Tất cả mọi người đều mong muốn có một huyết áp khỏe mạnh. Nhưng ý nghĩa của huyết áp là gì? Khi bạn đo huyết áp, kết quả trả về sẽ là 2 con số ví dụ như 120/80 mmHg. Số đầu tiên thể hiện huyết áp tâm thu của bạn, còn số tiếp theo thể hiện huyết áp tâm trương.
Huyết áp tâm thu chính là áp lực trong động mạch của bạn trong quá trình tim co bóp. Huyết áp tâm trương là áp lực khi tim nghỉ ngơi giữa các nhịp đập. Cả hai chỉ số này đều quan trong trọng việc xác định tình trạng sức khỏe tim mạch của bạn
Nếu huyết áp của bạn cao hơn con số lý tưởng là 120/80 mmHg thì có nghĩa là quả tim của bạn đang phải làm việc vất vả hơn để bơm máu đến các cơ quan trong cơ thể.
Mục lục
Chỉ số huyết áp bình thường
Chỉ số huyết áp của bạn được gọi là bình thường nếu huyết áp tâm thu của bạn từ 90-120 và huyết áp tâm trương từ 60-80 (Theo hiệp hội tim mạch Hoa Kỳ-AHA)
Đơn vị của chỉ số huyết áp là milimet thủy ngân, viết tắt là mmHg. Từ đó huyết áp bình thường ở người lớn sẽ vào khoảng dưới 120/80 mmHg và trên 90/60 mmHg
Chúc mừng bạn nếu huyết áp của bạn ở mức bình thường, không cần phải can thiệp về mặt y tế. Tuy nhiên thì bạn nên duy trì một lối sống lành mạnh, cân nặng khỏe mạnh để giúp ngăn ngừa tăng huyết áp. Tập thể dục thường xuyên, ăn uống lành mạnh là rất quan trọng. Nếu trong già đình bạn có người bị tăng huyết áp thì bạn càng nên chú ý tới lối sống của mình.
Huyết áp cao
Nếu huyết áp của bạn tăng cao trên 120/80 mmHg thì đây là báo động đỏ, bạn cần ngay lập tức tập những thói quen lành mạnh để bảo vệ tim mạch và sức khỏe của bạn.
Khi huyết áp tâm thu của bạn từ 120-129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg, có nghĩa là bạn đang ở trong tình trạng huyết áp cao. Mặc dù ở mức này chưa được coi là tăng huyết áp ở mặt bệnh lý, tuy nhiên thì huyết áp của bạn đang vượt qua ngưỡng bình thường. Và có thể sẽ tiến triển thành tăng huyết áp thực sự, và tăng các nguy cơ bệnh tim mạch, đột quỵ.
Ở mức độ huyết áp cao thì bạn chưa cần phải sử dụng thuốc tăng huyết áp, nhưng bạn phải thay đổi một lối sống lành mạnh hơn, một chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên để hạ huyết áp và tránh quá trình huyết áp cao phát triển thành tăng huyết áp thực sự.
Tăng huyết áp: Độ 1
Nếu huyết áp của bạn có giá trị từ 130-139 mmHg đối với huyết áp tâm thu và từ 80-89 mmHg với huyết áp tâm trương thi bạn được xếp vào nhóm tăng huyết áp độ 1
Tuy nhiên, nếu huyết áp của bạn chỉ cao duy nhất một lần thì chưa hẳn bạn đã bị tăng huyết áp. Để chẩn đoán tăng huyết áp thì huyết áp của bạn phải tăng trong nhiều lần đo và trong một khoảng thời gian nhất định.
Sau khi được chẩn đoán tăng huyết áp, bạn nên bắt đầu cải thiện huyết áp của mình bằng cách thay đổi lối sống lành mạch. Đối với người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao thì cần theo dõi 1 tháng thay đổi lối sống, nếu huyết áp không được cải thiện thì sẽ có thể phải dùng thuốc. Còn đối với người có nguy cơ thấp hơn có thể kéo dài thời gian theo dõi thành từ 3-6 tháng trước khi dùng thuốc.
Nếu bạn từ 65 tuổi trờ lên, thì bạn nên bắt đầu điều trị tăng huyết áp ngay khi huyết áp của bạn trên 130 mmHg. Việc điều trị sớm tăng huyết áp ở người lớn tuổi mang lại rất nhiều lợi ích như hạn chế các vấn đề giảm trí nhớ, mất trí nhớ cũng như tránh được những biến chứng nguy hiểm.
Tăng huyết áp: độ 2
Nếu số đo huyết áp của bạn cao từ 140 mmHg trở lên với huyết áp tâm thu và trên 90 mmHg với huyết áp tâm trương thì bạn được xếp vào tăng huyết áp độ 2. Ở độ 2 thì tình trạng sức khỏe và các nguy cơ có thể xảy ra đã nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Đối với tăng huyết áp độ 2 thì bạn sẽ phải dùng một hoặc nhiều loại thuốc đi kèm với việc thay đổi lối sống, chế độ ăn để kiểm soát được huyết áp
Một số loại thuốc hạ huyết áp hiện nay đang dùng bao gồm:
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin: Giúp ngăn angiotensin gây co mạch dẫn tới tăng huyết áp
- Alpha-blocker (chẹn alpha): được dùng với mục đích thư giãn các động mạch
- Beta-blocker (chẹn beta): để giảm nhịp tim và chống các chất gây co mạch
- Thuốc chẹn kênh calci: Để giãn mạch và giảm công cơ tim
- Thuốc lợi tiểu: thải nước ra khỏi cơ thể và mạch máu qua đường nước tiểu.
Cơn tăng huyết áp
Nếu huyết áp của bạn cao trên 180/120mmHg thì đây là một tình trạng cấp cứu nghiêm trọng, được gọi là “cơn tăng huyết áp”. “Cơn tăng huyết áp” đòi hỏi phải xử trí cấp cứu ngay lập tức kể cả không có triệu chứng gì.
Khi gặp phải cơn tăng huyết áp, có thể sẽ có một số triệu chứng kèm theo như:
- Tức ngực
- Khó thở
- Nhìn mờ
- Các triệu chứng của đột quỵ như tê, mất cơ lực, ở mặt hoặc một chi của cơ thể
- Đau đầu
- Chóng mặt
Có trường hợp huyết áp của bạn tăng cao chỉ là tạm thời sau đó sẽ trở lại bình thường, vì thế cần đo lại sau vài phút. Nếu sau khi đo lại mà huyết áp của bạn vẫn cao thì bạn cần được xử trí càng sớm càng tốt bất kể có các triệu chứng đi kèm hay không.
Biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp
Ngay cả khi bạn đang có một sức khỏe tốt, thì bạn cũng nên thực hiện các biện pháp phòng ngừa tăng huyết áp để giữ chỉ số tăng huyết áp của mình ở mức tối ưu. Không những giúp giảm nguy cơ tăng huyết áp mà còn giảm cả các nguy cơ về bệnh tim, đột quỵ.
Ở tuổi càng cao thì việc phòng tăng huyết áp càng quan trọng. Huyết áp sẽ có xu hướng tăng lên khi bạn trên 50 tuổi, vấn đề này quan trọng hơn nhiều so với các bệnh lý mạch vành hoặc các bệnh khác. Một số bệnh lý khác như bệnh tiểu đường và bệnh thận cũng đóng vai trò trong việc gây tăng huyết áp.
Sau đây là các biện pháp mà bạn có thể thực hiện để phòng tránh tăng huyết áp
- Giảm lượng Natri
Hãy giảm sử dụng muối, một số người rất nhạy cảm với tác dụng của muối hay natri. Chúng ta nên hạn chế không nên tiêu thụ quá 2.3g muối mỗi ngày. Ở người bị tăng huyết áp thì không nên dùng quá 1.5g muối mỗi ngày
Đầu tiên hãy bắt đầu bằng cách thêm ít hoặc không thêm muối vào thức ăn, sau đó là hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn. Những thực phẩm chế biến sẵn có hàm lượng dinh dưỡng thấp mà chất béo và natri lại cao
- Giảm caffeine
Caffeine gây tăng huyết áp tạm thời sau khi dùng. Nếu sử dụng lâu dài sẽ có nguy cơ gây tăng huyết áp kéo dài.
- Tập thể dục
Tập thể dục thường xuyên rất tốt cho sức khỏe và huyết áp của bạn. Tốt nhất là nên duy trì thể dục 30 phút mỗi ngày thay vì chỉ tập vài giờ vào cuối tuần sẽ mang lại hiệu quả cao hơn.
- Duy trì cân nặng
Hãy duy trì một cân nặng khỏe mạnh hoặc giảm cân nếu cần. Theo nghiên cứu nếu bạn giảm được từ 2.5-5kg thì huyết áp của bạn cũng sẽ giảm theo
- Tránh stress
Stress cũng là nguyên nhân dẫn tới tăng huyết áp, nhất là stress kéo dài. Vì vậy bạn nên học cách quản lý stress như tập thể dục, yoga hoặc tập thiền
- Giảm rượu và bỏ thuốc
Thuốc lá và rượu cực kỳ có hại cho sức khỏe tim mạch của bạn. Vì vậy bạn phải hạn chế rượu còn 2 chén mỗi ngày với đàn ông, hoặc 1 chén với phụ nữ. Quan trọng là phải bỏ thuốc lá, tránh xa khói thuốc.
Huyết áp thấp
Huyết áp thấp được gọi là hạ huyết áp. Ở người lớn nếu huyết áp thấp hơn 90/60 mmHg được coi là hạ huyết áp. Hạ huyết áp cũng rất nguy hiểm vì huyết áp thấp sẽ không cung cấp đủ máu cho các cơ quan và tế bào
Một số nguyên nhân của huyết áp thấp bao gồm:
- Vấn đề tim mạch
- Mất nước
- Mang thai
- Mất máu
- Nhiễm trùng
- Sốc
- Suy dinh dưỡng
- Vấn đề nội tiết
- Tác dụng của thuốc
Hạ huyết áp thường đi kèm với chóng mặt. Bạn nên tới cơ sở y tế để khám, phát hiện tìm nguyên nhân để kịp thời xử trí.
Tổng kết
Việc giữ huyết áp của bạn trong giới hạn bình thường là rất quan trọng trong việc ngăn ngừa các nguy cơ bệnh lý và biến chứng như bệnh tim và đột quỵ. Để làm được điều đó cần sự kết hợp giữa thói quen, lối sống lành mạnh và sử dụng thuốc để hạ huyết áp. Giảm cân nếu thừa cân cũng giúp huyết áp trở lại bình thường.
Hãy nhớ rằng chỉ số huyết áp đo một lần chưa phân loại cũng như thể hiện gì về sức khỏe của bạn. Chỉ số huyết áp cần được đo nhiều lần và trong một khoảng thời gian nhất định. Nếu huyết áp của bạn tăng cao hoặc có dấu hiệu tăng cao thì bạn cần kiểm tra thường xuyên hơn.