Bệnh chốc lở (Impetigo) là một bệnh nhiễm trùng da phổ biến và rất dễ lây lan, chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ em. Bệnh chốc lở thường xuất hiện dưới dạng vết loét đỏ trên mặt, đặc biệt là quanh mũi và miệng của trẻ và trên tay chân. Các vết loét vỡ ra và để lộ lớp vảy màu mật ong.
Điều trị bằng kháng sinh thường được khuyến nghị để giúp ngăn ngừa sự lây lan của bệnh chốc lở sang các trẻ khác. Điều quan trọng là giữ cho con bạn ở nhà, cách xa nơi đông người cho đến khi chúng không còn truyền nhiễm – thường là 24 giờ sau khi bạn bắt đầu điều trị bằng kháng sinh.
Mục lục
Chốc lở là gì?
Bệnh chốc lở (impetigo) là một nhiễm khuẩn nông thường gặp ở da, đặc trưng bởi mụn mủ, bọng nước và các vết trợt đóng vảy tiết màu mật ong. Thuật ngữ chốc hóa (impetiginisation) được dùng để chỉ các nhiễm trùng nông thứ phát của một vết thương hoặc một tình trạng da nhất định. Khi thương tổn loét sâu được gọi là chốc loét (ecthyma).
Chốc là tình trạng nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh rất dễ lây lan trực tiếp từ vùng da bệnh đến vùng da lành và lây sang người khác. Chốc có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng đa số là trẻ em ở độ tuổi mẫu giáo. Bệnh chốc thường bị nhầm lẫn với một số bệnh ngoài da khác. Nếu chẩn đoán sớm và điều trị đúng cách bệnh sẽ được cải thiện nhanh và không để lại sẹo. Trường hợp ngược lại bệnh có thể dẫn đến biến chứng nghiêm trọng.
Bệnh chốc thường xuất hiện với những bóng nước hình tròn, dẹp. Sau vài giờ, bóng nước đục dần, có mủ rồi vỡ, đóng vảy màu vàng. Vị trí thường gặp của bệnh chốc là ở mặt, vùng da hở hoặc bất kỳ chỗ nào kể cả lòng bàn tay, bàn chân, không bao giờ xuất hiện ở niêm mạc. Tại vùng da đầu, vảy tiết có thể làm tóc bết lại. Bệnh thường khỏi trong 10 ngày tới 2 tuần nếu điều trị đúng cách.
Nguyên nhân và yếu tố nguy cơ của bệnh chốc
Nguyên nhân
Nguyên nhân gây chốc là tụ cầu vàng và/hoặc liên cầu.
- Chốc không có bọng nước (nonbullous impetigo) có thể gây ra bởi liên cầu tan huyết beta nhóm A. Tụ cầu và/hoặc liên cầu xâm nhập vào các vết thương nhỏ trên da, ở đó có các protein giúp vi khuẩn gắn chặt vào tổ chức.
- Chốc bọng nước (bullous impetigo) thường do độc tố bong da của tụ cầu (exfoliatin A-D) tác động vào các tế bào gai ở thượng bì, làm bóc tách lớp nông của thượng bì, tạo hình ảnh giống pemphigus vảy lá.
- Chốc loét thường do liên cầu nhưng có thể phối hợp với tụ cầu vàng, xảy ra trên cơ địa suy giảm miễn dịch, người già, người mắc bệnh mạn tính.
Yếu tố nguy cơ
- Tuổi tác: Trẻ em từ 2 đến 5 tuổi có nguy cơ mắc bệnh chốc cao nhất.
- Nơi sống đông dân cư: Điều kiện đông đúc làm bệnh dễ lây lan từ người này sang người khác, chẳng hạn như trong trường học và các cơ sở chăm sóc trẻ em…
- Thời tiết nóng và ẩm: Đây là loại thời tiết tạo điều kiện tốt nhất cho vi khuẩn phát triển và lây lan. Vì vậy, trong mùa hè, bạn có nguy cơ cao bị mắc bệnh chốc;
- Cấu trúc da bị phá vỡ: Vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua vết thương da hoặc thậm chí là các tổn thương mà ta không thể nhìn thấy.
- Một số môn thể thao: Tham gia các môn thể thao liên quan đến tiếp xúc da kề da, như bóng đá hoặc đấu vật, làm tăng nguy cơ mắc bệnh chốc lở.
- Người lớn và những người mắc bệnh tiểu đường hoặc hệ thống miễn dịch suy yếu có nhiều khả năng phát triển bệnh chốc.
Bệnh chốc có lây không?
Bệnh chốc là tình trạng nhiễm khuẩn da gây ra bởi liên cầu khuẩn hay tụ cầu khuẩn. Bệnh phổ biến nhất ở trẻ em, đặc biệt là ở lứa tuổi từ 2 đến 5 tuổi, chốc hiếm khi xảy ra ở người lớn. Nếu có thì chốc sẽ xảy ra sau những bệnh về da hay nhiễm trùng. Bệnh thường phổ biến hơn ở nam giới. Vi khuẩn chốc có thể xâm nhập lớp da nông hay sâu tùy trường hợp.
Chốc không nguy hiểm. Những nốt lở loét là dạng nhẹ của nhiễm khuẩn, thường lành mà không để lại sẹo. Tuy nhiên, trong các trường hợp đặc biệt, chốc có thể biến chứng, gây viêm mô tế bào (tức là nhiễm trùng nghiêm trọng, ảnh hưởng tới các mô dưới da), hoặc các vấn đề về thận hay để lại sẹo.
Bệnh chốc có lây không?
Bệnh chốc có lây lan, chúng lây từ người này sang người khác khi có tiếp xúc với chất dịch rỉ ra từ các nốt lở loét. Bệnh thường lây truyền trong các trường học và cơ sở chăm sóc trẻ em do tình trạng đông đúc. Dùng chung khăn lau, khăn trải giường, đồ chơi hoặc các vật dụng khác với người nhiễm bệnh cũng có thể làm lây truyền chốc lở. Ngoài ra, gãi cũng có thể làm các nốt lở loét lan ra các phần khác của cơ thể.
Triệu chứng của bệnh chốc lở
Chốc hay gặp ở vùng da hở như mặt, tay, chân, nhưng cũng gặp ở thân mình và các phần khác của cơ thể. Bệnh xuất hiện với một thương tổn đơn độc hoặc nhiều thương tổn. Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch.
Chốc không có bọng nước
Chốc không có bọng nước thường bắt đầu là một dát hồng, tiến triển thành mụn nước, bọng nước hóa mủ nhanh, mau chóng dập vỡ để lại các vết xước đóng vảy tiết màu vàng mật ong. Khi vảy tiết bong ra để lại nền da đỏ ẩm, khi lành để lại dát thâm. Nếu không được điều trị, bệnh có thể tự lành sau 2-4 tuần mà không có sẹo. Thương tổn có thể lan rộng ra các vùng khác do tự lây nhiễm, do cào gãi.
Bất kỳ vùng da nào trên cơ thể đều có thể bị nhưng mặt và các chi hay bị nhất. Thương tổn có thể ngứa nhẹ hoặc không có triệu chứng, có hoặc không có quầng đỏ bao quanh. Hạch ngoại vi thường to. Bệnh nhân có thể có chấn thương nhẹ, côn trùng đốt, ghẻ, thủy đậu, viêm da cơ địa tại vị trí bị chốc.
Chốc loét
Chốc loét bắt đầu giống như chốc không bọng nước nhưng tiến triển thành những vết loét hoại tử lõm giữa, chậm lành, để lại sẹo. Vết lở lớn chứa nhiều mủ thường xuất hiện ở chân. Vết lở do chốc này cũng có thể xuất hiện ở mông trẻ. Vết lở sẽ ngày càng rộng và sâu hơn. Bạn có thể thấy tổn thương sâu bằng cách quan sát độ lún của trung tâm vết lở so với bề mặt da. Lúc này, vết lở có thể rộng hơn 2,5cm và thành vết loét. Chốc loét có thể ngứa nhưng thường đau đớn nhiều hơn. Khi vết lở loét trên khô đi sẽ chuyển màu từ vàng thành đỏ tía.
Chốc bọng nước
Chốc bọng nước khởi phát với mụn nước nhỏ, lớn dần thành bọng nước. Bọng nước nông, dễ vỡ, kích thước nhỏ hoặc lớn, chứa dịch vàng, trong, sau chuyển sang vàng đậm, vỡ trong 1 đến 3 ngày, để lại viền da mỏng xung quanh dát đỏ ẩm ướt, khi lành không có sẹo. Xung quanh bọng nước có thể có quầng đỏ hoặc không.Thương tổn hay gặp ở mặt, thân mình, các chi, mông, sau đó lan ra các đầu xa do tự lây nhiễm. Khác với chốc không bọng nước, chốc bọng nước có thể có thương tổn ở niêm mạc má, ít lây hơn, hạch vùng không to.
Biến chứng của bệnh chốc
Bệnh chốc lở thường không nguy hiểm. Và các vết loét ở dạng nhiễm trùng nhẹ thường lành mà không để lại sẹo.
Các biến chứng hiếm xảy ra của chốc lở là:
- Viêm mô tế bào: Nhiễm trùng nghiêm trọng này ảnh hưởng đến các mô bên dưới da và cuối cùng có thể lan đến các hạch bạch huyết và máu của người mắc. Viêm mô tế bào không được điều trị có thể nhanh chóng đe dọa tính mạng.
- Vấn đề về thận: Một trong những loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở cũng có thể làm hỏng thận.
- Sẹo: Các vết loét liên quan đến ecthyma có thể để lại sẹo.
Khi nào đi khám bác sĩ?
Nếu bạn nghi ngờ rằng bạn hoặc con bạn bị bệnh chốc lở, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ gia đình, bác sĩ nhi khoa của con bạn hoặc bác sĩ da liễu.
Chẩn đoán bệnh chốc
Các bác sĩ thường chẩn đoán bệnh chốc lở bằng cách nhìn vào các vết loét đặc biệt. Xét nghiệm thường không cần thiết.
Nếu vết loét không rõ ràng, ngay cả khi điều trị bằng kháng sinh, bác sĩ có thể lấy mẫu chất lỏng do vết loét tạo ra và kiểm tra xem loại kháng sinh nào có thể hoạt động tốt nhất trên đó. Một số loại vi khuẩn gây bệnh chốc lở đã trở nên kháng với một số loại thuốc kháng sinh. Ngoài ra, có thể làm một số xét nghiệm như nhuộm soi, nuôi cấy vi khuẩn, công thức bạch cầu (có tăng bạch cầu trung tính), mô bệnh học.
Điều trị bệnh chốc
Bệnh chốc lở thường được điều trị bằng thuốc mỡ hoặc kem bôi kháng sinh bôi trực tiếp lên vết loét. Trước tiên, bạn có thể cần phải ngâm vùng bị ảnh hưởng trong nước ấm hoặc khăn ướt sạch để giúp loại bỏ các vảy để kháng sinh có thể xâm nhập vào da.
Nếu bạn có nhiều hơn chỉ một vài vết loét chốc lở, bác sĩ có thể khuyên dùng thuốc kháng sinh uống. Hãy chắc chắn hoàn thành toàn bộ quá trình dùng thuốc ngay cả khi vết loét đã lành. Điều này giúp ngăn ngừa nhiễm trùng tái phát và làm giảm khả năng kháng kháng sinh.
Dùng thuốc tím 1/10.000 hay dung dịch NaCl 0, 9% để làm sạch các tổn thương trên da do chốc lở gây ra. Tuy nhiên, cách làm này chỉ áp dụng ở những trường hợp bệnh nhẹ hoặc các tổn thương khu trú
Có thể sử dụng thuốc kháng sinh toàn thân nhưng thuốc chỉ dùng trong trường hợp chốc lở gây tổn thương trên diện rộng và có nguy cơ gây biến chứng thành viêm cầu thận thấp. Một số loại thuốc thường được bác sĩ kê đơn như kháng sinh nhóm β-lactam, macrolid, cephalosporin và penicillin bán tổng hợp (augmentin, cefixim, erythromycin,…). Ở những bệnh nhân kháng kháng sinh nên điều trị bệnh theo phác đồ bác sĩ đề ra.
Thuốc kháng histamin: Trường hợp chốc lở kèm theo triệu chứng ngứa, bệnh nhân có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamin như loratadin và phenergan để điều trị.
Đối với các trường hợp nhiễm trùng nhỏ không lan sang các khu vực khác, có thể điều trị vết loét bằng kem kháng sinh không kê đơn hoặc thuốc mỡ có chứa bacitracin. Đặt một miếng băng không dính trên khu vực có thể giúp ngăn vết loét lan rộng.
Để điều trị bệnh chốc lở mang lại kết quả cao, điều quan trọng là bạn cần tuân thủ theo đúng yêu cầu của bác sĩ. Tốt nhất, trong quá trình chữa bệnh bằng thuốc bôi ngoài da, bạn nên thực hiện đúng quy trình sau:
- Trước khi tiến hành bôi thuốc, bạn nên rửa tay kỹ bằng nước ấm hoặc xà phòng có tính kháng khuẩn
- Sử dụng khăn lau sạch ngâm trong nước ấm và chà nhẹ lên bề mặt vết thương. Mục đích của việc làm này là giúp loại bỏ tế bào chết, giúp thuốc thẩm thấu vào tế bào da tốt hơn, tăng tác dụng chữa trị. Tuy nhiên, để ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng, bạn không nên chà xát mạnh
- Lấy một lượng thuốc mỡ theo quy định và bôi đều lên vùng da bị chốc lở. Sau đó, dùng một miếng băng gạc băng lại để tránh bụi bẩn bám vào gây viêm nhiễm. Khi hoàn tất nên rửa lại tay bằng xà phòng, không nên dụi tay vào mắt, miệng.
Chăm sóc trẻ bị chốc
Che vết lở
Da chết từ vết lở và chất dịch từ bóng nước có thể lây lan vi khuẩn đến các phần khác của cơ thể và những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Vì thế, bạn nên che vết lở lại. Bạn hãy chọn quần áo vừa thoải mái vừa che được vết lở cho trẻ. Bạn cũng có thể che vết lở bằng những miếng gạc mỏng.
Cắt móng tay cho trẻ
Bệnh chốc lở ở trẻ em thường lây lan từ vùng da này sang vùng khác thông qua móng tay. Bạn hãy cắt móng tay cho trẻ để đảm bảo vi khuẩn không tụ dưới móng và khi gãi, trẻ sẽ ít bị tổn thương da, gây vỡ bóng nước hơn.
Không mặc tã cho trẻ
Chốc bọng nước có thể gây các vết lở quanh vùng mặc tã. Bạn hãy cởi tã vài phút một ngày để trẻ được khô thoáng. Sự thông thoáng khí sẽ giúp các vết lở nhanh khô hơn và nhanh lành hơn.
Thường xuyên rửa tay cho trẻ
Con bạn có thể chạm vào vết lở và lây sang vùng da lành hay lây cho người khác. Do đó, bạn nên rửa tay cho trẻ với chất diệt khuẩn an toàn mỗi 6 giờ để ngăn ngừa sự tích tụ của khuẩn liên cầu và tụ cầu trên tay trẻ.
Rửa vết loét một lần mỗi ngày với nước ấm
Bên cạnh việc tắm nước ấm mỗi ngày, rửa vết lở một lần mỗi 8 – 12 giờ với nước ấm sẽ giúp vết lở nhanh lành hơn. Bạn có thể hỏi ý kiến bác sĩ để thêm một số loại nước diệt khuẩn vào nước tắm của trẻ.
Giặt đồ trẻ riêng
Dùng nước ấm để giặt quần áo trẻ và giặt riêng với mọi người. Bạn nên dùng nước giặt có tính kháng khuẩn đồng thời rửa sạch đồ chơi trẻ và cả đồ dùng cá nhân như khăn tắm bằng cách chất tẩy rửa diệt khuẩn.
Để trẻ ở trong nhà
Tránh để trẻ ra ngoài hay gửi trẻ đến nhà trẻ. Trẻ bị chốc có thể lây lan cho các trẻ khác rất nhanh.
Các thành viên trong gia đình nên cẩn thận hơn
Bạn nên rửa tay mỗi khi lau vết lở cho trẻ, sau khi bạn bế hay đụng vào đồ chơi của trẻ. Bạn cũng nên lưu ý những thành viên khác trong gia đình giữ khoảng cách với trẻ và hạn chế đụng chạm vào đồ dùng của trẻ.
Phòng ngừa bệnh chốc
Đối với những người đã từng bị chốc thì sẽ thấy bệnh này gây ngứa ngáy, khó chịu cho cơ thể ra sao. Chính vì vậy, hãy đảm bảo những phương pháp chăm sóc cơ thể dưới đây, để bạn sớm vượt qua bệnh chốc, không lây lan sang mọi người xung quanh và đề phòng chúng quay trở lại.
Giữ da sạch sẽ
Bạn có thể làm điều này bằng cách rửa sạch các vết xước, vết côn trùng cắn và vết thương ngay lập tức.
Giữ vệ sinh cá nhân
Giặt quần áo, khăn mặt và khăn tắm của người bị bệnh mỗi ngày và không dùng chung những vật dụng đó với bất cứ ai khác trong gia đình.
Che vết lở
Da chết từ vết lở và chất dịch từ bóng nước có thể lây lan vi khuẩn đến các phần khác của cơ thể và những người tiếp xúc trực tiếp với trẻ. Vì thế, bạn nên che vết lở lại. Bạn hãy chọn quần áo vừa thoải mái vừa che được vết lở cho trẻ. Bạn cũng có thể che vết lở bằng những miếng gạc mỏng.
Tránh gãi các vết thương và vết lở
Nếu trẻ có vết thương hay do côn trùng cắn, bạn hãy che nó bằng miếng gạc mỏng để trẻ không gãi được. Cắt móng tay trẻ cũng là biện pháp bảo vệ hiệu quả.
Đảm bảo môi trường sống
Chốc là bệnh nhiễm trùng ngoài da do vi khuẩn gây ra. Bệnh thường xuất hiện ở những vùng vệ sinh môi trường kém và ở những người bị suy giảm miễn dịch. Bạn có thể phòng tránh bệnh bằng cách tắm rửa vệ sinh sạch sẽ, dùng các loại xà phòng diệt khuẩn và mặc quần áo thoáng mát. Tránh gãi làm trầy xước da và tránh dùng các loại thuốc không rõ nguồn gốc hoặc thảo dược đắp ngoài da vì có thể làm tình trạng nhiễm trùng trầm trọng hơn.
Chốc không nguy hiểm nhưng đây là bệnh có khả năng lây lan cao. Giữ sạch làn da là cách tốt nhất để cho da khỏe mạnh và đề phòng bệnh chốc. Điều quan trọng là cần rửa sạch ngay các vết cắt, vết xước, vết côn trùng cắn và các vết thương để giúp phòng ngừa chốc lở lây truyền sang người khác.
Chuẩn bị cho cuộc hẹn với bác sĩ
Khi bạn gọi bác sĩ gia đình hoặc bác sĩ nhi khoa của trẻ, hãy hỏi xem bạn có cần làm gì để ngăn ngừa lây nhiễm cho người khác trong phòng chờ không.
Đây là một số thông tin để giúp bạn sẵn sàng cho cuộc hẹn của bạn.
Bạn có thể làm gì?
Lập một danh sách sau đây để chuẩn bị cho cuộc hẹn của bạn:
- Các triệu chứng bạn hoặc con bạn đang gặp phải
- Tất cả các loại thuốc, vitamin và chất bổ sung mà con bạn đang dùng
- Thông tin y tế chính, bao gồm các tình trạng khác
Câu hỏi để hỏi bác sĩ của bạn
- Điều gì có thể gây ra vết loét?
- Có cần xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán?
- Kế hoạch điều trị tốt nhất?
- Tôi có thể làm gì để ngăn ngừa nhiễm trùng lây lan?
- Những thói quen chăm sóc da nào nên thực hiện trong khi da lành lại?
Ngoài những câu hỏi mà bạn đã chuẩn bị để hỏi bác sĩ, đừng ngần ngại hỏi những câu hỏi khác trong cuộc hẹn của bạn.
Những gì mong đợi từ bác sĩ của bạn
Bác sĩ của bạn có thể hỏi bạn một số câu hỏi, chẳng hạn như:
- Các vết loét bắt đầu khi nào?
- Các vết loét trông như thế nào khi chúng bắt đầu?
- Bạn đã có bất kỳ vết cắt, vết trầy xước hoặc vết côn trùng cắn gần đây liên quan đến khu vực bị ảnh hưởng?
- Các vết loét có đau hay ngứa không?
- Điều gì, nếu bất cứ điều gì, làm cho vết loét tốt hơn hoặc tồi tệ hơn?
- Có ai đó trong gia đình bạn đã bị bệnh chốc lở?
- Tình trạng này đã xảy ra trước đây?