Đau cổ tay là một tình trạng phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau. Khớp cổ tay đóng vai trò lớn trong các động tác cơ bản, từ nhắn tin đến viết. Khi cơn đau xảy ra, nó có thể can thiệp vào các hoạt động hàng ngày và thậm chí ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của mọi người.
Cổ tay không phải là một khớp. Thay vào đó, nó được tạo thành từ một số khớp nhỏ nơi giao nhau của bàn tay và cẳng tay.
Đau cổ tay có thể tăng lên do một tác động bất ngờ hoặc chấn thương. Ví dụ, bong gân cổ tay có thể gây đau nếu dây chằng bị căng quá mức. Loại đau cổ tay này thường xuất hiện đột ngột khi chấn thương xảy ra. Ở đây chúng ta sẽ tìm hiểu các nguyên nhân, triệu chứng và lựa chọn điều trị thường gặp.
Đôi điều về đau cổ tay:
- Nếu bất kỳ bộ phận nào của cổ tay, bao gồm xương, dây chằng hoặc gân bị thương, nó có thể dẫn đến đau cổ tay.
- Đau cổ tay tái phát thường là do một số tình trạng, như chấn thương, căng cơ lặp đi lặp lại và viêm khớp.
- Đau cổ tay cũng có thể xảy ra trong một thời gian dài.
Mục lục
Nguyên nhân gây đau cổ tay?
Đau cổ tay có thể xảy ra vì nhiều lý do, cho dù chỉ là mệt mỏi hoặc một vấn đề tiềm ẩn. Thông thường, chấn thương ở cổ tay là nguyên nhân chính gây ra đau cổ tay. Các dây thần kinh đi qua cổ tay bị chèn ép cũng có thể tạo ra đau.
Các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý ngày càng gia tăng trong cuộc sống hiện đại, thường gặp ở giới văn phòng. Nguyên nhân của bệnh này chủ yếu là do sử dụng máy tính. Thao tác trên bàn phím và chuột máy tính thường xuyên gây ra căng thẳng bất thường và xuất hiện triệu chứng đau ở vùng khuỷu tay, vai, đặc biệt là đau cổ tay, có thể là đau khớp cổ tay trái hoặc đau khớp cổ tay phải.
Khi dây chằng cổ tay ngang dày lên và chèn ép lên dây thần kinh, dây đó sẽ bị đè ép và gây ra đau, tê và yếu ở tay, gây ra hội chứng ống cổ tay. Những người có nguy cơ cao bị hội chứng ống cổ tay bao gồm: người béo phì, bệnh nhân tiểu đường, viêm khớp, những người làm những công việc lặp đi lặp lại như đánh máy, vẽ, may, phụ nữ có thai hoặc đang trải qua thời kỳ mãn kinh.
Viêm khớp
Đây là tình trạng viêm các khớp có thể gây sưng và cứng khớp. Hao mòn tự nhiên, lão hóa hoặc bàn tay làm việc quá sức cũng có thể dẫn đến viêm khớp. Một số dạng phổ biến của bệnh viêm khớp bao gồm: viêm khớp dạng thấp, viêm xương khớp, viêm khớp vẩy nến.
Viêm khớp dạng thấp
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, trong đó các mô bình thường bị phá vỡ bởi hệ thống miễn dịch của cơ thể. Điều này có thể gây đau cổ tay nếu các khớp trong khu vực bị ảnh hưởng.
Bệnh De Quervain
Bị đau khớp cổ tay còn là biểu hiện của tình trạng viêm bao gân cơ dạng dài và duỗi ngắn ngón cái, gọi là hội chứng De Quervain. Bệnh lý này thường gặp ở những phụ nữ làm việc nội trợ, với biểu hiện đau cổ tay và phần dưới cẳng tay, ngay phía trên ngón cái.
Những động tác lặp lại nhiều lần như cầm, nắm, xoay, vặn cổ tay và ngón cái sẽ là điều kiện thuận lợi làm cho tổn thương tiến triển nặng hơn. Nếu không được cải thiện, triệu chứng đau có thể lan lên cẳng tay và lan xuống ngón cái, làm giới hạn khả năng vận động của ngón tay cái.
Hội chứng chuyển động lặp đi lặp lại
Như tên cho thấy, hội chứng chuyển động lặp đi lặp lại xảy ra từ việc lặp đi lặp lại một động tác, chẳng hạn như gõ máy tính hoặc đan. Làm việc quá sức với khớp có thể khiến nó sưng lên, gây áp lực lên các dây thần kinh xung quanh.
Nó có thể ảnh hưởng đến nhiều khớp trong cơ thể, bao gồm cả cổ tay.
Chấn thương sụn và xương dưới sụn
Tổn thương sụn và xương dưới sụn có thể gây ra chứng đau cổ tay. Đây là tổn thương thường gặp trong bệnh lý thoái hóa khớp. Thoái hóa là quá trình tự nhiên không thể tránh khỏi, tuy nhiên các thao tác cử động cổ tay lặp lại thường xuyên càng đẩy nhanh tốc độ thoái hóa của khớp cổ tay.
Giai đoạn đầu sẽ rất khó phát hiện vì không có triệu chứng rõ rệt, đến khi người bệnh bị đau nhức thì sụn khớp đã bị nứt vỡ hoặc phần xương dưới sụn đã bị xơ hóa, mọc gai,…
Chấn thương cổ tay
Chấn thương cổ tay bao gồm bong gân, gãy xương hoặc viêm gân. Khi bị chấn thương cổ tay, bạn có thể có các triệu chứng sưng, bầm tím hoặc biến dạng các khớp gần cổ tay. Sự hình thành đau cổ tay phụ thuộc vào cơ chế chấn thương.
Viêm gân cổ tay
Viêm gân cổ tay có thể xảy ra khi gân cổ tay rách hoặc bị kích thích và tiến tới viêm. Tình trạng này thường xảy ra do chuyển động lặp đi lặp lại liên quan đến cổ tay.
Viêm bao hoạt dịch cổ tay
Viêm bao hoạt dịch là sự viêm (sưng, đỏ) của một túi chứa dịch lỏng hay còn gọi là bao hoạt dịch. Bao hoạt dịch thường nằm xung quanh vai, cổ tay, khuỷu tay, hông, đầu gối, bàn chân. Bao hoạt dịch có vai trò như một lớp đệm giữa xương và các bộ phận xung quanh như cơ bắp, gân, da, từ đó giúp cho ta cử động dễ dàng hơn.
Viêm bao hoạt dịch thường xuất hiện ở những khớp xương phải cử động thường xuyên. Bệnh có xu hướng tái phát sau khi điều trị, trừ khi nguyên nhân gây ra được ngăn chặn.
Triệu chứng của viêm bao hoạt dịch khá đơn giản và dễ nhận biết. Chúng bao gồm:
- Cảm thấy đau nhức hoặc cứng khớp
- Sưng và tấy đỏ
- Cơn đau thường năng hơn khi bạn di chuyển hoặc ấn vào.
U nang
Nguyên nhân gây đau cổ tay có thể là do u nang mô mềm chứa đầy chất lỏng thường phát triển trên cổ tay cạnh lòng bàn tay. Các u nang nhỏ thường có xu hướng gây đau hơn các u nang lớn.
Bong gân cổ tay
Theo American Society for Surgery of the Hand, bong gân cổ tay thường gây ra bởi ngã và uốn cong cổ tay về phía sau khi bàn tay chạm đất. Động tác này làm dây chằng căng ra và dẫn đến bong gân. Bong gân cổ tay độ 1 gây đau nhẹ, cơn đau thường được mô tả là nhức và có thể đau nhói khi cử động. Bong gân độ 2 có mức đau trung bình đến dữ dội, tùy vào tình trạng rách dây chằng; mức độ đau cao hơn độ 1 và đôi khi đau nhói vì sưng nhiều hơn. Một điều có vẻ nghịch lý là, bong gân độ 3 ban đầu thường ít gây đau hơn độ 2 vì dây chằng đã bị đứt hoàn toàn và không kích thích các dây thần kinh xung quanh nhiều. Tuy nhiên, bong gân độ 3 sẽ bắt đầu đau nhói khi tình trạng sưng gia tăng.
-
Triệu chứng đau cổ tay
Các triệu chứng đau cổ tay bao gồm đau nhức, đau và sưng ở cổ tay.
Các triệu chứng đau cổ tay có thể thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân. Một số người có thể bị đau mà họ mô tả là đau âm ỉ; những người khác có thể có cơn đau chói sắc. Vị trí của cơn đau cũng có thể thay đổi.
Ngoài đau, các triệu chứng khác có thể đi kèm. Các triệu chứng của chấn thương, như bong gân cổ tay, có thể bao gồm sưng và bầm tím. Tê, ngứa ran và yếu tay cũng có thể xảy ra khi đau do hội chứng ống cổ tay.
Một số người có thể kèm theo các triệu chứng sau:
- Cứng khớp – ở cổ tay và có khả năng là ngón tay.
- Khó nắm bắt đồ vật – nắm hoặc giữ có thể khó khăn hoặc không thoải mái.
- Một âm thanh khác lạ khi di chuyển cổ tay – điều này có thể nghiêm trọng hơn sau thời gian nghỉ ngơi.
Tùy thuộc vào nguyên nhân, các triệu chứng có thể bắt đầu nhẹ và trở nên tồi tệ hơn khi sau đó.
Lúc đầu, cơn đau chỉ có thể xảy ra trong một số hoạt động nhất định. Theo thời gian, khi tình trạng xấu đi, cơn đau có thể xảy ra ngay cả khi nghỉ ngơi. Tê cũng có thể tiến triển đến mức một người không thể cảm thấy lạnh hoặc nóng và có thể làm rơi đồ khi cầm.
Khi nào cần đi khám bác sĩ vì đau cổ tay?
Đau cổ tay có nhiều triệu chứng tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra:
- Hội chứng ống cổ tay có thể xảy ra ở mặt lòng bàn tay khiến bạn cảm thấy đau, rát, tê, ngứa ran hoặc yếu bàn tay, đặc biệt vào ban đêm
- Nếu bị bong gân cổ tay, bạn sẽ có những triệu chứng như sưng và bầm tím
- Sưng các ngón tay, đau, tê hoặc cảm giác ngứa ran ở bàn tay; sưng hay đỏ quanh cổ tay, khó để nắm tay hoặc nắm đồ vật, đau đột ngột ở tay hay cảm giác nóng gần cổ tay.
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu cơn đau cổ tay cản trở hoạt động hàng ngày hay tình trạng tê và ngứa ran trở nên tệ hơn khiến bạn không thể làm cử động tay đơn giản. Hãy gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu một cổ tay bạn bị nóng và đỏ lên hoặc nếu bạn bị sốt trên 38 độ C, bởi điều này có thể dẫn đến một căn bệnh nghiêm trọng – viêm khớp nhiễm khuẩn.
Các biến chứng của đau cổ tay có thể bao gồm yếu và giảm khả năng thực hiện các hoạt động như cầm đồ vật và sử dụng bàn phím.
Chẩn đoán đau cổ tay như thế nào?
Sau khi kiểm tra thể chất và xem xét triệu chứng, bác sĩ cũng có thể chẩn đoán đau cổ tay và tình trạng cơ bản bằng cách:
- Sử dụng hình ảnh – bao gồm chụp X-quang, CT scan và MRI .
- Nội soi khớp – thủ thuật này bao gồm tạo một vết cắt nhỏ trên cổ tay. Một dụng cụ nhỏ có gắn camera nhỏ được lắp vào thông qua vết cắt. Các hình ảnh từ camera sau đó được chiếu lên màn hình để bác sĩ nhìn thấy.
- Các nghiên cứu dẫn truyền thần kinh – những biện pháp này làm cho các xung thần kinh di chuyển nhanh qua khu vực ống cổ tay như đo điện cơ.
Thông thường, các kỹ thuật chẩn đoán xâm lấn chỉ được sử dụng sau khi nghỉ ngơi và phục hồi sau chấn thương đã không thành công.
Xem thêm: Đau cánh tay: Nguyên nhân, cách chẩn đoán, điều trị thế nào?
Điều trị và phòng ngừa đau cổ tay
Điều trị đau cổ tay phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau và mức độ nghiêm trọng của nó. Điều trị ít xâm lấn nhất được đưa ra trước khi phương pháp điều trị xâm lấn được khuyến nghị. Ví dụ, điều trị chứng đau cổ tay gây ra bởi hội chứng ống cổ tay có rất nhiều điểm khác biệt so với điều trị do viêm khớp. Đôi khi, điều trị tại nhà có thể thành công. Điều trị tại nhà thường bao gồm thư giãn cổ tay càng nhiều càng tốt cho đến khi đủ thời gian để lành. Bên cạnh đó, bạn hãy thử một số cách để điều trị đau như: đeo nẹp cổ tay, tập các động tác cổ tay theo tư vấn chuyên gia chăm sóc sức khỏe. Ngoài ra, khi cơn đau dữ dội và kéo dài trong nhiều ngày, bạn có thể áp dụng phương pháp nắn chỉnh cột sống bằng tay (chiropratic) rất được các bác sĩ ở Mỹ và Châu Âu đánh giá cao tính hiệu quả và an toàn.
Các phương pháp điều trị
Điều trị tại nhà
hường chỉ cần nghỉ ngơi cổ tay càng nhiều càng tốt để cho phép nó có thời gian chữa lành là hiệu quả. Thuốc giảm đau và nước đá cũng có thể được khuyên dùng để giảm viêm và đau.
Nẹp
Trong một số trường hợp, đeo nẹp cổ tay có thể có hiệu quả. Nẹp có thể ngăn ngừa một số cử động cổ tay gây ra kích ứng. Nẹp cũng có thể làm giảm sự chèn ép của dây thần kinh. Nếu bạn muốn mua nẹp cổ tay, thì nên tham khảo ý kiến của bác sĩ.
Các bài tập
Tùy thuộc vào loại đau, bài tập cổ tay có thể hỗ trợ cho tình trạng của bạn. Một số bài tập có thể được quy định để giãn cơ. Khi muốn tập những bài tập này, bệnh nhân nên nhận được lời khuyên từ bác sĩ hoặc nhà trị liệu vật lý.
Điều trị bổ sung
Tiêm cortisone, làm giảm viêm và giảm đau có thể có hiệu quả.
Phẫu thuật
Chỉ được sử dụng nếu phương pháp điều trị ít xâm lấn chưa có hiệu quả. Loại phẫu thuật được thực hiện phụ thuộc vào nguyên nhân gây đau. Phẫu thuật cho hội chứng ống cổ tay bao gồm cắt dây chằng ở cổ tay để giải phóng áp lực lên dây thần kinh.
Phương pháp điều trị được thực hiện theo quy trình cho đến khi tình trạng đau cổ tay được giải quyết. Vật lý trị liệu cũng có thể giúp ích trong một số trường hợp.
Cách giảm nguy cơ bị đau cổ tay
Có một số cách có thể được thực hiện để giảm nguy cơ bị đau cổ tay của một người:
- Sử dụng tư thế thích hợp khi ngồi làm việc và giữ cổ tay ở vị trí thích hợp: Duy trì tư thế đúng khi dành hàng giờ ngồi trên máy tính sẽ giảm sức căng cho cơ thể. Hãy thiết kế nơi làm việc giúp bạn làm việc thoải mái mà không gây đau cho cơ khớp. Sử dụng bàn có chiều cao phù hợp để có không gian di chuyển. Giữ lưng thẳng và bàn chân đặt nằm trên sàn trong suốt cả ngày.
- Xem xét sử dụng một bàn phím phù hợp với cổ tay nếu dành nhiều giờ làm việc với bàn phím.
- Học cách sử dụng dụng cụ cầm tay đúng cách để giảm bớt căng thẳng trên bàn tay và cổ tay.
- Nghỉ giải lao thường xuyên trong lúc sử dụng bàn phím: Đánh máy cả ngày cùng một tư thế có thể gây tổn thương nghiêm trọng các khớp cổ tay. Để ngăn ngừa, bạn nên nghỉ khoảng 5 phút sau khi đánh máy 20 đến 30 phút để tay có thời gian phục hồi. Bạn có thể dành thời gian nghỉ để xem lại các nhiệm vụ trên màn hình hay đọc sách.
- Sử dụng bảo vệ cổ tay để ngăn ngừa chấn thương khi tham gia các môn thể thao, chẳng hạn như trượt ván, trượt tuyết và trượt patin.
Bài tập bảo vệ cổ tay
Động tác 1
Duỗi thẳng tay trước mặt. Nâng cổ tay để các ngón tay hướng lên trần nhà, sau đó hạ cổ tay để các ngón tay hướng xuống. Lặp lại động tác 10 lần.
Động tác 2
Mở rộng lòng bàn tay và kéo căng các ngón tay hết mức có thể. Sau đó nắm chặt các ngón tay lại. Thực hiện động tác khoảng 20 lần.
Động tác 3
Đặt cẳng tay lên mặt bàn và xoay cổ tay theo chiều kim đồng hồ 5 lần. Sau đó quay theo chiều ngược lại 5 lần.
Động tác 4
Đặt cổ tay và lòng bàn tay lên bàn, lòng bàn tay hướng xuống mặt bàn. Sử dụng cổ tay để xoay bàn tay, hướng lòng bàn tay lên trên. Thực hiện động tác khoảng 10 lần.
Động tác 5
Tương tự động tác 1, bạn cũng duỗi thẳng tay, nâng cổ tay để các ngón tay hướng lên trần nhà. Dùng tay phải, kéo các đầu ngón tay trái về sau để kéo dãn cổ tay. Lưu ý, kéo một cách vừa phải để không gây đau. Sau đó, gập cổ tay trái để các ngón tay hướng xuống. Dùng tay phải kéo giãn cổ tay. Thực hiện động tác 5 lần ở mỗi tay.