt độ, tầm nhìn, âm thanh và mùi có khả năng cải thiện tâm trạng của bé – và cho cả của bạn nữa.

11. Giải trí

Ngay cả trẻ nhỏ cũng có thể cảm thấy chán – và nếu chúng cảm thấy như vậy, chúng có thể khóc để thu hút sự chú ý của bạn. Để giúp em bé của bạn được giải trí, hãy thử lặp đi lặp lại một số những âm thanh ngớ ngẩn hay biểu cảm dễ thương bạn tự tạo ra, hay cố gắng tìm thêm đồ chơi và những vật dụng khác để bé nhìn ngắm và sau đó chơi với nó, điều này có thể làm bé trở nên bận rộn. Một số bé thích nhìn và nghe bạn đọc một cuốn sách có vần đơn giản, trong khi những bé khác cười khúc khích nếu bạn bật một số giai điệu và nhảy với chúng.

12. Giữ yên tĩnh

Một số bé có thể khóc khi bị kích động. Nếu bé quấy khóc, hãy hạn chế sự phấn khích, hạn chế người đến thăm và sự kích thích, đặc biệt là vào buổi tối hoặc chiều tối. Hay bật đèn dịu hơn, tắt nhạc, để điện thoại vào chế độ rung cũng có thể làm em bé yên tĩnh trở lại. Hãy nhớ rằng, một em bé sơ sinh mới thay đổi môi trường trong bụng mẹ ra ngoài, mọi thứ hoàn toàn mới mẻ để có thể là quá sức chịu đựng với bé.

Không phải ai cũng có thể giữ được bình tĩnh khi con khóc. Tuy nhiên, hãy nhớ trẻ con nào cũng khóc và hãy coi đó là điều tất nhiên. Hy vọng 12 cách trên đây có thể giúp bạn có thêm bí quyết để dỗ dành trẻ mỗi ngày.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment