Mục lục
Huyết áp là gì?
Huyết áp là áp lực mà máu tác động lên thành mạch khi tim bơm máu đi khắp cơ thể. Huyết áp được tính đo bằng milimet thủy ngân (mmHg)
Huyết áp tâm thu là chỉ số đầu tiên của kết quả, thể hiện áp lực lên thành máu khi tim co bóp đẩy máu đi khắp cơ thể
Huyết áp tâm trương là chỉ số thứ hai, thể hiện áp lực lên thành mạch máu khi tim nghỉ ngơi giữa các nhát bóp.
Tại sao việc kiểm soát huyết áp lại quan trọng đến vậy:
Tăng huyết áp hoặc khi huyết áp quá cao sẽ có thể dẫn tới các nguy cơ, biến chứng nguy hiểm như bệnh tim, mất thị lực, suy thận, đột quỵ.
Hạ huyết áp hay huyết áp quá thấp cũng gây các tác động nghiêm trọng, với các dấu hiệu như chóng mặt, ngất xỉu. Khi huyết áp thấp thì các cơ quan, tế bào sẽ không nhận được đủ lượng máu cũng như oxy và chất dinh dưỡng, gây tổn thương các cơ quan nghiêm trọng.
Chỉ số huyết áp của bạn là bao nhiêu
Để có thể kiểm soát được huyết áp của bạn, thì bạn cần biết chỉ số huyết áp bao nhiêu là lý tưởng và bao nhiêu thì đáng lo ngại cần phải đi khám. Sau đây là bảng phân độ huyết áp được sử dụng để chẩn đoán tăng huyết áp ở người lớn.
Phân loại | Huyết áp tâm thu (mmHg) | Huyết áp tâm trương (mmHg) |
---|---|---|
Hạ huyết áp | <=90 | <=60 |
Bình thường | 91-119 | 61-79 |
Huyết áp cao | 120-129 | <80 |
Tăng huyết áp độ 1 | 130-139 | 80-89 |
Tăng huyết áp độ 2 | >140 | >=90 |
Cơn tăng huyết áp | >180 | >120 |
Khi so vào bảng trên thì chỉ cần một chỉ số tâm thu hoặc tâm trương cao thì bạn đã được xem là tăng huyết áp. Ví dụ nếu huyết áp của bạn là 119/81 mmHg thì bạn được coi là tăng huyết áp độ I.
Cách kiểm tra huyết áp
Có rất nhiều cách để kiểm tra huyết áp của bạn ví dụ như tới cơ sở y tế, phòng khám hay những nhà thuốc cũng có thể đo huyết áp cho bạn.
Hội tim mạch Hoa Kỳ khuyến khích sử dụng máy đo huyết áp tự động tại nhà để theo dõi huyết áp một cách chủ động hơn. Chúng ta nên đo huyết áp ở cánh tay là tốt nhất, huyết áp đo ở cổ tay cũng có giá trị nhưng có thể không được chính xác.
Khi đo huyết áp có một số điều cần lưu ý:
- Bạn ngồi tư thế thoải mái, lung thẳng, chân đặt xuống nền và để tay ngang mức tim trên bàn
- Quấn băng quấn của máy đo huyết áp ngay trên khuỷu tay
- Không tập thể dục, uống cafe hoặc hút thuốc 30p trước khi lấy huyết áp
Điều trị tăng huyết áp
Ngay cả khi huyết áp của bạn đang trong giới hạn bình thường nhưng nếu đột nhiên có một lúc nào đó tăng lên một cách bất thường thì đều là dấu hiệu không tốt. Quan trọng là bạn phải theo dõi huyết áp một cách thường xuyên theo lời khuyên của bác sĩ.
Khi theo dõi huyết áp, bạn nên ghi lại huyết áp của mình vào một cuốn sổ theo dõi. Dựa vào số liệu đó bác sĩ sẽ phân tích được rõ hơn tình trạng tăng huyết áp của bạn.
Đối với bệnh nhân tăng huyết áp
Khi bị tăng huyết áp, bạn cần được theo dõi huyết áp một cách chặt chẽ vì tăng huyết áp sẽ dẫn tới các nguy cơ về bệnh tim mạch, đột quỵ…
Huyết áp cao hay còn gọi là tiền tăng huyết áp thì lúc này bạn đang có nguy cơ bị tăng huyết áp thực sự, vì vậy bạn nên lập tức thay đổi lối sống như ăn uống lành mạnh, giảm rượu và tập thể dục thường xuyên. Thay đổi lối sống có thể giúp bạn ổn định huyết áp mà không cần dùng thuốc.
Nếu bạn bị tăng huyết áp độ 1, thì ngoài thay đổi lối sống có thể bạn sẽ phải dùng thêm một số loại thuốc hạ áp tùy theo chỉ định của bác sĩ. Hiện nay có nhiều loại thuốc hạ áp với cơ chế khác nhau như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển angiotensin, thuốc chẹn thụ thể angiotensin II, thuốc chẹn kênh calci
Tăng huyết áp độ 2 tức là huyết áp ở bạn đang ở mức cao, các nguy cơ, biến chứng sẽ tăng lên rất nhiều. Vì vậy quá trình điều trị phải kết hợp chặt chẽ giữa thay đổi lối sống và dùng nhiều loại thuốc kết hợp.
Đối với bệnh nhân huyết áp thấp
Cách tiếp cận điều trị huyết áp thấp sẽ khác với tăng huyết áp. Nếu bạn không có triệu chứng gì thì có thể không cần điều trị. Huyết áp thấp thường là do các vấn đề về bệnh lý như bệnh lý tuyến giáp, tác dụng phụ của thuốc, mất nước, tiểu đường hoặc mất máu. Những nguyên nhân này sẽ được ưu tiên xử lý trước.
Nếu huyết áp của bạn thấp mà không rõ lý do thì có một số phương pháp điều trị dành cho bạn:
- Ăn nhiều muối hơn
- Uống nhiều nước hơn
- Dùng tất bó để chống ứ máu ở chi dưới
- Dùng corticosteroid như fludrocortisone để tăng thể tích máu
Biến chứng
Huyết áp cao hoặc thấp nếu không được điều trị, quản lý đều có thể gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Tăng huyết áp phổ biến hơn rất nhiều so với hạ huyết áp. Nếu bạn không theo dõi huyết áp thường xuyên thì gần như bạn không thể biết được huyết áp của mình có tăng hay không. Thường triệu chứng của tăng huyết áp rất lu mờ hoặc không có cho tới khi xuất hiện cơ tăng huyết áp. Cơn tăng huyết áp là một cấp cứu đòi hỏi phải được xử trí lập tức và kịp thời.
Nếu không được theo dõi và quản lý, tăng huyết áp sẽ gây ra nhiều biến chứng như:
- Đột quỵ
- Cơn đau thắt ngực
- Lóc tách động mạch chủ
- Phình động mạch
- Hội chứng chuyển hóa
- Tổn thương thận
- Mất thị lực
- Giảm trí nhớ
Mặt khác, huyết áp thấp có thể gây ra:
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Chấn thương do ngã
- Tổn thuơng tim
- Tổn thương não
- Tổn thương các cơ quan khác
Cách phòng tránh
Thay đổi lối sống là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa tăng huyết áp. Một lối sống lành mạnh gồm có:
- Chế độ ăn tốt cho tim mạch gồm có nhiều trái cây, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein ít chất béo
- Giảm tiêu thụ natri, bạn nên hạn chế dùng dưới 2.4g muối mỗi ngày, tốt nhất là không quá 1.5g muối mỗi ngày
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Bỏ thuốc lá
- Tập thể dục đều đặn
- Kiểm soát stress như thiền, yoga. Căng thẳng kéo dài sẽ gây tăng huyết áp, vì thế kiểm soát căng thẳng, thư giãn là rất quan trọng
Tăng huyết áp hay hạ huyết áp nếu không được kiểm soát thường dẫn tới các nguy cơ đe dọa tính mạng. Vì vậy hãy đi khám sức khỏe định kỳ, thường xuyên để phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Nhiều khi một lối sống lành mạnh hơn là đủ để huyết áp của bạn trở lại bình thường mà không cần phải lo lắng gì.