Chưa được phân loại

Mụn cóc là gì? Nguyên nhân, cách trị mụn cóc thế nào?

Mụn cóc hay hột cơm là một khối u sần sùi, trắng, nhỏ, thường mọc trên da bàn tay hay bàn chân, trông giống một chùm súp lơ nhỏ. Mụn cóc rất phổ biến, do siêu vi trùng, thông thường nhất là loại Virus papilloma ở người (HPV), gây ra. Mụn cóc dễ lây, có thể mọc tràn lan, và thường tan biến sau vài tuần hay vài năm.

Bạn có biết, theo ước tính có đến 30% trẻ em và thanh thiếu niên mắc mụn cóc, nhưng chỉ có 3% đến 5% người lớn. Bạn đã biết những gì về mụn cóc? Đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu nhé!

Xem thêm: Nhiễm trùng da: Tất cả những điều bạn cần biết

Mụn cóc và những điều bạn cần biết

mụn cóc

Dưới đây là một số điểm chính về mụn cóc mà bạn cần biết:

  • Mụn cóc là một khối nhỏ trên da có thể trông giống như một vết phồng rộp hoặc súp lơ nhỏ.
  • Các loại mụn cóc bao gồm mụn cóc thông thường (common warts), mụn cóc phẳng (flat warts), mụn cóc sắc tố (pigmented warts) và mụn cóc bàn chân (plantar warts).
  • Các chấm đen trong mụn cóc là các mạch máu có thể dẫn đến chảy máu.
  • Sự xuất hiện của mụn cóc phụ thuộc vào vị trí của nó trên cơ thể và độ dày của da.
  • Những người có hệ miễn dịch yếu có nhiều khả năng bị mụn cóc.
  • Hầu hết các mụn cóc biến mất sau 1 đến 5 năm mà không cần điều trị y tế, nhưng cần điều trị cho những mụn cóc lớn, nhiều hoặc ở những khu vực nhạy cảm.
  • Phương pháp điều trị bao gồm axit salicylic, băng dán (Band-Aids), liệu pháp áp lạnh, phẫu thuật, điều trị bằng laser, đốt điện, liệu pháp quang động, điều trị hóa học, kem bôi, cantharidin và tiêm kháng nguyên.
  • Mụn cóc hay hạt cơm nên được che phủ bằng Band-Aid không thấm nước khi bơi.

Nguyên nhân

Virus HPV gây ra sự tăng trưởng quá mức và nhanh chóng của keratin, đây là một loại protein cứng trên lớp trên cùng của da.

Các chủng HPV khác nhau gây ra mụn cóc khác nhau. Virus gây mụn cóc có thể lây truyền qua tiếp xúc da kề da và qua tiếp xúc với khăn hoặc giày.

Virus có thể lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể thông qua:

  • Gãi hoặc cắn mụn cóc
  • Mút ngón tay
  • Cắn móng tay, nếu có mụn cóc quanh móng tay
  • Cạo lông mặt hoặc chân
  • Có làn da ẩm ướt hoặc bị tổn thương, và tiếp xúc với bề mặt thô ráp làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nguy cơ mắc mụn cóc từ người khác là thấp, nhưng chúng có thể được truyền từ người này qua người khác, đặc biệt nếu người đó có hệ thống miễn dịch bị tổn thương. Điều này bao gồm những người nhiễm HIV hoặc AIDS và những người sử dụng thuốc ức chế miễn dịch sau ghép tạng.

Mụn cóc sinh dục dễ lây lan hơn.

Nghề nghiệp liên quan tới xử lí và chế biến thịt cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc mụn cóc. Một nghiên cứu được thực hiện bởi Viện Bác sĩ gia đình Hoa Kỳ cho thấy 33% công nhân lò mổ và 34% người bán thịt có mụn cóc trên tay.

Mụn cóc sinh dục là gì?

Hầu hết các mụn cóc là vô hại, nhưng một số chủng vi-rút có thể gây ra mụn cóc trên, trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục.

Những mụn cóc này có thể nghiêm trọng hơn. Ở phụ nữ, chúng có khả năng dẫn đến ung thư cổ tử cung, hậu môn và âm hộ.

Ở nam giới, ung thư hậu môn và ung thư quy đầu cũng có thể xảy ra do mắc một số loại mụn cóc sinh dục.

Bất cứ ai phát triển mụn cóc sinh dục nên gặp bác sĩ để đánh giá.

Ai thường bị mụn cóc?

Bất cứ ai cũng có thể bị mụn cóc mọc trên người. Tuy nhiên, một số người thường dễ bị nhiễm virus mụn cóc (HPV) hơn những người khác.

  • Trẻ em và thanh thiếu niên;
  • Những người cắn móng tay hay cắt tỉa móng bị trầy xước;
  • Những người có hệ miễn dịch suy yếu;
  • Ở trẻ em, mụn cóc thường tự biến mất mà không cần điều trị,

Các loại mụn cóc

Sau đây là những loại mụn cóc phổ biến nhất.

Mụn cóc thông thường hoặc verruca Vulgaris

Mụn cóc thông thường có bề mặt cứng, nổi, sần sùi và có thể xuất hiện giống như súp lơ.

Chúng có thể xảy ra ở bất cứ đâu, nhưng chúng phổ biến nhất ở khớp ngón tay, ngón tay, khuỷu tay, đầu gối và bất kỳ khu vực nào có nếp gấp da.

Chúng cũng có thể có một chấm đen hoặc sẫm màu nhỏ do đông máu ở mạch máu. Đây là một nhiễm trùng ở lớp trên của da và cần được điều trị ngay khi phát hiện để tránh tình trạng trở nên tồi tệ hơn.

Mụn cóc bàn chân (Mụn cóc Plantar)

Có biểu hiện là những mảng cứng, dầy trên lòng bàn chân và có thể gây đau khi đi bộ. Chúng thường mọc ngược vào trong da vì trọng lượng và áp lực đặt lên lòng bàn chân. Loại mụn cóc này xuất hiện khi vi-rút HPV tiếp xúc với da qua các vết cắt, vết xước và vết nứt.

Chúng thường có một chấm đen trung tâm nhỏ được bao quanh bởi các mô trắng cứng. Mụn cóc Plantar thường rất khó để loại bỏ.

Mụn cóc phẳng hay verruca plana

Mụn cóc phẳng thường nhẵn, phẳng, chúng phát triển thường xuyên nhất trên các khu vực tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như ở mặt và cổ. Chúng có màu vàng hoặc nâu nhạt hoặc màu da và thường xuất hiện với số lượng nhiều từ 20 tới 100 cái. Tuy nhiên, trong tất cả các loại mụn cóc, chúng hầu như biến mất mà không cần điều trị.

Loại tổn thương này xuất hiện phổ biến nhất ở trẻ em, thanh thiếu niên. Gây ra bởi HPV, chúng có thể lan ra nhanh chóng trên mặt do những hoạt động như cạo râu.

Mụn cóc hình chỉ (Mụn cóc Filiform hay verruca filiformis)

Thường xuất hiện xung quanh mí mắt, cổ, mũi, vai, nách và khu vực dưới cằm và có màu giống với màu da, hình dài và mỏng. Những người được ghép tạng hoặc nhiễm HIV cũng có nguy cơ cao hơn bị mụn cóc hình chỉ vì hệ miễn dịch của họ bị suy yếu.

Mụn cóc Mosaic

Mụn cóc Mosaic là một nhóm mụn hình chỉ xuất hiện trong một khu vực nhỏ. Chúng thường xuất hiện khi mụn cóc hình chỉ không được điều trị và lan rộng thành cụm mụn cóc.

Không giống như nốt ruồi, mụn cóc thường có màu giống như da của người đó. Mụn cóc không chứa mủ trừ khi chúng bị nhiễm trùng.

Nếu nhiễm trùng xảy ra, bạn có thể được yêu cầu điều trị bằng kháng sinh.

Khi nào nên đi khám bác sĩ?

Bạn nên đi khám bác sĩ nếu mụn cóc:

  • Gây đau
  • Dễ chảy máu
  • Thay đổi ngoại hình của bạn
  • Dễ dàng lây lan sang các bộ phận khác của cơ thể
  • Trở lại sau khi đã loại bỏ
  • Xuất hiện trong một khu vực dễ dẫn đến va đập và chảy máu liên tục để ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như cạo râu, thể thao, v.v.

Những cá nhân muốn loại bỏ mụn cóc vì lý do thẩm mỹ nên đi khám bác sĩ.

Xem thêm: Bệnh thủy đậu là gì? Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng ngừa

Điều trị

Hầu hết các mụn cóc có thể khỏi mà không cần điều trị. Có thể mất từ ​​vài tuần đến vài năm, tùy thuộc vào vị trí và số lượng mụn cóc. Chúng thường biến mất nhanh hơn ở trẻ em.

30% trẻ em được ước tính có mụn cóc, nhưng các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng 50% trong số này biến mất trong vòng một năm và 70% đã biến mất sau 2 năm.

Tuy nhiên, nếu chúng không biến mất, hoặc nếu mụn cóc gây lo ngại, có nhiều biện pháp để điều trị mụn cóc.

Bác sĩ sẽ kiểm tra mụn cóc, họ có thể hỏi về tiền sử gia đình và có thể lấy một số mô để xét nghiệm.

Những phương pháp điều trị mụn cóc

Tất cả các phương pháp điều trị mụn cóc được thiết kế để gây kích thích da và các tế bào chống nhiễm trùng của cơ thể để loại bỏ mụn cóc.

Axit salicylic

Hầu hết các loại kem, gel, phấn và băng dán (Band-Aids)  không kê đơn có chứa axit salicylic.

Điều quan trọng là phải bảo vệ da xung quanh mụn cóc trước khi áp dụng phương pháp điều trị này vì axit salicylic có thể phá hủy làn da khỏe mạnh. Không áp dụng biện pháp này cho mặt.

Bôi petroleum jelly (sáp) hoặc băng keo lên vùng da xung quanh mụn cóc có thể bảo vệ nó khỏi bị tổn hại.

Để tăng cường hiệu quả của phương pháp điều trị này, bạn nên:

  • Làm mềm mụn cóc bằng cách chà xát tế bào chết trên bề mặt mụn cóc hàng tuần bằng đá bọt hoặc đá nhám (còn gọi là hòn đá kì). Hãy chắc chắn rằng hòn đá kì của bạn không được sử dụng trên bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể hoặc dùng chung với người khác.
  • Trước khi bôi thuốc, ngâm mụn cóc trong nước khoảng 5 phút.

Điều trị thường được sử dụng hàng ngày trong khoảng 3 tháng. Nếu da bị đau, nên ngừng điều trị.

Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp làm lạnh (cryotherapy) trong điều trị mụn cóc là một kỹ thuật sử dụng một hoá chất rất lạnh để làm đông cứng mụn cóc từ đó phá huỷ các tế bào da ở đây, sau đó sẽ xuất hiện một vết phồng rộp, bong vảy, rơi ra sau đó một tuần, cuối cùng mụn cóc được loại bỏ.

Đây là một phương pháp phổ biến trong điều trị mụn cóc, Liệu pháp áp lạnh bằng Nitơ phải được thực hiện bởi một bác sĩ chuyên khoa. Nếu mụn cóc lớn, bạn sẽ cần gây tê tại chỗ một hoặc vài lần. bạn có thể điều trị tại nhà bằng cách sử dụng những sản phẩm không cần kê đơn bán trên thị trường để như áp lạnh dimethyl ether.

Các hiệu thuốc bán dimethyl-ether hoặc propane phun để bạn tự sử dụng, nhưng chúng không nên sử dụng trên mặt, và chúng ít hiệu quả hơn phương pháp áp lạnh được thực hiện bởi một chuyên gia có trình độ.

Việc làm đông cứng vùng da chỗ mụn cóc sẽ phá huỷ nơi trú ẩn,bảo vệ chúng. Và thế là,những tế bào da bị tổn thương, những mụn cóc nằm dưới vết da sần sùi cũng như virus đều được tiêu diệt bởi hệ miễn dịch của cơ thể một cách dễ dàng. Phương pháp điều trị này chỉ kéo dài vài phút và kết quả sẽ được thấy rõ trong vòng 1 – 2 tuần. Áp lạnh bằng biện pháp OTC tại nhà sẽ giảm đau đớn do tổn thương vùng da quanh mụn cóc thông thường so với áp lạnh nitơ

Phẫu thuật

Đây là điều trị không phổ biến cho mụn cóc, và có nguy cơ để lại sẹo. Mụn cóc tự khỏi sẽ không để lại sẹo.

Đôi khi bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Hầu hết các mụn cóc có thể được cạo sạch bằng dao cạo phẫu thuật sau khi gây tê tại chỗ.

Các bác sĩ có thể khuyên bạn nên bôi kem bôi tại chỗ ngay cả sau khi loại bỏ mụn cóc, để cải thiện cơ hội làm sạch.

Điều trị bằng laser sử dụng chùm tia laser có độ chính xác cao để tiêu diệt mụn cóc.

Cantharidin

Cantharidin, một loại hóa chất được tìm thấy ở nhiều thành viên trong họ bọ cánh cứng. Đây là một chất hóa học độc. Bác sĩ có thể bôi chất này vào mụn cóc và sau đó băng nó lại.

Điều này là không đau, nhưng nó tạo ra một vết phồng rộp có thể không thoải mái. Vết rộp làm mụn cóc trồi ra khỏi da, và bác sĩ sẽ loại bỏ phần chết của mụn cóc.

Tiêm kháng nguyên Candida

Hệ thống miễn dịch của con người không nhận thấy mụn cóc, nhưng nếu hệ thống được kích thích cục bộ, một số tế bào miễn dịch được kích hoạt trong khu vực sẽ nhận ra nó và hành động. Thủ tục này không để lại sẹo.

Điều trị này có thể không phù hợp trong khi mang thai.

Phương pháp điều trị khác

Nếu mụn cóc không đáp ứng với các phương pháp điều trị tiêu chuẩn, bác sĩ da liễu hoặc chuyên gia về da, có thể đưa ra các lựa chọn khác.

  • Liệu pháp miễn dịch cố gắng làm cho hệ thống miễn dịch của bệnh nhân tiêu diệt mụn cóc
  • Bleomycin, hoặc Blenoxane, có thể được tiêm vào mụn cóc để tiêu diệt virus. Bleomycin cũng được sử dụng để điều trị một số loại ung thư.
  • Retinoids, có nguồn gốc từ vitamin A, phá vỡ sự phát triển tế bào da của mụn cóc.
  • Thuốc kháng sinh chỉ có hiệu quả trong trường hợp nhiễm trùng.

Mụn cóc thông thường, đặc biệt là quanh móng tay và móng chân, có thể khó loại bỏ hoàn toàn hoặc vĩnh viễn.

Nếu mụn cóc đã hết nhưng virus vẫn còn, mụn cóc có thể tái phát.

Biện pháp khắc phục tại nhà

Các biện pháp khắc phục tại nhà cho mụn cóc đã được nói tới ở trên, nhưng có một vài đề xuất khác là:

Thôi miên

Các nghiên cứu trường hợp đã gợi ý rằng thôi miên có thể giúp loại bỏ mụn cóc. Nếu điều này mang lại hiệu quả, có thể là bằng cách nào đó phương pháp này đã kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại virus gây ra mụn cóc. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận hiệu quả của nó.

Tỏi

Các hợp chất được tìm thấy trong tỏi có thể có hoạt tính chống vi-rút và giúp ngăn chặn các tế bào vi-rút phát triển. Chiết xuất tỏi chloroform bôi lên mụn cóc được báo cáo là có sự tăng trưởng rõ ràng trong 3 đến 4 tháng. Tuy nhiên việc chà xát tỏi lên mụn cóc có tác dụng tương tự không được xác nhận.

Băng dán

Trong một nghiên cứu, một băng dán có cùng kích thước với mụn cóc được đặt trực tiếp lên mụn cóc và được lấy ra sau 6 ngày. Tiếp theo, những người tham gia ngâm mụn cóc trong nước, trước khi chà xát nó bằng một hòn đá kì. Lặp lại cách ngày trong khoảng 2 tháng. 85% các trường hợp, mụn cóc biến mất, so với 60% mụn cóc được điều trị bằng liệu pháp áp lạnh trong một nhóm khác. Đây không phải là một điều trị dựa trên bằng chứng, nhưng nó có thể hữu ích cho trẻ em, vì nó không gây đau đớn và an toàn.

Phòng ngừa

  • Để giảm nguy cơ bắt hoặc lây lan mụn cóc, bạn cần:
  • Không chạm vào mụn cóc của người khác.
  • Không sử dụng khăn, khăn lau của người khác hoặc các vật dụng cá nhân khác.
  • Không dùng chung giày và tất với người khác.
  • Không gãi mụn cóc hay hạt cơm, vì điều này có thể khiến chúng lây lan.
  • Mang dép khi vào và ra khỏi vòi sen công cộng và hồ bơi, đặc biệt hki có vết xây xát ở chân.
  • Che mụn cóc hay hạt cơm bằng một lắp băng dán không thấm nước khi bơi, và tất hoặc găng tay ở nơi khác, ví dụ như tại phòng tập thể dục.
  • Không chải, cạo râu hoặc kẹp tóc ở những khu vực có mụn cóc.
  • Khi giũa hoặc cắt móng tay không sử dụng cùng một dụng cụ với người bị bệnh.
  • Đừng cắn móng tay nếu mụn cóc ở gần chúng.
  • Giữ tay càng khô càng tốt.
  • Rửa tay kỹ sau khi chạm vào mụn cóc.

Mụn cóc là phổ biến, và chúng có thể gây khó chịu. Có thể biến mất một mình, nhưng nếu không, có nhiều phương pháp điều trị có thể giúp loại bỏ chúng.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment