Ban đầu, việc thay tã cho trẻ sơ sinh có thể sẽ khiến bạn lung túng, tuy nhiên sau bạn sẽ trở thành những ông bố, bà mẹ bỉm sữa đích thực và là một chuyên gia về thay tã cũng như quấn tã cho trẻ sơ sinh.
Dưới đây là một hướng dẫn đơn giản giúp bạn học được cách thay tã cho bé.
Xem thêm: Cách chăm sóc trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi các bà mẹ nên biết
Mục lục
Chuẩn bị sẵn sàng
Trước khi bạn bắt đầu, hãy chắc chắn rằng bạn đã chuẩn bị đầy đủ “phụ tùng” cho việc thay tã. Chúng bao gồm những thứ sau:
- Bạn có thể thay tã cho bé trên bàn thay hoặc trên bất kỳ bề mặt có phủ nệm hoặc khăn thay.
- Tã sạch: Tất nhiên rồi. Và bạn cần phải có một vài cái để thừa ra có thể với trong tầm tay.
- Bông gòn, giẻ lau hoặc khăn lau sạch. Đối với trẻ sơ sinh dưới 1 tháng tuổi và những trẻ bị hăm tã, hãy sử dụng nước ấm và bông gòn để lau sạch cho bé và khăn lau khô. Đối với trẻ lớn hơn, sử dụng khăn lau ẩm trước; tìm kiếm những thứ không gây dị ứng và không chứa cồn và hương liệu.
- Quần áo để thay cho bé: Nếu tã bị lệch và nước tiểu hoặc phân có thể bị rỉ ra và dính lên quần áo.
- Kem chống hăm. Nếu bé bị hăm tã, kem chống hăm sẽ tạo ra một hàng rào bảo vệ để tránh phân và nước tiểu làm kích ứng da. Không cần sử dụng các loại phấn rôm, dầu hay sữa dưỡng da. Nếu bé dùng tã vải thì không cần dùng kem hăm.
- Một chút yêu thương: Một giọng hát hoặc giọng nói êm ái và những động chạm nhẹ nhàng có thể giúp bé thay tã dễ dàng hơn.
- Một cái “đánh lạc hướng”: Bạn có thể đánh lạc hướng bé bằng một món đồ chơi yêu thích hay bất cứ thứ gì có thể gây hứng thú đối với bé, nhất là khi bạn có một em bé khó tính.
Xem thêm: Cách tắm cho trẻ sơ sinh: Những điều bạn PHẢI biết
Các bước thay tã cho trẻ sơ sinh
Với trẻ sơ sinh, các bước cơ bản của việc thay tã vẫn giống nhau cho dù bạn đang sử dụng tã vải hay tã dùng một lần.
Bước 1: Đặt em bé lên bề mặt sạch sẽ, mềm mại, an toàn
Dùng một tay giữ bé không xoay người lung tung. Nếu cảm thấy không đủ sức giữ bé bằng một tay, mẹ có thể nhờ sự trợ giúp của dây đai an toàn. Cho dù bạn đang thay tã ở đâu, hãy đảm bảo luôn luôn giữ một tay vào em bé, ngay cả trước khi bé của bạn bắt đầu lăn.
Bước 2: Mở tã và vệ sinh cho bé
Mở tã và khảo sát “hiện trường”, sau đó tuân theo các quy tắc cơ bản giống nhau cho cả bé trai và bé gái:
Đối với tã ướt: Gấp tã bẩn bên dưới em bé (vì vậy mặt sạch bên ngoài của tã bây giờ nằm dưới mông của bé) sau đó, lấy bông hoặc khăn vệ sinh vùng kín cho bé.
Đối với tã có dính phân: Lau càng nhiều càng tốt sau đó gập tã lại bên dưới mông em bé như ở trên. Nâng chân và lau sạch mặt trước của bé bằng nước ấm hoặc khăn lau, đảm bảo lau sạch ở các nếp gấp. Sau đó nhấc cả hai chân và làm sạch mông bé thật kỹ.
Khi đã lau thật sạch sẽ, hãy bỏ tã bẩn ra và đặt một cái mới dưới mông em bé trước khi thả chân em bé xuống. Vỗ nhẹ cho bé khô trước khi cho vào tã sạch hoặc bôi bất kỳ loại kem chống hăm tã nào. Nếu dây rốn vẫn còn dính và bạn không sử dụng tã sơ sinh đặc biệt, hãy gập tã xuống để tránh cọ vào rốn, để rốn thoáng và không bị ướt. Đóng tã chặt rò rỉ, nhưng không chặt đến mức xảy ra kích ứng (nếu có kích ứng bạn sẽ nhận thấy các dấu đỏ rõ ràng trong lần thay tã tiếp theo). Đối với tã dùng một lần, các miếng dán được thiết kế ở phía sau và bên dưới em bé, sau đó được dán vòng lên phía trước.
Thêm một vài lời khuyên nữa cho bạn:
Đối với các bé gái: cần lau từ trước ra sau để tránh phân làm bẩn vùng âm đạo. không cần thiết phải mở môi lớn để làm sạch bên trong ngay cả khi thấy chất bẩn màu trắng.
Đối với các bé trai: Các chàng trai có thể tạo ra một “vòi nước” một cách bất ngờ, vì vậy, hãy phủ lên “chim nhỏ” của bé tã hoặc quần áo mỗi khi cởi quần áo. Đôi khi thấy có sự cương cứng và chúng hoàn toàn bình thường, đừng sợ, hãy làm sạch nhẹ nhàng xung quanh dương vật và bìu. Khi đóng tã mới, hướng dương vật của bé xuống để giảm thiểu rò rỉ và bị ướt áo.
Bước 3: Vứt bỏ tã bẩn
Đối với tã dùng 1 lần, bọc tã thành một quả bóng, sử dụng các miếng dính của tã để dính thật chặt. Sau đó vứt vào thùng đựng tã, túi nhựa hoặc thùng rác (nhưng không bao giờ vứt tã bẩn vào bồn cầu). Khi bạn đưa em bé ra ngoài, hãy mang theo túi nhựa; đặt tã bẩn vào bên trong và buộc túi trước khi ném vào thùng rác. Nếu sử dụng tã vải, đựng vào túi kín cho tới khi giặt, cần giặt càng sớm càng tốt.
Bước 4: Mặc quần áo cho bé
Giờ hãy mặc lại quần áo cho bé. Nếu thấy cần hãy thay cả ga trải giường, đệm hoặc chăn của bé.
Bước 5: Rửa tay một lần nữa
Kết thúc bằng cách rửa tay một lần nữa (sử dụng chất khử trùng tay nếu không có xà phòng và nước).
Có an toàn khi sử dụng phấn rôm và kem tã?
Các chuyên gia khuyên bạn không nên sử dụng bất kỳ loại phấn rôm nào (có chứa bột tan hoặc tinh bột ngô) vì một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nó có thể gây nghẹn, khó thở, tổn thương phổi và thậm chí, trong một số trường hợp thể gây tử vong.
Điều tương tự cũng xảy ra với các loại dầu và sữa dưỡng, trừ khi bé bị hăm tã – trong trường hợp đó bạn nên sử dụng kem hăm nếu bé dùng tã giấy dùng một lần (hầu hết những thứ này không tương thích với tã vải). Hãy chắc chắn để cho mông và vùng kín của em bé khô ít nhất một vài phút trước khi thoa kem và đóng tã. Nếu phát ban không hết sau hai đến ba ngày, hãy đưa bé đi khám bác sĩ nhi khoa.
Bao lâu thay tã thì cho bé một lần?
Em bé đi tiểu khoảng 20 lần một ngày trong vài tháng đầu đời. Sẽ rất tốn kém và mệt mỏi nếu bạn cố gắng thay tã cho bé mỗi lần bé tiểu. Trung bình, em bé cần được thay tã sau mỗi 4 tiếng 1 lần cho dù là tã có bị bẩn hay không, nghĩa là khi kiểm tra thấy tã của bé đang mặc vẫn cần “sạch trơn” thì mẹ vẫn cần phải thay cho bé 1 cái tã mới nếu như đã qua 4 tiếng đồng hồ, điều này sẽ đảm bảo vệ sinh an toàn cho bé và tất nhiên, nếu bé “ị đùn” hoặc làm ướt tã thì mẹ cần phải thay ngay 1 cái tã khác cho bé, trước khi các chất bẩn kịp bám vào da của bé.
Đặc biệt, ở những tháng đầu đời, thời gian thay tã cho trẻ sơ sinh cần được rút ngắn lại hơn thế nữa, cụ thể sau 2-3 tiếng bé sẽ cần 1 chiếc tã mới.
Cách chọn tã cho bé
Chọn tã giấy cho trẻ sơ sinh để trẻ luôn cảm thấy thoải mái.
Khi mua bỉm, tã giấy, mẹ nên chọn loại có khả năng thấm hút tốt, màng đáy dạng vải thoáng khí và hai bên vách chống trào mềm mại để không gây vết hằn trên đùi trẻ. Kích thước của tã bỉm phù hợp với lứa tuổi, cân nặng của bé, giúp bé luôn thoải mái khi ngủ hay vui chơi để mẹ yên tâm làm việc.
Bé gái thường bị ướt ở giữa tã hoặc phía sau của tã khi nằm xuống nên mẹ hãy chọn các loại bỉm, tã giấy có độ dày tập trung ở giữa và phía sau tã. Bé trai khi mặc tã thường làm ướt phía trước tã nên mẹ hãy chọn loại bỉm tã có lớp lót phụ thêm ở phía trước để nước tiểu không tràn ra ngoài tã.