Mắt

Phẫu thuật Lasik: Tất cả những điều bạn cần biết

Bạn có biết từ “LASIK” là từ viết tắt của “laser-assisted in situ keratomileusis” có nghĩa là bào mòn giác mạc bằng laser. LASIK là phẫu thuật mắt bằng laser được thực hiện phổ biến nhất để điều trị cận thị, viễn thị và loạn thị.

Giống như các loại phẫu thuật khúc xạ khác, phẫu thuật LASIK định hình lại giác mạc để cho phép ánh sáng từ vật đi vào mắt được tập trung chính xác vào võng mạc để nhìn rõ hơn.

Phẫu thuật LASIK về cơ bản là không đau và chỉ mất khoảng 15 phút cho cả hai mắt. Kết quả là cải thiện thị lực mà không cần đeo kính mắt hoặc kính áp tròng, có thể nhận thấy hiệu quả ngay sau phẫu thuật, thị lực thường tiếp tục cải thiện và ổn định trong một vài ngày.

Nếu bạn không đủ điều kiện để phẫu thuật LASIK, bạn có thể lựa chọn một vài phẫu thuật điều chỉnh thị lực khác như phẫu thuật mắt bằng laser PRK và LASEK và phẫu thuật phakic IOL.

Nếu bạn đang có ý định phẫu thuật LASIK  hay tìm hiểu về LASIK, bài viết dưới đây sẽ giúp bạn.

Phẫu thuật LASIK được thực hiện như thế nào?

phẫu thuật lasik

Bước 1

Tạo vạt giác mạc

Bước 2

Lật vạt giác mạc  để tiếp cận giác mạc bên dưới+ chiếu laser excimer làm mỏng nhu mô giác mạc để tạo hình lại giác mạc.

Laser Excimer có  bước sóng 193mm, tạo ra do sự kích hoạt hỗn hợp khí Argon Floride, không sinh nhiệt. Laser được phát ra dưới dạng xung, trung bình mỗi xung sẽ lấy đi khoảng 0,25 micron, vì vậy độ cận càng cao thì giác mạc bị bào mỏng càng nhiều. Do năng lượng laser tạo ra lớn hơn năng lượng giữ các liên kết phân tử giác mạc nên sẽ làm phá vỡ các liên kết này và làm bốc hơi vào không khí, phần giác mạc còn lại vẫn trong suốt bình thường, cho phép ánh sáng đi vào mắt tập trung chính xác hơn vào võng mạc để cải thiện thị lực.

Đối với những người cận thị, mục tiêu là làm phẳng giác mạc; với những người bị viễn thị, giác mạc được tạo hình lại cho có độ dốc hơn. Laser Excimer cũng có thể điều chỉnh loạn thị bằng cách làm mịn giác mạc không đều thành hình dạng bình thường hơn.

Bước 3

Sau khi cắt bỏ bằng laser định hình lại giác mạc, vạt giác mạc được trải lại phủ lên khu vực nơi mô giác mạc bị cắt bỏ.

Phẫu thuật mắt bằng laser LASIK chỉ cần dùng thuốc gây tê tại chỗ, và không cần khâu và không chảy máu.

Chuẩn bị trước khi phẫu thuật LASIK

Bác sĩ sẽ thực hiện kiểm tra mắt kỹ lưỡng để đảm bảo mắt bạn đủ điều kiện để làm phẫu thuật. Bác sĩ sẽ đánh giá: hình dạng và độ dày của giác mạc; kích thước đồng tử; tật khúc xạ (cận thị, viễn thị và loạn thị); cũng như bất kỳ điều kiện mắt khác.

Màng nước mắt (tear film) trên bề mặt giác mạc của bạn cũng sẽ được đánh giá, và bác sĩ có thể đưa ra một biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ phát triển khô mắt sau LASIK.

Thông thường, bác sĩ sẽ sử dụng máy chụp bản đồ giác mạc (Corneal topographers) để đo độ cong của bề mặt giác mạc và tạo ra một “bản đồ” giác mạc.

Với công nghệ mặt sóng (wavefront technology) kết hợp với LASIK tùy chỉnh, bác sĩ có thể lập bản đồ những khiếm khuyết thị giác rất tinh tế và chính xác hơn nữa và sau đó lên một kế hoạch điều trị bằng laser để sửa chữa chúng.

Bác sĩ cũng sẽ hỏi bạn về tiền sử bệnh tật, tình hình sức khỏe tổng thể và các loại thuốc bạn đang dùng để xác định xem bạn có phải là ứng cử viên phù hợp để phẫu thuật LASIK hay không.

Bạn nên ngừng đeo kính áp tròng trong khoảng thời gian khoảng tuần trước khi khám mắt và trước khi phẫu thuật LASIK do việc đeo kính áp tròng có thể tạm thời thay đổi hình dạng tự nhiên của giác mạc.

Trong khi phẫu thuật

Trước khi phẫu thuật LASIK của bạn bắt đầu, bác sĩ sẽ nhỏ thuốc nhỏ mắt để gây tê, ngăn chặn bất kỳ sự khó chịu trong quá trình phẫu thuật. Bác sĩ cũng có thể cung cấp cho bạn một số loại thuốc giúp bạn thư giãn.

Bác sĩ sẽ định vị mắt bạn dưới tia laser và dùng Lid mỏ vịt để giữ cho mí mắt mở rộng.

Bác sĩ phẫu thuật sử dụng bút đánh dấu để đánh dấu giác mạc trước khi tạo vạt. Đặt vòng hút chân không tạo ra một áp lực giữ cố định giác mạc

Đặt dao cắt giác mạc vào vòng hút để tạo vạt giác mạc (30 giây) bằng dao Microkeratome, dao Oup hoặc bằng Femtosecond laser.

Lật vạt giác mạc.

Chiếu Laser trên phần nền của giác mạc (1 phút), quá trình này không hề đau, mặc dù bạn có thể cảm thấy có một chút áp lực lên mắt. Bạn cũng sẽ nghe thấy âm thanh phát ra đều đặn trong khi laser đang hoạt động.

Đậy vạt giác mạc trở lại và rửa vạt giác mạc

LASIK được thực hiện trên từng mắt riêng biệt, với mỗi quy trình chỉ mất khoảng năm phút.

Ngay sau phẫu thuật LASIK

Sau khi hoàn thành phẫu thuật LASIK, bác sĩ sẽ cho bạn nghỉ ngơi một chút trong khoảng 15-20 phút. Bạn có thể cảm thấy nóng rát hoặc ngứa tạm thời ngay sau khi phẫu thuật.

Sau đó bác sĩ phẫu thuật sẽ kiểm tra lại xem vạt giác mạc đã dính lại chưa. Nếu tình trạng tốt, sau nghỉ 1h, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn nhỏ thuốc mắt, đeo kính bảo vệ mắt và về nhà ngay

Bạn sẽ cần 1 người đưa bạn về nhà vì bạn sẽ không thể lái xe cho tới khi bác sĩ khám lại vào ngày hôm sau và kết luận tầm nhìn không bị ảnh hưởng đến việc lái xe.

Tầm nhìn có thể bị mờ ngay sau phẫu thuật những sẽ trở nên rõ ràng hơn vào sáng hôm sau.

Thị lực của bạn sẽ ổn định và tiếp tục cải thiện trong vòng vài ngày, mặc dù trong những trường hợp hiếm hoi có thể mất vài tuần hoặc lâu hơn. Đối với hầu hết các trường hợp, tầm nhìn cải thiện ngay lập tức.

Bạn hoàn toàn có thể đi làm vào ngày hôm sau, nhưng các bác sĩ khuyên rằng bạn nên nghỉ ngơi ít nhất 1 ngày.

Ngoài ra, bạn không nên tập bất kỳ bài tập nặng nào trong ít nhất một tuần, vì điều này có thể làm tổn thương mắt và ảnh hưởng đến việc chữa lành.

Thông thường, bạn sẽ quay lại gặp bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật LASIK vào ngày sau phẫu thuật.

Ở lần kiểm tra ban đầu này, bạn sẽ được đo thị lực để đảm bảo rằng bạn có thể lái xe mà không cần kính hoặc kính áp tròng.

Giống như bất kỳ cuộc phẫu thuật nào khác, điều rất quan trọng đó là làm theo hướng dẫn của bác sĩ và uống thuốc theo đơn.

Ngoài ra, tránh dụi mắt, vì việc làm này có nguy cơ đánh bật giác mạc nếu dụi mạnh trước khi giác mạc liền hoàn toàn với lớp giác mạc bên dưới.

Kết quả lâu dài

Phẫu thuật mắt bằng laser mang lại rất nhiều lợi ích và có thể cải thiện đáng kể chất lượng cuộc sống của bạn.

Hầu hết mọi người đạt được thị lực 20/20 hoặc tốt hơn sau phẫu thuật, nhưng kết quả LASIK lại khác nhau. Một số người có thể chỉ đạt được tầm nhìn 20/40 hoặc ít hơn.

Bạn vẫn có thể cần phải đeo kính hoặc kính áp tròng sau khi điều chỉnh thị lực bằng laser, tuy nhiên số độ sẽ giảm đi nhiều so với trước đây.

Nếu bạn vẫn còn tật khúc xạ nhẹ sót lại sau LASIK và bạn muốn tầm nhìn sắc nét hơn cho một số hoạt động nhất định như lái xe vào ban đêm, kính thuốc theo toa với lớp phủ chống phản xạ thường có thể hữu ích.

Ngoài ra, nếu bạn nhạy cảm với ánh sáng mặt trời sau LASIK, kính râm có mắt đổi màu( photochromic lenses) có thể làm giảm chứng sợ ánh sáng để nhìn rõ hơn, đem lại sự thoải mái hơn.

Trong khi LASIK có độ an toàn cao, tuy nhiên các biến chứng LASIK vẫn có thể xảy ra. Chúng bao gồm:

Nhiễm trùng: Viêm bờ mi, viêm mí mắt có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng hoặc viêm giác mạc sau khi phẫu thuật LASIK.

Thấy quầng sáng hoặc lóa sáng xung quanh ánh sáng vào ban đêm

Lệch vạt sau chấn thương đã được báo cáo 1-7 năm sau phẫu thuật LASIK.

Khô mắt hoặc trong các trường hợp nặng mãn tính khô mắt. Do dây thần kinh bị cắt đứt trong quá trình hoạt động Lasik (khoảng 70% của dây thần kinh giác mạc bị cắt đứt), hệ thống bôi trơn của mắt bị ảnh hưởng và dây thần kinh không bao giờ có thể khôi phục lại tình trạng trước tiền phẫu. Điều này có thể để lại bệnh nhân với tiềm năng khô mắt vĩnh viễn.

Một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân sẽ cần một phẫu thuật tăng cường LASIK, một vài tháng sau khi phẫu thuật LASIK trước đó để điều chỉnh tật khúc xạ tồn dư.

Bạn cũng có thể vẫn cần đến kính đọc sách khi bạn đạt đến độ tuổi 40, do mất thị lực liên quan đến tuổi tác gọi là viễn thị.

Mặc dù phẫu thuật LASIK có tỷ lệ thành công cao, nhưng điều quan trọng là bạn phải thảo luận với bác sĩ nhãn khoa hoặc bác sĩ phẫu thuật về bất kỳ mối lo ngại nào trước khi đồng ý phẫu thuật.

Những điều kiện để phẫu thuật Lasik

Không phải ai cũng có thể phẫu thuật LASIK. Để tối đa hóa an toàn và hiệu quả của phẫu thuật, những ai được phẫu thuật LASIK cần phải có những đặc điểm như:

  1. Đủ 18 trở lên: Để đám bảo nhãn cầu có cấu trúc tương đối ổn định.
  2. Ổn định độ khúc xạ: Độ khúc xạ không thay đổi trong ít nhất 1 hoặc tốt là 2 năm qua. Độ khúc xạ ảnh hưởng bởi di truyền, chế độ ăn uống, chế độ làm việc…Đặc biệt nhóm bệnh nhân dưới 25 tuổi độ khúc xạ cũng có thể bị ảnh hưởng bởi một số loại thuốc sử dụng hàng ngày.
  3. Bạn không bị các bệnh về mắt như viêm nhiễm, dị ứng hay không bị chấn thương mắt trong ít nhất  1 năm. Các bệnh về mắt như viêm nhiễm, khô mắt hoặc các bệnh khác liên quan tới giác mạc, võng mạc đều ảnh hưởng tới quá trình phẫu thuật hoặc gia tăng tỉ lệ biến chứng sau phẫu thuật Lasik.
  4. Hệ miễn dịch ổn định: Một số bệnh tự miễn như Lupus, viêm khớp hay bệnh xơ cứng sẽ ảnh hưởng tới quá trình lành vết thương sau phẫu thuật.
  5. Một số loại thuốc như steroids hoặc thuốc ức chế miễn dịch sẽ làm chậm quá trình lành vết thương sau mổ, một số loại thuốc khác sẽ gây tình trạng khô mắt. Vì thế trước khi phẫu thuật bạn nên nói với bác sĩ tại bệnh viện mắt về tất cả các loại thuốc mà bạn đang hoặc đã uống trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại.
  6. Giác mạc không bị sẹo hay bất kỳ vết trầy xước nào. Nếu giác mạc bị trầy hay biến dạng sẽ ảnh hưởng đến việc tạo hình giác mạc bằng tia Lase. Nguyên nhân gây sẹo hay xước giác mạc có thể do đeo kính áp tròng, chấn thương…
  7. Phẫu thuật LASIK không dành cho phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú. Trong quá trình này nội tiết tố ở phụ nữ liên tục thay đổi, ảnh hưởng đến sự ổn định thị giác.
  8. Những người có kích thước đồng tử lớn có thể gặp những biến chứng sau phẫu thuật như lóa mắt, hoặc tia sáng tỏa hình sao. Nếu bạn có đồng tử lớn, bác sĩ sẽ khuyên bạn nên sử dụng phương pháp LASEK hoặc Epi-Lasik để thay thế cho LASIK thông thường.
  9. Độ dày giác mạc: Giác mạc có hình chỏm cầu, trong suốt nằm phía trước mắt. Trong phẫu thuật Lasik, các bác sĩ sẽ dùng dao tạo một vạt giác mạc, chừa lại phần nền giác mạc có độ dày 250 micron. Vì thế những người có giác mạc không đủ dày sẽ ảnh hưởng tới quá trình lật vạt giác mạc.
  10. Độ khúc xạ không quá cao: Những người có độ khúc xạ quá cao cũng không phải ứng cử viên cho phẫu thuật LASIK.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment