Chưa được phân loại

Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết

Da của bạn là cơ quan lớn nhất của cơ thể bạn. Chức năng của nó là bảo vệ cơ thể bạn khỏi bị nhiễm trùng. Đôi khi da bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng da là do nhiều loại vi trùng gây ra, và các triệu chứng có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhiễm trùng nhẹ có thể được điều trị bằng thuốc không kê đơn và các biện pháp khắc phục tại nhà, trong khi các nhiễm trùng khác có thể cần được chăm sóc y tế. Hãy đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm về nhiễm trùng da và phải làm gì nếu mắc bệnh này.

Các loại nhiễm trùng da

nhiễm trùng da

Dưới đây là bốn loại nhiễm trùng da khác nhau:

1. Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Nhiễm trùng da do vi khuẩn thường bắt đầu xuất hiện với những vết sưng nhỏ, đỏ tăng dần. Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhẹ và dễ dàng điều trị bằng kháng sinh bôi tại chỗ, nhưng các bệnh nhiễm trùng khác cần dùng kháng sinh đường uống. Các loại nhiễm trùng da do vi khuẩn khác nhau bao gồm:

  • Viêm mô tế bào
  • Bệnh chốc lở
  • Nhọt
  • Bệnh phong

2. Nhiễm trùng da do virus

Nguyên nhân do các loại virus khác nhau gây ra, bệnh có nhiều mức độ từ nhẹ đến nặng. Các loại bệnh nhiễm trùng da do virus như:

  • Zona
  • Thủy đậu
  • U mềm lây do nhiễm Molluscum contagiosum virus
  • Mụn cóc
  • Bệnh sởi
  • Bệnh tay chân miệng

3. Nhiễm nấm da

Những loại nhiễm trùng da này là do một số loại nấm và rất có thể phát triển ở những khu vực ẩm ướt của cơ thể, chẳng hạn như bàn chân hoặc nách. Một số bệnh nhiễm nấm không phải là bệnh truyền nhiễm, và những bệnh này thường không đe dọa đến tính mạng.

Các loại bệnh nhiễm nấm khác nhau như:

  • Bệnh chân lực sĩ hay athlete’s foot
  • Nhiễm trùng nấm men
  • Hắc lào
  • Nấm móng tay
  • Nấm miệng
  • Hăm tã

4. Nhiễm kí sinh trùng trên da

Đây là bệnh nhiễm trùng da do kí sinh trùng. Những bệnh này không những chỉ ảnh hưởng tới da mà còn tác động đến máu và các cơ quan. Nhiễm ký sinh trùng không đe dọa tính mạng nhưng có thể gây khó chịu.

Các bệnh nhiễm kí sinh trùng trên da bao gồm:

  • Chấy, rận
  • Rệp
  • Ghẻ
  • Ấu trùng di chuyển (Larva migrans)

Các triệu chứng của nhiễm trùng da là gì?

Các triệu chứng nhiễm trùng da cũng khác nhau tùy thuộc vào loại nhiễm trùng. Các triệu chứng phổ biến bao gồm đỏ da và phát ban. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng khác, chẳng hạn như ngứa, đau và nhạy cảm.

Đi khám bác sĩ nếu bạn thấy xuất hiện mụn mủ hoặc nhiễm trùng da không cải thiện hoặc ngày càng nặng hơn. Nhiễm trùng da không chỉ ảnh hưởng tới da mà còn có thể lan vào máu. Khi điều này xảy ra, nó có thể trở nên nguy hiểm đến tính mạng.

Dấu hiệu nhiễm trùng nặng bao gồm:

  • Mụn mủ, chảy mủ
  • Phồng rộp
  • Bong tróc da
  • Da sẫm màu, hoại tử hoặc da bị thay đổi màu và đau

Nguyên nhân gây nhiễm trùng da là gì?

Nguyên nhân của nhiễm trùng da phụ thuộc vào loại nhiễm trùng.

Nhiễm trùng da do vi khuẩn

Điều này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua tổn thương trên da, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết xước. Bị cắt hoặc trầy xước không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ bị nhiễm trùng da, nhưng nó sẽ làm tăng nguy cơ nếu bạn có hệ miễn dịch yếu.

Một hệ thống miễn dịch bị suy giảm có thể là kết quả của một bệnh hoặc tác dụng phụ của thuốc.

Nhiễm virus da

Các loại virus phổ biến nhất đến từ một trong ba nhóm vi-rút: poxvirus, papillomavirus ở người và virus herpes.

Nhiễm nấm

Các hóa chất và lối sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Ví dụ như bạn sẽ bị nhiễm nấm chân nếu bạn thường xuyên chạy bộ và đổ nhiều mồ hôi chân. Nấm thường mọc trong môi trường ấm và ẩm ướt. Mặc quần áo ẩm ướt, đẫm mồ hôi là một yếu tố nguy cơ nhiễm trùng da. Nếu trên da của bạn có vết xước thì vi khuẩn có thể xâm nhập vào các lớp sâu hơn của da.

Nhiễm trùng da ký sinh

Côn trùng nhỏ hoặc sinh vật đào hang dưới da và đẻ trứng có thể gây nhiễm trùng da do ký sinh trùng

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng da?

Nhiễm trùng da có thể xuất hiện ở bất cứ vị trí nào trên cơ thể bạn. Các khu vực thường xuất hiện nhiều nhất ở những vùng da bị hăm, ẩm ướt hoặc các vùng bị cọ xát, tiếp xúc với nhau như nách, háng, ngón tay, ngón chân. Vi khuẩn có thể thuận lợi phát triển ở những môi trường ẩm ướt và nhiều mồ hôi.

Bên cạnh đó, khi da bị trầy xước và hệ miễn dịch yếu cũng là một nguy cơ giúp vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào cơ thể bạn.

Vui lòng tham khảo với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Chẩn đoán nhiễm trùng da

Đi khám bác sĩ là cách tốt nhất để xác định nguyên nhân gây nhiễm trùng da. Thông thường, các bác sĩ có thể xác định loại nhiễm trùng da dựa trên hình dạng và vị trí của bệnh.

Bác sĩ có thể hỏi về các triệu chứng của bạn và kiểm tra kĩ càng bất kỳ vết sưng, phát ban hoặc tổn thương nào. Ví dụ, bệnh hắc lào thường gây ra phát ban hình tròn, có giới hạn rõ, khu vực trung tâm thường có xu hướng lành hơn phần rìa. Trong các trường hợp khác, một mẫu tế bào da có thể giúp bác sĩ xác định loại nhiễm trùng.

Nhiễm trùng da được điều trị như thế nào?

Điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân nhiễm trùng và mức độ nghiêm trọng của bệnh. Một số loại nhiễm trùng da do virus có thể tự cải thiện trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Nhiễm trùng do vi khuẩn thường được điều trị bằng kháng sinh tại chỗ bôi trực tiếp lên da hoặc bằng kháng sinh đường uống. Nếu chủng vi khuẩn kháng lại điều trị, điều trị nhiễm trùng có thể cần dùng kháng sinh tiêm tĩnh mạch và phải nhập viện.

Bạn có thể sử dụng thuốc xịt và kem chống nấm không kê đơn để điều trị nhiễm nấm da. Nếu tình trạng của bạn không cải thiện, hãy hỏi bác sĩ về các loại kem bôi hoặc thuốc bôi theo toa. Ngoài ra, bạn có thể thoa các loại thuốc dạng kem lên da để điều trị nhiễm trùng da do kí sinh trùng. Bác sĩ cũng có thể kê thêm  thuốc để giảm bớt sự khó chịu như thuốc chống viêm.

Chăm sóc tại nhà và phương pháp điều trị khác

Chăm sóc tại nhà có tác dụng làm giảm các triệu chứng, bao gồm:

  • Bạn có thể áp khăn lạnh lên da nhiều lần trong ngày để giảm ngứa và viêm.
  • Dùng thuốc kháng histamine không kê đơn để giảm ngứa.
  • Sử dụng kem bôi và thuốc mỡ để giảm ngứa và khó chịu.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ về những gì bạn có thể làm.

Tiên lượng

Tiên lượng cho nhiễm trùng da khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân. Hầu hết các loại nhiễm trùng do vi khuẩn đáp ứng tốt với thuốc. Một số chủng vi khuẩn, chẳng hạn như tụ cầu vàng kháng methicillin (MRSA), kháng với các loại kháng sinh thông thường sẽ khó điều trị hơn.

Ngăn ngừa nhiễm trùng da

Có một số cách để giảm nguy cơ nhiễm trùng da. Rửa tay thường xuyên là một trong những cách tốt nhất.

Nhiễm trùng da có thể thay đổi từ nhẹ đến nặng. Đi khám bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu bạn gặp phải tình trạng da gây nhiều khó chịu. Bác sĩ sẽ cung cấp điều trị cần thiết để phục hồi.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment