Triệu chứng

Đau ngực có những nguyên nhân nào? Chẩn đoán, điều trị ra sao?

Đau ngực là gì?

triệu chứng đau ngực

 

Đau ngực là một trong những lý do phổ biến nhất mà mọi người đến phòng cấp cứu. Đau ngực có biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào từng người. Cơn đau ngực rất đa dạng, về tính chất đau, mức độ, thời gian, vị trí, hoàn cảnh xảy ra….

Nhiều người mien tả cơn đau ngực như một cơn đau nhói, đau như dao đâm hoặc đau âm ỉ. Đây có thể là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim mạch, nhưng nó cũng có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân phổ biến không đe dọa đến tính mạng.

Nguyên nhân gây ra đau ngực?

Khi bạn bị đau ngực, suy nghĩ đầu tiên của bạn có thể là bạn đang bị đau tim. Mặc dù đau ngực là một dấu hiệu rõ ràng của một cơn đau tim, đau ngực cũng có thể được gây ra bởi nhiều tình trạng ít nghiêm trọng khác. Theo Trung tâm nghiên cứu sức khỏe quốc gia (NCHS), chỉ có khoảng 13 % số lượt đến phòng cấp cứu (ER) vì đau ngực có chẩn đoán vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tim.

Nguyên nhân đau ngực liên quan tới tim

Sau đây là những nguyên nhân liên quan đến tim của đau ngực:

Thiếu máu cơ tim, đó là sự tắc nghẽn dòng máu chảy đến tim

Bệnh thiếu máu cơ tim (hay còn gọi là thiếu máu cục bộ cơ tim) là bệnh lý xảy ra khi lưu lượng máu đến tim bị giảm, khiến cho tim không tiếp nhận đủ lượng oxy cần thiết cho hoạt động co bóp tống máu. Lượng máu đến tim giảm là hậu quả của sự tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ các nhánh của động mạch tim (động mạch vành).Thiếu máu cơ tim làm giảm khả năng bơm của tim, gây tổn thương cơ tim, nhiều trường hợp dẫn đến loạn nhịp tim và nhồi máu cơ tim. Sự tắc nghẽn đột ngột của động mạch vành có thể gây ra nhồi máu cơ tim.

Một số bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim không biểu hiện thành triệu chứng. Tuy nhiên, khi các dấu hiệu và triệu chứng xuất hiện, phổ biến nhất là cơn đau ở vùng ngực, thường là phía bên trái của cơ thể (đau thắt ngực). Ở bệnh nhân nữ, người cao tuổi hoặc người bị đái tháo đường, những biểu hiện của bệnh thiếu máu cơ tim có thể dễ nhận biết hơn, bao gồm:

  • Đau vùng cổ hoặc hàm
  • Đau vai hoặc cánh tay
  • Nhịp tim nhanh
  • Khó thở khi vận động cơ thể
  • Buồn nôn và nôn
  • Đổ nhiều mồ hôi
  • Mệt mỏi

Ở bệnh nhân thiếu máu cục bộ cơ tim, những tác nhân sau đây nhiều khả năng sẽ gây khởi phát cơn đau thắt ngực:

  • Vận động gắng sức
  • Sự căng thẳng
  • Nhiệt độ lạnh
  • Sử dụng cocain

Đau thắt ngực, đó là đau ngực do tắc nghẽn trong các mạch máu dẫn đến trái tim

Bệnh mạch vành tim (hay động mạch vành) xuất hiện khi xảy ra tình trạng động mạch vành bị hẹp hay bị tắc do nhiều nguyên nhân khác nhau ( thường là do mảng xơ vữa động mạch). Hậu quả là hệ thống động mạch vành không thể đáp ứng đủ nhu cầu oxy cho cơ tim. Thường khi tình trạng hẹp mạch vành từ 50% đường kính lòng mạch thì sẽ nhận thấy triệu chứng của bệnh.

Đau thắt ngực là biểu hiện quan trọng nhất giúp nhận biết bệnh mạch vành tim. Bệnh nhân lên cơn đau thắt ngực có cảm giác như tim bị bóp chặt, thắt nghẹt, đè ép hoặc đôi lúc khó chịu âm ỉ trong lồng ngực. Vị trí đau thường gặp là sau xương ức, vùng giữa ngực hoặc vùng tim. Dấu hiệu đau thắt ngực có thể xuất hiện tại chỗ hoặc lan lên vùng cổ, hàm, vai, cánh tay trái. Cơn đau thường chỉ xuất hiện trong thời gian rất ngắn chừng 10-30 giây hoặc vài phút. Trường hợp cơn đau kéo dài trên 15 phút thì nhiều khả năng bệnh nhân đang bị nhồi máu cơ tim.

Đau thắt ngực có 2 loại: đau thắt ngực ổn định và đau thắt ngực không ổn định. Đối với đau thắt ngực ổn định, nguyên nhân là do mảng xơ vữa gây hẹp động mạch vành. Dấu hiệu của cơn đau xuất hiện lặp đi lặp lại khi người bệnh vận động gắng sức nhưng ổn định lại khi nghỉ ngơi.

Đau thắt ngực không ổn định là tình trạng nguy hiểm hơn và nếu không được xử trí kịp thời có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim. Để phân biệt đau thắt ngực ổn định và không ổn định, ta dựa vào hoàn cảnh xảy ra cơn đau thắt ngực: khi nghỉ ngơi hay khi gắng sức. Nếu bệnh nhân vận động gắng sức tới một mức độ nhất định nào đó mới xảy ra đau thắt ngực, thì tình trạng này mang tính chất ổn định. Mặt khác, nếu cơn đau xuất hiện ngay cả khi đang nghỉ ngơi, thì điều này nói lên tính không ổn định và có nguy cơ sẽ chuyển thành nhồi máu cơ tim hoặc đột tử.

Viêm màng ngoài tim, là một viêm của màng bao quanh tim

Viêm màng ngoài tim là bệnh lý trong đó màng ngoài tim bị viêm và sưng. Màng ngoài tim là lớp bao sợi mỏng bao bọc quanh trái tim. Lớp sợi mỏng này như một tấm màng giữ tim cố định trong lồng ngực và bôi trơn cho tim. Viêm màng ngoài tim có thể cấp tính (bất thình lình) hoặc mãn tính (kéo dài lâu).

Triệu chứng thông thường của viêm màng ngoài tim là đau ngực, vị trí đau đằng sau xương ức và có thể lan đến vai và cổ. Một số trường hợp sẽ có triệu chứng như cảm thấy lơ mơ, bị đau nhức hoặc cảm giác bị đè ép. Thay đổi tư thế hoặc hít thở sâu có thể làm đau nhiều hơn. Ngồi nghiêng về phía trước có thể giảm đau.

Các triệu chứng khác có thể bao gồm:

  • Sốt nếu vết nhiễm trùng gây ra viêm ngoại tâm mạc
  • Tim đập nhanh
  • Khó thở.

Ngoài ra, lượng máu đi qua tim bị giảm xuống có thể gây ra các triệu chứng của suy tim bao gồm:

  • Khó thở
  • Phù cẳng chân, ngón chân, bụng;
  • Tĩnh mạch cổ có thể sưng to hoặc nhô lên.

Viêm cơ tim

Viêm cơ tim là tình trạng viêm các tế bào cơ tim, có thể cục bộ hoặc lan tỏa do tác nhân nhiễm trùng (virus, vi khuẩn, nấm…) hoặc tác nhân không nhiễm trùng.

Viêm cơ tim có thể không gây ảnh hưởng gì cho đến gây ảnh hưởng rất nặng nề, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Viêm cơ tim có thể ảnh hưởng đến bộ máy phát nhịp, gây ra các rối loạn nhịp nguy hiểm, khó khống chế, viêm cơ tim có thể gây suy tim cấp thậm chí sốc tim, gây bệnh cơ tim giãn suy tim mạn tính sau này.

Triệu chứng viêm cơ tim có thể từ nhẹ đến rất nặng. Các triệu chứng thường gặp của viêm cơ tim:

  • Dấu hiệu của nhiễm trùng: sốt, cảm cúm, đau mình mẩy…
  • Đau ngực
  • Khó thở tùy mức độ suy tim
  • Các rối loạn nhịp tim

Trường hợp nặng có dấu hiệu của sốc tim: huyết áp tụt, chân tay lạnh, tiểu ít, khó thở liên tục, có thể phù phổi cấp.

Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim là bệnh bắp thịt trên thành tim. Đây là bệnh lý khi cấu trúc cơ tim thay đổi dẫn đến chức năng cơ tim bị biến đổi. Khả năng bơm máu của tim cũng gặp vấn đề trầm trọng. Người mắc bệnh cơ tim có thể đối mặt với những biến chứng tim mạch thông qua nhiều loại bệnh của bệnh cơ tim.

Khi mắc bệnh cơ tim, các cơ tim trở nên quá lớn, dày hoặc chai cứng. Hiện tượng này khiến tim không thể co bóp liên tục, hữu hiệu để bơm máu trong hệ tuần hoàn.

Một số triệu chứng của bệnh cơ tim là:

  • Cảm thấy khó thở khi làm việc nặng, căng thẳng
  • Thường xuyên ho khi nằm xuống, cảm giác đau tức ngực
  • Luôn cảm thấy mệt mỏi, thiếu sức sống, hay chóng mặt, ngất xỉu
  • Phù chân, mắt cá và bàn chân

Những dấu hiệu này đều được nhận biết chỉ khi bệnh đã tiến triển. Chính vì vậy, nếu phát hiện có những triệu chứng như trên nên đến ngay bệnh viện để kiểm tra tim sớm nhất có thể.

Bóc tách động mạch chủ

Một tình trạng hiếm gặp liên quan đến rách động mạch chủ là một mạch máu lớn ra khỏi tim: Bóc tách động mạch chủ là một căn bệnh rất nguy hiểm và có thể gây tử vong. Khi mắc bệnh, các lớp của động mạch chủ bệnh nhân bị tách rời nhau ra dẫn đến vỡ động mạch chủ và thiếu máu cục bộ.

Bóc tách động mạch chủ thường phổ biến ở đàn ông khoảng 60-70 tuổi, nhưng trong một số ít trường hợp cũng có thể xuất hiện ở những người trẻ tuổi hơn. Bóc tách động mạch chủ là một bệnh lý rất nghiêm trọng và là nguyên nhân dẫn đến tử vong hoặc suy tim.

Các yếu tố nguy cơ làm tăng khả năng mắc bệnh bóc tách động mạch chủ như:

  • Tăng huyết áp không kiểm soát
  • Xơ cứng động mạch
  • Bị phình động mạch
  • Khiếm khuyết van động mạch chủ (van động mạch chủ 2 lá)
  • Hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh
  • Các bệnh di truyền như hội chứng Turner, hội chứng Marfan, bệnh mô liên kết khác (hội chứng Ehlers-Darlos, hội chứng Loeys – Dietz), các tình trạng viêm nhiễm (viêm động mạch đại bào, giang mai).

Trong đa số các trường hợp, bóc tách động mạch chủ xuất hiện rất đột ngột và đi kèm các triệu chứng sau:

  • Cơn đau dữ dội ở dưới xương ức
  • Cơn đau lan đến vai, cổ, cánh tay, hai bả vai hoặc trên lưng
  • Thở gấp và khó thở khi nằm thẳng
  • Vã mồ hôi
  • Lú lẫn
  • Ngất xỉu hoặc chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Chênh lệch huyết áp ở 2 cánh tay.

Nguyên nhân đau ngực liên quan tới tiêu hóa

Sau đây là những nguyên nhân gây đau ngực từ đường tiêu hóa:

Trào ngược axit, hay ợ nóng

Trào ngược dạ dày- thực quản còn được gọi là trào ngược axit dạ dày, là tình trạng trào ngược từng lúc hay thường xuyên của dịch dạ dày lên thực quản. Trào ngược dạ dày thực quản có thể sinh lý, chức năng (không ảnh hưởng sinh hoạt và phát triển thể chất của cơ thể) hoặc bệnh lý có thể gây ra suy dinh dưỡng, viêm thực quản, và một số biến chứng hô hấp khác, thậm chí tử vong.

Biểu hiện của trào ngược dạ dày thực quản:

  • Ợ nóng là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ.
  • Ợ chua xảy ra nhiều nhất vào buổi sáng khi đánh răng. Ợ chua, ợ nóng cũng hay đi kèm với nhau. Bệnh nhân có cảm giác ợ lên, kèm theo vị chua trong miệng.
  • Buồn nôn, nôn
  • Đau, tức ngực: có cảm giác bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng và cánh tay. Triệu chứng này là nguyên nhân khiến bệnh trào ngược dạ dày – thực quản dễ bị nhầm lẫn với các bệnh tim mạch. Cảm giác đau này là đau ở đoạn thực quản phần chạy qua ngực.
  • Khó nuốt
  • Khản giọng và ho
  • Đắng miệng

Vấn đề nuốt liên quan đến rối loạn thực quản

Co thắt thực quản là chứng rối loạn co giãn cơ trơn ở thực quản – ống nối giữa miệng và dạ dày – gây khó khăn trong việc di chuyển thức ăn xuống dạ dày. Khi bạn bị co thắt thực quản, phần cơ nằm giữa thực quản và dạ dày của bạn (phần cơ vòng thực quản dưới) sẽ không hoạt động và làm thức ăn không trôi xuống được.

Triệu chứng chính của co thắt thực quản là khó nuốt hoặc đau tức ngực khi nuốt. Bạn cũng có thể sụt cân vì ăn uống khó khăn hoặc bị đau. Những triệu chứng khác của bệnh có thể có bao gồm đau ngực, ho, thở khò khè, ợ nóng, ợ hơi và nôn mửa. Đối với các trường hợp nặng, bạn còn có thể bị hôi miệng. Có thể có các triệu chứng và dấu hiệu khác không được đề cập.

Sỏi mật

Sỏi mật là loại sỏi được hình thành trong túi mật hoặc đường mật, gây ra các triệu chứng như:

  • Những cơn đau nhiều và liên tục kéo dài từ 30 phút đến vài giờ.
  • Cơn đau thường xảy ra ở vùng bụng phải hoặc thượng vị
  • Bệnh thường đau nhiều sau khi ăn hoặc về đêm khiến bệnh nhân khó ngủ
  • Sỏi mật sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm nếu bệnh kéo dài như: viêm túi mật, tắc nghẽn đường mật, ung thư túi mật.

Viêm túi mật

Viêm túi mật hiện tượng nhiễm trùng túi mật, có thể diễn ra đột ngột gọi là viêm túi mật cấp, hoặc tái phát nhiều lần gọi là viêm túi mật mãn tính.

Triệu chứng viêm túi mật cấp trải qua bốn giai đoạn:

Giai đoạn 1: Sỏi bị tống vào túi mật gây đau thượng vị kèm ói do phản xạ.

Giai đoạn 2: Sỏi bị kẹt ở cổ hoặc ống túi mật khiến cho dịch mật không thể thoát ra được gây nên viêm vách túi mật. Triệu chứng ở giai đoạn này là đau vùng hạ sườn phải, cơn đau quặn, có thể lan ra sau lưng hoặc lên vai phải, có thể sốt nhẹ.

Giai đoạn 3: Ống túi mật tiếp tục bị tắc nghẽn làm cho vi trùng phát triển và xảy ra viêm phúc mạc. Toàn thân nhiễm độc, sốt cao.

Giai đoạn 4: Túi mật bị thủng sau 48- 72 giờ bị tắc nghẽn. Nếu có các bệnh lý khác như đái tháo đường, bệnh tạo keo, viêm tắc động mạch thì túi mật có thể bị thủng sớm hơn thời gian trên.

Viêm tụy

Bệnh viêm tụy cấp là tình trạng viêm đột ngột trong một thời gian ngắn với các triệu chứng từ nhẹ đến nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Hầu hết những người bị viêm tụy cấp đều hồi phục hoàn toàn nếu như được khi điều trị đúng và kịp thời.

Triệu chứng của viêm tụy cấp bao gồm:

  • Đau bụng lan tỏa ra sau lưng; triệu chứng có thể trầm trọng hơn sau khi ăn các thực phẩm giàu chất béo.
  • Chướng bụng và đau
  • Buồn nôn và ói mửa
  • Sốt
  • Tăng nhịp tim

Nguyên nhân đau ngực liên quan tới phổi

Sau đây là các nguyên nhân liên quan đến phổi của đau ngực:

Viêm phổi

Viêm phổi là một bệnh nhiễm trùng phổi. Các túi khí trong phổi (được gọi là phế nang) chứa đầy mủ và chất dịch khác, khiến cho ôxy khó tiếp cận với dòng máu. Người bị viêm phổi có thể bị sốt, ho hoặc khó thở.

Các triệu chứng khác nhau tùy thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân gây ra viêm phổi, nhưng có thể bao gồm: Thở rất nhanh (trong một số trường hợp, đây là triệu chứng duy nhất); thở rên hoặc thở khò khè, thở gắng sức (trong y học dùng thuật ngữ phập phồng cánh mũi, co kéo cơ hô hấp để chỉ triệu chứng này); sốt, ho, nghẹt mũi, ớn lạnh, buồn nôn, nôn, tức ngực, đau bụng (vì trẻ bị ho và khó thở).

Ít xuất hiện hơn là các triệu chứng: Mất cảm giác thèm ăn (ở trẻ lớn hơn) hoặc bú kém (ở trẻ sơ sinh), có thể dẫn đến mất nước trong trường hợp nặng, tím môi và đầu ngón tay.

Viêm phế quản do virus

Là tình trạng viêm nhiễm cấp tính niêm mạc đường thở từ thanh quản trở xuống tới nhu mô phổi.

Biểu hiện của viêm phế quản cấp thường dễ nhận biết, bệnh thường xuất hiện sau một đợt cúm (người bệnh có sốt, đau đầu, đau mỏi người, đau rát họng, hắt hơi, sổ mũi, chảy nước mũi). Sau đó bệnh nhân xuất hiện ho tăng dần, có thể ho đơn thuần không kèm khạc đờm, nhưng nhiều trường hợp có ho, khạc đờm. Trong những trường hợp này, người bệnh nên khạc đờm ra tờ giấy trắng, và nhận biết màu sắc đờm của mình. Nếu đờm màu trắng trong, khi đó bệnh thường chỉ do virus, nhưng khi thấy đờm có màu vàng, màu xanh, hoặc màu đục như mủ: Những trường hợp này thường là viêm phế quản cấp do vi khuẩn, và cần được dùng kháng sinh.

Một số rất ít trường hợp viêm phế quản cấp có thể có khó thở, hoặc có sốt, thậm chí có thể có đau ngực.

Để tránh nhầm lẫn viêm phế quản cấp với những bệnh nhiễm trùng hô hấp khác, tất cả những trường hợp có ho, khạc đờm, mà kèm theo chỉ cần một trong các biểu hiện như bệnh kéo dài quá 5 ngày, có thêm biểu hiện sốt, khó thở, tức ngực hoặc mệt nhiều,… cần đến khám bác sĩ ngay

Tràn khí màng phổi

Tràn khí màng phổi xảy ra khi có không khí tràn vào giữa phổi và thành ngực. Tràn khí màn phổi có 2 loại là tràn khí màn phổi tự phát (đột ngột xảy ra ở người khỏe mạnh, chưa có tiền sử bị bệnh) và tràn khí màn phổi thứ phát (xuất hiện từ các biến chứng khác về phổi). Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể gây tử vong.

Các triệu chứng tràn khí màn phổi thường gặp nhất là thở nhanh và đau nhói ở ngực, đặc biệt là khi hít vào và thở ra. Ngoài ra còn có các triệu chứng khác như:

  • Khó thở
  • Ngất xỉu
  • Da xanh xao
  • Dễ mệt mỏi
  • Nhịp tim nhanh.

Thuyên tắc phổi

Thuyên tắc phổi chỉ tình trạng trong phổi có máu đông và gây tắc nghẽn  động mạch phổi. Nguyên nhân chính của tắc mạch phổi là huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Các yếu tố làm tăng nguy cơ cho sự phát triển DVT và tắc mạch phổi bao gồm ung thư, gãy xương hông hoặc chân, béo phì.

Các triệu chứng nghẽn mạch phổi có thể bao gồm thở ngắn, lo lắng, đau ngực, ho ra máu và sưng tấy bắp chân. Thuyên tắc phổi có thể đe dọa tính mạng và được xem là trường hợp nguy hiểm.

Co thắt phế quản hoặc co thắt đường dẫn khí

Điều này thường xảy ra ở những người mắc bệnh hen suyễn và các rối loạn liên quan như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

Phổi tắc nghẽn mãn tính gây ra những tác động, dấu hiệu trực tiếp ở hệ thống hô hấp, cụ thể là:

  • Tình trạng ho mãn tính, kéo dài
  • Ho có đờm, đờm có màu trắng, màu vàng xám, màu xanh lá cây thậm chí đôi khi có thể thấy đờm kèm máu
  • Bị nhiễm trùng đường hô hấp và tái đi tái lại tình trạng cúm, cảm lạnh
  • Khó thở, thở gấp sức, thở gấp
  • Ngực có cảm giác thắt chặt, đau
  • Thở khò khè, mệt mỏi kéo dài
  • Sốt nhẹ và có cảm giác ớn lạnh.

Nguyên nhân liên quan đến cơ xương khớp của đau ngực

Sau đây là những nguyên nhân gây đau ngực liên quan đến cơ xương khớp:

Đau dây thần kinh liên sườn

Người dấu hiệu chỉ đau ở một bên (trái hoặc phải) đau từ trước ngực (xương ức) lan theo mạn sườn ra phía sau cạnh cột sống. Bạn có thể cảm thấy đau và tăng cảm giác ở vùng đau khi ấn sờ.

Đau dây thần kinh liên sườn thường xuất hiện khi có các bệnh nhiễm khuẩn (cúm, lao, thấp khớp), các bệnh bên trong (phổi, màng phổi, tim, gan) hay tổn thương ở đốt sống lưng (ung thư nguyên phát hay di căn, thoái hóa, u tủy).

Nhiều trường hợp bệnh nhân đau từ ngoại vi (vùng ngực, xương ức) trở vào cột sống, cảm giác này tăng khi ho, hắt hơi hay thay đổi tư thế.

Nhiều trường hợp đau do zona liên sườn (virus tấn công vào dây thần kinh). Biểu hiện ban đầu là đau, sau đó phát ban đỏ, mụn nước ở vùng da có dây thần kinh liên sườn đi qua. Cuối cùng xuất hiện ban da hình dãy từ cột sống tới xương ức.

Một số nguyên nhân khác:

  • Xương sườn gãy hoặc rạn
  • Đau cơ do gắng sức hoặc hội chứng đau mãn tính
  • Gãy xương gây áp lực lên dây thần kinh

Những triệu chứng có thể xảy ra cùng với đau ngực?

Bạn có thể có các triệu chứng khác xảy ra cùng với đau ngực. Xác định các triệu chứng cùng mắc có thể giúp bác sĩ chẩn đoán. Bao gồm các triệu chứng sau:

Triệu chứng liên quan đến tim

Mặc dù đau là triệu chứng phổ biến nhất của vấn đề về tim, một số người gặp phải các triệu chứng khác, có hoặc không có đau ngực. Đặc biệt, ghi nhận các triệu chứng bất thường từ nữ giới mà sau đó được xác định liên quan tới bệnh tim:

  • Đau thắt ngực hoặc cảm giác đè nặng
  • Đau lưng, quai hàm hoặc đau cánh tay
  • Mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Choáng váng
  • Khó thở
  • Đau bụng
  • Buồn nôn
  • Đau khi gắng sức

Các triệu chứng khác

Các triệu chứng có thể cho thấy cơn đau ngực của bạn không liên quan đến tim bao gồm:

  • Có vị chua hoặc axit trong miệng của bạn
  • Cơn đau chỉ xảy ra sau khi bạn nuốt hoặc ăn
  • Khó nuốt
  • Cơn đau tốt hơn hay xấu hơn tùy thuộc vào vị trí cơ thể của bạn
  • Cơn đau nặng hơn khi bạn thở sâu hoặc ho
  • Đau kèm theo phát ban
  • Sốt
  • Nhức mỏi
  • Ớn lạnh
  • Sổ mũi
  • Ho
  • Cảm giác hoang mang hay lo lắng
  • Thở nhanh
  • Đau lưng tỏa ra trước ngực

Chẩn đoán đau ngực như thế nào?

Tìm kiếm sự trợ giúp hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể bị đau tim và đặc biệt là nếu cơn đau ngực của bạn chưa từng xảy ra trước đó, không giải thích được hoặc kéo dài hơn một vài phút.

Bác sĩ sẽ hỏi bạn một số câu hỏi và câu trả lời của bạn có thể giúp họ chẩn đoán nguyên nhân đau ngực của bạn. Hãy chuẩn bị để thảo luận về bất kỳ triệu chứng liên quan và chia sẻ thông tin về bất kỳ loại thuốc, phương pháp điều trị hoặc các tình trạng bệnh lý mà bạn mắc trước đó.

Xét nghiệm

Bác sĩ có thể yêu cầu các xét nghiệm để giúp chẩn đoán hoặc loại bỏ các vấn đề liên quan đến tim là nguyên nhân gây đau ngực của bạn. Có thể bao gồm các xét nghiệm sau:

  • Điện tâm đồ (ECG hoặc EKG), ghi lại điện thế hoạt động của tim
  • Xét nghiệm máu để đo men tim
  • Chụp X-quang ngực để kiểm tra tim, phổi của bạn
  • Siêu âm tim, sử dụng sóng âm thanh để ghi lại hình ảnh chuyển động của tim
  • MRI để tìm kiếm tổn thương của tim hoặc động mạch chủ
  • Đo chức năng tim của bạn sau khi gắng sức
  • Chụp động mạch để xem có tắc nghẽn không.

Đau ngực được điều trị như thế nào?

Bác sĩ có thể điều trị đau ngực bằng thuốc, các thủ thuật không xâm lấn, phẫu thuật hoặc kết hợp các phương pháp này. Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân và mức độ nghiêm trọng của cơn đau ngực của bạn.

Phương pháp điều trị các nguyên nhân gây đau ngực liên quan đến tim bao gồm:

  • Các loại thuốc, bao gồm nitroglycerin và các loại thuốc khác làm giãn mạch, thuốc chống đông máu…
  • Đặt ống thông tim, có thể liên quan đến việc đặt bóng hoặc stent để mở các động mạch bị hẹp.
  • Phẫu thuật sửa chữa động mạch , còn được gọi là phẫu thuật bắc cầu mạch vành.

Phương pháp điều trị các nguyên nhân gây đau ngực khác bao gồm:

  • Thuốc kháng axit hoặc các thuốc chống trào ngược.
  • Thuốc chống lo âu cho đau ngực liên quan đến các cơn hoảng loạn
  • Thuốc giảm đau thông thường như paracetamol, diclofenac;
  • Thuốc điều trị đau thần kinh nhóm gabapentin;
  • Thuốc giãn cơ vân như myonal, mydocalm. Thuốc chỉ dùng cho các trường hợp đau nhiều, có cảm giác co rút vùng sườn tổn thương.

Nói chung tùy thuộc vào nguyên nhân gây đau ngực mà bác sĩ sẽ kê thuốc điều trị.

Bác sĩ có thể điều trị và giải quyết cơn đau ngực do nhiều tình trạng phổ biến. Chúng có thể bao gồm trào ngược axit, lo lắng, hen suyễn hoặc các rối loạn liên quan.

Tuy nhiên, đau ngực cũng có thể là triệu chứng của tình trạng nguy hiểm đe dọa tính mạng. Tìm kiếm sự trợ giúp hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu bạn nghĩ rằng bạn có thể đang trải qua một cơn đau tim hoặc một vấn đề về tim mạch khác. Điều này có thể cứu cuộc sống của bạn. Khi bác sĩ chẩn đoán cho bạn, họ có thể đề nghị các phương pháp điều trị kết hợp để kiểm soát tình trạng của bạn.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment