Chưa được phân loại

Bệnh tưa miệng là gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Bệnh tưa miệng – còn được gọi là nấm miệng – là tình trạng nấm Candida albicans phát triển vượt khỏi tầm kiểm soát ở niêm mạc miệng gây nên. Candida là một sinh vật bình thường trong miệng của bạn, nhưng đôi khi nó có thể phát triển quá mức và gây ra các triệu chứng.

Biểu hiện của bệnh tưa miệng là việc hình thành các đám màu trắng mịn trên lưỡi, trong má và đôi khi ở cả vòm miệng, lợi và amiđan, các đám này có thể gây đau và chảy máu khi bị cọ xát. Tổn thương do tưa miệng khi lan xuống thực quản (viêm thực quản do Candida) gây ra các triệu chứng như nuốt đau hoặc nuốt khó, cảm giác thức ăn bị mắc lại ở cổ hoặc ở ngực và sốt.

Mặc dù bệnh tưa miệng có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng nó xảy ra nhiều hơn ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi vì hệ miễn dịch ở những đối tượng này kém hơn. Những người có hệ thống miễn dịch bị ức chế hoặc đang mắc một số bệnh; hoặc những người dùng một số loại thuốc cũng hay mắc bệnh tưa miệng. Nếu bạn có một cơ thể khỏe mạnh, bệnh tưa miệng chỉ là một vấn đề nhỏ, nhưng nếu bạn có hệ miễn dịch yếu, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn và khó kiểm soát hơn. Để hiểu hơn về bệnh nấm miệng, hãy đọc bài viết dưới đây!

Xem thêm: Nhiễm nấm Candida: Tất cả những điều bạn cần biết

Triệu chứng của bệnh tưa miệng

Trẻ em và người lớn

bệnh tưa miệng

Ban đầu, bạn thậm chí có thể không nhận thấy các triệu chứng của bệnh tưa miệng. Các dấu hiệu và triệu chứng có thể bao gồm:

  • Các tổn thương màu trắng kem trên lưỡi, má trong và đôi khi trên vòm miệng, nướu và amidan.
  • Thương tổn nổi lên với vẻ ngoài giống như phô mai
  • Đỏ, rát hoặc đau nhức có thể gây khó khăn khi ăn hoặc nuốt
  • Chảy máu nhẹ nếu tổn thương bị cạo hoặc cọ xát
  • Nứt và đỏ ở khóe miệng
  • Cảm giác như có bông ở trong miệng
  • Mất vị giác
  • Đỏ, kích ứng và đau dưới răng giả (viêm miệng răng giả)

Trong trường hợp nghiêm trọng, thường liên quan đến những người mắc  ung thư hoặc có hệ thống miễn dịch suy yếu do HIV / AIDS, các tổn thương có thể lan xuống thực quản gây viêm thực quản do nấm Candida. Nếu điều này xảy ra, bạn có thể gặp khó khăn khi nuốt, cảm thấy đau hoặc cảm thấy như thể thức ăn bị mắc kẹt trong cổ họng.

Trẻ sơ sinh và phụ nữ cho con bú

Ngoài những tổn thương miệng màu trắng đặc biệt, trẻ sơ sinh có thể gặp khó khăn khi ăn, dễ kích động và cáu kỉnh. Bé có thể truyền bệnh cho mẹ trong quá trình cho bú. Sau đó, nhiễm trùng có thể lây nhiễm qua lại giữa ngực của mẹ và miệng của bé. Phụ nữ có ngực bị nhiễm nấm candida có thể gặp các dấu hiệu và triệu chứng:

  • Núm vú có màu đỏ bất thường, nứt hoặc ngứa;
  • Bong da hoặc bong tróc trên phần sẫm màu hơn, diện tích hình tròn xung quanh núm vú (núm vú);
  • Đau bất thường trong quá trình cho con bú hoặc đau núm vú giữa các lần bé bú;
  • Đau như dao đâm sâu bên trong vú.

Khi nào cần đi khám bác sĩ?

Nếu bạn hoặc con bạn xuất hiện những tổn thương màu trắng bên trong miệng, hãy đi khám bác sĩ hoặc nha sĩ.

Bệnh tưa miệng là không phổ biến ở trẻ lớn, thanh thiếu niên và người lớn khỏe mạnh, vì vậy nếu bệnh tưa miệng phát triển, hãy gặp bác sĩ để xác định xem có cần đánh giá thêm để kiểm tra tình trạng bệnh lý tiềm ẩn hoặc nguyên nhân khác hay không.

Nguyên nhân gây tưa miệng

Thông thường, hệ thống miễn dịch của bạn hoạt động để đẩy lùi các sinh vật xâm nhập có hại, chẳng hạn như virus, vi khuẩn và nấm, đồng thời duy trì sự cân bằng giữa các vi khuẩn “tốt” và “xấu” thường sống trong cơ thể bạn. Nhưng đôi khi các cơ chế bảo vệ này thất bại, làm tăng số lượng nấm candida và làm bạn mắc bệnh tưa miệng.

Loại nấm candida phổ biến nhất là Candida albicans.

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố sau đây làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa miệng:

Miễn dịch suy yếu

Bệnh tưa miệng có nhiều khả năng xảy ra ở trẻ sơ sinh và người lớn tuổi do khả năng miễn dịch kém hơn.  Một số tình trạng bệnh lý và phương pháp điều trị có thể ức chế hệ thống miễn dịch, chẳng hạn như :

  • Ung thư: Nếu bạn bị ung thư thì hệ thống miễn dịch có thể bị suy yếu do bệnh tật và phương pháp điều trị như hóa trị và xạ trị. Cả bệnh và phương pháp điều trị đều có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng candida như nấm miệng
  • Bệnh nhân ghép tạng có sử dụng các loại thuốc cần thiết để ức chế hệ thống miễn dịch như corticosteroid
  • HIV / AIDS: virus HIV gây suy giảm miễn dịch làm người mắc HIV/AIDS thường bị nhiễm trùng cơ hội mà bình thường cơ thể tự chống lại được trong đó có bệnh tưa miệng.

Bệnh tiểu đường

Nếu bạn bị tiểu đường không được điều trị hoặc bệnh không được kiểm soát tốt, nước bọt của bạn có thể chứa một lượng lớn đường, điều này khuyến khích sự phát triển của nấm candida.

Nhiễm nấm âm đạo

Nhiễm nấm âm đạo lvà bệnh tưa miệng do cùng một loại nấm gây ra. Mặc dù nhiễm nấm không nguy hiểm nhưng nếu bạn đang mang thai thì bạn có thể lây nhiễm các loại nấm cho bé trong khi sinh. Kết quả là, trẻ sơ sinh có thể mắc bệnh nấm miệng.

Thuốc

Các loại thuốc như prednison, corticosteroid dạng hít hoặc kháng sinh làm xáo trộn sự cân bằng tự nhiên của các vi sinh vật trong cơ thể bạn có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa miệng.

Tình trạng răng miệng khác

Đeo răng giả, đặc biệt là răng giả hàm trên hoặc có nguyên nhân gây khô miệng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa miệng.

Biến chứng

Đối với người khỏe mạnh, bệnh nấm miệng hiếm khi gây biến chứng nghiêm trọng.

Đối với những người có khả năng miễn dịch thấp, chẳng hạn như  bệnh nhân điều trị ung thư hoặc HIV / AIDS, bệnh tưa miệng có thể nghiêm trọng hơn. Nấm miệng không được điều trị có thể dẫn đến nhiễm trùng candida toàn thân nghiêm trọng. Nếu bạn có một hệ thống miễn dịch yếu, bệnh tưa miệng có thể lan đến thực quản hoặc các bộ phận khác trên cơ thể bạn.

Xem thêm: Nhiễm nấm móng tay: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị

Phòng ngừa

Những biện pháp này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển nhiễm nấm candida:

  • Xúc miệng: Nếu bạn cần sử dụng thuốc corticosteroid dạng xịt hay hít, hãy nhớ súc miệng bằng nước hoặc đánh răng sau dùng thuốc.
  • Đánh răng ít nhất hai lần một ngày và dùng chỉ nha khoa hàng ngày như nha sĩ khuyên dùng.
  • Kiểm tra răng giả (nếu có). Tháo răng giả của bạn vào ban đêm. Hãy chắc chắn rằng răng giả vừa vặn và không gây kích ứng. Làm sạch răng giả hàng ngày. Hãy hỏi nha sĩ của bạn cách tốt nhất để làm sạch loại răng giả của bạn.
  • Gặp nha sĩ thường xuyên, đặc biệt nếu bạn bị tiểu đường hoặc đeo răng giả.
  • Kiểm tra những gì bạn ăn. Hãy thử hạn chế lượng thực phẩm chứa đường trong khẩu phần. Lượng đường cao có thể khuyến khích sự phát triển của candida.
  • Duy trì kiểm soát lượng đường trong máu tốt nếu bạn bị tiểu đường. Lượng đường trong máu được kiểm soát tốt có thể làm giảm lượng đường trong nước bọt của bạn.
  • Điều trị nhiễm nấm âm đạo càng sớm càng tốt.
  • Trị khô miệng. Hỏi bác sĩ về những cách để tránh hoặc điều trị tình trạng khô miệng (nếu có)

Chẩn đoán

Chẩn đoán bệnh tưa miệng phụ thuộc vào vị trí và xác định liệu có nguyên nhân nào đó gây ra hay không.

Nếu bệnh tưa miệng chỉ giới hạn ở miệng của bạn

Để chẩn đoán bệnh tưa miệng, bác sĩ hoặc nha sĩ có thể:

  • Kiểm tra miệng của bạn để xem xét các tổn thương
  • Lấy một mẩu nhỏ của các tổn thương để kiểm tra dưới kính hiển vi
  • Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ khám tổng quát và các xét nghiệm máu nhất định để xác định bất kỳ tình trạng y tế tiềm ẩn nào có thể là nguyên nhân của bệnh tưa miệng

Nếu bệnh tưa miệng xuất hiện trong thực quản

Để giúp chẩn đoán bệnh tưa miệng trong thực quản của bạn, bác sĩ có thể đề nghị bất kỳ hoặc tất cả những điều sau đây:

  • Sinh thiết. Mẫu mô được nuôi cấy trên môi trường đặc biệt để giúp xác định vi khuẩn hoặc nấm nào gây ra triệu chứng của bạn.
  • Nội sôi tiêu hóa. Trong thủ tục này, bác sĩ kiểm tra thực quản, dạ dày và tá tràng bằng cách sử dụng một nội soi
  • Khám sức khỏe. Nếu cần thiết, kiểm tra tổng quát và xét nghiệm máu có thể được thực hiện để cố gắng xác định bất kỳ tình trạng y tế tiềm ẩn nào có thể gây ra bệnh tưa miệng ở thực quản.

Điều trị

Mục tiêu của bất kỳ phương pháp điều trị tưa miệng nào là ngăn chặn sự lây lan nhanh chóng của nấm, nhưng cách điều trị tốt nhất có thể phụ thuộc vào tuổi tác, tình trạng sức khỏe của bạn và nguyên nhân gây nhiễm trùng. Loại bỏ các nguyên nhân có thể giúp ngăn ngừa tái phát.

Người lớn và trẻ em khỏe mạnh

Bác sĩ có thể đề nghị dùng thuốc chống nấm. Thuốc có nhiều dạng, bao gồm viên ngậm, viên nén hoặc chất lỏng có thể ngậm trong miệng sau đó nuốt. Nếu các loại thuốc tại chỗ này không hiệu quả, thuốc có tác dụng toàn thân sẽ được sử dụng.

Trẻ sơ sinh và phụ nữ cho con bú

Nếu bạn đang cho con bú và em bé của bạn bị tưa miệng, bạn và em bé của bạn có thể truyền bệnh qua lại lẫn nhau. Bác sĩ có thể kê toa một loại thuốc chống nấm nhẹ cho em bé của bạn và một loại kem chống nấm cho phần ngực của bạn.

Người lớn có hệ miễn dịch yếu

Thông thường bác sĩ sẽ khuyên dùng thuốc chống nấm.

Bệnh tưa miệng có thể quay trở lại ngay cả sau khi được điều trị nếu nguyên nhân gây bệnh không được giải quyết, chẳng hạn như răng giả không được khử trùng tốt hoặc sử dụng steroid dạng hít.

Lối sống và biện pháp khắc phục tại nhà

Những mẹo nhỏ này có thể giúp ích trong quá trình bùng phát bệnh tưa miệng:

  • Vệ sinh răng miệng tốt. Chải và dùng chỉ nha khoa thường xuyên. Thay bàn chải đánh răng của bạn thường xuyên cho đến khi hết nhiễm nấm. Không được dùng chung bàn chải đánh răng.
  • Khử trùng răng giả. Hãy hỏi nha sĩ của bạn cách tốt nhất để khử trùng răng giả để tránh tái nhiễm.
  • Hãy thử xúc miệng bằng nước muối ấm. Hòa tan khoảng 1/2 muỗng cà phê (2,5 ml) muối trong 1 cốc (237 ml) nước ấm. Xúc miệng rồi nhổ ra, nhưng đừng nuốt.
  • Sử dụng miếng lót thấm sữa (nursing pads). Nếu bạn đang cho con bú và bị nhiễm nấm, hãy sử dụng miếng lót để giúp ngăn nấm lây lan sang quần áo của bạn. Mặc áo ngực sạch mỗi ngày. Hỏi bác sĩ về cách tốt nhất để làm sạch núm vú, núm vú, núm vú giả và bất kỳ bộ phận nào có thể tháo rời của máy hút sữa nếu bạn sử dụng.

Vài điều về tác giá

Dr. Hung

Thích viết, đam mê chia sẻ kiến thức đến cộng đồng và mong muốn mọi người đều có kiến thức cơ bản để chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như người thân. Ngoài ra còn thích nghe nhạc trữ tình, làm đồ handmade...

Leave a Comment