Bệnh về da Chăm sóc da

Bệnh viêm da tiết bã là gì? Chẩn đoán, điều trị ra sao?

Viêm da tiết bã là một tình trạng viêm da hay nói chung là một bệnh về da. Viêm da dầu (seborrheic dermatitis) hay viêm da tiết bã, chàm da mỡ (seborrheic eczema) là tình trạng viêm da hay gặp, mạn tính, tái phát, vị trí chủ yếu ở mặt, đầu, ngực và vùng liên bả vai. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ và người lớn. Nó thường ảnh hưởng đến da đầu, gây ra vảy, mảng đỏ. Các mảng cũng có thể xuất hiện trên mặt và phần trên của cơ thể. Các khu vực bị ảnh hưởng thường xuất hiện ở vùng tập trung nhiều tuyến bã dầu.

Viêm da tiết bã (SD) là do phản ứng tự miễn hoặc dị ứng, nó không phải là bệnh truyền nhiễm. Nó cũng không thể chữa khỏi nhưng có thể được kiểm soát bằng điều trị.

Điều trị viêm da tiết bã không phải lúc nào cũng cần thiết, vì các triệu chứng có thể tự hết. Nhưng đối với hầu hết mọi người, viêm da tiết bã là tình trạng kéo dài suốt đời sẽ tiếp tục bùng phát tại thời điểm nào đó. Chăm sóc da đúng cách có thể giúp giữ các triệu chứng ổn định.

Thông tin nhanh về viêm da tiết bã

  • SD cũng phổ biến như mụn trứng cá
  • Tình trạng này ảnh hưởng đến mọi người ở mọi lứa tuổi.
  • Để chẩn đoán SD, một bác sĩ – điển hình là bác sĩ da liễu – sẽ kiểm tra các khu vực bị ảnh hưởng.
  • Người mắc viêm da tiết bã nên nói chuyện với bác sĩ da liễu hoặc bác sĩ của họ để quyết định điều trị tốt nhất.

Viêm da tiết bã là gì?

viêm da tiết bã

Viêm da dầu là bệnh lý viêm mạn tính, phổ biến, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh được mô tả lần đầu bởi Unna năm 1887. Ngoài ra bệnh còn được gọi bởi cái tên khác: ‘seborrhea’, ‘Cradle cap’, ‘Unna disease’, ‘pityriasis sicca’ và ‘seborrheic eczema’. Bệnh đặc trưng bởi các tổn thương đỏ da, bong vảy tập trung ở những vùng da nhiều tuyến bã như da đầu, mặt và thân trên. Bệnh thường bùng phát tại các thời điểm tuyến bã hoạt động mạnh bao gồm những tháng đầu đời và giai đoạn dậy thì.

Thuật ngữ ʺseborrheaʺ dùng để chỉ sự bài tiết chất bã quá mức, tuy nhiên bệnh không phải lúc nào cũng kèm theo sự tặng tiết chất bã. Cho đến nay, cơ chế bệnh sinh của bệnh vẫn chưa được hiểu một cách rõ ràng nhưng nhiều ý kiến cho rằng bệnh liên quan đến nấm Malassezia, rối loạn miễn dịch, tăng tiết chất bã và một số yếu tố thuận lợi.

Viêm da tiết bã có thể gây phát ban có màu đỏ, sưng, nhờn và có lớp vỏ màu trắng hoặc vàng.

Các loại viêm da tiết bã

Có 2 loại viêm da tiết bã chính là:

1. Viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã có thể xảy ra ở trẻ nhỏ, đặc biệt ở dạng ‘Cradle cap’, ảnh hưởng đến da đầu.

Viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh. Viêm da tiết bã gây ra các vảy nhờn, màu vàng hay mảng tróc như gàu trên da đầu của trẻ. Bệnh này rất phổ biến ở trẻ nhỏ và dễ điều trị. Viêm da tiết bã không phải là triệu chứng của một bệnh nào hay do chăm sóc vệ sinh cho trẻ không tốt.

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải bệnh này, chẳng hạn như:

  • Sản xuất bã nhờn quá mức bởi các tuyến dầu ở da đầu
  • Vi khuẩn và nấm (một loại men có tên malassezia) phát triển trong bã nhờn
  • Hormone truyền từ mẹ sang bé trước khi sinh gây kích thích các tuyến dầu ở trẻ
  • Sự không dung nạp một số thức ăn nhất định (ví dụ như gluten, các sản phẩm từ sữa), dị ứng thông thường hoặc những thay đổi trong không khí có thể dẫn đến kích ứng và viêm da tiết bã
  • Lịch sử gia đình bị dị ứng da, chẳng hạn như chàm, có thể làm tăng nguy cơ bị viêm da tiết bã ở trẻ. Dạng bệnh viêm da nhũ nhi này có thể làm tăng khả năng phát triển các loại viêm da tiết bã nhờn khác (như gàu) khi lớn.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm da tiết bã ở trẻ

Hay gặp ở vùng trán và đỉnh đầu, tổn thương là các vảy da và vảy mỡ trên nền da đỏ kèm theo các vết nứt, thường không kèm theo rụng tóc, tổn thương có thể lan rộng toàn bộ đầu.

Các mảng đỏ da trên có vảy mỡ bóng dính tập trung ở trán, rãnh mũi má, lông mày, mí mắt, rãnh sau tai, ống tai ngoài và ngực. Tổn thương có thể lan rộng ra toàn bộ thân mình và các chi.

Vùng kẽ như nách, bẹn, quanh rốn, quanh ống hậu môn là những vị trí hay gặp với tổn thương là các mảng đỏ ẩm ướt kèm theo ít vảy, liên kết với nhau thành đám.

Leiner’s disease: Đây là một thể nặng lan tỏa của viêm da dầu ở trẻ em, được tác giả Leiner’s mô tả đầu tiên năm 1908. Tổn thương viêm da dầu lan tỏa dẫn đến tình trạng đỏ da bong vảy toàn thân kèm theo sốt, tiêu chảy, thiếu máu, nôn và sút cân. Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Thể này có thể có tính chất gia đình hoặc không liên quan đến việc có hoặc không có kèm theo thiếu hụt bổ thể C3, C5.

Viêm da tiết bã phổ biến ở trẻ sơ sinh và thường không gây ngứa. Viêm da tiết bã là một thuật ngữ thông dụng của bệnh viêm da tiết bã nhờn ở trẻ sơ sinh. Đôi khi bị nhầm với các bệnh về da khác như chàm sơ sinh. Điểm khác biệt cơ bản giữa hai bệnh này là chàm gây ngứa rất nhiều.

Con bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ nếu nằm trong những trường hợp sau đây:

  • Bạn đã thử nhiều cách điều trị mà không thành công
  • Các mảng gàu lan ra mặt và người của trẻ

Viêm da tiết bã cực kì phổ biến ở trẻ. Bệnh thường xuất hiện trong hai tháng đầu sau khi sinh và tự khỏi trong vòng vài tuần hay vài tháng. Một số bé có thể bị SD ở vùng mặc tã, thường bị nhầm là mề đay do tã. Trong một số ít trường hợp, SD có thể bao phủ toàn bộ cơ thể em bé, gây ra các mảng đỏ, có vảy và da bị viêm.

Thông thường viêm da tiết bã ở trẻ sơ sinh có xu hướng biến mất vĩnh viễn trước khi một tuổi. Lựa chọn phương pháp điều trị tại chỗ cho trẻ em dưới một tuổi nên được thực hiện với sự tư vấn của bác sĩ.

2. Viêm da tiết bã ở người lớn

Viêm da tiết bã ở người trưởng thành là một tình trạng mãn tính kéo dài suốt cuộc đời của một người. Thời tiết và căng thẳng có xu hướng kích hoạt các đợt bùng phát. Điều trị có thể làm giảm các đợt bùng phát và giảm các triệu chứng.

Nguyên nhân và yếu tố rủi ro

Viêm da tiết bã có thể gặp 1-3% dân số, theo một báo cáo từ tạp chí y khoa American Family Physician.

Nguyên nhân

Nguyên nhân của viêm da tiết bã vẫn chưa được biết. Tuy nhiên có nhiều giả thuyết cho rằng bệnh có liên quan đến hoạt động của tuyến bã, nấm Malassezia, bất thường về miễn dịch và tính nhạy cảm của người bệnh. Ngoài ra, sinh lý bệnh của viêm da dầu còn phụ thuộc vào chức năng của hàng rào bảo vệ da. Vào mùa đông, thời tiết hanh khô thì bệnh hay gặp hơn.

Yếu tố nguy cơ

Có một số điều kiện có thể làm tăng nguy cơ mắc SD, bao gồm:

  • Da nhờn
  • Tiền sử gia đình có người bị viêm da dầu hoặc vảy nến
  • Suy giảm miễn dịch: Cấy ghép cơ quan, nhiễm HIV
  • HIV/AIDS: Viêm da dầu là một trong những bệnh phổ biến ở bệnh nhân HIV/AIDS. Ở các đối tượng này viêm da dầu thường lan tỏa và khó điều trị.
  • Các rối loạn thần kinh, tâm thần: bệnh Parkinson, chậm phát triển, trầm cảm. Bệnh lý thần kinh như Parkinson, Alzheimer, tổn thương thần kinh V… viêm da dầu có liên quan đến các bệnh lý thần kinh. Khi điều trị bằng các thuốc làm giảm triệu chứng của bệnh Parkinson thì triệu chứng của viêm da dầu cũng giảm. Mặt khác một số thuốc gây ra bệnh Parkinson cũng có thể gây ra viêm da dầu. Trầm cảm và các stress về cảm xúc cũng làm bùng phát viêm da dầu.
  • Bệnh lý nội tiết, béo phì: Tỉ lệ bệnh nhân viêm da dầu cũng tăng lên ở những người có bệnh lý về tuyến nội tiết mà có biểu hiện béo phì
  • Rối loạn ăn uống

Yếu tố vật lý

  • Chấn thương mặt: Các chấn thương ở mặt gây bùng phát bệnh.
  • Tia tử ngoại: Các liệu pháp điều trị PUVA ở vùng mặt có thể gây bùng phát viêm da dầu
  • Bệnh thay đổi theo nhiệt độ và độ ẩm: Bệnh nặng lên vào mùa đông, đầu mùa xuân (độ ẩm thấp và khí hậu lạnh), nhẹ hơn vào mùa hè.
  • Thuốc: Một số thuốc gây ra khởi phát của viêm da dầu như: Griseofulvin, Cimetidin, Lithium, Methyldopa, Arsenic, Haloperidol, Psorale…
  • Yếu tố di truyền: Tiền sử gia đình bị viêm da dầu được báo cáo. Gần đây, người ta tìm thấy đột biến gen ZNF 750 mã hóa cho protein hấp thu kẽm dẫn tới viêm da giống viêm da dầu tuy nhiên khi điều trị bổ sung kẽm thì triệu chứng của viêm da dầu vẫn không cải thiện.

Các triệu chứng viêm da tiết bã

Da ngứa là một trong những triệu chứng có thể có của SD.

Các triệu chứng của viêm da tiết bã có xu hướng tồi tệ hơn trong mùa lạnh, thời tiết khô hoặc khi ai đó bị căng thẳng. Sinh thiết vùng da bị ảnh hưởng thường được thực hiện để loại trừ các tình trạng khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự.

Viêm da dầu ở người lớn hay gặp vùng da đầu, mặt (quanh mũi, sau tai, cung mày), nửa trên của thân mình (liên bả vai, ngực), bệnh có đặc điểm:

  • Hay gặp và nặng lên vào mùa đông, cải thiện vào mùa hè.
  • Ít khi ngứa
  • Tình trạng da có nhờn và khô kết hợp
  • Viêm nang lông ở ngực, phần trên thân mình.
  • Viêm da dầu thường khu trú ở da đầu, mặt, lưng, ngực nhưng có thể lan rộng ra khắp cơ thể tạo nên hình thái dạng vảy nến.

Ở da dầu

Là các vảy da màu trắng, mỏng trong một số trường hợp có thể là các vảy da và vảy mỡ màu vàng trên nền da viêm đỏ. Tổn thương hay gặp ở vùng trán, thái dương và vùng đỉnh nhưng có thể lan tỏa toàn bộ đầu.

Ở mặt

Dát đỏ da, ranh giới rõ trên có các vảy da, vảy mỡ màu vàng dính tập trung ở má, đầu trong lông mày, rãnh mũi má, rãnh sau tai, vành tai, ống tai ngoài, ngực và lưng. Các tổn thương sắp xếp thành hình đồng xu, hình đa cung, hình cánh hoa, hình vòng. Vùng sau tai có thể xuất hiện các vết nứt.

Vùng nếp gấp

Nách, nếp lằn dưới vú, quanh rốn, bẹn xuất hiện các mảng trợt ướt, viêm đỏ trên có thể có vảy da mỏng hoặc không.

Ở bệnh nhân HIV

Các tổn thương có xu hướng lan tỏa, có thể gặp ở các vùng da không tăng tiết bã như tay chân và rất khó điều trị.

Chẩn đoán viêm da tiết bã

Chẩn đoán viêm da tiết bã chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng. Ngoài ra có thể làm các xét nghiệm (soi trực tiếp, nuôi cấy) về sự có mặt của các loài Malassezia. Sinh thiết, mô bệnh học giúp chẩn đoán phân biệt với bệnh vảy nến.

Ở trẻ sơ sinh, chẩn đoán viêm da tiết bã hoàn toàn dựa trên triệu chứng lâm sàng. Các đặc điểm của bệnh là các mảng gàu nhờn màu trắng hoặc vàng trên da đầu trẻ sơ sinh, không ngứa, không gây chảy mủ hay rỉ nước – trừ khi bị bội nhiễm. Viêm da tiết bã ở trẻ chủ yếu xảy ra trên vùng da đầu, tuy vậy đôi khi có thể thấy ở vùng mặt, cổ, tai hoặc các nếp gấp da. Da có thể ửng đỏ dưới lớp vảy. Đôi khi có rụng tóc cùng với tróc vảy, nhưng tóc luôn mọc trở lại. Trẻ thường khỏe mạnh và phát triển bình thường.

Nếu viêm da tiết nhờn bị bội nhiễm, da xung quanh sẽ bị sưng tấy và đỏ (dấu hiệu của phản ứng viêm). Mụn nước hoặc mụn mủ có thể hình thành, các vết thương chảy mủ có thể thấy ở gần những chỗ có vảy.

Điều trị viêm da tiết bã

Ở trẻ sơ sinh

Viêm da tiết bã ở trẻ thông thường không cần điều trị y tế. Nó sẽ tự khỏi trong vòng vài tháng. Trong thời gian chờ đợi, gội đầu mỗi ngày một lần bằng dầu gội dành cho trẻ sơ sinh và chải nhẹ da bằng bàn chải mềm để vảy tróc ra từ từ.

Nếu việc gội đầu thường xuyên không hiệu quả, hãy hỏi bác sĩ. Bác sĩ có thể đề nghị một loại dầu gội dành cho người lớn, ví dụ như một loại thuốc chứa 2% thuốc ketoconazole kháng nấm. Đảm bảo rằng dầu gội đầu không bị dính vào mắt bé, vì nó có thể gây kích ứng. Kem hydrocortisone đôi khi cần để giúp giảm viêm và sưng tấy đỏ.

Không sử dụng kem cortisone hoặc kem chống nấm khi chưa thảo luận với bác sĩ, bởi vì một số sản phẩm này có thể độc hại khi được hấp thụ qua da của trẻ. Dầu gội đầu trị gàu có chứa acid salicylic không được khuyến cáo sử dụng cho trẻ sơ sinh vì chúng có thể được hấp thụ qua da.

Ở người lớn

Điều trị gồm 2 giai đoạn:

  • Điều trị tấn công: làm giảm triệu chứng.
  • Điều trị duy trì: phòng tránh tái phát.
  • Đồng thời phải xác định và loại bỏ các yếu tố nguy cơ.

Sử dụng các thuốc bong vảy tại chỗ để loại bỏ vảy da như acid salicylic, acid lactic, urea, propylen glycol.

Các thuốc chống nấm tại chỗ như ketoconazol, ciclopirox dạng dầu gội đầu hoặc kem bôi. Vài chủng Malassezia kháng với thuốc chống nấm azol, có thể sử dụng kẽm pyrithion hoặc selenium sulphid thay thế.

Corticosteroid loại nhẹ dùng tại chỗ từ 1-3 tuần để giảm viêm, giảm giai đoạn bùng phát bệnh.

Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus): ít tác dụng phụ hơn corticosteroid khi sử dụng ở vùng mặt.

Với các trường hợp bệnh nặng, kháng điều trị ở người lớn, có thể sử dụng itraconazol uống, tetracyclin, kháng sinh, liệu pháp ánh sáng.

Điều trị viêm da dầu ở đầu

  • Sử dụng dầu gội đầu chứa ketoconazol hoặc ciclopirox, selenium sulfid, kẽm pyrithion, coal tar, acid salicylic 2 lần mỗi tuần trong ít nhất 1 tháng.
  • Steroid cho vùng da đầu (dạng dung dịch, dạng gel) sử dụng hằng ngày trong vài ngày để giảm ngứa, giảm viêm.
  • Kem tar bôi lên vùng nhiều vảy, sau vài giờ thì gội đầu.

Điều trị viêm da dầu ở mặt, tai, ngực, lưng

  • Làm sạch bằng các dung dịch rửa không chứa xà phòng mỗi ngày 1-2 lần.
  • Dùng kem ketoconazol hoặc ciclopirox ngày 1 lần trong 2-4 tuần, nhắc lại nếu cần thiết.
  • Kem hydrocortison bôi ngày 2 lần trong 1-2 tuần. Có thể dùng steroid có hoạt lực mạnh hơn.
  • Các thuốc ức chế calcineurin tại chỗ (kem pimecrolimus, mỡ tacrolimus) thay thế cho corticosteroid.

Các biện pháp hỗ trợ

Không có biện pháp nào phù hợp cho tất cả. Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên có thể giúp ngăn chặn các triệu chứng SD hoặc điều trị bùng phát:

Với trẻ nhỏ

Nhẹ nhàng xoa da đầu em bé bằng ngón tay hoặc khăn lau để vảy tróc nhẹ ra, đừng cọ xát mạnh.

Gội đầu cho bé mỗi ngày một lần bằng dầu gội dành cho trẻ nhỏ. Làm vảy tróc ra nhẹ bằng một cái bàn chải lông mềm trước khi xả nước cho sạch dầu gội.

Nếu vảy không dễ bong, hãy xoa dầu ăn hoặc vài giọt dầu khoáng lên da đầu trẻ. Để vảy ngâm trong dầu vài phút, hoặc vài giờ nếu cần thiết. Sau đó, chải và gội đầu cho bé như thường lệ. Nếu bạn không gội sạch dầu trong tóc bé, viêm da tiết dầu có thể nặng hơn.

Một khi các vảy đã biến mất, hãy gội đầu cho bé vài ngày một lần bằng dầu gội để ngăn ngừa vảy.

Chăm sóc da tốt

Đối với viêm da tiết bã trên cơ thể, đặc biệt là mặt, nên giữ sạch các khu vực bị ảnh hưởng bằng cách rửa bằng xà phòng và nước mỗi ngày.

Nhận nhiều ánh sáng mặt trời cũng có thể ngăn chặn sự phát triển của nấm men làm viêm da, trong quá trình bùng phát SD.

Dầu cá

Dầu cá, có nhiều axit béo omega-3, được biết đến với tính chất chống viêm. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc bổ sung dầu cá làm giảm các triệu chứng da của các tình trạng viêm da khác nhau.

Dầu cá khá an toàn, miễn là nó được sử dụng theo chỉ dẫn. Các bà mẹ cho con bú nên lưu ý rằng uống dầu cá làm tăng mức axit béo omega-3 trong sữa mẹ. Một người nên nói chuyện với bác sĩ trước khi bổ sung cho em bé dưới 1 tuổi bằng axit béo omega-3.

Nha đam

Nha đam cũng có đặc tính chống viêm, nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có hiệu quả trong điều trị SD. Bổ sung lô hội có thể giúp ngăn ngừa đợt bùng phát và giảm mức độ nghiêm trọng của chúng.

Không bổ sung lô hội cho trẻ em dưới 10 tuổi mà không thảo luận trước về liều lượng an toàn với bác sĩ.

Nha đam cũng được sử dụng để điều trị táo bón, vì vậy các chất bổ sung có thể có tác dụng phụ, bao gồm:

  • Đau bụng
  • Bệnh tiêu chảy
  • Táo bón
  • Đổi màu nước tiểu

Sử dụng lô hội tại chỗ cũng có thể giúp kiểm soát đỏ và ngứa trong khi bùng phát viêm da tiết bã. Trước khi sử dụng nha đam tại chỗ, hãy kiểm tra dị ứng bằng cách bôi một lượng nhỏ lên một vùng da ở mặt trong cánh tay. Nếu không có phản ứng trong vòng 12-24 giờ, sử dụng tại chỗ có thể là an toàn.

Lưu ý rằng các phản ứng dị ứng có thể phát triển theo thời gian. Ngừng sử dụng lô hội tại chỗ nếu có dấu hiệu dị ứng xuất hiện.

Tác dụng phụ của nha đam sử dụng tại chỗ có thể bao gồm:

  • Đỏ da
  • Cháy da
  • Châm chích
  • Phản ứng dị ứng tiềm ẩn ở những người nhạy cảm với da

Probiotic

Probiotic có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và giảm các phản ứng viêm trên toàn cơ thể. Mặc dù nghiên cứu về tác dụng của men vi sinh đối với số lần bùng phát viêm da tiết bã còn hạn chế, nhưng chế phẩm sinh học vẫn thúc đẩy các phản ứng miễn dịch khỏe mạnh hơn, vì vậy chúng có thể đáng để thử.

Không cho trẻ dưới 1 tuổi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào có men vi sinh, chẳng hạn như sữa chua hoặc thuốc bổ sung, vì tác dụng đối với trẻ nhỏ chưa được nghiên cứu.

Dầu tràm trà

Dầu cây trà từ lâu đã được nghiên cứu như là một điều trị cho nhiều tình trạng da. Nó có chất kháng khuẩn, kháng nấm và chống viêm.

Sử dụng tại chỗ dầu tràm trà được cho là an toàn, nhưng nó nên được pha loãng với một loại dầu vận chuyển, chẳng hạn như dầu dừa hoặc dầu ô liu. Trộn 3-5 giọt dầu cây trà trong 1 ounce dầu vận chuyển trước khi áp dụng. Điều này có thể giúp giảm ngứa và thúc đẩy chữa lành các mảng da bong vảy.

Các loại tinh dầu khác

Các loại tinh dầu pha loãng khác nhau có thể được bôi tại chỗ để giúp làm giảm các triệu chứng của viêm da tiết bã.

Dầu hoa anh thảo, dầu cây lưu ly và dầu hạt nho đen cũng chứa các đặc tính có thể giúp điều trị các triệu chứng viêm da tiết bã. Chúng có thể giúp giảm ngứa và đỏ. Các loại dầu này phải được pha loãng với dầu vận chuyển trước khi sử dụng.

Sử dụng các loại tinh dầu ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh, phụ nữ mang thai và bà mẹ cho con bú chưa được nghiên cứu sâu. Một số người chỉ nên sử dụng các loại tinh dầu cho trẻ sơ sinh một cách thận trọng và sau khi tham khảo ý kiến ​​bác sĩ.

Không nên uống tinh dầu và chỉ nên sử dụng tại chỗ hoặc từ máy khuếch tán.

Thuốc bôi

Thuốc bôi là phương pháp điều trị phổ biến nhất cho các đợi bùng phát viêm da tiết bã. Bao gồm các loại:

  • Kem
  • Bọt
  • Gel
  • Lotion
  • Thuốc mỡ, có chứa corticosteroid hoặc hydrocortison

Những loại thuốc này có thể gây mỏng da do sử dụng quá mức, vì vậy các bác sĩ sẽ chỉ khuyên dùng chúng trong thời gian ngắn. Bổ sung các loại thuốc bôi này bằng các phương pháp điều trị tự nhiên có thể làm giảm tác dụng phụ và có thể tốt hơn trong thời gian dài.

Đối với viêm da tiết bã trên da đầu được kích hoạt bởi vi khuẩn, gel kháng khuẩn có thể được chỉ định. Dầu gội và kem chống nấm cũng là những lựa chọn cho triệu chứng viêm da tiết bã này.

Liệu pháp ánh sáng được sử dụng trong trường hợp viêm da tiết bã nặng. Liệu pháp ánh sáng liên quan đến việc để các khu vực bị ảnh hưởng của da hoặc da đầu dưới tia cực tím.

Kết luận

Viêm da tiết bã là một tình trạng mãn tính suốt đời. Chưa có biện pháp điều trị triệt để nhưng điều trị có thể giảm triệu chứng, và kiểm soát có thể hạn chế các đợt bùng phát của bệnh.

Có nhiều phương pháp điều trị tự nhiên có thể thêm vào phương pháp điều trị y tế. Đối với trẻ nhỏ, phụ huynh cần nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào trong số này. Điều này là do có rất ít nghiên cứu về tác dụng và sự an toàn của chúng ở trẻ em.

Luôn nhớ rằng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) không quy định các loại thảo mộc, tinh dầu hoặc chất bổ sung về chất lượng, độ tinh khiết hoặc an toàn của chúng. Vì vậy, điều quan trọng là phải đọc nhãn và nghiên cứu kỹ thương hiệu trước khi mua.

Kiểm soát các yếu tố rủi ro và thực hành chăm sóc da tốt có thể làm giảm mức độ nghiêm trọng của viêm da tiết bã.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment